Trong lịch sử làng thời trang, đâu là những cột mốc thời gian quan trọng nhất ? Trước câu hỏi này, đa số các sinh viên ngành thiết kế may mặc sẽ không ngần ngại trả lời : năm 1947. Chính vào thời điểm ấy mà Christian Dior vào năm 42 tuổi, đã thay đổi cục diện của ngành thời trang Âu Mỹ với bộ sưu tập New Look.
Nhờ vào nguồn vốn tài trợ của kỹ nghệ gia Marcel Boussac (từng làm giàu nhờ các nhà máy chế biến vải sợi) mà Christian Dior lại trở thành một trong những nhà thiết kế thời trang hạng sang của Pháp nổi tiếng nhất.
Xuất thân từ một gia đình giàu có, Christian Dior được cho ăn học, nhưng không thành tài đỗ đạt. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, ông mở phòng tranh, rồi kiếm sống nhờ nghề vẽ tranh minh họa, sau đó ông chuyển qua vẽ mẫu cho nhà may Lucien Lelong, bên cạnh một tên tuổi khác của làng thời trang là Pierre Balmain.
Trong quyển hồi ký gợi lại những năm làm việc tại Paris, bà Bettina Ballard, phóng viên của tạp chí Vogue ghi lại bầu không khí sôi động của đợt biểu diễn đầu tiên ngày 12 tháng 02 năm 1947.
Sau những năm tháng giao tranh khốc liệt, nước Pháp thời hậu chiến còn đang phải thắt lưng buộc bụng do còn thiếu thốn đủ mọi thứ, Christian Dior đã gây sốc không chỉ ở đường nét thiết kế táo bạo mà còn ở trong tư tưởng : có những kiểu áo do ông thiết kế, cần tới 25 thước vải để may.
Từ thuở thiếu thời, Christian Dior đã say mê sưu tầm các loài hoa. Gợi hứng từ những kỷ niệm thời thơ ấu, ông phác họa bộ sưu tập Corolle, qua đó mỗi bộ y phục hé lộ nụ cành, hay nở bung rực rỡ như một tràng hoa. Christian Dior vẽ lại toàn bộ vóc dáng của người phụ nữ với những đường cong gợi cảm, mê hồn ở chỗ thắt lưng ong làm nổi bật bờ vai và bộ ngực, váy xòe ngang hông làm tăng thêm nét quyến rũ, tiêu biểu nhất là kiểu áo ‘‘tailleur Bar’’.
Khi nhìn thấy các kiểu áo đầm của Dior, bà Carmel Snow chủ bút tờ Harper’s Bazaar thốt lên câu nói : y phục Dior tạo nên một vóc dáng tân thời những đường nét hoàn toàn mới, một phong cách thật ‘‘New Look’’. Hầu hết các phóng viên có mặt tại chỗ đều lấy lại cái chữ New Look trong các bài tường thuật của họ. Tên tuổi của Christian Dior bỗng nhiên đi vào huyền thoại. Ngay trong ba năm đầu, doanh thu của Dior tương đương với 50% số bán của ngành thời trang cao cấp Pháp. Dior cũng là một trong những hiệu áo quần đầu tiên có tới 60% khối lượng sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Nam Phi hay Argentina …
Sự nghiệp của Christian Dior thật ra chỉ kéo dài 10 năm. Sau khi ông đột ngột qua đời vào năm 1957, nhiều nhà thiết kế như Yves Saint Laurent, Marc Bohan, Gianfranco Ferré, John Galliano, Raf Simons và gần đây nhất là Maria Grazia Chiuri đã lần lượt nối bước bậc thầy : mỗi người một phong cách, họ đã ít nhiều thành công trong việc duy trì thương hiệu Dior. Cuộc triển lãm tại Viện bảo tàng nghệ thuật trang trí ở Paris với hơn 300 kiểu áo lấy từ các bộ sưu tập thời trang cao cấp, phản ánh không những tài năng của Christian Dior mà còn cho thấy sự đóng góp của lớp tài năng đi sau ông.
Song song với triển lãm, còn có bộ toàn tập gồm 7 quyển sách, mỗi quyển dành cho một nhà thiết kế từng sáng tạo các kiểu áo tiêu biểu cho hiệu Dior trong vòng 70 năm qua …
Trong suốt quá trình phát triển, Dior luôn phản ánh sự bùng nổ của thị trường các sản phẩm cao cấp từ phụ kiện thời trang, đồng hồ, trang sức cho tới mỹ phẩm, nước hoa. Vào những năm 1980, mô hình phát triển kinh doanh qua hình thức nhượng quyền thương mại đã đi quá đà, xa quá trớn với hơn 150 hợp đồng theo kiểu franchise, tương đương với 95% doanh thu của hiệu Dior.
Một khi được sát nhập vào tập đoàn LVMH, Dior hồi sinh mạnh mẽ nhờ được quản lý chặt chẽ hơn. Thương hiệu Dior giờ đây có hàng trăm chi nhánh trên khắp thế giới, doanh thu tăng đều đặn (5% mỗi năm) trong hơn một thập niên qua để giờ đây đạt tới gần 2 tỷ đô la hàng năm. Dior cũng là một trong những thương hiệu thời trang đầu tiên, đã đi vòng quanh thế giới trước khi khái niệm toàn cầu hóa ra đời.
Sinh thời, Christian Dior từng thốt lên câu nói : Thời trang không phải chỉ để tôn vinh vẻ đẹp mà còn đề cao phong cách riêng không thể nhầm lẫn ở mỗi người phụ nữ.