Tham Khảo

Vì sao Phật Giáo suy tàn tại Ấn Độ - Tác giả: D.C. Ahir

Vì có nhiều người thắc mắc việc Ðạo Phật biến mất trên đất Ấn Ðộ, nơi nó đã ra đời và lớn mạnh đến tuyệt đỉnh. Do đó, chúng tôi xin dịch bài này của tác giả là một người Ấn Ðộ, cũng là một người trưởng thành trong xã hôị Ấn Ðộ Giáo




Vì có nhiều người thắc mắc việc Ðạo Phật biến mất trên đất Ấn Ðộ, nơi nó đã ra đời và lớn mạnh đến tuyệt đỉnh. Do đó, chúng tôi xin dịch bài này của tác giả là một người Ấn Ðộ, cũng là một người trưởng thành trong xã hôị Ấn Ðộ Giáo, dưới quan điểm của một học giả hiện đại để cống hiến qúy vị.

Sự biến mất của Ðạo Phật ở Ấn Ðộ, nơi nó đã được sinh ra, trưởng thành và đạt đến những thành tựu cao nhất, là một hiện tượng đáng ngạc nhiên và đau lòng. Thế nào và tại sao Ðạo Phật đã không tồn tại lâu dài trong những người gần gũi nhất với nó là một vấn đề khó hiểu với nhiều ý kiến bất đồng. Quan điểm chung của các nhà học giả Ấn Ðộ là sự xao lãng và sa đọa trong đời sống Ðạo Ðức và Tâm Linh của giới tu sĩ Phật Giáo, Tăng cũng như Ni. Tuy nhiên nhìn dưới ánh sáng lịch sử, việc cho rằng sự xuống dốc về đạo đức của hàng ngũ Tăng Già Phật Giáo dường như là chuyện hoang đường không có những bằng chứng xác đáng. Nói như Swami Vivekananda rằng Phật Giáo phải chết, một cái chết tự nhiên trên đất Ấn Ðộ vì những đệ tử của Phật đã từ bỏ đấng Thượng Ðế vĩnh hằng ra khỏi đất nước cũng không đúng. Nếu đó là lý do thì tại sao Kỳ Na Giáo đã tồn tại trên đất Ấn khi Mahavira cũng không thừa nhận Thượng Ðế là đấng Tối Cao. Tín đồ Kỳ Na Giáo, cũng giống như Phật Giáo, không thừa nhận thẩm quyền của kinh điển Vệ Ðà. Vì vậy, đó không phải là lý do suy tàn của Phật Giáo trên đất Ấn.

Theo quan điểm của chúng tôi, Phật Giáo đã chết một cái chết không tự nhiên, và những nguyên do đưa đến sự biến mất của nó là những nguyên do bên ngoài hơn là bên trong. Không chỉ thế, một chiến dịch có hệ thống và tính toán đã được tiến hành vì quyền lợi ích kỷ của người Bà La Môn Giáo đã đẩy Phật Giáo ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của nó. Lý do là vì Ðức Phật đã lên án chế độ giai cấp và nhấn mạnh vào sự bình đẳng của mọi người. Trong khi đó tín đồ của Bà La Môn bằng mọi cách bảo vệ hệ thống giai cấp để bám lấy những ưu đãi của họ trong sự phân chia giai cấp đó, nhưng tín đồ Phật Giáo, không giống như tín đồ Kỳ Na Giáo, không chịu thỏa hiệp trên vấn đề nầy. Ðiều nầy đã đưa đến mâu thuẩn. Người Bà La Môn một mặt phát động chiến dịch chống Phật Giáo, ngược đãi tín đồ Phật Giáo, một mặt đem những điểm tốt của Phật Giáo vào hệ thống của họ để thuyết phục quần chúng. Những yếu tố ngoại tại, cộng với một vài sai lầm nội bộ đã nhanh chóng làm Phật Giáo suy tàn tại Ấn Ðộ.


XUNG ÐỘT GIỮA BÀ LA MÔN VÀ PHẬT GIÁO


Trước khi có Phật Giáo, Ấn Ðộ chưa từng biết đến những đạo lý về bình đẳng và tình huynh đệ. Theo Nguyên Nhân Ca(Purusha Suka) của kinh Lê Câu Phệ Ðà(Rig Veda), chủng tộc Bà La Môn sinh ra từ miệng, chủng tộc Sát Ðế Lợi (Kshatriya) sinh ra từ tay, chủng tộc Phệ Xá(Vaishya) sinh ra từ đùi, và chủng tộc Thủ Ðà La(Sudra) sinh ra từ bàn chân của Brahma là Thần Sáng Tạo. Xã hội này đặt nền tảng trên nguồn gốc thần thoại Chaturvarna và được quy định bằng nguyên lý phân biệt giai cấp; giai cấp Bà La Môn được xếp hàng đầu, tiếp đến là giai cấp Sát Ðế Lợi, Phệ Xà, và Thủ Ðà La là thấp nhất. Quy luật về sự phân biệt giai cấp cũng quy định những quyền lợi và ưu thế của họ. Ngay cả những hình phạt về sự phạm tội cũng được đặt trên nền tảng khác biệt giai cấp. Người Bà La Môn sẽ bị hình phạt nhẹ nhất và người thuộc giai cấp Thủ Ðà La sẽ bị hình phạt nặng nhất. Như vậy, toàn bộ cơ cấu xã hội được đặt trên nguyên tắc bất bình đẳng.

Ðức Phật đã làm một cuộc cách mạng chống lại những luật lệ xã hội áp bức đó và lên án hệ thống giai cấp. Ngài không thừa nhận nguồn gốc linh thiêng của giai cấp, và chứng minh sự dối trá của giai cấp Bà La Môn khi tuyên bố rằng họ sinh ra từ miệng của Brahma. Ngài bác bỏ lời tuyên bố của người Bà La Môn, họ cho rằng chỉ có họ mới có thể đạt đến những đức hạnh tâm linh, và khẳng định rằng người trong bất kỳ giai cấp, màu da hay tín ngưỡng nào đều có thể phát triển trong tâm họ những đức hạnh đó. Ngài còn đi xa hơn nữa:

- Hãy làm cho không còn ai, nam hay nữ, bất kỳ thuộc nền tảng kinh tế xã hội nào, bị cản trở trên con đường đạt đến sự toàn thiện. Ðó là quyền của mỗi người, khả năng bên trong của mỗi người, và sự toàn thiện đó có thể đạt đến do sự cố gắng không ngừng của riêng mỗi người, không do sự giúp đỡ của một tha nhân, thần thánh hay siêu nhiên nào.

Ðức Phật còn dạy rằng: Tất cả mọi người đều giống nhau, nếu phân chia họ ra một cách nhân tạo là hành động điên rồ. Trong kinh Vesttha, Ngài nói rằng: Trong đời sống của loài thú có những sự khác biệt dựa trên những đặc tính nền tảng khác nhau. Trong đời sống của các loài cây cỏ cũng vậy. Nhưng không có những sự khác biệt như thế trong sự phân loại loài người thành những ngăn kín, vì nhân loại là một và có cùng những đặc tính như nhau. Vì vậy, Ðức Phật khẳng định một cách dứt khoát: Giá trị là đặt nền tảng trên những hành động, chứ không phải trên sự sinh ra, một sự việc vô tình, không phải là thước đo con người. Ngài cũng bước những bước cụ thể trong việc nhổ tận gốc sự tệ hại của giai cấp. Những bước đó là: Phơi trần huyền thoại về nguồn gốc thượng đẳng do người Bà La Môn tuyên bố về họ; khuyến khích giai cấp thấp bằng cách thọ trai tại nhà họ; và chấp nhận những người thuộc giai cấp thấp xuất gia và được coi ngang hàng với những người khác trong hàng ngũ Tăng Già. Hô hào các Tỳ Kheo quên dòng giống giai cấp của họ, một lần Ðức Phật nói: Này các thầy, giống như những dòng sông, sông Hằng, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarasvati, và sông Mahi khi chúng đều chảy về biển lớn. Cũng như vậy, này các thầy, bốn giai cấp: Bà La Môn, Sát Ðế Lỵ, Phệ Xá, và Thủ Ðà La khi họ đi theo giáo pháp và giới luật của Như Lai, họ từ bỏ những khác biệt của giai cấp và sắp hạng, và trở thành những phần tử của một khối duy nhất và đồng nhau.

Ở Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch, người Bà La Môn giáo tìm sự cứu rổi và giải thoát bằng những tế lễ hy sinh, người theo đạo Kỳ Na và Ajivaka tế lễ bằng sự tự hành hạ thân xác. Ðức Phật trái lại dạy đệ tử của Ngài vượt qua biển khổ luân hồi bằng cách đem sự tốt đẹp cho chúng sanh khác, thay vì làm hại họ hay hại chính bản thân mình. Ngài dạy con đường đi đến Niết Bàn bằng những phương tiện:

1. Tự điều khiển, tự tiết chế, và giảm thiểu những đam mê;
2. Mở lòng thương yêu tất cả mọi loài, người, chim muông, thú vật; và
3. Giúp đỡ người nghèo yếu.

Ngài cũng nhấn mạnh:

1. Cơ hội bình đẳng cho mọi người;
2. Thân thế bình đẳng cho mọi người;
3. Tự do tư tưởng; và
4. Tình huynh đệ toàn khắp.


Khi Ðức Phật giảng Giáo Pháp của Ngài, nó lôi cuốn quần chúng ở khắp mọi giới; giàu và nghèo, cao sang và thánh thiện, thấp thỏi và hạ tiện. Những người thuộc giai cấp Bà La Môn cũng không bị bỏ rơi. Thật vậy, phần lớn các đệ tử thân cận của Ðức Phật là những người thuộc giai cấp Bà La Môn. Ngay cả về sau, một số những ngọn đuốc dẫn đầu trong Ðạo Phật là những vị từ Bà La Môn quay về. Trong những thế kỷ tiếp sau, giáo lý xã hội của Ðức Phật đã tạo một sức đẩy làm xã hội Ấn Ðộ tiến lên, và những giai cấp thấp xác định quyền bình đẳng của họ, vì vậy mà tín đồ Bà La Môn đã quay lại chống đối Phật Giáo.

Thật sự, người Bà La Môn không chống đối Phật Giáo trên những giáo lý thuộc triết lý hay đạo đức, nhưng điều mà họ không thích là tư tưởng về sự bình đẳng trong Ðạo Phật. Như Tiến sĩ Ambedkar nói:

- Bất bình đẳng là giáo lý chính thức của đạo Bà La Môn. Ðức Phật chống lại gốc rể và cành lá của nó. Ngài là một đối thủ mạnh mẽ nhất của chế độ đẳng cấp và là cột trụ vững chãi nhất của tinh thần bình đẳng. Không có một lý lẽ nào về vấn đề giai cấp mà ngài không bác bỏ.

Chúng ta không nghi ngờ rằng, được khuyến khích với tinh thần bình đẳng do Ðức Phật dạy, những người giai cấp thấp trong xã hội xác định quyền tự do của họ và chống lại sự ưu thế của người Bà la môn. Ðiều nầy làm suy yếu nền tảng của hệ thống giai cấp và đã hạ tầng giai cấp Bà La Môn xuống tận đất.

Khi Ðạo Phật yếu đi chút đỉnh, người Bà La Môn giáo dùng mọi cách để lấy lại quyền lực và danh vọng đã mất. Họ không những cố gắng phục hồi lại hệ thống giai cấp mà còn tìm cách hủy diệt những giáo pháp của Ðức Phật khỏi đất nước Ấn Ðộ. Xin trích lời của Har Dayal:

- Những thầy tế triệt tiêu ngôn ngữ Pali trên đất Ấn. Họ không những ghét tiếng Pali về phương diện giáo lý, triết học hay những giới luật của Ðức Phật. Họ biết Ðức Phật là một vị Thầy lớn lao và tôn sùng Ngài. Nhưng họ muốn rằng những lời dạy tuyệt vời của Ðức Phật không được nghe thấy trên đất Ấn, vì những lời dạy nầy có năng lực phá hủy thành lũy giai cấp. Họ nói: Dù tiếng Pali tiêu diệt; dù nước Ấn Ðộ tiêu diệt; nhưng giai cấp của chúng ta phải nắm quyền lãnh đạo.

Ðể tranh đấu với Ðạo Phật, người Bà La Môn phải làm nhiều việc sửa đổi trong những giáo lý của họ. Họ bỏ sự hy sinh súc vật để cúng tế. Họ cũng bải bỏ giáo lý cho rằng các kinh điển Phệ Ðà không thể sai lầm. Tuy nhiên, về quan điểm phân chia giai cấp (Chaturvarna), họ không chịu đầu hàng. Họ phải thừa nhận tác dụng của những lý lẽ của Ðức Phật chống lại Chaturvana. Và họ phát động một sự điều chỉnh triết học cho Chaturvana được tìm thấy trong sách Bạt Già Phạm Ca (Bhagavad-Gita), một tác phẩm có trước Phật. Nói như P.L. Narasu trong cuốn Cốt Tủy Ðạo Phật:

- Mục đích chính của Gita là lén lút ủng hộ sự lãnh đạo và danh vọng của giai cấp Bà la môn, ra đời để đáp ứng những nhu cầu mà Ðạo Phật đã làm thỏa mãn. Bất cứ điều gì cao thượng và tuyệt vời trong Gita là điều mà Bà La Môn giáo đã vay mượn từ đối thủ của nó và xử dụng cho mục đích riêng tư của mình. Ðặc biệt là để ngăn chặn những người Thủ Ðà La không từ bỏ niềm tin cố cựu của họ. Phần còn lại là một khối những lặp đi lặp lại, những mâu thuẩn, những sự vô lý, kết quả của một cố gắng không thành công trong việc làm dung hòa mọi phương diện trong quan điểm truyền thống.

Mục đích chính của Bạt Già Phạm Ca là bảo vệ, làm mạnh hệ thống giai cấp được thấy rõ trong cách giải thích chữ Dharma (Pháp). Nghĩa chữ Dharma trong Phệ Ðà là những nghi lễ hay những nghi thức. Trong Gita cũng như trong Manu-Smriti, chữ Dharma được dùng có nghĩa là: Những bổn phận của bốn giai cấp trong thế gian. Trong Gita, Krishna bảo Arjuna chiến đấu, vì đó là Dharma (bổn phận giai cấp) của ông ta. Ông ta còn nói:

- Thà chết mà làm tròn bổn phận của giai cấp; làm theo những bổn phận dành riêng cho giai cấp khác là việc làm nguy hiểm.
Tín đồ Phật Giáo trái lại không chịu từ bỏ sự chống đối của họ đối với tư tưởng Chaturvarna. Ðó là lý do đầu tiên của sự chống đối giữa Phật Giáo và Bà La Môn giáo.

Tiến sĩ Amberka tìm dấu vết nguồn gốc mâu thuẩn giữa Phật Giáo và Bà La Môn giáo từ một nguồn khác. Ông nói:

- Khi đọc qua toàn bộ Văn Học Phật Giáo, tôi thấy rằng 90% tín đồ Phật Giáo trước kia là những người Bà la môn. Những người Bà La Môn thường đến gặp Ðức Phật để thảo luận và tranh cải, và khi thua, thường đặt tin tưởng vào Ðức Phật và cuối cùng chấp nhận Phật Giáo. Văn Học Phật Giáo chứa đầy những sự việc như vậy. Vì vậy, Phật Giáo là một tôn giáo đã nẩy nở giữa đại đa số những người Bà La Môn, làm thế nào về sau lại bị chính những người Ba la môn tiêu diệt?

Theo quan điểm của chúng tôi, lý do chính của sự việc nầy là sự thờ cúng thần linh gia đình. Ở Ấn Ðộ, giống như thần làng và thần nước, có những vị thần gia đình cũng được những người Bà La Môn thờ cúng. Những thầy tế thường thờ cúng những vị thần nầy bắt đầu gây ảnh hưởng vào quốc sự qua những bà hoàng. Vua A Dục (Ashoka) sau khi quy y theo Phật Giáo đã từ bỏ việc thờ cúng đó và dời tượng của những thần dùng trong việc thờ cúng nầy. Vua A Dục nói:

- Khi ta tôn kính Ðức Phật, đấng Giác Ngộ, thì không cần thờ cúng vị thần linh nào khác.

Hành động nầy của vua A Dục làm cho những người Bà La Môn lo lắng không ít vì nó chấm dứt những phương tiện sinh sống và bóc lột bất công của họ. Họ nguyện sẽ phục thù cho sự mất mát đó.

Những người Bà La Môn có quan niệm rằng:

- Sau khi chết những ông vua sẽ bị đọa vào địa ngục vì những sai lầm và thiếu sót của họ. Vì vậy, họ không đồng ý làm những người lãnh đạo, nhưng muốn làm những Cố Vấn Tối Cao của các vị Vua. Ðể trả thù sự mất mát vì việc chấm dứt sự thờ cúng những thần gia đình (Kulapuja), những người Bà La Môn từ bỏ phương châm chỉ làm những người cố vấn, họ cố gắng nắm lấy quyền lực. Với sự giúp đở của những người Sát Ðế lỵ, họ thiết lập trục Bà La Môn-Sát Ðế lỵ để chống lại Phật Giáo. Ưu thế của Bà La Môn giáo trở lại ở Ấn Ðộ là một trong những nguyên do suy sụp của Phật Giáo.

Sự nổi bật của Phật Giáo từ sự hạ thấp giai cấp Bà La Môn, cũng đưa đến sự dãy chết của những quyền lợi thiêng liêng của những Vua chúa thuộc giai cấp Sát Ðế lỵ. Vì vậy, không nghi ngờ gì những người thuộc giai cấp Sát Ðế Lỵ, trong những giai đoạn đầu là những người ủng hộ Phật Giáo, về sau trở nên đối lập với Phật Giáo. Như một nhà văn viết:

- Những người Sát Ðế Lỵ sợ Phật Giáo vì nó đe dọa nền tảng và sự hiện hữu giai cấp của họ, vì những người bị áp bức được khuyến khích bởi những giáo lý bình đẳng tìm cách vùng dậy.

Như vậy, để bảo đảm sự an toàn cho những quyền lợi của họ, những người Sát Ðế Lỵ tham vọng âm mưu với những người Bà La Môn và bước từng bước củng cố hệ thống giai cấp. Bằng sự sắp xếp chung, giai cấp Sát Ðế Lỵ được đồng ý làm Vua và những người Bà La Môn là những đại thần. Sự thỏa hiệp nầy bảo đảm quyền lực và danh vọng cho cả hai giai cấp nầy và sự thấp kém vĩnh viễn của những giai cấp khác, mà Phật Giáo sẽ không bao giờ tha thứ. Vì vậy, để giữ quyền lực chính trị trong tay họ, hai giai cấp nầy tạo một mặt trận thống nhất chống lại và phá rối sự phát triển của Phật Giáo.


SỰ GÂY THÙ HẬN

Tôn giáo của Ðức Phật là một cái gai trong mắt những người Bà La Môn phản động, vì nó đã lật đổ giai cấp thầy tế khỏi ngôi vị cao của nó, mà bao nhiêu thế kỷ đã bảo đảm cho họ mọi thứ ưu đãi và tiện nghi vật chất. Vì vậy khi ảnh hưởng của Phật Giáo suy yếu, họ trả đũa và tấn công Phật Giáo bằng nhiều cách để trả thù sự mất mát của họ. Họ dùng những ngôn ngữ tồi tàn nhất và những mánh khóe tồi tàn nhất để nhục mạ và hạ thấp Phật Giáo dưới mắt quần chúng. Ngay cả họ còn bẻ cong ý nghĩa từ và thành ngữ riêng của Phật Giáo. Chúng tôi hy vọng rằng sự phân tích phê bình trong những đoạn sau đây sẽ có thể làm cho độc giả nhận thức được tầm quan trọng trong thảo luận của chúng ta:

1) Vua A Dục, một vị vua Phật Giáo vĩ đại nhất, trong những cáo thị ông tự gán cho mình là Người được chư Thần thương yêu (Devanam Priya), nhưng những nhà văn phạm Bà La Môn dịch chữ nầy là những sự điên rồ yêu thương. R.K. Mookerjee nói về sự đồi bại nầy như sau:

- Về thành ngữ Deva-nampriya Priyadarsi, V.A. Smith dịch là Ðấng Thiêng Liêng và Nhân Từ đối với tôi là chuẩn nhất. Deve nampriya thay vì Deva-Priya có thể là tên gọi có ý coi khinh giới luật của Panini, nhưng được đề cập trong những sự kiện ngoại trừ luật do Katyana (vào khoảng 359 trước Tây lịch theo R.G. Bhadarkar) được Patanjali (150 trước Tây lịch) và cả Kasika (650 sau Tây lịch) ủng hộ. Tuy nhiên sự ngoại trừ không cho phép nhà văn phạm về sau là Bhattoji Dikshita, người đã nhấn mạnh vào việc coi từ Devanampriya là một từ khinh miệt, ngụ ý chỉ một người điên (murkha) không có sự hiểu biết về Brahma... Như vậy một danh hiệu được ca tụng trong những thời đại Nada, Maurya, và Sunga, phải chịu sự sa đọa về ý nghĩa dưới thành kiến của người Ba La Môn chống lại vị vua Phật Giáo lỗi lạc.

2) Ðức Phật nhập diệt ở Câu Thi La (Kushinagar) vùng Deoria nước Uttar Pradesh, Câu Thi La cách Gorakhpur 12 dặm về hướng Ðông và cách Deoria 21 dặm. Nó nằm trên bờ phía Tây của sông Hiranyavati và vị trí của nó tương ứng với khu vực rộng lớn Ram-bar-ka-Tila nằm ở bờ phía Tây hồ Rambhar. Gồm hai chữ Hiranyavati và Rambar có thể tạo thành tên Harambar cho khu vực nầy. Câu Thi La (Kushinagar) là nơi Ðại Niết Bàn của Ðức Phật trở thành một nơi hành hương quan trọng và thiêng liêng nhất của tín đồ Phật Giáo. Dĩ nhiên, tín đồ Phật Giáo từ khắp nơi trên đất Ấn quy tụ về nơi đây mỗi năm với một số đông lớn lao để tỏ lòng tôn kính đối với Vị Thầy. Dường như người Bà La Môn hoang mang bởi dân chúng ở Câu Thi La. Họ đưa khuynh hướng tôn giáo vào biện pháp xảo quyệt của họ và dạy những người tại gia ngu dốt rằng: Người chết ở Harambar, vùng chung quanh Câu Thi La, đọa vào địa ngục hay tái sanh làm con lừa cái, nhưng người chết ở Kasi (Varanasi) được lên trời.

Ðể bảo vệ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi có bằng chứng hùng hồn và có tính cách lịch sử từ cuộc đời của Mahatma Kabir, một người hô hào cải cách tôn giáo và xã hội vào thế kỷ thứ mười lăm. Trong thời đại ông, sự tuyên truyền có tác hại, như được đề cập ở trên, rất thịnh hành. Kabir kịch liệt chống lại quan điểm vô nghĩa nầy. Ông tuyên bố rằng nếu hành động của một người tốt đẹp, người ấy chắc chắn sẽ được cứu rỗi dù cho có chết ở Kasi hay Harambar. Và để chứng minh hùng hồn niềm tin về Harambar là sai lầm và vô nghĩa, Kabir, khi tuổi đã gìa, cố ý đi đến vùng đất cấm đó và chết vào năm 1518 sau Tây lịch trong một thị trấn nhỏ Maghar ở vùng Gorakhpur không xa Câu Thi La. Kabir, trong những lời để lại, hai lần đề cập đến sự việc nầy và giải thích đầy đủ mục đích hành hương đến Maghar của ông mặc dù những ngăn cản mạnh mẽ từ bạn bè và những người hâm mộ ông. Theo sự việc trên, Wescott viết trong tác phẩm đáng tin của ông về Kabir như sau:

- Chính là nguyện vọng của những môn đệ mà Kabir đã không chấm dứt cuộc đời của ông tại Kasi nơi mà rất nhiều công trình tôn giáo được hoàn tất. Họ chủ trương rằng tất cả mọi người chết ở Kasi sẽ lập tức sinh vào thế giới của thần Ram, và những người chết ở Maghar sẽ trở lại thế giới nầy và sinh làm con lừa cái. Kabir khiển trách về niềm tin của họ. Phải chăng quyền năng của Ram quá giới hạn không thể cứu rỗi người phụng sự ông vì người nầy muốn chết ở ngoài Kasi, thành phố của thần Shiva?

Cảm giác lo âu và sợ hải trong giới Ấn Ðộ Giáo quá mạnh đến nỗi sau khi Kabir chết ở Maghar họ cũng không thể từ bỏ được sự mê tín. Vì vậy, họ đã không xây dựng một đền tưởng niệm Kabir ở đó, họ dựng đền tưởng niệm ở Kasi. Người Hồi Giáo đã xây dựng một nơi tưởng niệm Kabir ở Maghar, nơi cư ngụ cuối cùng của ông. Ðền thờ chính ở Maghar vì vậy đã luôn luôn do người Hồi Giáo trông coi và về sau vẫn còn dưới sự trông coi của họ, mặc dù một ngôi đền cho người Ấn Ðộ Giáo đã được xây dựng ở đây.

3) Những người cuồng tín Bà La Môn không dừng lại ở đó. Họ tiếp tục thẳng tay gây sự hận thù và ghét bỏ đối với tín đồ Phật Giáo trải qua nhiều thế kỷ và giữ mãi tinh thần nầy cả trong văn học. Xin trích dẫn ra một số sau đây:

a- Nikant trong tác phẩm Prayaschit Mayukha trích một bài thơ từ Manu (bộ luật tập cấp):

- Nếu người nào chạm phải một tín đồ Phật Giáo hay một tín đồ của Panchupat, Lokayataka, Nastika hay Mahapataki, người ấy phải tắm để tẩy uế.

b- Cùng một giáo lý được Apraka dạy trong Smiriti. Vradha Harit đi xa hơn và tuyên bố rằng bước vào chùa Phật Giáo là một tội lỗi cần phải tắm để thanh trừ tội lỗi đó.

c- Sự việc gây ấn tượng nhất về thái độ nầy đối với tín đồ Phật Giáo được tìm thấy trong vở kịch Mricchakatika. Trong màn Vii của vở kịch, người anh hùng Charudatta và bạn là Maitriya đang chờ Vasantasena ở quảng trường bên ngoài thành Ujjain. Cô nàng không đến và Charudatta quyết định rời quảng trường. Khi họ rời nơi đây, họ thấy vị sư Phật Giáo tên là Samvakaha. Thấy ông ta, Charudatta nói:

- Nầy bạn Maitriya, tôi đang nóng lòng muốm gặp Vasantasena. Nầy, hãy cùng đi. (Sau khi bước vài bước) A, đây là một cảnh tượng không may, một ông tăng Phật Giáo đang đi về hướng chúng ta. (Sau khi suy tư một chút) tốt, hãy để cho ông ta đi đường nầy, chúng ta sẽ đi con đường khác. (Rời sân khấu).

Trong màn viii, vị tăng ở trong vườn lớn của Sakara, người anh rể của Vua. Nhìn thấy áo của ông ta trong một cái hồ, Sakara, theo sau là Vita, bật dậy và hăm dọa giết vị tăng. Sau đây là cuộc đối thoại giữa họ:

Sakara:

- Hãy dừng lại, ông thầy tu tồi bại.

Tăng sĩ:

- A! Ðây là người anh rể của Vua. Bởi vì có một số tăng sĩ xúc phạm đến nhà vua, nên nhà vua đánh đập bất cứ tăng sĩ nào ông gặp.

Sakara:

- Hãy dừng lại, ta sẽ bẻ chiếc đầu của ông như người ta bẻ một cộng rau dền trong tiệm ăn (Ðánh ông ta).

Vita:

- Nầy bạn, đánh một tu sĩ khoác trên mình chiếc áo choàng, đã từ bỏ thế gian, là một việc không chính đáng.

Tăng sĩ vui mừng:

- Xin hãy vui lòng, cư sĩ.

Sakara:

- Nầy bạn, coi đó. Hắn xỉ nhục tôi.

Vita:

- Ông ta nói gì?

Sakara:

- Hắn gọi tôi là cư sĩ. Tôi là tên thợ cạo hay sao?

Vita:

- Ồ! ông ta thật sự tán tụng anh như là một người sùng tín Ðức Phật.

Sakara:

- Tại sao ông lại đến chỗ nầy?

Tăng sĩ:

- Ðể giặt những y phục nầy.

Sakara:

- A! ông là ông thầy đồi bại. Ngay cả tôi cũng không tắm trong ao nầy; ta sẽ giết ông bằng một trận đòn.

Sau khi bị đánh thật nhiều, vị tăng được cho đi. Ðó là một tu sĩ Phật Giáo trong đám đông Ấn Ðộ Giáo. Ông ta bị xa lánh và tránh né. Cảm tưởng chán ghét đối với ông thật là lớn lao, đến nỗi người ta tránh né cả con đường mà ông ta đã đi qua. Cảm tưởng ghê tởm đậm đặc đến nỗi sự đi vào của một tín đồ Phật Giáo khiến cho người Ấn Ðộ Giáo phải đi ra. Người Bà La Môn được miễn tội tử hình, ngay cả còn được miễn hình phạt về thể xác. Nhưng tu sĩ Phật Giáo bị đánh đập và hành hạ không thương xót, không hối tiếc, như là không có gì sai lầm khi làm việc đó.

d- Chanalya (Kautilya), một đại thần Bà La Môn nổi danh dưới thời vua Chiên Ðà La Quật Ða (Chandragupa) của vương triều Khổng Tước (Maurya), cũng là một phần tử nằm trong chiến dịch gây hận thù đối với Phật Giáo. Ông nói:

- Khi một người hưởng dụng bửa ăn cúng cho chư thần và tổ tiên, những người thuộc dòng Thích Ca (tín đồ Phật Giáo), Ajivaka, Thủ đà la, và những tù nhân đi đày, phải chịu một hình phạt một trăm Panas.

e- Những tác giả của những Puranas(Thánh Thư) cũng tuyên truyền chống Phật Giáo không ít. Họ coi Ðức Phật như là một Avtara(hóa thân) của Vishnu nhưng đối xử với Ngài với sự khinh miệt.

- Thánh thư Brhannardiya coi một người Bà La Môn bước vào nhà của một tín đồ Phật Giáo là một tội lỗi lớn dù cho có gặp sự nguy hiểm lớn.

- Thánh thư Agni tuyên bố rằng con của vua Tịnh Phạn dụ dỗ những người Daitya trở thành tín đồ Phật Giáo.

- Thánh thư Vayu nói một cách khinh khi về Phật Giáo: Với hàm răng trắng, cặp mắt nhìn thẳng, đầu cạo trọc, và áo đỏ, những người Thủ Ðà La sẽ thực hiện những hành vi tôn giáo.

- Thánh thư Vishnu gán cho Ðức Phật tên: Người dụ dỗ vĩ đại. Họ coi Ngài là một Maha Moha, người hiện ra trong thế gian để lọc lừa những ma quỉ. Nó còn cảnh cáo thêm về tội lỗi chuyện trò với tín đồ Phật Giáo, nói rằng những người nói chuyện với những nhà khổ tu trọc đầu sẽ bị đọa vào địa ngục.

4) Một phần trong chiến lược hủy nhục của họ, người Ấn Ðộ Giáo còn dùng một phương pháp khác làm mất uy tín những tín đồ Phật Giáo và chùa chiền của họ. Họ gán cho những tên gọi xấu xa và bẩn thỉu cho những chùa, tu viện Phật Giáo. Ví dụ, tàn tích của ngôi tháp ở Ghantasila vùng Andhra Pradesh được họ gọi là Langa Dibba có nghĩa là gò đĩ điếm. Sự gán những tên bẩn thỉu cho những địa danh cổ của Phật Giáo được các nhà học giả ngu dốt trích ra, lấy làm lý lẽ để nói rằng Phật Giáo biến mất ở Ấn Ðộ, vì những ngôi chùa của nó đã trở thành những nơi đồi bại, và các Tỳ Kheo đã không sống đời sống đáng kính. Họ lý luận rằng:

- Những nơi lễ bái của Phật Giáo đã đi đến chỗ đồi bại cùng cực về luân lý, nên dân chúng khinh thường và xa lánh.

Chúng tôi đồng ý rằng khi các ngôi chùa bắt đầu trở nên sung túc, tu sĩ Phật Giáo, một cách nào đó trở nên hướng về bản thân và từ bỏ bổn phận của họ đối với nhu cầu tâm linh và xã hội quần chúng. Và họ bắt đầu sống một cách thoải mái trong những tu viện và không tham gia vào lý tưởng phụng sự xã hội. Ðiều nầy cuối cùng đã ảnh hưởng một mức độ nào đó vào việc truyền bá và duy trì Giáo Pháp.

Nhưng nói rằng Phật Giáo suy tàn vì sự sụp đổ của những tiêu chuẩn đạo đức trong hàng ngũ Tăng Già là điều không có gì bảo đảm. Không có một bằng chứng nào để củng cố lập luận nầy, ngoại trừ những danh hiệu đáng nghi ngờ gắn liền với một số địa điểm. Theo quan điểm của chúng tôi, những tên gọi bôi bác kia đã được tạo ra do những người Ấn Ðộ Giáo quá khích, với chủ ý hạ nhục những chùa chiền Phật Giáo. Nhưng đối với trò tuyên truyền nham hiểm đó, không có một lý lẽ chứng minh cho những nhãn hiệu vô nghĩa gán cho những ngôi chùa Phật Giáo thiêng liêng. V.R. Narla nói:

- Quả thật là chưng hửng và buồn không ít, vì rằng không những ở Ghantasila, nhưng ở Gudivada, Bhattiprola, China Ganjam, Pedda Ganjam, và một số nơi khác, những di tích của những ngôi chùa Phật Giáo thiêng liêng bị gán cho những tên nhơ bẩn như Langa Dibba và Bojamadani Dibba. Một ngoại lệ mà tôi biết là tháp Amaravati. Tên địa phương của nó là Dipala Dinne, có nghĩa là gò đèn. Nhưng ngay cả về những ngọn đèn, cũng có thể không phải chỉ cho sự tán tụng, vì trong thực tế tất cả những nơi có gò thuộc di tích Phật Giáo, có truyền thống địa phương là những gái ăn sương cư ngụ trên gò dùng đèn để làm hiệu.

Có thể những tên xấu xa được gán cho những gò di tích Phật Giáo là nói lên sự việc Phật Giáo đã bị sự đàn áp của những người Ấn Ðộ Giáo cuồng tín về sau, hoặc có thể nó đánh dấu mức độ xuống thấp của Phật Giáo, trong thời gian cuối cùng khi nó mang hình thái của Kim Cang Thừa (Vajrayana) hay Sahajayana, những hình thái không khác với mật giáo phóng dật. Hai lý do trên, chúng tôi tin tưởng vào lý do thứ nhất nhiều hơn.

Ðể chứng minh sự điên rồ của những lý lẽ sau, chúng tôi xin độc giả ghi nhớ những sự hành trì đồi bại hơn nhiều trong những đền Ấn Ðộ Giáo. Chúng tôi không có ý liệt kê ra đây một danh sách dài về những tội ác của những thầy tế Bà La Môn trong những năm tháng đó. Ðoạn trích sau đây từ một bài viết của Ishwar Singh Bais cũng đủ để phản ảnh đời sống trong các đền Ấn Ðộ Giáo ngày xưa. Ông viết:

- Những vũ nữ của mỗi đền được sắp hàng thứ nhì. Họ là những devdasis hay nô lệ của chư thần, nhưng họ được gọi bằng cái tên thô lậu của những gái điếm. Và trong thực tế, họ gắn bó với nghề nghiệp của họ để ban ân huệ cho người nào yêu cầu và được trả lại bằng tiền. Dường như ban đầu họ được dành riêng cho những thầy Bà La Môn mua vui. Và những người đàn bà nầy, được công chúng biết đến về sắc đẹp của họ, được hiến dâng một cách đặc biệt trong việc phụng sự các thần linh của Ấn Ðộ Giáo. Nhiệm vụ chính của họ gồm có múa và hát trong đền hai lần mỗi ngày, sáng và tối trong những cuộc lễ công cộng. Tất cả thời gian còn lại giữa những cuộc lễ, thì dùng vào những việc xấu hổ hơn, và một việc không phải là ít xảy ra, là ngay cả những đền thờ thiêng liêng cũng bị biến thành những nhà chứa. Xa hơn nữa, Có ít đền thờ mà vị thần ở đó không đòi quyền chữa trị bịnh không sinh đẻ của đàn bà. Thường thường những thầy tế khuyên họ ở lại qua đêm tại đền, nơi đây, họ nói thần linh cảm động với lòng thành của họ, có thể viếng họ trong tinh thần và sẽ giao hợp với họ. Với mánh khóe nầy, những thầy tế thỏa mãn dục vọng của họ.

Ngoài những hành động trong những đền thờ Ấn Ðộ Giáo đã được đề cập, tầm quan trọng về những quan hệ dục tình trong Ấn Ðộ Giáo cũng được thấy rõ ràng trong những cảnh dâm đãng trên những bức tường của những đền thờ ở Konark, Khajuraho, v.v. Về những công trình điêu khắc ở Konark, A.L. Basham nói trong tác phẩm Kỳ Quan Ấn Ðộ:

- Tính cách dâm đãng lộ liễu một cách hiếm có của nhiều công trình điêu khắc ở Kornark đã đem lại cho Chùa Ðen một tiếng tăm nhơ nhớp. Những hình Maithuna, với những cặp ôm sát nhau hay đang trong tư thế giao hợp, được phổ biến là những nét trang trí đặc trưng của nhiều ngôi đền Ấn Ðộ, nhưng những hình ở Konark đặc biệt sống động. Những hình điêu khắc ở Khajuraho cũng tương tự.

Như vậy chúng ta có thể không do dự nói rằng: Nếu ở đâu những tiêu chuẩn luân lý bị sa đọa, đó là những nơi cư ngụ của các thần và nữ thần Ấn Ðộ Giáo. Thật vậy, như Ishwar Singh Bais nói:

- Trong nhiều đền thờ, và từ thế kỷ thứ tám sau Tây lịch về sau, trong hầu hết các đền thờ Ấn Ðộ Giáo, sự sa đọa bắt đầu và với đời sống trong đền biến nó thành địa ngục. Các thầy tế đã hy sinh sự cao thượng và đạo đức, chỉ giữ lại tham lam và dục vọng. Nếu Ấn Ðộ Giáo có thể nẩy nở dưới bầu không khí đồi bại đó, thì việc biến mất của Phật Giáo không rõ ràng, dù cho có một số sa đọa trong tiêu chuẩn luân lý của những người mộ đạo; vì vậy chúng tôi không chấp nhận điều nầy.

Từ đó, chúng tôi quả quyết luận điệu gán cho sự thối nát trong các chùa chiền không phải là không có căn cứ mà còn có tác hại, và những lý do của sự suy tàn của Phật Giáo phải được tìm thấy ở chổ khác.



SỰ NGƯỢC ĐÃI

Một trong những nguyên nhân chính làm cho Phật Giáo suy tàn và sụp đỗ nhanh chóng ở Ấn Ðộ là sự đàn áp của những nhà cầm quyền cũng như những người cuồng tín.

Bố Sa Mật Ða La (Pushyamitra), một tướng lãnh Bà La Môn dưới triều Brihadratha, vua cuối cùng của vương triều Khổng Tước (Maurya), là người đầu tiên ngược đãi Phật Giáo. Ông ám sát nhà vua vào năm 185 trước Tây lịch; soán lấy ngôi vua nước Ma Kiệt Ðà (Magadha), cai trị bằng sự khủng bố. Một ông vua Ấn Ðộ Giáo khác đàn áp Phật Giáo là Sasanka, vua nước Gauda (Bengal), hành động phản bội đầu tiên của ông là giết Rajyavardhana vào năm 605 sau Tây lịch, anh của Harsha, vị hoàng đế Phật Giáo cuối cùng. Sasanka là một người thuộc giai cấp Bà La Môn và tín ngưỡng thần Shiva. Ông cuồng tín đến nổi trong cơn giận dữ ông đã phá hủy cây Bồ Ðề. Ngài Huyền Trang ghé Bồ Ðề Ðạo Tràng vào năm 637 sau Tây lịch, vào khoảng ba thế hệ sau biến cố trên, ghi lại như sau:

- Trong thời gian sau Sasanka-raja, một tín đồ dị giáo, phỉ báng Ðạo Phật, và vì ganh ghét đã phá hủy những tu viện và chặt cây Bồ Ðề, đào đến tận mạch nước dưới đất, nhưng ông không thể đào đến chổ rể tận cùng của nó. Sau đó ông dùng lửa đốt và tưới nước mía lên, với ý muốn tiêu diệt nó hoàn toàn, và không để lại một vết tích nào về sau. Ông cũng đã dời tượng Phật từ ngôi chùa gần cây Bồ Ðề và thay vào bằng thần Shiva. Ông cũng đã liệng vào sông Hằng tảng đá thiêng liêng có dấu bàn chân của Ðức Phật ở thành Hoa Thị (Pataliputra). Và để làm tròn những kế hoạch tội lỗi của ông, Sasanka được cho biết là đã tiêu diệt tăng sĩ trong khu vực Câu Thi La (Kushinagar).

Một trong những người đàn áp Phật Giáo lớn lao nhất là thủ lãnh Hung Nô, Mihirakula, đã làm thiệt hại lớn lao cho những chùa Phật Giáo ở Gandhara, Punjab, và Kashmir. Mihirakula là một người thờ Shiva và là một nhà bảo hộ lớn cho Bà La Môn giáo. Trong cơn điên rồ của ông, ông đã san bằng 1,600 tu viện, tháp, và chùa, và giết hại hằng trăm tín đồ Phật Giáo tại gia. Toramana, một ông vua cũng của vương triều tàn bạo đó, được cho biết là đã tiêu hủy chùa Ghostarama ở Kiều Thưởng Di (Kausambi).

Về việc đàn áp Phật Giáo ở Kashmir, F.M. Hussnain viết:

- Chính Nara, người đã khởi sự tiến hành việc tiêu diệt Phật Giáo ở Kashmir. Ông cho thiêu hủy những tu viện Phật Giáo ở Kashmir và trừ diệt quần chúng Phật tử bằng cách tịch thu đất đai của họ để ban cho những người Bà La Môn. Những gì xảy ra ở Kashmir là một phần trong cùng tiến trình tiêu diệt Phật Giáo trong nước. Trong cuộc đấu tranh giữa Phật Giáo và Bà La Môn Giáo, Bà La Môn giáo đã chiến thắng, trong những hoàn cảnh đó, sự tiêu diệt của Phật Giáo ở Kashmir chỉ là vấn đề thời gian.

Hussnain nói thêm:

- Pravarasena nắm quyền vào khoảng cuối thế kỷ thứ sáu. Ông ta phải đánh lui những cuộc tấn công của Mummuni, một thủ lãnh Hồi Giáo đến từ Trung Á. Ông xây dựng thành phố Pravarasenanagar với những ngôi đền năm vị Nữ Thần. Chú ông là Jayendra xây một tu viện nổi tiếng là Jayendravihara, thờ một tượng Phật lớn nhất. Ngài Huyền Trang đã viếng tu viện nầy trong thời gian ở tại Kashmir. Tu viện nầy đã bị Ksemagupta thiêu hủy, ông nấu chảy bức tượng khổng lồ để dùng cho đền thờ thần Shiva của ông.

Một người khác được coi như đối thủ của Phật Giáo, người đã tuyên bố: Giáo lý của Phật là thứ vô dụng giống như chất mủ chảy ra từ da chó là Kumarila Bhatt, một người Bà La Môn. Ông sống vào thế kỷ thứ bảy sau Tây lịch. Theo đề nghị của ông, Suddhanvan, vua nước Ujjain, được nói là đã tiêu diệt những tín đồ Phật Giáo. Sự đàn áp tàn nhẫn tín đồ Phật Giáo của Suddhanvan, dưới sự xúi dục của Kumarila Bhatt, được ghi lại trong hai tài liệu về tiểu sử của Sankaracarya, đó là tác phẩm Sankaravijaya do Anandagiri, đệ tử trực tiếp của Sankaracarya viết, và tác phẩm Sankara-digvijayam do Madhava (thế kỷ mười bốn) viết. Thực vậy, Madhava Acharya xác nhận rằng, với sự xúi dục của Kumarila Bhatt, Suddhanvan ra lệnh giết chết tất cả tín đồ Phật Giáo từ Ramesvaram đến vùng Hy mã lạp sơn. Ông còn ra lệnh nếu ai không giết tín đồ Phật Giáo sẽ bị xử tử.

Sankaracarya, một vị thầy Vedanta, cũng chịu trách nhiệm trong việc đàn áp Phật Giáo. Thật vậy, ông đã gieo sự khũng bố trong tâm tín đồ Phật Giáo. Theo truyền thống Tây Tạng, khi ông đến, tín đồ Phật Giáo trong các chùa bắt đầu phân tán tứ tung. Chính ông đã có lần viết trong Bhashya của kinh Phạm Thiên rằng: Phật Ðà là một kẻ thù của quần chúng và đã dạy những điều mâu thuẫn và lộn xộn.

Cách thức người Ấn Ðộ Giáo sử dụng để đẩy Phật Giáo ra khỏi nơi sinh sản ra nó được soi sáng trong câu chuyện thần thoại Gaya Asura ghi trong Gaya Mahatmya, một phần trong Thánh thư Vaya.

Theo huyền thoại nầy, Gaya Asura (con quỉ) đạt được quả vị thần thánh đến mức độ bất cứ ai thấy hay chạm được nó là sanh về cỏi trời. Yama, vua Diêm Vương, nổi lòng đố kỵ, cầu chư thần giảm bớt năng lực của Gaya Asura. Các vị thần đợi Gaya và xin nó bố thí sự trong sạch và thân thể thánh thiện của nó để tế lễ. Ðáp ứng lại điều đó, Gaya đến và nằm xuống, cái đầu đặt tại vị trí xưa là Gaya. Các thần đặt một tảng đá trên đầu nó. Nhưng điều đó chưa đủ chứng minh nó có thể nằm yên. cuối cùng Gaya Asura trở nên bất động khi thần Vishnu ngồi trên tảng đá để giữ không cho nó cử động, và hứa rằng tảng đá trên đầu nó sẽ được tuyên dương, là nơi linh thiêng nhất trên trái đất; chư thiên sẽ nghỉ trên tảng đá đó; chỗ đó sẽ được đặt tên là Gaya-Kashetra; và rằng ai cúng dường bánh trong tang lễ và thực hành tang lễ ở đó thì chính mình được phước và làm cho tổ tiên được sinh lên trời, nơi của Phạm Thiên.

Câu chuyện về Gaya Asura xưa đến độ nào chúng ta khó biết. Dù luận điệu của những người Ấn Ðộ Giáo chính thống về sự cổ xưa của Gaya như thế nào, chúng ta thấy rõ rằng thành phố Gaya đã được nâng lên địa vị như ngày nay trong thế giới Ấn Ðộ Giáo chỉ sau khi Phật Giáo suy sụp ở Ấn Ðộ.

Theo quan điểm của tiến sĩ Rajindralah Mitra, một học giả với tầm nhìn về lịch sử có một không hai, câu chuyện thần thoại khó tin trong Thánh thư Vayu hàm chứa một biểu tượng về sự chiến thắng cuối cùng của Bà La Môn giáo đối với Phật Giáo, tôn giáo đã từng nẩy nở mạnh mẽ trong và quanh Gaya suốt nhiều thế kỷ. Xin trích một đoạn của ông:

- Những người Ấn Ðộ Giáo tin rằng câu chuyện nầy là có thật theo nghĩa đen, nhưng tiến sĩ Buchanan gọi đó là một chuyện thần thoại quái đản và có thể là vậy. Thoạt nhìn qua không có gì có thể hồ đồ và ngu xuẩn hơn câu chuyện nầy; nó vi phạm mọi ý nghĩa khuôn phép, và ngay cả giá trị về tính chân thật trong sự kể chuyện của nó cũng không có.

Ðồi Brahmayoni, cũng là núi Kalahala, dài ba dặm, và tưởng tượng đặt trên đó một người 125 yojan (do tuần) hay 576 dặm bề cao, và 268 dặm chu vi không thể nào làm được, cho dù là người có đầu óc nghèo nàn nhất cũng nhận được. Một chiếc đầu một dặm chu vi trên một cơ thể 576 dặm cao, cũng giống như cây kim nằm trên cơ thể của một người bình thường. Sự vô dụng của các thần để giữ một con ma đang nằm và những cố gắng vô ích của họ để giữ con ma không cựa quậy, quả thật trẻ con.

Và trong trường hợp nầy, một vấn đề được đặt ra: Làm thế nào tác giả của thánh thư Vayu trong đó Gaya Mahatmya là một bộ phận, tạo ra một câu chuyện quá trẻ con để bảo đảm sự tôn kính và sùng bái của số đông quần chúng đối với địa danh nầy? Ông không thiếu sự thông minh, vì ông đã thảo luận những vấn đề triết học khó hiểu với tài xử trí và khéo léo đáng lưu ý. Cũng vô lý và không thật khi nói rằng ông không thể phân biệt sự hợp lý với tính trẻ con và hàm hồ. Vì vậy, coi câu chuyện nầy như là một thứ hồ đồ, theo ý tôi, là một kết luận vội vàng, và là dấu hiệu của sự thiếu kiên nhẫn. Chúng tôi cần đứng trên quan điểm của một sử gia triết học để giả thiết rằng có một cái gì đó bí mật dấu sau lớp vỏ bên ngoài của câu chuyện; với một ý nghĩa bí mật. Tôi tin tưởng, điều nầy dễ nhận thấy, câu chuyện nầy là một phúng dụ về sự thành công của Bà la môn giáo đối với Phật Giáo:

- Gaya được gọi là một Asura, thông thường có nghĩa là người khổng lồ, một ma quỷ, một con ma dụ dỗ, một người chửi rủa các thần và tôn giáo; nhưng nó không được vẽ ra như vậy. Nó không ham mê trong tội lỗi, không làm thương tổn ai, và không chống lại các thần cũng như tôn giáo bằng lời nói hay hành động. Ngược lại, nó được diễn tả là một người sùng kính Vishnu, hiến mình cho sự sám hối nghiêm nhặt, và những cuộc thiền định kéo dài, và cho những yêu cầu làm trong sạch tột cùng thể xác và tâm hồn; một người mà chỉ chạm đến là có thể rửa sạch những tội lỗi lớn nhất của con người và được sinh vào cõi trời.

Sự buộc tội nghiêm trọng nhất đối với y là đã làm sự cứu rỗi quá đơn giãn và ngắn gọn. Trong trường hợp của y, vì vậy, sự việc chỉ có nghĩa là y đã không theo tín ngưỡng của người Bà la môn, cũng không theo đường hướng của họ, tóm lại y là một người dị giáo. Tính chất nầy đã luôn luôn được gán cho những người lãnh đạo trong khối Phật Giáo. Họ sùng tín, họ biết sống khổ hạnh, họ hết lòng dấn thân vào sự sám hối và thiền định; nhưng họ tránh xa sự tế tự và những cuộc lễ của người Bà La Môn, và vì vậy Gaya có thể được coi như sự nhân cách hóa Phật Giáo. Thân thể của nó đo được 576 x 268 dặm, và khu vực từ Kalinga đến Hy mã lạp sơn, và từ Trung Ấn đến Bengal, khu vực mà Phật Giáo đã lan tràn trong thời gian câu chuyện được viết ra bao trùm khắp không gian đó, và còn hơn nữa. Tổng hành dinh của Phật Giáo là Gaya; và thị trấn Gaya, ngay cả ngày nay, có bề rộng vừa một dặm.

Cố gắng của các thần để đặt xuống chiếc đầu của con ma là một điển hình cho cố gắng của người Ấn Ðộ Giáo tấn công Phật Giáo ở trung tâm gây cảm hứng cho nó, trung tâm đầu não, và đòn gậy của Vishnu chỉ cho phương sách đã dùng để tấn công khi sự thuyết dụ không đạt được kết quả cuối cùng. Tảng đá tôn giáo được đặt lên đầu của kẻ không theo đạo, sức mạnh của các thần giữ nó cố định và không thể lay chuyển. Cũng chính là phúc lành của chư thần đã thánh hóa cái nôi của Phật Giáo trở thành một nơi tôn nghiêm của tín ngưỡng Ấn Ðộ Giáo.

Chúng ta biết quá rõ về những phương tiện được dùng đến ở Puri, Bhuvnesvana, và những nơi khác để biểu hiện những biểu tượng Phật Giáo. Những nơi thiêng liêng của Phật Giáo, và ngay cả những tượng Phật Giáo có ích cho sự lễ bái của Ấn Ðộ Giáo, và không vô lý một chút nào khi giả thuyết cùng một tiến trình đã được xử dụng tại Gaya.

Ngoài sự đàn áp của vua chúa và tôn giáo, Phật Giáo còn là đối tượng đàn áp và tẩy chay của xã hội. Chúng ta thấy rõ rằng khi Phật Giáo bắt đầu suy tàn, người Ấn Ðộ Giáo đã lợi dụng sự nghèo khó của tín đồ Phật Giáo, cho phép họ vào lại cộng đồng Ấn Ðộ Giáo nhưng lên án họ là những người Không Thể Chạm Ðến, ghép vào giai tầng thấp nhất, ở ngoài bốn giai cấp của Ấn Ðộ Giáo. Họ hoàn toàn bị rút phép thông công với xã hội, và bị gán cho danh hiệu là Pariah, Pamchama, Avarna, Ati-Shudra là những người mà chỉ chạm vào hay chạm vào bóng là có thể làm ô uế giai cấp Ấn Ðộ Giáo. Họ bị buộc phải sống ở bên ngoài làng và đã là mục tiêu cho nhiều chứng bịnh xã hội. Họ bị từ chối khả năng học hành, và chỉ có thể làm những nghề nghiệp thấp thỏi hèn hạ.

Không những họ bị cấm không được xử dụng nước giếng, hồ chứa nước, và những nơi công cộng, họ còn không có quyền có sở hữu. Tóm lại, họ bị coi là những người nô lệ, họ không có chọn lựa nào khác hơn là phục dịch cho những cái gọi là giai cấp cao hơn mà không có một phần thưởng nào. Chúng ta không nghi ngờ, khi bị đè dưới gánh nặng của nghèo nàn, cộng với sự đàn áp và bốc lột của xã hội, những đệ tử của Ðức Phật đã quên di sản huy hoàng của họ và cam chịu số phận đau thương. Sự đối xử lỗ mãng đối với người Không Thể Chạm Ðến, ngày nay là những giai cấp phụ bởi giai cấp Ấn Ðộ Giáo chỉ có thể được giải thích, đó là kết quả của thành kiến và thù ghét của họ đối với Phật Giáo. Bằng không, tại sao một khối người lớn lao lại bị tước đoạt phương tiện và bị nguyền rủa là Không Thể Ðến Gần, Không Thể Nói Chuyện, và Không Thể Va Chạm.

Việc những Người Không Thể Chạm Ðến, hay là những Giai Cấp Phụ ở Ấn Ðộ ngày nay là những tín đồ Phật Giáo ngày xưa có thể được chứng minh:

- Ðầu tiên, hầu hết những phong tục và tính chất của họ nền tảng là Phật Giáo.

- Thứ hai, họ không quan tâm nhiều đến những thần linh Ấn Ðộ Giáo. Giống như tín đồ Phật Giáo, họ thờ phụng Ðức Phật, vị Thầy vĩ đại nhất của họ và họ tôn thờ những vị Thầy như Ravidas, Chokhamela, Kabir, v.v. Như vậy, giống như tín đồ Phật Giáo, họ là những người Gu-bhaju, những người tôn thờ Thầy, chứ không phải là những Dev-bhaju, những người thờ phụng thần linh như trong trường hợp những người Ấn Ðộ Giáo.

- Thứ ba, một vài giai cấp phụ ở Punjab, Himachal Pradesh, Delhi, và Rajasthan tự xưng là Ad-Dharmi hay Adi-Dharmi. Chữ Ad có nghĩa là cổ, xưa hay nguyên thủy và người Ad-Dharmi tin tưởng rằng họ là tín đồ của một tín ngưỡng cổ xưa. Không nghi ngờ rằng những từ như Ad-Dharmi hay Adi-Dharmi có mầm giống Phật Giáo vì chúng tương tự những thành ngữ Phật Giáo như Adi-Buddha và Adi-Dharma mà theo truyền thống Ðại thừa, chúng biểu thị cho trí tuệ hay Tâm và Vật. Hơn nữa, những tín đồ Phật Giáo từ lâu đời đã gọi tôn giáo của họ là Dharma hay Saddharma, và những tín đồ Phật Giáo ở Orissa gọi họ là Mahima Dharmi (những tín đồ của Giáo Pháp đáng tán dương).

Thật vậy những người nầy đã là những tín đồ Phật Giáo trong quá khứ. Ðiều xảy ra sau nầy dường như là do sự đàn áp và không được học hành, họ đã quên tên Phật Ðà hay có thể họ từ bỏ tên của Ðấng Pháp Vương để không còn chịu gian khổ như Achyutananda một thi sĩ ở Orissa vào thế kỷ thứ mười sáu, an ủi họ bằng cách nói rằng: vì sự đáng ao ước trong Kaliyuga mà những tín đồ Phật Giáo phải cải trang.

Sự xâm nhập của người Hồi Giáo đẩy mạnh sự điêu tàn của Phật Giáo trên đất Ấn. Khi người Hồi Giáo đến, họ có hai đối tượng trước mắt:

- Thứ nhất là nắm quyền chính trị,

- Thứ hai là truyền bá Hồi Giáo.

Ðể đạt được mục đích thứ hai, họ có kế hoạch khử trừ những đền chùa Phật Giáo và Ấn Ðộ Giáo, các tăng sĩ và thầy tế của Bà La Môn, vì chúng là những kho tàng tư tưởng tôn giáo. Họ có khuynh hướng chống những tu sĩ Phật Giáo, những người đã truyền bá thông điệp bình đẳng do đức Như Lai dạy. Khuynh hướng nầy được trù hoạch vì người Hồi Giáo, thấy rằng họ gặp khó khăn trong việc truyền dạy thông điệp tiên tri của họ về bình đẳng dưới quan điểm của những giáo lý tương tự như của Ðức Phật. Do đó, những người Hồi Giáo cuồng tín san bằng các tu viện, và thủ tiêu hầu hết các tăng sĩ trong tu viện đó. Thiểu số may mắn thoát khỏi lưỡi gươm của Hồi Giáo, họ phải chạy trốn để giữ mạng và tìm nơi ẩn náu ở những nước láng giềng. Hai ông vua Hồi Giáo đáng chú ý đã tàn phá những nơi thiêng liêng của Phật Giáo là Mahmud Gazinavi và Bakhtiaruddin Khilji. Ông vua trước đã cướp bóc những chùa chiền ở Kot Kangra (Mimachal Pradesh) vào thế kỷ thứ mười, và ông vua sau đã phá hũy những tu viện Nalanda, Vikramasla, và Odentapuri là những trụ sở sống động cho đến thế kỷ thứ mười hai. Nói về sự xâm lăng của Hồi Giáo, tiến sĩ Ambedkar nói:

- Những người xâm lăng Hồi Giáo cướp phá những Ðại Học kể ra một số ít là Nalanda, Vikramasila, Jagaddala, Odantapuri. Họ nhổ tận nền những tu viện Phật Giáo rãi khắp nơi trong nước. Tăng sĩ hàng ngàn người chạy trốn qua nước Nepal, Tây Tạng, và những xứ ngoài Ấn Ðộ. Một số rất lớn bị giết bởi những người lính Hồi giáo. Tu sĩ Phật Giáo bị tàn hại dưới lưỡi gươm của những người xâm lăng Hồi giáo như thế nào đã được các sử gia Hồi Giáo ghi lại. Tóm tắt tài liệu liên quan đến sự tàn sát tu sĩ Phật Giáo của tướng Hồi Giáo gây ra ở Bihar khi ông đem quân xâm lăng vào năm 1197 sau Tây lịch, Ông Vincent Smith viết:

- Tướng Hồi Giáo đã làm cho mọi người biết tên ông trong lúc khủng bố bằng những cuộc viễn chinh cướp bóc nhiều lần ở Bihar, chiếm đoạt kinh đô bằng những trận đánh táo bạo. Sử gia đương thời, gặp một trong những người sống sót trong toán tấn công vào năm 1243 sau Tây lịch, và được cho biết là pháo đài của Bihar bị chiếm lấy do một nhóm quân chỉ gồm hai trăm kỵ binh, họ lao vào cửa Ðông một cách dũng cảm và chiếm lấy vị trí. Một số lượng lớn đồ cướp bóc được thu thập và sự tàn sát những "Người Bà La Môn Ðầu Trọc", chỉ những tu sĩ Phật Giáo, hoàn toàn hoàn tất, và khi người chiến thắng muốn tìm một người có thể giãi thích được những sách trong thư viện các chùa, thì không còn tìm được một người nào còn sống để có thể đọc những sách đó. Chúng tôi được cho biết rằng: "Người ta khám phá ra rằng toàn bộ pháo đài ở thành phố đó là một trường cao đẳng, và theo cách nói của người Ấn Ðộ Giáo thì họ gọi là trường Bihar."

