Văn Học & Nghệ Thuật
Viết vu vơ
Trong cuốn sách mới, Viết Vu Vơ, vừa được Người Việt xuất bản tại California (1), tôi viết về khá nhiều đề tài, từ chuyện du lịch đến văn hóa ẩm thực, văn học nghệ thuật, chính trị Việt Nam và thế giới. Với bất cứ vấn đề gì, tôi cũng đều xuất phát từ một góc nhìn: Việt Nam, hoặc quay về một tụ điểm: Việt Nam. Có thể nói, dù đề tài có đa dạng đến mấy, ám ảnh cũng chỉ có một: Việt Nam. Tôi cho đó là số phận của những người Việt Nam lưu vong: Sau khi rời khỏi quê hương, chúng ta liền biến quê hương từ một lãnh thổ thành một ký ức và một tưởng tượng, hơn nữa, thành một khung nhận thức và một hệ quy chiếu, từ đó, chúng ta nhìn mọi vật và mọi việc. Nói cách khác, dù đi đâu và làm gì, chúng ta vẫn không thoát khỏi Việt Nam. Sống trong nước, quê hương nằm dưới chân. Sống ở nước khác, quê hương nằm trong đầu. Cái dưới chân, tuy mênh mông, nhưng rất nhẹ nhàng; cái trong đầu, tuy vô hình và không có diện tích nhất định, nhưng lại nặng trĩu và chật cứng, không thể thoát được. Khi quê hương dưới chân và quê hương trong đầu khác nhau, người ta liền tự biến thành những kẻ vượt biên liên tục, lúc nào cũng chông chênh và chòng chành ở giữa. Giữa quê nhà và đất khách. Giữa quá khứ và hiện tại. Giữa hoài niệm và dự phóng. Và, luôn luôn, giữa các biên giới, từ biên giới quốc gia đến các biên giới văn hoá và ngôn ngữ.
Viết về những vấn đề tương đối nghiêm túc như vậy, tại sao tôi lại lấy nhan đề là Viết Vu Vơ? Viết vu vơ, như vậy, không liên quan đến đề tài. Mà là cách viết. Chủ yếu là cách viết của một người tài tử, ví dụ, viết về văn học, không phải từ góc độ một nhà phê bình, hoặc về chính trị, không phải từ góc độ một nhà bình luận. Ở mọi vấn đề, trong cuốn sách này, tôi đều viết từ cảm nhận ít nhiều có tính chất cá nhân. Tôi ít trích dẫn. Tôi cũng không phân tích dài dòng. Tôi chỉ cố nắm bắt những ấn tượng thoáng qua, những ý nghĩ thoáng qua, những cảm xúc thoáng qua. Trong những trường hợp chẳng đặng đừng mới tra cứu đến sách vở. Nói chung, viết những bài trong cuốn sách này, tôi nhắm chủ yếu đến đại chúng. Với hy vọng ai cũng đọc được. Và đồng cảm được.
Không hiểu sao, khi đặt nhan đề Viết Vu Vơ, tôi lại hay lẩn thẩn một mình ngâm nga bài “Liêu Trai đề từ” của Vương Ngư Dương mà tôi thuộc lòng từ hồi nhỏ, cả nguyên tác lẫn bản dịch của Tản Đà:
Cô vọng ngôn chi cô thính chi,
Đậu bằng qua giá vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xuớng thi.
(Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời hẳn chán, không buồn nhắc
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.)
Thú thực, tôi cũng không hiểu tại sao mình lại liên tưởng như vậy. Tâm trạng của tôi hoàn toàn khác tâm trạng của Vương Ngư Dương khi đọc truyện Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Cuốn Viết Vu Vơ này rõ ràng rất thời sự, lúc nào cũng đau đáu về hiện tình cũng như viễn ảnh chính trị của Việt Nam và thế giới. Hơn nữa, hầu hết các bài này đều viết trong tâm trạng của một người muốn đóng góp chút gì đó cho đất nước. Không, hoặc có, có rất ít, cảm giác buồn chán hay tuyệt vọng. Vậy tại sao?
Lần nữa, xin thú thực, tôi không hiểu.
Ừ, mà cũng bình thường thôi. Ở đời, đâu phải lúc nào mình cũng tự hiểu mình đâu nhỉ? Cái gọi là “mình” ấy, đôi khi, cũng thật bí ẩn. Không phải với người khác. Mà là với chính nó. Nhưng như vậy mới có chuyện để bàn. Biết đâu, ở một cuốn sách khác. Một lúc nào đó. Sau này.
