Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại
Cách nói Nam bộ
Chúng ta đều biết, “di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”(1).
Để coi trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống, thiết nghĩ điều tiên quyết tất yếu là không thể không có trong tay di sản văn hóa vô giá ấy, bởi đó chính là bản sắc của dân tộc.
Trong chiều hướng đó, xin được trình lại những ghi nhận của mình về sự biểu tỏ tình cảm qua cách nói, kiểu cười của người Nam Bộ, nhưng không phân tích về tâm trạng, ý nghĩa bởi tự thân của những từ về cách nói, kiểu cười đã diễn đạt được nội dung, tuy nhiên đối với những “kiểu; cách” hơi khó hiểu hoặc dễ nhầm lẫn, người viết không thể không ghi thêm – tất nhiên rất sơ lược.
Nói và cười là nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người, của mỗi dân tộc. Dân tộc nào cũng thích cười vui, cũng xem nói năng (ngôn luận) là điều quan trọng, không chỉ hết sức cần thiết mà còn quan tâm phát triển thành một nghệ thuật (đặc biệt là nghệ thuật nói trước công chúng). Báo chí (các cơ quan ngôn luận), đài tiếng nói (cơ quan tuyên truyền, giải trí) và cả đến điện thoại (công cộng và cá nhân) đua nhau “phủ sóng” cho thấy “cái sự nói” là nhu cầu vô cùng bức thiết cuộc sống con người. Nhưng phải đâu dân tộc nào cũng có cách nói, kiểu cười như nhau? Đã khác thì, với dân tộc Việt Nam nói chung, người Việt Nam Bộ nói riêng, hẳn phải có cái bản sắc độc đáo của nó. Bản sắc văn hóa ấy, chung nhất là cực kỳ phong phú và đa dạng.
Đất Nam Bộ cò bay mỏi cánh, cảnh quan sông nước hữu tình, khoáng đạt, gần như nơi nào cũng được thiên nhiên ưu đãi… Để có được một vùng đất “trên cơm dưới cá”, con người ở đây không thể không “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới chinh phục được thiên nhiên, và đã hy sinh biết bao xương máu trong việc chống lại sự áp bức từ mọi phía, mới ổn định cuộc sống như hôm nay.
Người Nam Bộ nổi tiếng cần cù, chăm chỉ, chí thú làm ăn, lại rất thật thà, chất phác. Trong cuộc sống họ luôn đoàn kết, tương trợ, mang đến cho nhau những điều tốt lành. Họ cũng nổi tiếng là vui tính, lạc quan và… xả láng! “Còn chơi hết thôi”, ít chịu hơn thua, thu vén, cũng không quen chứa cất.
Họ nói ít, làm nhiều, ghét quanh co, không “vòng vo Tam quốc”, cũng chẳng thích nói chuyện trên trời dưới đất, kiểu “truyện Phong thần”, mà nghĩ sao nói vậy.
Khoái trá thì cười khả khả, sảng khoái; không đồng tình, hay bất bình… họ cũng cười, nhưng là cái cười rất riêng, rất đặc trưng. Những cái cười như thế nếu không phải là người sống ở Nam Bộ thì khó mà hiểu được hết ý nghĩa cái cười của họ.
Các cách nói
“Nói”, đối với dân tộc Việt Nam nói chung, người Việt Nam Bộ nói riêng, phải đâu chỉ là một cách dùng lời lẽ để kể lể, truyền đạt mà với họ, nói là cả một nghệ thuật – nghệ thuật biểu tỏ. Qua đó người ta có thể biết rõ được tâm ý với điều kiện kẻ trực tiếp đối diện/đối thoại nhứt thiết phải là người được sinh ra và lớn lên ngay trong môi trường sinh hoạt của cộng đồng. Bởi vì, nếu là người nước ngoài, cho dù “sành tiếng Việt hơn cả người Việt” cũng không tài gì lĩnh hội được một cách trọn vẹn cái tâm ý sâu xa của họ.
Bởi thường thì khi nghe ai nói điều gì, cho dù sâu sắc, người ta chỉ cần phân tích để nắm bắt được cái ý của câu nói ấy là đã quá đủ, nhưng với người Nam Bộ thì không hề đơn giản. Họ có những cách nói mà người ngoài cuộc khi mới nghe qua, tưởng chừng như rất bình thường nhưng sự thật là vô cùng “bí hiểm”. Chúng ta còn nhớ, khi ông Trần Văn Thành (Đạo Lành, ở An Giang) chiêu mộ nghĩa binh chống Pháp, ông và những người trong đạo truyền rao rằng: “Đời sắp tới rồi, anh em hãy ráng lo tu hành, làm việc nghĩa”. Bọn Pháp nghe, tưởng mấy ông đạo tung tin nhảm là trời sắp sập, rủ nhau đi tu, làm lành, làm phước. Họ có dè đâu đời tới là đã đến lúc mọi người phải đứng lên tiêu diệt bọn xâm lược (để đổi đời); lo tu hành là thiết thực thực hành ân đất nước – một trong bốn ân lớn mà người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương phải đền đáp; làm việc nghĩa là đánh Pháp cứu dân, cứu nước. Chính vì không hiểu cách “nói ý hiểu tứ” (không phải nói “tiếng lóng”) của người Nam Bộ nên cuộc khởi nghĩa Bãi Thưa đã nổ ra trên diện rộng, gay thanh thế lớn một thời!
Người Nam Bộ hãy còn nhiều cách nói rất riêng, chẳng hạn như:
+ Nói trại:
Do kính sợ Trời Đất, khi buột phải kêu than, người ta không kêu “Trời Đất ơi!” sợ có lỗi, mà kêu “Trèn Đét ơi!” (hoặc “quá Trèn quá Đét”). Hay “Thánh Thiền ơi” (không kêu Thánh Thần, vì sợ Thần trừng phạt – còn thánh thì dễ vì… người phàm!). (còn đọc là Chèn đét ơi! – chú thích bởi sggdpost)
+ Nói tránh:
Thay vì nói/gọi đúng tên một nhân vật lịch sử có công to với dân với nước, như Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính người ta gọi Nguyễn Hữu Cảnh (nói trại nhiều lần: Kính => Kỉnh =>Kiểng => Cảnh). Hoặc ông Nguyễn Văn Thụy người ta gọi Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu).
Hoặc thay vì gọi đúng tên người, chẳng hạn như ông Chín Nghệ, ông Út Nhọn, để tránh phạm thượng, người ta nói ông Chín Củ, ông Út Mũi,…
+ Nói ngược:
Là nói ngược lại sự thật hiển nhiên để giải thích một hiện tượng cụ thể, hoặc tự an ủi mình. Thí dụ như leo núi mệt quá thì nói khỏe quá. Nhìn đứa bé kháu khỉnh, thấy thương thì nói thấy ghét.
+ Nói lề:
Bằng vào kinh nghiệm, người ta có cách nói lề để tổng kết, giải thích những hiện tượng thường là mang tính ngẫu nhiên, nhưng cũng có phần nào cơ sở. Thí dụ câu: “Đàn ông miệng rộng thì sang, Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà” (“tan hoang”) do tánh nhiều chuyện, ngồi lê đôi mách, không lo việc nhà, không quan tâm giáo dục con cái – tất nhiên câu nói có phần “quơ đũa” – trái lại đàn ông miệng rộng thì tốt vì biểu thị cho hoạt bát, dám ăn nói).
Hoặc như đứa nhỏ sinh ra lúc đêm khuya thì cho là sáng dạ hơn những bé sinh ban ngày (ban đêm thanh tịnh, không bị ảnh hưởng tiếng động sinh hoạt môi trường xung quanh, người nhà có mặt đầy đủ bên cạnh để chăm sóc, giúp đỡ, nên bà mẹ sinh mau, con khỏe mạnh, chóng lớn, thông minh). Hoặc đang cất/lợp nhà mà trời đổ mưa, hay nhằm lúc nước lớn đầy mà, thì cho là tốt, chủ nhà sẽ làm ăn phát đạt (đang lợp nhà nhờ có mưa nên phát hiện những nơi trống, bị dột/tạt, sẵn tay sửa lại liền, nếu không, sau này làm biếng cứ bỏ qua sẽ mau mục cây ván và hư ướt vật dụng trong nhà (ca dao: Nóc nhà xa hơn chợ…). Còn nước lớn đầy mà là điều kiện thuận lợi cho việc giao thông, tiện vận chuyển vật liệu, công việc làm nhà tiến hành trôi chảy, hoàn thành đúng ý muốn, không lập dập.
+ Nói đánh đầu:
Một cách nói khá lạ, kiểu như “Nói vậy chớ không phải vậy”. Thí dụ, nhà có con đi chơi lâu, trông đợi mãi đến khuya mới mò về kêu cửa. Mẹ ra, vừa mở cửa vừa nói đánh đầu: “Đi luôn đi!” (thật ra thấy con về bà rất mừng, không hề muốn nó đi luôn). Hoặc, thấy con cưng đang bị cha đánh đòn quá nặng tay, bà mẹ đau xót muốn xin can, nhưng lại nói: “Sao không lấy củi bửa mà đánh, đánh chi cây roi nhỏ vậy!”.
+ Nói sát/đúng nghĩa:
Thay vì nói hôn, họ nói hun, vì rõ ràng tập quán của dân ta là khi hun thì hít bằng mũi, chứ không phải kề môi nút như kiểu hôn của người phương Tây.
Trong tình cảm nam nữ, thay vì nói lấy, họ cũng nói lậy để phân biệt với nghĩa thường của tiếng lấy là cầm, nhận. (Ca dao: “Chim đa đa đậu nhánh đa đa, Chồng gần không lậy để lậy chồng xa, Một mai cha yếu mẹ già, Chén cơm đôi đũa bộ kỹ trà ai dưng”). Nếu “lậy” lén lút thì, đối với người nam, người ta nói: “chun vô mùng” – thí dụ: “Hồi hôm, anh A chun vô mùng cô B”; đối với người nữ thì người ta nói “ăn vụng”, “nhảy dù” – thí dụ: Nghe nói vợ thằng X. lúc này hay ăn vụng, hoặc hay nhảy dù.
+ Nói nhẹ hóa ý nghĩa của tiếng dùng:
Thay vì nói cho vay, nghe ác đức (vì thường theo sau nó luôn có hai tiếng cắt cổ đi kèm, ý kêu rêu), họ nói giùm – ca dao: “Đi buôn không vốn anh giùm, ở nhà chi đó chú trùm chú ve”(ve là chọc ghẹo, nay nói “dê”).
Thay vì nói chết, họ dùng tiếng mất, hoặc qua đời nghe giảm được phần nào xót xa đau buồn – nếu không tôn trọng hoặc có ý mỉa mai, người ta dùng tiếng ngủm, tiêu, hoặc “đi bán muối” đối với trường hợp chết trôi sông không tìm được (ý nói thây rả ra như muối tan trong nước) *
* (Chú thích thêm bởi Nguyễn Cao Trường: đi bán muối: lấy gốc từ tiếng Tàu (Quảng Đông) là “Diêm” (鹽), đi gặp Diêm Vương (閻王) cũng có nghĩa là đi chết (đi bán muối), một cách xài từ đồng âm của người Tàu 鹽=閻 )
http://www.sggdpost.com/cach-noi-nam-bo/Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- "Người Do Thái và Nước Mỹ" - by Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nhà tiên tri của Việt tộc" - Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Giao Chỉ hay Giao Châu?" - Hồ Bạch Thảo - Trần Văn Giang (ghi lại)
Cách nói Nam bộ
Chúng ta đều biết, “di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”(1).
