Truyện Ngắn & Phóng Sự
CÚP ĐIỆN *
Mưa ròng rã từ chiều đến khuya vẫn chưa có dấu hiệu ngưng. Chừng vài chục năm sau, nếu còn sống. Tôi sẽ kể cháu mình nghe: Sài Gòn 2016, cơn mưa to đầu tiên trong ký ức bà xảy ra vào cuối tháng 9, khi ấy bà là hoa hậu hẻm! Cái hẻm đó chừng hai căn nhà. Bà đã thức trắng đêm để tổng hợp những ưu điểm của mình. Thật ra ngoài lý do ưu điểm của bà có quá nhiều thì lý do chính là mưa to quá bà không ngủ được, bà ghét mưa hơn cả những đứa đẹp hơn bà…. Mở đầu như vậy đi, còn thân bài, kết luận phải chờ coi… sao! (Biết đâu, ngày mai hoặc ngay trận mưa sau, tôi lại gặp cơn mưa… lớn nhất khác thì sao? Ai không nói tình yêu này là duy nhất khi chưa tìm được cái tình yêu… duy nhất tiếp theo?)
Với tiêu chí sống để ăn, tôi khổ sở chống chọi cơn đói, đừng hỏi tại sao đang than thở đêm khuya mưa bão tôi lại quay qua kêu đói, bạn đã sai lầm ngay từ đầu khi tìm kiếm sự lô gíc từ tôi. Chưa kể bi kịch luôn trêu chọc con người bằng cách đi có cặp về có đôi. Khi những tấm kính run rẩy vì gió giật, cơ môi run rẩy vì đói, ánh sáng duy nhất tôi nhận được là từ những tia sét. Tôi có ấn tượng khá sâu hai câu chuyện đọc ở mục “truyện vui” trong một cuốn sách giới thiệu du lịch Việt Nam sau ghế máy bay. Thứ nhất kể về việc khách Tây nhầm chữ Cam Dai Bay trên các đường phố khắp nước là một loại vịnh như Ha Long Bay. Và chuyện thứ hai nói nước mình đoạt cũng nhiều Cúp vô địch thế giới, nhưng có hai cái Cúp vô địch nhất là Cúp điện và Cúp nước. Tôi đang nằm trong… câu chuyện thứ hai.
Sống khá độc lập từ nhỏ nên rất dễ dạy. Và cũng không biết cuộc sống thành thị đã dạy hư tôi từ khi nào, khiến sự lười nhác và ỷ lại vào các phương tiện hiện đại ngày càng bự. Nơi ở của tôi thuộc trung tâm, nhà nào cũng kinh doanh, ai cũng sử dụng hai nguồn điện từ hai công ty cấp điện khác nhau. Việc sử dụng điện gần gũi, quen thuộc khiến thị dân quên luôn sự quan trọng của điện. Nên việc chuẩn bị đèn, nến, bếp than BBQ cho một buổi tối cúp điện… lãng mạn không nằm trong “menu” cuộc sống của tôi chắc cũng hơn chục năm rồi. Dĩ nhiên trong suốt khoảng thời gian dài đó tôi cũng đã trải qua rất nhiều lần cúp điện, nhưng chưa bao giờ được nhiều người… biết như hôm nay!