***
CHÚ THÍCH:
Bàn ra tán vào (0)
Viết vu vơ
Trong cuốn sách mới, Viết Vu Vơ, vừa được Người Việt xuất bản tại California (1), tôi viết về khá nhiều đề tài, từ chuyện du lịch đến văn hóa ẩm thực, văn học nghệ thuật, chính trị Việt Nam và thế giới. Với bất cứ vấn đề gì, tôi cũng đều xuất phát từ một góc nhìn: Việt Nam, hoặc quay về một tụ điểm: Việt Nam. Có thể nói, dù đề tài có đa dạng đến mấy, ám ảnh cũng chỉ có một: Việt Nam. Tôi cho đó là số phận của những người Việt Nam lưu vong: Sau khi rời khỏi quê hương, chúng ta liền biến quê hương từ một lãnh thổ thành một ký ức và một tưởng tượng, hơn nữa, thành một khung nhận thức và một hệ quy chiếu, từ đó, chúng ta nhìn mọi vật và mọi việc. Nói cách khác, dù đi đâu và làm gì, chúng ta vẫn không thoát khỏi Việt Nam. Sống trong nước, quê hương nằm dưới chân. Sống ở nước khác, quê hương nằm trong đầu. Cái dưới chân, tuy mênh mông, nhưng rất nhẹ nhàng; cái trong đầu, tuy vô hình và không có diện tích nhất định, nhưng lại nặng trĩu và chật cứng, không thể thoát được. Khi quê hương dưới chân và quê hương trong đầu khác nhau, người ta liền tự biến thành những kẻ vượt biên liên tục, lúc nào cũng chông chênh và chòng chành ở giữa. Giữa quê nhà và đất khách. Giữa quá khứ và hiện tại. Giữa hoài niệm và dự phóng. Và, luôn luôn, giữa các biên giới, từ biên giới quốc gia đến các biên giới văn hoá và ngôn ngữ.
Viết về những vấn đề tương đối nghiêm túc như vậy, tại sao tôi lại lấy nhan đề là Viết Vu Vơ? Viết vu vơ, như vậy, không liên quan đến đề tài. Mà là cách viết. Chủ yếu là cách viết của một người tài tử, ví dụ, viết về văn học, không phải từ góc độ một nhà phê bình, hoặc về chính trị, không phải từ góc độ một nhà bình luận. Ở mọi vấn đề, trong cuốn sách này, tôi đều viết từ cảm nhận ít nhiều có tính chất cá nhân. Tôi ít trích dẫn. Tôi cũng không phân tích dài dòng. Tôi chỉ cố nắm bắt những ấn tượng thoáng qua, những ý nghĩ thoáng qua, những cảm xúc thoáng qua. Trong những trường hợp chẳng đặng đừng mới tra cứu đến sách vở. Nói chung, viết những bài trong cuốn sách này, tôi nhắm chủ yếu đến đại chúng. Với hy vọng ai cũng đọc được. Và đồng cảm được.
Không hiểu sao, khi đặt nhan đề Viết Vu Vơ, tôi lại hay lẩn thẩn một mình ngâm nga bài “Liêu Trai đề từ” của Vương Ngư Dương mà tôi thuộc lòng từ hồi nhỏ, cả nguyên tác lẫn bản dịch của Tản Đà:
Cô vọng ngôn chi cô thính chi,
Đậu bằng qua giá vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xuớng thi.
(Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời hẳn chán, không buồn nhắc
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.)
Thú thực, tôi cũng không hiểu tại sao mình lại liên tưởng như vậy. Tâm trạng của tôi hoàn toàn khác tâm trạng của Vương Ngư Dương khi đọc truyện Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Cuốn Viết Vu Vơ này rõ ràng rất thời sự, lúc nào cũng đau đáu về hiện tình cũng như viễn ảnh chính trị của Việt Nam và thế giới. Hơn nữa, hầu hết các bài này đều viết trong tâm trạng của một người muốn đóng góp chút gì đó cho đất nước. Không, hoặc có, có rất ít, cảm giác buồn chán hay tuyệt vọng. Vậy tại sao?
Lần nữa, xin thú thực, tôi không hiểu.
Ừ, mà cũng bình thường thôi. Ở đời, đâu phải lúc nào mình cũng tự hiểu mình đâu nhỉ? Cái gọi là “mình” ấy, đôi khi, cũng thật bí ẩn. Không phải với người khác. Mà là với chính nó. Nhưng như vậy mới có chuyện để bàn. Biết đâu, ở một cuốn sách khác. Một lúc nào đó. Sau này.
***
CHÚ THÍCH: