Văn Học & Nghệ Thuật
Chuyện chưa kể của Hồng Nhung- Tuấn Khanh
Một buổi sáng vô tình nghe lại tiếng hát của Hồng Nhung trong quán nhỏ. Lời hát của Trịnh Công Sơn “em đi đâu mà vội, nắng vàng ơi…” kéo theo nhiều ký ức lạ lùng. Ai đó đã chợt nhắc, rằng tiếng hát đó, mới đây mà đã quá mười năm. Âm thanh ấy băng qua thời gian, mang lại biết bao nhiêu điều để nhớ.
Tiếng hát của Hồng Nhung là bánh xe lăn dài, kéo người nghe quay về những ký ức diệu vợi. Tiếng hát của một cô gái đến từ Hà Nội, ở tuổi đôi mươi và dựng nên một kỳ tích sân khấu, mà trãi qua rất nhiều năm, những người yêu âm nhạc bất chợt nhận ra rằng không phải ở thế hệ nghệ sĩ nào cũng có được.
Hồng Nhung sinh năm 1970, tức theo quan niệm của ông bà, thì đã bước qua một nửa đời người. Một nửa đời của một người nghệ sĩ, là đủ thời gian để tạo nên những tiếng vọng của quá khứ để phản chiếu rõ hiện tại và tương lai. Những gì của từng thập niên mà Hồng Nhung dựng nên trong hành trình nghệ thuật của mình, cho thấy cô vẫn đang miệt mài và mỗi lúc lại chắc chắn hơn, sâu sắc hơn trong điềm tĩnh.
Một giọng hát “dynamic“
Nhiều năm trước, khi được hỏi về Hồng Nhung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn im lặng ít lâu, rồi nói thận trọng. “Dynamic. Đó là một giọng ca dynamic (tạm dịch: năng động)”. Với Trịnh Công Sơn, chữ nghĩa không là điều khó với ông, nhưng để diễn tả một cô gái trẻ và giọng hát đầy năng lượng, biểu đạt một phong cách khác mới mẻ trên nền âm nhạc tưởng chừng như bất di của ông, thì quả không dễ. Nếu hiểu đúng ý của ông, có lẽ đó là sự miêu tả về một dòng năng lượng trong tiếng hát, chuyển động và trẻ trung. Và riêng với ông, đó là là cánh cửa hé mở đầy những bất ngờ.
Hồng Nhung xuất hiện như vậy đó, giữa Sài Gòn, thách thức những lối thưởng thức đã định hình và chấp nhận những phản bác để tạo ra một không gian mới trong nhạc Trịnh. Và nhiều năm sau. Khi ngồi lắng nghe lại, chẳng hạn như cùng một Đóa Hoa Vô Thường của Khánh Ly (1973) cho đến Hồng Nhung (2004) là cả một sự khác biệt thú vị. Những người quen lối thong thả với Khánh Ly ắt sẽ khó chịu với bản ghi âm nhiều nhịp điệu của Hồng Nhung, nhưng rõ ràng đó là một cánh cửa khác, đi vào một thế giới khác. Và trãi qua hơn một thập niên, Hồng Nhung đã đứng vững và có một lớp khán giả nhìn nhận và yêu mến mình từ những sự cách tân trình bày đó.
Hai tiếng hát cùng cung bậc
Có hai giọng hát trong cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã mở ra hai thế giới, mở ra hai cánh cửa âm nhạc rung động xuyên qua thế kỷ, đáng để ghi vào trong đời ông: Đó là Khánh Ly và Hồng Nhung. Kho tàng âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh đã có rất nhiều người đến, thử mình đắm trong đó, nhưng cuối cùng thì ấn tượng dài lâu, có lẽ vẫn là hai cái tên Khánh Ly và Hồng Nhung.
Ngược lại, cả ca sĩ Khánh Ly và Hồng Nhung cũng không thể tách rời những tình khúc đầy mộng mị đó. Suốt hành trình âm nhạc của cả hai người, dù nhiều lần trình bày các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ khác, nhưng họ cũng vẫn được khán giả nhớ nhiều nhất là với những giai điệu của Trịnh Công Sơn.
Khánh Ly sau khi đoạt giải ở đài Pháp Á (1956) cũng khởi đầu sự nghiệp bằng những bài nhạc Pháp như Domino, Adieu mon pays… Nếu như bà không gặp Trịnh Công Sơn vào năm 1964, có lẽ Khánh Ly đã trở thành một ca sĩ kiểu khác, chẳng hạn như một nữ hoàng về trình diễn nhạc tango. Hồng Nhung thì bắt đầu nổi danh trong cả nước với ca khúc Papa, và nếu không gặp Trịnh Công Sơn vào năm 1991, có lẽ cô cũng đã là một ca sĩ khác, một ca sĩ dân ca Bắc Bộ hoặc world music chẳng hạn.
Trong trái tim khán giả, sau 1975, ít người chấp nhận việc có một giọng hát mới ngoài Khánh Ly, với nhạc Trịnh Công Sơn. Và Hồng Nhung bước vào cuộc thử thách này không chỉ với khán giả, mà với cả người đi trước trong nghề nghiệp.
Hồng Nhung kể rằng lần đầu tiên cô trực tiếp nói chuyện với ca sĩ Khánh Ly là vào năm cô 23 tuổi. “Lúc đó tôi đang ở nhà anh Sơn, và chị gọi điện về từ Mỹ để trò chuyện với anh, và anh giới thiệu tôi với chị. Anh gọi chị thân mật là Mai. “Mai có biết Hồng Nhung không?”. Anh đưa điện thoại cho tôi. Tôi chẳng nói được gì nhiều ngoài mấy lời thăm hỏi chị, vì quá xúc động, lần đầu được nghe giọng nói của người ca sĩ với tôi là huyền thoại âm nhạc của Việt nam”, Hồng Nhung kể lại một cách chân thành.
Có lẽ khoảng cách tuổi tác và độ vững chãi trong nghề nghiệp đối với ca sĩ Khánh Ly đã khiến Hồng Nhung im lặng nỗ lực vượt bực để tạo nên một phong cách âm nhạc riêng của mình, trong thế giới Trịnh Công Sơn. Giờ đây ngồi nghe lại Hồng Nhung, ngẫm lại những gì trong quá khứ cô đã trình bày: Có những thứ đôi khi còn thiếu một chút để thật sự là một người đàn bà hát tình ca, Có những thứ dư một chút để điềm tĩnh của một nghệ sĩ với hymn, hát chỉ cần linh hồn mà không cần ngôn ngữ. Nhưng tất cả những thứ đó rõ là đã được chắt lọc, đã được trãi nghiệm để có một Hồng Nhung khác ngày hôm nay. Một Hồng Nhung đã chín muồi trong cảm nhận và sâu hơn trong diễn đạt – dĩ nhiên, đó là một hành trình có đủ buồn vui, chạnh lòng hay ngại ngùng.
“Tôi không sinh ra với chiếc thìa bạc”
Khi sinh thời vào 1996, có lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thoáng nghĩ vài giây, khi nghe tôi hỏi rằng cho tới giờ phút này, ông thấy ai là người hát những bài hát của mình thành công nhất, vẫn làm ông hài lòng nhất. “Vẫn là Khánh Ly, đó là giọng ca khi từ đầu gặp nhau, cô đã am hiểu một cách tường tận những gì mình viết”, Trịnh Công Sơn nói.
Bài báo sau đó được viết và đưa thẳng vào nhà in. Ngay sau khi báo ra, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tìm đến, giọng bối rối. “Mình thấy Nhung đọc bài báo mặt có vẻ buồn. Mình cũng sơ suất quá khi không nhắc gì đến Nhung cả”, ông nói.
Chẳng còn cách nào khác, báo đã ra. “Chúng ta nói về câu chuyện của những gì đã có, còn Nhung là câu chuyện của hôm nay và ngày mai. Rồi sẽ đến lúc Nhung là đề tài chính của câu chuyện mới”, tôi nói và an ủi ông. Tuy vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng xao xuyến một lúc lâu. Mặt ông như một đứa trẻ ân hận, bất ngờ khi thấy mình đã làm mất lòng một ai trong ngõ nhà.
Nhưng thử nghĩ lại mà xem, cũng đáng buồn, khi mọi nỗ lực của mình không được nhắc đến. Trịnh Công Sơn đã rất tâm lý và nhạy cảm để thấy được điều này. Với một cô gái trẻ, đang làm tất cả để chứng minh mình, đang cần những bàn tay nâng đỡ vào những lúc đầy thách thức và khó khăn nhất, hoàn toàn không lạ nếu như cô hụt hẩng như vậy. Đặc biệt, ngay lúc ấy, không ít những lời đồn đoán ác miệng rằng Hồng Nhung có thể không thích Khánh Ly vì cái bóng của người nghệ sĩ ấy quá lớn, nhất là trong hành trình mới của Trịnh Công Sơn, dường như đang chỉ cần một ca sĩ và một nhạc sĩ.
Hồng Nhung chẳng bao giờ tìm cách thanh minh về những điều đó. Như lời tâm sự của mình, Nhung nói “Tôi không được ‘sinh ra cùng với cái thìa bạc’, và học cách sống tự lập từ nhỏ”. Mỗi lúc như vậy, Hồng Nhung lại lớn lên, lại vững hơn. Bản năng nghệ sĩ trong con người Nhung giúp cô hấp thu mọi chướng ngại trên cuộc đời, khiến cô sâu sắc hơn trong từng con chữ hát ra về sau. “Tôi không trở thành người khác, mà chỉ trưởng thành dần cùng kinh nghiệm sống”, Hồng Nhung nói.
Tìm nhau trong câu hát
Những lần lưu diễn sang Mỹ, sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, là dịp để Hồng Nhung gặp mặt ca sĩ Khánh Ly. Hai con người – một dòng nhạc. Họ nhìn nhau và cảm nhận được rất nhiều thứ, nhất là khi chỗ dựa lớn trong tinh thần của họ là người nhạc sĩ đã không còn.
Nhung nói rằng khi gặp ca sĩ Khánh Ly, thầm lặng quan sát, Nhung hiểu hơn nhiều thứ, về cả con người, về cuộc sống và chia sẻ. Hai con người – hai thế hệ đã cùng trình bày âm nhạc Trịnh Công Sơn trên một sân khấu. Vào lúc đó, Nhung kể rằng trước khi ra hát, “chị còn ân cần cho tôi những lời khuyên về cách chọn bài hát của anh Sơn ra trình diễn sao cho hiệu quả”.
Nhung nói cô thú vị khi phát hiện thói quen mỗi ngày của chị Khánh Ly là đọc sách, tương tự như Nhung vậy. Mọi thứ rút ra được trong cuộc đời con chữ và suy gẫm. Cả hai, họ còn gì đâu, ngoài thời gian ngập đầy xa vắng và âm nhạc?
Nếu chỉ vậy thì là chuyện xã giao chẳng đáng nói. Hồng Nhung kể rằng ít lâu sau, ca sĩ Khánh Ly gọi Nhung đến nhà chơi cho biết. Khánh Ly thì trổ tài nấu món riêu cua, còn Nhung thì xách một lô thứ đến để trình diễn tài nấu món cơm gà. “Cuộc sống vốn giản dị. Tôi nghĩ âm nhạc cũng vậy thôi. Điều may mắn của tôi là được gặp gỡ những con người, mà theo từ của anh Sơn là “vô thường”, mà chị Khánh Ly là một trong số họ”, Nhung kể lại.
Hành trình đến vô cùng
Khi hỏi về những bài hát của mình đang trình diễn gần đây, Hồng Nhung cho biết trong 5 bài hát mà cô trình bày, chỉ có 2 bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Còn lại là những bài khác. Cuộc sống vẫn trôi và Hồng Nhung như đang mở ra một ngã khác cho đời mình, đa dạng hơn và rộng hơn. “Tôi ở giai đoạn của người phụ nữ sống cho gia đình và các con nhỏ. Với sự nghiệp, tôi tiếp tục học hỏi và hy vọng cho ra được những sản phẩm âm nhạc mà mình tâm huyết. Trong năm nay, tôi cùng Thanh Bùi sẽ ra single mà chúng tôi đang dành nhiều thời gian xây dựng”, Hồng Nhung kể.
Bản năng nghệ sĩ với hành trình vô tận của mình đang thúc đẩy Hồng Nhung làm mới mình, làm những điều khác, có thể là chấp nhận những thách thức mới, cô đơn hơn nhưng bản lĩnh hơn so với lúc cô ở tuổi đôi mươi.
Hồng Nhung trả lời không do dự, khi được hỏi rằng, giả như cô không gặp Trịnh Công Sơn, thì Hồng Nhung ngày đầu sẽ ra sao. Liệu có khi nào cô đã lẫn lộn việc chọn lựa âm nhạc Trịnh Công Sơn giữa một cứu cánh của sự nghiệp và tình yêu không? “Tôi chỉ biết mình rất yêu âm nhạc và quyết sống với nó, nên không còn sức hay thời gian để nghĩ xem đó là cứu cánh hay là tình yêu, và dù sao, nơi đó cũng đem lại nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn”, Nhung nói.
Chỉ có những trái tim đầy nghệ sĩ, mới liều lĩnh lao vào định mệnh mà không cần suy xét vì sự đam mê của mình. Hồng Nhung cũng vậy. Một trái tim âm nhạc đầy “dynamic” – như cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói – vẫn không thôi tìm mở những cánh cửa mới cho hành trình về vô cùng của mình, bất chấp đó là hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại. Trãi qua rất nhiều năm tháng, ngay khi sân khấu buồn tẻ, những kẻ bất tài chiếm trọn chương trình, cũng là lúc để khán giả lắng mình nhìn lại, rồi chợt nhận ra những nghệ sĩ đích thực. Đi ngược chiều với sự ồn ào cố ý, với những tiểu xảo thay khả năng, những người nghệ sĩ đó vẫn thầm lặng làm công việc của mình, ý thức rõ một cuộc đời là gì hơn là ít phút giây của hư ảo.
Hôm nay, với những điều đã trãi qua, Hồng Nhung cảm thấy như thế nào về cuộc đời nghệ sĩ của mình? “Tôi yêu âm nhạc và may mắn có thể sống được bằng việc ca hát, và vì thế được gọi là một ca sĩ chuyên nghiệp. Cuộc sống của tôi gắn liền với sự nghiệp ca hát”, cô ca sĩ ngơ ngác đến từ đất Bắc và chiếm trọn nhiều trái tim miền Nam, đã đơn giản trả lời, chỉ vậy thôi.
Nhac sĩTuấn Khanh
Bàn ra tán vào (1)
----------------------------------------------------------------------------------
Chuyện chưa kể của Hồng Nhung- Tuấn Khanh
Một buổi sáng vô tình nghe lại tiếng hát của Hồng Nhung trong quán nhỏ. Lời hát của Trịnh Công Sơn “em đi đâu mà vội, nắng vàng ơi…” kéo theo nhiều ký ức lạ lùng. Ai đó đã chợt nhắc, rằng tiếng hát đó, mới đây mà đã quá mười năm. Âm thanh ấy băng qua thời gian, mang lại biết bao nhiêu điều để nhớ.
Tiếng hát của Hồng Nhung là bánh xe lăn dài, kéo người nghe quay về những ký ức diệu vợi. Tiếng hát của một cô gái đến từ Hà Nội, ở tuổi đôi mươi và dựng nên một kỳ tích sân khấu, mà trãi qua rất nhiều năm, những người yêu âm nhạc bất chợt nhận ra rằng không phải ở thế hệ nghệ sĩ nào cũng có được.
Hồng Nhung sinh năm 1970, tức theo quan niệm của ông bà, thì đã bước qua một nửa đời người. Một nửa đời của một người nghệ sĩ, là đủ thời gian để tạo nên những tiếng vọng của quá khứ để phản chiếu rõ hiện tại và tương lai. Những gì của từng thập niên mà Hồng Nhung dựng nên trong hành trình nghệ thuật của mình, cho thấy cô vẫn đang miệt mài và mỗi lúc lại chắc chắn hơn, sâu sắc hơn trong điềm tĩnh.
Một giọng hát “dynamic“
Nhiều năm trước, khi được hỏi về Hồng Nhung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn im lặng ít lâu, rồi nói thận trọng. “Dynamic. Đó là một giọng ca dynamic (tạm dịch: năng động)”. Với Trịnh Công Sơn, chữ nghĩa không là điều khó với ông, nhưng để diễn tả một cô gái trẻ và giọng hát đầy năng lượng, biểu đạt một phong cách khác mới mẻ trên nền âm nhạc tưởng chừng như bất di của ông, thì quả không dễ. Nếu hiểu đúng ý của ông, có lẽ đó là sự miêu tả về một dòng năng lượng trong tiếng hát, chuyển động và trẻ trung. Và riêng với ông, đó là là cánh cửa hé mở đầy những bất ngờ.
Hồng Nhung xuất hiện như vậy đó, giữa Sài Gòn, thách thức những lối thưởng thức đã định hình và chấp nhận những phản bác để tạo ra một không gian mới trong nhạc Trịnh. Và nhiều năm sau. Khi ngồi lắng nghe lại, chẳng hạn như cùng một Đóa Hoa Vô Thường của Khánh Ly (1973) cho đến Hồng Nhung (2004) là cả một sự khác biệt thú vị. Những người quen lối thong thả với Khánh Ly ắt sẽ khó chịu với bản ghi âm nhiều nhịp điệu của Hồng Nhung, nhưng rõ ràng đó là một cánh cửa khác, đi vào một thế giới khác. Và trãi qua hơn một thập niên, Hồng Nhung đã đứng vững và có một lớp khán giả nhìn nhận và yêu mến mình từ những sự cách tân trình bày đó.
Hai tiếng hát cùng cung bậc
Có hai giọng hát trong cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã mở ra hai thế giới, mở ra hai cánh cửa âm nhạc rung động xuyên qua thế kỷ, đáng để ghi vào trong đời ông: Đó là Khánh Ly và Hồng Nhung. Kho tàng âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh đã có rất nhiều người đến, thử mình đắm trong đó, nhưng cuối cùng thì ấn tượng dài lâu, có lẽ vẫn là hai cái tên Khánh Ly và Hồng Nhung.
Ngược lại, cả ca sĩ Khánh Ly và Hồng Nhung cũng không thể tách rời những tình khúc đầy mộng mị đó. Suốt hành trình âm nhạc của cả hai người, dù nhiều lần trình bày các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ khác, nhưng họ cũng vẫn được khán giả nhớ nhiều nhất là với những giai điệu của Trịnh Công Sơn.
Khánh Ly sau khi đoạt giải ở đài Pháp Á (1956) cũng khởi đầu sự nghiệp bằng những bài nhạc Pháp như Domino, Adieu mon pays… Nếu như bà không gặp Trịnh Công Sơn vào năm 1964, có lẽ Khánh Ly đã trở thành một ca sĩ kiểu khác, chẳng hạn như một nữ hoàng về trình diễn nhạc tango. Hồng Nhung thì bắt đầu nổi danh trong cả nước với ca khúc Papa, và nếu không gặp Trịnh Công Sơn vào năm 1991, có lẽ cô cũng đã là một ca sĩ khác, một ca sĩ dân ca Bắc Bộ hoặc world music chẳng hạn.
Trong trái tim khán giả, sau 1975, ít người chấp nhận việc có một giọng hát mới ngoài Khánh Ly, với nhạc Trịnh Công Sơn. Và Hồng Nhung bước vào cuộc thử thách này không chỉ với khán giả, mà với cả người đi trước trong nghề nghiệp.
Hồng Nhung kể rằng lần đầu tiên cô trực tiếp nói chuyện với ca sĩ Khánh Ly là vào năm cô 23 tuổi. “Lúc đó tôi đang ở nhà anh Sơn, và chị gọi điện về từ Mỹ để trò chuyện với anh, và anh giới thiệu tôi với chị. Anh gọi chị thân mật là Mai. “Mai có biết Hồng Nhung không?”. Anh đưa điện thoại cho tôi. Tôi chẳng nói được gì nhiều ngoài mấy lời thăm hỏi chị, vì quá xúc động, lần đầu được nghe giọng nói của người ca sĩ với tôi là huyền thoại âm nhạc của Việt nam”, Hồng Nhung kể lại một cách chân thành.
Có lẽ khoảng cách tuổi tác và độ vững chãi trong nghề nghiệp đối với ca sĩ Khánh Ly đã khiến Hồng Nhung im lặng nỗ lực vượt bực để tạo nên một phong cách âm nhạc riêng của mình, trong thế giới Trịnh Công Sơn. Giờ đây ngồi nghe lại Hồng Nhung, ngẫm lại những gì trong quá khứ cô đã trình bày: Có những thứ đôi khi còn thiếu một chút để thật sự là một người đàn bà hát tình ca, Có những thứ dư một chút để điềm tĩnh của một nghệ sĩ với hymn, hát chỉ cần linh hồn mà không cần ngôn ngữ. Nhưng tất cả những thứ đó rõ là đã được chắt lọc, đã được trãi nghiệm để có một Hồng Nhung khác ngày hôm nay. Một Hồng Nhung đã chín muồi trong cảm nhận và sâu hơn trong diễn đạt – dĩ nhiên, đó là một hành trình có đủ buồn vui, chạnh lòng hay ngại ngùng.
“Tôi không sinh ra với chiếc thìa bạc”
Khi sinh thời vào 1996, có lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thoáng nghĩ vài giây, khi nghe tôi hỏi rằng cho tới giờ phút này, ông thấy ai là người hát những bài hát của mình thành công nhất, vẫn làm ông hài lòng nhất. “Vẫn là Khánh Ly, đó là giọng ca khi từ đầu gặp nhau, cô đã am hiểu một cách tường tận những gì mình viết”, Trịnh Công Sơn nói.
Bài báo sau đó được viết và đưa thẳng vào nhà in. Ngay sau khi báo ra, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tìm đến, giọng bối rối. “Mình thấy Nhung đọc bài báo mặt có vẻ buồn. Mình cũng sơ suất quá khi không nhắc gì đến Nhung cả”, ông nói.
Chẳng còn cách nào khác, báo đã ra. “Chúng ta nói về câu chuyện của những gì đã có, còn Nhung là câu chuyện của hôm nay và ngày mai. Rồi sẽ đến lúc Nhung là đề tài chính của câu chuyện mới”, tôi nói và an ủi ông. Tuy vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng xao xuyến một lúc lâu. Mặt ông như một đứa trẻ ân hận, bất ngờ khi thấy mình đã làm mất lòng một ai trong ngõ nhà.
Nhưng thử nghĩ lại mà xem, cũng đáng buồn, khi mọi nỗ lực của mình không được nhắc đến. Trịnh Công Sơn đã rất tâm lý và nhạy cảm để thấy được điều này. Với một cô gái trẻ, đang làm tất cả để chứng minh mình, đang cần những bàn tay nâng đỡ vào những lúc đầy thách thức và khó khăn nhất, hoàn toàn không lạ nếu như cô hụt hẩng như vậy. Đặc biệt, ngay lúc ấy, không ít những lời đồn đoán ác miệng rằng Hồng Nhung có thể không thích Khánh Ly vì cái bóng của người nghệ sĩ ấy quá lớn, nhất là trong hành trình mới của Trịnh Công Sơn, dường như đang chỉ cần một ca sĩ và một nhạc sĩ.
Hồng Nhung chẳng bao giờ tìm cách thanh minh về những điều đó. Như lời tâm sự của mình, Nhung nói “Tôi không được ‘sinh ra cùng với cái thìa bạc’, và học cách sống tự lập từ nhỏ”. Mỗi lúc như vậy, Hồng Nhung lại lớn lên, lại vững hơn. Bản năng nghệ sĩ trong con người Nhung giúp cô hấp thu mọi chướng ngại trên cuộc đời, khiến cô sâu sắc hơn trong từng con chữ hát ra về sau. “Tôi không trở thành người khác, mà chỉ trưởng thành dần cùng kinh nghiệm sống”, Hồng Nhung nói.
Tìm nhau trong câu hát
Những lần lưu diễn sang Mỹ, sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, là dịp để Hồng Nhung gặp mặt ca sĩ Khánh Ly. Hai con người – một dòng nhạc. Họ nhìn nhau và cảm nhận được rất nhiều thứ, nhất là khi chỗ dựa lớn trong tinh thần của họ là người nhạc sĩ đã không còn.
Nhung nói rằng khi gặp ca sĩ Khánh Ly, thầm lặng quan sát, Nhung hiểu hơn nhiều thứ, về cả con người, về cuộc sống và chia sẻ. Hai con người – hai thế hệ đã cùng trình bày âm nhạc Trịnh Công Sơn trên một sân khấu. Vào lúc đó, Nhung kể rằng trước khi ra hát, “chị còn ân cần cho tôi những lời khuyên về cách chọn bài hát của anh Sơn ra trình diễn sao cho hiệu quả”.
Nhung nói cô thú vị khi phát hiện thói quen mỗi ngày của chị Khánh Ly là đọc sách, tương tự như Nhung vậy. Mọi thứ rút ra được trong cuộc đời con chữ và suy gẫm. Cả hai, họ còn gì đâu, ngoài thời gian ngập đầy xa vắng và âm nhạc?
Nếu chỉ vậy thì là chuyện xã giao chẳng đáng nói. Hồng Nhung kể rằng ít lâu sau, ca sĩ Khánh Ly gọi Nhung đến nhà chơi cho biết. Khánh Ly thì trổ tài nấu món riêu cua, còn Nhung thì xách một lô thứ đến để trình diễn tài nấu món cơm gà. “Cuộc sống vốn giản dị. Tôi nghĩ âm nhạc cũng vậy thôi. Điều may mắn của tôi là được gặp gỡ những con người, mà theo từ của anh Sơn là “vô thường”, mà chị Khánh Ly là một trong số họ”, Nhung kể lại.
Hành trình đến vô cùng
Khi hỏi về những bài hát của mình đang trình diễn gần đây, Hồng Nhung cho biết trong 5 bài hát mà cô trình bày, chỉ có 2 bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Còn lại là những bài khác. Cuộc sống vẫn trôi và Hồng Nhung như đang mở ra một ngã khác cho đời mình, đa dạng hơn và rộng hơn. “Tôi ở giai đoạn của người phụ nữ sống cho gia đình và các con nhỏ. Với sự nghiệp, tôi tiếp tục học hỏi và hy vọng cho ra được những sản phẩm âm nhạc mà mình tâm huyết. Trong năm nay, tôi cùng Thanh Bùi sẽ ra single mà chúng tôi đang dành nhiều thời gian xây dựng”, Hồng Nhung kể.
Bản năng nghệ sĩ với hành trình vô tận của mình đang thúc đẩy Hồng Nhung làm mới mình, làm những điều khác, có thể là chấp nhận những thách thức mới, cô đơn hơn nhưng bản lĩnh hơn so với lúc cô ở tuổi đôi mươi.
Hồng Nhung trả lời không do dự, khi được hỏi rằng, giả như cô không gặp Trịnh Công Sơn, thì Hồng Nhung ngày đầu sẽ ra sao. Liệu có khi nào cô đã lẫn lộn việc chọn lựa âm nhạc Trịnh Công Sơn giữa một cứu cánh của sự nghiệp và tình yêu không? “Tôi chỉ biết mình rất yêu âm nhạc và quyết sống với nó, nên không còn sức hay thời gian để nghĩ xem đó là cứu cánh hay là tình yêu, và dù sao, nơi đó cũng đem lại nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn”, Nhung nói.
Chỉ có những trái tim đầy nghệ sĩ, mới liều lĩnh lao vào định mệnh mà không cần suy xét vì sự đam mê của mình. Hồng Nhung cũng vậy. Một trái tim âm nhạc đầy “dynamic” – như cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói – vẫn không thôi tìm mở những cánh cửa mới cho hành trình về vô cùng của mình, bất chấp đó là hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại. Trãi qua rất nhiều năm tháng, ngay khi sân khấu buồn tẻ, những kẻ bất tài chiếm trọn chương trình, cũng là lúc để khán giả lắng mình nhìn lại, rồi chợt nhận ra những nghệ sĩ đích thực. Đi ngược chiều với sự ồn ào cố ý, với những tiểu xảo thay khả năng, những người nghệ sĩ đó vẫn thầm lặng làm công việc của mình, ý thức rõ một cuộc đời là gì hơn là ít phút giây của hư ảo.
Hôm nay, với những điều đã trãi qua, Hồng Nhung cảm thấy như thế nào về cuộc đời nghệ sĩ của mình? “Tôi yêu âm nhạc và may mắn có thể sống được bằng việc ca hát, và vì thế được gọi là một ca sĩ chuyên nghiệp. Cuộc sống của tôi gắn liền với sự nghiệp ca hát”, cô ca sĩ ngơ ngác đến từ đất Bắc và chiếm trọn nhiều trái tim miền Nam, đã đơn giản trả lời, chỉ vậy thôi.
Nhac sĩTuấn Khanh