Tham Khảo
Các nhà kinh tế hãy thừa nhận mặt trái của thương mại
Nguồn: Dani Rodrik, “Traight talk on trade”, Project Syndicate, 15/11/2016.
Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Liệu có phải các nhà kinh tế cũng chịu một phần trách nhiệm cho chiến thắng đầy bất ngờ của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua? Ngay cả khi không ngăn cản Trump, lẽ ra họ cũng đã có thể gây ảnh hưởng lớn hơn tới dư luận nếu cứ kiên trì với các nguyên tắc trong ngành học của mình, thay vì ủng hộ những người hô hào cho phong trào toàn cầu hóa.
Khi cuốn sách “Liệu toàn cầu hóa đã đi quá xa?” (Has Globalization gone too far?) của tôi được xuất bản gần hai thập niên trước, tôi đã đến gặp một nhà kinh tế học nổi tiếng để nhờ viết lời khen trên bìa sau của cuốn sách. Trong cuốn sách tôi có nói rằng, trong bối cảnh không có một phản ứng có phối hợp của chính phủ, toàn cầu hóa quá mức sẽ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ xã hội, làm trầm trọng thêm các vấn đề về phân phối thu nhập, và làm yếu đi các lợi ích xã hội trong nước – những lập luận đã trở thành điều được thừa nhận phổ biến hiện nay.
Vị học giả đã phủ định. Ông nói ông không thực sự phản đối các phân tích của tôi, nhưng lo lắng rằng cuốn sách có thể sẽ “giao trứng cho ác”. Những người theo chủ nghĩa bảo hộ sẽ bám vào những luận điểm của cuốn sách về hạn chế của toàn cầu hóa nhằm biện hộ cho mục tiêu chính sách hạn hẹp và ích kỷ của mình.
Tôi vẫn nhận được những phản ứng tương tự như vậy từ những đồng nghiệp của mình. Một người trong số họ sẽ ngập ngừng giơ tay lên sau khi nghe buổi nói chuyện của tôi và hỏi: Anh không sợ những luận điểm của mình sẽ bị lợi dụng để phục vụ cho những kẻ mị dân và những người theo chủ nghĩa dân túy mà chính anh đang phản đối?
Những luận điểm bị lợi dụng bởi những người mà ta phản đối là một rủi ro thường trực. Nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao nhiều học giả kinh tế lại tin rằng điều này nghĩa là chúng ta chỉ nên đưa những quan điểm về thương mại đi theo một hướng cố định. Có vẻ như nó đã trở thành mặc định ngầm rằng “người ác” chỉ ở về một bên trong cuộc tranh luận về thương mại. Rõ ràng, những người phản đối các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới hay những hiệp định thương mại là những kẻ theo chủ nghĩa bảo hộ xấu xa, còn người ủng hộ lại ở phía những thiên thần.
Thực tế là, rất nhiều người ủng hộ thương mại không phải là không bị dẫn dắt bởi những tính toán hạn hẹp và ích kỷ như vậy. Các công ty dược đeo đuổi những quy tắc khắc nghiệt hơn về bằng sáng chế, các ngân hàng thúc đẩy quyền thâm nhập không giới hạn vào các thị trường nước ngoài, hay những công ty đa quốc gia đang tìm kiếm những tòa án trọng tài đặc biệt cũng chẳng quan tâm hơn tới lợi ích công chúng so với những người theo chủ nghĩa bảo hộ được bao nhiêu. Vì vậy, khi các nhà kinh tế học định kiến quan điểm của mình, trên thực tế họ đã ưu tiên một nhóm “người ác” này hơn một nhóm “người ác” khác.
Việc các nhà kinh tế học nên bảo vệ thương mại và không nên đào quá sâu vào các điều khoản chi tiết từ lâu đã trở thành luật bất thành văn. Điều này đã tạo ra một tình huống đáng tò mò. Mô hình tiêu chuẩn của thương mại mà các học giả kinh tế sử dụng thường gây ra những hiệu ứng về phân phối thu nhập sâu sắc: thu nhập bị mất của một số các nhóm nhà sản xuất hay công nhân nhất định là mặt trái của “lợi ích từ thương mại”. Và các nhà kinh tế học từ lâu đã biết rằng những thất bại thị trường – bao gồm sự yếu kém của thị trường lao động, sự phi hoàn hảo của thị trường tín dụng, các phí tổn ngoại ứng về kiến thức hoặc môi trường, và tình trạng độc quyền – có thể cản trở việc gặt hái những lợi ích đó.
