Xe tự lái, xe robot hay xe không người lái (autonomous, robotic, driverless hoặc self-driving car) là điều mà các nhà sản xuất xe đang nhắm tới.
Xe tự lái, xe robot hay xe không người lái (autonomous, robotic, driverless hoặc self-driving car) là điều mà các nhà sản xuất xe đang nhắm tới. Những lợi ích do loại xe mang lại cho môi trường, phố phường và con người khiến nhiều người đã háo hức tự hỏi: Bao giờ mình mới có thể mua được một cái xe như vậy? Có tốn nhiều tiền để sắm được loại xe ấy không?
Dù nhiều nơi chạy đua để chiếm lĩnh thị trường xe tự lái, nhưng chính Nevada đã tạo được cột mốc lịch sử khi trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ (và cũng trên toàn thế giới) thông qua đạo luật cho sử dụng loại xe này vào tháng 6-2011. Tiếp đó vào tháng 5-2012, Nha Lộ vận (DMV) của tiêủ bang Nevada đã cấp giấy phép cho chiếc xe tự lái đầu tiên trên thế giới: chiếc Toyota Prius được Công ty Google cải tiến để thử nghiệm công nghệ “không người lái”. Tiếp đó, lần lượt hai tiểu bang Florida và California cũng đã ký luật cho phép lưu hành xe không người lái trong địa phận tiểu bang mình từ ngày 25-9 vừa qua.
Chiếc Lexus RX450h tự lái của Google
California tuy không phải là tiểu bang đầu tiên hợp pháp hóa kỹ thuật xe tự lái, nhưng lại có một kế hoạch rõ ràng nhất để phát triển. Cụ thể là chiếu theo luật đã ký, từ nay đến trước năm 2015, DMV của tiểu bang này phải đưa ra các quy định cụ thể cho dân chúng sử dụng xe tự lái.
Phía nhà sản xuất tỏ ra khá lạc quan, ví dụ ông Sergey Brin – người đồng sáng lập Google phát biểu: “Tôi nghĩ xe tự lái nâng cao phẩm chất đời sống của mọi người một cách rất đáng kể và xe tự lái sẽ trở nên phổ biến trên thị trường trong vòng một thập niên tới”.
Xe tự lái vận hành như thế nào?
Dù không phủ nhận sự ra đời của xe tự lái, nhưng có lẽ chưa có người Mỹ nào có dịp nhìn thấy chiếc xe như thế trên đường phố. Lý do là vì hiện nay luật pháp đòi hỏi phải có một tài xế ngồi ở sau tay lái để kịp thời phản ứng khi xảy ra trường hợp khẩn cấp (emergency). Thực ra, đây chỉ là một “chức vị” ngồi chơi xơi nước, người tài xế ngồi sau tay lái không phải làm việc gì khác hơn là rôm rả trò chuyện với người trong xe, không cần động chạm tới vô-lăng. Vì thế, ngoại trừ cái bảng số màu đỏ, chiếc xe tự lái xuất hiện rất bình thường trước mắt mọi người, chỉ trừ những người ngồi trong xe. Ðúng vậy, chỉ có những người ngồi trong xe mới biết rằng xe của mình không có tài xế. Tất nhiên, không ít người trong số đó còn ngại ngùng, lo sợ vì chưa tin vào sự khéo léo và tinh khôn của chiếc xe. Ðó cũng chính là cảm giác của Thống đốc Jerry Brown khi ông được rước từ Dinh Thống đốc về tới tổng hành dinh của Công ty Google để ký ban hành đạo luật hợp pháp hóa và phát triển loại xe này vào ngày 25-9 vừa qua. Ngồi trên chiếc Toyota Prius đã được cải biến thành xe tự lái, ông nhận xét: “Bất cứ ai lần đầu tiên ngồi vào trong xe, thấy nó cứ tự nhiên di chuyển cũng thấy khiếp, nhưng rồi sẽ bình tâm trở lại”.
Thực ra cơ chế vận hành của xe tự lái không có gì mầu nhiệm, chỉ là tổng hợp của những phát kiến khoa học mà có thể chính bạn đã vận dụng, chẳng hạn:
- Radar, lidar và GPS: Ngồi lên xe, bạn chỉ việc cho biết địa chỉ nơi đến là xe sẽ tự biết phải đi đường nào để đến. Ðây là nhiệm vụ của radar và máy chỉ đường GPS, vốn là những kỹ thuật chúng ta đã dùng từ lâu.
- Hệ thống máy cảm ứng (sensor) và theo dõi vị trí (location tracking): Chúng có chức năng nhận ra dòng xe cộ cùng chiều hay ngược chiều, xe cộ ở ngã tư để xe có phản ứng thích hợp. Chuyện này xét ra không có gì khó hiểu, những cái bóng đèn “security” thường được lắp ở sân trước nhà bao người đã làm được chuyện này từ lâu vì chúng nhận ra bước chân của những người đến gần để tự động bật sáng, đến khi người khách lạ đi xa thì tự động tắt đi.