Sự tàn sát giới tu sĩ Phật Giáo do những người Hồi giáo xâm lăng gây ra là như vậy. Vì muốn tiêu diệt Phật Giáo, nên Hồi Giáo giết giới tu sĩ Phật Giáo. Ðó là cuộc khủng bố lớn lao nhất làm cho tôn giáo của Phật Ðà suy tàn ở Ấn Ðộ. Tôn giáo cũng giống như ý thức hệ khác, có thể được duy trì chỉ bằng sự truyền bá. Nếu sự truyền bá thất bại, tôn giáo phải biến mất. Lưỡi gươm của Hồi Giáo gieo mạnh xuống giới tu sĩ. Họ bị tiêu diệt hay trốn thoát ra nước ngoài. Không còn ai ở lại để thắp sáng ngọn lửa Phật Giáo.

Một số hành giả Ấn Ðộ Giáo lợi dụng tình trạng người Hồi Giáo gây ra trong việc xâm chiếm những nơi thờ phụng của Phật Giáo ở Bihar được Dharmasvamim, một người hành hương Tây Tạng viếng Bihar khoảng ba thế hệ sau cuộc tai biến, diễn tả một cách sống động. Theo ông Ratnabodhi, thư viện lớn nhất ở Nalanda, thoát khỏi sự tàn phá dưới bàn tay người Hồi Giáo, đã bị những khất sĩ Ấn Ðộ Giáo đốt cháy. Ông nói:

- Họ (những người Ấn Ðộ giáo) thực hiện một Yana, lễ tế lửa, và liệng những than hồng và tro lấy từ hầm tế vào những ngôi chùa Phật Giáo, v.v. Ðiều nầy gây nên một đám cháy lớn thiêu rụi Ratnabodhi, thư viện chín tầng của Ðại Học Nalanda.

Việc những kẻ đối lập Phật Giáo trong hàng ngũ Ấn Ðộ Giáo đã không lùi bước trong việc tàn phá những nơi thiêng liêng của Phật Giáo, ở những nơi khác cũng được thấy rõ từ những đống tro tàn, những hình ảnh bị đốt cháy, và xương của những tăng sĩ được các nhà khảo cổ tìm thấy ở Sarnath và vùng phụ cận. Rõ ràng, các chùa bị thiêu hủy do những người cuồng tín và việc nầy dường như đã xãy ra nhiều lần, như thiếu tá Kittoe, người tiến hành công việc khai quật ở Sarnath vào năm 1851 đã nói:

- Tất cả mọi thứ đều bị cướp phá và thiêu hủy, tu sĩ, chùa, tượng, tất cả cùng với nhau, vì ở một số nơi, xương, sắt, gỗ, và đá được tìm thấy từng khối lớn, và việc nầy xảy ra nhiều lần.

Sự suy tàn của những trung tâm Phật Giáo thổi đến một ngọn gió định mệnh cho tín đồ Phật Giáo, họ không thể phục hồi trở lại nền tảng đã mất. Vì vậy, trải qua những thế kỷ kế tiếp, Phật Giáo một mặt bị chính những người hâm mộ nó thờ ơ, và mặt khác, hàng ngàn chùa chiền của nó bị những kẻ đối lập hủy diệt, cướp bóc hay chiếm đoạt. Những công trình Phật Giáo tiếp tục bị tiêu hủy, cướp bóc trong nhiều thế kỷ chỉ vì vật chất, sẽ được cho thấy rõ ràng với một vài trích dẫn sau đây:

1) Ngôi tháp tráng lệ Bharut ở Madhya Pradesh, từ đó nó được gọi tên và nổi tiếng khắp thế giới về những mẫu tinh vi nhất của Nghệ Thuật và Ðiêu Khắc Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, đã bị những người địa phương ngu dốt kéo sập chỉ để lấy gạch làm nhà riêng của họ. Cunningham, người đã khám phá và khai quật ngôi tháp nầy vào năm 1873-74, nói rằng làng ngày nay là Bharhut gồm đến hai trăm ngôi nhà đều hoàn toàn được xây bằng gạch lấy từ ngôi tháp này. Việc làm của dân làng Bharhut làm cho những làng lân cận bắt chước. Họ tháo dở một số lớn những cột trụ và chấn song mang về dựng nhà của họ. Cunningham đã khám phá ra sáu cây trụ ở làng kế bên là Batanmara và tám trụ ở Pathora. Ông cũng khám phá ra một số những tảng đá điêu khắc từng các chấn song của tháp trong hầu hết các làng rộng lớn xung quanh Bharhut, đặc biệt là ở Uchahara, Batamara, Pathora, và Madhogarh (hay Patharhat).

2) Tháp Dharmarajika ở Sarnath bị Jagat Singh tháo dỡ vào năm 1794 chỉ để lấy gạch xây chợ ở Varanasi. Chợ nầy ngày nay được biết đến với tên là Jagatganj. Trụ của vua A-Dục cũng bị đập vỡ.

3) Về ngôi tháp danh tiếng Amaravati ở Andhra Pradesh, V.R. Narla, một người có thẩm quyền về nghệ thuật Phật Giáo ở Andhra, nói:

- Hầu hết những tàn tích ngày nay đều rủi ro không còn. Ngay cả vào thời Ðại tá Colin Mackenzie người đã thấy tháp Amaravati vào cuối thế kỷ thứ mười tám, nhiều tảng đá hoa điêu khắc đã bị tiêu hủy. Chúng bị đào lên và đốt thành vôi do người cầm đầu ở nơi đây, người nầy vào năm 1797 đã dời tổng hành dinh về Amaravati, đám tro tàn của nó mang nhiều tính chất lịch sử và được truyền thống thánh hóa, và làm một sự cố gắng yếu ớt để dựng một thành phố mới gần chùa Amaresvara. Và ngay cả những tác phẩm điêu khắc thoát khỏi sự phá hoại văn hóa nầy, ngày nay cũng bị phân rải nhiều nơi.

4- Vào năm 1840, ngôi tháp Phật Giáo ở Gudivada trong xứ Andhra Pradesh bị phá hủy để lấy vật liệu sửa sang con đường giữa Bezwada và Bandar. Ðề cập đến sự phá hoại văn hoá nầy, ông Rea nói:

- Thật là hối tiếc, tất cả những công trình nầy đã phải chịu hủy hoại bởi những bàn tay của những người cầm vật liệu để xây dựng đường và những công việc tương tự. Mặc dù những công trình kiến trúc cổ xưa nhất còn tồn tại một nền văn minh cổ, tính chất thái cổ của chúng không có sự bảo vệ cho chúng khỏi những bàn tay tước đoạt.


PHẬT GIÁO BỊ ÐỒNG HÓA


Ðể đối đầu tương xứng với Phật Giáo, Ấn Ðộ Giáo đã sớm tiến hành việc sửa đổi và tự biến dạng. Về việc nầy họ đã vũ trang hệ thống của họ bằng những tính chất tốt đẹp của Phật Giáo cả trong lý thuyết và thực hành. Trong tiến trình cải cách nầy, người Ấn Ðộ Giáo tiếp nhận lý tưởng Bất Sát (Ahimsa) và từ bỏ việc tế súc vật; và cũng bắt đầu tổ chức theo cách thức trong các tu viện Phật Giáo. Xa hơn, để chấm dứt việc đấu khẩu lâu dài và khó khăn để giành phần thắng của những tín đồ của hai tôn giáo,
Ðức Thích Tôn được họ đặt vào trong các thần Ấn Ðộ Giáo, như là một Hóa Thân (Avatara) của thần Vishnu. Và điều nầy được công bố trong quảng đại quần chúng do các tác giả Purana. Bên cạnh thánh thư Varaha, nói rằng nhờ tuân theo lời nguyện của Buddhavadasi, vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đã được thần Vishnu xuống làm con dưới hình tướng Phật Ðà. Ðức Phật đã bị coi là một Avatara của Vishnu trong Matsya, Bhagavata, Garuda, và Linga Purana. Không chỉ vậy, những người thờ thần Shiva tiếp thâu những yếu tố tu viện và chiêm nghiệm của Phật Giáo, và những người thờ thần Vishnu tiếp thâu những yếu tố sùng bái và nhân đạo của Phật Giáo để bảo đảm tính phổ biến trong quần chúng.

Những người thờ thần Vishnu còn sửa đổi thái độ của họ về vấn đề hệ thống giai cấp. Họ chấp nhận nó như là một thể chế xã hội, không chuyên chở một sự theo đuổi tôn giáo hay tâm linh nào. Như tiến sĩ Radhakrishnan nói:

- Một tiến trình thâm nhập và sửa đổi từ từ đã phát triển, như việc ủng hộ thuyết cho rằng Ðại Thừa Giáo chỉ là một giai đoạn phân phái trong trào lưu lớn những người thờ thần Vishnu, Tiểu Thừa Giáo, với tính chất khổ hạnh nhiều hơn, được coi như một phái của người thờ thần Shiva.

Khi tín ngưỡng Bà La Môn khắc sâu tình thương mọi loài và sùng bái thần linh và tuyên bố rằng Ðức Phật là hóa thân của Vishnu, hồi chuông báo tử của Phật Giáo ở Ấn Ðộ đã vang lên.


NHỮNG NGUYÊN NHÂN BÊN TRONG


Bên cạnh những nguyên nhân bên ngoài, chắc chắn là những nguyên nhân chính cho sự thoái hoá và biến mất của Phật Giáo, còn có một số ít những hạn chế và lầm lỗi bên trong cũng đã làm cho sự biến mất cuối cùng của Phật Giáo trên quê hương nó xảy ra một cách nhanh chóng.

Chúng ta phải thừa nhận rằng chính những tín đồ Phật Giáo lãnh phần trách nhiệm lớn cho số phận đáng buồn của tôn giáo của họ. Ðức Phật đã vạch ra con đường cho các vị Tỳ kheo không những là người đi tìm sự giác ngộ bằng thực hành những giới luật đạo đức và tâm linh, nhưng cũng là người phụng sự xã hội hay là người bạn, triết gia và người hướng đạo cho quần chúng.

Ðức Phật là một vị thầy tôn giáo đầu tiên ở Ấn Ðộ, hay nói đúng hơn là toàn thế giới, cổ vũ những đệ tử của mình đi và đi khắp nơi vì hạnh phúc và lợi ích của nhiều người. Thêm nữa, Ngài là người đầu tiên đưa ra lý tưởng hy sinh, quên mình và phục vụ cho kẻ khác. Ngài nói rằng một Tỳ kheo phải xin ăn, phải sống bằng vật bố thí, phải hạn chế chỉ ăn ngày một bửa.

Theo những lời dạy của Thầy, những vị Tỳ Kheo đầu tiên đã đạt đến những tiêu chuẩn cao nhất của lòng kính tín, hy sinh và phụng sự. Ðiều nầy đã thành tựu rực rỡ và làm cho Phật Pháp trở thành một tôn giáo phổ biến và được tôn kính nhất ở Ấn Ðộ.

Nhưng bất hạnh thay, các tăng sĩ về sau đã không giữ những tiêu chuẩn dành cho họ. Khi các tu viện trở nên giàu có, thì hoạt động chính của họ được coi là đào sâu việc nghiên cứu từ chương thay vì truyền bá Giáo Pháp, tăng sĩ đánh mất sự giao hảo gần gũi với quần chúng, và tương quan giữa tăng sĩ và cư sĩ bị thụt lùi. Các vị Tỳ Kheo trở nên xao lãng và thụ động đối với những mục đích thực tiễn. Ðiều nầy làm cho Phật Giáo suy yếu. Tình trạng Tăng Già trong những năm chấm dứt thời kỳ vinh quang của Phật Giáo tại Ấn Ðộ có thể được đánh giá từ những điều mà Cunningham, một nhà khảo cổ, thám hiểm, và học giả vĩ đại nhất nói vấn đề nầy. Ông nói:

- Phật Giáo đã thật sự trở nên một tín ngưỡng già nua và kiệt lực, những vị khất sĩ không còn đi khất thực, nhưng từ lâu đã được hổ trợ bằng đất đai dành riêng cho các tu viện. Các vị Sa Môn và Tỳ Kheo không giống như những người của thời xưa, những người uyên bác và trí tuệ, sự tiết độ về thân xác và sự nhứt tâm thiền quán cộng với những chủ trương thực tiễn và gương mẫu trong sạch, đã kích thích lòng sùng kính của quần chúng.

Những tín đồ Phật Giáo hiện đại rơi vào tình trạng mục nát, họ bằng lòng sống một đời sống thụ động trong những công việc tẻ nhạt hằng ngày của đời sống tu viện, nơi đó còn một vài dấu hiệu tôn giáo bề ngoài; nhưng không còn sự tha thiết nồng nhiệt trong sinh hoạt thiếu sinh khí của những công việc tẻ nhạt hằng ngày đó, và lòng hăng say đã có thời đốt cháy trong tim của mỗi người tu sĩ Phật Giáo trong việc truyền bá tôn giáo của họ đã dập tắt từ lâu.

Trong những ngày xa xưa, tăng sĩ và tu viện là huyết mạch của Phật Giáo. Nó nẩy nở, bao giờ những tu viện còn, các tăng sĩ còn cẩn trọng. Một khi các tăng sĩ trở nên thờ ơ và đánh mất cái tầm nhìn vào sứ mệnh của họ, Phật Giáo suy tàn. Và khi các tu viện làm mồi cho sự phá hoại văn hoá, Phật Giáo đi đến chỗ sụp đổ hoàn toàn. Rất nhiều sách vở Phật Giáo, hầu hết được cất giữ trong các tu viện, cũng hoàn toàn biến mất ở Ấn Ðộ do sự phá hủy các tu viện. Lý do là những tín đồ Phật Giáo không có tổ chức cư sĩ để giảng dạy, truyền bá, và bảo vệ tôn giáo của họ. Với sự thiếu vắng những tổ chức như vậy, họ chỉ đứng nhìn mà không giúp được gì khi các tu viện bị cướp phá, xúc phạm và các tăng sĩ bị trục xuất hay giết hại.

Sự thiếu vắng những tập quán và nghi thức cho những cuộc lễ lộc trong xã hội như đám cưới, v.v. của Phật Giáo cũng là một trong những yếu tố làm cho Phật Giáo suy tàn ở Ấn Ðộ. Ðức Phật chống lại chủ nghĩa nghi thức, cũng như độc quyền của những người Bà La Môn là giai cấp thầy tế, không cho phép những tăng sĩ hành động như những thầy tế trong những cuộc lễ có tính cách xã hội. Cũng không có những cuộc lễ đặc biệt về sinh nhật, cưới hỏi, v.v. được đề ra. Như vậy giới cư sĩ tiếp tục thực hành theo những phong tục và lễ lộc đang lưu hành, phần lớn do những người Bà La Môn đề ra. Thái độ không xen vào của Phật Giáo, như tiến sĩ Joshi nói:

- Mặc dù giúp cho sự truyền bá tôn giáo được trôi chảy, đã đem đến kết quả trên chặng đường dài làm suy giãm ảnh hưởng của nó trong xã hội.

Một nguyên nhân bên trong khác, lót đường cho sự suy tàn của Phật Giáo, là sự chiều chuộng quá đáng của những tín đồ đại thừa nhiệt tình đối với những sự mê tín của Ấn Ðộ giáo. Ðể truyền bá rộng tín ngưỡng của họ, không những họ đã nhân lên và thần thánh hóa Ðức Phật, lại còn đưa một số thần và nữ thần Ấn Ðộ Giáo vào làm các vị thần Phật Giáo, dưới dạng những Bồ Tát để nhân cách hóa những năng lực của Phật Ðà. Việc nầy làm cho Phật Giáo không còn khác biệt, ngọai trừ tên gọi, với các thần thánh Ấn Ðộ Giáo, sự khác biệt giữa hai tôn giáo bị xóa bỏ. Và khi Ấn Ðộ Giáo đưa Ðức Phật vào danh sách các thần của họ để chứng minh rằng Phật Giáo là một phái của họ. Phật Giáo đánh mất tính riêng biệt.


KẾT LUẬN

Mất sự bảo trợ của giới vua chúa có thể được coi là một nguyên nhân khác làm sự suy tàn của Phật Giáo mau chóng. Ví dụ, phải trên hai trăm năm để Phật Giáo mọc những chiếc rễ vững chãi và có được hình thái của một trào lưu giải phóng xã hội lớn trên quê hương của nó. Việc nầy xảy ra với sự ra đời của vua A Dục (Ashoka) vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Tuy nhiên trong vòng năm mươi năm vua A Dục qua đời vào năm 232 trước Tây lịch, Ðế quốc Khổng Tước (Maurya) sụp đỗ và Phật Giáo mất sự bảo trợ của giới vua chúa chỉ trở lại 300 năm sau với sự ra đời của Ca Nhị Sắc Ca (Kanishka) vào năm 78 sau Tây lịch. Với sự sụp đỗ của vương triều Quý Sương (Kushana) vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, Phật Giáo lại mất sự bảo trợ của giới vương giả. Giai đoạn sau Quý Sương là một giai đoạn rối ren chính trị, cuối cùng đã đưa đến sự nổi lên của vương triều Cấp Ða (Gupta) ở nước Ma Kiệt Ðà (Magadha).

Những vị vua của vương triều Cấp Ða là những người theo Bà La Môn giáo và triều đại của họ được đánh dấu là đã làm phục hồi Bà La Môn giáo. Người bảo trợ có quyền hành cuối cùng cho Phật Giáo là vua Giới Nhật (Harsha) nắm quyền vào năm 606 sau Tây lịch, có nghĩa là năm trăm năm sau vua Ca Nhị Sắc Ca. Sau khi vua Giới Nhật mất vào năm 647, Phật Giáo lại mất sự bảo trợ của giới vương giả, và không bao giờ có lại được sự bảo trợ trên một phạm vi rộng lớn. Một khi sự bảo trợ của giới vua chúa không còn, và bị thay thế bằng sự đàn áp của giới vua chúa và tôn giáo, thành lũy cuối cùng của Phật Giáo sụp đổ nhanh chóng hơn có thể tưởng. Những gì còn lại chưa bị những người phản động Ấn Ðộ Giáo phá hủy hết lại bị dẹp sạch bởi những người cuồng tín Hồi Giáo. Như một nhà văn đã viết:

- Màn cuối cùng trong vở kịch Phật Giáo trên sân khấu đất mẹ của nó, bắt đầu bị khủng bố, và chấm dứt trong câm lặng, một sự câm lặng lãng quên. Những nơi thiêng liêng đổ nát, bị rừng rậm che khuất, chùa chiền của nó chuyển sang tôn giáo khác. Ðức Phật biến mất trong đám đông các thần Ấn Ðộ Giáo và ra khỏi ký ức của con người.

Dù lý do nào đưa đến sự suy tàn và biến mất của Phật Giáo khỏi đất nước Ấn Ðộ đi nữa, một việc chắc chắn đó là điều bất hạnh nhất khi tôn giáo của Ðức Phật, một tôn giáo hoàn cầu đầu tiên, đánh mất ảnh hưởng trên đất tổ của nó. Sự việc nầy xảy ra, Ấn Ðộ đã phải trả một giá rất đắt, đó là sự thật lịch sử.

Nước Ấn Ðộ sung mãn cho đến khi Phật Giáo vẫn còn là một tôn giáo sống động, và khi Phật Giáo suy tàn, Ấn Ðộ đã mất đi tinh thần tự do, danh tiếng giảm sút, và sự tiến bộ bị ngăn trở.

Tác giả: D.C. Ahir
Người dịch: Trần Đức Phi Bằng

_http://quangminh.org.au/index.php?option=com_content&view=article&id=1163: vi-sao-pht-giao-suy-tan-ti-n-&catid=94:tim-hiu-pht-giao&Itemid=60

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

Vì sao Phật Giáo suy tàn tại Ấn Độ - Tác giả: D.C. Ahir

Vì có nhiều người thắc mắc việc Ðạo Phật biến mất trên đất Ấn Ðộ, nơi nó đã ra đời và lớn mạnh đến tuyệt đỉnh. Do đó, chúng tôi xin dịch bài này của tác giả là một người Ấn Ðộ, cũng là một người trưởng thành trong xã hôị Ấn Ðộ Giáo




Vì có nhiều người thắc mắc việc Ðạo Phật biến mất trên đất Ấn Ðộ, nơi nó đã ra đời và lớn mạnh đến tuyệt đỉnh. Do đó, chúng tôi xin dịch bài này của tác giả là một người Ấn Ðộ, cũng là một người trưởng thành trong xã hôị Ấn Ðộ Giáo, dưới quan điểm của một học giả hiện đại để cống hiến qúy vị.

Sự biến mất của Ðạo Phật ở Ấn Ðộ, nơi nó đã được sinh ra, trưởng thành và đạt đến những thành tựu cao nhất, là một hiện tượng đáng ngạc nhiên và đau lòng. Thế nào và tại sao Ðạo Phật đã không tồn tại lâu dài trong những người gần gũi nhất với nó là một vấn đề khó hiểu với nhiều ý kiến bất đồng. Quan điểm chung của các nhà học giả Ấn Ðộ là sự xao lãng và sa đọa trong đời sống Ðạo Ðức và Tâm Linh của giới tu sĩ Phật Giáo, Tăng cũng như Ni. Tuy nhiên nhìn dưới ánh sáng lịch sử, việc cho rằng sự xuống dốc về đạo đức của hàng ngũ Tăng Già Phật Giáo dường như là chuyện hoang đường không có những bằng chứng xác đáng. Nói như Swami Vivekananda rằng Phật Giáo phải chết, một cái chết tự nhiên trên đất Ấn Ðộ vì những đệ tử của Phật đã từ bỏ đấng Thượng Ðế vĩnh hằng ra khỏi đất nước cũng không đúng. Nếu đó là lý do thì tại sao Kỳ Na Giáo đã tồn tại trên đất Ấn khi Mahavira cũng không thừa nhận Thượng Ðế là đấng Tối Cao. Tín đồ Kỳ Na Giáo, cũng giống như Phật Giáo, không thừa nhận thẩm quyền của kinh điển Vệ Ðà. Vì vậy, đó không phải là lý do suy tàn của Phật Giáo trên đất Ấn.

Theo quan điểm của chúng tôi, Phật Giáo đã chết một cái chết không tự nhiên, và những nguyên do đưa đến sự biến mất của nó là những nguyên do bên ngoài hơn là bên trong. Không chỉ thế, một chiến dịch có hệ thống và tính toán đã được tiến hành vì quyền lợi ích kỷ của người Bà La Môn Giáo đã đẩy Phật Giáo ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của nó. Lý do là vì Ðức Phật đã lên án chế độ giai cấp và nhấn mạnh vào sự bình đẳng của mọi người. Trong khi đó tín đồ của Bà La Môn bằng mọi cách bảo vệ hệ thống giai cấp để bám lấy những ưu đãi của họ trong sự phân chia giai cấp đó, nhưng tín đồ Phật Giáo, không giống như tín đồ Kỳ Na Giáo, không chịu thỏa hiệp trên vấn đề nầy. Ðiều nầy đã đưa đến mâu thuẩn. Người Bà La Môn một mặt phát động chiến dịch chống Phật Giáo, ngược đãi tín đồ Phật Giáo, một mặt đem những điểm tốt của Phật Giáo vào hệ thống của họ để thuyết phục quần chúng. Những yếu tố ngoại tại, cộng với một vài sai lầm nội bộ đã nhanh chóng làm Phật Giáo suy tàn tại Ấn Ðộ.


XUNG ÐỘT GIỮA BÀ LA MÔN VÀ PHẬT GIÁO


Trước khi có Phật Giáo, Ấn Ðộ chưa từng biết đến những đạo lý về bình đẳng và tình huynh đệ. Theo Nguyên Nhân Ca(Purusha Suka) của kinh Lê Câu Phệ Ðà(Rig Veda), chủng tộc Bà La Môn sinh ra từ miệng, chủng tộc Sát Ðế Lợi (Kshatriya) sinh ra từ tay, chủng tộc Phệ Xá(Vaishya) sinh ra từ đùi, và chủng tộc Thủ Ðà La(Sudra) sinh ra từ bàn chân của Brahma là Thần Sáng Tạo. Xã hội này đặt nền tảng trên nguồn gốc thần thoại Chaturvarna và được quy định bằng nguyên lý phân biệt giai cấp; giai cấp Bà La Môn được xếp hàng đầu, tiếp đến là giai cấp Sát Ðế Lợi, Phệ Xà, và Thủ Ðà La là thấp nhất. Quy luật về sự phân biệt giai cấp cũng quy định những quyền lợi và ưu thế của họ. Ngay cả những hình phạt về sự phạm tội cũng được đặt trên nền tảng khác biệt giai cấp. Người Bà La Môn sẽ bị hình phạt nhẹ nhất và người thuộc giai cấp Thủ Ðà La sẽ bị hình phạt nặng nhất. Như vậy, toàn bộ cơ cấu xã hội được đặt trên nguyên tắc bất bình đẳng.

Ðức Phật đã làm một cuộc cách mạng chống lại những luật lệ xã hội áp bức đó và lên án hệ thống giai cấp. Ngài không thừa nhận nguồn gốc linh thiêng của giai cấp, và chứng minh sự dối trá của giai cấp Bà La Môn khi tuyên bố rằng họ sinh ra từ miệng của Brahma. Ngài bác bỏ lời tuyên bố của người Bà La Môn, họ cho rằng chỉ có họ mới có thể đạt đến những đức hạnh tâm linh, và khẳng định rằng người trong bất kỳ giai cấp, màu da hay tín ngưỡng nào đều có thể phát triển trong tâm họ những đức hạnh đó. Ngài còn đi xa hơn nữa:

- Hãy làm cho không còn ai, nam hay nữ, bất kỳ thuộc nền tảng kinh tế xã hội nào, bị cản trở trên con đường đạt đến sự toàn thiện. Ðó là quyền của mỗi người, khả năng bên trong của mỗi người, và sự toàn thiện đó có thể đạt đến do sự cố gắng không ngừng của riêng mỗi người, không do sự giúp đỡ của một tha nhân, thần thánh hay siêu nhiên nào.

Ðức Phật còn dạy rằng: Tất cả mọi người đều giống nhau, nếu phân chia họ ra một cách nhân tạo là hành động điên rồ. Trong kinh Vesttha, Ngài nói rằng: Trong đời sống của loài thú có những sự khác biệt dựa trên những đặc tính nền tảng khác nhau. Trong đời sống của các loài cây cỏ cũng vậy. Nhưng không có những sự khác biệt như thế trong sự phân loại loài người thành những ngăn kín, vì nhân loại là một và có cùng những đặc tính như nhau. Vì vậy, Ðức Phật khẳng định một cách dứt khoát: Giá trị là đặt nền tảng trên những hành động, chứ không phải trên sự sinh ra, một sự việc vô tình, không phải là thước đo con người. Ngài cũng bước những bước cụ thể trong việc nhổ tận gốc sự tệ hại của giai cấp. Những bước đó là: Phơi trần huyền thoại về nguồn gốc thượng đẳng do người Bà La Môn tuyên bố về họ; khuyến khích giai cấp thấp bằng cách thọ trai tại nhà họ; và chấp nhận những người thuộc giai cấp thấp xuất gia và được coi ngang hàng với những người khác trong hàng ngũ Tăng Già. Hô hào các Tỳ Kheo quên dòng giống giai cấp của họ, một lần Ðức Phật nói: Này các thầy, giống như những dòng sông, sông Hằng, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarasvati, và sông Mahi khi chúng đều chảy về biển lớn. Cũng như vậy, này các thầy, bốn giai cấp: Bà La Môn, Sát Ðế Lỵ, Phệ Xá, và Thủ Ðà La khi họ đi theo giáo pháp và giới luật của Như Lai, họ từ bỏ những khác biệt của giai cấp và sắp hạng, và trở thành những phần tử của một khối duy nhất và đồng nhau.

Ở Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch, người Bà La Môn giáo tìm sự cứu rổi và giải thoát bằng những tế lễ hy sinh, người theo đạo Kỳ Na và Ajivaka tế lễ bằng sự tự hành hạ thân xác. Ðức Phật trái lại dạy đệ tử của Ngài vượt qua biển khổ luân hồi bằng cách đem sự tốt đẹp cho chúng sanh khác, thay vì làm hại họ hay hại chính bản thân mình. Ngài dạy con đường đi đến Niết Bàn bằng những phương tiện:

1. Tự điều khiển, tự tiết chế, và giảm thiểu những đam mê;
2. Mở lòng thương yêu tất cả mọi loài, người, chim muông, thú vật; và
3. Giúp đỡ người nghèo yếu.

Ngài cũng nhấn mạnh:

1. Cơ hội bình đẳng cho mọi người;
2. Thân thế bình đẳng cho mọi người;
3. Tự do tư tưởng; và
4. Tình huynh đệ toàn khắp.


Khi Ðức Phật giảng Giáo Pháp của Ngài, nó lôi cuốn quần chúng ở khắp mọi giới; giàu và nghèo, cao sang và thánh thiện, thấp thỏi và hạ tiện. Những người thuộc giai cấp Bà La Môn cũng không bị bỏ rơi. Thật vậy, phần lớn các đệ tử thân cận của Ðức Phật là những người thuộc giai cấp Bà La Môn. Ngay cả về sau, một số những ngọn đuốc dẫn đầu trong Ðạo Phật là những vị từ Bà La Môn quay về. Trong những thế kỷ tiếp sau, giáo lý xã hội của Ðức Phật đã tạo một sức đẩy làm xã hội Ấn Ðộ tiến lên, và những giai cấp thấp xác định quyền bình đẳng của họ, vì vậy mà tín đồ Bà La Môn đã quay lại chống đối Phật Giáo.

Thật sự, người Bà La Môn không chống đối Phật Giáo trên những giáo lý thuộc triết lý hay đạo đức, nhưng điều mà họ không thích là tư tưởng về sự bình đẳng trong Ðạo Phật. Như Tiến sĩ Ambedkar nói:

- Bất bình đẳng là giáo lý chính thức của đạo Bà La Môn. Ðức Phật chống lại gốc rể và cành lá của nó. Ngài là một đối thủ mạnh mẽ nhất của chế độ đẳng cấp và là cột trụ vững chãi nhất của tinh thần bình đẳng. Không có một lý lẽ nào về vấn đề giai cấp mà ngài không bác bỏ.

Chúng ta không nghi ngờ rằng, được khuyến khích với tinh thần bình đẳng do Ðức Phật dạy, những người giai cấp thấp trong xã hội xác định quyền tự do của họ và chống lại sự ưu thế của người Bà la môn. Ðiều nầy làm suy yếu nền tảng của hệ thống giai cấp và đã hạ tầng giai cấp Bà La Môn xuống tận đất.

Khi Ðạo Phật yếu đi chút đỉnh, người Bà La Môn giáo dùng mọi cách để lấy lại quyền lực và danh vọng đã mất. Họ không những cố gắng phục hồi lại hệ thống giai cấp mà còn tìm cách hủy diệt những giáo pháp của Ðức Phật khỏi đất nước Ấn Ðộ. Xin trích lời của Har Dayal:

- Những thầy tế triệt tiêu ngôn ngữ Pali trên đất Ấn. Họ không những ghét tiếng Pali về phương diện giáo lý, triết học hay những giới luật của Ðức Phật. Họ biết Ðức Phật là một vị Thầy lớn lao và tôn sùng Ngài. Nhưng họ muốn rằng những lời dạy tuyệt vời của Ðức Phật không được nghe thấy trên đất Ấn, vì những lời dạy nầy có năng lực phá hủy thành lũy giai cấp. Họ nói: Dù tiếng Pali tiêu diệt; dù nước Ấn Ðộ tiêu diệt; nhưng giai cấp của chúng ta phải nắm quyền lãnh đạo.

Ðể tranh đấu với Ðạo Phật, người Bà La Môn phải làm nhiều việc sửa đổi trong những giáo lý của họ. Họ bỏ sự hy sinh súc vật để cúng tế. Họ cũng bải bỏ giáo lý cho rằng các kinh điển Phệ Ðà không thể sai lầm. Tuy nhiên, về quan điểm phân chia giai cấp (Chaturvarna), họ không chịu đầu hàng. Họ phải thừa nhận tác dụng của những lý lẽ của Ðức Phật chống lại Chaturvana. Và họ phát động một sự điều chỉnh triết học cho Chaturvana được tìm thấy trong sách Bạt Già Phạm Ca (Bhagavad-Gita), một tác phẩm có trước Phật. Nói như P.L. Narasu trong cuốn Cốt Tủy Ðạo Phật:

- Mục đích chính của Gita là lén lút ủng hộ sự lãnh đạo và danh vọng của giai cấp Bà la môn, ra đời để đáp ứng những nhu cầu mà Ðạo Phật đã làm thỏa mãn. Bất cứ điều gì cao thượng và tuyệt vời trong Gita là điều mà Bà La Môn giáo đã vay mượn từ đối thủ của nó và xử dụng cho mục đích riêng tư của mình. Ðặc biệt là để ngăn chặn những người Thủ Ðà La không từ bỏ niềm tin cố cựu của họ. Phần còn lại là một khối những lặp đi lặp lại, những mâu thuẩn, những sự vô lý, kết quả của một cố gắng không thành công trong việc làm dung hòa mọi phương diện trong quan điểm truyền thống.

Mục đích chính của Bạt Già Phạm Ca là bảo vệ, làm mạnh hệ thống giai cấp được thấy rõ trong cách giải thích chữ Dharma (Pháp). Nghĩa chữ Dharma trong Phệ Ðà là những nghi lễ hay những nghi thức. Trong Gita cũng như trong Manu-Smriti, chữ Dharma được dùng có nghĩa là: Những bổn phận của bốn giai cấp trong thế gian. Trong Gita, Krishna bảo Arjuna chiến đấu, vì đó là Dharma (bổn phận giai cấp) của ông ta. Ông ta còn nói:

- Thà chết mà làm tròn bổn phận của giai cấp; làm theo những bổn phận dành riêng cho giai cấp khác là việc làm nguy hiểm.
Tín đồ Phật Giáo trái lại không chịu từ bỏ sự chống đối của họ đối với tư tưởng Chaturvarna. Ðó là lý do đầu tiên của sự chống đối giữa Phật Giáo và Bà La Môn giáo.

Tiến sĩ Amberka tìm dấu vết nguồn gốc mâu thuẩn giữa Phật Giáo và Bà La Môn giáo từ một nguồn khác. Ông nói:

- Khi đọc qua toàn bộ Văn Học Phật Giáo, tôi thấy rằng 90% tín đồ Phật Giáo trước kia là những người Bà la môn. Những người Bà La Môn thường đến gặp Ðức Phật để thảo luận và tranh cải, và khi thua, thường đặt tin tưởng vào Ðức Phật và cuối cùng chấp nhận Phật Giáo. Văn Học Phật Giáo chứa đầy những sự việc như vậy. Vì vậy, Phật Giáo là một tôn giáo đã nẩy nở giữa đại đa số những người Bà La Môn, làm thế nào về sau lại bị chính những người Ba la môn tiêu diệt?

Theo quan điểm của chúng tôi, lý do chính của sự việc nầy là sự thờ cúng thần linh gia đình. Ở Ấn Ðộ, giống như thần làng và thần nước, có những vị thần gia đình cũng được những người Bà La Môn thờ cúng. Những thầy tế thường thờ cúng những vị thần nầy bắt đầu gây ảnh hưởng vào quốc sự qua những bà hoàng. Vua A Dục (Ashoka) sau khi quy y theo Phật Giáo đã từ bỏ việc thờ cúng đó và dời tượng của những thần dùng trong việc thờ cúng nầy. Vua A Dục nói:

- Khi ta tôn kính Ðức Phật, đấng Giác Ngộ, thì không cần thờ cúng vị thần linh nào khác.

Hành động nầy của vua A Dục làm cho những người Bà La Môn lo lắng không ít vì nó chấm dứt những phương tiện sinh sống và bóc lột bất công của họ. Họ nguyện sẽ phục thù cho sự mất mát đó.

Những người Bà La Môn có quan niệm rằng:

- Sau khi chết những ông vua sẽ bị đọa vào địa ngục vì những sai lầm và thiếu sót của họ. Vì vậy, họ không đồng ý làm những người lãnh đạo, nhưng muốn làm những Cố Vấn Tối Cao của các vị Vua. Ðể trả thù sự mất mát vì việc chấm dứt sự thờ cúng những thần gia đình (Kulapuja), những người Bà La Môn từ bỏ phương châm chỉ làm những người cố vấn, họ cố gắng nắm lấy quyền lực. Với sự giúp đở của những người Sát Ðế lỵ, họ thiết lập trục Bà La Môn-Sát Ðế lỵ để chống lại Phật Giáo. Ưu thế của Bà La Môn giáo trở lại ở Ấn Ðộ là một trong những nguyên do suy sụp của Phật Giáo.

Sự nổi bật của Phật Giáo từ sự hạ thấp giai cấp Bà La Môn, cũng đưa đến sự dãy chết của những quyền lợi thiêng liêng của những Vua chúa thuộc giai cấp Sát Ðế lỵ. Vì vậy, không nghi ngờ gì những người thuộc giai cấp Sát Ðế Lỵ, trong những giai đoạn đầu là những người ủng hộ Phật Giáo, về sau trở nên đối lập với Phật Giáo. Như một nhà văn viết:

- Những người Sát Ðế Lỵ sợ Phật Giáo vì nó đe dọa nền tảng và sự hiện hữu giai cấp của họ, vì những người bị áp bức được khuyến khích bởi những giáo lý bình đẳng tìm cách vùng dậy.

Như vậy, để bảo đảm sự an toàn cho những quyền lợi của họ, những người Sát Ðế Lỵ tham vọng âm mưu với những người Bà La Môn và bước từng bước củng cố hệ thống giai cấp. Bằng sự sắp xếp chung, giai cấp Sát Ðế Lỵ được đồng ý làm Vua và những người Bà La Môn là những đại thần. Sự thỏa hiệp nầy bảo đảm quyền lực và danh vọng cho cả hai giai cấp nầy và sự thấp kém vĩnh viễn của những giai cấp khác, mà Phật Giáo sẽ không bao giờ tha thứ. Vì vậy, để giữ quyền lực chính trị trong tay họ, hai giai cấp nầy tạo một mặt trận thống nhất chống lại và phá rối sự phát triển của Phật Giáo.


SỰ GÂY THÙ HẬN

Tôn giáo của Ðức Phật là một cái gai trong mắt những người Bà La Môn phản động, vì nó đã lật đổ giai cấp thầy tế khỏi ngôi vị cao của nó, mà bao nhiêu thế kỷ đã bảo đảm cho họ mọi thứ ưu đãi và tiện nghi vật chất. Vì vậy khi ảnh hưởng của Phật Giáo suy yếu, họ trả đũa và tấn công Phật Giáo bằng nhiều cách để trả thù sự mất mát của họ. Họ dùng những ngôn ngữ tồi tàn nhất và những mánh khóe tồi tàn nhất để nhục mạ và hạ thấp Phật Giáo dưới mắt quần chúng. Ngay cả họ còn bẻ cong ý nghĩa từ và thành ngữ riêng của Phật Giáo. Chúng tôi hy vọng rằng sự phân tích phê bình trong những đoạn sau đây sẽ có thể làm cho độc giả nhận thức được tầm quan trọng trong thảo luận của chúng ta:

1) Vua A Dục, một vị vua Phật Giáo vĩ đại nhất, trong những cáo thị ông tự gán cho mình là Người được chư Thần thương yêu (Devanam Priya), nhưng những nhà văn phạm Bà La Môn dịch chữ nầy là những sự điên rồ yêu thương. R.K. Mookerjee nói về sự đồi bại nầy như sau:

- Về thành ngữ Deva-nampriya Priyadarsi, V.A. Smith dịch là Ðấng Thiêng Liêng và Nhân Từ đối với tôi là chuẩn nhất. Deve nampriya thay vì Deva-Priya có thể là tên gọi có ý coi khinh giới luật của Panini, nhưng được đề cập trong những sự kiện ngoại trừ luật do Katyana (vào khoảng 359 trước Tây lịch theo R.G. Bhadarkar) được Patanjali (150 trước Tây lịch) và cả Kasika (650 sau Tây lịch) ủng hộ. Tuy nhiên sự ngoại trừ không cho phép nhà văn phạm về sau là Bhattoji Dikshita, người đã nhấn mạnh vào việc coi từ Devanampriya là một từ khinh miệt, ngụ ý chỉ một người điên (murkha) không có sự hiểu biết về Brahma... Như vậy một danh hiệu được ca tụng trong những thời đại Nada, Maurya, và Sunga, phải chịu sự sa đọa về ý nghĩa dưới thành kiến của người Ba La Môn chống lại vị vua Phật Giáo lỗi lạc.

2) Ðức Phật nhập diệt ở Câu Thi La (Kushinagar) vùng Deoria nước Uttar Pradesh, Câu Thi La cách Gorakhpur 12 dặm về hướng Ðông và cách Deoria 21 dặm. Nó nằm trên bờ phía Tây của sông Hiranyavati và vị trí của nó tương ứng với khu vực rộng lớn Ram-bar-ka-Tila nằm ở bờ phía Tây hồ Rambhar. Gồm hai chữ Hiranyavati và Rambar có thể tạo thành tên Harambar cho khu vực nầy. Câu Thi La (Kushinagar) là nơi Ðại Niết Bàn của Ðức Phật trở thành một nơi hành hương quan trọng và thiêng liêng nhất của tín đồ Phật Giáo. Dĩ nhiên, tín đồ Phật Giáo từ khắp nơi trên đất Ấn quy tụ về nơi đây mỗi năm với một số đông lớn lao để tỏ lòng tôn kính đối với Vị Thầy. Dường như người Bà La Môn hoang mang bởi dân chúng ở Câu Thi La. Họ đưa khuynh hướng tôn giáo vào biện pháp xảo quyệt của họ và dạy những người tại gia ngu dốt rằng: Người chết ở Harambar, vùng chung quanh Câu Thi La, đọa vào địa ngục hay tái sanh làm con lừa cái, nhưng người chết ở Kasi (Varanasi) được lên trời.

Ðể bảo vệ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi có bằng chứng hùng hồn và có tính cách lịch sử từ cuộc đời của Mahatma Kabir, một người hô hào cải cách tôn giáo và xã hội vào thế kỷ thứ mười lăm. Trong thời đại ông, sự tuyên truyền có tác hại, như được đề cập ở trên, rất thịnh hành. Kabir kịch liệt chống lại quan điểm vô nghĩa nầy. Ông tuyên bố rằng nếu hành động của một người tốt đẹp, người ấy chắc chắn sẽ được cứu rỗi dù cho có chết ở Kasi hay Harambar. Và để chứng minh hùng hồn niềm tin về Harambar là sai lầm và vô nghĩa, Kabir, khi tuổi đã gìa, cố ý đi đến vùng đất cấm đó và chết vào năm 1518 sau Tây lịch trong một thị trấn nhỏ Maghar ở vùng Gorakhpur không xa Câu Thi La. Kabir, trong những lời để lại, hai lần đề cập đến sự việc nầy và giải thích đầy đủ mục đích hành hương đến Maghar của ông mặc dù những ngăn cản mạnh mẽ từ bạn bè và những người hâm mộ ông. Theo sự việc trên, Wescott viết trong tác phẩm đáng tin của ông về Kabir như sau:

- Chính là nguyện vọng của những môn đệ mà Kabir đã không chấm dứt cuộc đời của ông tại Kasi nơi mà rất nhiều công trình tôn giáo được hoàn tất. Họ chủ trương rằng tất cả mọi người chết ở Kasi sẽ lập tức sinh vào thế giới của thần Ram, và những người chết ở Maghar sẽ trở lại thế giới nầy và sinh làm con lừa cái. Kabir khiển trách về niềm tin của họ. Phải chăng quyền năng của Ram quá giới hạn không thể cứu rỗi người phụng sự ông vì người nầy muốn chết ở ngoài Kasi, thành phố của thần Shiva?

Cảm giác lo âu và sợ hải trong giới Ấn Ðộ Giáo quá mạnh đến nỗi sau khi Kabir chết ở Maghar họ cũng không thể từ bỏ được sự mê tín. Vì vậy, họ đã không xây dựng một đền tưởng niệm Kabir ở đó, họ dựng đền tưởng niệm ở Kasi. Người Hồi Giáo đã xây dựng một nơi tưởng niệm Kabir ở Maghar, nơi cư ngụ cuối cùng của ông. Ðền thờ chính ở Maghar vì vậy đã luôn luôn do người Hồi Giáo trông coi và về sau vẫn còn dưới sự trông coi của họ, mặc dù một ngôi đền cho người Ấn Ðộ Giáo đã được xây dựng ở đây.

3) Những người cuồng tín Bà La Môn không dừng lại ở đó. Họ tiếp tục thẳng tay gây sự hận thù và ghét bỏ đối với tín đồ Phật Giáo trải qua nhiều thế kỷ và giữ mãi tinh thần nầy cả trong văn học. Xin trích dẫn ra một số sau đây:

a- Nikant trong tác phẩm Prayaschit Mayukha trích một bài thơ từ Manu (bộ luật tập cấp):

- Nếu người nào chạm phải một tín đồ Phật Giáo hay một tín đồ của Panchupat, Lokayataka, Nastika hay Mahapataki, người ấy phải tắm để tẩy uế.

b- Cùng một giáo lý được Apraka dạy trong Smiriti. Vradha Harit đi xa hơn và tuyên bố rằng bước vào chùa Phật Giáo là một tội lỗi cần phải tắm để thanh trừ tội lỗi đó.

c- Sự việc gây ấn tượng nhất về thái độ nầy đối với tín đồ Phật Giáo được tìm thấy trong vở kịch Mricchakatika. Trong màn Vii của vở kịch, người anh hùng Charudatta và bạn là Maitriya đang chờ Vasantasena ở quảng trường bên ngoài thành Ujjain. Cô nàng không đến và Charudatta quyết định rời quảng trường. Khi họ rời nơi đây, họ thấy vị sư Phật Giáo tên là Samvakaha. Thấy ông ta, Charudatta nói:

- Nầy bạn Maitriya, tôi đang nóng lòng muốm gặp Vasantasena. Nầy, hãy cùng đi. (Sau khi bước vài bước) A, đây là một cảnh tượng không may, một ông tăng Phật Giáo đang đi về hướng chúng ta. (Sau khi suy tư một chút) tốt, hãy để cho ông ta đi đường nầy, chúng ta sẽ đi con đường khác. (Rời sân khấu).

Trong màn viii, vị tăng ở trong vườn lớn của Sakara, người anh rể của Vua. Nhìn thấy áo của ông ta trong một cái hồ, Sakara, theo sau là Vita, bật dậy và hăm dọa giết vị tăng. Sau đây là cuộc đối thoại giữa họ:

Sakara:

- Hãy dừng lại, ông thầy tu tồi bại.

Tăng sĩ:

- A! Ðây là người anh rể của Vua. Bởi vì có một số tăng sĩ xúc phạm đến nhà vua, nên nhà vua đánh đập bất cứ tăng sĩ nào ông gặp.

Sakara:

- Hãy dừng lại, ta sẽ bẻ chiếc đầu của ông như người ta bẻ một cộng rau dền trong tiệm ăn (Ðánh ông ta).

Vita:

- Nầy bạn, đánh một tu sĩ khoác trên mình chiếc áo choàng, đã từ bỏ thế gian, là một việc không chính đáng.

Tăng sĩ vui mừng:

- Xin hãy vui lòng, cư sĩ.

Sakara:

- Nầy bạn, coi đó. Hắn xỉ nhục tôi.

Vita:

- Ông ta nói gì?

Sakara:

- Hắn gọi tôi là cư sĩ. Tôi là tên thợ cạo hay sao?

Vita:

- Ồ! ông ta thật sự tán tụng anh như là một người sùng tín Ðức Phật.

Sakara:

- Tại sao ông lại đến chỗ nầy?

Tăng sĩ:

- Ðể giặt những y phục nầy.

Sakara:

- A! ông là ông thầy đồi bại. Ngay cả tôi cũng không tắm trong ao nầy; ta sẽ giết ông bằng một trận đòn.

Sau khi bị đánh thật nhiều, vị tăng được cho đi. Ðó là một tu sĩ Phật Giáo trong đám đông Ấn Ðộ Giáo. Ông ta bị xa lánh và tránh né. Cảm tưởng chán ghét đối với ông thật là lớn lao, đến nỗi người ta tránh né cả con đường mà ông ta đã đi qua. Cảm tưởng ghê tởm đậm đặc đến nỗi sự đi vào của một tín đồ Phật Giáo khiến cho người Ấn Ðộ Giáo phải đi ra. Người Bà La Môn được miễn tội tử hình, ngay cả còn được miễn hình phạt về thể xác. Nhưng tu sĩ Phật Giáo bị đánh đập và hành hạ không thương xót, không hối tiếc, như là không có gì sai lầm khi làm việc đó.

d- Chanalya (Kautilya), một đại thần Bà La Môn nổi danh dưới thời vua Chiên Ðà La Quật Ða (Chandragupa) của vương triều Khổng Tước (Maurya), cũng là một phần tử nằm trong chiến dịch gây hận thù đối với Phật Giáo. Ông nói:

- Khi một người hưởng dụng bửa ăn cúng cho chư thần và tổ tiên, những người thuộc dòng Thích Ca (tín đồ Phật Giáo), Ajivaka, Thủ đà la, và những tù nhân đi đày, phải chịu một hình phạt một trăm Panas.

e- Những tác giả của những Puranas(Thánh Thư) cũng tuyên truyền chống Phật Giáo không ít. Họ coi Ðức Phật như là một Avtara(hóa thân) của Vishnu nhưng đối xử với Ngài với sự khinh miệt.

- Thánh thư Brhannardiya coi một người Bà La Môn bước vào nhà của một tín đồ Phật Giáo là một tội lỗi lớn dù cho có gặp sự nguy hiểm lớn.

- Thánh thư Agni tuyên bố rằng con của vua Tịnh Phạn dụ dỗ những người Daitya trở thành tín đồ Phật Giáo.

- Thánh thư Vayu nói một cách khinh khi về Phật Giáo: Với hàm răng trắng, cặp mắt nhìn thẳng, đầu cạo trọc, và áo đỏ, những người Thủ Ðà La sẽ thực hiện những hành vi tôn giáo.

- Thánh thư Vishnu gán cho Ðức Phật tên: Người dụ dỗ vĩ đại. Họ coi Ngài là một Maha Moha, người hiện ra trong thế gian để lọc lừa những ma quỉ. Nó còn cảnh cáo thêm về tội lỗi chuyện trò với tín đồ Phật Giáo, nói rằng những người nói chuyện với những nhà khổ tu trọc đầu sẽ bị đọa vào địa ngục.

4) Một phần trong chiến lược hủy nhục của họ, người Ấn Ðộ Giáo còn dùng một phương pháp khác làm mất uy tín những tín đồ Phật Giáo và chùa chiền của họ. Họ gán cho những tên gọi xấu xa và bẩn thỉu cho những chùa, tu viện Phật Giáo. Ví dụ, tàn tích của ngôi tháp ở Ghantasila vùng Andhra Pradesh được họ gọi là Langa Dibba có nghĩa là gò đĩ điếm. Sự gán những tên bẩn thỉu cho những địa danh cổ của Phật Giáo được các nhà học giả ngu dốt trích ra, lấy làm lý lẽ để nói rằng Phật Giáo biến mất ở Ấn Ðộ, vì những ngôi chùa của nó đã trở thành những nơi đồi bại, và các Tỳ Kheo đã không sống đời sống đáng kính. Họ lý luận rằng:

- Những nơi lễ bái của Phật Giáo đã đi đến chỗ đồi bại cùng cực về luân lý, nên dân chúng khinh thường và xa lánh.

Chúng tôi đồng ý rằng khi các ngôi chùa bắt đầu trở nên sung túc, tu sĩ Phật Giáo, một cách nào đó trở nên hướng về bản thân và từ bỏ bổn phận của họ đối với nhu cầu tâm linh và xã hội quần chúng. Và họ bắt đầu sống một cách thoải mái trong những tu viện và không tham gia vào lý tưởng phụng sự xã hội. Ðiều nầy cuối cùng đã ảnh hưởng một mức độ nào đó vào việc truyền bá và duy trì Giáo Pháp.

Nhưng nói rằng Phật Giáo suy tàn vì sự sụp đổ của những tiêu chuẩn đạo đức trong hàng ngũ Tăng Già là điều không có gì bảo đảm. Không có một bằng chứng nào để củng cố lập luận nầy, ngoại trừ những danh hiệu đáng nghi ngờ gắn liền với một số địa điểm. Theo quan điểm của chúng tôi, những tên gọi bôi bác kia đã được tạo ra do những người Ấn Ðộ Giáo quá khích, với chủ ý hạ nhục những chùa chiền Phật Giáo. Nhưng đối với trò tuyên truyền nham hiểm đó, không có một lý lẽ chứng minh cho những nhãn hiệu vô nghĩa gán cho những ngôi chùa Phật Giáo thiêng liêng. V.R. Narla nói:

- Quả thật là chưng hửng và buồn không ít, vì rằng không những ở Ghantasila, nhưng ở Gudivada, Bhattiprola, China Ganjam, Pedda Ganjam, và một số nơi khác, những di tích của những ngôi chùa Phật Giáo thiêng liêng bị gán cho những tên nhơ bẩn như Langa Dibba và Bojamadani Dibba. Một ngoại lệ mà tôi biết là tháp Amaravati. Tên địa phương của nó là Dipala Dinne, có nghĩa là gò đèn. Nhưng ngay cả về những ngọn đèn, cũng có thể không phải chỉ cho sự tán tụng, vì trong thực tế tất cả những nơi có gò thuộc di tích Phật Giáo, có truyền thống địa phương là những gái ăn sương cư ngụ trên gò dùng đèn để làm hiệu.

Có thể những tên xấu xa được gán cho những gò di tích Phật Giáo là nói lên sự việc Phật Giáo đã bị sự đàn áp của những người Ấn Ðộ Giáo cuồng tín về sau, hoặc có thể nó đánh dấu mức độ xuống thấp của Phật Giáo, trong thời gian cuối cùng khi nó mang hình thái của Kim Cang Thừa (Vajrayana) hay Sahajayana, những hình thái không khác với mật giáo phóng dật. Hai lý do trên, chúng tôi tin tưởng vào lý do thứ nhất nhiều hơn.

Ðể chứng minh sự điên rồ của những lý lẽ sau, chúng tôi xin độc giả ghi nhớ những sự hành trì đồi bại hơn nhiều trong những đền Ấn Ðộ Giáo. Chúng tôi không có ý liệt kê ra đây một danh sách dài về những tội ác của những thầy tế Bà La Môn trong những năm tháng đó. Ðoạn trích sau đây từ một bài viết của Ishwar Singh Bais cũng đủ để phản ảnh đời sống trong các đền Ấn Ðộ Giáo ngày xưa. Ông viết:

- Những vũ nữ của mỗi đền được sắp hàng thứ nhì. Họ là những devdasis hay nô lệ của chư thần, nhưng họ được gọi bằng cái tên thô lậu của những gái điếm. Và trong thực tế, họ gắn bó với nghề nghiệp của họ để ban ân huệ cho người nào yêu cầu và được trả lại bằng tiền. Dường như ban đầu họ được dành riêng cho những thầy Bà La Môn mua vui. Và những người đàn bà nầy, được công chúng biết đến về sắc đẹp của họ, được hiến dâng một cách đặc biệt trong việc phụng sự các thần linh của Ấn Ðộ Giáo. Nhiệm vụ chính của họ gồm có múa và hát trong đền hai lần mỗi ngày, sáng và tối trong những cuộc lễ công cộng. Tất cả thời gian còn lại giữa những cuộc lễ, thì dùng vào những việc xấu hổ hơn, và một việc không phải là ít xảy ra, là ngay cả những đền thờ thiêng liêng cũng bị biến thành những nhà chứa. Xa hơn nữa, Có ít đền thờ mà vị thần ở đó không đòi quyền chữa trị bịnh không sinh đẻ của đàn bà. Thường thường những thầy tế khuyên họ ở lại qua đêm tại đền, nơi đây, họ nói thần linh cảm động với lòng thành của họ, có thể viếng họ trong tinh thần và sẽ giao hợp với họ. Với mánh khóe nầy, những thầy tế thỏa mãn dục vọng của họ.

Ngoài những hành động trong những đền thờ Ấn Ðộ Giáo đã được đề cập, tầm quan trọng về những quan hệ dục tình trong Ấn Ðộ Giáo cũng được thấy rõ ràng trong những cảnh dâm đãng trên những bức tường của những đền thờ ở Konark, Khajuraho, v.v. Về những công trình điêu khắc ở Konark, A.L. Basham nói trong tác phẩm Kỳ Quan Ấn Ðộ:

- Tính cách dâm đãng lộ liễu một cách hiếm có của nhiều công trình điêu khắc ở Kornark đã đem lại cho Chùa Ðen một tiếng tăm nhơ nhớp. Những hình Maithuna, với những cặp ôm sát nhau hay đang trong tư thế giao hợp, được phổ biến là những nét trang trí đặc trưng của nhiều ngôi đền Ấn Ðộ, nhưng những hình ở Konark đặc biệt sống động. Những hình điêu khắc ở Khajuraho cũng tương tự.

Như vậy chúng ta có thể không do dự nói rằng: Nếu ở đâu những tiêu chuẩn luân lý bị sa đọa, đó là những nơi cư ngụ của các thần và nữ thần Ấn Ðộ Giáo. Thật vậy, như Ishwar Singh Bais nói:

- Trong nhiều đền thờ, và từ thế kỷ thứ tám sau Tây lịch về sau, trong hầu hết các đền thờ Ấn Ðộ Giáo, sự sa đọa bắt đầu và với đời sống trong đền biến nó thành địa ngục. Các thầy tế đã hy sinh sự cao thượng và đạo đức, chỉ giữ lại tham lam và dục vọng. Nếu Ấn Ðộ Giáo có thể nẩy nở dưới bầu không khí đồi bại đó, thì việc biến mất của Phật Giáo không rõ ràng, dù cho có một số sa đọa trong tiêu chuẩn luân lý của những người mộ đạo; vì vậy chúng tôi không chấp nhận điều nầy.

Từ đó, chúng tôi quả quyết luận điệu gán cho sự thối nát trong các chùa chiền không phải là không có căn cứ mà còn có tác hại, và những lý do của sự suy tàn của Phật Giáo phải được tìm thấy ở chổ khác.



SỰ NGƯỢC ĐÃI

Một trong những nguyên nhân chính làm cho Phật Giáo suy tàn và sụp đỗ nhanh chóng ở Ấn Ðộ là sự đàn áp của những nhà cầm quyền cũng như những người cuồng tín.

Bố Sa Mật Ða La (Pushyamitra), một tướng lãnh Bà La Môn dưới triều Brihadratha, vua cuối cùng của vương triều Khổng Tước (Maurya), là người đầu tiên ngược đãi Phật Giáo. Ông ám sát nhà vua vào năm 185 trước Tây lịch; soán lấy ngôi vua nước Ma Kiệt Ðà (Magadha), cai trị bằng sự khủng bố. Một ông vua Ấn Ðộ Giáo khác đàn áp Phật Giáo là Sasanka, vua nước Gauda (Bengal), hành động phản bội đầu tiên của ông là giết Rajyavardhana vào năm 605 sau Tây lịch, anh của Harsha, vị hoàng đế Phật Giáo cuối cùng. Sasanka là một người thuộc giai cấp Bà La Môn và tín ngưỡng thần Shiva. Ông cuồng tín đến nổi trong cơn giận dữ ông đã phá hủy cây Bồ Ðề. Ngài Huyền Trang ghé Bồ Ðề Ðạo Tràng vào năm 637 sau Tây lịch, vào khoảng ba thế hệ sau biến cố trên, ghi lại như sau:

- Trong thời gian sau Sasanka-raja, một tín đồ dị giáo, phỉ báng Ðạo Phật, và vì ganh ghét đã phá hủy những tu viện và chặt cây Bồ Ðề, đào đến tận mạch nước dưới đất, nhưng ông không thể đào đến chổ rể tận cùng của nó. Sau đó ông dùng lửa đốt và tưới nước mía lên, với ý muốn tiêu diệt nó hoàn toàn, và không để lại một vết tích nào về sau. Ông cũng đã dời tượng Phật từ ngôi chùa gần cây Bồ Ðề và thay vào bằng thần Shiva. Ông cũng đã liệng vào sông Hằng tảng đá thiêng liêng có dấu bàn chân của Ðức Phật ở thành Hoa Thị (Pataliputra). Và để làm tròn những kế hoạch tội lỗi của ông, Sasanka được cho biết là đã tiêu diệt tăng sĩ trong khu vực Câu Thi La (Kushinagar).

Một trong những người đàn áp Phật Giáo lớn lao nhất là thủ lãnh Hung Nô, Mihirakula, đã làm thiệt hại lớn lao cho những chùa Phật Giáo ở Gandhara, Punjab, và Kashmir. Mihirakula là một người thờ Shiva và là một nhà bảo hộ lớn cho Bà La Môn giáo. Trong cơn điên rồ của ông, ông đã san bằng 1,600 tu viện, tháp, và chùa, và giết hại hằng trăm tín đồ Phật Giáo tại gia. Toramana, một ông vua cũng của vương triều tàn bạo đó, được cho biết là đã tiêu hủy chùa Ghostarama ở Kiều Thưởng Di (Kausambi).

Về việc đàn áp Phật Giáo ở Kashmir, F.M. Hussnain viết:

- Chính Nara, người đã khởi sự tiến hành việc tiêu diệt Phật Giáo ở Kashmir. Ông cho thiêu hủy những tu viện Phật Giáo ở Kashmir và trừ diệt quần chúng Phật tử bằng cách tịch thu đất đai của họ để ban cho những người Bà La Môn. Những gì xảy ra ở Kashmir là một phần trong cùng tiến trình tiêu diệt Phật Giáo trong nước. Trong cuộc đấu tranh giữa Phật Giáo và Bà La Môn Giáo, Bà La Môn giáo đã chiến thắng, trong những hoàn cảnh đó, sự tiêu diệt của Phật Giáo ở Kashmir chỉ là vấn đề thời gian.

Hussnain nói thêm:

- Pravarasena nắm quyền vào khoảng cuối thế kỷ thứ sáu. Ông ta phải đánh lui những cuộc tấn công của Mummuni, một thủ lãnh Hồi Giáo đến từ Trung Á. Ông xây dựng thành phố Pravarasenanagar với những ngôi đền năm vị Nữ Thần. Chú ông là Jayendra xây một tu viện nổi tiếng là Jayendravihara, thờ một tượng Phật lớn nhất. Ngài Huyền Trang đã viếng tu viện nầy trong thời gian ở tại Kashmir. Tu viện nầy đã bị Ksemagupta thiêu hủy, ông nấu chảy bức tượng khổng lồ để dùng cho đền thờ thần Shiva của ông.

Một người khác được coi như đối thủ của Phật Giáo, người đã tuyên bố: Giáo lý của Phật là thứ vô dụng giống như chất mủ chảy ra từ da chó là Kumarila Bhatt, một người Bà La Môn. Ông sống vào thế kỷ thứ bảy sau Tây lịch. Theo đề nghị của ông, Suddhanvan, vua nước Ujjain, được nói là đã tiêu diệt những tín đồ Phật Giáo. Sự đàn áp tàn nhẫn tín đồ Phật Giáo của Suddhanvan, dưới sự xúi dục của Kumarila Bhatt, được ghi lại trong hai tài liệu về tiểu sử của Sankaracarya, đó là tác phẩm Sankaravijaya do Anandagiri, đệ tử trực tiếp của Sankaracarya viết, và tác phẩm Sankara-digvijayam do Madhava (thế kỷ mười bốn) viết. Thực vậy, Madhava Acharya xác nhận rằng, với sự xúi dục của Kumarila Bhatt, Suddhanvan ra lệnh giết chết tất cả tín đồ Phật Giáo từ Ramesvaram đến vùng Hy mã lạp sơn. Ông còn ra lệnh nếu ai không giết tín đồ Phật Giáo sẽ bị xử tử.

Sankaracarya, một vị thầy Vedanta, cũng chịu trách nhiệm trong việc đàn áp Phật Giáo. Thật vậy, ông đã gieo sự khũng bố trong tâm tín đồ Phật Giáo. Theo truyền thống Tây Tạng, khi ông đến, tín đồ Phật Giáo trong các chùa bắt đầu phân tán tứ tung. Chính ông đã có lần viết trong Bhashya của kinh Phạm Thiên rằng: Phật Ðà là một kẻ thù của quần chúng và đã dạy những điều mâu thuẫn và lộn xộn.

Cách thức người Ấn Ðộ Giáo sử dụng để đẩy Phật Giáo ra khỏi nơi sinh sản ra nó được soi sáng trong câu chuyện thần thoại Gaya Asura ghi trong Gaya Mahatmya, một phần trong Thánh thư Vaya.

Theo huyền thoại nầy, Gaya Asura (con quỉ) đạt được quả vị thần thánh đến mức độ bất cứ ai thấy hay chạm được nó là sanh về cỏi trời. Yama, vua Diêm Vương, nổi lòng đố kỵ, cầu chư thần giảm bớt năng lực của Gaya Asura. Các vị thần đợi Gaya và xin nó bố thí sự trong sạch và thân thể thánh thiện của nó để tế lễ. Ðáp ứng lại điều đó, Gaya đến và nằm xuống, cái đầu đặt tại vị trí xưa là Gaya. Các thần đặt một tảng đá trên đầu nó. Nhưng điều đó chưa đủ chứng minh nó có thể nằm yên. cuối cùng Gaya Asura trở nên bất động khi thần Vishnu ngồi trên tảng đá để giữ không cho nó cử động, và hứa rằng tảng đá trên đầu nó sẽ được tuyên dương, là nơi linh thiêng nhất trên trái đất; chư thiên sẽ nghỉ trên tảng đá đó; chỗ đó sẽ được đặt tên là Gaya-Kashetra; và rằng ai cúng dường bánh trong tang lễ và thực hành tang lễ ở đó thì chính mình được phước và làm cho tổ tiên được sinh lên trời, nơi của Phạm Thiên.

Câu chuyện về Gaya Asura xưa đến độ nào chúng ta khó biết. Dù luận điệu của những người Ấn Ðộ Giáo chính thống về sự cổ xưa của Gaya như thế nào, chúng ta thấy rõ rằng thành phố Gaya đã được nâng lên địa vị như ngày nay trong thế giới Ấn Ðộ Giáo chỉ sau khi Phật Giáo suy sụp ở Ấn Ðộ.

Theo quan điểm của tiến sĩ Rajindralah Mitra, một học giả với tầm nhìn về lịch sử có một không hai, câu chuyện thần thoại khó tin trong Thánh thư Vayu hàm chứa một biểu tượng về sự chiến thắng cuối cùng của Bà La Môn giáo đối với Phật Giáo, tôn giáo đã từng nẩy nở mạnh mẽ trong và quanh Gaya suốt nhiều thế kỷ. Xin trích một đoạn của ông:

- Những người Ấn Ðộ Giáo tin rằng câu chuyện nầy là có thật theo nghĩa đen, nhưng tiến sĩ Buchanan gọi đó là một chuyện thần thoại quái đản và có thể là vậy. Thoạt nhìn qua không có gì có thể hồ đồ và ngu xuẩn hơn câu chuyện nầy; nó vi phạm mọi ý nghĩa khuôn phép, và ngay cả giá trị về tính chân thật trong sự kể chuyện của nó cũng không có.

Ðồi Brahmayoni, cũng là núi Kalahala, dài ba dặm, và tưởng tượng đặt trên đó một người 125 yojan (do tuần) hay 576 dặm bề cao, và 268 dặm chu vi không thể nào làm được, cho dù là người có đầu óc nghèo nàn nhất cũng nhận được. Một chiếc đầu một dặm chu vi trên một cơ thể 576 dặm cao, cũng giống như cây kim nằm trên cơ thể của một người bình thường. Sự vô dụng của các thần để giữ một con ma đang nằm và những cố gắng vô ích của họ để giữ con ma không cựa quậy, quả thật trẻ con.

Và trong trường hợp nầy, một vấn đề được đặt ra: Làm thế nào tác giả của thánh thư Vayu trong đó Gaya Mahatmya là một bộ phận, tạo ra một câu chuyện quá trẻ con để bảo đảm sự tôn kính và sùng bái của số đông quần chúng đối với địa danh nầy? Ông không thiếu sự thông minh, vì ông đã thảo luận những vấn đề triết học khó hiểu với tài xử trí và khéo léo đáng lưu ý. Cũng vô lý và không thật khi nói rằng ông không thể phân biệt sự hợp lý với tính trẻ con và hàm hồ. Vì vậy, coi câu chuyện nầy như là một thứ hồ đồ, theo ý tôi, là một kết luận vội vàng, và là dấu hiệu của sự thiếu kiên nhẫn. Chúng tôi cần đứng trên quan điểm của một sử gia triết học để giả thiết rằng có một cái gì đó bí mật dấu sau lớp vỏ bên ngoài của câu chuyện; với một ý nghĩa bí mật. Tôi tin tưởng, điều nầy dễ nhận thấy, câu chuyện nầy là một phúng dụ về sự thành công của Bà la môn giáo đối với Phật Giáo:

- Gaya được gọi là một Asura, thông thường có nghĩa là người khổng lồ, một ma quỷ, một con ma dụ dỗ, một người chửi rủa các thần và tôn giáo; nhưng nó không được vẽ ra như vậy. Nó không ham mê trong tội lỗi, không làm thương tổn ai, và không chống lại các thần cũng như tôn giáo bằng lời nói hay hành động. Ngược lại, nó được diễn tả là một người sùng kính Vishnu, hiến mình cho sự sám hối nghiêm nhặt, và những cuộc thiền định kéo dài, và cho những yêu cầu làm trong sạch tột cùng thể xác và tâm hồn; một người mà chỉ chạm đến là có thể rửa sạch những tội lỗi lớn nhất của con người và được sinh vào cõi trời.

Sự buộc tội nghiêm trọng nhất đối với y là đã làm sự cứu rỗi quá đơn giãn và ngắn gọn. Trong trường hợp của y, vì vậy, sự việc chỉ có nghĩa là y đã không theo tín ngưỡng của người Bà la môn, cũng không theo đường hướng của họ, tóm lại y là một người dị giáo. Tính chất nầy đã luôn luôn được gán cho những người lãnh đạo trong khối Phật Giáo. Họ sùng tín, họ biết sống khổ hạnh, họ hết lòng dấn thân vào sự sám hối và thiền định; nhưng họ tránh xa sự tế tự và những cuộc lễ của người Bà La Môn, và vì vậy Gaya có thể được coi như sự nhân cách hóa Phật Giáo. Thân thể của nó đo được 576 x 268 dặm, và khu vực từ Kalinga đến Hy mã lạp sơn, và từ Trung Ấn đến Bengal, khu vực mà Phật Giáo đã lan tràn trong thời gian câu chuyện được viết ra bao trùm khắp không gian đó, và còn hơn nữa. Tổng hành dinh của Phật Giáo là Gaya; và thị trấn Gaya, ngay cả ngày nay, có bề rộng vừa một dặm.

Cố gắng của các thần để đặt xuống chiếc đầu của con ma là một điển hình cho cố gắng của người Ấn Ðộ Giáo tấn công Phật Giáo ở trung tâm gây cảm hứng cho nó, trung tâm đầu não, và đòn gậy của Vishnu chỉ cho phương sách đã dùng để tấn công khi sự thuyết dụ không đạt được kết quả cuối cùng. Tảng đá tôn giáo được đặt lên đầu của kẻ không theo đạo, sức mạnh của các thần giữ nó cố định và không thể lay chuyển. Cũng chính là phúc lành của chư thần đã thánh hóa cái nôi của Phật Giáo trở thành một nơi tôn nghiêm của tín ngưỡng Ấn Ðộ Giáo.

Chúng ta biết quá rõ về những phương tiện được dùng đến ở Puri, Bhuvnesvana, và những nơi khác để biểu hiện những biểu tượng Phật Giáo. Những nơi thiêng liêng của Phật Giáo, và ngay cả những tượng Phật Giáo có ích cho sự lễ bái của Ấn Ðộ Giáo, và không vô lý một chút nào khi giả thuyết cùng một tiến trình đã được xử dụng tại Gaya.

Ngoài sự đàn áp của vua chúa và tôn giáo, Phật Giáo còn là đối tượng đàn áp và tẩy chay của xã hội. Chúng ta thấy rõ rằng khi Phật Giáo bắt đầu suy tàn, người Ấn Ðộ Giáo đã lợi dụng sự nghèo khó của tín đồ Phật Giáo, cho phép họ vào lại cộng đồng Ấn Ðộ Giáo nhưng lên án họ là những người Không Thể Chạm Ðến, ghép vào giai tầng thấp nhất, ở ngoài bốn giai cấp của Ấn Ðộ Giáo. Họ hoàn toàn bị rút phép thông công với xã hội, và bị gán cho danh hiệu là Pariah, Pamchama, Avarna, Ati-Shudra là những người mà chỉ chạm vào hay chạm vào bóng là có thể làm ô uế giai cấp Ấn Ðộ Giáo. Họ bị buộc phải sống ở bên ngoài làng và đã là mục tiêu cho nhiều chứng bịnh xã hội. Họ bị từ chối khả năng học hành, và chỉ có thể làm những nghề nghiệp thấp thỏi hèn hạ.

Không những họ bị cấm không được xử dụng nước giếng, hồ chứa nước, và những nơi công cộng, họ còn không có quyền có sở hữu. Tóm lại, họ bị coi là những người nô lệ, họ không có chọn lựa nào khác hơn là phục dịch cho những cái gọi là giai cấp cao hơn mà không có một phần thưởng nào. Chúng ta không nghi ngờ, khi bị đè dưới gánh nặng của nghèo nàn, cộng với sự đàn áp và bốc lột của xã hội, những đệ tử của Ðức Phật đã quên di sản huy hoàng của họ và cam chịu số phận đau thương. Sự đối xử lỗ mãng đối với người Không Thể Chạm Ðến, ngày nay là những giai cấp phụ bởi giai cấp Ấn Ðộ Giáo chỉ có thể được giải thích, đó là kết quả của thành kiến và thù ghét của họ đối với Phật Giáo. Bằng không, tại sao một khối người lớn lao lại bị tước đoạt phương tiện và bị nguyền rủa là Không Thể Ðến Gần, Không Thể Nói Chuyện, và Không Thể Va Chạm.

Việc những Người Không Thể Chạm Ðến, hay là những Giai Cấp Phụ ở Ấn Ðộ ngày nay là những tín đồ Phật Giáo ngày xưa có thể được chứng minh:

- Ðầu tiên, hầu hết những phong tục và tính chất của họ nền tảng là Phật Giáo.

- Thứ hai, họ không quan tâm nhiều đến những thần linh Ấn Ðộ Giáo. Giống như tín đồ Phật Giáo, họ thờ phụng Ðức Phật, vị Thầy vĩ đại nhất của họ và họ tôn thờ những vị Thầy như Ravidas, Chokhamela, Kabir, v.v. Như vậy, giống như tín đồ Phật Giáo, họ là những người Gu-bhaju, những người tôn thờ Thầy, chứ không phải là những Dev-bhaju, những người thờ phụng thần linh như trong trường hợp những người Ấn Ðộ Giáo.

- Thứ ba, một vài giai cấp phụ ở Punjab, Himachal Pradesh, Delhi, và Rajasthan tự xưng là Ad-Dharmi hay Adi-Dharmi. Chữ Ad có nghĩa là cổ, xưa hay nguyên thủy và người Ad-Dharmi tin tưởng rằng họ là tín đồ của một tín ngưỡng cổ xưa. Không nghi ngờ rằng những từ như Ad-Dharmi hay Adi-Dharmi có mầm giống Phật Giáo vì chúng tương tự những thành ngữ Phật Giáo như Adi-Buddha và Adi-Dharma mà theo truyền thống Ðại thừa, chúng biểu thị cho trí tuệ hay Tâm và Vật. Hơn nữa, những tín đồ Phật Giáo từ lâu đời đã gọi tôn giáo của họ là Dharma hay Saddharma, và những tín đồ Phật Giáo ở Orissa gọi họ là Mahima Dharmi (những tín đồ của Giáo Pháp đáng tán dương).

Thật vậy những người nầy đã là những tín đồ Phật Giáo trong quá khứ. Ðiều xảy ra sau nầy dường như là do sự đàn áp và không được học hành, họ đã quên tên Phật Ðà hay có thể họ từ bỏ tên của Ðấng Pháp Vương để không còn chịu gian khổ như Achyutananda một thi sĩ ở Orissa vào thế kỷ thứ mười sáu, an ủi họ bằng cách nói rằng: vì sự đáng ao ước trong Kaliyuga mà những tín đồ Phật Giáo phải cải trang.

Sự xâm nhập của người Hồi Giáo đẩy mạnh sự điêu tàn của Phật Giáo trên đất Ấn. Khi người Hồi Giáo đến, họ có hai đối tượng trước mắt:

- Thứ nhất là nắm quyền chính trị,

- Thứ hai là truyền bá Hồi Giáo.

Ðể đạt được mục đích thứ hai, họ có kế hoạch khử trừ những đền chùa Phật Giáo và Ấn Ðộ Giáo, các tăng sĩ và thầy tế của Bà La Môn, vì chúng là những kho tàng tư tưởng tôn giáo. Họ có khuynh hướng chống những tu sĩ Phật Giáo, những người đã truyền bá thông điệp bình đẳng do đức Như Lai dạy. Khuynh hướng nầy được trù hoạch vì người Hồi Giáo, thấy rằng họ gặp khó khăn trong việc truyền dạy thông điệp tiên tri của họ về bình đẳng dưới quan điểm của những giáo lý tương tự như của Ðức Phật. Do đó, những người Hồi Giáo cuồng tín san bằng các tu viện, và thủ tiêu hầu hết các tăng sĩ trong tu viện đó. Thiểu số may mắn thoát khỏi lưỡi gươm của Hồi Giáo, họ phải chạy trốn để giữ mạng và tìm nơi ẩn náu ở những nước láng giềng. Hai ông vua Hồi Giáo đáng chú ý đã tàn phá những nơi thiêng liêng của Phật Giáo là Mahmud Gazinavi và Bakhtiaruddin Khilji. Ông vua trước đã cướp bóc những chùa chiền ở Kot Kangra (Mimachal Pradesh) vào thế kỷ thứ mười, và ông vua sau đã phá hũy những tu viện Nalanda, Vikramasla, và Odentapuri là những trụ sở sống động cho đến thế kỷ thứ mười hai. Nói về sự xâm lăng của Hồi Giáo, tiến sĩ Ambedkar nói:

- Những người xâm lăng Hồi Giáo cướp phá những Ðại Học kể ra một số ít là Nalanda, Vikramasila, Jagaddala, Odantapuri. Họ nhổ tận nền những tu viện Phật Giáo rãi khắp nơi trong nước. Tăng sĩ hàng ngàn người chạy trốn qua nước Nepal, Tây Tạng, và những xứ ngoài Ấn Ðộ. Một số rất lớn bị giết bởi những người lính Hồi giáo. Tu sĩ Phật Giáo bị tàn hại dưới lưỡi gươm của những người xâm lăng Hồi giáo như thế nào đã được các sử gia Hồi Giáo ghi lại. Tóm tắt tài liệu liên quan đến sự tàn sát tu sĩ Phật Giáo của tướng Hồi Giáo gây ra ở Bihar khi ông đem quân xâm lăng vào năm 1197 sau Tây lịch, Ông Vincent Smith viết:

- Tướng Hồi Giáo đã làm cho mọi người biết tên ông trong lúc khủng bố bằng những cuộc viễn chinh cướp bóc nhiều lần ở Bihar, chiếm đoạt kinh đô bằng những trận đánh táo bạo. Sử gia đương thời, gặp một trong những người sống sót trong toán tấn công vào năm 1243 sau Tây lịch, và được cho biết là pháo đài của Bihar bị chiếm lấy do một nhóm quân chỉ gồm hai trăm kỵ binh, họ lao vào cửa Ðông một cách dũng cảm và chiếm lấy vị trí. Một số lượng lớn đồ cướp bóc được thu thập và sự tàn sát những "Người Bà La Môn Ðầu Trọc", chỉ những tu sĩ Phật Giáo, hoàn toàn hoàn tất, và khi người chiến thắng muốn tìm một người có thể giãi thích được những sách trong thư viện các chùa, thì không còn tìm được một người nào còn sống để có thể đọc những sách đó. Chúng tôi được cho biết rằng: "Người ta khám phá ra rằng toàn bộ pháo đài ở thành phố đó là một trường cao đẳng, và theo cách nói của người Ấn Ðộ Giáo thì họ gọi là trường Bihar."