Để coi trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống, thiết nghĩ điều tiên quyết tất yếu là không thể không có trong tay di sản văn hóa vô giá ấy, bởi đó chính là bản sắc của dân tộc.
Trong chiều hướng đó, xin được trình lại những ghi nhận của mình về sự biểu tỏ tình cảm qua cách nói, kiểu cười của người Nam Bộ, nhưng không phân tích về tâm trạng, ý nghĩa bởi tự thân của những từ về cách nói, kiểu cười đã diễn đạt được nội dung, tuy nhiên đối với những “kiểu; cách” hơi khó hiểu hoặc dễ nhầm lẫn, người viết không thể không ghi thêm – tất nhiên rất sơ lược.
Nói và cười là nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người, của mỗi dân tộc. Dân tộc nào cũng thích cười vui, cũng xem nói năng (ngôn luận) là điều quan trọng, không chỉ hết sức cần thiết mà còn quan tâm phát triển thành một nghệ thuật (đặc biệt là nghệ thuật nói trước công chúng). Báo chí (các cơ quan ngôn luận), đài tiếng nói (cơ quan tuyên truyền, giải trí) và cả đến điện thoại (công cộng và cá nhân) đua nhau “phủ sóng” cho thấy “cái sự nói” là nhu cầu vô cùng bức thiết cuộc sống con người. Nhưng phải đâu dân tộc nào cũng có cách nói, kiểu cười như nhau? Đã khác thì, với dân tộc Việt Nam nói chung, người Việt Nam Bộ nói riêng, hẳn phải có cái bản sắc độc đáo của nó. Bản sắc văn hóa ấy, chung nhất là cực kỳ phong phú và đa dạng.
Đất Nam Bộ cò bay mỏi cánh, cảnh quan sông nước hữu tình, khoáng đạt, gần như nơi nào cũng được thiên nhiên ưu đãi… Để có được một vùng đất “trên cơm dưới cá”, con người ở đây không thể không “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới chinh phục được thiên nhiên, và đã hy sinh biết bao xương máu trong việc chống lại sự áp bức từ mọi phía, mới ổn định cuộc sống như hôm nay.
Người Nam Bộ nổi tiếng cần cù, chăm chỉ, chí thú làm ăn, lại rất thật thà, chất phác. Trong cuộc sống họ luôn đoàn kết, tương trợ, mang đến cho nhau những điều tốt lành. Họ cũng nổi tiếng là vui tính, lạc quan và… xả láng! “Còn chơi hết thôi”, ít chịu hơn thua, thu vén, cũng không quen chứa cất.
Họ nói ít, làm nhiều, ghét quanh co, không “vòng vo Tam quốc”, cũng chẳng thích nói chuyện trên trời dưới đất, kiểu “truyện Phong thần”, mà nghĩ sao nói vậy.
Khoái trá thì cười khả khả, sảng khoái; không đồng tình, hay bất bình… họ cũng cười, nhưng là cái cười rất riêng, rất đặc trưng. Những cái cười như thế nếu không phải là người sống ở Nam Bộ thì khó mà hiểu được hết ý nghĩa cái cười của họ.
Các cách nói
“Nói”, đối với dân tộc Việt Nam nói chung, người Việt Nam Bộ nói riêng, phải đâu chỉ là một cách dùng lời lẽ để kể lể, truyền đạt mà với họ, nói là cả một nghệ thuật – nghệ thuật biểu tỏ. Qua đó người ta có thể biết rõ được tâm ý với điều kiện kẻ trực tiếp đối diện/đối thoại nhứt thiết phải là người được sinh ra và lớn lên ngay trong môi trường sinh hoạt của cộng đồng. Bởi vì, nếu là người nước ngoài, cho dù “sành tiếng Việt hơn cả người Việt” cũng không tài gì lĩnh hội được một cách trọn vẹn cái tâm ý sâu xa của họ.
Bởi thường thì khi nghe ai nói điều gì, cho dù sâu sắc, người ta chỉ cần phân tích để nắm bắt được cái ý của câu nói ấy là đã quá đủ, nhưng với người Nam Bộ thì không hề đơn giản. Họ có những cách nói mà người ngoài cuộc khi mới nghe qua, tưởng chừng như rất bình thường nhưng sự thật là vô cùng “bí hiểm”. Chúng ta còn nhớ, khi ông Trần Văn Thành (Đạo Lành, ở An Giang) chiêu mộ nghĩa binh chống Pháp, ông và những người trong đạo truyền rao rằng: “Đời sắp tới rồi, anh em hãy ráng lo tu hành, làm việc nghĩa”. Bọn Pháp nghe, tưởng mấy ông đạo tung tin nhảm là trời sắp sập, rủ nhau đi tu, làm lành, làm phước. Họ có dè đâu đời tới là đã đến lúc mọi người phải đứng lên tiêu diệt bọn xâm lược (để đổi đời); lo tu hành là thiết thực thực hành ân đất nước – một trong bốn ân lớn mà người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương phải đền đáp; làm việc nghĩa là đánh Pháp cứu dân, cứu nước. Chính vì không hiểu cách “nói ý hiểu tứ” (không phải nói “tiếng lóng”) của người Nam Bộ nên cuộc khởi nghĩa Bãi Thưa đã nổ ra trên diện rộng, gay thanh thế lớn một thời!
Người Nam Bộ hãy còn nhiều cách nói rất riêng, chẳng hạn như:
+ Nói trại:
Do kính sợ Trời Đất, khi buột phải kêu than, người ta không kêu “Trời Đất ơi!” sợ có lỗi, mà kêu “Trèn Đét ơi!” (hoặc “quá Trèn quá Đét”). Hay “Thánh Thiền ơi” (không kêu Thánh Thần, vì sợ Thần trừng phạt – còn thánh thì dễ vì… người phàm!). (còn đọc là Chèn đét ơi! – chú thích bởi sggdpost)
+ Nói tránh:
Thay vì nói/gọi đúng tên một nhân vật lịch sử có công to với dân với nước, như Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính người ta gọi Nguyễn Hữu Cảnh (nói trại nhiều lần: Kính => Kỉnh =>Kiểng => Cảnh). Hoặc ông Nguyễn Văn Thụy người ta gọi Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu).
Hoặc thay vì gọi đúng tên người, chẳng hạn như ông Chín Nghệ, ông Út Nhọn, để tránh phạm thượng, người ta nói ông Chín Củ, ông Út Mũi,…
+ Nói ngược:
Là nói ngược lại sự thật hiển nhiên để giải thích một hiện tượng cụ thể, hoặc tự an ủi mình. Thí dụ như leo núi mệt quá thì nói khỏe quá. Nhìn đứa bé kháu khỉnh, thấy thương thì nói thấy ghét.
+ Nói lề:
Bằng vào kinh nghiệm, người ta có cách nói lề để tổng kết, giải thích những hiện tượng thường là mang tính ngẫu nhiên, nhưng cũng có phần nào cơ sở. Thí dụ câu: “Đàn ông miệng rộng thì sang, Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà” (“tan hoang”) do tánh nhiều chuyện, ngồi lê đôi mách, không lo việc nhà, không quan tâm giáo dục con cái – tất nhiên câu nói có phần “quơ đũa” – trái lại đàn ông miệng rộng thì tốt vì biểu thị cho hoạt bát, dám ăn nói).
Hoặc như đứa nhỏ sinh ra lúc đêm khuya thì cho là sáng dạ hơn những bé sinh ban ngày (ban đêm thanh tịnh, không bị ảnh hưởng tiếng động sinh hoạt môi trường xung quanh, người nhà có mặt đầy đủ bên cạnh để chăm sóc, giúp đỡ, nên bà mẹ sinh mau, con khỏe mạnh, chóng lớn, thông minh). Hoặc đang cất/lợp nhà mà trời đổ mưa, hay nhằm lúc nước lớn đầy mà, thì cho là tốt, chủ nhà sẽ làm ăn phát đạt (đang lợp nhà nhờ có mưa nên phát hiện những nơi trống, bị dột/tạt, sẵn tay sửa lại liền, nếu không, sau này làm biếng cứ bỏ qua sẽ mau mục cây ván và hư ướt vật dụng trong nhà (ca dao: Nóc nhà xa hơn chợ…). Còn nước lớn đầy mà là điều kiện thuận lợi cho việc giao thông, tiện vận chuyển vật liệu, công việc làm nhà tiến hành trôi chảy, hoàn thành đúng ý muốn, không lập dập.
+ Nói đánh đầu:
Một cách nói khá lạ, kiểu như “Nói vậy chớ không phải vậy”. Thí dụ, nhà có con đi chơi lâu, trông đợi mãi đến khuya mới mò về kêu cửa. Mẹ ra, vừa mở cửa vừa nói đánh đầu: “Đi luôn đi!” (thật ra thấy con về bà rất mừng, không hề muốn nó đi luôn). Hoặc, thấy con cưng đang bị cha đánh đòn quá nặng tay, bà mẹ đau xót muốn xin can, nhưng lại nói: “Sao không lấy củi bửa mà đánh, đánh chi cây roi nhỏ vậy!”.
+ Nói sát/đúng nghĩa:
Thay vì nói hôn, họ nói hun, vì rõ ràng tập quán của dân ta là khi hun thì hít bằng mũi, chứ không phải kề môi nút như kiểu hôn của người phương Tây.
Trong tình cảm nam nữ, thay vì nói lấy, họ cũng nói lậy để phân biệt với nghĩa thường của tiếng lấy là cầm, nhận. (Ca dao: “Chim đa đa đậu nhánh đa đa, Chồng gần không lậy để lậy chồng xa, Một mai cha yếu mẹ già, Chén cơm đôi đũa bộ kỹ trà ai dưng”). Nếu “lậy” lén lút thì, đối với người nam, người ta nói: “chun vô mùng” – thí dụ: “Hồi hôm, anh A chun vô mùng cô B”; đối với người nữ thì người ta nói “ăn vụng”, “nhảy dù” – thí dụ: Nghe nói vợ thằng X. lúc này hay ăn vụng, hoặc hay nhảy dù.
+ Nói nhẹ hóa ý nghĩa của tiếng dùng:
Thay vì nói cho vay, nghe ác đức (vì thường theo sau nó luôn có hai tiếng cắt cổ đi kèm, ý kêu rêu), họ nói giùm – ca dao: “Đi buôn không vốn anh giùm, ở nhà chi đó chú trùm chú ve”(ve là chọc ghẹo, nay nói “dê”).
Thay vì nói chết, họ dùng tiếng mất, hoặc qua đời nghe giảm được phần nào xót xa đau buồn – nếu không tôn trọng hoặc có ý mỉa mai, người ta dùng tiếng ngủm, tiêu, hoặc “đi bán muối” đối với trường hợp chết trôi sông không tìm được (ý nói thây rả ra như muối tan trong nước) *
* (Chú thích thêm bởi Nguyễn Cao Trường: đi bán muối: lấy gốc từ tiếng Tàu (Quảng Đông) là “Diêm” (鹽), đi gặp Diêm Vương (閻王) cũng có nghĩa là đi chết (đi bán muối), một cách xài từ đồng âm của người Tàu 鹽=閻 )
http://www.sggdpost.com/cach-noi-nam-bo/