Theo Báo cáo công tác báo chí năm 2012, do Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn trình bày tại Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2013,
Theo Báo cáo công tác báo chí năm 2012, do Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn trình bày tại Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2013, “tính đến tháng 2/2013, số lượng cơ quan báo in trên cả nước là 812 với 1084 ấn phẩm. Trong đó, có 197 tờ báo in (84 báo Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể, 113 báo địa phương). Trong lĩnh vực thông tin điện tử, 336 mạng xã hội, 1174 trang thông tin điện tử tổng hợp. Cả nước hiện có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 02 đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, 01 đài của ngành (Đài Truyền hình KTS VTC); 64 đài phát thanh và truyền hình địa phương với 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình (99 kênh truyền hình, 73 kênh phát thanh) Về đội ngũ cán bộ báo chí, cả nước hiện có gần 17000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ, 19000 Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, sinh hoạt tại các chi hội, liên chi hội...”.
Nghe quen quen? Đó là bởi vì mẫu câu này về căn bản vẫn được giữ nguyên qua các năm, chỉ có con số thay đổi chút đỉnh. Ví dụ như năm 2012:
“Truyền thông đại chúng nói chung, báo chí nói riêng hiện nay ở nước ta chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, về số lượng, về loại hình như ngày nay. Tính đến tháng 3/2012 nước ta có 786 cơ quan báo chí in (184 báo in, trên 592 tạp chí) với 1016 ấn phẩm trong đó báo có 194 cơ quan gồm 81 báo Trung ương, 113 báo địa phương; tạp chí có 592 cơ quan (475 tạp chí Trung ương và 117 tạp chí địa phương; 1 hãng thông tấn quốc gia; 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia; 1 đài truyền hình ngành; 64 đài phát thanh, truyền hình thành phố, 47 đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp, 9 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp. Trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp...”.
Và thống kê của năm 2011:
“Tính đến tháng 3/2011, trên lĩnh vực báo in, cả nước có 745 cơ quan báo chí với 1003 ấn phẩm. Ở lĩnh vực phát thanh và truyền hình, có 67 đài phát thanh, truyền hình gồm 3 đài phát thanh, truyền hình ở trung ương (VOV, VTV, VTC), và 64 đài phát thanh-truyền hình ở các địa phương với 200 kênh sản xuất trong nước và 67 kênh nước ngoài. Trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 46 báo điện tử và tạp chí điện tử, 287 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng nghìn trang tin điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp. Cũng tính đến tháng 3/2001, cả nước có gần 17.000 người đã được cấp thẻ nhà báo và trên 5.000 người đang hoạt động báo chí nhưng chưa có thẻ, trong đó nhiều phóng viên, biên tập viên có trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ khá”.
Đây là những thông tin thường được Đảng và Nhà nước Việt Nam, thông qua báo chí chính thống và mạng lưới dư luận viên, đưa ra mỗi khi cần dẫn bằng chứng cho tự do báo chí ở Việt Nam. Điều này có lẽ xuất phát từ một đặc điểm tâm lý chung của những người cộng sản là rất thích con số, thích sự “lượng hoá” để làm bằng chứng, kiểu như GDP mỗi năm tăng trưởng 7%, hay thu nhập đầu người ở Việt Nam tính trung bình là xyz USD/năm kể từ năm abc, hoặc lượng hoá một cách thô thiển nữa thì thành kiểu “ba phe, bốn mâu thuẫn”, “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”…
Có vấn đề là Đảng và Nhà nước lại chỉ sử dụng con số cơ quan báo chí và số lượng nhà báo hoạt động như là bằng chứng rõ nhất và duy nhất cho tự do báo chí ở Việt Nam, còn các cơ quan và con người đó hoạt động như thế nào thì lại không nói đến.
Công khai chỉ đạo trong bí mật
Hàng tuần tại Hà Nội và TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành uỷ, cùng đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông và cơ quan an ninh, đều tổ chức một cuộc họp với tất cả tổng biên tập các tờ báo quan trọng (mức độ quan trọng là do Ban Tuyên giáo đánh giá). Ở các tỉnh, thành khác, cơ quan tuyên giáo địa phương cũng có hoạt động tương tự vào thời gian tuỳ họ ấn định.
Cuộc họp này được gọi một cách tế nhị là “giao ban báo chí hàng tuần”, còn thực chất nó là một buổi “định hướng thông tin tuyên truyền”, trong đó, đại diện Ban Tuyên giáo sẽ nhận xét các báo tuần qua làm gì tốt (thì biểu dương), làm gì chưa tốt hoặc sai phạm (thì xử phạt); tuần tới thì sẽ tập trung làm gì và chú ý đừng làm gì. Người được mời dự họp là các tổng biên tập hoặc đại diện có thẩm quyền của các báo, và tất nhiên, 100% phải là đảng viên.
Việc tiến hành những cuộc họp như thế thực sự là hành động xoa đầu, răn dạy, kết hợp đe dọa và trấn áp báo chí, và dĩ nhiên là chẳng theo một quy định pháp luật nào: Thật là chối tỉ khi toàn bộ hệ thống báo chí đều bị coi là “lực lượng tuyên truyền” và do một đảng chính trị đứng ra chỉ đạo, định hướng. Có lẽ Đảng cũng tự thấy rõ việc này là khó chấp nhận, là giẫm lên luật pháp và nguyên tắc báo chí, cho nên ở đây có một việc rất buồn cười là: Một mặt họ yêu cầu tất cả “các đồng chí lãnh đạo cơ quan báo chí” phải quán triệt các định hướng của họ đến anh chị em phóng viên ở toà soạn, nhưng mặt khác họ lại cũng yêu cầu các báo phải tuyệt đối giữ kín chuyện Đảng đứng ra chỉ đạo báo chí, tuyệt đối không bàn đến, không để rò rỉ thông tin ra bên ngoài, nhất là cho các thế lực thù địch, rằng “có một cuộc họp như thế” mỗi tuần ở Hà Nội và TP.HCM.
Biên bản ghi chép một cuộc họp giao ban báo chí như thế vào ngày 29/3/2011 đã bị rò rỉ ra lề trái, với một số chỉ đạo nổi bật như: Không đưa tin về việc diễn viên Hồng Ánh tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội; sắp tới sẽ xét xử vụ Cù Huy Hà Vũ, đề nghị khi nhắc về con người này thì không đưa danh vị tiến sĩ và chức danh luật sư; không nhắc đến vụ chìm tàu tại Hạ Long để tránh ảnh hưởng đến du lịch của đất nước; không đưa tin các vấn đề liên quan đến nhà máy điện nguyên tử của Việt Nam, v.v.
Vị lãnh đạo cơ quan báo chí đứng tên trên văn bản (Phó Giám đốc Truyền hình Kỹ thuật số VTC, ông Vũ Quang Huy) và vài nhân viên liên quan được một phen tá hoả vì sợ bị truy cứu trách nhiệm. Rút kinh nghiệm vụ này, sát trước phiên toà xử ông Cù Huy Hà Vũ, phóng viên nội chính của các tờ báo lớn đều nhận được một văn bản không tiêu đề, không tên người gửi, không cơ quan, không con dấu, chỉ thị rõ các báo đưa tin theo hướng phản ánh tính nghiêm minh của phiên toà và sự xác đáng của bản án, “không mở rộng bình luận”, “không gọi bị cáo là tiến sĩ vì có thể bị cáo lợi dụng”, v.v.
Tháng 12-2012, tại một cuộc họp giao ban báo chí định kỳ, ông Nguyễn Thế Kỷ, ban Tuyên giáo Trung ương, đã quở trách báo chí đưa tin “không đúng” về sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam. Theo ông Kỷ, phía Trung Quốc chỉ là “vô tình gây đứt cáp” chứ không có ý cắt cáp, phá hoại “ta”. (Trên thực tế, những người có chuyên môn, chẳng hạn một số kỹ sư ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Petrovietnam, đều khẳng định rằng không có chuyện Trung Quốc vô tình). Điều đáng chú ý là băng ghi âm ghi lại bài khiển trách của ông Kỷ đã bị tuồn lên mạng, sau đó tờ báo hải ngoại bị coi như “đài địch” là BBC Việt Ngữ liên hệ với ông Kỷ đề nghị phỏng vấn – ông bèn nói tránh rằng mình chỉ “trao đổi nghiệp vụ” với các báo mà thôi. Cả ông Kỷ và Ban Tuyên giáo đều không hài lòng trước việc bị lộ “hoạt động định hướng thông tin tuyên truyền”. Nghe nói (cũng chỉ là “nghe nói”) vào buổi họp giao ban tuần tiếp theo, họ tỏ ra rất cảnh giác trước nguy cơ bị ghi âm, có lẽ chỉ còn thiếu nước khám người tất cả các tổng biên tập và đại diện toà báo tham dự họp để kiểm tra xem có gài thiết bị ghi âm hay không.
Chỉ đạo qua điện thoại, tin nhắn
“Các báo chú ý: Ngày mai, 1/7, là ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các báo tuyệt đối không đưa tin về biểu tình, về tranh chấp chủ quyền Việt Nam-Trung Quốc”. Tin nhắn này, đề ngày 30/6/2012, chỉ là một trong vô số tin nhắn truyền đạt mệnh lệnh của cơ quan quản lý báo chí đến lãnh đạo (tổng biên tập) các báo. Bên cạnh đó là các cú điện thoại của “trên”, ra các chỉ đạo “miệng”: Không đưa tin về vụ này, không làm đậm vụ kia, hạn chế đề tài nọ v.v. Thật là một cách chỉ đạo tuyệt vời khôn ngoan vì nó hiệu quả mà lại rất kín, không để lại văn bản, con dấu, chữ ký… chẳng có bằng chứng gì cho thấy các báo đã được/bị định hướng. Bọn “thế lực thù địch” có muốn rêu rao các luận điệu bôi nhọ, bêu xấu ta cũng chẳng được – bằng chứng đâu? Tất cả chỉ là vu khống.
Hơn ai hết, Đảng – mà đại diện ở đây là bộ máy tuyên giáo và an ninh – ý thức được sức mạnh của sự bí mật. Công khai, minh bạch là tự làm mất mặt mình, tự giết mình. Cũng từ đây, nảy sinh nguy cơ mà Đảng rất không thích và luôn đề cao cảnh giác, đó là sự hợp tác, bắt tay nhau giữa “lề phải” và “lề trái”, hành động tuồn thông tin từ các nhà báo “chính thống” sang giới blogger để blogger tung lên mạng.
2
Như đã nói trong
, “hơn ai hết, Đảng – mà đại diện ở đây là bộ máy tuyên giáo và an ninh – ý thức được sức mạnh của sự bí mật. Công khai, minh bạch là tự làm mất mặt mình, tự giết mình”. Chính vì vậy, để bảo vệ chế độ, điều tối quan trọng là phải bảo đảm… bí mật, từ bí mật công tác đến an ninh quốc gia. Để làm được điều đó, nguyên tắc căn bản chỉ là “làm tốt công tác tư tưởng” và quản lý báo chí thật chặt chẽ, sát sao.
Nhưng đến khi Internet và nhất là mạng xã hội xuất hiện, thì nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn. Từ đây, bộ máy tuyên giáo và an ninh vừa phải quản lý báo chí chính thống, vừa phải kiểm soát truyền thông “phi chính thống”, tức thế giới mạng.
Duy trì chế độ thẻ nhà báo
Một phương thức tinh vi để kiểm soát báo chí dưới mỹ từ “quản lý” là sử dụng chế độ thẻ nhà báo. Sáng kiến này được áp dụng đã từ lâu, tới năm 2007 thì được luật hoá trong một thông tin gọi là Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo, Bộ Văn hóa - Thông tin, ngày 20/3/2007. Theo đó, người được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:
a) Tốt nghiệp đại học; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang công tác tại cơ quan báo chí miền núi hoặc chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
b) Có thời gian công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí đề nghị cấp Thẻ từ ba năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp thẻ;
c) Hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan báo chí phân công;
d) Không vi phạm quy định về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp báo chí; không bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm xét cấp thẻ;
e) Ðược cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Văn hóa - Thông tin (đối với báo chí các tỉnh, thành phố) và Hội Nhà báo cùng cấp thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo.
Các điều kiện trên (trừ khoản a) đều khó thực hiện trong thực tế. Xét bản chất, nghề báo là nghề có tính lưu động cao, các phóng viên “nhảy việc” gần như liên tục, khó mà có người “công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn (…) từ ba năm trở lên”. Cho nên khoản b là khó đáp ứng. Các khoản còn lại thì đương nhiên chỉ nhằm khuyến khích các phóng viên biết chấp hành, chịu khó tuân theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; không có chỗ cho những phóng viên sáng tạo, nhiệt huyết, có tinh thần phản biện và luôn luôn sẵn sàng “xé rào”, chống lại định hướng của Đảng. (Xin lưu ý, đạo đức nghề nghiệp báo chí, theo quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đưa ra tại Đại hội VIII Hội Nhà báo là: “Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.)
Riêng khoản e, “Được cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Văn hóa - Thông tin (đối với báo chí các tỉnh, thành phố) và Hội Nhà báo cùng cấp thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo” còn cho thấy sự nhập nhằng giữa khu vực nhà nước và khu vực xã hội dân sự. Báo chí về bản chất là một khái niệm thuộc về xã hội, và cơ quan báo chí không phải là cơ quan thực thi công vụ. Nhà nước không thể đứng ra cấp thẻ nhà báo để định danh cho người tiến hành hoạt động nghề nghiệp này; nói cách khác, Nhà nước không được lấn sân, chiếm lấy một lĩnh vực không phải của mình. Nhưng Nhà nước lại cứ giành lấy quyền ấy, thậm chí còn cẩn thận quy định rõ trong luật, rằng báo chí có nhiệm vụ “tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí…”.
Chính điều này dẫn đến việc nhiều nhà báo buộc phải “chấp nhận sự định hướng của một lực lượng mà năng lực truyền thông hẳn nhiên là thua xa họ” (trích “Giọt nước mắt của lề phải”).
“Nhà báo tự do” = phản động
Nhiều người thường nói rằng thẻ nhà báo chỉ là một cái thẻ, không quan trọng. Nhưng trên thực tế, nó rất quan trọng, vì trong luật pháp cũng như trong nhận thức của xã hội, nhà báo phải là người “đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo” (Điều 14 Luật Báo chí).
Người chưa/không được cấp thẻ thì không được công nhận là nhà báo. Từ đây dẫn đến việc họ đương nhiên bị gạt ra khỏi bất kỳ sự kiện nào mà ban tổ chức, cơ quan an ninh, chính quyền… không muốn bị báo chí biết. Ở rất nhiều hội thảo, hội nghị, sự kiện chính trị - xã hội, ban tổ chức luôn đặt điều kiện “phải có thẻ nhà báo” mới gửi giấy mời. Bằng cách này, ban tổ chức đã loại ra ngoài đông đảo phóng viên, là những người hoạt động báo chí y hệt như nhà báo nhưng không được cấp thẻ.
Công an, an ninh, hơn ai hết, là những người được quán triệt chặt chẽ rằng phải có thẻ do Nhà nước cấp mới được gọi là nhà báo, điều này đồng nghĩa với việc tất cả những người đang hoạt động báo chí mà không có thẻ thì đều là “phóng viên tự do”, “tự xưng/ mạo nhận”, và đều có thể bị ngăn chặn triệt để, không được phép tiếp cận thông tin. Ngày 30/10/2012, khi phóng viên Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Huyền Trang, bị công an đưa về đồn thẩm vấn, cô nói cô là phóng viên. Nhân viên công an liền quát: “Ai công nhận chúng mày là nhà báo hả? Thẻ tác nghiệp của chúng mày đâu? Một lũ ăn không ngồi rồi, rồi rủ nhau phản động hả?”.
Riêng trong hai năm 2011 và 2012, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ phóng viên bị đánh. Thủ phạm là lưu manh côn đồ, bảo vệ, vệ sĩ, công an, và cả dân thường. Nhưng trong tư duy của chính quyền, nạn nhân nếu chưa có thẻ thì không phải là nhà báo, do vậy sự việc không nghiêm trọng tương đương với “hành hung nhà báo.”
Với blogger, tình hình còn tệ hại hơn: Họ không những không được pháp luật bảo vệ mà ngược lại, còn bị xử lý. Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và tất cả các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do đều “không phải là nhà báo”, nên bị cơ quan công an, an ninh xua đuổi, đàn áp thẳng tay khi họ có mặt tại các điểm nóng để đưa tin, dù chỉ là lên blog của họ.
Một mặt, Đảng và Nhà nước xiết chặt việc “nắm tư tưởng”, “định hướng” báo chí chính thống. Mặt khác, Đảng và Nhà nước nhất định không công nhận blogger là nhà báo.
Làng báo chính thống và blog chính trị ở Việt Nam đều biết đến Trương Duy Nhất, người từng bỏ nghề báo để trở thành blogger, chủ trang mạng “Một góc nhìn khác”. Sau khi ông Nhất bị bắt ngày 26/5/2013, nhà báo Đức Hiển (Facebooker Bố Cu Hưng) bình luận trên Facebook cá nhân rằng “vấn đề của một nhà báo là phải có thông tin. Khi thiếu khả năng hoặc cơ hội tiếp cận thông tin thì góc nhìn nếu khác là chửi đổng mà nếu giống là a dua…”.
Cộng đồng FB và blog chính trị rộ lên một đợt chỉ trích nhà báo Đức Hiển. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của chính quyền thì ông Đức Hiển nói đúng. Khả năng và cơ hội tiếp cận thông tin chính là cái khác biệt giữa nhà báo và blogger, giữa nhà báo chính thống và nhà báo tự do. Blogger không thể nào có mặt ở các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng do Nhà nước tổ chức, không thể nào tham dự hội thảo, hội nghị quốc gia, quốc tế, không thể nào tiếp cận quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước. Và chính quyền ý thức được rằng phải khoét sâu vào điểm yếu ấy của blogger thì mới giữ nền báo chí công dân ở thế yếu hơn báo chí cách mạng được. Song song với đó là việc tạo cuộc chiến vô hình “lề phải – lề trái” để ngăn chặn mọi sự hợp tác, bắt tay nhau giữa nhà báo quốc doanh và nhà dân báo.
Thay cho lời kết
Để kết thúc hai bài viết sơ lược về tự do báo chí kiểu Việt Nam, xin sử dụng một đoạn hội thoại – thẩm vấn điển hình cho tư duy của chính quyền về báo chí và hoạt động của nhà báo trong chế độ xã hội chủ nghĩa:
AN: Anh Y. ạ, hiện chúng tôi đang làm rõ động cơ, mục đích đằng sau một số bài viết trên blog của anh.
Blogger: Tôi phản đối việc bắt giữ tuỳ tiện. Như tôi đã nói, các bài viết của tôi chỉ có mục đích xây dựng, đóng góp cho Đảng một ý kiến phản biện ôn hoà.
AN: Không ai cấm anh phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng. Nhưng anh có thể chọn những cách khác, hiệu quả hơn.
Blogger: Tôi không đồng ý. Thế nào là hiệu quả hơn? Tôi là blogger, tôi nói lên ý kiến của mình qua công cụ blog của tôi thì sao?
AN (cười độ lượng): Đấy, anh lại thế rồi. Tôi đã nói rồi, không ai cấm anh phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng cả. Nhưng mình là trí thức, là người có ăn có học, nói gì thì nói, phải có cơ sở anh ạ, phải có lý có lẽ, có thông tin, thuyết phục, chứ không phải thích gì nói nấy. Cứ thích thì nói nấy thì anh thành ra mấy cái đứa blogger phản động trên mạng à?
Blogger: Tôi là nhà báo. Tôi có cách tiếp cận và xử lý thông tin của tôi.
AN (nhấn mạnh): Anh không phải nhà báo. Anh làm gì có thẻ tác nghiệp, hả? Nhà báo tự do à? Điếu Cày à?
Blogger: Nhà báo thì sao mà không là nhà báo thì sao? Không lẽ chỉ nhà báo mới được viết? Mà luật nào cấm blogger được viết? Hiến pháp của chúng ta cũng đã quy định…
AN (ngắt lời): Khổ. Anh lại cực đoan rồi, anh Y. Tôi đã nói rất rõ là nói gì thì nói, viết gì thì viết, phải có thông tin xác thực, lập luận thuyết phục trên cơ sở xây dựng anh ạ. Anh xưng anh là nhà báo thì lại càng phải thế, phải có trách nhiệm với những gì mình viết chứ. Anh xem lại các bài viết của mình mà xem, toàn là những bài hết sức cực đoan, phiến diện vì thiếu thông tin.
Blogger: Thế anh nói “có những cách hiệu quả hơn để đóng góp ý kiến” là những cách gì?
AN: Nếu thực sự anh có tinh thần xây dựng, muốn đóng góp ý kiến xây dựng Đảng thì anh sẽ tìm ra cách. Thiếu gì cách. Ví dụ – đây là tôi lấy ví dụ thôi nhé – anh có thể gửi thư riêng đến các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Chứ ai lại đi đưa lên blog công cộng như thế cho mấy đứa trên mạng nó đọc, rồi nó lợi dụng, nó bàn ra tán vào này nọ. Mình thấy nó hưởng ứng mình, mình tưởng thế là hay, chứ thực ra bọn nó chỉ lợi dụng mình thôi. Anh xem đấy, đến lúc anh bị bắt thì đứa nào giúp anh? Từ giờ phút này là chỉ có anh mới cứu được anh thôi, anh Y…
http://www.phamdoantrang.com/2013/06/tu-do-bao-chi-kieu-viet-nam-ky-2.html