Sự tàn sát giới tu sĩ Phật Giáo do những người Hồi giáo xâm lăng gây ra là như vậy. Vì muốn tiêu diệt Phật Giáo, nên Hồi Giáo giết giới tu sĩ Phật Giáo. Ðó là cuộc khủng bố lớn lao nhất làm cho tôn giáo của Phật Ðà suy tàn ở Ấn Ðộ. Tôn giáo cũng giống như ý thức hệ khác, có thể được duy trì chỉ bằng sự truyền bá. Nếu sự truyền bá thất bại, tôn giáo phải biến mất. Lưỡi gươm của Hồi Giáo gieo mạnh xuống giới tu sĩ. Họ bị tiêu diệt hay trốn thoát ra nước ngoài. Không còn ai ở lại để thắp sáng ngọn lửa Phật Giáo.

Một số hành giả Ấn Ðộ Giáo lợi dụng tình trạng người Hồi Giáo gây ra trong việc xâm chiếm những nơi thờ phụng của Phật Giáo ở Bihar được Dharmasvamim, một người hành hương Tây Tạng viếng Bihar khoảng ba thế hệ sau cuộc tai biến, diễn tả một cách sống động. Theo ông Ratnabodhi, thư viện lớn nhất ở Nalanda, thoát khỏi sự tàn phá dưới bàn tay người Hồi Giáo, đã bị những khất sĩ Ấn Ðộ Giáo đốt cháy. Ông nói:

- Họ (những người Ấn Ðộ giáo) thực hiện một Yana, lễ tế lửa, và liệng những than hồng và tro lấy từ hầm tế vào những ngôi chùa Phật Giáo, v.v. Ðiều nầy gây nên một đám cháy lớn thiêu rụi Ratnabodhi, thư viện chín tầng của Ðại Học Nalanda.

Việc những kẻ đối lập Phật Giáo trong hàng ngũ Ấn Ðộ Giáo đã không lùi bước trong việc tàn phá những nơi thiêng liêng của Phật Giáo, ở những nơi khác cũng được thấy rõ từ những đống tro tàn, những hình ảnh bị đốt cháy, và xương của những tăng sĩ được các nhà khảo cổ tìm thấy ở Sarnath và vùng phụ cận. Rõ ràng, các chùa bị thiêu hủy do những người cuồng tín và việc nầy dường như đã xãy ra nhiều lần, như thiếu tá Kittoe, người tiến hành công việc khai quật ở Sarnath vào năm 1851 đã nói:

- Tất cả mọi thứ đều bị cướp phá và thiêu hủy, tu sĩ, chùa, tượng, tất cả cùng với nhau, vì ở một số nơi, xương, sắt, gỗ, và đá được tìm thấy từng khối lớn, và việc nầy xảy ra nhiều lần.

Sự suy tàn của những trung tâm Phật Giáo thổi đến một ngọn gió định mệnh cho tín đồ Phật Giáo, họ không thể phục hồi trở lại nền tảng đã mất. Vì vậy, trải qua những thế kỷ kế tiếp, Phật Giáo một mặt bị chính những người hâm mộ nó thờ ơ, và mặt khác, hàng ngàn chùa chiền của nó bị những kẻ đối lập hủy diệt, cướp bóc hay chiếm đoạt. Những công trình Phật Giáo tiếp tục bị tiêu hủy, cướp bóc trong nhiều thế kỷ chỉ vì vật chất, sẽ được cho thấy rõ ràng với một vài trích dẫn sau đây:

1) Ngôi tháp tráng lệ Bharut ở Madhya Pradesh, từ đó nó được gọi tên và nổi tiếng khắp thế giới về những mẫu tinh vi nhất của Nghệ Thuật và Ðiêu Khắc Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, đã bị những người địa phương ngu dốt kéo sập chỉ để lấy gạch làm nhà riêng của họ. Cunningham, người đã khám phá và khai quật ngôi tháp nầy vào năm 1873-74, nói rằng làng ngày nay là Bharhut gồm đến hai trăm ngôi nhà đều hoàn toàn được xây bằng gạch lấy từ ngôi tháp này. Việc làm của dân làng Bharhut làm cho những làng lân cận bắt chước. Họ tháo dở một số lớn những cột trụ và chấn song mang về dựng nhà của họ. Cunningham đã khám phá ra sáu cây trụ ở làng kế bên là Batanmara và tám trụ ở Pathora. Ông cũng khám phá ra một số những tảng đá điêu khắc từng các chấn song của tháp trong hầu hết các làng rộng lớn xung quanh Bharhut, đặc biệt là ở Uchahara, Batamara, Pathora, và Madhogarh (hay Patharhat).

2) Tháp Dharmarajika ở Sarnath bị Jagat Singh tháo dỡ vào năm 1794 chỉ để lấy gạch xây chợ ở Varanasi. Chợ nầy ngày nay được biết đến với tên là Jagatganj. Trụ của vua A-Dục cũng bị đập vỡ.

3) Về ngôi tháp danh tiếng Amaravati ở Andhra Pradesh, V.R. Narla, một người có thẩm quyền về nghệ thuật Phật Giáo ở Andhra, nói:

- Hầu hết những tàn tích ngày nay đều rủi ro không còn. Ngay cả vào thời Ðại tá Colin Mackenzie người đã thấy tháp Amaravati vào cuối thế kỷ thứ mười tám, nhiều tảng đá hoa điêu khắc đã bị tiêu hủy. Chúng bị đào lên và đốt thành vôi do người cầm đầu ở nơi đây, người nầy vào năm 1797 đã dời tổng hành dinh về Amaravati, đám tro tàn của nó mang nhiều tính chất lịch sử và được truyền thống thánh hóa, và làm một sự cố gắng yếu ớt để dựng một thành phố mới gần chùa Amaresvara. Và ngay cả những tác phẩm điêu khắc thoát khỏi sự phá hoại văn hóa nầy, ngày nay cũng bị phân rải nhiều nơi.

4- Vào năm 1840, ngôi tháp Phật Giáo ở Gudivada trong xứ Andhra Pradesh bị phá hủy để lấy vật liệu sửa sang con đường giữa Bezwada và Bandar. Ðề cập đến sự phá hoại văn hoá nầy, ông Rea nói:

- Thật là hối tiếc, tất cả những công trình nầy đã phải chịu hủy hoại bởi những bàn tay của những người cầm vật liệu để xây dựng đường và những công việc tương tự. Mặc dù những công trình kiến trúc cổ xưa nhất còn tồn tại một nền văn minh cổ, tính chất thái cổ của chúng không có sự bảo vệ cho chúng khỏi những bàn tay tước đoạt.


PHẬT GIÁO BỊ ÐỒNG HÓA


Ðể đối đầu tương xứng với Phật Giáo, Ấn Ðộ Giáo đã sớm tiến hành việc sửa đổi và tự biến dạng. Về việc nầy họ đã vũ trang hệ thống của họ bằng những tính chất tốt đẹp của Phật Giáo cả trong lý thuyết và thực hành. Trong tiến trình cải cách nầy, người Ấn Ðộ Giáo tiếp nhận lý tưởng Bất Sát (Ahimsa) và từ bỏ việc tế súc vật; và cũng bắt đầu tổ chức theo cách thức trong các tu viện Phật Giáo. Xa hơn, để chấm dứt việc đấu khẩu lâu dài và khó khăn để giành phần thắng của những tín đồ của hai tôn giáo,
Ðức Thích Tôn được họ đặt vào trong các thần Ấn Ðộ Giáo, như là một Hóa Thân (Avatara) của thần Vishnu. Và điều nầy được công bố trong quảng đại quần chúng do các tác giả Purana. Bên cạnh thánh thư Varaha, nói rằng nhờ tuân theo lời nguyện của Buddhavadasi, vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đã được thần Vishnu xuống làm con dưới hình tướng Phật Ðà. Ðức Phật đã bị coi là một Avatara của Vishnu trong Matsya, Bhagavata, Garuda, và Linga Purana. Không chỉ vậy, những người thờ thần Shiva tiếp thâu những yếu tố tu viện và chiêm nghiệm của Phật Giáo, và những người thờ thần Vishnu tiếp thâu những yếu tố sùng bái và nhân đạo của Phật Giáo để bảo đảm tính phổ biến trong quần chúng.

Những người thờ thần Vishnu còn sửa đổi thái độ của họ về vấn đề hệ thống giai cấp. Họ chấp nhận nó như là một thể chế xã hội, không chuyên chở một sự theo đuổi tôn giáo hay tâm linh nào. Như tiến sĩ Radhakrishnan nói:

- Một tiến trình thâm nhập và sửa đổi từ từ đã phát triển, như việc ủng hộ thuyết cho rằng Ðại Thừa Giáo chỉ là một giai đoạn phân phái trong trào lưu lớn những người thờ thần Vishnu, Tiểu Thừa Giáo, với tính chất khổ hạnh nhiều hơn, được coi như một phái của người thờ thần Shiva.

Khi tín ngưỡng Bà La Môn khắc sâu tình thương mọi loài và sùng bái thần linh và tuyên bố rằng Ðức Phật là hóa thân của Vishnu, hồi chuông báo tử của Phật Giáo ở Ấn Ðộ đã vang lên.


NHỮNG NGUYÊN NHÂN BÊN TRONG


Bên cạnh những nguyên nhân bên ngoài, chắc chắn là những nguyên nhân chính cho sự thoái hoá và biến mất của Phật Giáo, còn có một số ít những hạn chế và lầm lỗi bên trong cũng đã làm cho sự biến mất cuối cùng của Phật Giáo trên quê hương nó xảy ra một cách nhanh chóng.

Chúng ta phải thừa nhận rằng chính những tín đồ Phật Giáo lãnh phần trách nhiệm lớn cho số phận đáng buồn của tôn giáo của họ. Ðức Phật đã vạch ra con đường cho các vị Tỳ kheo không những là người đi tìm sự giác ngộ bằng thực hành những giới luật đạo đức và tâm linh, nhưng cũng là người phụng sự xã hội hay là người bạn, triết gia và người hướng đạo cho quần chúng.

Ðức Phật là một vị thầy tôn giáo đầu tiên ở Ấn Ðộ, hay nói đúng hơn là toàn thế giới, cổ vũ những đệ tử của mình đi và đi khắp nơi vì hạnh phúc và lợi ích của nhiều người. Thêm nữa, Ngài là người đầu tiên đưa ra lý tưởng hy sinh, quên mình và phục vụ cho kẻ khác. Ngài nói rằng một Tỳ kheo phải xin ăn, phải sống bằng vật bố thí, phải hạn chế chỉ ăn ngày một bửa.

Theo những lời dạy của Thầy, những vị Tỳ Kheo đầu tiên đã đạt đến những tiêu chuẩn cao nhất của lòng kính tín, hy sinh và phụng sự. Ðiều nầy đã thành tựu rực rỡ và làm cho Phật Pháp trở thành một tôn giáo phổ biến và được tôn kính nhất ở Ấn Ðộ.

Nhưng bất hạnh thay, các tăng sĩ về sau đã không giữ những tiêu chuẩn dành cho họ. Khi các tu viện trở nên giàu có, thì hoạt động chính của họ được coi là đào sâu việc nghiên cứu từ chương thay vì truyền bá Giáo Pháp, tăng sĩ đánh mất sự giao hảo gần gũi với quần chúng, và tương quan giữa tăng sĩ và cư sĩ bị thụt lùi. Các vị Tỳ Kheo trở nên xao lãng và thụ động đối với những mục đích thực tiễn. Ðiều nầy làm cho Phật Giáo suy yếu. Tình trạng Tăng Già trong những năm chấm dứt thời kỳ vinh quang của Phật Giáo tại Ấn Ðộ có thể được đánh giá từ những điều mà Cunningham, một nhà khảo cổ, thám hiểm, và học giả vĩ đại nhất nói vấn đề nầy. Ông nói:

- Phật Giáo đã thật sự trở nên một tín ngưỡng già nua và kiệt lực, những vị khất sĩ không còn đi khất thực, nhưng từ lâu đã được hổ trợ bằng đất đai dành riêng cho các tu viện. Các vị Sa Môn và Tỳ Kheo không giống như những người của thời xưa, những người uyên bác và trí tuệ, sự tiết độ về thân xác và sự nhứt tâm thiền quán cộng với những chủ trương thực tiễn và gương mẫu trong sạch, đã kích thích lòng sùng kính của quần chúng.

Những tín đồ Phật Giáo hiện đại rơi vào tình trạng mục nát, họ bằng lòng sống một đời sống thụ động trong những công việc tẻ nhạt hằng ngày của đời sống tu viện, nơi đó còn một vài dấu hiệu tôn giáo bề ngoài; nhưng không còn sự tha thiết nồng nhiệt trong sinh hoạt thiếu sinh khí của những công việc tẻ nhạt hằng ngày đó, và lòng hăng say đã có thời đốt cháy trong tim của mỗi người tu sĩ Phật Giáo trong việc truyền bá tôn giáo của họ đã dập tắt từ lâu.

Trong những ngày xa xưa, tăng sĩ và tu viện là huyết mạch của Phật Giáo. Nó nẩy nở, bao giờ những tu viện còn, các tăng sĩ còn cẩn trọng. Một khi các tăng sĩ trở nên thờ ơ và đánh mất cái tầm nhìn vào sứ mệnh của họ, Phật Giáo suy tàn. Và khi các tu viện làm mồi cho sự phá hoại văn hoá, Phật Giáo đi đến chỗ sụp đổ hoàn toàn. Rất nhiều sách vở Phật Giáo, hầu hết được cất giữ trong các tu viện, cũng hoàn toàn biến mất ở Ấn Ðộ do sự phá hủy các tu viện. Lý do là những tín đồ Phật Giáo không có tổ chức cư sĩ để giảng dạy, truyền bá, và bảo vệ tôn giáo của họ. Với sự thiếu vắng những tổ chức như vậy, họ chỉ đứng nhìn mà không giúp được gì khi các tu viện bị cướp phá, xúc phạm và các tăng sĩ bị trục xuất hay giết hại.

Sự thiếu vắng những tập quán và nghi thức cho những cuộc lễ lộc trong xã hội như đám cưới, v.v. của Phật Giáo cũng là một trong những yếu tố làm cho Phật Giáo suy tàn ở Ấn Ðộ. Ðức Phật chống lại chủ nghĩa nghi thức, cũng như độc quyền của những người Bà La Môn là giai cấp thầy tế, không cho phép những tăng sĩ hành động như những thầy tế trong những cuộc lễ có tính cách xã hội. Cũng không có những cuộc lễ đặc biệt về sinh nhật, cưới hỏi, v.v. được đề ra. Như vậy giới cư sĩ tiếp tục thực hành theo những phong tục và lễ lộc đang lưu hành, phần lớn do những người Bà La Môn đề ra. Thái độ không xen vào của Phật Giáo, như tiến sĩ Joshi nói:

- Mặc dù giúp cho sự truyền bá tôn giáo được trôi chảy, đã đem đến kết quả trên chặng đường dài làm suy giãm ảnh hưởng của nó trong xã hội.

Một nguyên nhân bên trong khác, lót đường cho sự suy tàn của Phật Giáo, là sự chiều chuộng quá đáng của những tín đồ đại thừa nhiệt tình đối với những sự mê tín của Ấn Ðộ giáo. Ðể truyền bá rộng tín ngưỡng của họ, không những họ đã nhân lên và thần thánh hóa Ðức Phật, lại còn đưa một số thần và nữ thần Ấn Ðộ Giáo vào làm các vị thần Phật Giáo, dưới dạng những Bồ Tát để nhân cách hóa những năng lực của Phật Ðà. Việc nầy làm cho Phật Giáo không còn khác biệt, ngọai trừ tên gọi, với các thần thánh Ấn Ðộ Giáo, sự khác biệt giữa hai tôn giáo bị xóa bỏ. Và khi Ấn Ðộ Giáo đưa Ðức Phật vào danh sách các thần của họ để chứng minh rằng Phật Giáo là một phái của họ. Phật Giáo đánh mất tính riêng biệt.


KẾT LUẬN

Mất sự bảo trợ của giới vua chúa có thể được coi là một nguyên nhân khác làm sự suy tàn của Phật Giáo mau chóng. Ví dụ, phải trên hai trăm năm để Phật Giáo mọc những chiếc rễ vững chãi và có được hình thái của một trào lưu giải phóng xã hội lớn trên quê hương của nó. Việc nầy xảy ra với sự ra đời của vua A Dục (Ashoka) vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Tuy nhiên trong vòng năm mươi năm vua A Dục qua đời vào năm 232 trước Tây lịch, Ðế quốc Khổng Tước (Maurya) sụp đỗ và Phật Giáo mất sự bảo trợ của giới vua chúa chỉ trở lại 300 năm sau với sự ra đời của Ca Nhị Sắc Ca (Kanishka) vào năm 78 sau Tây lịch. Với sự sụp đỗ của vương triều Quý Sương (Kushana) vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, Phật Giáo lại mất sự bảo trợ của giới vương giả. Giai đoạn sau Quý Sương là một giai đoạn rối ren chính trị, cuối cùng đã đưa đến sự nổi lên của vương triều Cấp Ða (Gupta) ở nước Ma Kiệt Ðà (Magadha).

Những vị vua của vương triều Cấp Ða là những người theo Bà La Môn giáo và triều đại của họ được đánh dấu là đã làm phục hồi Bà La Môn giáo. Người bảo trợ có quyền hành cuối cùng cho Phật Giáo là vua Giới Nhật (Harsha) nắm quyền vào năm 606 sau Tây lịch, có nghĩa là năm trăm năm sau vua Ca Nhị Sắc Ca. Sau khi vua Giới Nhật mất vào năm 647, Phật Giáo lại mất sự bảo trợ của giới vương giả, và không bao giờ có lại được sự bảo trợ trên một phạm vi rộng lớn. Một khi sự bảo trợ của giới vua chúa không còn, và bị thay thế bằng sự đàn áp của giới vua chúa và tôn giáo, thành lũy cuối cùng của Phật Giáo sụp đổ nhanh chóng hơn có thể tưởng. Những gì còn lại chưa bị những người phản động Ấn Ðộ Giáo phá hủy hết lại bị dẹp sạch bởi những người cuồng tín Hồi Giáo. Như một nhà văn đã viết:

- Màn cuối cùng trong vở kịch Phật Giáo trên sân khấu đất mẹ của nó, bắt đầu bị khủng bố, và chấm dứt trong câm lặng, một sự câm lặng lãng quên. Những nơi thiêng liêng đổ nát, bị rừng rậm che khuất, chùa chiền của nó chuyển sang tôn giáo khác. Ðức Phật biến mất trong đám đông các thần Ấn Ðộ Giáo và ra khỏi ký ức của con người.

Dù lý do nào đưa đến sự suy tàn và biến mất của Phật Giáo khỏi đất nước Ấn Ðộ đi nữa, một việc chắc chắn đó là điều bất hạnh nhất khi tôn giáo của Ðức Phật, một tôn giáo hoàn cầu đầu tiên, đánh mất ảnh hưởng trên đất tổ của nó. Sự việc nầy xảy ra, Ấn Ðộ đã phải trả một giá rất đắt, đó là sự thật lịch sử.

Nước Ấn Ðộ sung mãn cho đến khi Phật Giáo vẫn còn là một tôn giáo sống động, và khi Phật Giáo suy tàn, Ấn Ðộ đã mất đi tinh thần tự do, danh tiếng giảm sút, và sự tiến bộ bị ngăn trở.

Tác giả: D.C. Ahir
Người dịch: Trần Đức Phi Bằng

_http://quangminh.org.au/index.php?option=com_content&view=article&id=1163: vi-sao-pht-giao-suy-tan-ti-n-&catid=94:tim-hiu-pht-giao&Itemid=60

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm