Trung Quốc đang vươn lên thành một cường quốc toàn cầu nhưng vị tri của các chính sách ngoại giao trong hệ thống chính trị của nước này còn rất thấp.
Các ủy viên thường trực Bộ chính trị Trung Quốc. |
Hôm 16/3, chính phủ mới của Trung Quốc do tân Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, đã thông báo thành phần của lực lượng ngoại giao nước này.
Ông Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Trung Quốc từ năm 2007, được trở thành Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách về Ngoại giao. Người kế nhiệm ông Dương Khiết Trì, ông Vương Nghị từng chịu trách nhiệm về quan hệ giữa Trung Quốc với Đài
Đối với phương Tây, việc cả ông Dương Khiết Trì và ông Vương Nghị đều không nằm trong số 25 thành viên của Bộ chính trị chứng tỏ các nhà ngoại giao không thuộc trung tâm quyền lực của chính trường Trung Quốc. Không ai trong số các ủy viên thường trực Bộ chính trị - Cơ quan quyền lực nhất trong đó có ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường – là chuyên gia về chính sách ngoại giao.
Các nhà quan sát tình hình Trung Quốc có xu hướng đề cao quá mức sự tinh vi về chính sách ngoại giao và tham vọng của Trung Quốc nhưng sự thật là Trung Quốc có chính sách ngoại giao rất kém cỏi. Mặc dù dư luận bên ngoài vẫn coi Trung Quốc là một người khổng lồ và là mối đe dọa đang lên, nhưng trên thực tế phần lớn các nhà lãnh đạo Trung Quốc là những chính trị gia luôn trong tâm trạng lo sợ, bất an và thiếu chắc chắn về cách thức xử lý những căng thẳng không thể tránh khỏi trong quá trình vươn lên nhanh chóng của nước này trên trường quốc tế. Đối với những nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, thách thức đầu tiên sẽ là làm thế nào để lấp lỗ hổng về chính sách ngoại giao và làm thế nào để chọn lựa giữa chủ nghĩa dân tộc và xu thế toàn cầu hóa.
Dư luận quốc tế vẫn dùng những từ như “hiếu chiến”, “kiên quyết” và “ngạo mạn” để mô tả chính sách ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt trong cuộc khẩu chiến của nước này với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của một quốc gia nên được đánh giá dựa trên hành động cũng như luận điệu của quốc gia đó. Khi xem xét kĩ các chính sách và hành động của Trung Quốc, chúng ta có thể thấy thực ra chính sách của nước này đầy mâu thuẫn, nếu không muốn nói là yếu ớt. Bắc Kinh không có chính sách ngoại giao rõ ràng và có tổ chức tốt về nhiều vấn đề, từ vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển, vấn đề Triều Tiên cho tới vấn đề biến đổi khí hậu. Luận điệu cứng rắn thường được dùng để bù đắp cho các chính sách yếu ớt và không mạch lạc.
Một phần vì thiếu chính sách ngoại giao rõ ràng mà Trung Quốc không có tầm ảnh hưởng mang tính quyết định đối với các đồng minh chiến lược phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ của nước này như Triều Tiên, Myanmar và Pakistan. Ví dụ mới nhất là việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân và quyết định hủy bỏ lệnh ngừng bắn năm 1953 chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Nếu một quốc gia không có một chính sách ngoại giao rõ ràng thì nước đó sẽ không biết sử dụng quyền lực của mình vào lúc nào, ở đâu và như thế nào.
Trung Quốc có một nền ngoại giao yếu ớt. |
Đằng sau lỗ hổng về chính sách ngoại giao là cuộc khủng hoảng về “danh phận” của Trung Quốc.
Trước hết, Bắc Kinh chưa sẵn sàng để thể hiện vai trò lớn hơn trên bàn cờ thế giới theo như sự mong đợi của các quốc gia khác. Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên dẫn dắt một đất nước Trung Quốc với tư cách là thành viên đầy đủ của hệ thống quốc tế. Bắc Kinh vẫn cần thêm thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với vị thế mới là một cường quốc thế giới và thích nghi với những chuyển biến nhanh chóng về kinh tế, xã hội và văn hóa mà nước này trải qua trong những thập kỷ gần đây.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đang đối mặt với cuộc xung đột lớn giữa nền chính trị trong nước và chính sách ngoại giao. Giới lãnh đạo Trung Quốc thực thi chiến lược thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc để bảo vệ tính hợp pháp cho quyền lãnh đạo của mình đồng thời củng cố sự đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, chính chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến và có phần thô thiển khiến chính quyền Trung Quốc ngày càng trở nên thiếu tính hợp tác cũng như tính chuyên nghiệp về mặt quan hệ ngoại giao.
Kể từ khi chuyển sang nền kinh tế theo cơ chế thị trường, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng chủ nghĩa dân tộc làm cơ sở cho sự lãnh đạo của mình. Chiến dịch “giáo dục lòng yêu nước” của Trung Quốc tập trung vào lịch sử của nước này hồi thế kỷ 19 bị phương Tây làm “bẽ mặt” và Trung Quốc khi đó là một quốc gia yếu ớt, bị “chia năm xẻ bảy”.
Trong khi đó, Trung Quốc lại đón nhận xu thế toàn cầu hóa một cách rất tích cực. Ngay cả trước khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hồi năm 2001, Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa. Thặng dư thương mại và nguồn dự trữ ngoại tệ lớn - đặc biệt là đồng đô la Mỹ - đã giúp chính phủ Trung Quốc có nguồn lực khổng lồ để thực nhiện nhiều nhiệm vụ từ chương trình kích thích tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho tới giải quyết tình trạng rối ren trong nước.
Có khả năng giới lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ sử dụng chủ nghĩa dân tộc trong chính sách ngoại giao để xoa dịu các vấn đề trong nước. Hiện Trung Quốc gặp rất nhiều rắc rối nội tại, từ nạn tham nhũng cho tới tình trạng kinh tế tăng trưởng giảm sút. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải hiểu rõ hậu quả của con đường sử dụng chủ nghĩa dân tộc.
Hiện Trung Quốc đang lệ thuộc rất lớn vào thị trường, nguồn lực, nguồn đầu tư và công nghệ của thế giới. Nếu chính sách ngoại giao đi theo con đường dân tộc chủ nghĩa và cứng rắn thì Trung Quốc sẽ không tránh khỏi xung đột và đối đầu trực tiếp hay thậm chí là chiến tranh với các nước láng giềng. Một kết cục như vậy sẽ cản trở Trung Quốc tiến tới vị thế của một cường quốc trên trường quốc tế tương xứng với sự giàu có của nước này.