Chính trường Pháp hoàn toàn biến đổi. Kết quả bầu cử vòng một Quốc Hội ngày Chủ Nhật xác định rõ chiến thắng được dự báo của đảng Cộng Hòa Tiến Bước. Phong trào chính trị của tổng thống Emmanuel Macron được gần một phần ba cử tri đi bầu tín nhiệm. Trừ yếu tố bất ngờ, nếu xu hướng này được tiếp tục trong vòng chung kết vào Chủ Nhật 18/06, 400 ghế dân biểu trên tổng số 577 sẽ nằm trong tay cánh trung với đại đa số là thành phần "lính mới" trong chính trị nhưng có kinh nghiệm dạn dày trong lĩnh vực xã hội và chuyên môn.
Tuy nhiên, phe chiến thắng không ca khúc khải hoàn vì tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp kỷ lục : dưới 50%. Theo kết quả chính thức công bố đêm 11/06, Cộng Hòa Tiến Bước về nhất với 32,32%, bỏ xa hai đối thủ thuộc phe hữu là đảng Những Người Cộng Hoà (21,50%) và đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (13,02%).
Về phía tả, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất và đảng Cộng Sản, tính chung được 13,74% trong khi đảng Xã Hội, từ đa số rơi xuống tỷ lệ thấp kỷ lục 9,51%.
Các tổ chức bảo vệ môi trường, điểm tựa đồng minh của đảng Xã Hội trong nhiều thập niên, chỉ được 4,30%.
Thất bại của hàng loạt chính trị gia kỳ cựu
Trong bối cảnh đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của tổng thống Macron thắng lớn, vòng một của cuộc bầu cử Quốc Hội cũng đánh dấu sự thất bại nặng nề của hàng loạt tên tuổi chính trị gia kỳ cựu, từng là dân biểu nhiều nhiệm kỳ, là lãnh đạo những đảng phái chính trị truyền thống của Pháp.
Tiêu biểu nhất là thất bại của thư ký thứ nhất Đảng Xã Hội, ông Jean-Christophe Cambadelis, từng là dân biểu của Paris từ năm 1997. Ra ứng cử tại một đơn vị bầu cử trong thủ đô lần, lãnh đạo đảng Xã Hội bị loại với một tỷ lệ phiếu bầu thấp chưa từng có, 10%, xếp thứ 4. Tại địa hạt bầu cử này, ứng viên Mounir Mahjoubi, một bộ trưởng trẻ của chính phủ Macron, về đầu với khoảng 37% phiếu.
Một tên tuổi khác của đảng Xã Hội được nhắc nhiều gần đây là ông Benoit Hamon, ứng viên thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, cũng đã bị loại khỏi cuộc đua ngày 11/06 tại địa hạt bầu cử quen thuộc của ông ở tỉnh Yvelines. Một thất bại tiêu biểu khác của đảng Xã Hội, đó là tại thành phố Marseille. Dân biểu kỳ cựu của đảng Xã Hội Patrick Mennucci cũng đã bị loại ngay vòng đầu, nhường chỗ vào vòng hai cho hai đối thủ Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) và ứng viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, Corinne Versini.
Bên cạnh đó, hàng loạt cựu bộ trưởng của chính phủ Hollande, nay muốn tìm một vị trí mới ở nghị trường nhưng hầu hết bị loại ngay vòng đầu hoặc vào được vòng 2 nhưng ở thế yếu với số phiếu bầu ít ỏi, cho dù các nhân vật này đều ra ứng cử tại địa bàn đã quá quen thuộc, thậm chí vẫn được gọi là thành trì riêng của họ.
Bên cánh hữu, từ đảng Những Người Cộng Hòa đến đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, một kịch bản tương tự cũng đã xảy ra đối với khá đông các quan chức chính trị kỳ cựu mới đây còn nổi như cồn trong chính trường Pháp.
LREM và thế thượng phong
Đảng của tổng thống Macron Cộng Hòa Tiến Bước và các đồng minh bên cánh trung đã giành được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội.
Toàn cảnh chính trị Pháp bị đảo lộn. Đảng Xã Hội của cựu tổng thống François Hollande "thảm bại" : đang kiểm soát 50% số ghế trong Quốc Hội mãn nhiệm, đảng này chưa chắc có được 40 đại biểu trên tổng số 577 sau cuộc bầu cử lập pháp vòng nhì vào ngày 18/06. Ngay ở vòng 1, hơn 90 dân biểu mãn nhiệm bị loại, đứng đầu là lãnh đạo số 1 của đảng, ông Jean-Chrisophe Cambadelis.
Bên cánh hữu, đảng Những Người Cộng Hòa cũng bị mất một nửa số ghế so cuộc bầu cử cách nay 5 năm. Tham vọng kiểm soát lập pháp để buộc tổng thống Emmanuel Macron phải chia sẻ quyền lực, bất thành. Mặt Trận Quốc Gia cực hữu của bà Marine Le Pen không tạo được sức đột phá như mong đợi.
Còn phong trào cực tả, Nước Pháp Bất Khuất, sau bầu cử tổng thống cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, thì như quả bóng xì hơi. Lãnh đạo đảng này, Jean-Luc Mélenchon có cơ may đắc cử cho dù còn phải vận động tiếp ở vòng hai nhưng phong trào La France Insoumise chỉ hy vọng có được tối đa 23 đại biểu trong Quốc Hội mới.