Truyện Ngắn & Phóng Sự
Bài Post Cuối Ngày: Vàng Bông Vạn Thọ
Bất ngờ cô năm Đào cầm bàn tay khẳng khiu của ông Vạn nâng lên khỏi mặt
bàn rồi đặt vội xuống. Cô xoay người ngó vào góc phòng hẹp như thể để
che giấu sự xấu hổ. Ông Vạn cũng bất ngờ không kém, lúng túng rụt tay
thiếu chút nữa làm đổ ly nước trà gần đó. Ông không ngó về góc phòng
theo hướng cô năm, mà bối rối nhìn lên mái tóc có những sợi bạc lốm đốm
của cô năm Đào. Mau thiệt. Ông thầm nghĩ, mới đó mà đã mấy chục năm. Mấy
chục năm trôi qua như cái chớp mắt. Mấy chục năm thừa sức để biến một
cô gái xinh xắn thành một bà già; một anh thanh niên thành ông lão đầu
bạc hếu. Lòng ông chùng xuống. Chớ chi mà hồi đó… Bất ngờ cô năm quay
lại:
-Ông vào chơi lâu không?
-Vài bữa. Thăm hết đám bạn bè quen thân rồi về. Đi lần cuối, biết mai mốt chân tay còn cứng cáp không nữa.
Ông Vạn đưa ly nước lên miệng hớp một ngụm nhỏ, nhưng sao mà đắng ngắt.
Đắng như cuộc trùng phùng bất ngờ, không hẹn trước; khô khốc như năm
tháng đè chồng lên tuổi tác. Vừa đặt ly nước xuống mặt bàn thoảng hơi
lạnh, ông hỏi:
-Chớ mấy đứa nhỏ không ai ở cùng sao?
Cô năm cười buồn:
-Thời buổi này ăn tiêu thì nhiều chớ ở thì mấy hột? Hai đứa nó lặn lội
trên Sài Gòn. Một năm có mặt ở nhà vài bữa. Tụi nó còn đòi bán căn nhà
này, đưa tui lên trển. Nhưng sao đi được anh? Còn mồ mả ông bà, tía
chúng nó nữa.
-Khác chi tui. Tụi nó như chim sổ lồng, bay mất. Ngày tối chỉ có hai vợ
chồng già ngó mặt nhau – và, hình như biết mình lỡ lời, vội chữa: có khi
cả tháng tôi cũng lại côi cút…
Cô năm Đào hơi nhổm người lên, rót thêm nước vào ly còn đầy của ông Vạn, lúng túng:
-Ông ở chơi lâu không?
Nghe câu hỏi lặp, ông Vạn mới là người lúng túng thật sự. Dường như có
cái gì đó mãi vướng víu, ngùng ngoằng như cuộn chỉ rối, không tìm thấy
mối gỡ. Nó giống như cảm giác khi ông đứng trên bờ sông nhìn đoàn ghe
kết hoa đưa cô năm qua bên kia vàm, giống như cái nhìn buồn kéo dài dưới
đuôi mắt cô lúc chiếc ghe tách bờ. Chớ chi câu hỏi này còn có ông
Khanh, chồng cô ngồi cạnh (ông đã bỏ cô ra đi từ khi đứa con thứ hai mới
chập chững biết đi )
-Hay ông ở lại ăn tết với đám bạn già này một năm đi, như thời ông còn ở đây vậy?
Cô năm lại kéo xịch ông về với quá khứ xa lắc. Đó là năm ông mới ra trường, về cái hóc xó chằng chịt sông rạch. Năm đó ông ở lại, không hẳn vì cái tết mà trước là vì cô năm. Cô rực rỡ, vàng chói như cánh bông điên điển nổi bật lên giữa những gốc rạ chổng ngược trong làn nước đồng mênh mông. Cô đẹp thuần khiết, đẹp dân dã; vẻ đẹp chân quê mộc mạc không cần đến những son phấn lụa là khiến nhiều người ngẩng ngơ, trong đó có ông. Bên này căn phòng trọ nhìn sang hình như vẻ đẹp còn bốc lên thành hương thơm lựng giữa những tên thuốc lạ hoắc: nhục thung dung, tật lê, sanh địa…quyện với hương cau, hương bưởi… trong vườn nhà khiến ông như say như tỉnh. Còn người thanh niên là ông bây giờ thì chập chờn lú lấp, nhưng bà chủ nhà thì tinh ý ngó anh lúc ngồi vào bàn ăn: Con nhỏ đó được lắm. Công dung ngôn hạnh đủ cả. Mà cũng ngược đời, người ta đậu tú tài thì lo học tiếp, còn nó thì lại nằn nì ở nhà xin tía nó học thuốc. Nó kêu để cứu người. Học có giỏi đến đâu mà không cứu được người thì cũng bằng bỏ phí. Tui có hỏi sao cháu không học tây y, cậu biết nó trả lời sao không? Tây y thì nhanh nhưng không thấu triệt mọi lẽ chân kinh. Đông y thì chậm nhưng lại khai thông được những cái tắc cái bí trong huyết mạch con người… Tui chẳng hiểu ất giáp gì ráo.
Những cái tắt, cái bí mà bà chủ kể cũng chỉ
dừng lại ở đoạn lần đó anh giả đò bệnh, chạy sang thăm mạch bốc thuốc.
Anh đặt tay lên chiếc túi vải nhồi bông nhỏ. Những ngón tay thon mỏng ấn
lên các huyệt mạch, ấm áp tưởng chừng như mọi đường huyết mạch của anh
thanh niên ngưng chảy mà nhịp tim thì đập liên hồi. Chẳng có bệnh tật gì
hết, cô thốt lên. Anh chưng hửng, mặt đỏ rần, lí nhí cảm ơn rồi quay
lui.
Một người không bệnh tật gì, để rồi sau đó hai người thành bệnh khi anh
lui cui bứng những gốc vạn thọ cho vào thùng kiểng trong góc sân nhà
trọ. Cô gái bên phía hiệu thuốc bắc ngó sang thấy lạ, đến áp vào hàng
rào dâm bụt hỏi: bộ tính mang vạn thọ về quê ăn tết sao? Anh đứng lên:
không, tôi ở lại ăn tết với mấy cây vạn thọ này. Cô gái cười: anh nói
nghe thiệt ngộ, rồi bỏ đi. Anh thấy như cả đến những lá, những cành chỗ
bộ ngực cô áp vào cũng đang run rẩy…
-Cô năm còn nhớ mấy cây vạn thọ hồi đó không?
-Nhớ chớ sao không? Nếu không tui đã không bắt tía tụi nhỏ trồng vạn thọ đón tết mỗi năm.
Câu nói không hoa hoè, kiểu cách nhưng sao ông thấy lòng bồi hồi, tưởng
như đó là câu nói hồi cô năm áp sát ngực vào mấy cành dâm bụt.
-Ở lại hay không tính sau – cô năm đưa tay lên như phân bua – giờ thì
tui đi hái bông so đũa nấu nồi canh chua cá lóc, món ông thích ăn hồi
xưa.
Nói và cô năm Đào đứng lên, không cần biết ông có đồng ý hay không. Lúc ông bước theo ra, đứng trên hiên thềm nhìn dáng cô năm đưa tay níu những cành so đũa non, nom cô không khác với hồi ông mới gặp lần đầu, vẫn dáng thon thả, từ tốn, ý tứ; vẫn đôi bàn tay mềm mại dịu dàng. Bất chợt ông thở dài, tiếng thở nghe lạ hoắc, như là của ai chứ không phải của chính ông.
Ông Vạn bước xuống hiên thềm, ra chỗ cô năm:
-Thôi được rồi, để tôi chạy qua bên nhà tư Khê, mời ảnh qua ăn cơm với mình, chắc được?
-Sao không – cô năm quay lui – giá mà tía tụi nhỏ còn sống, anh hai Đỉnh đừng bỏ đi thì chắc vui hơn.
Ông Vạn xửng lửng, chân muốn bước mà lòng thì trì níu lại. Những chiếc
bông so đũa màu trắng ngà nằm gọn trong chiếc rổ nhỏ y như nụ cười lấp
ló sau hàng rào cây xanh, như những ngón tay thon trắng đặt lên huyệt
mạch ông mấy chục năm trước. Và tệ hơn, ông tưởng tượng chiếc rổ con đan
bằng nan lồ ô chuốc mỏng giống như chiếc thuyền tròng trành trên mặt
nước sông mênh mông đưa cô qua bờ bên kia. Ông ngó xuôi theo con thuyền,
còn cô thì ngoái nhìn ngược. Chiếc máy đuôi tôm quạt xành xạch, phun
chút khói đen ra sau tựa như lời phân trần, nhắn gửi.
Cô kiễng chân, vói tay lên cành cao níu
nhánh so đũa có chòm bông lủng lẳng xách theo bên nách áo để lộ ra chút
da thịt không thể giấu trong chiếc áo bà ba. Ông Vạn bước tới, đưa tay
kéo cành lá xuống. Khuôn mặt ông thật gần với cô năm, thiếu chút nữa là
hai người chạm vào nhau. Má cô năm đỏ lựng, hai tay thu chiếc rổ vào
bụng;
-Qua bên anh tư Khê kẻo ảnh đi nhậu mất, không tìm ra.
*
Lúc cô năm bưng chiếc bếp gas cá nhân đặt lên bàn, tư Khê gạt phắt đi:
-Đâu được, ở miệt đồng ai lại đi xài bếp gas? Để tui đốt than gáo dừa
lên. Nói và tư Khê chạy biến ra ngoài vườn. Cô năm vừa đặt tay lên hông
bếp định bưng lui thì cũng vừa lúc bàn tay ông Vạn đặt chồng lên. Thoáng
một chút bối rối rồi hai người cứ đứng chôn chân nhìn nhau. Nụ cười rớt
trên đuôi mắt cô năm, yên lặng mãi cho tới khi tư Khê kệ nệ bưng lò
than hồng đặt lên miếng gạch tàu trên bàn ăn . Vẫn một giọng ồn ào không
đổi, tư Khê nhóng người nhìn vào chiếc tủ đựng chén tách.
-Tui nhớ hồi nẳm ông Khanh có món rượu rắn gì đó ngon lắm, chắc còn chôn dưới đất. Chị năm nhớ chỗ nào bưng lên đãi khách quý.
Cô năm Đào đứng lên vừa nói:
-Không có chôn, đặt trong góc nhà kìa. Mỗi năm ngày giỗ của ảnh chỉ rót
ra cúng thôi. Mấy đứa nhỏ chẳng đứa nào đụng tới, nhà không có đàn ông,
còn miết.
Tư Khê cười lạch khạch:
-Dưới suối vàng anh năm hả hê lắm đây.
Hũ sành rượu mang ra. Tư Khê chiết ra chai. Màu rượu vàng óng, thơm lừng lựng.
-Bữa nay vui, chị năm cũng uống với tụi này nghe. Mà cũng thiệt ngặt,
tại sao ai cũng sanh con trai hết trơn vậy cà? Có nạc có mỡ biết đâu hai
người lại sui gia, gần gũi nhau hơn?
Ông Vạn không nhìn tư Khê nói như than thầm:
-Giày dép còn có số mà anh, chớ không thì khu vườn này vàng rực màu bông vạn thọ rồi.
Tư Khê lắc đầu, hiểu lờ mờ một nửa, bỡi màu bông vạn thọ mãi tới giờ này chỉ có hai người thầm biết.
- Không sao – tư Khê lại nói – Ta nâng ly mừng cuộc tao phùng!
Ba ly rượu sóng sánh màu vàng mật ong nâng
lên từ tốn và uống từ tốn. Nhưng thứ rượu đặc quánh lưu niên khiến tư
Khê hứng chí mời tới, cho đến khi lưỡi bắt đầu đánh đụng chân răng cũng
kịp khều khào:
-Thiệt, tức cái số hai ngư…ời… Phải chi mà chị năm chịu cảnh nắng gió núi non thì giơ…ờ na…ày…
Bữa tiệc nhỏ chấm dứt bằng cảnh ông bạn già dìu ông bạn già ra đặt lên
chiếc võng gai mắc tòng teng giữa hai đầu cột ngoài hàng hiên. Cô năm
Đào lấy chiếc mền mỏng vắt ngang người tư Khê. Ông ta bắt đầu ngáy như
sấm động.
Chiều xuống thấp dần sau những rặng dừa lùi
xa bên kia sông. Những tàu lá lúc càng đen đậm khiến ông đâm bối rối
thật sự. Như có linh tính, cô năm Đào từ cầu ao quay lại, ngó vào mắt
ông:
-Chắc ông sợ mang tiếng? Có anh tư làm chứng thì ảnh cũng đã say. Nhưng
tụi mình đã lớn rồi, không ai đủ hơi sức để nghĩ này nọ đâu.
-Tôi ngại là ngại cho cô thôi, ở đời…
Ông nói chưa hết câu thì bất chợt nhìn thấy những bông cau trắng xoá rụng đầy vai cô năm khiến ông có cảm giác như hai người đang ở một nơi khác, cách đây mấy chục năm. Lòng ông rộn lên, nhưng cũng kịp ghìm lại. Ông cầm tay cô năm, giữ thật lâu “thôi tôi phải về, đã lỡ đánh mất rồi. Anh tư thức dậy nói tôi xin lỗi” . Cô năm Đào bóp chặt tay ông rồi thả lỏng ra “dạ, anh về mạnh khoẻ”.
Ông già bước lui, khập khễnh trên con đường đất dẫn ra phía dãy phố cuối chợ. Bước đi như bay như chao trong lớp hương cau thơm dịu, ngây ngất, phủ đầy bông vạn thọ nở bừng trong những ngày cuối năm./.
Nguyễn Lệ Uyên
http://ongvove.wordpress.com/2012/05/07/vang-bong-van-tho/
Bài Post Cuối Ngày: Vàng Bông Vạn Thọ
Bất ngờ cô năm Đào cầm bàn tay khẳng khiu của ông Vạn nâng lên khỏi mặt
bàn rồi đặt vội xuống. Cô xoay người ngó vào góc phòng hẹp như thể để
che giấu sự xấu hổ. Ông Vạn cũng bất ngờ không kém, lúng túng rụt tay
thiếu chút nữa làm đổ ly nước trà gần đó. Ông không ngó về góc phòng
theo hướng cô năm, mà bối rối nhìn lên mái tóc có những sợi bạc lốm đốm
của cô năm Đào. Mau thiệt. Ông thầm nghĩ, mới đó mà đã mấy chục năm. Mấy
chục năm trôi qua như cái chớp mắt. Mấy chục năm thừa sức để biến một
cô gái xinh xắn thành một bà già; một anh thanh niên thành ông lão đầu
bạc hếu. Lòng ông chùng xuống. Chớ chi mà hồi đó… Bất ngờ cô năm quay
lại:
-Ông vào chơi lâu không?
-Vài bữa. Thăm hết đám bạn bè quen thân rồi về. Đi lần cuối, biết mai mốt chân tay còn cứng cáp không nữa.
Ông Vạn đưa ly nước lên miệng hớp một ngụm nhỏ, nhưng sao mà đắng ngắt.
Đắng như cuộc trùng phùng bất ngờ, không hẹn trước; khô khốc như năm
tháng đè chồng lên tuổi tác. Vừa đặt ly nước xuống mặt bàn thoảng hơi
lạnh, ông hỏi:
-Chớ mấy đứa nhỏ không ai ở cùng sao?
Cô năm cười buồn:
-Thời buổi này ăn tiêu thì nhiều chớ ở thì mấy hột? Hai đứa nó lặn lội
trên Sài Gòn. Một năm có mặt ở nhà vài bữa. Tụi nó còn đòi bán căn nhà
này, đưa tui lên trển. Nhưng sao đi được anh? Còn mồ mả ông bà, tía
chúng nó nữa.
-Khác chi tui. Tụi nó như chim sổ lồng, bay mất. Ngày tối chỉ có hai vợ
chồng già ngó mặt nhau – và, hình như biết mình lỡ lời, vội chữa: có khi
cả tháng tôi cũng lại côi cút…
Cô năm Đào hơi nhổm người lên, rót thêm nước vào ly còn đầy của ông Vạn, lúng túng:
-Ông ở chơi lâu không?
Nghe câu hỏi lặp, ông Vạn mới là người lúng túng thật sự. Dường như có
cái gì đó mãi vướng víu, ngùng ngoằng như cuộn chỉ rối, không tìm thấy
mối gỡ. Nó giống như cảm giác khi ông đứng trên bờ sông nhìn đoàn ghe
kết hoa đưa cô năm qua bên kia vàm, giống như cái nhìn buồn kéo dài dưới
đuôi mắt cô lúc chiếc ghe tách bờ. Chớ chi câu hỏi này còn có ông
Khanh, chồng cô ngồi cạnh (ông đã bỏ cô ra đi từ khi đứa con thứ hai mới
chập chững biết đi )
-Hay ông ở lại ăn tết với đám bạn già này một năm đi, như thời ông còn ở đây vậy?
Cô năm lại kéo xịch ông về với quá khứ xa lắc. Đó là năm ông mới ra trường, về cái hóc xó chằng chịt sông rạch. Năm đó ông ở lại, không hẳn vì cái tết mà trước là vì cô năm. Cô rực rỡ, vàng chói như cánh bông điên điển nổi bật lên giữa những gốc rạ chổng ngược trong làn nước đồng mênh mông. Cô đẹp thuần khiết, đẹp dân dã; vẻ đẹp chân quê mộc mạc không cần đến những son phấn lụa là khiến nhiều người ngẩng ngơ, trong đó có ông. Bên này căn phòng trọ nhìn sang hình như vẻ đẹp còn bốc lên thành hương thơm lựng giữa những tên thuốc lạ hoắc: nhục thung dung, tật lê, sanh địa…quyện với hương cau, hương bưởi… trong vườn nhà khiến ông như say như tỉnh. Còn người thanh niên là ông bây giờ thì chập chờn lú lấp, nhưng bà chủ nhà thì tinh ý ngó anh lúc ngồi vào bàn ăn: Con nhỏ đó được lắm. Công dung ngôn hạnh đủ cả. Mà cũng ngược đời, người ta đậu tú tài thì lo học tiếp, còn nó thì lại nằn nì ở nhà xin tía nó học thuốc. Nó kêu để cứu người. Học có giỏi đến đâu mà không cứu được người thì cũng bằng bỏ phí. Tui có hỏi sao cháu không học tây y, cậu biết nó trả lời sao không? Tây y thì nhanh nhưng không thấu triệt mọi lẽ chân kinh. Đông y thì chậm nhưng lại khai thông được những cái tắc cái bí trong huyết mạch con người… Tui chẳng hiểu ất giáp gì ráo.
Những cái tắt, cái bí mà bà chủ kể cũng chỉ
dừng lại ở đoạn lần đó anh giả đò bệnh, chạy sang thăm mạch bốc thuốc.
Anh đặt tay lên chiếc túi vải nhồi bông nhỏ. Những ngón tay thon mỏng ấn
lên các huyệt mạch, ấm áp tưởng chừng như mọi đường huyết mạch của anh
thanh niên ngưng chảy mà nhịp tim thì đập liên hồi. Chẳng có bệnh tật gì
hết, cô thốt lên. Anh chưng hửng, mặt đỏ rần, lí nhí cảm ơn rồi quay
lui.
Một người không bệnh tật gì, để rồi sau đó hai người thành bệnh khi anh
lui cui bứng những gốc vạn thọ cho vào thùng kiểng trong góc sân nhà
trọ. Cô gái bên phía hiệu thuốc bắc ngó sang thấy lạ, đến áp vào hàng
rào dâm bụt hỏi: bộ tính mang vạn thọ về quê ăn tết sao? Anh đứng lên:
không, tôi ở lại ăn tết với mấy cây vạn thọ này. Cô gái cười: anh nói
nghe thiệt ngộ, rồi bỏ đi. Anh thấy như cả đến những lá, những cành chỗ
bộ ngực cô áp vào cũng đang run rẩy…
-Cô năm còn nhớ mấy cây vạn thọ hồi đó không?
-Nhớ chớ sao không? Nếu không tui đã không bắt tía tụi nhỏ trồng vạn thọ đón tết mỗi năm.
Câu nói không hoa hoè, kiểu cách nhưng sao ông thấy lòng bồi hồi, tưởng
như đó là câu nói hồi cô năm áp sát ngực vào mấy cành dâm bụt.
-Ở lại hay không tính sau – cô năm đưa tay lên như phân bua – giờ thì
tui đi hái bông so đũa nấu nồi canh chua cá lóc, món ông thích ăn hồi
xưa.
Nói và cô năm Đào đứng lên, không cần biết ông có đồng ý hay không. Lúc ông bước theo ra, đứng trên hiên thềm nhìn dáng cô năm đưa tay níu những cành so đũa non, nom cô không khác với hồi ông mới gặp lần đầu, vẫn dáng thon thả, từ tốn, ý tứ; vẫn đôi bàn tay mềm mại dịu dàng. Bất chợt ông thở dài, tiếng thở nghe lạ hoắc, như là của ai chứ không phải của chính ông.
Ông Vạn bước xuống hiên thềm, ra chỗ cô năm:
-Thôi được rồi, để tôi chạy qua bên nhà tư Khê, mời ảnh qua ăn cơm với mình, chắc được?
-Sao không – cô năm quay lui – giá mà tía tụi nhỏ còn sống, anh hai Đỉnh đừng bỏ đi thì chắc vui hơn.
Ông Vạn xửng lửng, chân muốn bước mà lòng thì trì níu lại. Những chiếc
bông so đũa màu trắng ngà nằm gọn trong chiếc rổ nhỏ y như nụ cười lấp
ló sau hàng rào cây xanh, như những ngón tay thon trắng đặt lên huyệt
mạch ông mấy chục năm trước. Và tệ hơn, ông tưởng tượng chiếc rổ con đan
bằng nan lồ ô chuốc mỏng giống như chiếc thuyền tròng trành trên mặt
nước sông mênh mông đưa cô qua bờ bên kia. Ông ngó xuôi theo con thuyền,
còn cô thì ngoái nhìn ngược. Chiếc máy đuôi tôm quạt xành xạch, phun
chút khói đen ra sau tựa như lời phân trần, nhắn gửi.
Cô kiễng chân, vói tay lên cành cao níu
nhánh so đũa có chòm bông lủng lẳng xách theo bên nách áo để lộ ra chút
da thịt không thể giấu trong chiếc áo bà ba. Ông Vạn bước tới, đưa tay
kéo cành lá xuống. Khuôn mặt ông thật gần với cô năm, thiếu chút nữa là
hai người chạm vào nhau. Má cô năm đỏ lựng, hai tay thu chiếc rổ vào
bụng;
-Qua bên anh tư Khê kẻo ảnh đi nhậu mất, không tìm ra.
*
Lúc cô năm bưng chiếc bếp gas cá nhân đặt lên bàn, tư Khê gạt phắt đi:
-Đâu được, ở miệt đồng ai lại đi xài bếp gas? Để tui đốt than gáo dừa
lên. Nói và tư Khê chạy biến ra ngoài vườn. Cô năm vừa đặt tay lên hông
bếp định bưng lui thì cũng vừa lúc bàn tay ông Vạn đặt chồng lên. Thoáng
một chút bối rối rồi hai người cứ đứng chôn chân nhìn nhau. Nụ cười rớt
trên đuôi mắt cô năm, yên lặng mãi cho tới khi tư Khê kệ nệ bưng lò
than hồng đặt lên miếng gạch tàu trên bàn ăn . Vẫn một giọng ồn ào không
đổi, tư Khê nhóng người nhìn vào chiếc tủ đựng chén tách.
-Tui nhớ hồi nẳm ông Khanh có món rượu rắn gì đó ngon lắm, chắc còn chôn dưới đất. Chị năm nhớ chỗ nào bưng lên đãi khách quý.
Cô năm Đào đứng lên vừa nói:
-Không có chôn, đặt trong góc nhà kìa. Mỗi năm ngày giỗ của ảnh chỉ rót
ra cúng thôi. Mấy đứa nhỏ chẳng đứa nào đụng tới, nhà không có đàn ông,
còn miết.
Tư Khê cười lạch khạch:
-Dưới suối vàng anh năm hả hê lắm đây.
Hũ sành rượu mang ra. Tư Khê chiết ra chai. Màu rượu vàng óng, thơm lừng lựng.
-Bữa nay vui, chị năm cũng uống với tụi này nghe. Mà cũng thiệt ngặt,
tại sao ai cũng sanh con trai hết trơn vậy cà? Có nạc có mỡ biết đâu hai
người lại sui gia, gần gũi nhau hơn?
Ông Vạn không nhìn tư Khê nói như than thầm:
-Giày dép còn có số mà anh, chớ không thì khu vườn này vàng rực màu bông vạn thọ rồi.
Tư Khê lắc đầu, hiểu lờ mờ một nửa, bỡi màu bông vạn thọ mãi tới giờ này chỉ có hai người thầm biết.
- Không sao – tư Khê lại nói – Ta nâng ly mừng cuộc tao phùng!
Ba ly rượu sóng sánh màu vàng mật ong nâng
lên từ tốn và uống từ tốn. Nhưng thứ rượu đặc quánh lưu niên khiến tư
Khê hứng chí mời tới, cho đến khi lưỡi bắt đầu đánh đụng chân răng cũng
kịp khều khào:
-Thiệt, tức cái số hai ngư…ời… Phải chi mà chị năm chịu cảnh nắng gió núi non thì giơ…ờ na…ày…
Bữa tiệc nhỏ chấm dứt bằng cảnh ông bạn già dìu ông bạn già ra đặt lên
chiếc võng gai mắc tòng teng giữa hai đầu cột ngoài hàng hiên. Cô năm
Đào lấy chiếc mền mỏng vắt ngang người tư Khê. Ông ta bắt đầu ngáy như
sấm động.
Chiều xuống thấp dần sau những rặng dừa lùi
xa bên kia sông. Những tàu lá lúc càng đen đậm khiến ông đâm bối rối
thật sự. Như có linh tính, cô năm Đào từ cầu ao quay lại, ngó vào mắt
ông:
-Chắc ông sợ mang tiếng? Có anh tư làm chứng thì ảnh cũng đã say. Nhưng
tụi mình đã lớn rồi, không ai đủ hơi sức để nghĩ này nọ đâu.
-Tôi ngại là ngại cho cô thôi, ở đời…
Ông nói chưa hết câu thì bất chợt nhìn thấy những bông cau trắng xoá rụng đầy vai cô năm khiến ông có cảm giác như hai người đang ở một nơi khác, cách đây mấy chục năm. Lòng ông rộn lên, nhưng cũng kịp ghìm lại. Ông cầm tay cô năm, giữ thật lâu “thôi tôi phải về, đã lỡ đánh mất rồi. Anh tư thức dậy nói tôi xin lỗi” . Cô năm Đào bóp chặt tay ông rồi thả lỏng ra “dạ, anh về mạnh khoẻ”.
Ông già bước lui, khập khễnh trên con đường đất dẫn ra phía dãy phố cuối chợ. Bước đi như bay như chao trong lớp hương cau thơm dịu, ngây ngất, phủ đầy bông vạn thọ nở bừng trong những ngày cuối năm./.
Nguyễn Lệ Uyên
http://ongvove.wordpress.com/2012/05/07/vang-bong-van-tho/