Chiếc xe tự lái đầu tiên được cấp phép ở Nevada
Ngành công nghiệp ôtô thế giới không ngừng phát triển với các công nghệ hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu ngày càng cao của con người. Nhiều khả năng, trong tương lai gần, công nghệ “xe tự lái” sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt tại Mỹ.
Và một chiếc khác ở California
- Thêm vào đó là sự cải thiện và nâng cao các hệ thống như guided parking và cruise control, vốn là những kỹ thuật cũng đã được sử dụng từ lâu.
Tất cả những kỹ thuật căn bản đó dĩ nhiên được nâng cấp và cải thiện khi áp dụng vào kết cấu của chiếc xe tự lái, trở thành VCS (Vehicular Communications Systems – truyền thông giữa các loại xe cộ), giúp phát hiện những tình huống nguy hiểm, tình trạng kẹt xe và sau đó, bộ não điện tử của chiếc xe sẽ chỉ thị những biện pháp thích ứng.
Ý kiến của giới tiêu dùng
Theo một nghiên cứu do Công ty J.D. Power and Associates thực hiện đối với 17.400 người sở hữu xe riêng thì có tới hơn 37% cho biết họ sẽ mua ngay xe tự lái khi loại xe này được tung ra thị trường. Còn theo một cuộc thăm dò được thực hiện trên mạng với 2.006 người sinh sống tại Mỹ và Anh thì có tới 49% cho biết họ cảm thấy rất hứng thú với xe tự lái.
Còn bạn thì sao, thích hay không thích? Xin được bổ sung thông tin cuối cùng về giá bán một chiếc xe tự lái: theo ước tính hiện nay, bạn chỉ cần bỏ ra số tiền để mua một chiếc xe bình thường, sau đó thêm vào có 3.000 USD mà thôi! Không đắt, vậy thì bạn thích nó hay không?
Tám chiếc xe tự lái đầu tiên trên thế giới
Đó là tám chiếc xe nằm trong một dự án của Google để phát triển công nghệ xe tự lái, trong đó có sáu chiếc Toyota Prius, một chiếc Audi TT và một chiếc Lexus RX. Chúng được hoán cải và lắp thêm các thiết bị kỹ thuật như cảm biến, radar và máy tính xử lý tốc độ cao có tổng trị giá 150.000 USD (trong đó riêng radar laser có giá 70.000 USD). Hệ thống kết hợp các thông tin thu thập từ bản đồ Google Street View với phần mềm trí tuệ nhân tạo xử lý các tín hiệu đầu vào từ video camera bên trong xe, một cảm biến radar laser trên nóc, các cảm biến radar ở phía trước và một cảm biến vị trí ở phía sau để xác định vị trí của xe trên bản đồ. Tổng cộng, đội xe Driverless Car đã thực hiện một hành trình dài 480.000km trên một số bang nước Mỹ mà không xảy ra tai nạn.
Quang Hiệp
Những ưu thế vượt trội của xe tự lái
Không chỉ hạn chế tắc nghẽn giao thông, những chiếc xe tự lái còn hứa hẹn nhiều ưu thế vượt trội khác:
• Ít va chạm giao thông hơn (các máy tính thực hiện tốt hơn con người các thao tác tập trung và có tính lặp đi lặp lại như lái xe).
• Tăng lưu lượng giao thông và giảm tắc nghẽn (các hệ thống giao tiếp V2V và V2I khiến cho việc phân luồng giao thông hiệu quả hơn).
• Giảm sự tham gia của con người vào công việc lái xe (bạn có thể ngủ, xem phim, đọc sách… thay vì mất thời gian ngồi sau vô-lăng).
• Mọi người có thể vẫn tham gia giao thông bất chấp năng lực thể chất của họ, như tuổi tác (mừng quá cho người già! ) hoặc một số hạn chế về cơ thể, và điều đó cũng có nghĩa là sẽ không còn những người lái xe say rượu bia và những nạn nhân vô tội.
• Bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng khi tìm nơi đỗ xe (chiếc xe sẽ thả bạn xuống và sau đó tự đi tìm chỗ đỗ cho tới khi bạn ra hiệu cho xe quay lại đón).
• Hiệu quả nhiên liệu được cải thiện nhờ giảm số lần dừng xe.
• Các dịch vụ chia sẻ và dùng chung xe như Zipcar (một dịch vụ dùng chung xe đang được triển khai tại Mỹ) sẽ trở nên thực tế hơn.
• Giảm số lượng cảnh sát giao thông, các camera, đèn đỏ và các biện pháp tăng cường an toàn giao thông khác.
Mai Trang chuyển