Trương Huy San
Nhờ những người bạn ở Hà Tĩnh, hôm 24-5, tôi tìm đến được nơi đặt tro cốt cụ Trần Trọng Kim ở tổ đình Vĩnh Nghiêm và hôm qua, 25-5, tôi gặp được bác Trần Xuân Điền, cháu đời thứ 3 của cụ Trần Trọng Kim ở Đan Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Lịch sử không có chữ NẾU. Nhưng, đôi khi tôi vẫn cứ không cầm lòng được, suy nghĩ vẩn vơ, Việt Nam sẽ ra sao, nếu từ tháng 8-1945 vẫn là chính phủ Trần Trọng Kim...
Trong năm 1945, người Việt có hai tuyên bố độc lập: Ngày 11-3, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam; Ngày 2-9, tại Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.
Độc lập không thật sự đến với Việt Nam vào tháng 3 cũng như vào tháng 9-1945.
Chỉ có chính phủ Hồ Chí Minh, vào lúc ấy, mới chủ trương và có khả năng kháng chiến và thắng thế của Mao Trạch Đông trong cuộc nội chiến 1949 đã giúp những người cộng sản giành chiến thắng Điện Biên Phủ, dẫn tới Hiệp định Geneva 1954, chia cắt đất nước. Cuộc chiến tranh thống nhất VN kéo dài tới năm 1975; cuộc chiến tranh người Việt chống lại Khmer Đỏ (có bàn tay Bắc Kinh đâm sau lưng) và chống lại chính quân Trung Quốc xâm lược kéo dài tới 1989.
Chính phủ Trần Trọng Kim và những người theo chủ nghĩa quốc gia như ông chỉ có thể đòi độc lập thông qua đấu tranh chính trị và chủ yếu nhờ bàn cờ chính trị thay đổi sau Thế chiến thứ II (Ở Đông Dương, người Pháp trả độc lập cho Sihanouk 1953). Chính phủ Trần Trọng Kim, nếu lãnh đạo một VN sau độc lập, sẽ rất kỹ trị và chắc chắn sẽ kế thừa những di sản (vật thể hay phi vật thể) của người Pháp.
Từ lâu, tôi vẫn muốn thắp một nén nhang viếng tác giả của Nho Giáo, Việt Nam Sử Lược, Truyện Thúy Kiều... Theo hướng dẫn của bạn bè tôi đã về Đan Phổ và Thạch Kim, nơi có những người cháu gọi Cụ Lệ Thần bằng chú.
Tháng Tư năm nay, khi cùng anh Le Hai & Trương Duy Nhất về Đan Phổ, người làng đã dẫn ra khu mộ gia đình họ Trần và khẳng định, "Ông Thủ tướng bù nhìn nằm ở đây", nhưng chúng tôi không tìm thấy tên Cụ. Về sau mới biết, tin nói cụ được an táng ở quê là không đúng.
Sinh ra trong một gia đình dòng dõi, cha là Trần Bá Huân (1838-1894) từng là một văn thân tham gia phong trào Cần Vương. Trần Trọng Kim mất cha năm 9 tuổi, mất mẹ năm 10 tuổi, anh ruột là Trần Bá Hoan nuôi được mấy năm, do quá túng quẫn phải đưa hai em, Trần Trọng Kim và Trần Thị Liên, cho nhà khác làm con nuôi. Hai không gian giáo dục sau đó đã đưa Kim và Liên đi theo hai con đường rất xa nhau. Người em theo phong trào cộng sản từ năm 1930, 1931, trở thành chủ tịch hội phụ nữ tỉnh Nghệ An (mất năm 1964). Người anh được cha nuôi cho ăn học, trở thành một học giả, một người có tinh thần quốc gia, dân tộc.
Năm 1953, sau khi chủ trì Hội nghị Hội đồng toàn quốc, tuyên bố Việt Nam ra khỏi Liên hiệp Pháp, cụ Trần Trọng Kim được Quốc trưởng Bảo Đại mời lên Đà Lạt. Sau mấy tuần nghỉ ngơi, không hề có biểu hiện đau ốm, cụ ra đi nhẹ nhàng sau một giấc ngủ trưa vào ngày 26 tháng Mười Âm lịch. Quốc trưởng Bảo Đại cho máy bay đưa thi hài Cụ ra an táng tại nghĩa trang Cầu Giấy, Hà Nội.
Năm 1987, luật sư Phan Anh cho mời thân nhân của cụ từ Sài Gòn, từ Pháp về. Chúng tôi chưa rõ từ đề nghị của ai mà ngay trong dịp này Cụ được cải tảng, hỏa thiêu tại chỗ và tro cốt được mang vào gửi tại chùa Vĩnh Nghiêm.
Cụ bà, Bùi Thị Tuất - em gái cụ Bùi Kỷ, sinh sống ở Sài Gòn cho tới năm 1991. Con gái của hai người, bà Trần Diệu Chương, sinh sống ở Pháp, hàng năm vẫn viết thư về cho bác Trần Xuân Điền nhưng không hiểu sao từ hai năm nay ông Điền không còn nhận được thư của bà Diệu Chương nữa (Bà cũng đã ở tuổi gần 90). Những bức thư của bà Diệu Chương không chỉ là để nối tình thân với họ hàng mà còn như muốn để lại những bằng chứng lịch sử về một nhân vật mà chắc chắn rồi đây sẽ được nhìn nhận lại.