Đó là một vụ vừa là bê bối vừa là là sự hấp dẫn đầy mê hoặc của thời đại!
Vào năm 1881, cháu trai của Nữ hoàng và là vị vua George V trong tương lai, khi đó mới 16 tuổi, nhận được nghi thức bước qua tuổi vị thành niên của rất nhiều bạn trẻ thời đó: xăm hình chú rồng màu đỏ và xanh lên cánh tay, hình xăm do một hoạ sĩ từ Yokohama thực hiện.
Trên báo chí tại quê nhà, lời đồn thổi đầy rẫy hàng tuần lễ, cho rằng hoàng tử trẻ sẽ sớm có hình xăm như thú vui thời thượng đó. Một số bài báo viết rằng hoàng tử đã có một hình xăm mũi tên lớn phía dưới mũi. Tin vào các bài báo về hình xăm như vậy khiến thân mẫu chàng là Hoàng hậu Alexandra của Đan Mạch, viết cho hoàng nhi một lá thư đầy phẫn nộ.
Hoàng tử không có hình xăm nào trên mặt cả. Nhưng cánh tay có xăm hình của chàng lần đầu tiên đã xuất hiện trước công chúng khi chàng gặp mặt Hoàng đế Minh Trị, như một dấu hiệu chấp nhận từ hoàng gia khiến trào lưu này ngày càng nổi tiếng.
Sự hồi phục của Nhật Bản năm 1868 lần đầu tiên mở cánh cửa giúp quốc gia này giao thương với phương Tây sau nhiều thế kỷ. Gần như ngay lập tức, nhu cầu với những sản phẩm đến từ Nhật Bản và cả văn hoá Nhật tăng vọt.
Giới quý tộc giàu có Châu Âu bắt đầu trở về quê nhà với những hình xăm nghệ thuật trên cơ thể.
Giờ đây, tin tức về hình xăm của hoàng tử đã thiết lập cả ngành công nghiệp xăm mình thời thượng ở Anh Quốc, Pháp và thậm chí Hoa Kỳ: nó trở thành sự thể hiện đẳng cấp xã hội - và thể hiện khả năng chi trả cho thú chơi đó.
"Việc vị vua tương lai xăm mình là một khoảnh khắc nổi tiếng đến nỗi có cả một bức tranh làm quà tặng nhân dịp đám cưới của Vua George hồi năm 1893, mô tả lại cảnh quan lúc xăm mình ra sao," Matt Lodder, giảng viên ngành nghệ thuật đương đại ở Đại học Essex nói. "Nếu để ai ai cũng biết quý vị là người giàu có, đã tới Nhật Bản, thì việc cần làm là quý vị cần phải quay về với một hình xăm."
Tuy Vua George được coi như người dẫn đầu trào lưu thời đó, nhưng ông chỉ là người tiếp tục một mô hình đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Từ thời Julius Caesar, Anh Quốc đã nhiều lần khiến nghệ thuật xăm mình trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Các chiến binh xăm mình
Hình xăm được cho là đầu tiên trong lịch sử có từ 5.000 năm từ thời có dấu tích của Người băng Otzi, một xác ướp được tìm thấy trong dãy Alps trải dài từ Áo đến Ý.
Nhưng ở Châu Âu, người Anh thuở ban mới là những người làm nghệ thuật này nổi tiếng: khi Đế quốc La Mã xâm chiếm Anh năm 55 trước Công nguyên, họ tìm thấy những người bản địa rực rỡ trong nghệ thuật vẽ cơ thể.
Caesar viết về Chiến tranh xứ Gallia như sau, "tất cả người Anh đều vẽ trên cơ thể bằng màu cây tùng lam, tạo ra màu xanh, và khiến sự xuất hiện của họ trên chiến trường trông càng thêm kinh khủng."
Những hiệu ứng khi xuất hiện của các chiến binh Anh khiến họ nổi tiếng khắp Châu u với tên gọi Pretani, một từ gốc Celtic có nghĩa là những kẻ "vẽ mình" hoặc "xăm mình". Từ đó, cái tên "Britain" (tức Anh Quốc) ra đời.
Một số người nói rằng người Anh thời đó chỉ vẽ thôi, chứ không xăm mình. Các học giả La Mã sau đó cũng bị thuyết phục tin rằng những người Caesar thấy chỉ là hình vẽ với mực.
"Một phần vùng đó bị chiếm giữ bởi những kẻ mọi rợ mà từ thời tuổi thơ đã vẽ những hình khác nhau về động vật lên cơ thể, vì thế khi người đàn ông lớn lên, dấu vết vẫn còn trên cơ thể anh ta," Gaius Julius Solinus viết vào Thế kỷ thứ ba.
"Điều đó chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc họ coi đó như bài kiểm tra sự kiên nhẫn xem ai có thể vẽ được nhiều nhất lượng màu xăm lên chân tay thông qua những vết sẹo vĩnh viễn."