Họ cũng biết rằng việc các lợi ích kinh tế của các hiệp định thương mại vượt ra ngoài biên giới để hình thành những quy tắc nội địa ở các nước khác – như việc thắt chặt luật về bằng sáng chế hay việc hài hòa hóa các quy định về sức khỏe và an toàn – về cơ bản là điều không rõ ràng.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học vẫn được tin tưởng để rồi nhắc đi nhắc lại những điều kỳ diệu mà lợi thế so sánh và thương mại tự do mang lại bất cứ khi nào các hiệp định thương mại được ký kết. Họ vẫn luôn giảm thiểu những quan ngại về vấn đề phân phối thu nhập, mặc dù rõ ràng là ảnh hưởng tới phân phối thu nhập của những hiệp định như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ hay sự gia nhập của Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là rất quan trọng đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp nhất tại Hoa Kỳ. Họ cũng nói quá về mức độ lợi ích tổng thể từ các hiệp định thương mại, dù cho những lợi ích đạt được là khá nhỏ, ít nhất là kể từ những năm 1990. Họ vẫn đang ủng hộ cho một chiến dịch tuyên truyền miêu tả thương mại ngày nay như những “hiệp định thương mại tự do”, mặc dù Adam Smith và David Ricardo sẽ đội mồ đứng dậy nếu họ đọc được văn bản Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Sự miễn cưỡng không muốn thành thật về thương mại đã khiến các nhà kinh tế phải đánh đổi cả sự khả tín của mình đối với công chúng. Tồi tệ hơn, nó còn làm lợi cho luận điệu của chính những đối thủ của họ. Sự thất bại của các nhà kinh tế trong việc đưa ra một bức tranh thương mại toàn cảnh, với tất cả những cảnh báo về mặt trái cần thiết, đã khiến việc bôi xấu thương mại một cách sai trái trở nên dễ dàng hơn, gây ra đủ thứ tác động tiêu cực.
Ví dụ, mặc dù thương mại gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc gia tăng tình trạng bất bình đẳng thu nhập, nhưng nó cũng chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn tới xu hướng đó – có thể chỉ là một yếu tố nhỏ, so với yếu tố công nghệ. Nếu các học giả thẳng thắn hơn về mặt tiêu cực của thương mại ngay từ đầu, họ đã có thể có được uy tín cao hơn trong vai trò những người “môi giới chân thật” trong vấn đề này.
Tương tự như vậy, chúng ta cũng đã có thể có một cuộc thảo luận mở nhiều thông tin hơn về vấn đề phá giá lao động nếu như các nhà kinh tế sẵn lòng thừa nhận rằng nhập khẩu từ các quốc gia nơi mà quyền lợi của người lao động không được bảo vệ sẽ làm dấy lên câu hỏi về sự công bằng trong phân phối thu nhập. Nếu vậy, chúng ta cũng đã có thể phân biệt được các trường hợp khi mà mức lương thấp tại những quốc gia nghèo phản ánh năng suất thấp với những trường hợp lương thấp do quyền lợi người lao động bị xâm phạm. Và phần lớn thương mại không gây ra những lo ngại như thế có thể đã không bị đánh đồng với “thương mại bất bình đẳng”.
Cũng giống như vậy, nếu các nhà kinh tế lắng nghe những lời phản biện cảnh báo về tình trạng thao túng tiền tệ, mất cân bằng thương mại, và thực trạng mất việc làm, thay vì chỉ bám vào những mô hình vốn gạt đi những vấn đề này, thì họ đã có thể phản đối những tuyên bố quá lời về ảnh hưởng tiêu cực của các thỏa thuận thương mại lên tình trạng việc làm một cách tốt hơn.
Tóm lại, nếu các nhà kinh tế công khai những cảnh báo về mặt trái, sự thiếu chắc chắn và nghi ngờ của mình ra bên ngoài phòng hội thảo, họ có thể đã trở thành những người bảo vệ tốt hơn cho nền kinh tế thế giới. Không may, nhiệt huyết của họ nhằm bảo vệ thương mại khỏi kẻ địch đã phản tác dụng. Nếu những chính trị gia mị dân đưa ra những tuyên bố phi lý về thương mại bây giờ lại đang được lắng nghe – và, tại Mỹ hay các nơi khác, đã giành được quyền lực thật sự – thì chính các vị học giả kinh tế xứng đáng phải nhận một phần trách nhiệm.
Dani Rodrik là giáo sư ngành kinh tế chính trị quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy, và gần đây nhất là cuốn Economics Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Staight talk on Trade
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
Các nhà kinh tế hãy thừa nhận mặt trái của thương mại
Nguồn: Dani Rodrik, “Traight talk on trade”, Project Syndicate, 15/11/2016.
Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Liệu có phải các nhà kinh tế cũng chịu một phần trách nhiệm cho chiến thắng đầy bất ngờ của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua? Ngay cả khi không ngăn cản Trump, lẽ ra họ cũng đã có thể gây ảnh hưởng lớn hơn tới dư luận nếu cứ kiên trì với các nguyên tắc trong ngành học của mình, thay vì ủng hộ những người hô hào cho phong trào toàn cầu hóa.
Khi cuốn sách “Liệu toàn cầu hóa đã đi quá xa?” (Has Globalization gone too far?) của tôi được xuất bản gần hai thập niên trước, tôi đã đến gặp một nhà kinh tế học nổi tiếng để nhờ viết lời khen trên bìa sau của cuốn sách. Trong cuốn sách tôi có nói rằng, trong bối cảnh không có một phản ứng có phối hợp của chính phủ, toàn cầu hóa quá mức sẽ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ xã hội, làm trầm trọng thêm các vấn đề về phân phối thu nhập, và làm yếu đi các lợi ích xã hội trong nước – những lập luận đã trở thành điều được thừa nhận phổ biến hiện nay.
Vị học giả đã phủ định. Ông nói ông không thực sự phản đối các phân tích của tôi, nhưng lo lắng rằng cuốn sách có thể sẽ “giao trứng cho ác”. Những người theo chủ nghĩa bảo hộ sẽ bám vào những luận điểm của cuốn sách về hạn chế của toàn cầu hóa nhằm biện hộ cho mục tiêu chính sách hạn hẹp và ích kỷ của mình.
Tôi vẫn nhận được những phản ứng tương tự như vậy từ những đồng nghiệp của mình. Một người trong số họ sẽ ngập ngừng giơ tay lên sau khi nghe buổi nói chuyện của tôi và hỏi: Anh không sợ những luận điểm của mình sẽ bị lợi dụng để phục vụ cho những kẻ mị dân và những người theo chủ nghĩa dân túy mà chính anh đang phản đối?
Những luận điểm bị lợi dụng bởi những người mà ta phản đối là một rủi ro thường trực. Nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao nhiều học giả kinh tế lại tin rằng điều này nghĩa là chúng ta chỉ nên đưa những quan điểm về thương mại đi theo một hướng cố định. Có vẻ như nó đã trở thành mặc định ngầm rằng “người ác” chỉ ở về một bên trong cuộc tranh luận về thương mại. Rõ ràng, những người phản đối các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới hay những hiệp định thương mại là những kẻ theo chủ nghĩa bảo hộ xấu xa, còn người ủng hộ lại ở phía những thiên thần.
Thực tế là, rất nhiều người ủng hộ thương mại không phải là không bị dẫn dắt bởi những tính toán hạn hẹp và ích kỷ như vậy. Các công ty dược đeo đuổi những quy tắc khắc nghiệt hơn về bằng sáng chế, các ngân hàng thúc đẩy quyền thâm nhập không giới hạn vào các thị trường nước ngoài, hay những công ty đa quốc gia đang tìm kiếm những tòa án trọng tài đặc biệt cũng chẳng quan tâm hơn tới lợi ích công chúng so với những người theo chủ nghĩa bảo hộ được bao nhiêu. Vì vậy, khi các nhà kinh tế học định kiến quan điểm của mình, trên thực tế họ đã ưu tiên một nhóm “người ác” này hơn một nhóm “người ác” khác.
Việc các nhà kinh tế học nên bảo vệ thương mại và không nên đào quá sâu vào các điều khoản chi tiết từ lâu đã trở thành luật bất thành văn. Điều này đã tạo ra một tình huống đáng tò mò. Mô hình tiêu chuẩn của thương mại mà các học giả kinh tế sử dụng thường gây ra những hiệu ứng về phân phối thu nhập sâu sắc: thu nhập bị mất của một số các nhóm nhà sản xuất hay công nhân nhất định là mặt trái của “lợi ích từ thương mại”. Và các nhà kinh tế học từ lâu đã biết rằng những thất bại thị trường – bao gồm sự yếu kém của thị trường lao động, sự phi hoàn hảo của thị trường tín dụng, các phí tổn ngoại ứng về kiến thức hoặc môi trường, và tình trạng độc quyền – có thể cản trở việc gặt hái những lợi ích đó.
Họ cũng biết rằng việc các lợi ích kinh tế của các hiệp định thương mại vượt ra ngoài biên giới để hình thành những quy tắc nội địa ở các nước khác – như việc thắt chặt luật về bằng sáng chế hay việc hài hòa hóa các quy định về sức khỏe và an toàn – về cơ bản là điều không rõ ràng.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học vẫn được tin tưởng để rồi nhắc đi nhắc lại những điều kỳ diệu mà lợi thế so sánh và thương mại tự do mang lại bất cứ khi nào các hiệp định thương mại được ký kết. Họ vẫn luôn giảm thiểu những quan ngại về vấn đề phân phối thu nhập, mặc dù rõ ràng là ảnh hưởng tới phân phối thu nhập của những hiệp định như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ hay sự gia nhập của Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là rất quan trọng đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp nhất tại Hoa Kỳ. Họ cũng nói quá về mức độ lợi ích tổng thể từ các hiệp định thương mại, dù cho những lợi ích đạt được là khá nhỏ, ít nhất là kể từ những năm 1990. Họ vẫn đang ủng hộ cho một chiến dịch tuyên truyền miêu tả thương mại ngày nay như những “hiệp định thương mại tự do”, mặc dù Adam Smith và David Ricardo sẽ đội mồ đứng dậy nếu họ đọc được văn bản Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Sự miễn cưỡng không muốn thành thật về thương mại đã khiến các nhà kinh tế phải đánh đổi cả sự khả tín của mình đối với công chúng. Tồi tệ hơn, nó còn làm lợi cho luận điệu của chính những đối thủ của họ. Sự thất bại của các nhà kinh tế trong việc đưa ra một bức tranh thương mại toàn cảnh, với tất cả những cảnh báo về mặt trái cần thiết, đã khiến việc bôi xấu thương mại một cách sai trái trở nên dễ dàng hơn, gây ra đủ thứ tác động tiêu cực.
Ví dụ, mặc dù thương mại gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc gia tăng tình trạng bất bình đẳng thu nhập, nhưng nó cũng chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn tới xu hướng đó – có thể chỉ là một yếu tố nhỏ, so với yếu tố công nghệ. Nếu các học giả thẳng thắn hơn về mặt tiêu cực của thương mại ngay từ đầu, họ đã có thể có được uy tín cao hơn trong vai trò những người “môi giới chân thật” trong vấn đề này.
Tương tự như vậy, chúng ta cũng đã có thể có một cuộc thảo luận mở nhiều thông tin hơn về vấn đề phá giá lao động nếu như các nhà kinh tế sẵn lòng thừa nhận rằng nhập khẩu từ các quốc gia nơi mà quyền lợi của người lao động không được bảo vệ sẽ làm dấy lên câu hỏi về sự công bằng trong phân phối thu nhập. Nếu vậy, chúng ta cũng đã có thể phân biệt được các trường hợp khi mà mức lương thấp tại những quốc gia nghèo phản ánh năng suất thấp với những trường hợp lương thấp do quyền lợi người lao động bị xâm phạm. Và phần lớn thương mại không gây ra những lo ngại như thế có thể đã không bị đánh đồng với “thương mại bất bình đẳng”.
Cũng giống như vậy, nếu các nhà kinh tế lắng nghe những lời phản biện cảnh báo về tình trạng thao túng tiền tệ, mất cân bằng thương mại, và thực trạng mất việc làm, thay vì chỉ bám vào những mô hình vốn gạt đi những vấn đề này, thì họ đã có thể phản đối những tuyên bố quá lời về ảnh hưởng tiêu cực của các thỏa thuận thương mại lên tình trạng việc làm một cách tốt hơn.
Tóm lại, nếu các nhà kinh tế công khai những cảnh báo về mặt trái, sự thiếu chắc chắn và nghi ngờ của mình ra bên ngoài phòng hội thảo, họ có thể đã trở thành những người bảo vệ tốt hơn cho nền kinh tế thế giới. Không may, nhiệt huyết của họ nhằm bảo vệ thương mại khỏi kẻ địch đã phản tác dụng. Nếu những chính trị gia mị dân đưa ra những tuyên bố phi lý về thương mại bây giờ lại đang được lắng nghe – và, tại Mỹ hay các nơi khác, đã giành được quyền lực thật sự – thì chính các vị học giả kinh tế xứng đáng phải nhận một phần trách nhiệm.
Dani Rodrik là giáo sư ngành kinh tế chính trị quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy, và gần đây nhất là cuốn Economics Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Staight talk on Trade