Tại sao dùng “biến động” mà không dùng “đảo chánh”,
Chủ Tịch Quốc Hội Venezuela Juan Guaido (T) và nhà độc tài Nicolas Madur
Lethanhnhan@vietquoc.org: Tại sao dùng “biến động” mà không dùng “đảo chánh”, vì phe đối lập dùng sức mạnh toàn dân xuống đường được sự hỗ trợ từ các nước tự do Âu-Mỹ, phe độc tài dựa vào họng súng và bảo kê các nước độc tài “Xã Hội Chủ Nghĩa” để bám quyền lực. Đây là một cuộc cách mạng giải thể chế độ độc tài theo con đường “diễn biến hòa bình”. Thế nhưng, Chủ tịch Quốc Hội Venezuela, Juan Guaido cầm đầu phe đối lập, trả lời các cơ quan truyền thông, truyền hình tây phương rằng: “Trái hẳn với những gì người ta đã nói [đảo chánh], tôi không hề tự phong mình làm tổng thống [Tổng Thống tự phong] tôi chỉ đảm nhận các quyền lực mà Hiến Pháp trao cho tôi. Nicolas Maduro không được bầu lên trong một cuộc bỏ phiếu tự do và minh bạch. Ông đã hủy hoại Luật Pháp và Hiến Pháp Venezuela, vì vậy ông ấy không phải là nguyên thủ quốc gia chính đáng. Điều 133 trong Hiến Pháp của chúng tôi quy định rằng, trong trường hợp đó, bản thân tôi với tư cách chủ tịch Quốc Hội phải đứng ra điều hành đất nước để tổ chức các cuộc bầu cử tự do.” – Khi ông Juan Guaido đã tuyên bố trước thế giới như vậy, chúng ta nên tôn trọng ý kiến của ông ta, và dùng “biến động chính trị” thay vì đảo chánh trong bài viết này. Sự biến động chính trị đang giằng co càng ngày càng quyết liệt, Chủ Tịch Quốc Hội Juan Guaido dựa vào sự ủng hộ của dân chúng xuống đường được các nước Âu-Mỹ, cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ và nhất là Hoa Kỳ tích cực ủng hộ….Ông Guaido đang cố gắng thuyết phục các tướng lãnh quân đội đứng về phía mình, đồng thời có những tín hiệu ngoại giao với Nga sớm bỏ rơi nhà độc tài Nicolas Maduro.
I) Bối cảnh lịch sử của Venezuela
Venezuela là quốc gia ở Nam châu Mỹ. Có biên giới phía Đông giáp với Guyane (vùng đất có rặng Amazon nơi lưu đày biệt xứ của 321 tiên liệt Việt Nam Quốc Dân Đảng sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái ngày 10-02-1930); phía Nam giáp với Brazil; phía Tây giáp Colombia; và phía Bắc giáp biển Caribbean. Nhiều hòn đảo nhỏ ngoài khơi biển Caribbean cũng thuộc chủ quyền của Venezuela. Diện tích là 916,445 km² (rộng gấp 3 Việt Nam), nhưng dân số chừng 28 triệu người (ít hơn 1/3 dân số Việt Nam). Venezuela bị Tây Ban Nha đô hộ từ thế kỷ thứ 15, đến năm 1811 đã được độc lập và thiết lập nền Cộng Hòa đầu tiên, thủ đô Caracas là nơi đông dân nhất.
Hai điều nổi tiếng về đất nước này là thiên nhiên tươi đẹp dưới lòng đất chứa đầy mỏ dầu lửa, và nữ hoàng sắc đẹp từng đoạt nhiều giải thi hoa hậu thế giới (7 giải Miss Universe, 6 giải Miss World, 8 giải Miss International và 2 giải Miss Earth).
Nền kinh tế của Venezuela 90% là nhờ vào khai thác dầu lửa, nhưng trong thập niên 1980 giá dầu sụt giảm đã khiến nền kinh tế chông chênh, đồng tiền mất giá làm cho đời sống dân Venezuela khốn khổ. Những chính sách kinh tế thất bại và những mâu thuẫn chính trị nội bộ đã đẩy đất nước này vào khủng hoảng toàn diện, đến nỗi trong năm 1992 có hai cuộc đảo chính trong cùng năm.
Trong thế kỷ thứ 19 và nửa đầu thế kỷ thứ 20 đánh dấu một giai đoạn đầy biến động đối với Venezuela bởi những cuộc khủng hoảng chính trị do sự cai trị của các chế độ độc tài quân phiệt cầm đầu bởi những tướng quân đội. Sau khi nhà độc tài Juan Vicente Gomez đã ra đi năm 1935, những phong trào dân chủ tại Venezuela đã liên tục đứng lên loại bỏ sự thống trị của chế độ quân phiệt vào năm 1958, và tổ chức những cuộc bầu cử dân chủ.
Tháng 2 năm 1992, Hugo Chavez một sĩ quan quân đội trở lại đảo chính bị thất bại. Đến tháng 11 cùng năm, những người ủng hộ Chavez một lần nữa đảo chính cũng không thành công. Tuy vậy sau đó Chavez đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1998 với tỉ lệ 56%.
Khi Chavez đắc cử Tổng Thống năm 1998, ông đã đưa Venezuela theo con đường thiên tả với học thuyết của chủ nghĩa Bolivar (vị tướng của Venezuela trong thế kỷ 19, được gọi là nhà giải phóng) pha trộn với Chủ Nghĩa Xã Hội thế kỷ 21 cho châu Mỹ. Chavez chủ trương tách khu vực châu Mỹ Latinh ra khỏi sân sau của Hoa Kỳ và có những tuyên bố chống Mỹ rất mạnh bạo. Chavez đi sát với Nga, Bolivia và Cuba. Ba nước này thiết lập một hiệp định thương mại ngăn cản ảnh hưởng của Mỹ vào khu vực Nam Mỹ. Chavez cấu kết mạnh mẽ với các nước cộng sản để chống Mỹ. Fidel Castro trùm Cộng Sản Cuba xem Chavez như tình “cha con” thắm thiết.
Năm 2010, tỉ lệ lạm phát lên mức 27%, nằm trong số những nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất thế giới. Các nhà chuyên môn đánh giá lạm phát ở Venezuela năm 2011 sẽ tăng 28-30%. Và tiếp tục tăng lên nữa vào những năm sau.
Đời sống khó khăn, người dân đã tổ chức những cuộc xuống đường phản đối mạnh mẽ hơn. Cùng với nguyên nhân thiếu hụt điện nước, phản đối tình trạng chính phủ mất kiểm soát đối với tội phạm hoành hành ở Venezuela. Một hôm, đoàn người biểu tình án ngữ trong sân vận động đang diễn ra một trận đấu bóng chày, họ đã giương cao khẩu hiệu: “Chavez, ông đã bị loại!” để kêu gọi Chavez từ chức.
Bất chấp những chỉ trích của quần chúng, sau 4 nhiệm kỳ làm tổng thống và tổng cộng 14 năm cầm quyền Chavez vẫn tiếp tục ra ứng cử Tổng Thống năm 2012, với tham vọng đóng vai là một trong những nhà lãnh đạo lâu dài và nổi bật nhất trong lịch sử hiện đại của châu Mỹ Latin. Năm sau, 2013 Chavez chết vì bệnh ung thư. Trước khi qua đời, Chavez chỉ định người kế nhiệm là Nicolas Maduro, nhà độc tài hiện nay.
Tuy nhiên những năm gần đây, sự bất ổn của giá dầu lửa là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng trầm trọng về mọi mặt đối với Venezuela, gây lạm phát, suy thoái kinh tế, vật giá leo thang, thất nghiệp tăng nhanh, nghèo đói, bệnh tật, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng, tội phạm hoành hành. Vật giá leo thang đến 1,300,000 phần trăm. Hiện nay đồng tiền Venezuela không có gía trị bằng “toilet paper”. Hàng đoàn người dân phải bới những đống rác để kiếm thực phẩm v.v… Hàng triệu người trốn ra nước ngoài kiếm sống. Khủng hoảng xã hội toàn diện do kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa kém cỏi và chính trị độc tài.
Qua những mốc lịch sử trên, Venezuela là một nước cai trị dưới chế độ độc tài thiên tả, chứ không phải một nước theo chế độ độc toàn trị Cộng sản (loại độc tài Cộng Sản kinh khủng hơn). Ở đây cũng nên đề cập là các nước Trung Đông và châu Phi như Ai Cập, Lybia, Syria, Tunisia là những nước dưới chế độ độc tài (dictatorship) cai trị bởi những nhà độc tài (dictator). Dưới chế độ dictatorship thì trong quốc hội, có dân biểu các đảng chính trị khác nhau tham gia, kinh tế thị trường tự do, tự do báo chí (giới hạn) tự do tôn giáo (như Venezuela 88% theo Thiên Chúa Giáo). Trái lại, dưới chế độ độc tài Cộng Sản gọi là “độc tài toàn trị” (totalitarianism), từ chính trị, kinh tế, giáo dục, báo chí, tôn giáo đều bị kiểm soát bởi bàn tay sắc máu của đảng Cộng Sản như tình trạng Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn hiện nay.
II) Diễn tiến biến động chính trị ở Venezuela:
Như đã nói, Venezuela là một chế độ độc tài (không phải Cộng sản), vì thế mới có một chủ tịch Quốc Hội đối lập là Juan Guaido (ở những nước Cộng Sản như Việt Nam, Trung Cộng, Bắc Hàn không thể nào có dân biểu đối lập trong Quốc Hội). Sự bùng nổ của dân Venezuela là do nghèo đói khởi từ thời cai trị độc tài “xã hội chủ nghĩa” theo chân Nga, Trung Cộng, Cuba của Hugo Chavez đến đến Nicolas Maduro…
Juan Guaido đi cùng với vợ trước đoàn người biểu tình ủng hộ ông
Biến động mở đầu bùng ra cách đây 2 tuần, đêm 21 tháng 1, 2019 có một nhóm quân nhân lật đổ nhà độc tài Nicolas Maduro nhưng bất thành, Chủ Tịch Quốc Hội Venezuela – ông Juan Guaido tuyên bố ủng hộ nhóm quân nhân và viết trên twitter của ông rằng: “Chúng tôi muốn [quân đội] đứng lên về phía nhân dân, hiến pháp và chống lại sự chiếm quyền – cuộc nổi dậy của binh lính vừa qua là một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn của quân đội. Ông Guaido khẳng định rằng Quốc Hội cam kết sẽ bảo lãnh cho các sĩ quan giúp “khôi phục hiến pháp”.
Ngày 22/1/2019: Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence đã phát đi một thông điệp qua cuốn video ủng hộ người dân Venezuela đứng lên khôi phục nền dân chủ. PTT Pence khuyến khích người dân đang chuẩn bị tham gia biểu tình chống nhà độc tài Nicolas Maduro, đồng thời nhấn mạnh nước Mỹ hậu thuẫn lãnh đạo đối lập Juan Guaido. Phó Tổng thống Mike Pense nhấn mạnh: “Nicolas Maduro là kẻ độc tài chiếm quyền bất hợp pháp. Ông ta chưa bao giờ giành chiến thắng ghế tổng thống trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng, và đã duy trì quyền lực của mình bằng việc bỏ tù bất kỳ ai dám phản đối ông ta”.
Ngày 23/01/2019: Nhà độc tài Nicolas Maduro tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ vì ủng hộ đối lập Juan Guaido. Ra lệnh các nhà ngoại giao Hoa Kỳ trong 72 giờ phải rời khỏi Venezuela. Hoa Kỳ từ chối lệnh trục xuất của Maduro vì cho ông là bất hợp pháp nên lệnh cũng không có gía trị pháp lý.
Cũng trong ngày 23/01/2019: Lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido đã chính thức tuyên bố tổng thống tạm quyền. Guaido 38 tuổi tuyên bố trước đám đông biểu tình cuồng nhiệt ở thủ đô Caracas: “Tôi thề sẽ dùng tất cả quyền lực tổng thống để bảo đảm chấm dứt sự chiếm quyền này”. Tuyên bố của Guaido đưa Venezuela vào tình huống chưa từng có trước đây là trong khi mà phe đối lập sẽ điều hành một chính phủ được nhiều nước thuộc phe tự do công nhận là hợp pháp, nhưng quyền lực thực tế vẫn nằm trong tay nhà độc tài Nicolas Maduro. Lời tuyên bố của Juan Guaido lập tức nhận được sự ủng hộ của Tổng Thống Donald Trump vài giờ sau đó.
Đoàn người biểu tình chống nhà độc tài Nicolas Maduro ở Venezuela
Tiếp theo là Canada, Brazil, Peru, Colombia, Argentina, Chilie, Paraguay, Educator, Guatemala, Costarica, Honduras, Panama, Úc, Liên Minh châu Âu (EU) công nhận Chủ Tịch Quốc Hội Juan Guaido là Tổng Thống lâm thời. Các cường quốc châu Âu Tây Nam Nha, Pháp Đức và Anh ra tối hậu thư cho nhà độc tài Nicolas Maduro trong vòng 8 ngày phải tổ chức bầu cử, nếu không sẽ thừa nhận Juan Guaido. Tám ngày đã qua, không thấy gì, các nước này chấp nhận tính hợp pháp của Juan Guaido.
Tại Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo đã đề nghị tổ chức cấp bách buổi điều trần để giải quyết vấn nạn Venezuela mặc dù Nga và Trung Cộng phản đối nhưng không có kết quả, cuộc điều trần tại Liên Hiệp Quốc đã diễn ra ngày 26/01: “Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố bây giờ là lúc mà mỗi nước cần chọn lựa đứng về phía nào, không còn có thể trì hoãn hay dùng chiến thuật đánh lạc hướng. Hoặc là đứng về phía lực lượng tự do, hoặc phía Maduro cùng với sự hỗn loạn của phía ông ta”. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn không đạt được việc đưa ra một bản tuyên bố chung của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để ủng hộ Juan Guaido, vì Nga và Trung Cộng phản đối quyết liệt. Nga còn tố cáo Washington giật dây đảo chính ở Venezuela.
Phe ủng hộ nhà độc tài Maduro gồm có Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran, Syria, Mexico, Cuba, Trung Cộng cùng một vài nước chạy theo đuôi độc tài Cộng Sản… Cộng Sản Việt Nam tuyên bố ba phải, không đi vào trọng tâm, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình và ổn định; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị nhiều mặt giữa Việt Nam và Venezuela, vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực cũng như trên toàn thế giới.
III) Tai sao biến động tại Venezuela chưa thành công:
Nhà độc tài Nicolas Maduro bám vào sự ủng hộ của một số tướng lãnh, đặc biệt là Bộ Trưởng Quốc Phòng Vladimir Padrino Lopez, và những lời hứa hẹn của Vladimir Putin cùng sự hỗ trợ của đám cai trị độc tài “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” trong phe Xã hội Chủ Nghĩa. Phe chủ tịch Quốc Hội Guaido thì dựa vào dân chúng xuống đường, đặc biệt là ủng hộ của Hoa Kỳ, châu Âu, châu Úc và hầu hết các nước lân bang châu Mỹ Latinh.
Một số tướng quân đội ủng hộ Nicolas Maduro
Vì không để sân sau bị phe Trung Cộng và Nga khống chế làm thành vết dầu loan khắp các nước châu Mỹ Latinh, nên Hoa Kỳ đem hết công lực để hất cẳng Maduro của phe “Xã Hội Chủ Nghĩa” ở Venezuela cho bằng được. Chưa bao giờ Mỹ can thiệp vào nước ngoài một cách tích cực như tại Venezuela.
Tuy vậy cuộc đảo chánh này chưa dứt điểm được vì dân chúng dù có nổi lên nhưng chưa quyết liệt để nhà độc tài Maduro phải cuốn gói ra đi, cũng không phải đảo chánh bằng quân đội, đánh nhanh thanh toán gọn. Cuộc đảo chánh bằng sức mạnh quần chúng biểu tình như cách mạng Hoa Lài ở Tunisia, Ai Cập, Lybia, Syria. Có ba nước thành công nhưng thất bại ở Syria vì có Nga và Iran trực tiếp can thiệp và giúp Tổng Thống Syria Bashar al-Assad đối đầu với quân tình nguyện nổi dậy được hậu thuẫn của quân đội Hoa Kỳ chiến đấu trong nội địa Syria.
IV) Liệu tình trạng Venezuela có như Syria hay không?
Còn sớm để kết luận, cho đến nay, Mỹ đã gây sức ép tối đa về kinh tế và đe dọa sẽ dùng biện pháp quân sự nếu cần. Chính phủ Hoa Kỳ hôm thứ Hai ngày 28 tháng 1, 2019 đã thông báo chế tài nặng nề và toàn diện lên công ty dầu lửa PDVSA của Venezuela. Đây được coi là biện pháp tài chính cứng rắn nhất từ trước tới nay mà chính quyền Trump nhắm vào nhà độc tài Nicolas Maduro. Trong thông báo hôm 28/1, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton nói rằng sẽ phong tỏa 7 tỷ USD tài sản của PDVSA, cộng thêm hơn 11 tỷ USD tiền dự kiến xuất khẩu nhưng [PDVSA] không thể thực hiện trong năm tới. Đòn chí tử này đánh vào hầu bao vốn đã cạn kiệt của Venezuela như trái bom ngàn cân dội xuống một quân đội đang bại trận. Mỹ đang đánh một đòn trí mạng về kinh tế.
Nicolas Maduro đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, cấm vận của Mỹ và việc ngân hàng Anh từ chối trả kho vàng trị giá 1.2 tỷ USD. Cùng đường bí lối, Nicolas Maduro chở 15 tấn vàng trong kho vàng của ngân hàng Quốc Gia Venezuela tới Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất để bán lấy euro tiền mặt. Lập tức Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh cáo các ngân hàng và nhà buôn không mua bán vàng của Venezuela.
Nhà độc tài Maduro đang dựa vào quân đội để bám quyền và đàn áp người biểu tình, cậy nhờ vào Nga và Trung Cộng làm chiếc ghế dựa, chở vàng ra nước ngoài bán để lấy tiền…không có một chương trình cải tổ cho nạn đói ở Venezuela. Không những thế không chịu tổ chức bầu cử Tổng Thống mà chỉ đề nghị tráo trở là bầu cử Quốc Hội sớm hơn để hất cẳng chủ Tịch Quốc Hội Juan Guaido. Còn về phía Guaido đã công bố một chương trình đại quy mô mà ông gọi là “Kế Hoạch Quốc Gia” cho đó là liều thuốc hiệu quả để chấm dứt khủng hoảng được tạo ra do hai thập niên thực hiện Xã Hội Chủ Nghĩa. Kế Hoạch Quốc Gia bao gồm ba thành tố chính: đổi mới xã hội, đổi mới kinh tế và kiểm soát nguồn cung xăng dầu. Trong lúc này đưa ra một kế hoạch như vậy là hành động khôn ngoan vì đáp ứng được ước vọng của quần chúng, cho nên được sự hưởng ứng của quần chúng và người biểu tình xuống đường đông hơn. Guaido còn bắn tiếng muốn nói chuyện với Nga và Trung Cộng, đây là hành động ngoại giao khôn khéo vào thời điểm căng thẳng này, một tín hiệu hứa hẹn với Nga và Trung Cộng không bị trắng tay khi Guaido lên nắm quyền (vì Nga đã bỏ 17 tỉ USD và Trung Cộng bỏ 70 tỉ USD đầu tư vào Venezuela). Như vậy Nga và Trung Cộng có thể rời bỏ Maduro mà vẫn tiếp tục làm việc với Guaido về những dự án đầu tư.
Ngày 1/02/2019, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nói với đám đông ở Florida vào thứ Sáu rằng đã đến lúc phải hành động để chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Trong một cuộc phỏng vấn với CBS vào Chủ nhật (3/2), TT Trump cho biết sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đang được xem xét. “Chắc chắn, đó là một thứ gì đó trên bàn, đó là một lựa chọn”. Trước đây có tin đồn là trên một cuốn sổ ghi chép của cố vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton có ghi “Mỹ có 5000 quân đến Columbia (một nước bên cạnh Venezuela)”
Sau hai tuần hàng chục ngàn người Venezuela biểu tình đòi lật đổ nhà độc tài Nicolas Maduro, nhưng chưa thành công vì Maduro được sự ủng hộ của một số tướng lãnh cao cấp. Đột nhiên, ngày 3/02/2019 tướng không quân Francisco Yanez trong video đăng trên Twitter tuyên bố: “Nhân dân Venezuela, 90% lực lượng vũ trang Venezuela không đứng về kẻ độc tài, họ đứng về phía nhân dân Venezuela.” Và video này nhanh chóng được chuyển tải rộng rãi trên mạng xã hội. Đây là vị tướng lãnh đầu tiên công khai tuyên bố chống lại nhà độc tào Maduro. Một điểm đột phá rất có lợi cho phe đối lập của ông Guaido.
Ngày 4 tháng 2, 2019 một giới chức ngoại giao cao cấp tuyên bố chống lại Maduro, ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido. Đại sứ Venezuela tại Iraq tuyên bố: “Quốc hội là cơ quan quyền lực duy nhất của nước Cộng hòa [Venezuela], là cơ quan hợp lệ, hợp pháp.”
Đến đây, hai phe vẫn chưa ngã ngũ, tình hình như đang bất lợi cho nhà độc tài Maduro. Nga và Trung Công không dám đưa quân vào Venezuela mặc dù có nói bóng gió dọa rằng sẽ can thiệp.
V) Tình trạng Venezuela hôm nay:
Người dân Venezuela ăn thịt thối vì đói
Hiện Venezuela rơi vào khủng hoảng toàn diện, một đất nước không có chiến tranh mà sự tác hại chẳng khác nào đang xảy ra chiến tranh. GDP chỉ còn một nửa, 3 triệu người tản cư ra nước ngoài không phải vì bom đạn mà vì đói phải tha phương cầu thực. 85% dân số phản đối nhà độc tài Nicolas Maduro. Người dân xuống đường tạo tình trạng bế tắc mọi mặt. Hiện chỉ một nhóm nhỏ và các tướng lãnh quân đội xung quanh Maduro (nhóm quân nhân này có thể được đào tạo và hoạt động cho tình báo Nga). Maduro hiện đang bám vào Putin để tồn tại.
– Đây không những là nội tình Venezuela mà do sự sự đấu nhau giữ hai phe tư bản và cộng sản còn sót lại tác động lên quốc gia Nam Mỹ này. Những sự tác động từ Mỹ và Nga là những yếu tố quan trọng để thấy ai thắng ở Venezuela.
Những sự kiện mà Nicolas Maduro chưa sụp đổ:
– Tướng lãnh cao cấp vẫn còn ủng hộ Maduro
– Các nước Nga, Trung Cộng, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, Mexcico vẫn còn ủng hộ Maduro
– Dân chúng xuống đường nhưng chưa đạt mức độ quyết liệt để lật đổ chế độ Maduro
Những sự kiện cho thấy chế độ Nicolas Maduro sụp đổ:
– Tài chánh cạn kiệt, dân chúng đói sẽ xuống đường quyết liệt hơn
– Nga, Trung Cộng, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng ủng hộ bằng nước bọt chứ chưa dám đưa quân đến như ở Syria mà cũng chẳng có hứa hẹn viện trợ kinh tế.
– Càng ngày thấy xuất hiện tướng lãnh và nhà ngoại giao đứng về phe đối lập của Chủ Tịch Quốc Hội Juan Guaido.
– Mỹ, cộng đồng các nước châu Mỹ Latinh, tích cực yểm trợ trên mọi mặt cứu trợ, hứa hẹn viện trợ kinh tế và quân sự. Càng ngày càng nhiều nước ủng hộ giải pháp Juan Guaido.
Nhìn Venezuela, rút kinh nghiệm cho việc đấu tranh giải thể chế độ độc tài Cộng sản ở Việt Nam. Có nhiều điểm dị biệt nhưng cũng rút ra nhiều kinh nghiệm hữu ích.
Ngày 5 tháng 2, 2019
Đầu năm Kỷ Hợi 2019
Hoang Pham chuyen