Tham Khảo
Trừng phạt kinh tế (Economic sanctions)
Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Trừng phạt kinh tế là việc một hoặc một nhóm các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế sử dụng hoặc đe dọa sử dụng các biện pháp kinh tế và tài chính nhằm gây nên phí tổn cho quốc gia bị trừng phạt, qua đó gây sức ép buộc quốc gia đó thực hiện những chính sách nhất định. Ví dụ, Liên minh Châu Âu đã từng đe dọa áp thuế nhập khẩu cao đối với các hàng hóa Mỹ nhập vào Châu Âu nhằm buộc chính phủ Mỹ giảm các khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất thép nước này, vốn mang lại những lợi thế bất bình đẳng cho các nhà sản xuất thép Mỹ so với các nhà sản xuất thép Châu Âu. Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây cũng áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với một loạt nước như Cuba, Iran, Myanmar… nhằm làm suy yếu chính quyền các nước này hoặc buộc họ tiến hành các thay đổi trong chính sách đối nội hoặc đối ngoại theo hướng nhất định.
Nhiều người cho rằng trừng phạt kinh tế là một biện pháp hòa bình và hữu hiệu nhằm thực thi luật pháp quốc tế. Theo Điều 41 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an có thể kêu gọi các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp ngoài sử dụng vũ lực nhằm giúp thực thi các quyết định của Hội đồng. Nhìn chung các biện pháp trừng phạt kinh tế thường bao gồm việc cắt đứt thương mại và đầu tư, ngăn quốc gia bị trừng phạt mua hoặc bán một số mặt hàng nhất định trên thị trường thế giới. Theo đó, các biện pháp trừng phạt có thể tập trung vào một số mặt hàng nhất định, như vũ khí hay dầu lửa. Ngoài ra, các quốc gia bị trừng phạt có thể bị cắt đứt các tuyến đường không, tạm ngưng hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao, bị phong tỏa tài khoản quốc gia ở nước ngoài, hoặc các quan chức của chính quyền có thể bị cấm nhập cảnh vào một số quốc gia nhất định.
Các lệnh trừng phạt kinh tế có thể được tiến hành một cách đơn phương hoặc đa phương. Ví dụ Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đơn phương đối với Cuba, Iraq, Lybia hay Iran. Các lệnh trừng phạt đơn phương thường gây nên một số tác động cho nước ra lệnh trừng phạt cũng như nước bị trừng phạt. Ví dụ trong trường hợp Cuba, không những nền kinh tế Cuba bị ảnh hưởng tiêu cực từ lệnh trừng phạt mà một số công ty Mỹ cũng bị ảnh hưởng vì mất cơ hội đầu tư, buôn bán với Cuba vào tay các công ty đối thủ, đặc biệt là các công ty đến từ Châu Âu. Điều này bắt nguồn từ việc trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, các quốc gia có thể dễ dàng tìm kiếm các nguồn hàng hóa nhập khẩu thay thế cho nguồn hàng đến từ quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, các lệnh trừng phạt đơn phương cũng khó giành được sự ủng hộ quốc tế, một yếu tố góp phần làm suy yếu tác dụng của các lệnh trừng phạt này.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt kinh tế đa phương có thể được áp đặt bởi các tổ chức quốc tế, điển hình như Liên Hiệp Quốc. Trước năm 1990, Liên Hiệp Quốc chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế hai lần đối với Nam Rhodesia (bây giờ là Zimbabwe) và Nam Phi, đều nhằm gây sức ép xóa bỏ chế độ apartheid ở các quốc gia này. Thực tế đáng ngạc nhiên là các lệnh trừng phạt này tương đối hiệu quả. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Hiệp Quốc đã áp dụng một loạt lệnh trừng phạt kinh tế với hơn mười quốc gia khác nhau, tiêu biểu như Iraq (1990), Nam Tư cũ (1991), Libya, Somalia, và Liberia (1992), Haiti và Angola (1993), Rwanda (1994), Sudan và Burundi (1996), hay Sierra Leone (1997)… Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp các lệnh trừng phạt này đều phát huy tác dụng. Thực tế này đã làm dấy lên những tranh luận xoay quanh tính hữu ích và sự phù hợp của các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Thứ nhất, các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể phản tác dụng khi giúp chính quyền các nước bị trừng phạt kích thích tinh thần dân tộc, giành được sự ủng hộ nhiều hơn của người dân, hoặc mang lại cho chính phủ các nước này một lý do biện minh cho tình trạng kém cỏi của chính quyền và sự suy yếu của nền kinh tế trong nước.
Thứ hai, các lệnh trừng phạt này chủ yếu nhắm vào giới lãnh đạo của các quốc gia bị ảnh hưởng, nhưng thực tế những người dân thường vô tội mới là đối tượng bị tác động mạnh nhất. Các biện pháp trừng phạt làm cho nền kinh tế các nước này rơi vào khó khăn, cô lập, người dân không có công ăn việc làm, các loại hàng hóa trở nên khan hiếm, đắt đỏ, thậm chí người dân có thể không mua được những loại hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm. Điều này đã làm nhiều người phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế do những tác động tiêu cực mà nó gây ra đối với các thường dân vô tội.
Thứ ba, các biện pháp trừng phạt kinh tế muốn có hiệu lực đầy đủ đòi hỏi phải có sự hợp tác và tự nguyện chấp hành của các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra. Một mặt, trong nhiều trường hợp các lệnh trừng phạt được áp đặt nhằm phục vụ lợi ích một số các quốc gia, khiến cho chúng được đánh giá là thiếu công bằng và dựa trên những định kiến. Ví dụ, trong khi Iraq bị trừng phạt vì xâm lược Kuwait thì một số các quốc gia khác như Israel, Marốc hay Indonesia lại thoát được các lệnh trừng phạt khi xâm lược các nước láng giềng. Mặt khác, các lệnh trừng phạt có thể gây nên thiệt hại cho các nước khác bên ngoài quốc gia mục tiêu, đặc biệt là các quốc gia láng giềng hay các đối tác thương mại lớn của quốc gia đó khi họ bị mất thị trường xuất khẩu, nguồn thu ngân sách hay công ăn việc làm của người dân. Chính vì vậy, các lệnh trừng phạt kinh tế thường khó nhận được sự ủng hộ rộng rãi và đồng nhất của các quốc gia thành viên cộng đồng quốc tế. Ví dụ, trong khi Mỹ và các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Myanmar hay Iraq dưới thời chính quyền Saddam Hussein thì các công ty của Trung Quốc lại nhân cơ hội này để khai thác các lợi ích kinh tế ở các quốc gia này mà không gặp phải sự cạnh tranh của các công ty Mỹ và phương Tây, đồng thời khiến cho các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Myanmar và Iraq không thể phát huy tác dụng.
Chính vì vậy có thể nói các biện pháp trừng phạt kinh tế chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi có được sự đồng thuận chính trị rộng rãi giữa các quốc gia và những quốc gia khác bị ảnh hưởng gián tiếp bởi lệnh trừng phạt phải được đền bù lợi ích một cách thích đáng thông qua những hình thức khác nhau. Mặt khác, nhiều nhà phê bình cho rằng thay vì tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế, cộng đồng quốc tế nên khuyến khích các trao đổi kinh tế với quốc gia mục tiêu bởi các trao đổi kinh tế có thể thúc đẩy việc hình thành các hệ thống kinh tế và chính trị cởi mở hơn ở các quốc gia này. Những lập luận như vậy càng mang lại nhiều phản đối hơn đối với các lệnh trừng phạt kinh tế và cũng là một phần nguyên nhân lý giải cho sự thất bại của đa số các lệnh trừng phạt kinh tế từ trước tới nay.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
Trừng phạt kinh tế (Economic sanctions)
Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Trừng phạt kinh tế là việc một hoặc một nhóm các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế sử dụng hoặc đe dọa sử dụng các biện pháp kinh tế và tài chính nhằm gây nên phí tổn cho quốc gia bị trừng phạt, qua đó gây sức ép buộc quốc gia đó thực hiện những chính sách nhất định. Ví dụ, Liên minh Châu Âu đã từng đe dọa áp thuế nhập khẩu cao đối với các hàng hóa Mỹ nhập vào Châu Âu nhằm buộc chính phủ Mỹ giảm các khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất thép nước này, vốn mang lại những lợi thế bất bình đẳng cho các nhà sản xuất thép Mỹ so với các nhà sản xuất thép Châu Âu. Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây cũng áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với một loạt nước như Cuba, Iran, Myanmar… nhằm làm suy yếu chính quyền các nước này hoặc buộc họ tiến hành các thay đổi trong chính sách đối nội hoặc đối ngoại theo hướng nhất định.
Nhiều người cho rằng trừng phạt kinh tế là một biện pháp hòa bình và hữu hiệu nhằm thực thi luật pháp quốc tế. Theo Điều 41 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an có thể kêu gọi các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp ngoài sử dụng vũ lực nhằm giúp thực thi các quyết định của Hội đồng. Nhìn chung các biện pháp trừng phạt kinh tế thường bao gồm việc cắt đứt thương mại và đầu tư, ngăn quốc gia bị trừng phạt mua hoặc bán một số mặt hàng nhất định trên thị trường thế giới. Theo đó, các biện pháp trừng phạt có thể tập trung vào một số mặt hàng nhất định, như vũ khí hay dầu lửa. Ngoài ra, các quốc gia bị trừng phạt có thể bị cắt đứt các tuyến đường không, tạm ngưng hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao, bị phong tỏa tài khoản quốc gia ở nước ngoài, hoặc các quan chức của chính quyền có thể bị cấm nhập cảnh vào một số quốc gia nhất định.
Các lệnh trừng phạt kinh tế có thể được tiến hành một cách đơn phương hoặc đa phương. Ví dụ Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đơn phương đối với Cuba, Iraq, Lybia hay Iran. Các lệnh trừng phạt đơn phương thường gây nên một số tác động cho nước ra lệnh trừng phạt cũng như nước bị trừng phạt. Ví dụ trong trường hợp Cuba, không những nền kinh tế Cuba bị ảnh hưởng tiêu cực từ lệnh trừng phạt mà một số công ty Mỹ cũng bị ảnh hưởng vì mất cơ hội đầu tư, buôn bán với Cuba vào tay các công ty đối thủ, đặc biệt là các công ty đến từ Châu Âu. Điều này bắt nguồn từ việc trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, các quốc gia có thể dễ dàng tìm kiếm các nguồn hàng hóa nhập khẩu thay thế cho nguồn hàng đến từ quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, các lệnh trừng phạt đơn phương cũng khó giành được sự ủng hộ quốc tế, một yếu tố góp phần làm suy yếu tác dụng của các lệnh trừng phạt này.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt kinh tế đa phương có thể được áp đặt bởi các tổ chức quốc tế, điển hình như Liên Hiệp Quốc. Trước năm 1990, Liên Hiệp Quốc chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế hai lần đối với Nam Rhodesia (bây giờ là Zimbabwe) và Nam Phi, đều nhằm gây sức ép xóa bỏ chế độ apartheid ở các quốc gia này. Thực tế đáng ngạc nhiên là các lệnh trừng phạt này tương đối hiệu quả. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Hiệp Quốc đã áp dụng một loạt lệnh trừng phạt kinh tế với hơn mười quốc gia khác nhau, tiêu biểu như Iraq (1990), Nam Tư cũ (1991), Libya, Somalia, và Liberia (1992), Haiti và Angola (1993), Rwanda (1994), Sudan và Burundi (1996), hay Sierra Leone (1997)… Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp các lệnh trừng phạt này đều phát huy tác dụng. Thực tế này đã làm dấy lên những tranh luận xoay quanh tính hữu ích và sự phù hợp của các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Thứ nhất, các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể phản tác dụng khi giúp chính quyền các nước bị trừng phạt kích thích tinh thần dân tộc, giành được sự ủng hộ nhiều hơn của người dân, hoặc mang lại cho chính phủ các nước này một lý do biện minh cho tình trạng kém cỏi của chính quyền và sự suy yếu của nền kinh tế trong nước.
Thứ hai, các lệnh trừng phạt này chủ yếu nhắm vào giới lãnh đạo của các quốc gia bị ảnh hưởng, nhưng thực tế những người dân thường vô tội mới là đối tượng bị tác động mạnh nhất. Các biện pháp trừng phạt làm cho nền kinh tế các nước này rơi vào khó khăn, cô lập, người dân không có công ăn việc làm, các loại hàng hóa trở nên khan hiếm, đắt đỏ, thậm chí người dân có thể không mua được những loại hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm. Điều này đã làm nhiều người phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế do những tác động tiêu cực mà nó gây ra đối với các thường dân vô tội.
Thứ ba, các biện pháp trừng phạt kinh tế muốn có hiệu lực đầy đủ đòi hỏi phải có sự hợp tác và tự nguyện chấp hành của các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra. Một mặt, trong nhiều trường hợp các lệnh trừng phạt được áp đặt nhằm phục vụ lợi ích một số các quốc gia, khiến cho chúng được đánh giá là thiếu công bằng và dựa trên những định kiến. Ví dụ, trong khi Iraq bị trừng phạt vì xâm lược Kuwait thì một số các quốc gia khác như Israel, Marốc hay Indonesia lại thoát được các lệnh trừng phạt khi xâm lược các nước láng giềng. Mặt khác, các lệnh trừng phạt có thể gây nên thiệt hại cho các nước khác bên ngoài quốc gia mục tiêu, đặc biệt là các quốc gia láng giềng hay các đối tác thương mại lớn của quốc gia đó khi họ bị mất thị trường xuất khẩu, nguồn thu ngân sách hay công ăn việc làm của người dân. Chính vì vậy, các lệnh trừng phạt kinh tế thường khó nhận được sự ủng hộ rộng rãi và đồng nhất của các quốc gia thành viên cộng đồng quốc tế. Ví dụ, trong khi Mỹ và các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Myanmar hay Iraq dưới thời chính quyền Saddam Hussein thì các công ty của Trung Quốc lại nhân cơ hội này để khai thác các lợi ích kinh tế ở các quốc gia này mà không gặp phải sự cạnh tranh của các công ty Mỹ và phương Tây, đồng thời khiến cho các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Myanmar và Iraq không thể phát huy tác dụng.
Chính vì vậy có thể nói các biện pháp trừng phạt kinh tế chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi có được sự đồng thuận chính trị rộng rãi giữa các quốc gia và những quốc gia khác bị ảnh hưởng gián tiếp bởi lệnh trừng phạt phải được đền bù lợi ích một cách thích đáng thông qua những hình thức khác nhau. Mặt khác, nhiều nhà phê bình cho rằng thay vì tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế, cộng đồng quốc tế nên khuyến khích các trao đổi kinh tế với quốc gia mục tiêu bởi các trao đổi kinh tế có thể thúc đẩy việc hình thành các hệ thống kinh tế và chính trị cởi mở hơn ở các quốc gia này. Những lập luận như vậy càng mang lại nhiều phản đối hơn đối với các lệnh trừng phạt kinh tế và cũng là một phần nguyên nhân lý giải cho sự thất bại của đa số các lệnh trừng phạt kinh tế từ trước tới nay.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).