Khi người Norman đến vào năm 1066, họ cũng khám phá ra là người Anh yêu thích nghệ thuật xăm mình.
Vào Thế kỷ 12, nhà biên niên sử William của xứ Malmesbury mô tả hình xăm là một trong những cách thức mà người Norman học được từ dân bản địa.
Theo chân nhà thám hiểm
Nhưng lịch sử hiện đại của nghệ thuật xăm mình của người Anh bắt đầu với việc xâm chiếm thuộc địa ở Châu Mỹ.
Nhà thám hiểm và chủ tàu Martin Frobisher đã thực hiện nhiều chuyến hải hành đến Tân Thế giới từ năm 1576 đến 1578. Ông phát hiện ra việc xăm mình là chuyện phổ biến trong các tộc người thổ dân Châu Mỹ bản địa, từ vùng Canada ngày nay trải dài xuống phía tây nam.
Vào năm 1577, nhà thám hiểm Frobisher bắt giữ ba người thuộc tộc Inuit và mang họ về, dắt đi trưng bày khắp Anh Quốc từ Bristol đến London - thậm chí còn dẫn họ đến cung điện cho Nữ hoàng Elizabeth xem mặt.
Công chúng bị sốc vì những hình ảnh được xăm vẽ trên cơ thể họ. Để khiến họ bớt sợ hãi, hoạ sĩ John White được thuê vẽ chân dung của những tù nhân người Inuit và so sánh với những hình vẽ cơ thể của người Anh cổ đại, dựa trên những dữ liệu từ các học giả La Mã.
"Đó là những hình ảnh đáng kinh ngạc mà ông chuyển hoá từ những mô tả cổ xưa của người Anh cổ đại, miêu tả lại chúng dưới dạng những hình xăm đặc biệt và hơi ngớ ngẩn," Lodder nói.
"Những con sư tử khổng lồ trên bụng, hay hình xăm mặt trời và hoa dành cho phụ nữ. Họ đã làm để cho những người đã bị đưa đến đây thấy họ không khác gì với chúng ta cả."
Những người Inuit của Frobisher đã khơi gợi sự thích thú với nghệ thuật xăm mình cả ở Anh và Châu Âu trong thế kỷ 16.
Dấu ấn từ cuộc hành hương
Trào lưu này lan rộng cùng với sự thương mại hoá các chuyến hành hương đến Vùng Đất Thánh. "Nó trở thành thứ phải làm khi tham gia một chuyến hành hướng từ phương Tây đến Jerusalem và trở về nhà với một hình xăm - một dấu hiệu chứng minh cuộc hành hương của bạn," Lodder nói.
"Không có nhiều hình vẽ từ thời đó còn sót lại, nhưng chúng thường là những bức tranh khá lớn. Về cơ bản chúng khá giống hình xăm trên vai của các cầu thủ bóng đá."
Nghệ thuật xăm mình trở nên phổ biến trong suốt Thế kỷ 16, 17 và 18 ở Anh, đến nỗi hình xăm đã xuất hiện cả trong những phiên toà.
Vào tháng Một 1739, tờ Bưu điện Buổi tối London (London Evening Post) tường thuật việc ra phán quyết đối với một tên trộm 15 tuổi, bị cáo buộc có một hình xăm cực kỳ bạo lực trên ngực.
"Trên ngực hắn ta, đóng dấu bằng mực Ấn Độ là hình ảnh một người đàn ông với thanh kiếm trong tay và một khẩu súng nhả đạn ở tay kia, với một biểu tượng trên miệng người đàn ông, "Chúa nguyền rủ các ngươi!" Câu chuyện được mô tả ngạt thở." Đây là sự vô lại lẽ ra phải bị che giấu, nhưng đã có người phát hiện ra, hắn được yêu cầu phơi ngực trần trước toà, và tại đó mọi người đều bị sốc vì hình ảnh khác thường trên người tên vô lại đó."
Truyền thống hình xăm hành hương tiếp tục đến thế kỷ 19 và đó là bối cảnh Hoàng tử xứ Wales, sau này là Vua Edward VII, đã bí mật xăm mình với hình chữ thập ở Jerusalem vào năm 1862.
Nhưng bản thân từ "hình xăm" (tattoo) tự nó lại có xuất xứ khá mới mẻ trong từ điển tiếng Anh, một di sản từ các cuộc hành trình trên biển của thuyền trưởng James Cook đến các hòn đảo ở Thái Bình Dương vào cuối Thế kỷ 18.
Trong khi từ này đã tồn tại trong tiếng Anh từ cuối thập niên 1600, ban đầu là "beating a tattoo" có nghĩa trong từ điển là "đánh trống". Mãi cho đến hành trình của Thuyền trưởng Cook đến Tahiti năm 1769, hình thức xăm vẽ trên da vẫn còn được gọi là chích, đánh dấu hoặc nhuộm.
Tuy nhiên, những người Tahiti sử dụng từ "tatau" để miêu tả việc họ sử dụng những cây và đập vào những thanh có hình dạng giống lược với đầu mũi kim gắn bên trên.
Cook ghi nhận điều này trong nhật ký và qua nhiều bạn bè, từ này cuối cùng du nhập vào tiếng Anh là "tattoo" (xăm).
Hình xăm và án thừa kế
Khi đặt tên mới cho nghệ thuật xăm mình, người Anh lần đầu tiên đã thương mại hoá nghệ thuật này trong thế giới phương Tây, kích thích sự bùng nổ trào lưu khách du lịch xăm mình ở Nhật Bản - và bằng một vụ án đặc thù khiến cả thế giới chú ý.
Vào năm 1854, nhà quý tộc Roger Tichborne mất tích trên biển, được cho là đã chết trong một vụ đắm tàu.
Mười hai năm sau, điều kỳ diệu xảy ra khi ông xuất hiện tại Úc và giong buồm trở lại London. Cuộc trở về của Tichborne không được những người anh em ở quê nhà chấp nhận. Khi người mẹ của họ mất, vì ông là đứa con được hưởng thừa kế tài sản của gia đình, các anh em ông đã khởi kiện, cho rằng ông chỉ là một kẻ giả mạo.
Vụ án Tichborne hồi đầu thập niên 1870 là một vụ gây xôn xao, được báo chí khắp thế giới tường thuật. Vụ án cuối cùng đã có kết luận trong một phiên toà được mô tả trong loạt phim truyền hình dựng dựa theo các tác phẩm của nhà văn Dicken.
Hoá ra khi còn trẻ, tại trường nội trú, Tichborne đã được bạn bè xăm mình; khi quan toà yêu cầu ông tiết lộ hình xăm, ông không thể trưng hình xăm đó ra.
Tichborne giả hiệu bị lật tẩy thực ra là con trai một chủ hàng thịt, tên thật là Arthur Orton và sau đó người này bị tống giam 14 năm tù.
Xăm mình tại phòng tắm hơi
Cuộc săn lùng tin tức của giới truyền thông đã giới thiệu nghệ thuật xăm mình đến với đông đảo độc giả khi một số tờ báo viết bài cho rằng tất cả trẻ em nên được xăm hình gì đó, phòng khi chúng mất tích trên biển. Một doanh nhân tên Sutherland Macdonald quyết định sẽ kiếm tiền từ việc này.
Macdonald là một hoạ sĩ tài hoa và cựu sĩ quan trong quân đội trong cuộc chiến Anh-Zulu. Ông học xăm mình bằng cách xăm các hình cho đồng đội. Khi trở về và làm chủ một nhà tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực West End thời thượng của London, Macdonald bắt đầu giới thiệu dịch vụ xăm mình như một hoạt động thương mại, cũng là cửa hàng xăm đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử. Công việc kinh doanh này cực kỳ thành công.
"Sự hứng thú của người Anh với phương Đông đóng góp một phần lớn vào việc này," Lodder nói, và phòng tắm hơi của Macdonald là một chút biến tấu khá hay. "Không chỉ có các dịch vụ của người Nhật là đắt khách nhất Châu Âu, mà bạn còn có cả một bối cảnh "phong cách Á đông" với những khách hàng là người giàu có đi lại, trần truồng như nhộng."
Vào thập niên 1880, công việc kinh doanh của Macdonald phát triển khi ông tận dụng sự chú ý của công chúng với hình xăm trên người Hoàng tử George.
Macdonald tự giới thiệu mình là hoạ sĩ, và đã xăm mình cho những người giàu và nổi tiếng khắp thế giới từ Hoàng đế Đan Mạch đến Quân vương Patiala. Tên tuổi ông và cửa hiệu xăm xuất hiện trên báo chí từ Ba Lan đến Pháp, Đức và thậm chí cả New Zealand.
Những khách hàng thậm chí đòi hỏi những hình xăm chi tiết hơn, từ mô phỏng lại những bức tranh nghệ thuật Châu u trong phòng khách đến những cảnh săn bắn, ông đã sáng chế ra máy xăm tự động đầu tiên vào năm 1890, một năm trước khi máy xăm được đăng ký sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ.
Xu hướng xăm mình của giới quý tộc Anh sau đó đã lan rộng khắp các vùng Đại Tây Dương: tờ báo New York Herald tuyên bố vào năm 1897 rằng "thú vui xăm mình từ London đã lan ra tới New York". Tầng lớp trung lưu người Mỹ bắt chước những tầng lớp thượng lưu ở Anh, và các nghệ sĩ xăm mình bắt đầu xuất hiện khắp New York.
Từ lúc nghệ thuật xăm mình được coi như trào lưu "mới" ở cả hai bờ Đại Tây Dương, gần như mỗi thập niên trôi qua, các khảo sát đều cho thấy cứ ba người lớn ở Anh lại có một người xăm mình.
Nghệ thuật này không mới như chúng ta tưởng, mà hẳn mọi người đều đồng ý rằng nó xuất hiện ở người Anh từ thời Caesar.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
( BBC )