Đoạn Đường Chiến Binh

chuyến tàu định mệnh

Thời gian là một thần dược có thể xoa dịu những đớn đau của vết thương lòng. Nhưng vết thương ba mươi tháng tư vẫn còn rỉ máu sau hơn ba mươi năm dài chữa trị. Người viết bài này xin nghiêng mình nhận lỗi nếu đã khơi dậy một trong những niềm đau của dĩ vãng.
Thời gian là một thần dược có thể xoa dịu những đớn đau của vết thương lòng. Nhưng vết thương ba mươi tháng tư vẫn còn rỉ máu sau hơn ba mươi năm dài chữa trị. Người viết bài này xin nghiêng mình nhận lỗi nếu đã khơi dậy một trong những niềm đau của dĩ vãng.
Hồi Ký H.K.C


    H ôm ấy là buổi sáng ngày 30 tháng 4. Trời không có nắng, mây mù rải rác có lúc che khuất ánh mặt trời. Hai chiếc duyên tốc đĩnh (PCF) của Hoan và tôi đang nằm trong ụ của căn cứ Đồng Tâm sau một chuyến công tác tuần phòng trên sông Tiền Giang.
- Trung úy ơi, tàu của ông Hoan đang chuẩn bị đi. Trung úy tính sao?
- Thật sao! Các anh chờ tôi một chút.
Tôi trả lời hạ sĩ nhất trọng pháo Phương rồi vội vã chạy sang chiếc PCF của Hổ Cáp 2 Nguyễn ngọc Hoan đang cặp cùng cầu với chiếc duyên tốc đĩnh của tôi, cách khoảng vài chục thước.
- Trung úy Hoan có trong tàu không anh? Tôi hỏi một thuỷ thủ đang kéo ống dầu lên cầu tàu.
- Dạ, ông ấy lên Trung Tâm Hành Quân rồi.
- Lâu chưa?
- Chừng mười lăm phút, ông thầy.
Tôi quay trở về tàu của mình, bước vào phòng chỉ huy điều chỉnh âm thanh của chiếc máy PRC-25 cho lớn hơn rồi bật qua tần số của Trung Tâm Hành Quân Trần Hưng Đạo 44 gọi:
- "Hải Âu" đây "Sóng Bạc Đầu".
- "Sóng Bạc Đầu" đây "Hải Âu".
- Đây là hai lần tango của "Sóng Bạc Đầu", cho tôi nói chuyện với hai lần tango của "Sóng Ngầm".
"Sóng Ngầm" là ám hiệu của tàu Hoan, "Sóng Bạc Đầu" là tàu tôi, còn "Hải Âu" là ám hiệu của Trung Tâm Hành Quân, hai lần tango có nghĩa là hai chữ T, là thuyền trưởng.
- Ông thầy chờ một chút.
Chừng vài giây sau, tôi nghe tiếng của Hoan từ đầu máy bên kia, không còn giữ kín theo ám hiệu hành quân nữa:
- Mầy đó hả, Chiến?
- Đúng rồi, tụi mầy định đi hả? Tôi hỏi nó liền không vòng vo.
- Phải đi thôi mầy ơi. Mầy chờ tao về tàu rồi mình nói chuyện thêm.
Tôi buông chiếc ống nghe xuống, đầu óc hoang mang, lo lắng bước lên cầu tàu làm bằng những cai "pon-ton" nối lại với nhau, đi tới đi lui chờ đợi.
Hoan là sĩ quan trưởng toán của nhóm năm chiếc PCF thuộc Hải Đội 5 Duyên Phòng, biệt phái từ căn cứ Năm Căn về yểm trợ cho Bộ Tư Lệnh Vùng 3 Sông Ngòi. Hắn và tôi cùng xuất thân từ khóa 20 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang có tên là Đệ Nhị Hổ Cáp, sau này chúng tôi thường gọi nhau một cách thân mật là Hổ Cáp 2. Hôm trình diện ở căn cứ Nhà Bè, khoảng 23 tháng 4 năm 1975 chúng tôi lại nhận được lệnh tách ra hai chiếc về căn cứ Đồng Tâm yểm trợ cho Bộ Tư Lệnh Hành Quân Trần Hưng Đạo 44 (số 44 này có thể không đúng). Chiếc PCF của tôi được Hoan chọn đi theo chiếc của nó di chuyển về căn cứ Đồng Tâm, gần thị xã Mỹ Tho ngay hôm đó.
Đơn vị trước của tôi là Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 6 Tuần Thám (LD6TT), lúc ấy đang phối hợp cùng Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi chỉ huy chiến dịch hành quân Trần Hưng Đạo 40, bản doanh đóng tại Cần Thơ, trại Yết Kiêu.
Gần cuối tháng 3 năm 75, tôi nhận được công điện thuyên chuyển về Hải Đội 5 Duyên Phòng, Bộ Chỉ Huy đóng tại Năm Căn. Lệnh thuyên chuyển đến với tôi như một tiếng sét nổ ngang tai. Không ngờ một trong những diễn tiến quan-trọng trong đời binh nghiệp lại đưa đến cho tôi trong lúc này. Lúc mà tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng cộng thêm sự lo lắng trong nội bộ gia đình tôi. Vợ tôi đang mang thai và chúng tôi đang chờ đợi đứa con đầu lòng ra đời trong vòng vài ngày.
Buổi chiều hôm nhận được công điện thuyên chuyển, tôi về nhà rủ vợ đi ra ngoài ăn tối. Thấy tôi có vẻ trầm ngâm tư lự, vợ tôi hỏi:
- Sao anh có vẻ buồn vậy, có chuyện gì không hay phải không?
Tôi thở dài, lặng thinh một lúc rồi nói cho nàng biết mọi sự việc. Vợ tôi cũng bàng hoàng, sửng sốt không kém. Chúng tôi ngồi yên lặng thật lâu, nhìn mấy dĩa thức ăn đã trở nên nhạt nhẻo mà không buồn cầm đũa. Một lúc sau, nàng lên tiếng:
- Anh đừng lo cho mẹ con em, Lan chỉ mong anh cẩn thận nơi đơn vị mới. Lan nghe đồn nơi đó nguy hiểm lắm.
Tôi đưa tay nắm lấy tay nàng mà không trả lời. Nàng nói tiếp:
- Lan sẽ nhờ má và mấy em của Lan tiếp tay trong những ngày sinh nở.
- Lan định về Sài-gòn sinh con hay sao?
- Chắc là như vậy, nếu anh phải đi trước ngày ấy.
Do sự may mắn, hoặc vì con tôi muốn được ba bồng bế lúc chào đời mà hai ngày sau vợ tôi chuyển bụng và đứa con gái đầu lòng của chúng tôi chào đời giữa lòng Tây Đô, cái thị trấn cũng ồn ào nhộn nhịp không thua gì thủ đô Sài-gòn hoa lệ. Ngày hôm sau HQ Thiếu tá Hồ Đấu, chỉ huy trưởng Liên Đoàn 6 Tuần Thám trao cho tôi tờ giấy phép một tuần nghỉ vợ sanh kèm theo sự vụ lệnh trình diện Bộ Tư Lệnh Hải Quân sau đó, chờ phương tiện tân đáo đơn vị mới. Nhờ những ngày phép ấy, tôi có cơ hội quanh quẩn trong bệnh viện bên cạnh giường sanh với mẹ con nàng. Lần đầu tiên tập tành làm cha, nuôi vợ sanh tôi có cái cảm giác kỳ kỳ, ngồ ngộ – vừa vui mừng, vừa mắc cỡ. Tôi đã cố làm mọi việc từ pha sữa cho con bú, giặt tã đến đi chợ nấu ăn. Tôi đã nấu món thịt kho tiêu ăn với hành lá luộc mà bà ngoại của con tôi khuyên.Tôi đã cố giữ cho mình bận rộn suốt ngày để không còn thì giờ nhớ đến những gì đang chờ đợi ở những ngày sắp đến. Còn lại vài ngày phép cuối, chúng tôi khăn gói về Sài-gòn tá túc bên gia đình vợ, nhờ ba má và mấy đứa em nàng phụ giúp.
Chiếc C130 chở tôi đến trình diện đơn vị mới đáp xuống phi trường An Thới, Phú Quốc nơi có gần một nửa lực lượng của Hải Đội 5 Duyên Phòng tạm dừng quân và yểm trợ cho Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Duyên Hải từ đầu tháng 4 năm 75. Tôi làm mọi nghi thức trình diện đơn vị mới ngay ở đó luôn. Mấy ngày sau, cả phân đội duyên tốc đĩnh kéo về căn cứ Năm Căn theo lệnh di chuyển của Bộ Tư Lệnh.
Đã từ lâu nghe danh “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”; bây giờ tôi mới thực sự có dịp nếm mùi, mặc dù mới chỉ có phân nửa đầu cái đặc sản ấy của Năm Căn. Những ngày nằm tại căn cứ, đêm đêm bọn chúng tôi kéo ra khu gia binh, tìm vào mấy quán nhạc ngồi đuổi muỗi bên cạnh ly cà phê mà cố thả hồn theo những lời ca ai oán! Tuổi trẻ của chúng tôi thời ấy thật là lạ lùng, tội nghiệp. Chúng tôi lặn ngụp giữa chiến tranh, tàn phá, chết chóc, chia ly hoà lẫn với nhạc vàng, với đam mê ray rứt, mà không cần biết đến tương lai, mặc cho nó có mịt mù hay tươi sáng ra sao cũng cam chịu. Cuộc chiến sôi sục của tháng tư đã đưa chúng tôi trở lại gần với thành phố. Năm chiếc PCF rời căn cứ Năm Căn trực chỉ Nhà Bè trong những ngày cuối tháng tư hải hùng ấy.
Hoan và một người nữa cùng đi xuống cầu hướng về tàu của chúng tôi. Tôi tiến tới gần mới nhận ra người thứ hai là Hổ Cáp 2 Mai ngọc Oanh.
- Tàu của mầy còn nhiều dầu không? Hoan hỏi tôi.
- Còn khoảng phân nửa.
- Mầy cho mấy thằng em lấy đầy đi.
- Dễ thôi, nhưng mình sẽ đi đứng làm sao?
- Chiến ơi, sống không nỗi với tụi cộng sản đâu.
Thằng Oanh chêm vào rồi nói tiếp:
- Gia đình chúng tao không chịu nỗi nên đã bỏ chạy vào Nam năm 54, mầy nghe tao mà chuẩn bị lên đường. Cứ đi ra ngoài hải phận quốc tế sau đó sẽ bắt liên lạc với các chiến hạm của Sài-gòn rồi tính tiếp.
Oanh là sĩ quan trực của Trung Tâm Hành Quân Trần Hưng Đạo 44, nó định cặp theo tàu của Hoan mà đào thoát. Nó tiếp:
- Tướng Nguyễn khoa Nam ra lệnh tử thủ, nhưng mấy ông lớn đã bỏ chạy hết rồi. Tao nằm ở Trung Tâm Hành Quân nên biết rõ lắm. Mình ở lại để làm gì, đánh đấm bằng cách nào, chỉ có chờ chết.
- Tao tin tụi mầy. Tụi mầy chờ tao lấy thêm dầu nghe.
Tôi nói, rồi trở về tàu của mình nói với trung sĩ cơ khí Hải:
- Mình chuẩn bị di tản ra biển khơi, anh Hải làm ơn lo việc lấy thêm nhiên liệu.
- Lấy đầy vô cả bụng luôn nghe ông thầy. Hải hỏi lại tôi
- Tùy mấy anh, làm sao được thì cứ làm.
Tôi trả lời mà không suy nghĩ.
Không thể đứng yên chờ đợi, tôi trở qua tàu của Hoan và Oanh. Cả hai đang nghe tin tức trên radio và liên lạc vô tuyến với các đơn vị bạn.
- Tướng Minh ra lệnh buông súng rồi. Mình phải đi lẹ thôi. Oanh cho tôi biết.
- Thiệt hả? Sao lẹ quá vậy.Tôi ngơ ngác hỏi lại.
- Bao lâu nữa tàu mầy lấy xong dầu?
- Chừng nửa giờ nữa.
Hoan quay qua cho biết nó đã bắt liên lạc được với chiếc Trợ Chiến Hạm Lưu Phú Thọ, HQ229 thuộc Bộ Tư Lệnh Hạm Đội đang trên đường tiến ra cửa Tiểu từ hướng Bắc Mỹ Thuận (Tôi có thể lầm với chiếc Đoàn Ngọc Tảng HQ228). Hạm trưởng cho biết đã liên lạc được với Bộ Chỉ Huy của đoàn chiến hạm ra đi từ Bộ Tư Lệnh ở bến Bạch Đằng. Đoàn tàu Hải Quân sẽ gặp nhau ở tụ điểm đảo Côn Sơn, rồi định hướng đi tiếp tới đảo Guam hoặc căn cứ Subic Bay, Phi luật Tân. Ông cho biết thêm là còn khoảng 30 phút nữa tàu của ông sẽ đi ngang qua căn cứ Đồng Tâm, nên yêu cầu chúng tôi giữ tầng số này để liên lạc mà tháp tùng với tàu của ông đến Côn đảo. Cả hai thằng Hoan và Oanh đều hối tôi trở về tàu coi việc lấy dầu tới đâu.
Tôi chạy trở về tàu của mình, thấy ống dẫn dầu còn bắt vào tàu vội lớn tiếng hỏi:
- Gần xong chưa anh Hải ơi?
- Dạ còn đổ thêm vô bụng một chút nữa.
- Tôi nghĩ chắc đủ rồi đó anh. Mình lo tắt vòi và kéo ống đi.
- Dạ, ông thầy.
Thuỷ thủ đoàn trong tàu thường gọi các sĩ quan bằng "ông thầy", nghe thấy có một chút gì quen quen và gần gũi mặc dầu không đúng với cách xưng hô trong quân ngũ. Chúng tôi ngầm chấp nhận mà không bao giờ đính chánh.
Hôm ấy là lần đầu tiên ,và cũng là lần cuối cùng! – chúng tôi lấy dầu từ căn cứ mà không cần phải chờ công điện, hay ký nhận gì cả.
Hơn nửa giờ sau, hạm trưởng HQ229 lên máy cho biết chiếc Trợ Chiến Hạm của ông sắp tiến ngang căn cứ Đồng Tâm. Chúng tôi tháo dây buộc tàu và nổ máy tiến ra cửa ụ chờ đợi. Từ xa cách vài trăm thước, con cá mập màu đen ấy đang lù lù tiến đến. Tôi nhìn lên sàn tàu thấy thuỷ thủ đoàn đều mặc áo giáp, đầu đội nón sắt tay ôm súng ở vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, một số khác thì ứng chiến ở các khẩu đại pháo và đại liên. Thấy tình tình có vẻ nghiêm trọng nên tôi ra lệnh cho thuỷ thủ đoàn của tàu mình cũng làm như vậy.
Chiếc PCF của Hoan và Oanh tiến lên trước nối đuôi với con cá mập đen ấy. Tàu của tôi đi theo sau. Tôi không biết vì Hoan là trưởng toán hay vì bản tánh chậm chạp mà tôi để cho tàu của Hoan dẫn trước, chắc là cả hai. Qua hệ thống vô tuyến, hạm trưởng HQ229 cho biết là chiến hạm của ông sẽ dẩn đầu đưa chúng tôi ra cửa Tiểu rồi sẽ lấy hướng gia nhập vào đoàn "convoy" từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Hiện thời đoàn tàu ấy đã ra khỏi cửa Soài Rạp và đang trên đường hướng về đảo Côn Sơn.
Mặt trời đã lên cao, tôi đoán có lẽ cũng đã giữa trưa. Tôi không buồn nhìn vào chiếc đồng hồ, mặc dù nó đang nằm ở cổ tay của mình. Thời gian đối với tôi lúc này thật là hỗn độn và vô nghĩa. Nhìn lên hai bờ sông, tôi vẫn thấy những ngôi nhà yên ấm ấy, cũng với những khóm cây lao xao trước gió êm đềm, không như tưởng tượng của tôi về một sự thay đổi nào đó đang diễn ra. Người đi lại trên bờ sông thưa thớt, dưới nước cũng ít thấy ghe, xuồng. Cái cảnh vật im ắng ấy như đang tạo nên một bức màn thưa che giấu một biến động đang ngấm ngầm sôi sục. Tôi không hiểu cuộc hành trình này sẽ dẫn mình tới đâu, tại sao lại bỏ chạy? Lực lượng quân sự vùng Tây Nam của chúng tôi chưa đụng độ với tụi Việt Cộng trận nào đáng kể mà đã chịu thua, rồi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp?
Gần đến thị xã Mỹ Tho, tôi chợt thấy dưới bờ sông có một nhóm người đang vẫy tay. Con cá mập đen và tàu của Hoan đã lờ và lướt đi qua. Tôi chụp chiếc ống dòm để nhìn cho kỹ hơn. Tôi thấy gần chục người, đàn ông lẫn đàn bà và có cả trẻ con. Có vài người mặc quân phục Việt Nam Cộng Hoà. Họ đang ra tay vẫy và kêu gào. Tôi đoán họ đang cần giúp đỡ hay muốn tháp tùng với chúng tôi.
Trung sĩ cơ khí Hải lên tiếng:
- Ông thầy, mình ghé vô rước họ không?
Một câu hỏi lướt nhanh trong trí tôi:
"Mình có đủ thì giờ để đuổi theo đoàn cá mập không?"
- Tội nghiệp họ mà ông. Hải nói tiếp mà không chờ tôi trả lời.
Tôi thấy lương tâm của mình bị đánh thức trước cái tình cảm bình dị mà mặn mà của người thuỷ thủ. Tôi nghĩ nếu tăng vận tốc thì vẫn còn có thể đuổi kịp đoàn tàu đi trước, liền ra lệnh:
- Ghé vô... Ghé vô. Hải lập lại giọng hăng hái.
Như chúng tôi đoán, họ là những người lính địa phương quân đưa vợ con ra hướng bờ sông tìm đường chạy nạn. Chúng tôi giúp kéo họ và đưa một số bao bị nhỏ lên tàu.
Lúc ngang qua Căn Cứ Hải Quân Mỹ Tho thì tàu của tôi đã ghé vào bờ thêm vài lần nữa để tiếp đón thêm hơn mười người gồm cả thường dân, nhân viên chính quyền và gia đình họ. Tổng cộng số người chạy theo chúng tôi đã lên hơn hai mươi.
Qua khỏi thị xã Mỹ Tho một đoạn, hạ sĩ nhất trọng pháo Phương tay ôm khẩu M16 đến gần tôi nói nhỏ:
- Mình không chuẩn bị gì hết cho chuyến đi này, kể cả phần ẩm thực. Trên tàu hiện tại có gần ba chục miệng ăn. Không biết tàu mình phải lênh đênh trên biển cả bao lâu.
- Ông thầy tính sao?
Trong lúc tôi còn đang bối rối trước trước vấn đề Phương đưa ra thì hắn lại nói tiếp:
- Để tụi em lo cho, chỉ xin ông thầy làm ơn giữ im lặng giùm.
Tôi không biết Phương định làm gì nên không trả lời. Từ lúc sáng đến giờ, đã nhiều lần tôi hành động mà không suy nghĩ. Tôi đã trở thành kẻ thụ động trong hầu hết mọi quyết định.
Chiến sự nóng bỏng, cùng với những cuộc di tản chiến thuật dồn dập bắt đầu từ mấy tuần trước đây đã ảnh hưởng không ít đến tinh thần và sự suy nghĩ của tôi. Tôi cảm thấy phân vân, nghi ngờ và e-ngại cho tình hình an ninh của miền Nam Việt Nam. Nhưng lệnh buông súng đầu hàng của tướng Minh đến với tôi sáng hôm nay thật là bất ngờ. Sao dễ dàng quá vậy! – Tôi lại vẫn không tin là sự thật. Tôi vẫn nghĩ rằng lực lượng miền Nam còn có cơ hội lật ngược tình thế được như mình đã làm trong Tết Mậu Thân năm 1968 và mùa hè đỏ lửa của năm 1972, hoặc tệ lắm cũng có thể kéo dài trận chiến thêm cả năm nữa. Tôi cũng đặt một chút tin tưởng vào sự trợ giúp của lực lượng quốc tế. Than ôi! Người bạn đồng minh Hoa Kỳ đâu rồi?!
Một loạt súng nổ giòn tan và chát chúa như sát bên tai kéo tôi trở về với hiện tại. Tôi vội quay qua tìm kiếm và phân định. Thì đúng là sát bên tai thật. Tiếng súng ấy phát xuất từ khẩu M16 trên tay hạ sĩ nhất Phương. Hắn đang đứng ở mũi tàu, tay mặt ôm khẩu súng còn đang bốc khói tay trái thì đưa lên cao ngoắt lia, ngoắt lịa một chiếc tàu đò đang chạy từ phía bờ bên kia, ngược chiều về hướng thị xã Mỹ Tho.Tôi đoán, có thể là tàu đò chở khách di chuyển từ làng xã về thành phố như mọi ngày.
Tôi bước ra sân trước, nơi Phương đang đứng chờ. Hắn gọi tàu đò để làm gì? Tôi tự hỏi thầm. Có ai muốn xuống tàu đò để quay trở lại hay sao? Tôi nhìn chiếc tàu đò giảm vận tốc, từ từ đổi hướng trực chỉ về phía tàu của chúng tôi.
- Ngừng máy đi anh Hải. Phương yêu cầu trung sĩ Hải, lúc đó đang đứng trong phòng lái.
- OK, Hải trả lời.
Tôi định lên tiếng hỏi, nhưng nhớ lại lời yêu cầu của Phương nên kịp giữ lại. Hình như hiểu ngầm được sự thắc mắc của tôi,
Phương nói:
- Ông thầy đừng lo, tụi em không làm gì quá đáng đâu.
Tôi theo dõi tình hình và hành động của Phương mà không trả lời.
Lúc chiếc tàu đò tiến gần sát vào tàu chúng tôi, hắn ra hiệu cho tài công để điều chỉnh phương hướng. Chờ cho hai mũi tàu ngang nhau, hắn ôm súng nhảy qua chiếc tàu đò. Trung sĩ Hải bước ra sân mũi kêu Phương ném sợi dây cột từ mũi chiếc tàu đò qua rồi buộc vào cái “tắc kê” của tàu chúng tôi. Xong xuôi Hải cũng phóng qua, rồi cả hai chui vào trong khoang nơi có hành khách ngồi. Tôi đứng nhìn theo, dạ bồn chồn.
Khoảng hơn năm phút sau, Hải ló đầu ra trước tướng đi lọm khọm. Hắn vác trên vai một bao chỉ xanh to tướng. Phương cầm súng đi theo sau, tới ghì sợi dây buộc cho mũi hai chiếc tàu cặp sát vào nhau. Hải vác cái bao bố trở về duyên tốc đĩnh trước, ném xuống sân mũi. Phương theo sau, mở dây buộc ném trở về chiếc tàu đò rồi phẩy tay ra hiệu cho chiếc tàu đò lái đi.
Cả hai tiến gần lại tôi nói nhỏ:
- Không tìm thấy cái gì khác để ăn được hết trung úy ơi. Tụi em lấy đỡ cái bao gạo chỉ xanh này thôi.
- Lấy của người ta hả? Tôi gằn giọng, rồi hỏi tiếp:
- Mấy anh có trả tiền cho người ta không?
- Dạ em có để lại một tờ thánh Trần.
- Năm trăm đồng, có xứng giá với cái bao chỉ xanh ấy không?
- "Ngộ biến phải tùng quyền" mà ông thầy.
Phương bào chữa.
Tôi đứng lặng người, lắc đầu. Mọi việc diễn ra một cách chớp nhoáng làm cho tôi không kịp trở tay. Tôi nhìn theo chiếc tàu đò đã quay đầu đi một đoạn, tiếng máy nổ thật to như cố trốn chạy cho nhanh. Thật không ngờ, hôm nay chúng tôi trở thành những tên cướp biển. Tôi nhìn lại bộ quân phục trên người mà cảm thấy hổ thẹn.
- Ông thầy đừng có khó chịu, không lẽ để cho gần ba mươi người trên tàu chịu chết đói.
Phương phân trần, và tiếp:
- Tụi em làm, để tụi em chịu hết cho.
- Tôi không định đổ lỗi cho các anh đâu, có điều việc này quá bất ngờ nên tôi không cảm thấy an tâm. Thôi, mình đi tiếp kẻo bị bỏ lại quá xa.
Không sao đâu ông thầy, tốc độ tàu mình nhanh hơn chiếc 229 thì đuổi theo mấy hồi.
Chúng tôi tăng vận tốc để cố đuổi theo nhóm tàu của Hoan, Oanh và chiếc HQ229. Nhưng chỉ mấy phút sau, Hải lại bước đến gần tôi và nói:
- Trung úy để cho tụi em thử một lần nữa nghe.
Thấy tôi im lặng như ngầm đồng ý, Phương bước ra phía mũi tàu rồi nổ một tràng M16 khác lên trời. Tôi nhìn về phía trước xéo bên kia bờ sông thấy một chiếc ghe chài to tướng, loại thương buôn hay dùng để chở cát, đá đang chạy ngược lại. Nghe tiếng súng, chiếc ghe chài vội giảm tốc độ và quay mũi về phía tàu chúng tôi khi thấy Phương đứng ngoắc ở sân trước.
Thôi đúng mình là hải tặc rồi, còn gì nữa. Tôi tự nói với mình và ngại ngùng ngồi yên trong phòng chỉ huy.
- Ghe chở gì vậy chú. Phương lên tiếng hỏi người đàn ông đứng trước mũi ghe.
- Dạ chở dưa hấu. Ông ta đáp:
Nói xong người đàn ông ấy giở tấm vải bố thật dầy, kéo ra phía sau. Thật toàn là dưa hấu. Những trái dưa xanh tròn bằng một vòng ôm của trẻ con nằm đầy ắp cả khoang ghe.
- Mấy cậu lấy vài trái ăn thử, dưa ngọt lắm.
- Chú còn chở gì khác nữa không?
- Dạ không.
- Thôi cám ơn, chú đi đi.
Tôi thở ra một tiếng dài, chờ chiếc ghe đi được một khoảng rồi quay mũi tăng tốc độ tàu mình hướng ra cửa Tiểu. Tội nghiệp cho người dân lương thiện, cuộc sống đã mất an mà còn phải gánh chịu nhiều điều khốn khó, áp bức. Có phải chiến tranh đã mang lại những tệ nạn đó không! Thôi thì cứ đổ lỗi cho nó đi.
Qua hệ thống vô tuyến, chúng tôi nối lại liên lạc với HQ229 và tàu của Hoan. Được biết cả hai còn cách cửa Tiểu khoản 2 hải lý.
- Mầy làm gì mà bị tuột lại sau hơi xa vậy? Hoan hỏi tôi.
- Tao phải ghé vào rước thêm một số dân chạy nạn.
Tôi cảm thấy tai và mặt mình đỏ bừng lên vì đã giấu nó cái đoạn làm hải tặc bất đắc dĩ vừa qua. Kệ, "ngộ biến phải tùng quyền' mà! Sau này có dịp, mình sẽ chuộc lại lầm lỗi này. Nhưng cái dịp mà tôi mong chờ đó đã không bao giờ đến.
Càng tiến gần ra cửa biển, gió thổi càng mạnh. Tôi đã không còn nhớ đến cái thú vị và sự khoan khoái khi hít thở vào những làn không khí trong mát ấy. Trong tiếng gió vi vu hòa lẫn với tiếng sóng biển rì rào. Có tiếng máy bay trực thăng vang vọng, lúc ồn ào, lúc văng vẳng xa xa. Tôi không nghĩ những chiếc trực thăng đó đang tham dự vào một cuộc hành quân nào, nhưng đoán là của các cấp chỉ huy đang tìm đường trốn chạy như tôi. Nhìn lên trời, tôi mong tìm thấy một câu trả lời trái ngược với sự suy nghĩ bi quan của mình. Thế nhưng tôi hoàn toàn thất vọng, vì tiếng trực thăng ấy nhỏ dần, nhỏ dần và mất hút về phía biển khơi.
Ba mươi phút sau, tôi nhìn thấy hai chấm đen ngòm nơi cửa biển, một cái to của HQ229 dẫn trước và cái chấm nhỏ hơn của chiếc duyên tốc đĩnh Hoan và Oanh theo sau. Thêm nửa giờ nữa thì tàu tôi đã bắt kịp với HQ229 và tàu Hoan. Ra khỏi cửa Tiểu chừng mười hải lý, đoàn tàu chúng tôi đổi về hướng Đông Nam, trực chỉ đảo Côn Sơn.
Biển vẫn xanh, sóng vỗ hiền hòa nhưng trong lòng tôi lại cồn cào vì những cơn sóng của chiến sự, của lo âu, của bối rối. Tôi cũng không biết rõ mình đang lo lắng về điều gì, chỉ nhận ra là mình đang hoang mang và mất định hướng.
- Mọi người trong tàu bình yên hả anh Hải. Tôi hỏi một câu bâng quơ để phá tan sự im lặng.
- Dạ, ông thầy.
Tôi cảm thấy cổ họng hơi nghẹn nên nuốt một miếng nước bọt, mới biết miệng mình đắng, giọng nói khàn đi mặc dù chưa la hét một tiếng nào từ lúc ban sáng.
- Anh Hải làm ơn lấy cho tôi một ly nước. Tôi hỏi
- Dạ, có liền ông thầy
Lúc ấy khoảng hai giờ chiều, chưa ai trong bọn tôi ăn một miếng cơm vậy mà vẫn không thấy đói.
- Mình sắp bắt kịp với đoàn tàu lớn ra đi từ Bộ Tư Lệnh, Chiến nghe rõ không trả lời!
- Rõ, tao cũng nghe được tin tức đó trên máy.
Tôi đáp lời Hoan
The sự dự phỏng của Hoan và tôi, chừng một giờ nữa chúng tôi sẽ nhập đoàn với những con cá mập ấy.Từ hướng Đông Nam, tôi nhìn thấy khoảng hơn một chục chấm đen lớn có, nhỏ có. Cầm chiếc ống dòm lên, nhìn xuyên qua các lăng kính tôi nhận ra cái chấm đen lớn nhất là một chiếc dương vận hạm (LST).
- Chiếc dương vận hạm nào vậy, mầy thấy được số không? Tôi hỏi Hoan
- Không thấy rõ. Để tao đổi tần số hỏi xem.
Sau một hồi liên lạc với nhau trên hệ thống vô tuyến, chúng tôi được biết đó là chiếc Dương Vận Hạm Thị Nại HQ502. Nơi có một bộ chỉ huy triệt thoái nhỏ của Bộ Tư Lệnh Hải Quân đặt bản doanh. Trên chiếc HQ502 có một số đông tướng, tá của đủ mọi quân binh chủng. Kể từ giờ phút ấy, chúng tôi giữ liên lạc để nhận chỉ thị từ chiếc Dương Vận Hạm Thị Nại.
Khi gần nhập đoàn với những con cá mập, Hoan và tôi được lệnh cặp vào chiếc Thị Nại, chuyển người lên và đánh chìm tàu để hủy bỏ, còn chiếc HQ229 thì vầy đoàn ra Côn Sơn. Chúng tôi tăng vận tốc để bám vào chiếc 502. Mới đầu hạm trưởng 502 ra lệnh cho chúng tôi cặp vào đuôi tàu, nhưng lúc tiến sát vào thì bị sóng cuộn lên từ sau lái đẩy ra rồi hút vào rất mạnh, có lúc duyên tốc đĩnh của chúng tôi đập mạnh vào sườn 502 rất nguy hiểm. Hạm trưởng bèn chỉ thị cho chúng tôi đổi sang cặp vào hông phải của HQ502. Ông cho tàu giảm tốc độ và tạm thời đổi hướng để hông bên phải được êm sóng hơn. Hoan cho tôi biết nó sẽ cặp vô trước, rồi hướng mũi chiếc duyên tốc đĩnh của nó vào nơi có chiếc thang dây vừa được thả xuống. Lần này nó vào êm hơn nhiều. Một thủy thủ quăng dây lên chiếc 502 để được buộc giữ vào cho sát.
Tôi nhìn lên, thấy sàn chính của chiếc Thị Nại khá đông người. Nơi giữa sân có một chiếc trực thăng của không quân đáp trên đó. Mọi người trên HQ502 đổ xô về bên hông phải, nơi chúng tôi đang cặp tàu vào. Thằng Hoan là người leo lên thang dây trước. Túi hành lý của nó được các thủy thủ của chiếc 502 dùng dây kéo lên. Tiếp theo là Oanh, rồi lần lượt đến các thủy thủ. Cái cảnh tay bắt mặt mừng lại diễn ra náo nhiệt trên sân chính của HQ502. Tôi không thấy được rõ những ai trên đó lúc này, nhưng độ chừng chắc cũng phải có các bạn bè thân quen hay cùng khóa.
Chờ cho người trên tàu Hoan lên hết tàu lớn, chúng tôi mới cặp chiếc duyên tốc đĩnh của mình vào cạnh chiếc của Hoan. Phương bước ra sân mũi, lấy dây buộc vào tàu của Hoan rồi trở vào nói: - Ông thầy lên trước đi.
Tôi xách hai cái túi hành lý của mình đi ra sân trước, đưa mắt nhìn theo chiếc thang dây từ dưới lên tận sân chính. Mắt tôi bắt gặp một vài gương mặt quen thuộc. Tôi nhận ra trong đó có Hổ Cáp 2 Hoàng kim Công, Đệ Nhị Nhân Mã Nguyễn hữu Tuấn. Tuấn ra trường khóa 21, có thời gian phục vụ gần hai năm cùng đơn vị với tôi trên chiếc HQ474. Cả hai mừng rỡ giơ tay lên vẫy tôi và chờ đợi.
Tôi bước tới chiếc thang dây định leo lên, thì trên ấy bổng trở nên ồn ào. Rồi cả Tuấn lẫn Công bị vẹt ra một bên. Một nhóm năm người mặc quân phục bộ binh và TQLC mang áo phao màu cam chiếm lấy chiếc thang dây, lần lượt tuột xuống rồi nhẩy lên chiếc duyên tốc đĩnh của Hoan đang bỏ trống. Tôi buông hai cái túi xách xuống nhìn cảnh tượng ấy với một loạt câu hỏi diễn ra trong đầu mình.
- Có chuyện gì vậy? Trên ấy không được an ninh sao? Có người làm loạn chăng?
Tôi nhớ lại tin tức về các cuộc nổi loạn xảy ra trên vài chuyến tàu di tản từ miền Trung về Vũng Tàu, Phú Quốc nên nảy ra những thắc mắc ấy. Không chờ đợi thêm, tôi lên tiếng hỏi:
- Có chuyện gì không hay xảy ra trên đó phải không các anh?
- Dạ không! Trên đó an toàn lắm.
- Vậy các anh xuống đây làm gì?
- Chúng tôi muốn quay trở lại Sài-gòn.
- Sao vậy?
Lúc sáng nay, sau khi nghe lệnh buông súng của tướng Minh, tôi đã vội tìm đường bỏ chạy vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân và được hướng dẫn lên tàu HQ502 này để di tản. Mấy thằng này cũng như tôi vậy, tụi nó từ Bộ Tư Lệnh TQLC, Biệt Động Quân ...
Một người trong nhóm năm người đó trả lời tôi và đưa tay chỉ về những người kia, rồi tiếp:
- Tụi tôi bỏ chạy trong lúc hỗn loạn, chỉ mong sao được thoát thân một cách an toàn. Nhưng đến bây giờ ngồi nhớ lại mới hay là mình đã bỏ lại gia-đình, vợ con ở Sài-gòn. Con tôi còn nhỏ lắm, tôi nhớ nó. Tôi muốn trở lại với vợ con gia đình, dầu cho cực khổ tới đâu hay sống chết như thế nào mà cùng có với nhau thì cũng cam chịu.
- Tụi tôi cũng như vậy đó trung úy.
Những người khác cùng lên tiếng
- Thôi tụi tôi đi, chúc trung úy may mắn.
Nói xong, họ mở dây từ tàu lớn cột sang tàu tôi, tháo dây tàu của họ rồi nổ máy lùi ra và quay đầu trở lại hướng về đất liền.
Tôi đứng thừ người ra, những lời nói của họ như một gáo nước lạnh tạt vào mặt làm tôi như tỉnh lại sau một cơn mê. Trường hợp của tôi có khác gì họ đâu. Tôi cũng đang bỏ lại sau lưng vợ con mình. Con tôi còn quá bé, mới có hơn một tháng. Tôi chợt thấy bóng dáng vợ tôi đang bồng con thơ đứng ở hiên cửa dõi mắt ngóng trông. Tôi cảm thấy nhớ mẹ con nàng kinh khiếp. Không thể được, tôi không thể trốn chạy để tìm sự an toàn cho một mình tôi được. Thảo nào từ ban sáng đến giờ tôi cảm thấy lo lắng, bồn chồn không suy nghĩ được điều gì cho ra lẽ. Bây giờ thì tôi mới biết cái mối dây tình cảm vô hình ấy nó đang khấy động tâm hồn mình.
Tôi xách hai cái túi bước trở vào bên trong ca-bin của duyên tốc đĩnh nơi mọi người đang chờ đợi đến lượt mình để tiến ra chiếc thang dây, mặc cho tiếng kêu của Nguyễn hữu Tuấn và Hoàng kim Công từ sàn chính của HQ502:
- Ô kìa Chiến! còn trở vào làm gì?
Tôi thuật lại câu chuyện của nhóm năm người cho mọi người trong tàu nghe, rồi kết luận:
- Hoàn cảnh của tôi cũng giống họ, tôi quyết định trở về với gia đình. Các anh chị và mọi người leo lên tàu lớn đi, đi. Tôi sẽ lái tàu trở lại một mình.
Mọi người im lặng, không ai nói một lời nào và cũng không có ai bước ra chiếc thang dây.
Một lúc sau, trung sĩ Hải lên tiếng trước:
- Trung úy lái về một mình được không?
- Các anh đừng lo, tôi biết khá nhiều về hải trình và các cửa biển ở khu vực này. Tôi có thể tìm đường về Sài-gòn được.
Sau một phút im lặng khác, Phương nói:
- Ông thầy trở lại thì em cũng đi theo ông thầy - Tôi cũng đi theo trung úy, sống chết có vợ con! Hải tiếp lời.
Tôi hướng về những quân nhân, thường dân và gia đình họ, những người được tàu tôi rước trên đường chạy ngang qua Mỹ Tho.
- Còn các anh chị, chuẩn bị lên tàu lớn đi.
Mọi người nhìn nhau, rồi một người trong nhóm đó lên tiếng:
-Trung úy trở về thì tôi cũng đi theo ông.
-Dạ tôi cũng vậy, nghe thuyền trưởng nói cũng phải.
Rồi họ thay nhau lên tiếng đòi theo tôi trở lại hết.
Thật là bất ngờ, cái thành ngữ "follow the leader" hay tạm gọi là "theo người hướng đạo" lại được mọi người hưởng ứng mạnh mẽ trong lúc này.
Tôi đã không có thì giờ để suy xét xem rồi tình hình sẽ diễn biến trong những ngày sắp tới ra sao. Tôi cũng đã không cần biết là quyết định của mình đúng hay sai, mà chỉ thấy sự đòi hỏi được trở lại đoàn tụ với gia đình là hơn hết, bất chấp mọi hiểm nguy hay tương lai đen tối đang chờ đợi. Tôi cũng không có ý định lôi kéo những người khác đi theo đường của mình. Nhưng vô tình tôi đã gây ảnh hưởng đến sự lựa chọn của họ.
Đã hơn ba mươi năm, những người trong chuyến tàu định mệnh ấy có những ai còn sống sót lại. Bây giờ họ đang ở đâu? Có mạnh khỏe, bình yên hay không? Có ai trong họ đã trách mắng và nguyền rủa cái quyết định điên rồ của tôi trong lúc ấy không? Cái quyết định đã đưa cả nhóm vào gông cùm của Cộng sản, hủy hoại cuộc sống, tương lai của họ và của cả chính bản thân tôi.
Tôi cho mở dây buộc tàu và quay mũi trở về đất liền, trước những cặp mắt ngơ ngác từ HQ502 nhìn theo. Mười lăm phút sau, chúng tôi đuổi kịp chiếc PCF kia, chiếc duyên tốc đĩnh mang theo năm người từ HQ502 tuột xuống.
- Các anh biết đường về không? Tôi lên máy hỏi họ.
- Trong bọn tôi có một anh người nhái, nên cũng biết chút ít.
- Mấy anh định ghé vào đâu?
- Tụi tôi định vào tới đất liền thì bỏ tàu lên bờ ngay.
- Các anh có muốn tháp tùng với tôi về Sai gòn không? Tôi sẽ dẫn đường.
- Dạ để vào gần bờ rồi tính tiếp.
- Tùy mấy anh.
Mặt trời đã xuống thật thấp, còn hơn một sào nữa thì sẽ mất hút dưới đường chân trời bờ tây. Hai chiếc PCF của chúng tôi vẫn chạy sóng đôi. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp thêm những chiến hạm khác của Hải Quân và cả thương thuyền đâm đầu ra biển cả. Trên tàu nào cũng thấy lố nhố người. Tôi đoán chắc họ cũng là tàu di tản tìm đường lánh nạn. Hai giờ sau, chúng tôi đã thấy dãy đất liền ló dạng trước mặt.
- Tôi sẽ vào cửa Soài Rạp, các anh có theo tôi không?
- Dạ, trung úy dẫn đường trước.
Tôi phỏng định vị trí của tàu mình rồi đổi hướng nhắm vào cửa Soài Rạp.
Những chuyến hải hành trong thời gian phục vụ trên Dương Vận Hạm Qui Nhơn HQ504 và Hỏa Vận Hạm HQ474 đã cho tôi một số kinh nghiệm căn bản để nhận ra vùng biển quen thuộc này. Sau khi vượt qua hàng đáy đầu tiên, chúng tôi thấy một chiếc LCU của Hải Quân, loại duyên vận hạm nhỏ có thể chở được vài chiếc xe tank hoặc GMC từ trong sông Soài Rạp tiến ra cửa biển. Trên tàu đầy nghẹt cả người, nhưng không có một chiếc xe nào trên đó. Tôi nảy ra ý định tìm hiểu tình hình hiện tại ở Sài gòn nên giảm vận tốc, cho tàu mình tiến gần lại, sát với chiếc LCU ấy. Người di tản đầy cả sàn tàu. Thật đúng là không còn chỗ chen chân. Họ là quân nhân, thường dân, đàn bà, trẻ con và một số rất ít ông bà cụ lớn tuổi. Người hai bên tàu đổ dồn về một phía và họ thi nhau hỏi, đáp như một buổi nhóm chợ.
- Mấy anh từ đâu chạy ra vậy?
- Từ Sài-gòn.
- Trong đó có yên không?
- Cũng lộn xộn chút đỉnh.
- Có thấy thằng Việt Cộng nào trong thành phố chưa?
- Tôi không thấy, nhưng nghe có tiếng súng nổ rời rạc.
- Thấy chiếc T54 nào của tụi nó không?
- Nghe nói, nhưng chưa thấy.
- Nhà anh ở đâu mà bỏ chạy?
- Ở Phú Nhuận.
- Còn chị?
- Ở Sài-gòn.
Tôi cũng tham gia vào trong cuộc hội thoại đó, hỏi anh thuyền trưởng của chiếc LCU:
- Từ Sài Gòn ra đến đây anh có gặp Việt Cộng không?
- Dạ không.
- Tàu anh có bị du kích bắn ra không?
- Không, thủy lộ êm lắm. Không thấy có gì khác lạ.
Anh ta ngần ngừ một lúc rồi hỏi:
- Trung úy và mọi người trên tàu định đi đâu vậy?
- Tụi tôi trở lại Sài-gòn.
- Sao vậy? – Tôi nhận ra đó cũng là câu mà mình đã hỏi nhóm năm người tuột xuống từ chiếc Thị Nại HQ502.
- Tôi còn vợ con ở đó.
Anh ta mím môi, lắc đầu không nói thêm một lời nào.
Tôi cho anh ta biết vài chi tiết về đoàn tàu di tản, vị trí phỏng định, phương hướng và điểm tập trung Côn Sơn rồi tiếp:
- Anh có cần gì không?
- Dạ không, cám ơn trung úy.
Từ bên chiếc LCU, cũng có vài người lên tiếng hỏi về việc chúng tôi quay trở lại. Tôi không nghe rõ các câu trả lời. Không biết có ai trong thuyền của tôi nói là họ đi theo ông thuyền trưởng hay không (?).
Tôi quay về hướng người trong thuyền mình hỏi:
- Có anh chị nào đổi ý muốn đi tiếp không?
- Bây giờ vẫn còn kịp để chuyển sang tàu này.
Tôi nói thêm và chỉ sang chiếc LCU.
Không có tiếng trả lời. Nhưng có một thanh niên còn rất trẻ từ chiếc LCU chạy lên sân thượng chỗ thuyền trưởng LCU đang đứng nói chuyện với tôi. Anh ta tiến sát lại mạn tàu và nói:
- Trung úy làm ơn cho em nhờ một việc
- Chuyện gì vậy anh?
- Nhờ trung úy chuyển mảnh giấy này về cho Ba Má của em ở Phú Nhuận theo địa chỉ ghi ở trên đó.
Anh ta vừa nói vừa trao cho tôi một mảnh giấy xếp nhỏ, bên ngoài có ghi địa chỉ rồi tiếp:
- Xin trung úy nhắn lại là em vẫn bình yên.
Tôi cầm mảnh giấy bỏ vào túi áo trên và gật đầu hứa sẽ làm việc ấy.
- Cám ơn trung úy nhiều.
Nói xong, người thanh niên ấy đưa tay chào tôi rồi lủi trở lại trong đám đông.
Thấy không còn gì để nói thêm nên tôi quay sang thuyền trưởng chiếc LCU:
- Chúc anh đi gặp nhiều may mắn.
- Dạ, tôi cũng chúc trung úy và mọi người trở lại bình an.
Tôi điều khiển tay lái cho tàu mình tách ra khỏi chiếc LCU. Người hai bên tàu vẫn còn nói vói sang những lời từ biệt, và không quên kèm theo lời chúc may mắn. Tôi nhìn chiếc LCU một lần cuối rồi tăng vận tốc hướng mũi tàu thẳng vào sông Soài Rạp.Tôi đâu có biết rằng mình đang đâm đầu vào một chiếc bẫy rập. Chiếc bẫy khổng lồ chứa đầy những sự dối trá, gian manh, lừa đảo cùng với những bức hiếp, tù đày, nhục hình. Những đặc sản của cái quái thai mà người ta vẫn hằng mỉa mai là "Thiên Đường Cộng Sản" đang chực chờ để nuốt chửng những con mồi ngây dại.
Mặt trời đã khuất bóng dưới đường chân trời, để lại những tia sáng lờ mờ yếu ớt của buổi hoàng hôn. Trên đường tiến sâu vào nội địa, tôi đảo mắt nhìn chung quanh từ gần rồi hướng ra xa cố ý tìm chiếc PCF của nhóm năm người, nhưng không thấy.
- Anh có thấy chiếc PCF kia đâu không? Tôi hỏi trung sĩ Hải:
- Dạ không, chắc họ đi trước rồi.
Kể từ đó trở đi, tôi phải nắm lấy tay lái một mình vì thủy thủ trên tàu không rành thủy lộ này, hơn nữa tôi muốn ngăn ngừa bất trắc xảy ra cho chiếc duyên tốc đĩnh trong lúc giang hành khi màn đêm đang dần dần buông xuống. Tôi giữ một vận tốc vừa phải để có đủ thời gian cần thiết khi xoay trở, đổi hướng cho được an toàn.
Khi đi ngang qua Vàm Láng thì trời đã tối đen. Vàm Láng là địa danh nằm sát cửa biển. Nơi có một làng nho nhỏ của ngư dân. Khúc sông ở nơi đây nở rộng ra, bơi xuồng từ bờ Nam sang bờ Bắc phải mất gần nửa tiếng. Tàu thuyền dân sự cũng như chiến hạm của Hải Quân thường bỏ neo nghỉ ngơi ở khúc sông này. Tôi nhìn xuyên qua ống dòm từ bờ này sang bờ kia đồng thời lắng tai nghe thật kỹ, cố tìm chiếc PCF kia một lần nữa nhưng vẫn không nghe thấy gì, kể cả tiếng ghe thuyền dân sự. Có lẽ họ đã ghé vào bờ nào rồi. Tôi thầm mong cho họ gặp may. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình với nhiều thận trọng, lúc nào cũng quan sát chung quanh và phía trước để có thể kịp thời ứng phó với mọi diễn biến mới. Tuy nhiên chúng tôi đã không gặp một trở ngại nào, mọi thứ đều im lặng như dòng sông hiền hòa đang ngái ngủ giữa đêm khuya. Quá nửa đêm thì chúng tôi đi ngang qua Nhà Bè. Đây là một ngã tư mà các thủy lộ quốc tế gặp nhau nên khúc sông này cũng rộng lớn không thua gì đoạn ở Vàm Láng. Đổ ra cửa biển, bên trái có sông Lòng Tàu rồi gặp cửa Cần Giờ. Bên phải là sông và cửa Soài Rạp mà chúng tôi đã theo để trở lại đất liền. Nhìn ngược vào nội địa, bên phải là sông Đồng Nai và bên trái là sông Sài-gòn mà hầu hết chúng ta khó quên được trong câu hò: “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”. Dĩ nhiên Nhà Bè cũng là điểm bỏ neo tạm nghỉ chân của mọi loại thương thuyền dân sự cũng như các tàu chiến của Hải Quân. Phía bên trái của chiếc duyên tốc đĩnh chúng tôi hiện thời là các kho dự trữ xăng dầu của tư nhân cũng như của quân đội. Đèn trong ấy vẫn cháy sáng. Tôi không quên được những lần cặp tàu vào đây khi còn phục vụ trên HQ474 để nhận nhiên liệu rồi chở đi phân phối cho các đơn vị tiền phương. Nhiều khi chỉ mới rời Sài-gòn vài giờ, vậy mà khi được hạm-trưởng cho đi bờ, chúng tôi cũng rủ nhau ra đường cái đón xe trở lại cái thành phố hoa lệ ấy. Tuổi trẻ nhiều sinh lực và đầy nhiệt huyết, chúng tôi rất hăng hái trong hầu hết mọi lãnh vực, lúc làm việc cũng như khi lè phè hưởng thụ. Tôi thường trở lại thăm “bồ” mà về sau trở thành “bà xã”. Lúc ấy hai đứa tôi chưa cưới nhau nên còn mùi lắm. Vắng nhau vài giờ thì đã nhớ không chịu nổi.
- Trung úy ơi, mình ghé vào chỗ nào? Phải ở đây không?
Tiếng trung sĩ Hải kéo tôi trở về với hiện thực.
- Không, mình sẽ vào luôn tới Sài-gòn. Ở đây là Nhà Bè.
- Còn bao lâu nữa ông thầy?
- Cũng hơn một giờ nữa
- Vậy cũng gần lắm rồi? Có khi nào tụi Việt Cộng nổ súng vào tàu mình không hả ông thầy?
Anh lo ngại điều đó cũng có lý. Chắc mình phải làm dấu hiệu gì để họ nhận ra là tàu mình trở về trình diện với họ.
- Hay là mình treo cờ trắng. Phương chêm vào.
- Chắc phải làm vậy thôi.
Rồi chúng tôi bàn với nhau lấy một tấm vải trải giường xé ra phân nửa treo lên thay cho cờ quốc gia. Để tránh đi những căng thẳng có thể xảy ra khi chạm mặt, chúng tôi cũng đồng tình với nhau nên thay đổi quân phục bằng quần áo dân sự. Sau khi mặc vào bộ quần áo dân sự, tôi moi ra hết các bộ quân phục của mình kể cả tiểu lễ, đại lễ, giày trắng, nón, lon lá, gù vai… ném xuống dòng sông đang chảy ra hướng cửa biển. Trong lúc vội vã, tôi đã quên đi một chi tiết quan trọng: tôi đã quên giữ lại mảnh giấy nhắn tin của chàng thanh niên trẻ tuổi. Mảnh giấy ấy đã trôi đi với bộ quân phục bị vứt bỏ. Sau này khi nhớ lại, tôi bị dày vò, bứt rứt không ít với mặc cảm bội tín. Lời hứa của tôi đã trở thành sáo ngữ vô dụng.
Tàu rẽ theo sông Sài-gòn tiến sâu vào thành phố. Sau những khoảnh đất trống, nhà cửa bắt đầu hiện ra thưa thớt rồi dần dần trở nên dầy đặc hơn. Hai bên bờ sông thật im lặng; hình như mọi người còn đang ngon giấc mặc cho những biến động đang xảy ra chung quanh. Nhưng chúng tôi thì khác, sự lo lắng và chờ đợi khiến không ai ngủ được. Tôi nhìn đồng hồ trên cổ tay, còn mười lăm phút nữa là bốn giờ sáng. Khi tàu tiến ngang khu thương cảng Khánh Hội, mọi người trong tàu đứng lên và chồm ra hai bên để nhìn lên bờ. Vẫn không nhìn thấy bóng dáng lính tráng miền Bắc ở đâu, cũng không có ai trên bờ biết sự có mặt của chúng tôi trong lúc này. Không ai thèm để ý đến sự hiện diện cỏn con của chúng tôi giữa những biến cố trọng đại đang đổ xuống trên quê hương. Qua khỏi cầu Trình Minh Thế, rồi nhà hàng nổi Mỹ Cảnh vẫn không thấy phản ứng nào của "phía bên kia" từ trên bờ. Tôi nói với hạ sĩ nhất trọng pháo Phương đang đứng bên cạnh:
- Anh Phương lấy trái sáng bắn lên trời theo hướng dẫn của họ đi. Mình tiếp tục đi âm thầm như thế này rất nguy hiểm.
- Dạ, ông thầy.
Sau tiếng rít xé không gian rồi một tiếng nổ bụp nhỏ, ánh hỏa châu từ trên cao rọi xuống xoi rõ chiếc duyên tốc đĩnh lù đù giữa dòng sông.
- Vào đ...ây...ây!
Một giọng hét vang lên từ trong bờ như tiếng quỉ gọi hồn từ địa ngục phá tan cái yên lặng của đêm tối. Rồi một loạt tiếng lách cách của đạn lên nòng tiếp theo, kèm với ánh đèn pin lấp lóe chỉa về hướng chúng tôi. Tôi chuyển cần điều khiển máy tàu trở về vị trí ngưng rồi hướng mũi chỉa thẳng vào chỗ ánh đèn pin ấy, đồng thời cho máy lùi một vài khoảnh tích tắc ngắt đoạn để giảm bớt sự va chạm lúc ủi vào bờ. Phương ném sợi dây lên để người trên bờ lấy cột vào một trụ hàng rào. Tàu chúng tôi ủi vào bến Bạch Đằng, bên trái là nhà hàng nổi Mỹ Cảnh bên phải là bến cặp cầu Tự Do, trước mặt là sân gôn (golf), bên kia đường là tòa cao ốc nằm chắn gốc đường Hàm Nghi – hình như là của công ty chế tạo sửa Foremost (?). Và cũng trước mặt tôi là bốn tên bộ đội tay cầm súng AK, đầu đội nón cối chân đi dép râu mặt còn non choẹt.
- Anh nào là thủ trưởng của thuyền này? Một tên cất tiếng hỏi với giọng miền Bắc đặc sệt.
- Tôi đây. Tôi bước ra nhận trách nhiệm mặc dù có hơi lấn cấn với từ ngữ thủ trưởng đó.
- Trên thuyền có bao nhiêu người? Lại một giọng hỏi miền Bắc khác.
- Thủy thủ đoàn trên tàu có năm người, còn những người khác là dân thường chạy nạn được chúng tôi đón giữa đường. Các anh nên để cho họ trở về nhà để tìm lại thân nhân.
Bốn tên bộ đội châu đầu vào nhau bàn tính một lúc rồi trở lại với chúng tôi:
- Chúng tôi chấp thuận đề nghị cho thường dân được tự do trở về nhà, còn năm anh trong thủy thủ đoàn ở lại tàu chờ thủ trưởng chúng tôi đến quyết định.
- Bao giờ thì thủ trưởng các anh đến đây. Tôi hỏi lại:
- Không cần hỏi, bao giờ thủ trưởng chúng tôi đến các anh sẽ hay.
Giọng điệu của kẻ chiến thắng có khác, tôi lẩm bẩm. Thủy thủ đoàn trên thuyền thật sự có năm người kể cả tôi. Ngoài Hải, Phương còn có Hùng và Thành. Tôi ít khi nhắc đến Hùng và Thành vì họ không có dịp tiếp xúc với tôi nhiều trong chuyến tàu ấy.
Những người được chúng tôi rước trên đường chạy ngang Mỹ Tho lần lượt xách hành lý rời tàu bước lên bờ. Trông họ cũng có vẻ vui tươi hớn hở, không còn nét lo lắng như mấy phút trước đây. Chỉ có vài người quay lại từ giã tôi và các thủy thủ, còn lại thì cứ lầm lủi mà đi như cố quên những sóng gió vừa qua. Hai tên bộ đội trong nhóm xách ba lô, súng, đạn và các thứ hành trang khác bước xuống tàu. Một tên nói:
- Từ giờ trở đi, các anh ở lại thuyền dưới sự kiểm tra của chúng tôi. Các anh muốn làm gì, đi đâu thì phải báo cáo.
Chúng tôi nhìn nhau mà không lên tiếng trả lời. Những người cán binh Cộng Sản đó nhanh chóng tìm nơi an vị. Một tên trấn ở phòng chỉ huy, còn tên kia thì mang hành lý xuống ca-bin nơi thủy thủ đoàn nghỉ ngơi, sinh hoạt. Trời vẫn còn tối mặc dù đã gần năm giờ sáng. Các thủy thủ của tôi cũng thấm mệt nên bò lên giường ngủ của mình ngả lưng.
Còn tôi thì đứng nơi phòng chỉ huy, nghiêng người lên chiếc bàn nhỏ, chống tay vào càm nhìn ra ngoài tư lự. Tôi thắc mắc không biết vợ con mình có bình an không. Giờ này đang ở đâu, làm gì. Có sợ hãi mà bỏ chạy như một số người mà tôi đã gặp không? Rồi chạy tới đâu, có lên chiếc tàu nào chạy ra ngoài khơi kia không? Nếu lỡ có thì tôi phải làm gì đây. Thật dở khóc dở cười nếu điều ấy thật sự xảy ra. Tôi lại cảm thấy bồn chồn lo lắng, chỉ mong trời mau sáng để gặp thủ trưởng của họ rồi xin về nhà. Tôi gục đầu xuống bàn, vài giây sau thì không còn biết gì nữa.
Tiếng nói chuyện ồn ào làm tôi giật mình tỉnh giấc Tôi ngóc đầu lên nhìn ra bên ngoài. Trời đã sáng tỏ; cái kim ngắn trên chiếc đồng hồ tay chỉ gần số bảy. Thành phố Sàigòn vẫn còn nguyên vẹn, không có nét tàn phá nào sau cuộc chiến. Một số người đứng trên bờ nhìn xuống tàu chúng tôi. Tôi thấy họ đưa tay chỉ trỏ trong lúc nói chuyện. Những người dân Sài-gòn thân thương của tôi đó mà, nhưng sao bây giờ như xa lạ. Họ là những người đã từng la cà ở bến Bạch Đằng này nhiều hơn ai hết. Họ đã từng thấy và biết nhiều về các chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa qua lại hay cặp cầu trên bến cảng này. Trong những ngày tháng phục vụ trên Dương Vận Hạm Qui Nhơn HQ504, tàu chúng tôi thường cặp cầu Tự Do bên tay phải của tôi bây giờ đây. Lúc đó có thấy người tụ tập chiêm ngưỡng, dòm ngó như thế này đâu. Chiến tranh đã tàn, cục diện đã thay đổi. Gió đã đổi chiều. Luồng gió mới đó đã biến đổi chúng tôi thành những con người xa lạ hay sao? Tôi nhìn lại bản thân mình. Thật cũng có thay đổi. Tôi đã mất hết quân phục, gù vai. Mặt mày lại hốc hác, tóc tai rối bồng. Nhưng bao nhiêu đó cũng có gì lạ lắm đâu. Tôi có cảm tưởng ngược lại: những người đang đứng dòm ngó chúng tôi trên kia chắc là mới từ miền Bắc vào Nam. Nhưng không, tôi đã sai vì họ nói tiếng miền Nam đặc sệt mà. Hay là tình hình của chúng tôi bây giờ giống như mấy con vật trong sở thú! Thật là đau đớn khi phải nói ra những lời so sánh điên rồ đó. Tôi nghĩ có lẽ họ là những người tò mò muốn nhìn thấy bộ mặt thật của những kẻ thua trận ra sao. Nhiều người trong đó cười nói vui vẻ ra điều thích thú lắm. Có ai trong họ cảm thấy buồn hay chua chát cho chúng tôi không? Số người tò mò càng lúc tụ tập càng đông hơn. Thật là xấu hổ! Tôi không chịu nổi nữa nên bỏ đi vào bên trong, rồi ra sân sau tìm chỗ ngồi để tránh né đám người đó. Nhìn vào trong, tôi thấy hai tên cán binh miền Bắc đang sửa lại quân phục có vẻ như chuẩn bị để lên bờ hay đón tiếp ai. Lúc này trời đang sáng tỏ; nhìn kỹ lại thấy họ quả thật còn rất trẻ, chắc không quá hai mươi tuổi. Tôi cầu mong thủ trưởng của họ mau mau đến đây để mình còn hy vọng được trở về nhà sớm.
Trong lúc đang lo nghĩ vẩn vơ, tôi chợt thấy một thanh niên chập choạng đi xuống dưới nước phía bên trái mạn tàu. Không biết anh ta từ trên bờ tuột xuống dưới đó từ lúc nào. Anh chàng nầy cũng lạ, mới sáng sớm mà đã tắm sông. Tôi nghĩ như vậy rồi nhìn lên bờ, thấy thiên hạ vẫn dòm ngó xuống tàu mình; hình như không ai để ý đến người thanh niên ấy. Người thanh niên đó tiếp tục đi xuống nước, vừa đi vừa khoát nước lên người, lên mặt ra điều thích thú. Anh ta xuống sâu hơn dưới nước, càng lúc càng xa bờ. Nước lên khỏi đầu gối, lưng quần, rồi ngang ngực. Tôi thấy anh ta lặn ngụp mà hai tay vẫn đưa lên khỏi mặt nước bơi, đập. Đột nhiên không thấy anh ta ló đầu lên nhiều như lúc đầu, nhưng lúc nào trồi lên thì mồm há hốc và lại chìm xuống nước ngay tức khắc. Rõ ràng là người không biết bơi. Nếu không được giúp đỡ, kéo lên kịp thời thì sẽ chết đuối trong khoảnh khắc. Tôi nhìn lên bờ thấy cũng có một ít người theo dõi thanh niên này. Tôi thầm mong có ai trong đó lội xuống cứu anh. Thế nhưng mọi người vẫn đứng yên bất động. Tôi sốt ruột nhìn anh ta, bây giờ thì không thấy đầu ló lên nữa mà chỉ còn thấy hai tay bập bềnh trên mặt nước, yếu ớt. Tôi không chịu được và cũng không muốn nhìn một mạng sống bị tướt đoạt một cách vô lý, bèn cởi áo tháo giày nhảy tòm xuống nước. Tôi nhanh chóng bơi tới chỗ thanh niên đang hụt hẫng ấy. Chỗ đó cách xa bờ hơn hai mươi thước. Tôi dùng chân mình để dò tìm đáy sông nhưng không chạm đến được nên độ chừng nơi ấy cũng khá sâu. Tôi dùng tay trái nắm lấy tay anh ta và nâng lên khỏi mặt nước. Đúng là chết đuối gặp phải phao, người thanh niên đó quơ tay và vội vàng ôm chặt lấy cổ tôi. Tôi nói lớn vừa đủ cho anh ta nghe: Anh vịn vai tôi thôi. Đừng ôm cổ, tôi bị nghẹt thở và khó có thể bơi được vào bờ. Không biết anh ta có nghe tôi nói gì không mà không thấy có phản ứng. Tôi phải gỡ tay anh ta ra khỏi cổ và đặt lên vai phải của mình. Lúc chân chạm đất, tôi xóc nách và dìu anh ta lên bờ. Đi được vài bước, tôi thử buông ra để anh tự đi. Nhưng như cọng bún, anh ta quỵ xuống. Tôi lại tiếp tục xóc vào nách và vác anh lên đến tận trên sân đánh gôn. Tôi biết là lúc này mọi người đang bu lại nhìn chúng tôi đông lắm, nhưng cố lờ đi làm như không thấy ai hết để còn có đủ can đảm tiếp tục công việc mình đang làm. Thật là khốn khổ! Điều mình lo sợ nó lại đến. Tôi đang cố trốn chạy, né tránh mọi người mà. Trời ơi! Sao lại là tôi? Tại sao tôi phải làm việc ấy. Tại sao không có ai khác làm thay cho tôi. Tôi cắn răng chịu đựng với những ý nghĩ không yên đó.
Tôi đặt người gần chết đuối nằm sấp bụng trên một gò đất cao, rồi dạng hai chân đứng hai bên hông của anh đoạn cuối xuống dùng hai tay nâng bụng lên, rồi buông xuống. Sau vài động tác cứu cấp mà tôi học lóm được của những người đi trước, anh thanh niên đó ọc ra một vài ngụm nước. Tôi lật người anh ta ngửa lên, và cũng bắt chước dùng hai tay chập lại nhồi lên ngực anh ta mấy lần (sau này có dịp được học phương pháp cứu cấp CPR ở Hoa Kỳ mới biết lúc ấy mình làm không đúng cách). Anh ta thở khì ra mấy hơi, tay chân bắt đầu quờ quạng nhiều hơn trước. Tôi nghĩ chắc anh ta đã qua khỏi cơn nguy hiểm nên nói vừa đủ cho anh ta nghe:
Anh nằm nghỉ thêm cho khỏe, chắc không sao đâu.
Không nghe thanh niên ấy nói gì, nhưng tôi nghĩ anh ta chắc không chết đâu nên đứng lên đi trở về tàu. Tôi đi thật nhanh như chạy trốn, không nhìn một ai và cũng không để ý đến những sự việc chung quanh. Sau khi thay quần áo, tôi sốt ruột chờ đợi thủ trưởng của những người đội nón cối kia, nhưng vẫn không thấy tăm hơi nên đến nói với họ:
- Các anh có biết bao giờ thủ trưởng của các anh đến đây không? - Có lẽ trong sáng hôm nay thôi, nhưng không chắc lắm.
- Tôi muốn lên trên bờ ăn sáng, các anh thấy được không?
- Được thôi.
Tôi không ngờ họ chấp thuận một cách mau lẹ như vậy, nên quay qua hỏi thủy thủ của mình:
- Anh Hải, Phương, Hùng và Thành muốn đi ăn sáng với tôi không?
- Dạ thôi, anh Chiến đi trước đi. Tụi tôi đi sau.
Thật bất ngờ, thủy thủ của tôi đã đổi cách xưng hô. Nhưng tôi nghĩ họ đã làm đúng. Xưng hô như thế thì hợp thời quá rồi, còn gì. Hôm ấy là sáng mồng một tháng năm. Thành phố Sài-gòn chan hòa ánh nắng ban mai. Cỏ cây hoa lá vẫn đua nhau khoe muôn ngàn sắc thắm. Thiên nhiên vẫn lạnh lùng tiến bước với nhịp điệu của thời gian. Tôi bước đi trong một ngày đẹp trời như thế với cả một tâm tư trĩu nặng. Bước vội qua đại lộ Bạch Đằng, tôi tiến thẳng vào đại lộ Hàm Nghi mà cũng không biết mình đi đâu. Tôi cảm thấy đói chút ít, nhưng còn bụng dạ nào mà ăn. Chẳng qua tôi muốn lánh đi cái đám đông tàn nhẫn ấy. Đại lộ Hàm Nghi vẫn có tiếng là tấp nập vì những hoạt động thương mại sầm uất, nhưng hôm nay lại càng ồn ào náo nhiệt. Người ở đâu mà đầy nghẹt cả đường phố, không còn chỗ chen chân. Các cửa hàng vẫn mở, buôn bán mời chào. Quán hàng rong và những người bán hàng chợ trời càng đông hơn mọi lúc. Chính giữa đường thì chen chúc đủ các loại xe đang thi nhau bóp kèn inh ỏi. Nhưng đặc biệt có vài loại xe không cần bóp kèn mà mọi người phải mau lẹ né tránh nhường lối. Đó là những chiếc jeep của quân đội hay cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa mà giờ đây được những thanh thiếu niên mặt còn hôi sữa sử dụng. Cờ đỏ treo trên các cần “ăng-ten”. Họ ngồi đầy trên xe, mặc đồ dân sự với băng đỏ mang trên cánh tay hoặc cột trên đầu, tay ôm súng M16, Carbine. Cộng thêm vào đó là những chiếc Honda cũng với những chàng thanh niên đèo nhau, trang phục giống như vậy. Thỉnh thoảng họ bắn lên trời vài tiếng súng đì đùng làm mọi người kinh hãi. Tôi nghĩ chắc họ là người của “Cách Mạng”, nhưng sau này mới biết rõ đó là những tên "Việt Cộng Ba Mươi Tháng Tư".
Khi đi ngang qua chỗ bán hàng chợ trời, tôi thấy có mấy người bày bán đủ các loại hàng lậu mang nhãn hiệu Hoa Kỳ. Từ xà bông giặt, xà bông tắm cho đến dao cạo râu, thuốc dùng sau khi cạo râu, quần lót, áo thun của lính cho đến các loại lương khô, thực phẩm đóng hộp... Tôi chợt thấy trong mớ hàng hóa đó có mấy bao đường cát trắng C&H mà tôi biết vợ mình rất thích xài, nên ngồi xuống hỏi mua. Không cần trả giá, tôi móc túi mua đại một bao loại năm cân (5 lbs). – Về sau, khi ra khỏi trại tù cải tạo tôi đã nhìn thấy cái bao đường ấy còn nguyên trong góc tủ. Vợ tôi cho biết, nàng muốn giữ nguyên bao đường như một kỷ vật nhắc nhớ đến người đi xa. Ôm bao đường cát, tôi tiếp tục đi về hướng công trường Quách thị Trang. Người đi trên đường phố càng lúc càng đông. Tôi phải chật vật lắm và phải mất đến hai mươi phút sau mới đến gần được cái “bồn binh” ấy.
Tiếng máy nổ của xe cộ đột nhiên trở nên rầm rộ, vang rền điếc cả tai. Tôi nhìn ra đường dáo dác tìm kiếm xem tiếng máy ấy phát ra từ chiếc xe nào. Hướng mắt về đại lộ Trần Hưng Đạo, tôi thấy mọi người đang xôn xao đổ ra đường, đồng thời tôi cũng nghe những tiếng máy nổ thật lớn từ hướng đó. Người trên đường bỗng vẹt ra hai bên rồi giơ tay reo hò ầm ĩ. Một chiếc xe tăng T54 ló dạng ở đầu đường Trần Hưng Đạo. Rồi một chiếc khác, một chiếc khác, một chiếc khác nữa... lần lượt xuất đầu lộ diện. Trên những chiếc xe tăng màu cứt ngựa còn bết bụi, sình lầy ấy là những cán binh Cộng Sản. Những người cán binh Cộng Sản chân mang dép râu đầu đội nón cối, có người đội nón vải ka-ki kiểu lính lái xe tăng của Liên–xô, mặt tươi cười sáng rỡ tay cầm cờ đỏ sao vàng hay cờ của Mặt Trận Giải Phóng và dĩ nhiên cả súng AK, phất cao. Người trên xe đã reo hò mà người dưới đất còn la to hơn; có người cũng cầm cờ Cộng Sản phất qua, vẫy lại. Khung cảnh trở nên náo nhiệt và sôi động như vỡ chợ. Họ la hét những câu gì tôi không nghe rõ, nhưng mặt mày họ cũng rạng rỡ không thua gì những cán binh Cộng Sản kia.
Người dân Sài-gòn thân yêu của tôi đây mà! Tôi đã phải ngậm ngùi lập lại câu đó một lần nữa. Mấy năm trước đây cũng những người ấy, cũng những gương mặt rạng rỡ đó đã reo vui chào đón những anh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa diễn hành trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Tôi thật không hiểu được. Hôm nay họ reo vui chào đón những người Cộng Sản hay họ mừng rỡ vì chiến tranh đã tàn. Tôi cúi đầu nhìn đi chỗ khác, chợt bắt gặp một vài gương mặt cũng buồn hiu và câm lặng như mình. Đoàn xe T54 tiếp tục chạy vòng theo công trường Quách thị Trang rồi chia ra mấy chiếc rẽ xuống đại lộ Hàm Nghi, còn lại thì tiến thẳng vào đại lộ Lê Lợi. Tiếng xích sắt nghiền trên mặt đường nghe rung chuyển cả một góc phố. Tôi lặng người nhìn những chiếc xe tăng và cảm thấy như có ai đó đã mang quả tim mình ra đặt trên mặt đường dưới những lằn xích sắt tàn ác ấy.
Tôi bước qua góc bên kia đường Hàm Nghi, nơi có một số xe Honda đang đậu. - Anh có chạy xe ôm không vậy anh. Tôi hỏi một người đàn ông ngồi trên xe.
- Anh muốn đi về đâu.
- Làm ơn chở tôi về quận 5, ngã tư Thành Thái và Trần bình Trọng.
- Lên xe đi.
Người chạy xe Honda bỏ tôi xuống đầu một ngõ hẻm đường Trần bình Trọng theo sự chỉ dẫn của tôi. Tôi vét túi trả tiền và cám ơn anh ta, rồi ôm bao đường cát đi vào trong hẻm.
Má vợ tôi là người đầu tiên tôi chạm mặt. Bà đang loay hoay quét dọn trước sân nhà, và đã la lên khi ngước mặt nhìn thấy tôi:
- Ủa Chiến, con mới về hả.
- Dạ!
Rồi bà quay vào bên trong nhà nói lớn: - Mấy đứa ơi, Lan ơi anh Chiến về.
Tôi không chờ đợi mà chạy đại lên lầu, gặp mấy đứa em vợ đứng gần cầu thang. Chúng nó kêu:
- Anh Ba, anh mới về hả.
- Ừ.
Tôi đáp rồi tiến thẳng đến ngưỡng cửa nơi vợ tôi đang ôm con đứng chờ. Tôi không bao giờ quên được gương mặt xanh xao, đôi mắt lo âu mà mừng rỡ ấy. Tôi tràn tới ôm cả hai vào trong vòng tay. Cả tôi và nàng, không ai nói một câu. Tôi xiết chặt vợ con trong tay mà nghe tim mình thổn thức. Tôi muốn ôm giữ thật kỷ cái bảo vật tưởng như đã mất nay lại tìm được. Con tôi chợt khóc thét lên. Tôi đưa tay bồng con, quay qua thấy một đôi mắt long lanh đang nhìn mình, cái nhìn hớn hở và chan chứa.
Hơn một tháng sau tôi khăn gói đến trung tâm Trần Hoàng Quân, trình diện học tập cải tạo theo lệnh của quân quản Sài-gòn. Từ hôm ấy, tôi lại bắt đầu một khúc quanh mới của đời mình. Một khúc quanh đầy cay nghiệt.

huỳnh kim chiến

http://www.denhihocap.com/ds2009/ctdm.html
Tân Sơn Hòa chuyển

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

chuyến tàu định mệnh

Thời gian là một thần dược có thể xoa dịu những đớn đau của vết thương lòng. Nhưng vết thương ba mươi tháng tư vẫn còn rỉ máu sau hơn ba mươi năm dài chữa trị. Người viết bài này xin nghiêng mình nhận lỗi nếu đã khơi dậy một trong những niềm đau của dĩ vãng.
Thời gian là một thần dược có thể xoa dịu những đớn đau của vết thương lòng. Nhưng vết thương ba mươi tháng tư vẫn còn rỉ máu sau hơn ba mươi năm dài chữa trị. Người viết bài này xin nghiêng mình nhận lỗi nếu đã khơi dậy một trong những niềm đau của dĩ vãng.
Hồi Ký H.K.C


    H ôm ấy là buổi sáng ngày 30 tháng 4. Trời không có nắng, mây mù rải rác có lúc che khuất ánh mặt trời. Hai chiếc duyên tốc đĩnh (PCF) của Hoan và tôi đang nằm trong ụ của căn cứ Đồng Tâm sau một chuyến công tác tuần phòng trên sông Tiền Giang.
- Trung úy ơi, tàu của ông Hoan đang chuẩn bị đi. Trung úy tính sao?
- Thật sao! Các anh chờ tôi một chút.
Tôi trả lời hạ sĩ nhất trọng pháo Phương rồi vội vã chạy sang chiếc PCF của Hổ Cáp 2 Nguyễn ngọc Hoan đang cặp cùng cầu với chiếc duyên tốc đĩnh của tôi, cách khoảng vài chục thước.
- Trung úy Hoan có trong tàu không anh? Tôi hỏi một thuỷ thủ đang kéo ống dầu lên cầu tàu.
- Dạ, ông ấy lên Trung Tâm Hành Quân rồi.
- Lâu chưa?
- Chừng mười lăm phút, ông thầy.
Tôi quay trở về tàu của mình, bước vào phòng chỉ huy điều chỉnh âm thanh của chiếc máy PRC-25 cho lớn hơn rồi bật qua tần số của Trung Tâm Hành Quân Trần Hưng Đạo 44 gọi:
- "Hải Âu" đây "Sóng Bạc Đầu".
- "Sóng Bạc Đầu" đây "Hải Âu".
- Đây là hai lần tango của "Sóng Bạc Đầu", cho tôi nói chuyện với hai lần tango của "Sóng Ngầm".
"Sóng Ngầm" là ám hiệu của tàu Hoan, "Sóng Bạc Đầu" là tàu tôi, còn "Hải Âu" là ám hiệu của Trung Tâm Hành Quân, hai lần tango có nghĩa là hai chữ T, là thuyền trưởng.
- Ông thầy chờ một chút.
Chừng vài giây sau, tôi nghe tiếng của Hoan từ đầu máy bên kia, không còn giữ kín theo ám hiệu hành quân nữa:
- Mầy đó hả, Chiến?
- Đúng rồi, tụi mầy định đi hả? Tôi hỏi nó liền không vòng vo.
- Phải đi thôi mầy ơi. Mầy chờ tao về tàu rồi mình nói chuyện thêm.
Tôi buông chiếc ống nghe xuống, đầu óc hoang mang, lo lắng bước lên cầu tàu làm bằng những cai "pon-ton" nối lại với nhau, đi tới đi lui chờ đợi.
Hoan là sĩ quan trưởng toán của nhóm năm chiếc PCF thuộc Hải Đội 5 Duyên Phòng, biệt phái từ căn cứ Năm Căn về yểm trợ cho Bộ Tư Lệnh Vùng 3 Sông Ngòi. Hắn và tôi cùng xuất thân từ khóa 20 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang có tên là Đệ Nhị Hổ Cáp, sau này chúng tôi thường gọi nhau một cách thân mật là Hổ Cáp 2. Hôm trình diện ở căn cứ Nhà Bè, khoảng 23 tháng 4 năm 1975 chúng tôi lại nhận được lệnh tách ra hai chiếc về căn cứ Đồng Tâm yểm trợ cho Bộ Tư Lệnh Hành Quân Trần Hưng Đạo 44 (số 44 này có thể không đúng). Chiếc PCF của tôi được Hoan chọn đi theo chiếc của nó di chuyển về căn cứ Đồng Tâm, gần thị xã Mỹ Tho ngay hôm đó.
Đơn vị trước của tôi là Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 6 Tuần Thám (LD6TT), lúc ấy đang phối hợp cùng Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi chỉ huy chiến dịch hành quân Trần Hưng Đạo 40, bản doanh đóng tại Cần Thơ, trại Yết Kiêu.
Gần cuối tháng 3 năm 75, tôi nhận được công điện thuyên chuyển về Hải Đội 5 Duyên Phòng, Bộ Chỉ Huy đóng tại Năm Căn. Lệnh thuyên chuyển đến với tôi như một tiếng sét nổ ngang tai. Không ngờ một trong những diễn tiến quan-trọng trong đời binh nghiệp lại đưa đến cho tôi trong lúc này. Lúc mà tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng cộng thêm sự lo lắng trong nội bộ gia đình tôi. Vợ tôi đang mang thai và chúng tôi đang chờ đợi đứa con đầu lòng ra đời trong vòng vài ngày.
Buổi chiều hôm nhận được công điện thuyên chuyển, tôi về nhà rủ vợ đi ra ngoài ăn tối. Thấy tôi có vẻ trầm ngâm tư lự, vợ tôi hỏi:
- Sao anh có vẻ buồn vậy, có chuyện gì không hay phải không?
Tôi thở dài, lặng thinh một lúc rồi nói cho nàng biết mọi sự việc. Vợ tôi cũng bàng hoàng, sửng sốt không kém. Chúng tôi ngồi yên lặng thật lâu, nhìn mấy dĩa thức ăn đã trở nên nhạt nhẻo mà không buồn cầm đũa. Một lúc sau, nàng lên tiếng:
- Anh đừng lo cho mẹ con em, Lan chỉ mong anh cẩn thận nơi đơn vị mới. Lan nghe đồn nơi đó nguy hiểm lắm.
Tôi đưa tay nắm lấy tay nàng mà không trả lời. Nàng nói tiếp:
- Lan sẽ nhờ má và mấy em của Lan tiếp tay trong những ngày sinh nở.
- Lan định về Sài-gòn sinh con hay sao?
- Chắc là như vậy, nếu anh phải đi trước ngày ấy.
Do sự may mắn, hoặc vì con tôi muốn được ba bồng bế lúc chào đời mà hai ngày sau vợ tôi chuyển bụng và đứa con gái đầu lòng của chúng tôi chào đời giữa lòng Tây Đô, cái thị trấn cũng ồn ào nhộn nhịp không thua gì thủ đô Sài-gòn hoa lệ. Ngày hôm sau HQ Thiếu tá Hồ Đấu, chỉ huy trưởng Liên Đoàn 6 Tuần Thám trao cho tôi tờ giấy phép một tuần nghỉ vợ sanh kèm theo sự vụ lệnh trình diện Bộ Tư Lệnh Hải Quân sau đó, chờ phương tiện tân đáo đơn vị mới. Nhờ những ngày phép ấy, tôi có cơ hội quanh quẩn trong bệnh viện bên cạnh giường sanh với mẹ con nàng. Lần đầu tiên tập tành làm cha, nuôi vợ sanh tôi có cái cảm giác kỳ kỳ, ngồ ngộ – vừa vui mừng, vừa mắc cỡ. Tôi đã cố làm mọi việc từ pha sữa cho con bú, giặt tã đến đi chợ nấu ăn. Tôi đã nấu món thịt kho tiêu ăn với hành lá luộc mà bà ngoại của con tôi khuyên.Tôi đã cố giữ cho mình bận rộn suốt ngày để không còn thì giờ nhớ đến những gì đang chờ đợi ở những ngày sắp đến. Còn lại vài ngày phép cuối, chúng tôi khăn gói về Sài-gòn tá túc bên gia đình vợ, nhờ ba má và mấy đứa em nàng phụ giúp.
Chiếc C130 chở tôi đến trình diện đơn vị mới đáp xuống phi trường An Thới, Phú Quốc nơi có gần một nửa lực lượng của Hải Đội 5 Duyên Phòng tạm dừng quân và yểm trợ cho Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Duyên Hải từ đầu tháng 4 năm 75. Tôi làm mọi nghi thức trình diện đơn vị mới ngay ở đó luôn. Mấy ngày sau, cả phân đội duyên tốc đĩnh kéo về căn cứ Năm Căn theo lệnh di chuyển của Bộ Tư Lệnh.
Đã từ lâu nghe danh “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”; bây giờ tôi mới thực sự có dịp nếm mùi, mặc dù mới chỉ có phân nửa đầu cái đặc sản ấy của Năm Căn. Những ngày nằm tại căn cứ, đêm đêm bọn chúng tôi kéo ra khu gia binh, tìm vào mấy quán nhạc ngồi đuổi muỗi bên cạnh ly cà phê mà cố thả hồn theo những lời ca ai oán! Tuổi trẻ của chúng tôi thời ấy thật là lạ lùng, tội nghiệp. Chúng tôi lặn ngụp giữa chiến tranh, tàn phá, chết chóc, chia ly hoà lẫn với nhạc vàng, với đam mê ray rứt, mà không cần biết đến tương lai, mặc cho nó có mịt mù hay tươi sáng ra sao cũng cam chịu. Cuộc chiến sôi sục của tháng tư đã đưa chúng tôi trở lại gần với thành phố. Năm chiếc PCF rời căn cứ Năm Căn trực chỉ Nhà Bè trong những ngày cuối tháng tư hải hùng ấy.
Hoan và một người nữa cùng đi xuống cầu hướng về tàu của chúng tôi. Tôi tiến tới gần mới nhận ra người thứ hai là Hổ Cáp 2 Mai ngọc Oanh.
- Tàu của mầy còn nhiều dầu không? Hoan hỏi tôi.
- Còn khoảng phân nửa.
- Mầy cho mấy thằng em lấy đầy đi.
- Dễ thôi, nhưng mình sẽ đi đứng làm sao?
- Chiến ơi, sống không nỗi với tụi cộng sản đâu.
Thằng Oanh chêm vào rồi nói tiếp:
- Gia đình chúng tao không chịu nỗi nên đã bỏ chạy vào Nam năm 54, mầy nghe tao mà chuẩn bị lên đường. Cứ đi ra ngoài hải phận quốc tế sau đó sẽ bắt liên lạc với các chiến hạm của Sài-gòn rồi tính tiếp.
Oanh là sĩ quan trực của Trung Tâm Hành Quân Trần Hưng Đạo 44, nó định cặp theo tàu của Hoan mà đào thoát. Nó tiếp:
- Tướng Nguyễn khoa Nam ra lệnh tử thủ, nhưng mấy ông lớn đã bỏ chạy hết rồi. Tao nằm ở Trung Tâm Hành Quân nên biết rõ lắm. Mình ở lại để làm gì, đánh đấm bằng cách nào, chỉ có chờ chết.
- Tao tin tụi mầy. Tụi mầy chờ tao lấy thêm dầu nghe.
Tôi nói, rồi trở về tàu của mình nói với trung sĩ cơ khí Hải:
- Mình chuẩn bị di tản ra biển khơi, anh Hải làm ơn lo việc lấy thêm nhiên liệu.
- Lấy đầy vô cả bụng luôn nghe ông thầy. Hải hỏi lại tôi
- Tùy mấy anh, làm sao được thì cứ làm.
Tôi trả lời mà không suy nghĩ.
Không thể đứng yên chờ đợi, tôi trở qua tàu của Hoan và Oanh. Cả hai đang nghe tin tức trên radio và liên lạc vô tuyến với các đơn vị bạn.
- Tướng Minh ra lệnh buông súng rồi. Mình phải đi lẹ thôi. Oanh cho tôi biết.
- Thiệt hả? Sao lẹ quá vậy.Tôi ngơ ngác hỏi lại.
- Bao lâu nữa tàu mầy lấy xong dầu?
- Chừng nửa giờ nữa.
Hoan quay qua cho biết nó đã bắt liên lạc được với chiếc Trợ Chiến Hạm Lưu Phú Thọ, HQ229 thuộc Bộ Tư Lệnh Hạm Đội đang trên đường tiến ra cửa Tiểu từ hướng Bắc Mỹ Thuận (Tôi có thể lầm với chiếc Đoàn Ngọc Tảng HQ228). Hạm trưởng cho biết đã liên lạc được với Bộ Chỉ Huy của đoàn chiến hạm ra đi từ Bộ Tư Lệnh ở bến Bạch Đằng. Đoàn tàu Hải Quân sẽ gặp nhau ở tụ điểm đảo Côn Sơn, rồi định hướng đi tiếp tới đảo Guam hoặc căn cứ Subic Bay, Phi luật Tân. Ông cho biết thêm là còn khoảng 30 phút nữa tàu của ông sẽ đi ngang qua căn cứ Đồng Tâm, nên yêu cầu chúng tôi giữ tầng số này để liên lạc mà tháp tùng với tàu của ông đến Côn đảo. Cả hai thằng Hoan và Oanh đều hối tôi trở về tàu coi việc lấy dầu tới đâu.
Tôi chạy trở về tàu của mình, thấy ống dẫn dầu còn bắt vào tàu vội lớn tiếng hỏi:
- Gần xong chưa anh Hải ơi?
- Dạ còn đổ thêm vô bụng một chút nữa.
- Tôi nghĩ chắc đủ rồi đó anh. Mình lo tắt vòi và kéo ống đi.
- Dạ, ông thầy.
Thuỷ thủ đoàn trong tàu thường gọi các sĩ quan bằng "ông thầy", nghe thấy có một chút gì quen quen và gần gũi mặc dầu không đúng với cách xưng hô trong quân ngũ. Chúng tôi ngầm chấp nhận mà không bao giờ đính chánh.
Hôm ấy là lần đầu tiên ,và cũng là lần cuối cùng! – chúng tôi lấy dầu từ căn cứ mà không cần phải chờ công điện, hay ký nhận gì cả.
Hơn nửa giờ sau, hạm trưởng HQ229 lên máy cho biết chiếc Trợ Chiến Hạm của ông sắp tiến ngang căn cứ Đồng Tâm. Chúng tôi tháo dây buộc tàu và nổ máy tiến ra cửa ụ chờ đợi. Từ xa cách vài trăm thước, con cá mập màu đen ấy đang lù lù tiến đến. Tôi nhìn lên sàn tàu thấy thuỷ thủ đoàn đều mặc áo giáp, đầu đội nón sắt tay ôm súng ở vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, một số khác thì ứng chiến ở các khẩu đại pháo và đại liên. Thấy tình tình có vẻ nghiêm trọng nên tôi ra lệnh cho thuỷ thủ đoàn của tàu mình cũng làm như vậy.
Chiếc PCF của Hoan và Oanh tiến lên trước nối đuôi với con cá mập đen ấy. Tàu của tôi đi theo sau. Tôi không biết vì Hoan là trưởng toán hay vì bản tánh chậm chạp mà tôi để cho tàu của Hoan dẫn trước, chắc là cả hai. Qua hệ thống vô tuyến, hạm trưởng HQ229 cho biết là chiến hạm của ông sẽ dẩn đầu đưa chúng tôi ra cửa Tiểu rồi sẽ lấy hướng gia nhập vào đoàn "convoy" từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Hiện thời đoàn tàu ấy đã ra khỏi cửa Soài Rạp và đang trên đường hướng về đảo Côn Sơn.
Mặt trời đã lên cao, tôi đoán có lẽ cũng đã giữa trưa. Tôi không buồn nhìn vào chiếc đồng hồ, mặc dù nó đang nằm ở cổ tay của mình. Thời gian đối với tôi lúc này thật là hỗn độn và vô nghĩa. Nhìn lên hai bờ sông, tôi vẫn thấy những ngôi nhà yên ấm ấy, cũng với những khóm cây lao xao trước gió êm đềm, không như tưởng tượng của tôi về một sự thay đổi nào đó đang diễn ra. Người đi lại trên bờ sông thưa thớt, dưới nước cũng ít thấy ghe, xuồng. Cái cảnh vật im ắng ấy như đang tạo nên một bức màn thưa che giấu một biến động đang ngấm ngầm sôi sục. Tôi không hiểu cuộc hành trình này sẽ dẫn mình tới đâu, tại sao lại bỏ chạy? Lực lượng quân sự vùng Tây Nam của chúng tôi chưa đụng độ với tụi Việt Cộng trận nào đáng kể mà đã chịu thua, rồi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp?
Gần đến thị xã Mỹ Tho, tôi chợt thấy dưới bờ sông có một nhóm người đang vẫy tay. Con cá mập đen và tàu của Hoan đã lờ và lướt đi qua. Tôi chụp chiếc ống dòm để nhìn cho kỹ hơn. Tôi thấy gần chục người, đàn ông lẫn đàn bà và có cả trẻ con. Có vài người mặc quân phục Việt Nam Cộng Hoà. Họ đang ra tay vẫy và kêu gào. Tôi đoán họ đang cần giúp đỡ hay muốn tháp tùng với chúng tôi.
Trung sĩ cơ khí Hải lên tiếng:
- Ông thầy, mình ghé vô rước họ không?
Một câu hỏi lướt nhanh trong trí tôi:
"Mình có đủ thì giờ để đuổi theo đoàn cá mập không?"
- Tội nghiệp họ mà ông. Hải nói tiếp mà không chờ tôi trả lời.
Tôi thấy lương tâm của mình bị đánh thức trước cái tình cảm bình dị mà mặn mà của người thuỷ thủ. Tôi nghĩ nếu tăng vận tốc thì vẫn còn có thể đuổi kịp đoàn tàu đi trước, liền ra lệnh:
- Ghé vô... Ghé vô. Hải lập lại giọng hăng hái.
Như chúng tôi đoán, họ là những người lính địa phương quân đưa vợ con ra hướng bờ sông tìm đường chạy nạn. Chúng tôi giúp kéo họ và đưa một số bao bị nhỏ lên tàu.
Lúc ngang qua Căn Cứ Hải Quân Mỹ Tho thì tàu của tôi đã ghé vào bờ thêm vài lần nữa để tiếp đón thêm hơn mười người gồm cả thường dân, nhân viên chính quyền và gia đình họ. Tổng cộng số người chạy theo chúng tôi đã lên hơn hai mươi.
Qua khỏi thị xã Mỹ Tho một đoạn, hạ sĩ nhất trọng pháo Phương tay ôm khẩu M16 đến gần tôi nói nhỏ:
- Mình không chuẩn bị gì hết cho chuyến đi này, kể cả phần ẩm thực. Trên tàu hiện tại có gần ba chục miệng ăn. Không biết tàu mình phải lênh đênh trên biển cả bao lâu.
- Ông thầy tính sao?
Trong lúc tôi còn đang bối rối trước trước vấn đề Phương đưa ra thì hắn lại nói tiếp:
- Để tụi em lo cho, chỉ xin ông thầy làm ơn giữ im lặng giùm.
Tôi không biết Phương định làm gì nên không trả lời. Từ lúc sáng đến giờ, đã nhiều lần tôi hành động mà không suy nghĩ. Tôi đã trở thành kẻ thụ động trong hầu hết mọi quyết định.
Chiến sự nóng bỏng, cùng với những cuộc di tản chiến thuật dồn dập bắt đầu từ mấy tuần trước đây đã ảnh hưởng không ít đến tinh thần và sự suy nghĩ của tôi. Tôi cảm thấy phân vân, nghi ngờ và e-ngại cho tình hình an ninh của miền Nam Việt Nam. Nhưng lệnh buông súng đầu hàng của tướng Minh đến với tôi sáng hôm nay thật là bất ngờ. Sao dễ dàng quá vậy! – Tôi lại vẫn không tin là sự thật. Tôi vẫn nghĩ rằng lực lượng miền Nam còn có cơ hội lật ngược tình thế được như mình đã làm trong Tết Mậu Thân năm 1968 và mùa hè đỏ lửa của năm 1972, hoặc tệ lắm cũng có thể kéo dài trận chiến thêm cả năm nữa. Tôi cũng đặt một chút tin tưởng vào sự trợ giúp của lực lượng quốc tế. Than ôi! Người bạn đồng minh Hoa Kỳ đâu rồi?!
Một loạt súng nổ giòn tan và chát chúa như sát bên tai kéo tôi trở về với hiện tại. Tôi vội quay qua tìm kiếm và phân định. Thì đúng là sát bên tai thật. Tiếng súng ấy phát xuất từ khẩu M16 trên tay hạ sĩ nhất Phương. Hắn đang đứng ở mũi tàu, tay mặt ôm khẩu súng còn đang bốc khói tay trái thì đưa lên cao ngoắt lia, ngoắt lịa một chiếc tàu đò đang chạy từ phía bờ bên kia, ngược chiều về hướng thị xã Mỹ Tho.Tôi đoán, có thể là tàu đò chở khách di chuyển từ làng xã về thành phố như mọi ngày.
Tôi bước ra sân trước, nơi Phương đang đứng chờ. Hắn gọi tàu đò để làm gì? Tôi tự hỏi thầm. Có ai muốn xuống tàu đò để quay trở lại hay sao? Tôi nhìn chiếc tàu đò giảm vận tốc, từ từ đổi hướng trực chỉ về phía tàu của chúng tôi.
- Ngừng máy đi anh Hải. Phương yêu cầu trung sĩ Hải, lúc đó đang đứng trong phòng lái.
- OK, Hải trả lời.
Tôi định lên tiếng hỏi, nhưng nhớ lại lời yêu cầu của Phương nên kịp giữ lại. Hình như hiểu ngầm được sự thắc mắc của tôi,
Phương nói:
- Ông thầy đừng lo, tụi em không làm gì quá đáng đâu.
Tôi theo dõi tình hình và hành động của Phương mà không trả lời.
Lúc chiếc tàu đò tiến gần sát vào tàu chúng tôi, hắn ra hiệu cho tài công để điều chỉnh phương hướng. Chờ cho hai mũi tàu ngang nhau, hắn ôm súng nhảy qua chiếc tàu đò. Trung sĩ Hải bước ra sân mũi kêu Phương ném sợi dây cột từ mũi chiếc tàu đò qua rồi buộc vào cái “tắc kê” của tàu chúng tôi. Xong xuôi Hải cũng phóng qua, rồi cả hai chui vào trong khoang nơi có hành khách ngồi. Tôi đứng nhìn theo, dạ bồn chồn.
Khoảng hơn năm phút sau, Hải ló đầu ra trước tướng đi lọm khọm. Hắn vác trên vai một bao chỉ xanh to tướng. Phương cầm súng đi theo sau, tới ghì sợi dây buộc cho mũi hai chiếc tàu cặp sát vào nhau. Hải vác cái bao bố trở về duyên tốc đĩnh trước, ném xuống sân mũi. Phương theo sau, mở dây buộc ném trở về chiếc tàu đò rồi phẩy tay ra hiệu cho chiếc tàu đò lái đi.
Cả hai tiến gần lại tôi nói nhỏ:
- Không tìm thấy cái gì khác để ăn được hết trung úy ơi. Tụi em lấy đỡ cái bao gạo chỉ xanh này thôi.
- Lấy của người ta hả? Tôi gằn giọng, rồi hỏi tiếp:
- Mấy anh có trả tiền cho người ta không?
- Dạ em có để lại một tờ thánh Trần.
- Năm trăm đồng, có xứng giá với cái bao chỉ xanh ấy không?
- "Ngộ biến phải tùng quyền" mà ông thầy.
Phương bào chữa.
Tôi đứng lặng người, lắc đầu. Mọi việc diễn ra một cách chớp nhoáng làm cho tôi không kịp trở tay. Tôi nhìn theo chiếc tàu đò đã quay đầu đi một đoạn, tiếng máy nổ thật to như cố trốn chạy cho nhanh. Thật không ngờ, hôm nay chúng tôi trở thành những tên cướp biển. Tôi nhìn lại bộ quân phục trên người mà cảm thấy hổ thẹn.
- Ông thầy đừng có khó chịu, không lẽ để cho gần ba mươi người trên tàu chịu chết đói.
Phương phân trần, và tiếp:
- Tụi em làm, để tụi em chịu hết cho.
- Tôi không định đổ lỗi cho các anh đâu, có điều việc này quá bất ngờ nên tôi không cảm thấy an tâm. Thôi, mình đi tiếp kẻo bị bỏ lại quá xa.
Không sao đâu ông thầy, tốc độ tàu mình nhanh hơn chiếc 229 thì đuổi theo mấy hồi.
Chúng tôi tăng vận tốc để cố đuổi theo nhóm tàu của Hoan, Oanh và chiếc HQ229. Nhưng chỉ mấy phút sau, Hải lại bước đến gần tôi và nói:
- Trung úy để cho tụi em thử một lần nữa nghe.
Thấy tôi im lặng như ngầm đồng ý, Phương bước ra phía mũi tàu rồi nổ một tràng M16 khác lên trời. Tôi nhìn về phía trước xéo bên kia bờ sông thấy một chiếc ghe chài to tướng, loại thương buôn hay dùng để chở cát, đá đang chạy ngược lại. Nghe tiếng súng, chiếc ghe chài vội giảm tốc độ và quay mũi về phía tàu chúng tôi khi thấy Phương đứng ngoắc ở sân trước.
Thôi đúng mình là hải tặc rồi, còn gì nữa. Tôi tự nói với mình và ngại ngùng ngồi yên trong phòng chỉ huy.
- Ghe chở gì vậy chú. Phương lên tiếng hỏi người đàn ông đứng trước mũi ghe.
- Dạ chở dưa hấu. Ông ta đáp:
Nói xong người đàn ông ấy giở tấm vải bố thật dầy, kéo ra phía sau. Thật toàn là dưa hấu. Những trái dưa xanh tròn bằng một vòng ôm của trẻ con nằm đầy ắp cả khoang ghe.
- Mấy cậu lấy vài trái ăn thử, dưa ngọt lắm.
- Chú còn chở gì khác nữa không?
- Dạ không.
- Thôi cám ơn, chú đi đi.
Tôi thở ra một tiếng dài, chờ chiếc ghe đi được một khoảng rồi quay mũi tăng tốc độ tàu mình hướng ra cửa Tiểu. Tội nghiệp cho người dân lương thiện, cuộc sống đã mất an mà còn phải gánh chịu nhiều điều khốn khó, áp bức. Có phải chiến tranh đã mang lại những tệ nạn đó không! Thôi thì cứ đổ lỗi cho nó đi.
Qua hệ thống vô tuyến, chúng tôi nối lại liên lạc với HQ229 và tàu của Hoan. Được biết cả hai còn cách cửa Tiểu khoản 2 hải lý.
- Mầy làm gì mà bị tuột lại sau hơi xa vậy? Hoan hỏi tôi.
- Tao phải ghé vào rước thêm một số dân chạy nạn.
Tôi cảm thấy tai và mặt mình đỏ bừng lên vì đã giấu nó cái đoạn làm hải tặc bất đắc dĩ vừa qua. Kệ, "ngộ biến phải tùng quyền' mà! Sau này có dịp, mình sẽ chuộc lại lầm lỗi này. Nhưng cái dịp mà tôi mong chờ đó đã không bao giờ đến.
Càng tiến gần ra cửa biển, gió thổi càng mạnh. Tôi đã không còn nhớ đến cái thú vị và sự khoan khoái khi hít thở vào những làn không khí trong mát ấy. Trong tiếng gió vi vu hòa lẫn với tiếng sóng biển rì rào. Có tiếng máy bay trực thăng vang vọng, lúc ồn ào, lúc văng vẳng xa xa. Tôi không nghĩ những chiếc trực thăng đó đang tham dự vào một cuộc hành quân nào, nhưng đoán là của các cấp chỉ huy đang tìm đường trốn chạy như tôi. Nhìn lên trời, tôi mong tìm thấy một câu trả lời trái ngược với sự suy nghĩ bi quan của mình. Thế nhưng tôi hoàn toàn thất vọng, vì tiếng trực thăng ấy nhỏ dần, nhỏ dần và mất hút về phía biển khơi.
Ba mươi phút sau, tôi nhìn thấy hai chấm đen ngòm nơi cửa biển, một cái to của HQ229 dẫn trước và cái chấm nhỏ hơn của chiếc duyên tốc đĩnh Hoan và Oanh theo sau. Thêm nửa giờ nữa thì tàu tôi đã bắt kịp với HQ229 và tàu Hoan. Ra khỏi cửa Tiểu chừng mười hải lý, đoàn tàu chúng tôi đổi về hướng Đông Nam, trực chỉ đảo Côn Sơn.
Biển vẫn xanh, sóng vỗ hiền hòa nhưng trong lòng tôi lại cồn cào vì những cơn sóng của chiến sự, của lo âu, của bối rối. Tôi cũng không biết rõ mình đang lo lắng về điều gì, chỉ nhận ra là mình đang hoang mang và mất định hướng.
- Mọi người trong tàu bình yên hả anh Hải. Tôi hỏi một câu bâng quơ để phá tan sự im lặng.
- Dạ, ông thầy.
Tôi cảm thấy cổ họng hơi nghẹn nên nuốt một miếng nước bọt, mới biết miệng mình đắng, giọng nói khàn đi mặc dù chưa la hét một tiếng nào từ lúc ban sáng.
- Anh Hải làm ơn lấy cho tôi một ly nước. Tôi hỏi
- Dạ, có liền ông thầy
Lúc ấy khoảng hai giờ chiều, chưa ai trong bọn tôi ăn một miếng cơm vậy mà vẫn không thấy đói.
- Mình sắp bắt kịp với đoàn tàu lớn ra đi từ Bộ Tư Lệnh, Chiến nghe rõ không trả lời!
- Rõ, tao cũng nghe được tin tức đó trên máy.
Tôi đáp lời Hoan
The sự dự phỏng của Hoan và tôi, chừng một giờ nữa chúng tôi sẽ nhập đoàn với những con cá mập ấy.Từ hướng Đông Nam, tôi nhìn thấy khoảng hơn một chục chấm đen lớn có, nhỏ có. Cầm chiếc ống dòm lên, nhìn xuyên qua các lăng kính tôi nhận ra cái chấm đen lớn nhất là một chiếc dương vận hạm (LST).
- Chiếc dương vận hạm nào vậy, mầy thấy được số không? Tôi hỏi Hoan
- Không thấy rõ. Để tao đổi tần số hỏi xem.
Sau một hồi liên lạc với nhau trên hệ thống vô tuyến, chúng tôi được biết đó là chiếc Dương Vận Hạm Thị Nại HQ502. Nơi có một bộ chỉ huy triệt thoái nhỏ của Bộ Tư Lệnh Hải Quân đặt bản doanh. Trên chiếc HQ502 có một số đông tướng, tá của đủ mọi quân binh chủng. Kể từ giờ phút ấy, chúng tôi giữ liên lạc để nhận chỉ thị từ chiếc Dương Vận Hạm Thị Nại.
Khi gần nhập đoàn với những con cá mập, Hoan và tôi được lệnh cặp vào chiếc Thị Nại, chuyển người lên và đánh chìm tàu để hủy bỏ, còn chiếc HQ229 thì vầy đoàn ra Côn Sơn. Chúng tôi tăng vận tốc để bám vào chiếc 502. Mới đầu hạm trưởng 502 ra lệnh cho chúng tôi cặp vào đuôi tàu, nhưng lúc tiến sát vào thì bị sóng cuộn lên từ sau lái đẩy ra rồi hút vào rất mạnh, có lúc duyên tốc đĩnh của chúng tôi đập mạnh vào sườn 502 rất nguy hiểm. Hạm trưởng bèn chỉ thị cho chúng tôi đổi sang cặp vào hông phải của HQ502. Ông cho tàu giảm tốc độ và tạm thời đổi hướng để hông bên phải được êm sóng hơn. Hoan cho tôi biết nó sẽ cặp vô trước, rồi hướng mũi chiếc duyên tốc đĩnh của nó vào nơi có chiếc thang dây vừa được thả xuống. Lần này nó vào êm hơn nhiều. Một thủy thủ quăng dây lên chiếc 502 để được buộc giữ vào cho sát.
Tôi nhìn lên, thấy sàn chính của chiếc Thị Nại khá đông người. Nơi giữa sân có một chiếc trực thăng của không quân đáp trên đó. Mọi người trên HQ502 đổ xô về bên hông phải, nơi chúng tôi đang cặp tàu vào. Thằng Hoan là người leo lên thang dây trước. Túi hành lý của nó được các thủy thủ của chiếc 502 dùng dây kéo lên. Tiếp theo là Oanh, rồi lần lượt đến các thủy thủ. Cái cảnh tay bắt mặt mừng lại diễn ra náo nhiệt trên sân chính của HQ502. Tôi không thấy được rõ những ai trên đó lúc này, nhưng độ chừng chắc cũng phải có các bạn bè thân quen hay cùng khóa.
Chờ cho người trên tàu Hoan lên hết tàu lớn, chúng tôi mới cặp chiếc duyên tốc đĩnh của mình vào cạnh chiếc của Hoan. Phương bước ra sân mũi, lấy dây buộc vào tàu của Hoan rồi trở vào nói: - Ông thầy lên trước đi.
Tôi xách hai cái túi hành lý của mình đi ra sân trước, đưa mắt nhìn theo chiếc thang dây từ dưới lên tận sân chính. Mắt tôi bắt gặp một vài gương mặt quen thuộc. Tôi nhận ra trong đó có Hổ Cáp 2 Hoàng kim Công, Đệ Nhị Nhân Mã Nguyễn hữu Tuấn. Tuấn ra trường khóa 21, có thời gian phục vụ gần hai năm cùng đơn vị với tôi trên chiếc HQ474. Cả hai mừng rỡ giơ tay lên vẫy tôi và chờ đợi.
Tôi bước tới chiếc thang dây định leo lên, thì trên ấy bổng trở nên ồn ào. Rồi cả Tuấn lẫn Công bị vẹt ra một bên. Một nhóm năm người mặc quân phục bộ binh và TQLC mang áo phao màu cam chiếm lấy chiếc thang dây, lần lượt tuột xuống rồi nhẩy lên chiếc duyên tốc đĩnh của Hoan đang bỏ trống. Tôi buông hai cái túi xách xuống nhìn cảnh tượng ấy với một loạt câu hỏi diễn ra trong đầu mình.
- Có chuyện gì vậy? Trên ấy không được an ninh sao? Có người làm loạn chăng?
Tôi nhớ lại tin tức về các cuộc nổi loạn xảy ra trên vài chuyến tàu di tản từ miền Trung về Vũng Tàu, Phú Quốc nên nảy ra những thắc mắc ấy. Không chờ đợi thêm, tôi lên tiếng hỏi:
- Có chuyện gì không hay xảy ra trên đó phải không các anh?
- Dạ không! Trên đó an toàn lắm.
- Vậy các anh xuống đây làm gì?
- Chúng tôi muốn quay trở lại Sài-gòn.
- Sao vậy?
Lúc sáng nay, sau khi nghe lệnh buông súng của tướng Minh, tôi đã vội tìm đường bỏ chạy vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân và được hướng dẫn lên tàu HQ502 này để di tản. Mấy thằng này cũng như tôi vậy, tụi nó từ Bộ Tư Lệnh TQLC, Biệt Động Quân ...
Một người trong nhóm năm người đó trả lời tôi và đưa tay chỉ về những người kia, rồi tiếp:
- Tụi tôi bỏ chạy trong lúc hỗn loạn, chỉ mong sao được thoát thân một cách an toàn. Nhưng đến bây giờ ngồi nhớ lại mới hay là mình đã bỏ lại gia-đình, vợ con ở Sài-gòn. Con tôi còn nhỏ lắm, tôi nhớ nó. Tôi muốn trở lại với vợ con gia đình, dầu cho cực khổ tới đâu hay sống chết như thế nào mà cùng có với nhau thì cũng cam chịu.
- Tụi tôi cũng như vậy đó trung úy.
Những người khác cùng lên tiếng
- Thôi tụi tôi đi, chúc trung úy may mắn.
Nói xong, họ mở dây từ tàu lớn cột sang tàu tôi, tháo dây tàu của họ rồi nổ máy lùi ra và quay đầu trở lại hướng về đất liền.
Tôi đứng thừ người ra, những lời nói của họ như một gáo nước lạnh tạt vào mặt làm tôi như tỉnh lại sau một cơn mê. Trường hợp của tôi có khác gì họ đâu. Tôi cũng đang bỏ lại sau lưng vợ con mình. Con tôi còn quá bé, mới có hơn một tháng. Tôi chợt thấy bóng dáng vợ tôi đang bồng con thơ đứng ở hiên cửa dõi mắt ngóng trông. Tôi cảm thấy nhớ mẹ con nàng kinh khiếp. Không thể được, tôi không thể trốn chạy để tìm sự an toàn cho một mình tôi được. Thảo nào từ ban sáng đến giờ tôi cảm thấy lo lắng, bồn chồn không suy nghĩ được điều gì cho ra lẽ. Bây giờ thì tôi mới biết cái mối dây tình cảm vô hình ấy nó đang khấy động tâm hồn mình.
Tôi xách hai cái túi bước trở vào bên trong ca-bin của duyên tốc đĩnh nơi mọi người đang chờ đợi đến lượt mình để tiến ra chiếc thang dây, mặc cho tiếng kêu của Nguyễn hữu Tuấn và Hoàng kim Công từ sàn chính của HQ502:
- Ô kìa Chiến! còn trở vào làm gì?
Tôi thuật lại câu chuyện của nhóm năm người cho mọi người trong tàu nghe, rồi kết luận:
- Hoàn cảnh của tôi cũng giống họ, tôi quyết định trở về với gia đình. Các anh chị và mọi người leo lên tàu lớn đi, đi. Tôi sẽ lái tàu trở lại một mình.
Mọi người im lặng, không ai nói một lời nào và cũng không có ai bước ra chiếc thang dây.
Một lúc sau, trung sĩ Hải lên tiếng trước:
- Trung úy lái về một mình được không?
- Các anh đừng lo, tôi biết khá nhiều về hải trình và các cửa biển ở khu vực này. Tôi có thể tìm đường về Sài-gòn được.
Sau một phút im lặng khác, Phương nói:
- Ông thầy trở lại thì em cũng đi theo ông thầy - Tôi cũng đi theo trung úy, sống chết có vợ con! Hải tiếp lời.
Tôi hướng về những quân nhân, thường dân và gia đình họ, những người được tàu tôi rước trên đường chạy ngang qua Mỹ Tho.
- Còn các anh chị, chuẩn bị lên tàu lớn đi.
Mọi người nhìn nhau, rồi một người trong nhóm đó lên tiếng:
-Trung úy trở về thì tôi cũng đi theo ông.
-Dạ tôi cũng vậy, nghe thuyền trưởng nói cũng phải.
Rồi họ thay nhau lên tiếng đòi theo tôi trở lại hết.
Thật là bất ngờ, cái thành ngữ "follow the leader" hay tạm gọi là "theo người hướng đạo" lại được mọi người hưởng ứng mạnh mẽ trong lúc này.
Tôi đã không có thì giờ để suy xét xem rồi tình hình sẽ diễn biến trong những ngày sắp tới ra sao. Tôi cũng đã không cần biết là quyết định của mình đúng hay sai, mà chỉ thấy sự đòi hỏi được trở lại đoàn tụ với gia đình là hơn hết, bất chấp mọi hiểm nguy hay tương lai đen tối đang chờ đợi. Tôi cũng không có ý định lôi kéo những người khác đi theo đường của mình. Nhưng vô tình tôi đã gây ảnh hưởng đến sự lựa chọn của họ.
Đã hơn ba mươi năm, những người trong chuyến tàu định mệnh ấy có những ai còn sống sót lại. Bây giờ họ đang ở đâu? Có mạnh khỏe, bình yên hay không? Có ai trong họ đã trách mắng và nguyền rủa cái quyết định điên rồ của tôi trong lúc ấy không? Cái quyết định đã đưa cả nhóm vào gông cùm của Cộng sản, hủy hoại cuộc sống, tương lai của họ và của cả chính bản thân tôi.
Tôi cho mở dây buộc tàu và quay mũi trở về đất liền, trước những cặp mắt ngơ ngác từ HQ502 nhìn theo. Mười lăm phút sau, chúng tôi đuổi kịp chiếc PCF kia, chiếc duyên tốc đĩnh mang theo năm người từ HQ502 tuột xuống.
- Các anh biết đường về không? Tôi lên máy hỏi họ.
- Trong bọn tôi có một anh người nhái, nên cũng biết chút ít.
- Mấy anh định ghé vào đâu?
- Tụi tôi định vào tới đất liền thì bỏ tàu lên bờ ngay.
- Các anh có muốn tháp tùng với tôi về Sai gòn không? Tôi sẽ dẫn đường.
- Dạ để vào gần bờ rồi tính tiếp.
- Tùy mấy anh.
Mặt trời đã xuống thật thấp, còn hơn một sào nữa thì sẽ mất hút dưới đường chân trời bờ tây. Hai chiếc PCF của chúng tôi vẫn chạy sóng đôi. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp thêm những chiến hạm khác của Hải Quân và cả thương thuyền đâm đầu ra biển cả. Trên tàu nào cũng thấy lố nhố người. Tôi đoán chắc họ cũng là tàu di tản tìm đường lánh nạn. Hai giờ sau, chúng tôi đã thấy dãy đất liền ló dạng trước mặt.
- Tôi sẽ vào cửa Soài Rạp, các anh có theo tôi không?
- Dạ, trung úy dẫn đường trước.
Tôi phỏng định vị trí của tàu mình rồi đổi hướng nhắm vào cửa Soài Rạp.
Những chuyến hải hành trong thời gian phục vụ trên Dương Vận Hạm Qui Nhơn HQ504 và Hỏa Vận Hạm HQ474 đã cho tôi một số kinh nghiệm căn bản để nhận ra vùng biển quen thuộc này. Sau khi vượt qua hàng đáy đầu tiên, chúng tôi thấy một chiếc LCU của Hải Quân, loại duyên vận hạm nhỏ có thể chở được vài chiếc xe tank hoặc GMC từ trong sông Soài Rạp tiến ra cửa biển. Trên tàu đầy nghẹt cả người, nhưng không có một chiếc xe nào trên đó. Tôi nảy ra ý định tìm hiểu tình hình hiện tại ở Sài gòn nên giảm vận tốc, cho tàu mình tiến gần lại, sát với chiếc LCU ấy. Người di tản đầy cả sàn tàu. Thật đúng là không còn chỗ chen chân. Họ là quân nhân, thường dân, đàn bà, trẻ con và một số rất ít ông bà cụ lớn tuổi. Người hai bên tàu đổ dồn về một phía và họ thi nhau hỏi, đáp như một buổi nhóm chợ.
- Mấy anh từ đâu chạy ra vậy?
- Từ Sài-gòn.
- Trong đó có yên không?
- Cũng lộn xộn chút đỉnh.
- Có thấy thằng Việt Cộng nào trong thành phố chưa?
- Tôi không thấy, nhưng nghe có tiếng súng nổ rời rạc.
- Thấy chiếc T54 nào của tụi nó không?
- Nghe nói, nhưng chưa thấy.
- Nhà anh ở đâu mà bỏ chạy?
- Ở Phú Nhuận.
- Còn chị?
- Ở Sài-gòn.
Tôi cũng tham gia vào trong cuộc hội thoại đó, hỏi anh thuyền trưởng của chiếc LCU:
- Từ Sài Gòn ra đến đây anh có gặp Việt Cộng không?
- Dạ không.
- Tàu anh có bị du kích bắn ra không?
- Không, thủy lộ êm lắm. Không thấy có gì khác lạ.
Anh ta ngần ngừ một lúc rồi hỏi:
- Trung úy và mọi người trên tàu định đi đâu vậy?
- Tụi tôi trở lại Sài-gòn.
- Sao vậy? – Tôi nhận ra đó cũng là câu mà mình đã hỏi nhóm năm người tuột xuống từ chiếc Thị Nại HQ502.
- Tôi còn vợ con ở đó.
Anh ta mím môi, lắc đầu không nói thêm một lời nào.
Tôi cho anh ta biết vài chi tiết về đoàn tàu di tản, vị trí phỏng định, phương hướng và điểm tập trung Côn Sơn rồi tiếp:
- Anh có cần gì không?
- Dạ không, cám ơn trung úy.
Từ bên chiếc LCU, cũng có vài người lên tiếng hỏi về việc chúng tôi quay trở lại. Tôi không nghe rõ các câu trả lời. Không biết có ai trong thuyền của tôi nói là họ đi theo ông thuyền trưởng hay không (?).
Tôi quay về hướng người trong thuyền mình hỏi:
- Có anh chị nào đổi ý muốn đi tiếp không?
- Bây giờ vẫn còn kịp để chuyển sang tàu này.
Tôi nói thêm và chỉ sang chiếc LCU.
Không có tiếng trả lời. Nhưng có một thanh niên còn rất trẻ từ chiếc LCU chạy lên sân thượng chỗ thuyền trưởng LCU đang đứng nói chuyện với tôi. Anh ta tiến sát lại mạn tàu và nói:
- Trung úy làm ơn cho em nhờ một việc
- Chuyện gì vậy anh?
- Nhờ trung úy chuyển mảnh giấy này về cho Ba Má của em ở Phú Nhuận theo địa chỉ ghi ở trên đó.
Anh ta vừa nói vừa trao cho tôi một mảnh giấy xếp nhỏ, bên ngoài có ghi địa chỉ rồi tiếp:
- Xin trung úy nhắn lại là em vẫn bình yên.
Tôi cầm mảnh giấy bỏ vào túi áo trên và gật đầu hứa sẽ làm việc ấy.
- Cám ơn trung úy nhiều.
Nói xong, người thanh niên ấy đưa tay chào tôi rồi lủi trở lại trong đám đông.
Thấy không còn gì để nói thêm nên tôi quay sang thuyền trưởng chiếc LCU:
- Chúc anh đi gặp nhiều may mắn.
- Dạ, tôi cũng chúc trung úy và mọi người trở lại bình an.
Tôi điều khiển tay lái cho tàu mình tách ra khỏi chiếc LCU. Người hai bên tàu vẫn còn nói vói sang những lời từ biệt, và không quên kèm theo lời chúc may mắn. Tôi nhìn chiếc LCU một lần cuối rồi tăng vận tốc hướng mũi tàu thẳng vào sông Soài Rạp.Tôi đâu có biết rằng mình đang đâm đầu vào một chiếc bẫy rập. Chiếc bẫy khổng lồ chứa đầy những sự dối trá, gian manh, lừa đảo cùng với những bức hiếp, tù đày, nhục hình. Những đặc sản của cái quái thai mà người ta vẫn hằng mỉa mai là "Thiên Đường Cộng Sản" đang chực chờ để nuốt chửng những con mồi ngây dại.
Mặt trời đã khuất bóng dưới đường chân trời, để lại những tia sáng lờ mờ yếu ớt của buổi hoàng hôn. Trên đường tiến sâu vào nội địa, tôi đảo mắt nhìn chung quanh từ gần rồi hướng ra xa cố ý tìm chiếc PCF của nhóm năm người, nhưng không thấy.
- Anh có thấy chiếc PCF kia đâu không? Tôi hỏi trung sĩ Hải:
- Dạ không, chắc họ đi trước rồi.
Kể từ đó trở đi, tôi phải nắm lấy tay lái một mình vì thủy thủ trên tàu không rành thủy lộ này, hơn nữa tôi muốn ngăn ngừa bất trắc xảy ra cho chiếc duyên tốc đĩnh trong lúc giang hành khi màn đêm đang dần dần buông xuống. Tôi giữ một vận tốc vừa phải để có đủ thời gian cần thiết khi xoay trở, đổi hướng cho được an toàn.
Khi đi ngang qua Vàm Láng thì trời đã tối đen. Vàm Láng là địa danh nằm sát cửa biển. Nơi có một làng nho nhỏ của ngư dân. Khúc sông ở nơi đây nở rộng ra, bơi xuồng từ bờ Nam sang bờ Bắc phải mất gần nửa tiếng. Tàu thuyền dân sự cũng như chiến hạm của Hải Quân thường bỏ neo nghỉ ngơi ở khúc sông này. Tôi nhìn xuyên qua ống dòm từ bờ này sang bờ kia đồng thời lắng tai nghe thật kỹ, cố tìm chiếc PCF kia một lần nữa nhưng vẫn không nghe thấy gì, kể cả tiếng ghe thuyền dân sự. Có lẽ họ đã ghé vào bờ nào rồi. Tôi thầm mong cho họ gặp may. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình với nhiều thận trọng, lúc nào cũng quan sát chung quanh và phía trước để có thể kịp thời ứng phó với mọi diễn biến mới. Tuy nhiên chúng tôi đã không gặp một trở ngại nào, mọi thứ đều im lặng như dòng sông hiền hòa đang ngái ngủ giữa đêm khuya. Quá nửa đêm thì chúng tôi đi ngang qua Nhà Bè. Đây là một ngã tư mà các thủy lộ quốc tế gặp nhau nên khúc sông này cũng rộng lớn không thua gì đoạn ở Vàm Láng. Đổ ra cửa biển, bên trái có sông Lòng Tàu rồi gặp cửa Cần Giờ. Bên phải là sông và cửa Soài Rạp mà chúng tôi đã theo để trở lại đất liền. Nhìn ngược vào nội địa, bên phải là sông Đồng Nai và bên trái là sông Sài-gòn mà hầu hết chúng ta khó quên được trong câu hò: “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”. Dĩ nhiên Nhà Bè cũng là điểm bỏ neo tạm nghỉ chân của mọi loại thương thuyền dân sự cũng như các tàu chiến của Hải Quân. Phía bên trái của chiếc duyên tốc đĩnh chúng tôi hiện thời là các kho dự trữ xăng dầu của tư nhân cũng như của quân đội. Đèn trong ấy vẫn cháy sáng. Tôi không quên được những lần cặp tàu vào đây khi còn phục vụ trên HQ474 để nhận nhiên liệu rồi chở đi phân phối cho các đơn vị tiền phương. Nhiều khi chỉ mới rời Sài-gòn vài giờ, vậy mà khi được hạm-trưởng cho đi bờ, chúng tôi cũng rủ nhau ra đường cái đón xe trở lại cái thành phố hoa lệ ấy. Tuổi trẻ nhiều sinh lực và đầy nhiệt huyết, chúng tôi rất hăng hái trong hầu hết mọi lãnh vực, lúc làm việc cũng như khi lè phè hưởng thụ. Tôi thường trở lại thăm “bồ” mà về sau trở thành “bà xã”. Lúc ấy hai đứa tôi chưa cưới nhau nên còn mùi lắm. Vắng nhau vài giờ thì đã nhớ không chịu nổi.
- Trung úy ơi, mình ghé vào chỗ nào? Phải ở đây không?
Tiếng trung sĩ Hải kéo tôi trở về với hiện thực.
- Không, mình sẽ vào luôn tới Sài-gòn. Ở đây là Nhà Bè.
- Còn bao lâu nữa ông thầy?
- Cũng hơn một giờ nữa
- Vậy cũng gần lắm rồi? Có khi nào tụi Việt Cộng nổ súng vào tàu mình không hả ông thầy?
Anh lo ngại điều đó cũng có lý. Chắc mình phải làm dấu hiệu gì để họ nhận ra là tàu mình trở về trình diện với họ.
- Hay là mình treo cờ trắng. Phương chêm vào.
- Chắc phải làm vậy thôi.
Rồi chúng tôi bàn với nhau lấy một tấm vải trải giường xé ra phân nửa treo lên thay cho cờ quốc gia. Để tránh đi những căng thẳng có thể xảy ra khi chạm mặt, chúng tôi cũng đồng tình với nhau nên thay đổi quân phục bằng quần áo dân sự. Sau khi mặc vào bộ quần áo dân sự, tôi moi ra hết các bộ quân phục của mình kể cả tiểu lễ, đại lễ, giày trắng, nón, lon lá, gù vai… ném xuống dòng sông đang chảy ra hướng cửa biển. Trong lúc vội vã, tôi đã quên đi một chi tiết quan trọng: tôi đã quên giữ lại mảnh giấy nhắn tin của chàng thanh niên trẻ tuổi. Mảnh giấy ấy đã trôi đi với bộ quân phục bị vứt bỏ. Sau này khi nhớ lại, tôi bị dày vò, bứt rứt không ít với mặc cảm bội tín. Lời hứa của tôi đã trở thành sáo ngữ vô dụng.
Tàu rẽ theo sông Sài-gòn tiến sâu vào thành phố. Sau những khoảnh đất trống, nhà cửa bắt đầu hiện ra thưa thớt rồi dần dần trở nên dầy đặc hơn. Hai bên bờ sông thật im lặng; hình như mọi người còn đang ngon giấc mặc cho những biến động đang xảy ra chung quanh. Nhưng chúng tôi thì khác, sự lo lắng và chờ đợi khiến không ai ngủ được. Tôi nhìn đồng hồ trên cổ tay, còn mười lăm phút nữa là bốn giờ sáng. Khi tàu tiến ngang khu thương cảng Khánh Hội, mọi người trong tàu đứng lên và chồm ra hai bên để nhìn lên bờ. Vẫn không nhìn thấy bóng dáng lính tráng miền Bắc ở đâu, cũng không có ai trên bờ biết sự có mặt của chúng tôi trong lúc này. Không ai thèm để ý đến sự hiện diện cỏn con của chúng tôi giữa những biến cố trọng đại đang đổ xuống trên quê hương. Qua khỏi cầu Trình Minh Thế, rồi nhà hàng nổi Mỹ Cảnh vẫn không thấy phản ứng nào của "phía bên kia" từ trên bờ. Tôi nói với hạ sĩ nhất trọng pháo Phương đang đứng bên cạnh:
- Anh Phương lấy trái sáng bắn lên trời theo hướng dẫn của họ đi. Mình tiếp tục đi âm thầm như thế này rất nguy hiểm.
- Dạ, ông thầy.
Sau tiếng rít xé không gian rồi một tiếng nổ bụp nhỏ, ánh hỏa châu từ trên cao rọi xuống xoi rõ chiếc duyên tốc đĩnh lù đù giữa dòng sông.
- Vào đ...ây...ây!
Một giọng hét vang lên từ trong bờ như tiếng quỉ gọi hồn từ địa ngục phá tan cái yên lặng của đêm tối. Rồi một loạt tiếng lách cách của đạn lên nòng tiếp theo, kèm với ánh đèn pin lấp lóe chỉa về hướng chúng tôi. Tôi chuyển cần điều khiển máy tàu trở về vị trí ngưng rồi hướng mũi chỉa thẳng vào chỗ ánh đèn pin ấy, đồng thời cho máy lùi một vài khoảnh tích tắc ngắt đoạn để giảm bớt sự va chạm lúc ủi vào bờ. Phương ném sợi dây lên để người trên bờ lấy cột vào một trụ hàng rào. Tàu chúng tôi ủi vào bến Bạch Đằng, bên trái là nhà hàng nổi Mỹ Cảnh bên phải là bến cặp cầu Tự Do, trước mặt là sân gôn (golf), bên kia đường là tòa cao ốc nằm chắn gốc đường Hàm Nghi – hình như là của công ty chế tạo sửa Foremost (?). Và cũng trước mặt tôi là bốn tên bộ đội tay cầm súng AK, đầu đội nón cối chân đi dép râu mặt còn non choẹt.
- Anh nào là thủ trưởng của thuyền này? Một tên cất tiếng hỏi với giọng miền Bắc đặc sệt.
- Tôi đây. Tôi bước ra nhận trách nhiệm mặc dù có hơi lấn cấn với từ ngữ thủ trưởng đó.
- Trên thuyền có bao nhiêu người? Lại một giọng hỏi miền Bắc khác.
- Thủy thủ đoàn trên tàu có năm người, còn những người khác là dân thường chạy nạn được chúng tôi đón giữa đường. Các anh nên để cho họ trở về nhà để tìm lại thân nhân.
Bốn tên bộ đội châu đầu vào nhau bàn tính một lúc rồi trở lại với chúng tôi:
- Chúng tôi chấp thuận đề nghị cho thường dân được tự do trở về nhà, còn năm anh trong thủy thủ đoàn ở lại tàu chờ thủ trưởng chúng tôi đến quyết định.
- Bao giờ thì thủ trưởng các anh đến đây. Tôi hỏi lại:
- Không cần hỏi, bao giờ thủ trưởng chúng tôi đến các anh sẽ hay.
Giọng điệu của kẻ chiến thắng có khác, tôi lẩm bẩm. Thủy thủ đoàn trên thuyền thật sự có năm người kể cả tôi. Ngoài Hải, Phương còn có Hùng và Thành. Tôi ít khi nhắc đến Hùng và Thành vì họ không có dịp tiếp xúc với tôi nhiều trong chuyến tàu ấy.
Những người được chúng tôi rước trên đường chạy ngang Mỹ Tho lần lượt xách hành lý rời tàu bước lên bờ. Trông họ cũng có vẻ vui tươi hớn hở, không còn nét lo lắng như mấy phút trước đây. Chỉ có vài người quay lại từ giã tôi và các thủy thủ, còn lại thì cứ lầm lủi mà đi như cố quên những sóng gió vừa qua. Hai tên bộ đội trong nhóm xách ba lô, súng, đạn và các thứ hành trang khác bước xuống tàu. Một tên nói:
- Từ giờ trở đi, các anh ở lại thuyền dưới sự kiểm tra của chúng tôi. Các anh muốn làm gì, đi đâu thì phải báo cáo.
Chúng tôi nhìn nhau mà không lên tiếng trả lời. Những người cán binh Cộng Sản đó nhanh chóng tìm nơi an vị. Một tên trấn ở phòng chỉ huy, còn tên kia thì mang hành lý xuống ca-bin nơi thủy thủ đoàn nghỉ ngơi, sinh hoạt. Trời vẫn còn tối mặc dù đã gần năm giờ sáng. Các thủy thủ của tôi cũng thấm mệt nên bò lên giường ngủ của mình ngả lưng.
Còn tôi thì đứng nơi phòng chỉ huy, nghiêng người lên chiếc bàn nhỏ, chống tay vào càm nhìn ra ngoài tư lự. Tôi thắc mắc không biết vợ con mình có bình an không. Giờ này đang ở đâu, làm gì. Có sợ hãi mà bỏ chạy như một số người mà tôi đã gặp không? Rồi chạy tới đâu, có lên chiếc tàu nào chạy ra ngoài khơi kia không? Nếu lỡ có thì tôi phải làm gì đây. Thật dở khóc dở cười nếu điều ấy thật sự xảy ra. Tôi lại cảm thấy bồn chồn lo lắng, chỉ mong trời mau sáng để gặp thủ trưởng của họ rồi xin về nhà. Tôi gục đầu xuống bàn, vài giây sau thì không còn biết gì nữa.
Tiếng nói chuyện ồn ào làm tôi giật mình tỉnh giấc Tôi ngóc đầu lên nhìn ra bên ngoài. Trời đã sáng tỏ; cái kim ngắn trên chiếc đồng hồ tay chỉ gần số bảy. Thành phố Sàigòn vẫn còn nguyên vẹn, không có nét tàn phá nào sau cuộc chiến. Một số người đứng trên bờ nhìn xuống tàu chúng tôi. Tôi thấy họ đưa tay chỉ trỏ trong lúc nói chuyện. Những người dân Sài-gòn thân thương của tôi đó mà, nhưng sao bây giờ như xa lạ. Họ là những người đã từng la cà ở bến Bạch Đằng này nhiều hơn ai hết. Họ đã từng thấy và biết nhiều về các chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa qua lại hay cặp cầu trên bến cảng này. Trong những ngày tháng phục vụ trên Dương Vận Hạm Qui Nhơn HQ504, tàu chúng tôi thường cặp cầu Tự Do bên tay phải của tôi bây giờ đây. Lúc đó có thấy người tụ tập chiêm ngưỡng, dòm ngó như thế này đâu. Chiến tranh đã tàn, cục diện đã thay đổi. Gió đã đổi chiều. Luồng gió mới đó đã biến đổi chúng tôi thành những con người xa lạ hay sao? Tôi nhìn lại bản thân mình. Thật cũng có thay đổi. Tôi đã mất hết quân phục, gù vai. Mặt mày lại hốc hác, tóc tai rối bồng. Nhưng bao nhiêu đó cũng có gì lạ lắm đâu. Tôi có cảm tưởng ngược lại: những người đang đứng dòm ngó chúng tôi trên kia chắc là mới từ miền Bắc vào Nam. Nhưng không, tôi đã sai vì họ nói tiếng miền Nam đặc sệt mà. Hay là tình hình của chúng tôi bây giờ giống như mấy con vật trong sở thú! Thật là đau đớn khi phải nói ra những lời so sánh điên rồ đó. Tôi nghĩ có lẽ họ là những người tò mò muốn nhìn thấy bộ mặt thật của những kẻ thua trận ra sao. Nhiều người trong đó cười nói vui vẻ ra điều thích thú lắm. Có ai trong họ cảm thấy buồn hay chua chát cho chúng tôi không? Số người tò mò càng lúc tụ tập càng đông hơn. Thật là xấu hổ! Tôi không chịu nổi nữa nên bỏ đi vào bên trong, rồi ra sân sau tìm chỗ ngồi để tránh né đám người đó. Nhìn vào trong, tôi thấy hai tên cán binh miền Bắc đang sửa lại quân phục có vẻ như chuẩn bị để lên bờ hay đón tiếp ai. Lúc này trời đang sáng tỏ; nhìn kỹ lại thấy họ quả thật còn rất trẻ, chắc không quá hai mươi tuổi. Tôi cầu mong thủ trưởng của họ mau mau đến đây để mình còn hy vọng được trở về nhà sớm.
Trong lúc đang lo nghĩ vẩn vơ, tôi chợt thấy một thanh niên chập choạng đi xuống dưới nước phía bên trái mạn tàu. Không biết anh ta từ trên bờ tuột xuống dưới đó từ lúc nào. Anh chàng nầy cũng lạ, mới sáng sớm mà đã tắm sông. Tôi nghĩ như vậy rồi nhìn lên bờ, thấy thiên hạ vẫn dòm ngó xuống tàu mình; hình như không ai để ý đến người thanh niên ấy. Người thanh niên đó tiếp tục đi xuống nước, vừa đi vừa khoát nước lên người, lên mặt ra điều thích thú. Anh ta xuống sâu hơn dưới nước, càng lúc càng xa bờ. Nước lên khỏi đầu gối, lưng quần, rồi ngang ngực. Tôi thấy anh ta lặn ngụp mà hai tay vẫn đưa lên khỏi mặt nước bơi, đập. Đột nhiên không thấy anh ta ló đầu lên nhiều như lúc đầu, nhưng lúc nào trồi lên thì mồm há hốc và lại chìm xuống nước ngay tức khắc. Rõ ràng là người không biết bơi. Nếu không được giúp đỡ, kéo lên kịp thời thì sẽ chết đuối trong khoảnh khắc. Tôi nhìn lên bờ thấy cũng có một ít người theo dõi thanh niên này. Tôi thầm mong có ai trong đó lội xuống cứu anh. Thế nhưng mọi người vẫn đứng yên bất động. Tôi sốt ruột nhìn anh ta, bây giờ thì không thấy đầu ló lên nữa mà chỉ còn thấy hai tay bập bềnh trên mặt nước, yếu ớt. Tôi không chịu được và cũng không muốn nhìn một mạng sống bị tướt đoạt một cách vô lý, bèn cởi áo tháo giày nhảy tòm xuống nước. Tôi nhanh chóng bơi tới chỗ thanh niên đang hụt hẫng ấy. Chỗ đó cách xa bờ hơn hai mươi thước. Tôi dùng chân mình để dò tìm đáy sông nhưng không chạm đến được nên độ chừng nơi ấy cũng khá sâu. Tôi dùng tay trái nắm lấy tay anh ta và nâng lên khỏi mặt nước. Đúng là chết đuối gặp phải phao, người thanh niên đó quơ tay và vội vàng ôm chặt lấy cổ tôi. Tôi nói lớn vừa đủ cho anh ta nghe: Anh vịn vai tôi thôi. Đừng ôm cổ, tôi bị nghẹt thở và khó có thể bơi được vào bờ. Không biết anh ta có nghe tôi nói gì không mà không thấy có phản ứng. Tôi phải gỡ tay anh ta ra khỏi cổ và đặt lên vai phải của mình. Lúc chân chạm đất, tôi xóc nách và dìu anh ta lên bờ. Đi được vài bước, tôi thử buông ra để anh tự đi. Nhưng như cọng bún, anh ta quỵ xuống. Tôi lại tiếp tục xóc vào nách và vác anh lên đến tận trên sân đánh gôn. Tôi biết là lúc này mọi người đang bu lại nhìn chúng tôi đông lắm, nhưng cố lờ đi làm như không thấy ai hết để còn có đủ can đảm tiếp tục công việc mình đang làm. Thật là khốn khổ! Điều mình lo sợ nó lại đến. Tôi đang cố trốn chạy, né tránh mọi người mà. Trời ơi! Sao lại là tôi? Tại sao tôi phải làm việc ấy. Tại sao không có ai khác làm thay cho tôi. Tôi cắn răng chịu đựng với những ý nghĩ không yên đó.
Tôi đặt người gần chết đuối nằm sấp bụng trên một gò đất cao, rồi dạng hai chân đứng hai bên hông của anh đoạn cuối xuống dùng hai tay nâng bụng lên, rồi buông xuống. Sau vài động tác cứu cấp mà tôi học lóm được của những người đi trước, anh thanh niên đó ọc ra một vài ngụm nước. Tôi lật người anh ta ngửa lên, và cũng bắt chước dùng hai tay chập lại nhồi lên ngực anh ta mấy lần (sau này có dịp được học phương pháp cứu cấp CPR ở Hoa Kỳ mới biết lúc ấy mình làm không đúng cách). Anh ta thở khì ra mấy hơi, tay chân bắt đầu quờ quạng nhiều hơn trước. Tôi nghĩ chắc anh ta đã qua khỏi cơn nguy hiểm nên nói vừa đủ cho anh ta nghe:
Anh nằm nghỉ thêm cho khỏe, chắc không sao đâu.
Không nghe thanh niên ấy nói gì, nhưng tôi nghĩ anh ta chắc không chết đâu nên đứng lên đi trở về tàu. Tôi đi thật nhanh như chạy trốn, không nhìn một ai và cũng không để ý đến những sự việc chung quanh. Sau khi thay quần áo, tôi sốt ruột chờ đợi thủ trưởng của những người đội nón cối kia, nhưng vẫn không thấy tăm hơi nên đến nói với họ:
- Các anh có biết bao giờ thủ trưởng của các anh đến đây không? - Có lẽ trong sáng hôm nay thôi, nhưng không chắc lắm.
- Tôi muốn lên trên bờ ăn sáng, các anh thấy được không?
- Được thôi.
Tôi không ngờ họ chấp thuận một cách mau lẹ như vậy, nên quay qua hỏi thủy thủ của mình:
- Anh Hải, Phương, Hùng và Thành muốn đi ăn sáng với tôi không?
- Dạ thôi, anh Chiến đi trước đi. Tụi tôi đi sau.
Thật bất ngờ, thủy thủ của tôi đã đổi cách xưng hô. Nhưng tôi nghĩ họ đã làm đúng. Xưng hô như thế thì hợp thời quá rồi, còn gì. Hôm ấy là sáng mồng một tháng năm. Thành phố Sài-gòn chan hòa ánh nắng ban mai. Cỏ cây hoa lá vẫn đua nhau khoe muôn ngàn sắc thắm. Thiên nhiên vẫn lạnh lùng tiến bước với nhịp điệu của thời gian. Tôi bước đi trong một ngày đẹp trời như thế với cả một tâm tư trĩu nặng. Bước vội qua đại lộ Bạch Đằng, tôi tiến thẳng vào đại lộ Hàm Nghi mà cũng không biết mình đi đâu. Tôi cảm thấy đói chút ít, nhưng còn bụng dạ nào mà ăn. Chẳng qua tôi muốn lánh đi cái đám đông tàn nhẫn ấy. Đại lộ Hàm Nghi vẫn có tiếng là tấp nập vì những hoạt động thương mại sầm uất, nhưng hôm nay lại càng ồn ào náo nhiệt. Người ở đâu mà đầy nghẹt cả đường phố, không còn chỗ chen chân. Các cửa hàng vẫn mở, buôn bán mời chào. Quán hàng rong và những người bán hàng chợ trời càng đông hơn mọi lúc. Chính giữa đường thì chen chúc đủ các loại xe đang thi nhau bóp kèn inh ỏi. Nhưng đặc biệt có vài loại xe không cần bóp kèn mà mọi người phải mau lẹ né tránh nhường lối. Đó là những chiếc jeep của quân đội hay cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa mà giờ đây được những thanh thiếu niên mặt còn hôi sữa sử dụng. Cờ đỏ treo trên các cần “ăng-ten”. Họ ngồi đầy trên xe, mặc đồ dân sự với băng đỏ mang trên cánh tay hoặc cột trên đầu, tay ôm súng M16, Carbine. Cộng thêm vào đó là những chiếc Honda cũng với những chàng thanh niên đèo nhau, trang phục giống như vậy. Thỉnh thoảng họ bắn lên trời vài tiếng súng đì đùng làm mọi người kinh hãi. Tôi nghĩ chắc họ là người của “Cách Mạng”, nhưng sau này mới biết rõ đó là những tên "Việt Cộng Ba Mươi Tháng Tư".
Khi đi ngang qua chỗ bán hàng chợ trời, tôi thấy có mấy người bày bán đủ các loại hàng lậu mang nhãn hiệu Hoa Kỳ. Từ xà bông giặt, xà bông tắm cho đến dao cạo râu, thuốc dùng sau khi cạo râu, quần lót, áo thun của lính cho đến các loại lương khô, thực phẩm đóng hộp... Tôi chợt thấy trong mớ hàng hóa đó có mấy bao đường cát trắng C&H mà tôi biết vợ mình rất thích xài, nên ngồi xuống hỏi mua. Không cần trả giá, tôi móc túi mua đại một bao loại năm cân (5 lbs). – Về sau, khi ra khỏi trại tù cải tạo tôi đã nhìn thấy cái bao đường ấy còn nguyên trong góc tủ. Vợ tôi cho biết, nàng muốn giữ nguyên bao đường như một kỷ vật nhắc nhớ đến người đi xa. Ôm bao đường cát, tôi tiếp tục đi về hướng công trường Quách thị Trang. Người đi trên đường phố càng lúc càng đông. Tôi phải chật vật lắm và phải mất đến hai mươi phút sau mới đến gần được cái “bồn binh” ấy.
Tiếng máy nổ của xe cộ đột nhiên trở nên rầm rộ, vang rền điếc cả tai. Tôi nhìn ra đường dáo dác tìm kiếm xem tiếng máy ấy phát ra từ chiếc xe nào. Hướng mắt về đại lộ Trần Hưng Đạo, tôi thấy mọi người đang xôn xao đổ ra đường, đồng thời tôi cũng nghe những tiếng máy nổ thật lớn từ hướng đó. Người trên đường bỗng vẹt ra hai bên rồi giơ tay reo hò ầm ĩ. Một chiếc xe tăng T54 ló dạng ở đầu đường Trần Hưng Đạo. Rồi một chiếc khác, một chiếc khác, một chiếc khác nữa... lần lượt xuất đầu lộ diện. Trên những chiếc xe tăng màu cứt ngựa còn bết bụi, sình lầy ấy là những cán binh Cộng Sản. Những người cán binh Cộng Sản chân mang dép râu đầu đội nón cối, có người đội nón vải ka-ki kiểu lính lái xe tăng của Liên–xô, mặt tươi cười sáng rỡ tay cầm cờ đỏ sao vàng hay cờ của Mặt Trận Giải Phóng và dĩ nhiên cả súng AK, phất cao. Người trên xe đã reo hò mà người dưới đất còn la to hơn; có người cũng cầm cờ Cộng Sản phất qua, vẫy lại. Khung cảnh trở nên náo nhiệt và sôi động như vỡ chợ. Họ la hét những câu gì tôi không nghe rõ, nhưng mặt mày họ cũng rạng rỡ không thua gì những cán binh Cộng Sản kia.
Người dân Sài-gòn thân yêu của tôi đây mà! Tôi đã phải ngậm ngùi lập lại câu đó một lần nữa. Mấy năm trước đây cũng những người ấy, cũng những gương mặt rạng rỡ đó đã reo vui chào đón những anh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa diễn hành trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Tôi thật không hiểu được. Hôm nay họ reo vui chào đón những người Cộng Sản hay họ mừng rỡ vì chiến tranh đã tàn. Tôi cúi đầu nhìn đi chỗ khác, chợt bắt gặp một vài gương mặt cũng buồn hiu và câm lặng như mình. Đoàn xe T54 tiếp tục chạy vòng theo công trường Quách thị Trang rồi chia ra mấy chiếc rẽ xuống đại lộ Hàm Nghi, còn lại thì tiến thẳng vào đại lộ Lê Lợi. Tiếng xích sắt nghiền trên mặt đường nghe rung chuyển cả một góc phố. Tôi lặng người nhìn những chiếc xe tăng và cảm thấy như có ai đó đã mang quả tim mình ra đặt trên mặt đường dưới những lằn xích sắt tàn ác ấy.
Tôi bước qua góc bên kia đường Hàm Nghi, nơi có một số xe Honda đang đậu. - Anh có chạy xe ôm không vậy anh. Tôi hỏi một người đàn ông ngồi trên xe.
- Anh muốn đi về đâu.
- Làm ơn chở tôi về quận 5, ngã tư Thành Thái và Trần bình Trọng.
- Lên xe đi.
Người chạy xe Honda bỏ tôi xuống đầu một ngõ hẻm đường Trần bình Trọng theo sự chỉ dẫn của tôi. Tôi vét túi trả tiền và cám ơn anh ta, rồi ôm bao đường cát đi vào trong hẻm.
Má vợ tôi là người đầu tiên tôi chạm mặt. Bà đang loay hoay quét dọn trước sân nhà, và đã la lên khi ngước mặt nhìn thấy tôi:
- Ủa Chiến, con mới về hả.
- Dạ!
Rồi bà quay vào bên trong nhà nói lớn: - Mấy đứa ơi, Lan ơi anh Chiến về.
Tôi không chờ đợi mà chạy đại lên lầu, gặp mấy đứa em vợ đứng gần cầu thang. Chúng nó kêu:
- Anh Ba, anh mới về hả.
- Ừ.
Tôi đáp rồi tiến thẳng đến ngưỡng cửa nơi vợ tôi đang ôm con đứng chờ. Tôi không bao giờ quên được gương mặt xanh xao, đôi mắt lo âu mà mừng rỡ ấy. Tôi tràn tới ôm cả hai vào trong vòng tay. Cả tôi và nàng, không ai nói một câu. Tôi xiết chặt vợ con trong tay mà nghe tim mình thổn thức. Tôi muốn ôm giữ thật kỷ cái bảo vật tưởng như đã mất nay lại tìm được. Con tôi chợt khóc thét lên. Tôi đưa tay bồng con, quay qua thấy một đôi mắt long lanh đang nhìn mình, cái nhìn hớn hở và chan chứa.
Hơn một tháng sau tôi khăn gói đến trung tâm Trần Hoàng Quân, trình diện học tập cải tạo theo lệnh của quân quản Sài-gòn. Từ hôm ấy, tôi lại bắt đầu một khúc quanh mới của đời mình. Một khúc quanh đầy cay nghiệt.

huỳnh kim chiến

http://www.denhihocap.com/ds2009/ctdm.html
Tân Sơn Hòa chuyển

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm