Marine Le Pen đến Nga vay tiền năm 2014 và dự định công nhận việc sáp nhập Crimée nếu đắc cử. François Fillon, vốn cũng được Nga vỗ tay hoan nghênh ầm ĩ khi giành thắng lợi chức ứng viên tổng thống trong bầu cử sơ bộ đảng Những Người Cộng Hòa, cam kết tái lập đối thoại với Putin. Jean-Luc Melenchon bảo vệ chính sách về Syria của Matxcơva. Chỉ có Emmanuel Macron là tin rằng đang bị Nga tìm cách phá hoại chiến dịch tranh cử.
Từ những quan sát trên, liên quan đến bốn ứng viên nặng ký trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, Libération số ra ngày thứ Bảy 18/02/2017 nhận định giới lãnh đạo Nga rất quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay. Sau thắng lợi của ông Donald Trump tại Hoa Kỳ, vốn có lập trường ủng hộ Nga, điện Kremlin mong muốn điện Elysée cũng sẽ đón tiếp một chủ nhân mới “không có” hay “ít thù nghịch” với Nga.
Thậm chí, theo phân tích của chuyên gia Andrei Kolesnikov, thuộc trung tâm Carnegie tại Matxcơva, trong một chừng mực nào đó, bầu cử ở Pháp còn quan trọng hơn, bởi vì “thắng lợi của một ứng viên thân Nga sẽ tạo nên một trục Mỹ-Pháp. Đối với chính quyền Putin, điều đó có nghĩa là một sự chia cắt phương Tây”.
Trong con mắt của điện Kremlin, sự chia cắt này có ý nghĩa quan trọng, vì điều đó làm suy yếu mặt trận chống Nga trong chính sách đối ngoại của phương Tây, được thể hiện rõ nét qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga ngay sau vụ sáp nhập Crimée năm 2014 và việc Nga can thiệp vào xung đột ở miền đông Ukraina.
Libération trích dẫn phân tích của chuyên gia Tatiana Kastoueva-Jean, giám đốc trung tâm Nga-NEI, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri) cho rằng, “Nga trông mong có một sự đổi hướng trong vấn đề trừng phạt, nếu không gỡ bỏ được thì chí ít cũng là nới lỏng. Về hồ sơ Ukraina, điện Kremlin mong muốn Liên Hiệp Châu Âu gây nhiều áp lực lên Kiev hơn là lên Matxcơva, các tiến triển trong việc thực thi thỏa thuận Minks phải được tách rời ra khỏi vấn đề trừng phạt Nga”.
Trong chiều hướng suy nghĩ này, các cơ quan tình báo của Pháp nghi ngờ Matxcơva sẽ tìm cách gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống. Ngoài việc sử dụng tin tặc, Nga khai thác hết công suất các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, từ báo mạng cho đến cả các mạng xã hội. Những trang mạng thông tin được chính phủ Nga tài trợ như Russia Today và Sputnik, đôi khi bày tỏ không chút giấu giếm lập trường ủng hộ đảng Những Người Cộng Hòa – LR, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia – FN và chống lại phong trào “Tiến Bước” (En Marche).
Báo chí Nga còn phát tán những tuyên bố mơ hồ của người sáng lập trang Wikileaks, Julian Assange cho rằng đang nắm trong tay nhiều thông tin “thú vị” về ứng viên Emmanuel Macron, hay như truyền tải những phát biểu của vài nghị sĩ Pháp được cho là có lập trường thân Nga.
Theo quan sát của bà Kastoueva-Jean, thì “ngần ấy phương tiện quan trọng đã được triển khai và dường như chỉ quy tụ vào một mục đích duy nhất. Điều đó khiến người ta nghĩ đến "một chiến dịch đặc biệt" muôn mặt, có điều khiển hơn là những sáng kiến đơn lẻ và độc lập”.
Với những lập luận và lo ngại như trên, liệu có đánh giá quá cao khả năng can dự của Nga vào bầu cử của nước Pháp hay không ? Bởi vì theo quan điểm của chuyên gia Andrei Kolesnikov, “điện Kremlin hiện cũng chưa biết nhắm vào ai”. Từ lâu, giới lãnh đạo ở Matxcơva luôn tin rằng, với kịch bản Fillon – Le Pen vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống, thì ai thắng cũng đều có lợi cho Nga cả. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, Nga rõ ràng đã bị bất ngờ trước việc Macron liên tục tăng điểm trong các cuộc thăm dò.
Do vậy, theo ông Andrei Kortounov, giám đốc Hội Đồng Nga, một tổ chức tư vấn, được Liberation trích dẫn, thì đối với điện Kremlin, ông Macron là “một ứng viên phức tạp”, nhưng không có việc tổng thống Nga đích thân chỉ thị đánh đổ Macron, bởi vì "nếu Macron đắc cử thì sao? Ông ấy có nhiều cơ may. Và sẽ thật là xuẩn ngốc khi tự gây ra những vấn đề trong quan hệ với Pháp".