Tuy còn trẻ, nhưng tôi vừa đủ tuổi để trải qua tuổi thơ đèn dầu, bếp củi nên hai chữ cúp điện khá… tầm thường. Nhưng để chịu đựng một đêm cúp điện khi đói bụng, mưa gió ầm ĩ thế này thì tôi cần phi thường hơn, một chút xíu thôi. Tuổi thơ tôi là con nhỏ gầy nhom, mắt to bằng 2/3 khuôn mặt. Chả hiểu sao tôi đặc biệt có niềm đam mê đốt… bếp. (Ðốt bếp và nấu ăn là hai khái niệm hoàn toàn xa lạ) Canh nhà bếp không có ai là chui vô chổng mông thổi đến khi cái mặt đầy bụi tro, nhìn cái tàn lửa bay lên, lòng dâng lên niềm thích thú vô bờ. Sau khi tập tành nhóm lửa hoài không xong, còn bị cấm vô bếp vì làm hao diêm. Tôi đã sung sướng không biết bao nhiêu mà kể khi tự thấy mình quá thông thái, gom hết tim đèn dầu mẹ mua để dành xài từ nay đến… Tết nhúng dầu hôi mang ra… nhóm lửa. Nhìn mấy cây củi mập mạp còn hơi ẩm vẫn có thể cháy nổ lốp đốp mà quên luôn bị cấm, đi khoe khoang khắp nhà. Sau đó bữa tối “ở thầm” tại chợ thì xa, cùng với cái mông suýt đỏ, vì toàn bị hăm he chứ không ai nỡ đánh một cô bé đáng yêu “chịu khó” như mình. Nói chứ cũng bị bắt đứng úp mặt vô tường, cái tường đen thui trong căn nhà tối thui chứa không biết bao nhiêu thắc mắc… trên trời của tôi. Bên cạnh là tiếng quạt lá đong đưa theo tiếng võng tre cọt kẹt pha nhẹ tiếng rầm rì trách móc, đều đều, đều đều như cơn gió.
Tuổi thơ của tôi cũng có lũ con nít chen chúc bu vô xem “vô tuyến truyền hình” trên cái tidi đen trắng cà giật duy nhất trong xóm, trong khi người lớn túm tụm ngoài sân vì phải tắt hết điện đóm mới đủ công suất phục vụ tidi chạy hình. Tôi không thích chơi với… bọn trẻ ranh nên ngồi trong lòng mẹ hóng chuyện.
Người lớn lúc nào cũng nơm nớp sợ đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Tôi nghe không hiểu hết nhưng lòng thầm ước đừng lớn lên, làm người lớn thật quá sức với một… con bé như tôi. Từ trách cứ cuộc sống riêng đến trách xã hội đương thời. Than chuyện giá cả leo thang, sưu cao thuế nặng, nhà mất người bị bắt… xong rủ nhau chuyển đi nơi khác làm ăn hoặc khuyên nhau ở lại. Tiếp theo là trách mùa mưa đang đến, nỗi lo dây điện được nối trên các cây tre, bạch đàn có thể đứt bất kỳ lúc nào còn cao hơn nỗi sợ bọn con nít bị điện giật vì mỗi lúc cao điểm, điện chưa chắc đủ nung đỏ dây tóc đèn tròn. Có những nhà dây điện chỉ để ngó vì điện không đủ “câu” đến tận sâu trong hẻm.
Tuổi thơ tôi có những buổi chiều cuốc bộ từ trường về nhà, chơi ngu đụng vô mấy bảng quảng cáo gắng đèn màu ở mấy căn tiệm khu trung tâm, lần nào cũng bị điện giật tê điếng nhưng đi ngang lại muốn… đụng. Lúc đó đâu biết là điện giật, cũng không dám chạy về “méc” người nhà. Rồi đến lúc biết đó là điện giật thì cũng hơi muộn rồi, mấy cái bảng hiệu quảng cáo hết còn nhiễm điện và con bé ngày nào cũng quá bận rộn, hết hứng… chơi ngu. Nói chung, tuổi thơ của tôi tối thui!
Cúp điện hay không cúp thì đêm đêm hàng xóm lại rủ nhau ra sân tụ họp chuyện trò. Con nít cả quận hình như đều biết nhau. Còn bây chừ, cúp điện thì mạnh ai nấy xách xe đi chỗ khác tìm… hiện đại. Phải ở nhà thì… nhà ai nấy ở hoặc chỉ có vài ba “bà tám” tụ họp để nói xấu cả thế giới. Mà phải buổi chiều nha, tối chút thì ai cũng sợ cướp vô nhà, sợ trộm giựt đồ. Mạnh ai nấy bắc ghế ra ngồi trước cửa hóng mát, ngắm… cổng nhà mình. Trẻ con luôn là những sứ giả hòa bình, nếu không có smartphone trên tay có lẽ chúng cũng sẽ cùng chạy lăng quăng, nô đùa. Trước khi bị người nhà bắt lại, nhốt vì sợ bọn bắt cóc. Mấy con thú cưng hiếm khi được thả cửa vì chủ sợ bị thuốc vô trại chó hoặc quán thịt cầy thì cũng xông nhanh ra chào hỏi, tranh thủ giải quyết ân oán trước khi chủ kịp phát hiện. Côn trùng, cúp điện cũng kêu to hơn. Mọi thứ kết thúc khi có tiếng gào giòn giã theo “dây chuyền”: Có điện! Cả khu nhấp nháy đèn rồi sáng trưng. Con người biến mất. Tivi mở, smartphone hoạt động, các cánh cổng nhìn nhau lạnh lẽo. Bọn trẻ sớm quên nhau vì lời cảnh cáo của cha mẹ.
Người lớn sớm bỏ mặc nhau vì cơm áo gạo tiền. Những con thú cưng cũng dần xa lạ nhau vì hai chữ hiện đại con người tạo ra. Ai cũng có việc để làm để chơi nên hầu như những ánh đèn luôn sáng trưng, có lúc trắng đêm. Người ta nói “kẻ ăn không hết, người lần không ra” là vậy! Nếu ráng nhìn… xuống một chút, theo thống kê từ đầu năm. Khắp Việt Nam vẫn còn khoảng 2% số xã (tương đương hơn 182 xã) và khoảng 5% số nhà (tương đương hơn 4 triệu dân) chưa có điện, trong đó đa số là nhà nghèo, nhà đồng bào thiểu số, sống tập trung chủ yếu ở các vùng hẻo lánh. Bên cạnh còn nhiều khu vực tuy có điện nhưng lưới điện xây dựng quá lâu, cũ nát, mất an toàn, chất lượng điện năng tệ. Rồi cả những người vô gia cư hoặc nghèo đến nỗi không sử dụng điện để tiết kiệm tiền ở ngay giữa Sài Gòn này. Sơ sơ khoảng gần chục triệu dân phải đi ngủ sớm hoặc chịu cảnh tối thui từ đêm này qua đêm khác. Thế là họ đi… ngủ sớm. Có lẽ do vậy mà các vùng quê càng nghèo càng đông con nít và ông bà mình hồi xưa đẻ nhiều, ai cũng 6, 7 đến mười mấy người con chăng? Tiếc là ba má tôi chỉ kịp có mình tôi rồi rủ nhau bỏ rơi tôi cũng trong một đêm mưa to, trời tối thui. Ác cảm của tôi về bóng tối và trời mưa có lẽ bắt đầu từ đây. Tình cảm của con người ngày càng khó hiểu và phức tạp, tôi cũng không chắc mình sẽ vui hơn khi có một người anh hay một đứa em.
Khi có điện đóm đàng hoàng, ánh sáng văn minh chưa chắc có thể chiếu rọi tới chỗ mình ngồi. Có lẽ do tôi đã nhìn thấy quá nhiều sự chia rẽ, chém giết lẫn nhau của những người ruột thịt để giành giật danh tiếng, tài sản. Mặc dầu họ vốn không nghèo và họ cũng không thể ăn thêm một, hai chén cơm trong một bữa ăn hoặc mặc lên người mỗi lần ba, bốn bộ đồ nếu họ giàu thêm. Nhưng sự tham lam đã thổi tắt ánh sáng của tình cảm. Lòng dạ con người chính là nơi không có nguồn điện nào thắp sáng được. Mất đi ba má tôi không thêm gì cả, nhưng nếu có thêm một người thân mà cũng như không thì có lẽ cả hai sẽ mất rất nhiều.
Anh em trong nhà còn có thể như vậy thì chắc không ai có thể trách xã hội đối xử bất công với mình. Từ khi bước ra đời, chính tôi cũng nhận thấy xã hội không ai được dạy đóng góp vô quỹ cộng đồng. Nhưng đều nhìn thấy và học được ai cũng ra sức bóc lột người khác. Từ đó hiểu rằng mình không lấy thì đứa khác nhào vô lấy. Suy nghĩ tạo hành động, hành động tạo thói quen, thói quen thành tập tính. Tập tính tạo ra lịch sử, truyền thống. Cuối cùng nạn nhân là tôi, chúng ta, là con cháu của tôi, của chúng ta. Mà thủ phạm cũng chính là nạn nhân. Một xã hội di truyền tính… nhân bản. Nhân bản một cái xấu thành vô vàn cái tệ. Nhân bản sự… cúp điện.
Sau mấy tiếng chịu đựng, mặt trời đang nhú lên bên kia bờ kênh Nhiêu Lộc. Hình như tôi chưa bao giờ ngắm bình minh, chưa bao giờ thấy ánh sáng tự nhiên thật ấm áp và đẹp như vậy. Có thể vì tôi vừa sống trong bóng tối nhiều giờ như lời ai đó nói, nhiều cái khi mất đi mình mới cảm thấy tiếc. Ví dụ giờ nhìn chùm dây điện cuộn tròn trước mặt tôi cũng thấy… dễ chịu hơn. Nhưng khá mâu thuẫn vì khi sờ xuống bụng, tôi bỗng hạnh phúc gấp… tám lần, phát hiện sau một đêm vật vã. Mỡ thừa ở bụng đã… vơi đi ít nhiều! Thôi thì… cúp điện thêm hai ba bữa chắc… không sao!
DU
( Báo Trẻ )
CÚP ĐIỆN *
Mưa ròng rã từ chiều đến khuya vẫn chưa có dấu hiệu ngưng. Chừng vài chục năm sau, nếu còn sống. Tôi sẽ kể cháu mình nghe: Sài Gòn 2016, cơn mưa to đầu tiên trong ký ức bà xảy ra vào cuối tháng 9, khi ấy bà là hoa hậu hẻm! Cái hẻm đó chừng hai căn nhà. Bà đã thức trắng đêm để tổng hợp những ưu điểm của mình. Thật ra ngoài lý do ưu điểm của bà có quá nhiều thì lý do chính là mưa to quá bà không ngủ được, bà ghét mưa hơn cả những đứa đẹp hơn bà…. Mở đầu như vậy đi, còn thân bài, kết luận phải chờ coi… sao! (Biết đâu, ngày mai hoặc ngay trận mưa sau, tôi lại gặp cơn mưa… lớn nhất khác thì sao? Ai không nói tình yêu này là duy nhất khi chưa tìm được cái tình yêu… duy nhất tiếp theo?)
Với tiêu chí sống để ăn, tôi khổ sở chống chọi cơn đói, đừng hỏi tại sao đang than thở đêm khuya mưa bão tôi lại quay qua kêu đói, bạn đã sai lầm ngay từ đầu khi tìm kiếm sự lô gíc từ tôi. Chưa kể bi kịch luôn trêu chọc con người bằng cách đi có cặp về có đôi. Khi những tấm kính run rẩy vì gió giật, cơ môi run rẩy vì đói, ánh sáng duy nhất tôi nhận được là từ những tia sét. Tôi có ấn tượng khá sâu hai câu chuyện đọc ở mục “truyện vui” trong một cuốn sách giới thiệu du lịch Việt Nam sau ghế máy bay. Thứ nhất kể về việc khách Tây nhầm chữ Cam Dai Bay trên các đường phố khắp nước là một loại vịnh như Ha Long Bay. Và chuyện thứ hai nói nước mình đoạt cũng nhiều Cúp vô địch thế giới, nhưng có hai cái Cúp vô địch nhất là Cúp điện và Cúp nước. Tôi đang nằm trong… câu chuyện thứ hai.
Sống khá độc lập từ nhỏ nên rất dễ dạy. Và cũng không biết cuộc sống thành thị đã dạy hư tôi từ khi nào, khiến sự lười nhác và ỷ lại vào các phương tiện hiện đại ngày càng bự. Nơi ở của tôi thuộc trung tâm, nhà nào cũng kinh doanh, ai cũng sử dụng hai nguồn điện từ hai công ty cấp điện khác nhau. Việc sử dụng điện gần gũi, quen thuộc khiến thị dân quên luôn sự quan trọng của điện. Nên việc chuẩn bị đèn, nến, bếp than BBQ cho một buổi tối cúp điện… lãng mạn không nằm trong “menu” cuộc sống của tôi chắc cũng hơn chục năm rồi. Dĩ nhiên trong suốt khoảng thời gian dài đó tôi cũng đã trải qua rất nhiều lần cúp điện, nhưng chưa bao giờ được nhiều người… biết như hôm nay!
Tuy còn trẻ, nhưng tôi vừa đủ tuổi để trải qua tuổi thơ đèn dầu, bếp củi nên hai chữ cúp điện khá… tầm thường. Nhưng để chịu đựng một đêm cúp điện khi đói bụng, mưa gió ầm ĩ thế này thì tôi cần phi thường hơn, một chút xíu thôi. Tuổi thơ tôi là con nhỏ gầy nhom, mắt to bằng 2/3 khuôn mặt. Chả hiểu sao tôi đặc biệt có niềm đam mê đốt… bếp. (Ðốt bếp và nấu ăn là hai khái niệm hoàn toàn xa lạ) Canh nhà bếp không có ai là chui vô chổng mông thổi đến khi cái mặt đầy bụi tro, nhìn cái tàn lửa bay lên, lòng dâng lên niềm thích thú vô bờ. Sau khi tập tành nhóm lửa hoài không xong, còn bị cấm vô bếp vì làm hao diêm. Tôi đã sung sướng không biết bao nhiêu mà kể khi tự thấy mình quá thông thái, gom hết tim đèn dầu mẹ mua để dành xài từ nay đến… Tết nhúng dầu hôi mang ra… nhóm lửa. Nhìn mấy cây củi mập mạp còn hơi ẩm vẫn có thể cháy nổ lốp đốp mà quên luôn bị cấm, đi khoe khoang khắp nhà. Sau đó bữa tối “ở thầm” tại chợ thì xa, cùng với cái mông suýt đỏ, vì toàn bị hăm he chứ không ai nỡ đánh một cô bé đáng yêu “chịu khó” như mình. Nói chứ cũng bị bắt đứng úp mặt vô tường, cái tường đen thui trong căn nhà tối thui chứa không biết bao nhiêu thắc mắc… trên trời của tôi. Bên cạnh là tiếng quạt lá đong đưa theo tiếng võng tre cọt kẹt pha nhẹ tiếng rầm rì trách móc, đều đều, đều đều như cơn gió.
Tuổi thơ của tôi cũng có lũ con nít chen chúc bu vô xem “vô tuyến truyền hình” trên cái tidi đen trắng cà giật duy nhất trong xóm, trong khi người lớn túm tụm ngoài sân vì phải tắt hết điện đóm mới đủ công suất phục vụ tidi chạy hình. Tôi không thích chơi với… bọn trẻ ranh nên ngồi trong lòng mẹ hóng chuyện.
Người lớn lúc nào cũng nơm nớp sợ đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Tôi nghe không hiểu hết nhưng lòng thầm ước đừng lớn lên, làm người lớn thật quá sức với một… con bé như tôi. Từ trách cứ cuộc sống riêng đến trách xã hội đương thời. Than chuyện giá cả leo thang, sưu cao thuế nặng, nhà mất người bị bắt… xong rủ nhau chuyển đi nơi khác làm ăn hoặc khuyên nhau ở lại. Tiếp theo là trách mùa mưa đang đến, nỗi lo dây điện được nối trên các cây tre, bạch đàn có thể đứt bất kỳ lúc nào còn cao hơn nỗi sợ bọn con nít bị điện giật vì mỗi lúc cao điểm, điện chưa chắc đủ nung đỏ dây tóc đèn tròn. Có những nhà dây điện chỉ để ngó vì điện không đủ “câu” đến tận sâu trong hẻm.
Tuổi thơ tôi có những buổi chiều cuốc bộ từ trường về nhà, chơi ngu đụng vô mấy bảng quảng cáo gắng đèn màu ở mấy căn tiệm khu trung tâm, lần nào cũng bị điện giật tê điếng nhưng đi ngang lại muốn… đụng. Lúc đó đâu biết là điện giật, cũng không dám chạy về “méc” người nhà. Rồi đến lúc biết đó là điện giật thì cũng hơi muộn rồi, mấy cái bảng hiệu quảng cáo hết còn nhiễm điện và con bé ngày nào cũng quá bận rộn, hết hứng… chơi ngu. Nói chung, tuổi thơ của tôi tối thui!
Cúp điện hay không cúp thì đêm đêm hàng xóm lại rủ nhau ra sân tụ họp chuyện trò. Con nít cả quận hình như đều biết nhau. Còn bây chừ, cúp điện thì mạnh ai nấy xách xe đi chỗ khác tìm… hiện đại. Phải ở nhà thì… nhà ai nấy ở hoặc chỉ có vài ba “bà tám” tụ họp để nói xấu cả thế giới. Mà phải buổi chiều nha, tối chút thì ai cũng sợ cướp vô nhà, sợ trộm giựt đồ. Mạnh ai nấy bắc ghế ra ngồi trước cửa hóng mát, ngắm… cổng nhà mình. Trẻ con luôn là những sứ giả hòa bình, nếu không có smartphone trên tay có lẽ chúng cũng sẽ cùng chạy lăng quăng, nô đùa. Trước khi bị người nhà bắt lại, nhốt vì sợ bọn bắt cóc. Mấy con thú cưng hiếm khi được thả cửa vì chủ sợ bị thuốc vô trại chó hoặc quán thịt cầy thì cũng xông nhanh ra chào hỏi, tranh thủ giải quyết ân oán trước khi chủ kịp phát hiện. Côn trùng, cúp điện cũng kêu to hơn. Mọi thứ kết thúc khi có tiếng gào giòn giã theo “dây chuyền”: Có điện! Cả khu nhấp nháy đèn rồi sáng trưng. Con người biến mất. Tivi mở, smartphone hoạt động, các cánh cổng nhìn nhau lạnh lẽo. Bọn trẻ sớm quên nhau vì lời cảnh cáo của cha mẹ.
Người lớn sớm bỏ mặc nhau vì cơm áo gạo tiền. Những con thú cưng cũng dần xa lạ nhau vì hai chữ hiện đại con người tạo ra. Ai cũng có việc để làm để chơi nên hầu như những ánh đèn luôn sáng trưng, có lúc trắng đêm. Người ta nói “kẻ ăn không hết, người lần không ra” là vậy! Nếu ráng nhìn… xuống một chút, theo thống kê từ đầu năm. Khắp Việt Nam vẫn còn khoảng 2% số xã (tương đương hơn 182 xã) và khoảng 5% số nhà (tương đương hơn 4 triệu dân) chưa có điện, trong đó đa số là nhà nghèo, nhà đồng bào thiểu số, sống tập trung chủ yếu ở các vùng hẻo lánh. Bên cạnh còn nhiều khu vực tuy có điện nhưng lưới điện xây dựng quá lâu, cũ nát, mất an toàn, chất lượng điện năng tệ. Rồi cả những người vô gia cư hoặc nghèo đến nỗi không sử dụng điện để tiết kiệm tiền ở ngay giữa Sài Gòn này. Sơ sơ khoảng gần chục triệu dân phải đi ngủ sớm hoặc chịu cảnh tối thui từ đêm này qua đêm khác. Thế là họ đi… ngủ sớm. Có lẽ do vậy mà các vùng quê càng nghèo càng đông con nít và ông bà mình hồi xưa đẻ nhiều, ai cũng 6, 7 đến mười mấy người con chăng? Tiếc là ba má tôi chỉ kịp có mình tôi rồi rủ nhau bỏ rơi tôi cũng trong một đêm mưa to, trời tối thui. Ác cảm của tôi về bóng tối và trời mưa có lẽ bắt đầu từ đây. Tình cảm của con người ngày càng khó hiểu và phức tạp, tôi cũng không chắc mình sẽ vui hơn khi có một người anh hay một đứa em.
Khi có điện đóm đàng hoàng, ánh sáng văn minh chưa chắc có thể chiếu rọi tới chỗ mình ngồi. Có lẽ do tôi đã nhìn thấy quá nhiều sự chia rẽ, chém giết lẫn nhau của những người ruột thịt để giành giật danh tiếng, tài sản. Mặc dầu họ vốn không nghèo và họ cũng không thể ăn thêm một, hai chén cơm trong một bữa ăn hoặc mặc lên người mỗi lần ba, bốn bộ đồ nếu họ giàu thêm. Nhưng sự tham lam đã thổi tắt ánh sáng của tình cảm. Lòng dạ con người chính là nơi không có nguồn điện nào thắp sáng được. Mất đi ba má tôi không thêm gì cả, nhưng nếu có thêm một người thân mà cũng như không thì có lẽ cả hai sẽ mất rất nhiều.
Anh em trong nhà còn có thể như vậy thì chắc không ai có thể trách xã hội đối xử bất công với mình. Từ khi bước ra đời, chính tôi cũng nhận thấy xã hội không ai được dạy đóng góp vô quỹ cộng đồng. Nhưng đều nhìn thấy và học được ai cũng ra sức bóc lột người khác. Từ đó hiểu rằng mình không lấy thì đứa khác nhào vô lấy. Suy nghĩ tạo hành động, hành động tạo thói quen, thói quen thành tập tính. Tập tính tạo ra lịch sử, truyền thống. Cuối cùng nạn nhân là tôi, chúng ta, là con cháu của tôi, của chúng ta. Mà thủ phạm cũng chính là nạn nhân. Một xã hội di truyền tính… nhân bản. Nhân bản một cái xấu thành vô vàn cái tệ. Nhân bản sự… cúp điện.
Sau mấy tiếng chịu đựng, mặt trời đang nhú lên bên kia bờ kênh Nhiêu Lộc. Hình như tôi chưa bao giờ ngắm bình minh, chưa bao giờ thấy ánh sáng tự nhiên thật ấm áp và đẹp như vậy. Có thể vì tôi vừa sống trong bóng tối nhiều giờ như lời ai đó nói, nhiều cái khi mất đi mình mới cảm thấy tiếc. Ví dụ giờ nhìn chùm dây điện cuộn tròn trước mặt tôi cũng thấy… dễ chịu hơn. Nhưng khá mâu thuẫn vì khi sờ xuống bụng, tôi bỗng hạnh phúc gấp… tám lần, phát hiện sau một đêm vật vã. Mỡ thừa ở bụng đã… vơi đi ít nhiều! Thôi thì… cúp điện thêm hai ba bữa chắc… không sao!
DU
( Báo Trẻ )