Truyện Ngắn & Phóng Sự
DÒNG SUỐI
Thời đó, đội của anh phụ trách làm rau. Nhiệm vụ của anh là mỗi ngày lao động là lên rừng lấy củi về cho anh nuôi đun nước giải lao vào lúc nghỉ giữa tầm.
Khu rừng này nằm trên sườn một dãy núi đá vôi cao khoảng 200 thước. Từ hiện trường lao động đến chân núi phải theo con đường mòn khoảng hai ngàn thước, hai bên là cây thấp mọc um tùm. Dọc theo đường mòn này có một con suối. Bên này bờ suối có một chuồng dê, bên kia một chuồng trâu, một chuồng bò. Mỗi bầy trâu bò đếm khoảng 20 con. Còn dê thì năm hay sáu chục.
Dòng suối này ngang độ ba thước. Vào mùa mưa nước sâu đến ngực, mùa nắng chỉ đến gối. Nó phát xuất từ một nơi nào ít ai biết. Có lần vì hiếu kỳ, anh muốn đi tìm cái đầu nguồn đó. Một hôm lên rừng lấy củi xong, bó lại, mang giấu trong bụi cây rồi anh xách dao tông (2) đi ngược dòng con suối bí ẩn này.
Đường đi không dễ như anh tưởng. Cây cối, lau sậy che kín các hướng nhìn. Không dấu chỉ từng có người lai vãng trong vùng đó ít nhất hàng chục năm. Anh kiên nhẫn tìm lối đi đến khi mặt trời hơi xế bóng thì dừng lại, quay về chỗ cũ; ngồi nghỉ một chút rồi vác bó củi về đội. Anh đã cố gắng ba lần như thế. Lần cuối thì đến một nơi có tấm bảng ghi Cấm Vượt viết bằng sơn đỏ như máu tươi.Tại nơi này, con suối chỉ còn chừng hơn thước bề ngang. Đó là ranh giới của làng cùi nằm cách trại tù đến gần ba cây số.
Dân trong làng nghe nói lên đến số ngàn. Họ sống thành gia đình, có con cái, tự túc bằng nghề trồng sắn, mía, lạc. Sản phẩm dư thừa được các làng bên cạnh đến thu mua mang bán đi nơi khác. Về mặt an ninh, họ tự tổ chức dân quân tự vệ. Nhà nước phát một ít súng đạn gọi là để giữ an ninh thôn xóm. Thỉnh thoảng nghe có người bị thương hoặc chết vì súng nằm trong những bàn tay thiếu ngón mà bị cướp cò.
Con suối là một thực thể sinh động. Chảy ngày đêm không ngừng nghĩ, nó reo lên những nốt nhạc trong trẻo như tiếng chim hót. Đi cạnh con suối này, tai như được nghe một bản nhạc dương cầm không bao giờ dứt. Đây là một bản nhạc miên viễn như chiều kích thứ bốn của không gian thâm thẩm: cái vĩnh hằng. Nơi đó chỉ còn có sự thật khách quan. Mọi thứ chỉ tương dung mà không tương khắc. Đau khổ và hạnh phúc đi song đôi, tùy lúc thứ này thành thứ nọ. Ngoài tiếng reo trong trẻo, nó như có một linh hồn, linh hồn con suối.
Khi từ nguồn đổ xuống đến gần chuồng dê của trại thì con suối —như để tránh cái mùi phân dê khó ngửi— có hơi thiên về bên trái chừng trăm thước hay hơn một chút, rồi trở lại hướng cũ. Chảy thêm chừng năm trăm thước nữa thì tràn xuống đồng bằng. Trên cánh đồng đó có nhiều ốc đảo với hình dáng kích thích trí tưởng tượng để thấy hiện ra nào là hổ chầu, voi phục, rồng bay, lân múa, đại bàng sải cánh, hồng hạc qui sào, và mã đáo thành công. Toàn những hình tượng kỳ lạ bao quanh trại tù nằm đơn điệu trên ngọn đồi độc lập xa làng mạc.
Màu sắc những hòn đảo tí hon này cũng theo độ nghiêng ánh sáng mặt trời trong ngày mà thay đổi liên lục. Thế nhưng thay vì nước thì ở đây lại là đất, một thứ đất tạp nhạp. Lớp trên mặt có bề dầy chừng bốn tấc tây, toàn là mùn do những thân cây mục để lại từ nhiều đời.
Vào mùa nước rong, lớp mặt nổi lên theo nước với cỏ dại mọc chằng chịt trên đó, nơi chim bìm bịp chọn làm ổ. Loài chim này xuất hiện nơi đâu thì nơi đó phải có nhiều rắn độc kéo đến. Ngay bên dưới lớp mùn này là một lớp sình cũng sâu cỡ năm tất tây. Kế tiếp đó là đất sét, nơi màu vàng nơi màu đen, có thể được dùng làm gạch, ngói.
Nắm bắt được yếu tố này, chính quyền địa phương thiết lập hai cơ sở cơ bản cho nền kinh doanh xã hội chủ nghĩa: một nhà máy chuyên sản xuất gạch, ngói và một trại tù hình sự để cung cấp lao công miễn phí.
Cũng trong lớp đất sét nói trên các đội tù làm công tác thủy lợi trước đó đã từng đào lên nhiều thân cây dài năm, sáu thước, nằm chồng lên nhau. Điều này cho thấy trong quá khứ xa xưa, địa thế mang tên Đầm Đùn đó đã từng trải qua lắm cuộc biển dâu trong ít lắm cũng vài ba thế hệ.
Khi nước rút, lớp mùn lại nằm trên lớp sình. Các đội lao động tù Dết được điều xuống ruộng làm cỏ đắp đê phân vùng canh tác. Ban đầu thì có kế hoạch trồng lúa để cấp tốc giải quyết vấn đề lương thực cho số tù ngày càng tăng.
Ruộng được chia thành ô vuông mỗi cạnh trăm thước. Anh em tù dọn xong ô nào thì hợp tác xã nông nghiệp huyện, theo thỏa thuận với trại tù, đưa đội lao động nữ mang mạ vào khom lưng mà cấy.
Sau khi lúa bắt đầu uốn lưỡi câu chừng hơn tháng thì trời mưa liên tiếp cho đúng tuần. Đứng trên đồi nhìn xuống thấy cánh đồng giống như một vịnh Hạ Long bỏ túi. Toàn vùng ngập láng nước. Chỉ còn mấy ốc đảo trầm ngâm soi bóng xuống cái mênh mông phẳng lặng, bên trên còn vần vũ mây khói đèn. Tuần sau thì nước rút bớt. Anh em tù lại được lùa xuống ruộng chia nhau người gặt người vác những bó lúa đẫm nước lên đồi nhập kho trại. Hôm sau lại mang ra sân phơi. Xú khí lan khấp vùng, khiến ruồi lằng kéo về ồ ạt. Vụ mùa năm đó xem như bị mất trắng.
Năm sau thì đổi sang trồng cói. Cói được hợp đồng mua từ Hải Phòng, do xe tải chở về. Anh em tù được phân công gánh cói, rửa cói, cấy cói vào những mảng đất mùn trôi lều bều ở mặt nước. Rồi thì mùa cói cũng yểu mệnh sau theo một trận bão từ vịnh Bắc Việt thổi vào.
Tái Ông Thất Mã: ngoài việc gây sóng to gió lớn đưa đạm khí và dưỡng khí vào biển cho các loài thủy tộc sinh sống, bão còn giúp con người có lý do báo cáo toàn bộ vụ cói năm đó bị mất sạch. Anh em tù Dết lại trở về nghề cũ là trồng rau như trước.
Vườn rau là ba nền đất sát chân đồi có trại tù. Mỗi nền dài khoảng một trăm ngang năm mười mét, cao năm tất tính từ mực nước trung bình trong năm. Chung quanh mỗi vườn rau có trồng nhiều bụi chuối, mỗi bụi cách nhau mươi mét. Rau muống, rau dền, cải bắp, su hào, cải đỏ tùy mùa được trồng thành luống trên những nền này.
Sát vườn rau là cánh đồng chiêm có chừng mươi ốc đảo. Trên một ốc đảo đó có Miếu Ba Cô. Kiến trúc này được dân làng cất lên để tưởng niệm ba cô gái năm xưa trẩy đò đi vãng cảnh chùa Hương Tích chẳng may bị nạn chết chìm. Vài hôm sau, xác cả ba cô nương y như đang nằm ngủ, hẹn nhau trôi tấp vào cùng một chỗ, nơi miếu ngày nay tọa lạc. Dân địa phương cam đoan có những buổi chiều êm ả, gió hiu hiu mà nắng nhẹ nồng nàn, cứ nhìn vào hướng ngôi miễu chừng vài phút là thấy ba cô hiện ra, ngồi trên thuyền như xưa. Đúng là Tiên lữ đồng chu vãn cánh di (3), như Đỗ Phủ viết trong bài Thu Hứng thứ năm của ông. Và như thế đúng là ba cô đều đã lên tiên.
Vào mùa hạ nước trên ruộng rút xuống con sông chạy quanh miễu Ba Cô này.
Có lần trong một chuyến lấy củi, anh cùng một người bạn tù đã lội sang tận hòn núi có ngôi cổ miếu. Đến nơi thấy bên trong miếu sạch sẽ, nhang đèn đầy đủ, vừa rộng cho một gia đình với vài ba con nhỏ làm nơi tá túc. Thì ra ở chốn thâm sơn cùng cốc đó, miếu vẫn được người làng gần bên đến chăm sóc thường xuyên. Bên ngoài sát miếu có vài bụi tre với nhiều măng non. Anh và anh bạn leo lên đỉnh núi và chặt gần chục cành cây làm củi. Khi phóng cây xuống thì tất cả bị...lạc đâu cả. Người biết chuyện nói các cô nhắn sơ cho là " Chốn ấy..... chớ có mó tay".
Nước tiếp tục rút. Đứng trên đồi nhìn xuống thấy hai bờ bày ra hai bãi sình. Đường nước còn lại một ít nằm giữa lòng sông, từ đồi cao trông như sợi dây kim loại óng ánh. Hơi nước từ đó bốc lên nhạt nhòa. Mọi thứ hiện ra như một ảo cảnh rồi biến mất ngay sau đó. Từ không thành có. Đang có lại trở thành không. Tất cả chỉ còn lại dòng sông khô cạn. Nước cạn thì cá vô phương vượt thoát. Trường tiểu học gần đó bèn đi ngoại giao với chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp xin cho học sinh xuống mò cá cải thiện bữa ăn. Chủ nhiệm cho mò nhưng buộc mỗi đầu người đóng thuế mò là năm đồng. Theo thời giá, một cân thịt heo tươi là 25 đồng miền Bắc.
Cô giáo và các em chưa có kinh nghiệm bắt cá nên càn bùn mà đi suốt buổi rồi hầu như tay không vác nôm vác lưới đi về. Nhìn các em đang đi trên đê tưởng đó như đám rước băng đồng.
Trước đó chừng ba tuần cũng có một đám rước long trọng hơn. Có tiếng trống cơm. Có lọng che với vài chục người lớn bé trẻ già tính gộp thành một đoàn người áo dài khăn đống, lô nhô đi dọc theo con đê nhỏ. Trong đoàn có một vị linh mục già nghe nói đến hơn bảy mươi, đang lọm thọm đi. Ông được rước từ nơi cách đó xa đến bảy mươi cây số về ngồi tòa giải tội và làm lễ cho giáo dân làng gần bên, làng Nôi.
Vào mùa khô, ruộng chỉ còn rặt một lớp đất mùn đen kịt Đất nứt nẻ thành những rãnh to đi qua không khéo chân có thể bị nó ngoạm vào. Giếng trên đồi cũng cạn ráo. Mỗi chiều sau giờ lao động, anh em tù lội sình ngang bụng, xuống con sông đó múc nước đục ngầu. Nước đó dùng để gội đầu và tắm phần thân thể từ lưng trở lên. Khi xong thì múc cũng nước đó lên bờ đứng rửa phần từ lưng trở xuống xong mới về trại, toàn thân bốc lên mùi bùn, mùi đất thố. Thiên nhiên khắc nghiệt. Người dân rút đi nơi khác, khiến trại tù còn lại một mình sừng sững trên đồi. Những hôm mây trời xuống thấp, phủ trắng khấp lưng đèo, từ xa nhìn vào thấy toàn thể trại như đang treo lơ lửng giữa không trung yên tĩnh.
Mười năm trước, khi còn ở trại giam vùng Việt Bắc, anh săn nhặt những bao cát người Pháp những năm 1950 dùng đắp đồn lũy. Anh mang bao ra suối giặt sạch, dùng tư liệu để may chiếc áo ngự hàn cho mình. Chỉ dùng khâu may thì cũng được rút từ bao cát. Áo cắt theo khổ người, có hai túi, bao trùm đầu; mùa rét mặc vào thì ấm, mùa nắng mặc vào thì mát. Cả cái khăn choàng cổ cũng được làm từ bao cát. Kèm theo khăn này có cái nút "Đầu Thổ nhĩ Kỳ" được làm bằng dây rừng, đúng kiểu các sói con sói già Hướng Đạo ngày xưa. Cái lơi thứ kế của khăn và áo may bằng bao cát là chúng chóng khô. Khi lao động mồ hôi thấm vào, gặp gió thì thành những vệt trắng như muối. Sau khi giặt hết chất muối xong có thể mặc ngay vào người, không cần phong phơi. Đó là chưa kể khi tắm không có xà phòng thì nắm cái áo đó mà chà xát trên người cũng giúp làm tróc đi những bụi đất.
Bây giờ, mỗi lần từ rừng một mình vác củi về đội, khi đi ngang chuồng dê, anh thường ghé lại nghĩ mệt và cũng để làm hai việc: một là đến bờ suối cạnh đó rửa mặt mũi, tay, chân. Sau đó thì cổi áo ra mà giặt chay, tức là giặt không có xà phòng. Chỉ nhún áo vào nước, vò vò vắt vắt rồi mặc ngay vào người. Hai là chào hỏi hai người tù hình sự phụ trách chuồng dê và chuồng trâu, bò gần đó. Nụ cười chào hỏi nhau như là viên thuốc bổ, không gây phản ứng bất lợi nào. Ngoài ra, anh muốn tỏ cho họ biết rằng giữa anh và họ không có gì khác biệt hay là xa cách. Ngoài ra ở đó vào thời bấy giờ, anh cần một người biết rõ giờ giấc anh đi rừng. Đề phòng trường hợp rủi gặp nạn thì còn có người hướng dẫn đội đi tìm. Đó là điều anh có kinh nghiệm bản thân.
Một buổi chiều trước đó chỉ có hai tháng thôi, sau khi bó xong ba mớ củi anh ngồi nghĩ một chút. Đúng lúc anh đứng lên lấy con dao tông đeo vào cổ rồi cúi xuống vác bó củi lên vai, một con ông lỗ không biết từ đâu lao đến chích một phát vào phía dưới cùi chỏ tay trái của anh.
Nó làm nhanh quá. Khi biết được thì chỉ còn thấy nó bỏ lại cái kim với đùm ruột. Anh nắm cây kim rút mạnh ra và nặn thấy chút máu bầm. Vết chích gây đau buốt như cả đời chưa bao giờ bị đau như thế. Nó khác với cảm giác lúc bị đạn hay mảnh đạn bắn trúng. Vết đạn xuyên qua thịt làm bị tê khá lâu. Sau đó mới làm đau nhức. Nhưng vết chích do con ong lỗ gây đau nhức tức thời, nhức không tưởng nổi. Ong lỗ là loài côn trùng ăn thịt sống. Nó thường ở một mình cho nên rất độc.
Linh cảm được một cái gì đó rất không may sẽ xảy đến, anh cố vác bó củi mà đi. Đi được chừng năm mươi thước, mắt anh hoa lên, không còn nhìn ra phương hướng. Anh vứt bó củi lại. Chỉ giữ chiếc nón lá mà sau đó rồi cũng phải vứt luôn. Còn hai tay chống bên này rồi đỡ bên nọ. Vùng núi đá vôi đó có nhiều hố sâu cả chục thước. Cây từ dưới mọc thẳng lên. Có lúc anh thấy rõ ràng anh đang lết trên những ngọn cây như thế.
Đúng vậy, anh càn trên mấy ngọn cây. Cây oằn ngọn làm anh bị rơi xuống đáy hố mát lạnh. Nhướng mắt nhìn lên thấy chung quanh anh toàn cây thẳng đứng, mỗi cây đường kính khoảng hai tất, những cây chưa bao giờ có liên hệ với con người. Bên trên tròn vo một mảnh trời xanh biếc. Nếu cứ nằm luôn đó thì không gì sướng bằng. Nhưng anh cũng còn biết nằm dưới hố sâu chỉ độ nửa giờ thì trăn sẽ đến. Trăn ở đó có con to bằng đùi người. Có lần anh thấy con trăn to đang quấn một con dê cỡ 50 kí. Khi thấy anh nó liền bỏ mồi tháo chạy. Trong tay anh lần đó chỉ có con dao tông và một lưỡi liềm. Lần đó anh cũng rút lui.
Bây giờ thì anh lại cố leo lên miệng hố. Nhìn dáo dác thấy nhiều ngọn núi lạ hoắc thì biết mình đã thật sự bị lạc; nhưng không biết bị lạc vào đâu. Anh lại ngã, lại đứng lên. Rồi lại ngã, lại đứng lên cũng có đến mấy chục lần..... Mẹ anh ở xa quá. Tuổi bà cũng đang là trường thọ. Bà không biết anh đang bị lưu đày ở đâu...Rồi anh không còn cảm giác gì nữa.
Khi mở mắt ra anh thấy mình đang nằm ngửa ở mặt đất. Bên trên là bầu trời xanh bao la. Vài cụm mây mỏng chầm chậm bay ngang. Một con ó đang xây giếng trên đó. Phía đầu anh có một tù hình sự đang cấm miếng mo cau quạt gió vào mặt anh. Phía chân cũng có một hình sự khác làm y như vậy. Một bình trà có gừng với một cái ly nhỏ đặt bên cạnh.
Một cán bộ cấp đại úy, trại trưởng, ngồi trên cái nón cối của mình mà nhìn anh. Ông ta nói anh bị lạc vào khu trại hình sự do ông ta quản lý, cách trại anh chừng hai cây số.
Thấy anh tỉnh hẳn, ông ta kêu anh em hình sự đưa anh ra về. Lệ thời đó nếu tù trại này đi lạc sang khu vực của trại kia thì trại này phải đóng số bạc $50 cho trại kia để lãnh người tù của mình về. Lần đó anh không thấy ông ta đòi tiền gì cả. Anh nói lời cám ơn ông ta trước khi quay đi với hai hình sự. Đi một đỗi, anh hỏi anh tù hình sự đầu đuôi ra sao. Một anh tuổi chừng mười tám nói anh ta đang một mình đi rừng quơ củi. Bỗng thấy có....hai chân người từ một bụi rậm thò ra. Anh ta nói : " Cháu hãi quá, bèn co chân chạy về đội. Đội lúc đó đang dọn đất trồng đổ. Cháu nói đội trưởng cho thêm hai đứa lên khiêng chú về. Trại trưởng hay tin liền ra xem, nói chú bị ngất xỉu vì kiệt sức. Uống nước trà nóng pha với gừng là khỏi."
Anh cám ơn anh ta xong, lủi thủi đi về hiện trường lao động. Lúc đó đội đang tập họp về trại. Không một ai biết việc gì đã xảy ra.
Một hôm như thường lệ từ rừng về, anh đến bờ suối rửa tay, chân thì thấy ở đó có một tù hình sự mới. Người đó khoảng sáu mươi tuổi, gương mặt lầm lì, không cảm giác. Nói lạnh lùng thì cũng đúng. Nhưng ở đây phải nói là đành tâm. Ông ta đang ngồi mài con dao tông trên một phiến đá. Lưỡi dao cọ vào mặt đá thành những tiếng rít đều đều, chậm chậm. Một bên là đá, một bên là sắt. Cả hai đều bị mòn như nhau. Anh thấy ông chăm chú vào công việc một cách thật tình. Nhìn một lúc, anh bỗng tưởng ông với con dao là một. Ông biết nơi nào cần liếc mạnh, nơi nào cần rà sơ, ông làm như ông đang mài chính ông.
Anh trở lên con đường mòn trước chuồng dê thì gặp người tù hình sự thường ngày. Anh ta cho biết một tin vui cho bạn nhưng mà buồn cho chính anh. Người bạn tù trước nay của anh vừa có giấy phóng thích. Nhưng thay vì được về nhà thì anh ta bị trại đưa về giúp gánh nước cho bếp cơ quan—bếp nấu ăn cho cán bộ--và cho các phòng tắm của cán bộ từ trại trưởng trở xuống. Lệ thời đó là như vậy. Người trưởng trại cải tạo có quyền lưu giữ một người tù mãn án trong thời gian sáu tháng để trại....thử lần cuối xem đương sự đã thật tình được cải tạo tốt chưa. Trong thời gian thử thách này, nếu đương sự chưa “tiến bộ” thật sự, như còn bị ai đó than phiền về điều này việc nọ thì trại sẽ viết công văn đề nghị lên trên cho đương sự được tiếp tục cải tạo.
Trời đổ cơn mưa to vào buổi chiều khi tất cả anh em tù đã vào lán. Gió mạnh đến nỗi một cây bàng to tướng bên trong trại bị trốc gốc. Như phần lớn anh em, anh nằm kéo chăn tận cổ. Nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà giam mà thấm thía nổi nhớ nhà, nhớ quê không để đâu cho hết.
Vào lúc quá nửa đêm, có tiếng xe Molotova dừng bên ngoài cổng trại. Mươi phút sau thì cửa phòng được mở để nhận thêm một số chín người tù mới. Họ từ Thanh Phong đến. Tất cả bị ướt thê thảm. Họ vừa nói nho nhỏ với nhau vừa run nên nghe tiếng được tiếng mất.
Buồng trưởng kêu anh em dồn chỗ cho người mới đến có nơi nằm tạm qua đêm. Đèn dầu được thắp lên. Trong thứ ánh sáng chập chờn, mệt nhọc, bóng người lặng lẽ tháo màn, kéo chiếu, dời đồ cá nhân. Chừng hơn nửa giờ thì tất cả tạm xong. Điếu cày cùng điếu bát được bày ra. Tầng trên tầng dưới (4), đầu buồng đến cửa vào nhà mét (5), thiên hạ thi nhau kéo từng bi thuốc lào rồi nhả khói mù mịt.
Sáng hôm sau thì mưa bão vẫn còn nên trại nghỉ lao động. Các ma mới cho ma cũ biết nhiều trại tù vùng Thanh Nghệ Tĩnh đã được giải tán. Trừ một số từ các trại đó được chuyển về Nam, số còn lại thì được chuyển ra Bắc. Những ma mới nằm trong số đó và được đưa đến trại anh. Ngoài ra cũng được biết là ở vùng đó người tù bị chết về bệnh khá nhiều. Trại anh vào năm 1978 thì cũng có nhiều người chết. Đa số là anh em hình sự. Chiều nào vào khoảng năm giờ, mặt trời khuất sau núi là bắt đầu nghe tiếng búa đóng vào săng ở phía bệnh xá. Lúc chạng vạng mới mang những người chết đi chôn. Cứ y thế mà tai nghe tiếng búa suốt những ngày mùa Đông. Thì ra con người có khi phải từ giã cõi đời không phải vì cái lạnh bên ngoài nhập vào thân thể mà là thân nhiệt bị tiêu hao một cách không có bồi hoàn. Cái để bồi hoàn cho thân nhiệt nằm quá tầm tay; nằm bên ngoài mấy lớp kẽm gai.
Nhìn người mới tới thấy anh nào cũng bủng beo. Mắt chao dao, phờ phạc gần như hết cả thần. Trong số này nghe nói có hai linh mục. Cả hai vị tuổi còn quá trẻ, khoảng 30, mà lại luôn cười. Tại sao người thì gầy như con khô hố mà cười hoài ? Cười vì ở tù mà được may mắn chuyển đến một trại có điều kiện sinh hoạt khá hơn chút ít chăng?
Ngay đêm đầu tiên đến trại, hai vị tự động nhận chỗ nằm cạnh nhau. Trước khi ngủ thì buông màn rồi ngồi bên trong ...làm lễ Misa . Chẳng có ai trong anh em đến tham dự.
Vài hôm sau mới biết vì sao các vị tu sĩ đó có lý do để cười. Trong anh em tù Dết sẽ có người cho quí vị là linh mục quốc doanh, là cò mồi do công an gài vào để câu những con chiên nhẹ dạ. Ai nhờ quí vị giải tội và trao bánh thánh sẽ bị an ninh trại cùm mệt nghỉ. Cái khổ tâm của hai vị chính là ở chỗ đó. Cho nên để đối lại, quí vị chỉ còn biết cười trừ.
Ngày hôm sau da trời còn nặng một màu chì. Đội xuất trại lao động. Khi ngang chuồng dê thì thấy gió đêm qua đã kéo sập hơn nữa mái. Dê lớn dê nhỏ bị ướt mà chết đến hơn chục con. Số sống sót thì rúc dưới phần nóc còn lại mà kêu như bị cắt tiết. Nhìn hướng về bếp cơ quan thấy những cột khói trắng tuôn lên cuồn cuộn. Bóng người ra vào nườm nượp. Tại cái giếng nước cạnh bếp của cơ quan lố nhố cả chục người đang mổ thịt dê chết rét. Thình lình trời tối sầm lại, gió thổi ù ù. Anh em tù và cán bộ quản giáo kéo nhau chạy ngược về lại trại.
Hôm sau bão tan, trời lại trong trẻo. Đội tiếp tục lao động. Khi đi ngang chuồng dê anh để ý thấy một ông cụ cao niên đang ngồi đẽo một khúc gỗ cạnh cái chòi của hai hình sự phụ trách chăn nuôi. Hỏi ra mới biết ông là thợ mộc được hợp tác xã gần đó điều vào phụ với ông già mài dao và nhân viên trại giúp sửa nóc chuồng dê. Lão nhân trông thấy anh liền đảo mắt nhìn trước nhìn sau, gật đầu chào xong mời anh nút thuốc rê. Anh ngồi xuống cho kín đáo một chút. Ông hỏi tiếng vừa đủ nghe:
“Có bao nhiêu linh mục mới đến ?”
Anh không trả lời mà chỉ đưa bàn tay với hai ngón xòe ra để kẹp gói thuốc ông trao. Ông ta nói tiếp:
“Hai? Mời quí vị gửi đại diện gấp. Cú...cú...cú rượu và bánh thánh.”
Nỗi vui lớn quá. Nó khiến ông lắp bắp. Chữ có nói thành cú. Nghĩ rằng ông ta đang đóng kịch, anh khựng lại, rồi nói phân đôi:
“Tôi mang về cho hai ngài được không?”
Ông ta nghĩ anh sẽ lợi dụng hoàn cảnh để kiếm chác. Trong những năm tháng bị đói triền miên, chút chất bột bỏ vào miệng một cách vệ sinh thì ai mà chẳng nghĩ đến khi có dịp. Ông già nhất định nghi anh có ý tư lợi trong việc ông nhờ. Ông nói:
“Thôi.”
Cái tiếng thôi đó nghĩa là dứt khoát không nhờ nữa. Ngoài ra cũng để hiểu rằng nếu về sau có ai hỏi về vụ ông có tìm gặp các linh mục hay không thì nhất định là ông chối. Đến đó thì anh chào ông ta rồi đi tiếp lên rừng.
Rừng là nơi anh học được nhiều thứ trong nhiều năm. Khi khát nước, anh biết lấy nước uống nhỏ ra tùng giọt từ các sợi rễ to bằng bắp tay người lớn. Anh cũng tìm được những sợi dây rừng to cỡ đầu đũa ăn. Mỗi sợi dài có đến mười thước và bền chắc đến độ dùng đó buộc những bó củi nặng năm sáu, mươi ký rồi dắt như dắt chó xuống núi mà không hề bị sút xổ.
Ngày hôm sau thì hai vị linh mục bắt đầu theo đội đi lao động. Các bố —tiếng anh em gọi các linh mục trong tù— được đội trưởng nhờ phụ anh em đến chuồng dê, chuồng trâu và chuồng bò gánh phân về rẩy mà ủ, chuẩn bị bón cho hoa mầu. Chỉ tiêu đề ra là sáng bảy chiều ba tức là ngày mười gánh. Mỗi gánh nặng trung bình bốn mươi cân. Làm đúng chỉ tiêu trại giao thì ngày lao động mỗi người phải đi bộ khoảng mười cây số với thành quả tính gộp là bốn trăm ký phân gánh bằng vai. Đó là một môn thể thao tuyệt vời giúp tan chất béo. Những lần lê chân từng bước gánh phân, gánh đất, gánh đá mà đi lao cộng cải tạo, nhiều anh em tù dáng phất phơ như những cái bóng, lòng mênh mang nghĩ về mọi thứ không đầu không đuôi, nhớ để khỏi nghĩ đến quê nhà mà lòng biết rất khó mà có thể nhìn thấy lại. Khi con người bị du xuống tận cùng của thất vọng, niền an ủi còn sót lại là hình bóng những ngày qua.
Còn nhớ một hôm trời nóng nực, anh em ra giếng tắm rất đông. Miệng giếng công cộng đường kính hơn mười thước, sân giếng khá rộng mà người đứng đầy kín không còn chỗ trống. Một bạn tù của anh đang tung gàu kéo nước bỗng nghe ai đó gọi hai tiếng: Ông thầy. Nhìn ra thấy một đàn em của ông ta ngày trước. Người này vừa từ trại khác bị giải đến mấy hôm. Khi ra giếng tắm tình cờ nhìn thấy xếp cũ nên mừng quá mà kêu lên. Rồi vừa tắm vừa nói chuyện. Người đàn em hỏi:
“Sao ngày đó thiên hạ bỏ chạy cả mà ông thầy không đi?”
Anh bạn của anh ngần ngừ một chút rồi hỏi lại:
“ Sao anh cũng không bỏ chạy? “
“ Tại ông thầy không chạy nên tụi này đâu dám. Ngày đó nếu không có trách nhiệm gì đối với nhân viên thuộc quyền thì em cũng đã đi rồi. Đàng này lính dưới quyền em nheo nhóc quá. Bỏ đi nhỡ họ vì hoảng sợ mà làm loạn hay giết cả gia đình rồi tự sát thì trách nhiệm đó ai chịu.”
“Thế là anh ở lại?”
“ Thưa đúng.”
Đổi đề tài, anh ta tiếp:
“ Gần đây em bị bệnh lỵ nặng quá mà không thuốc uống. Em nghĩ nếu chết trong tù em cũng không làm tủi nhục cha mẹ em vì có đứa con bị người đời chê là hèn nhát. Hi vọng con của em sau này khi vào tuổi biết suy nghĩ, chúng sẽ xem như em đã chết trận như bao nhiêu người khác nằm trong các nghĩa trang tử sĩ . Cái cấp bực cũng như huy chương ngày trước em mang trên ngực, trên vai là do những người lính cũng như dân đã nằm xuống cho quê hương này. Mỗi lần nhớ lại thấy sao mà thương họ quá. Yên lặng một mình dưới mộ phần. Hồn phách còn nhưng không có miệng để nói. Người chết thấy rõ hơn người sống. Họ biết hết, ông thầy ơi. Em bị đày đọa đây là vì em góp phần làm mất nước. Em không bỏ trốn. Em không có bỏ họ cũng như không bỏ những lính của em. Không bao giờ, thưa ông thầy. Gần đây em có nhận được thư của bạn em hiện sống ở Mỹ. Nó gửi cho vợ em năm chục đồng để mua lương thực tiếp tế cho em. Ngoài ra trong mẫu thư nhỏ nó gửi cho em, nó với cái giọng tếu như xưa, nói em ngu nên không bỏ chạy. Lời nó tếu như chưởi thẳng vào những vị tướng, tá đã tử tiết vì cuộc chiến này. Nó có học sử Việt Nam. Nó cho những Phan thanh Giản, những Võ Tánh, những Hoàng Diệu, những Nguyễn tri Phương cũng là ngu hết.”
Ngưng một chút, anh tiếp:
“Em thương vợ em vì đã dùng tiền nó cho để mua quà mang ra cho em mà không biết rằng em buồn vì cái lời nói tếu của thằng bạn. Em là cấp thấp nhưng em có danh dự của em. Ngày trước 75, em đánh tụi này nhiều trận chúng chạy thất điên bát đảo. Nay trong bộ đồ tù của chúng, em vẫn uy nghi.”
Anh lắng nghe tiếp. Người đàn anh hỏi:
" Ở đây là vinh hay nhục ?"
Tiếng trả lời:
" Nhục là cái chắc. Nhục nhất là mình chỉ thua vì không ngờ quốc gia mình bị thiên hạ lợi dụng từ nhiều năm mà mình không biết. Miền Nam từ năm 1964 chỉ là nơi để Hoa kỳ biểu dương lực lượng cho Liên Sô thời ông Nikita Khrushchev biết rằng sau sự kiện vịnh con Heo tháng tư năm 1961 ở Cu Ba, tổng thống Kennedy tuy ít tuổi, nhưng ....mạnh. Do đó Mỹ phải bằng mọi giá vào Việt Nam với những binh đoàn hùng hậu, phải không, thưa ông thầy? Ngày cử người sang Việt Nam làm Đại sứ, ông Kennedy ở cương vị Tổng thống một cường quốc, đã lựa một Capot đứng cao hơn cụ Diệm không phải một là ba cái đầu. Khiến khi nói chuyện với hắn, cụ Diệm phải ngước mặt nhìn lên. Thật không còn trò chơi chính trị nào đểu giả hơn thế. Nhiều lúc em nghĩ mà thương cụ Diệm quá sức thương. Không có ông thì toàn miền Nam đã bị nhuộm đỏ từ 1956.”
Người đàn anh nói:
“Nếu anh cho đây là nhục thì tôi xin được chia cái nhục đó với anh vậy. Cũng như trước kia, anh và tôi cũng từng chia xẻ cái mà người đời gọi là vinh quang.”
Người đàn em nghe xong, tiếp tục tung gàu kéo nước xối lên người anh. Độ một phút sau đó, có tiếng kẻng báo cơm chiều. Mọi người quơ vội đồ đạc cá nhân, chạy nhanh về phòng, mang ca, cóng ra sân lãnh phần ăn của mình.....Trong khoa Tử Vi còn thiếu điểm luận về giờ tốt: đó là giờ phát cơm hàng ngày trong các trại cải tạo. Sau đó là giờ "vào chuồng". Người tù trở về sống trọn vẹn với những suy tư của chính mình mà ít bị ai phá rầy.
Anh đợi đúng một ngày sau mới báo cho một trong hai vị linh mục đó biết lời nhắn của ông già thợ mộc. Linh mục nghe một cách thờ ơ. Lúc đó ông vào tù được ba năm, thời gian đủ để ông học được nhiều điều. Thứ nhất là đừng tin những gì lần đầu tiên nghe thấy từ người mình không được thí dụ để quen. Hai là lỡ nghe thì đừng học lại. Ba là nếu ai hỏi mình có nghe gì không thì cứ xác quyết là không. Dù hỏi ngàn lần cũng phải nói là không. Do đó mà anh hiểu thái độ đương thời của ông: Cẩn tắc vô ưu.
Nhưng trong việc đó, vì không cẩn tắc tí nào, anh tin lời ông già kia như thật. Có một sức mạnh nào đó bắt anh phải dấn thân để đảm nhận một điều gì ngang với thiên chức cao trọng mà anh được chọn để thi hành như trả lại một thứ ân tình linh thiêng. Và chỉ có hai hôm sau đó, lúc ở rừng vác củi về đội, khi qua ngang chuồng dê thì anh thấy hai vị linh mục gánh phân, đang ngồi nghĩ mệt cạnh ông già thợ mộc khó tính. Cả hai tươi cười và mãn nguyện. Nhiều năm qua anh mới thấy được hai nụ cười chân thật là nụ cười.
Cái sự đề huề giữa ba nhân vật hai già một trẻ đó là phần thưởng cho riêng anh. Ít ra trong môi trường nghiệt ngã đó, anh còn làm lợi cho ít nhất là ba người. Điều này càng thêm được xác tính khi một buổi chiều tiếp sau đó, sau buổi lao động về, ra giếng tắm giặt. Khi tắm xong thì đi lãnh phần cơm mang ra gốc cây điệp trong trại ngồi ăn bỗng gặp hai vị linh mục đang ngồi chung với vài bạn tù khác. Họ mời anh ngồi xuống cùng ăn. Thừa lúc không ai để ý, một trong hai ông dúi vào tay anh gói bọc giấy kiếng to chừng ba ngón tay. Đó là món ăn bình dân ở đất Bắc gọi là..... chè bà cốt. Ông không nói nguồn gốc của cái món quà hết ý đó. Anh đưa ngón tay chỉ về hướng chuồng dê. Ông gật đầu hai lần để xác nhận.
Từ đó trở đi, mỗi khi lên rừng, Anh không còn thấy rờn rợn như có cảm tưởng mình bị theo dõi nữa. Tất cả chỉ như là một giấc mơ như câu chuyện của ông già mài dao.
Ông nói ông 65 tuổi nhưng trông ông già hơn thế nhiều. Theo lời ông kể, trước đó tám năm ông là trưởng một ga lớn thuộc miền Trung. Trong thời chiến, để tiếp chở chiến liệu vào mặt trận trong Nam thì đó là trạm chính, nơi mà hầu như ngày nào “giặc lái” Mỹ cũng bay đến oanh tạc nặng nề. Những kho lúa của nhân dân đóng góp hàng nhiều năm trời đều bị phi pháo đánh tan trong khoảng khắc. Lúc đó ông cựu trưởng trạm này đang sống với vợ sáu con và một mẹ già, tương đối không phải lo lắm về cái ăn, cái mặc. Nhìn cảnh giặc hủy hoại... tài sản xã hội chủ nghĩa như thế ông bèn có sáng kiến sáng ngời, mà mọi người ai cũng hoan hô, kể cả cấp ủy trên tỉnh. Đó là mở cửa các kho còn lại chia thóc cho nhân dân trước đợt phi pháo sấp đến. Theo lời ông thì lúc bấy giờ không biết cơ man nào là người từ địa phương, từ các nơi khác được điều về chỗ ông để lấy thóc. Ông nói," Bộ ngu sao để giặc ném bom cháy hết?"
Lần đó thì ông được khen và ông cũng nở mặt. Trong nhiều năm cúc cung tận tụy phục vụ nhân dân, đó là lần đầu ông cảm thấy rất tự hào về con người của mình vì đã thật sự gãi đúng vào cái điểm yếu nhất của nhân dân là cái bao tử. Ông cho biết người nhà ông cũng có đi gánh thóc cả đêm mang về đổ vào bồ thóc nhà. Gia đình ông cũng thuộc loại vẻ vang, luôn luôn tình nguyện phục vụ tuyến đầu chống giặc. Ông dằn từng tiến," Bộ là đồ bỏ sao ?"
Đến khi hòa bình trở lại ông bị truy tố ra tòa án nhân dân về tội làm thất thoát tài sản xã hội chủ nghĩa. Tòa xét công và tội thấy ông cũng có bảo đảm công tác thắng lợi của trạm trong suốt thời gian chiến tranh. Bản án được ghi là 20 năm tù giam biệt xứ thay vì tử hình. Luật sư (?)biện hộ xin tòa trên xét lại mức nghiêm trọng của sự việc mà tăng thành 30 năm. Như thế, ông sẽ mài dao đến gần trăm tuổi mới thôi. Nhìn ông đang cầm con dao tông, vừa sờ sờ ở mép xem lưỡi nó sắc đến cỡ nào, anh muốn rút lui sớm. Bỗng ông nhìn ngay anh, nói :
“Các anh trong đó sướng như tiên(?). Những tưởng các anh ra giải phóng chúng tôi mà ai ngờ chung cuộc lại quá bất nhân.”
Không ưng nghe tiếp, anh hỏi :
“Hồi chiến tranh ác liệt, quê bác có nhiều người đi nghĩa vụ vào Nam không ?”
“ Nhiều lắm. Họ tuyên truyền nói có đánh thắng thì mỗi người sẽ có một nhà ngói, một xe bình bịch, tủ lạnh, máy truyền hình và nhiều tiện nghi khác nữa. Cái đó nếu có thì ưu tiên cho người trong đảng của họ mà thôi.”
“Thế bác có tin không ?”
“ Không tin để mà...đi tù à ?”
“Nhưng trong bụng bác vẫn không tin chứ ?
“Vẫn không đấy chứ. Nhưng bố bảo cũng không tỏ ra bên ngoài. Ngày nào cũng phải nói hai tiếng Tôi tin, Tôi tin, Tôi tin. Nói mãi cho nó quen.”
“Thế còn bác gái và mấy anh mấy chị nhà ?
“Cũng thế tất. Hở ra là đi tù . Tù về tư tưởng thì không có ngày ra. Giống như các anh bây giờ đó. Ở đây có hai loại cải tạo. Một loại dành cho cán bộ đi lệch đường lối. Đi cải tạo để khi có dịp thì được mang ra đánh bóng dùng lại. Còn loại cải tạo khác là loại dành cho những người như các anh đó. Đó là loại cải tạo để chết một cách hợp pháp, tức là chết về bệnh mà không có thuốc chữa. Đúng, chết vì ...bọn đế quốc cấm vận ta, không bán thuốc chữa bệnh cho ta mà còn nói xấu lãnh đạo ta. Phải cho chết nhiều để quốc tế thấy rõ mức.... giả nhân giả nghĩa của chúng.”
Bác ngưng nói, ngưng mài, nhìn lơ đễnh xa xăm một chút rồi tiếp:
“Tên Hitler ngày trước, khi khi vận cùng thế kiệt, chui xuống hầm ngay tại Bá Linh tránh bom của Đồng minh mà còn nói cả nước Đức không xứng đáng với lòng tin của hắn. Chung qui cũng vì hắn quá tin tổ sư nói xạo là Gô be (6) mà ra cớ sự. Đời nay có hàng vạn Gô be đang ở đây.. Trong chế độ tư bản nhà nước này, không hiểu chính sách cũng đáng vào trại cải tạo. Chính sách mà chính các tay mang ra rao giảng cũng không hiểu nổi thì còn mong gì ai hiểu. Nói hiểu sao chính sách nào đưa ra cũng bị thi hành sai? Còn nói chế độ độc đảng là tốt thì làm gan thử cho bầu cử tự do có quốc tế giám sát thì biết nhau ngay.”
Ông tiếp:
“Các anh mà thoát được nơi này là phải có ơn trên. Thế giới bên ngoài có tranh đấu cho các anh đó nhưng không ăn thua chi đối với nhà nước này. Các anh đã bị như thế này rồi mà bên ngoài còn bày hội này hội nọ lấy tiền của Mỹ nói là lo cho các anh. Lo cái gì? Lo cho cái túi của họ trước tiên đã.”
“Thật thế sao, thưa ông?”
“ Sao không? Nay họ đang ôm vấn đề tù nhân lương tâm của mấy anh mà làm giàu. Chính họ không muốn các anh được thả ra. Thả thì còn đâu đối tượng cho họ kiếm chác. Nói chi đâu xa. Trong số bạn mấy anh nay đang ở nước ngoài có khối người do bên này gài vào. Họ được tha sớm. Về là tổ chức cho đi. Sang đó làm việc kiếm tiền gửi về trả công cho lãnh đạo bên này. Còn những người trước kia là bạn của các anh nay thì đa số họ muốn thấy các anh lỡ bị kẹt lại thì chết luôn cho rảnh mắt. Còn Tây phương miệng thì tuyên bố này nọ thế kia mà trong bụng thèm rỏ dãi con số hơn sáu mươi triệu miệng tiêu thụ hàng hóa của nước họ. Ai nắm được dân dù cho nắm bằng phương tiện gì thì sẽ được ...người ta tìm để nói chuyện làm ăn ngay lập tức. Đó là qui luật của thời hợp tác làm ăn trong một nền kinh tế toàn cầu. Ngày trước thì cuộc chiến ở đây chỉ là cục bộ thôi. Người ta dùng các anh để kéo Liên Sô chạy đua vũ trang cho chảy máu trắng mà thua cuộc đồng thời mở cửa Trung quốc với gần một tỉ miệng ăn để bán Coca Cola và mở nhà hàng ăn uống, và nhiều thứ khác. Cho nên anh Đài Loan và miền Nam mấy anh bị bán đứng từ khi ông Nít ông Nuốt và lão Kít lão Kứt gì đó sang thăm Mao năm 1972.”
“Bác nói nghe lạ quá. Thế tất cả chúng ta đều là nạn nhân ?”
“Đúng. Tất cả đều là nạn nhân của loài quỉ sống. Chúng nó chỉ vì tiền thôi. Chỉ tội cho những người hai bên đã chết vì chiến tranh, chết vì nghe lời nói dối. Khi tôi nghe trong đó tuyên truyền các anh là tiền đồn của thế giới tự do, nói thật tôi cũng thấy buồn cười. Tiền đồn nào rồi khi làm ăn bình yên có lợi rồi thì cũng phải dẹp bỏ mà thôi. Đây các anh xem tôi nói có đúng không. Chẳng có dân nào ngu hơn dân nào mà cũng chẳng có dân nào khôn hơn dân nào cả. Dân nào có lãnh đạo khôn thì người dân khôn theo. Dân nào có lãnh đạo ngu, bợ đỡ thì dân cũng ngu và bợ đỡ theo, dân nào có lãnh đạo lưu manh thì cũng lưu manh theo.....”
Anh thấy mình không hoàn toàn tin những gì ông ta nói về những người bạn của anh đã bỏ đi trước ngày miền Nam sụp đổ. Trong số đó, không chối được là có không ít người thấy còn ăn thì ở, không ăn được thì bỏ đi. Họ coi toàn miền Nam phải phục vụ cho họ và ngược lại, họ không có trách nhiệm gì với nơi và người đã nuôi sống họ và gia đình con cái của họ trong nhiều năm. Đó là bản chất của những con người có lòng tự ái lệch lạc đến mức vô luân, tức là loại tự ái bệnh hoạn (7) của những nhà độc tài khiếp nhược nhất. Còn lại đa số bạn của anh là người bị áp lực của hoàn cảnh mà phải bỏ chạy trước khi kịp suy nghĩ chạy đi đâu. Rồi nếu sống sót thì khi tuổi về già, liệu tư duy của họ có để cho họ bình yên mỗi khi họ nhớ đến những người đã chết để cho họ được sống. Biết thế nhưng ở hoàn cảnh của họ, chưa chắc anh làm khác hơn. Ông già mài dao cũng không để ý điều nếu tháng 4 năm 1975 mà người đứng đầu đảng CSVN thuộc phe đầu phục Trung Cộng thì toàn thể nhân dân miền Nam không thể nào tránh được những gì Pol Pot và đồng bọn đã gây cho 4 triệu dân Campuchia trong các năm 75, 76, và 77.
Sau đó, anh còn nhiều dịp trở lại nhìn dòng suối liên lủy ngày đêm chảy xuống đồng bằng. Không bất cứ một loài thủy tộc nào được nhìn thấy ở đây ngoại trừ bóng mấy con chim trời. Chúng bay ngang in hình xuống đó trong một thoáng rồi biến đi như một ảo ảnh. Bầy chim như tin nhạn đưa anh về một ký ức chưa mấy xa xôi.
Vài năm trước đó, khi còn thuộc quân quản ở Việt Bắc, một hôm thấy một ông cụ người quắc thước từ ngoài vào thẳng trại rồi đến khu nhà ở của cán bộ. Vài hôm sau thì biết cụ già đó là thân sinh của cán bộ quản giáo đội của anh. Ở quê ngày đó không đủ gạo ăn. Thỉnh thoảng ông cụ lấy cớ đi thăm con vài ngày. Trước là vì tình phụ tử, sau nhờ chút khẩu phần có vẻ khá hơn của con nhín ra đãi bố. Ở bồi dưỡng như thế được đúng tuần thì ông cụ đi. Độ vài tuần sau thì ông cụ trở lại thăm tiếp.
Ngay hôm ông cụ ra về, lúc gần nửa đêm, cán bộ xuống tập hợp anh em trong đội, nói:
"Tập họp các anh giờ này là phá rầy các anh khí không phải. Thế nhưng chiều qua, trước khi ra về, bố tôi có nói là tôi phải đối xử với các anh cho thật đàng hoàng. Vì lẽ các anh là những người không có lỗi gì cả. Các anh chỉ làm nhiệm vụ của người trai đối với tổ quốc và vì mải mê với bổn phận và trách nhiệm mà các anh phải lâm vào cảnh huống như ngày nay. Những gì bố tôi nói quả là ngược lại với những gì đảng và nhà nước đã dạy tôi. Vậy theo các anh thì tôi phải làm sao đây? Chúng tôi được trên dạy rằng hễ ai hỏi về hòa hợp hòa giải thì nói là có hòa hợp hòa giải nhưng không hòa cả làng. Trong chiến tranh gia đình chúng tôi đã bị mất mát nhiều chứ không hay sao !”
Lời nói đó đã làm tăng nỗi cay đắng cho cuộc sống lưu đày của anh em tù, đồng thời cũng làm lóe lên một chuẩn thức về một kết cuộc may ra tươi sáng hơn. Thời gian rõ ràng đang ở về phía những người tù. những con người đã bị bỏ lại vào phút cuộc chiến trở nên nguy hiểm nhất. Với một ý nghĩa nào đó, những người tù này rồi sẽ giống hình ảnh của tượng đài Thương Tiếc ở nghĩa trang quân đội miền Nam trước kia. Đó là một biểu tượng cho sự xót xa của ác mộng. Nhưng trời chưa muốn đều này. Ông già mài dao trước kia chắc cũng có Tây học và là một cán bộ trung kiên. Ông từng nghe những lời nói mang tính cách tuyên truyền hơn là thông tin về sự thật. Và trong nhiều năm, ông đã nghe những lời đó và nghe như cái máy biết vâng lời. Nhưng về sau, với tầm vóc tri thức của chính mình, ông ta thấy rằng những cái máy thông minh hơn thì biết lúc nào không nên vâng lời nữa.
Từ khi có những đội trẻ về chăm sóc vườn rau thì những đội già như đội của anh được giao công việc trông coi vườn chuối sát tường cạnh trại. Bối cảnh thơ mộng này tiếp giáp với các động Hương Tích cách đó đi bộ chừng một nửa ngày đường.
Anh có dịp trở lại nhìn dòng suối đó một chiều trọng thu có nắng vàng hoe rải khấp một vùng đồi núi chập chùng. Người giàu trí tưởng tượng mỗi khi đi trong vùng nắng vàng này có thể cho rằng mình lạc bước đến Thiên Thai. Tuy chẳng biết bao giờ mới có cơ duyên để thấy được quê hương của... vợ Từ Thức, anh cũng không còn xem việc trần thế này là những mối dây ràng buộc khó tháo gỡ nữa. Hương Tích cũng cho anh một cảm giác gần giống như thế khi anh bước vào lứa tuổi....nghi bất hoặc.
Bóng hình Hương Tích, một thứ tình tự quê hương, đã ăn sâu vào tâm trí anh từ dạo đó. Mỗi khi một mình nghĩ lại thời gian đã mất, trong trí anh bỗng hiện ra chầm chậm, rõ ràng, nguyên vẹn phong ảnh đẹp như mơ với con đường ngòng ngoèo khi ẩn khi hiện qua những hòn núi rêu phong. Có lúc chúng hiện ra óng ánh như hổ phách, có lúc xanh rờn như ngọc bích. Theo con đường đó, khi lên cao nhìn xuống thấy mây lãng đãng vướng chân mình. Khi xuống thấp thấy tái nhập vào dương thế với những đoàn người có các cụ già chống gậy vừa đi vừa tay lần tràng hạt miệng niệm Nam mô.
Rồi chẳng hiểu sao, trong phần ký ức êm đềm đó, Anh lại thấy hiện về một mùa Đông mang sương lạnh rải khấp lưng đồi chung quanh những khu rừng mơ đang nở hoa như tuyết phủ.
Ông già thợ mộc sau khi sửa xong chuồng dê thì đôi khi thấy ông ta trở lại. Mắt dáo dác như tìm người quen. Thỉnh thoảng thấy ông ghé qua thăm một cặp vợ chồng già thuộc diện cải tạo lâu năm mới được phóng thích. Họ không được về quê mà phải đến ở trong một căn lều xiêu vẹo sát hong trại cho trại tiếp tục quản lý. Bên ngoài căn chòi nầy có nhiều bụi chuối xanh um. Ban ngày muỗi bay từng đàn. Người chồng sáu mươi lăm tuổi. Bị giam từ dạo 1954 vì tội đi tu làm linh mục mà không chịu nhảy rào theo lệnh của xã ủy. Người vợ năm mươi tư. Bà ở tù hình sự hai mươi bốn năm vì tội đi tu làm dì phước mà không chịu cổi áo theo khuyến cáo của ban đại diện tôn giáo địa phương hồi năm 1964. Lời thiên hạ nói thế. Đúng sai chưa rõ. Bấy giờ thấy cả hai sống như hai cái bóng âm thầm hủ hỉ bên nhau trong lúc vãn niên.
Không biết hai người đã sống với nhau được bao lâu mà lúc bấy giờ thì cả hai như thành góa bụa. Thấy nhau từng phút từng giây nhưng không còn tiếng nói. Có chăng chỉ còn thông cảm nhau bằng ý như hai người thuộc cõi câm.
Có những buổi chiều trời không lạnh lắm mà nhà lại hết dầu đốt đèn. Hai người ra sườn núi, dắt nhau đến một phiến đá rồi cùng ngồi lên đó. Họ ngồi im như tượng, phóng tầm mắt về phía chân mây xa vắng. Suy tư có nhiều khả năng làm con người mất thêm tiếng nói. Khi đó ông đặt tay trên vai bà. Bà gửi tay bà trên tay ông như để truyền hơi ấm cho nhau. Liên hệ âm dương suốt một cuộc đời người may ra là chỉ thế đó.
Thi sĩ Tản Đà trước kia chắc cũng đã kinh qua không ít cảnh đoạn trường. Tiên sinh có nhắn qua bài thơ Tống biệt rằng " Ước cũ duyên thừa có thế thôi".
Cuộc sống trần thế chỉ còn là một thứ ảo cảnh, là một tuồng hát linh thiêng trong đó, mọi đau khổ cũng linh thiêng, và mỗi người phải đóng cho đạt vai trò của mình. Trong tuồng này, thực tại duy nhất cũng linh thiêng và cần thiết, đó là đau khổ. Ngoài ra, trên đời này cũng không có cái Ác mà chỉ có cái Thiện. Hay cái Ác chỉ là cái Thiện mà thiếu một chút gì trong DNA của nó. Mà cũng không có Hạnh phúc hay Đau khổ. Những thứ đó chỉ là cảm giác tùy lúc mà đổi cái này thành cái nọ. Nếu con người chưa định nghĩa được rõ ràng thế nào là hạnh phúc thì đau khổ cũng không thể được giảng giải đó là gì. Chỉ biết rằng cuộc sống trên trần gian này sẽ nguy hiểm bao nhiêu nếu vắng bóng đau khổ tinh thần và thể chất? Do đó, nếu nhận rằng có Thượng Đế trên cao, sinh ra mọi loài thì chối bỏ đau khổ tức là bày tỏ thái độ vô ơn đối với Ngài.
Hai vị linh mục thì một thời gian sau đó được chuyển đến một nơi khác không một ai biết. Riêng ông già mài dao tóc trắng như bông thì vẫn còn đó. Mỗi ngày ông cứ tiếp tục mài. Tiếng thép cọ vào đá nghe đều đều như nhịp tim của chính ông. Gần như nếu không mài thì ông ta sẽ ngã lăn ra mà chết. Do đó thời gian của ông lúc bấy giờ là chỉ để mài dao, có khi trời đã rất muộn mà ông vẫn còn mài.
Những hôm mưa giông. Trên không sấp chớp. Nước suối dâng cao. Tiếng mài dao vẫn hòa với tiếng chảy rạc rào của con suối mịt mờ sương khói trong suốt những ngày tháng đó.
Tiểu Đĩnh
1. Zek, tiếng Nga, chỉ tù Gulag. Miền Bắc phiên âm thành Dết để chỉ người tù miền Nam sau tháng tư năm 1975.
2. Dao tông là loại dao cán liền với lưỡi, bằng sắt thô, dài 4 tất, nặng khoảng hơn cân Tây.
3. Chiều hôm cùng với người tiên
Trong hoàng hôn muộn ngồi thuyền mà đi.
4. Lán giam tù có hai tầng lót váng làm chỗ nằm: tầng trên và tầng dưới, cách nhau khoảng 1 thước.
5. Buồng tiêu tiểu
6. Paul Joseph Goebbels, Bộ trưởng bộ tuyên truyền của Hitler, người có câu nói bất hủ là“Cứ nói dối và nói dối. Rốt cuộc thì dân chúng sẽ tin theo.”
7. Patholocical narcissism.
DÒNG SUỐI
Thời đó, đội của anh phụ trách làm rau. Nhiệm vụ của anh là mỗi ngày lao động là lên rừng lấy củi về cho anh nuôi đun nước giải lao vào lúc nghỉ giữa tầm.
Khu rừng này nằm trên sườn một dãy núi đá vôi cao khoảng 200 thước. Từ hiện trường lao động đến chân núi phải theo con đường mòn khoảng hai ngàn thước, hai bên là cây thấp mọc um tùm. Dọc theo đường mòn này có một con suối. Bên này bờ suối có một chuồng dê, bên kia một chuồng trâu, một chuồng bò. Mỗi bầy trâu bò đếm khoảng 20 con. Còn dê thì năm hay sáu chục.
Dòng suối này ngang độ ba thước. Vào mùa mưa nước sâu đến ngực, mùa nắng chỉ đến gối. Nó phát xuất từ một nơi nào ít ai biết. Có lần vì hiếu kỳ, anh muốn đi tìm cái đầu nguồn đó. Một hôm lên rừng lấy củi xong, bó lại, mang giấu trong bụi cây rồi anh xách dao tông (2) đi ngược dòng con suối bí ẩn này.
Đường đi không dễ như anh tưởng. Cây cối, lau sậy che kín các hướng nhìn. Không dấu chỉ từng có người lai vãng trong vùng đó ít nhất hàng chục năm. Anh kiên nhẫn tìm lối đi đến khi mặt trời hơi xế bóng thì dừng lại, quay về chỗ cũ; ngồi nghỉ một chút rồi vác bó củi về đội. Anh đã cố gắng ba lần như thế. Lần cuối thì đến một nơi có tấm bảng ghi Cấm Vượt viết bằng sơn đỏ như máu tươi.Tại nơi này, con suối chỉ còn chừng hơn thước bề ngang. Đó là ranh giới của làng cùi nằm cách trại tù đến gần ba cây số.
Dân trong làng nghe nói lên đến số ngàn. Họ sống thành gia đình, có con cái, tự túc bằng nghề trồng sắn, mía, lạc. Sản phẩm dư thừa được các làng bên cạnh đến thu mua mang bán đi nơi khác. Về mặt an ninh, họ tự tổ chức dân quân tự vệ. Nhà nước phát một ít súng đạn gọi là để giữ an ninh thôn xóm. Thỉnh thoảng nghe có người bị thương hoặc chết vì súng nằm trong những bàn tay thiếu ngón mà bị cướp cò.
Con suối là một thực thể sinh động. Chảy ngày đêm không ngừng nghĩ, nó reo lên những nốt nhạc trong trẻo như tiếng chim hót. Đi cạnh con suối này, tai như được nghe một bản nhạc dương cầm không bao giờ dứt. Đây là một bản nhạc miên viễn như chiều kích thứ bốn của không gian thâm thẩm: cái vĩnh hằng. Nơi đó chỉ còn có sự thật khách quan. Mọi thứ chỉ tương dung mà không tương khắc. Đau khổ và hạnh phúc đi song đôi, tùy lúc thứ này thành thứ nọ. Ngoài tiếng reo trong trẻo, nó như có một linh hồn, linh hồn con suối.
Khi từ nguồn đổ xuống đến gần chuồng dê của trại thì con suối —như để tránh cái mùi phân dê khó ngửi— có hơi thiên về bên trái chừng trăm thước hay hơn một chút, rồi trở lại hướng cũ. Chảy thêm chừng năm trăm thước nữa thì tràn xuống đồng bằng. Trên cánh đồng đó có nhiều ốc đảo với hình dáng kích thích trí tưởng tượng để thấy hiện ra nào là hổ chầu, voi phục, rồng bay, lân múa, đại bàng sải cánh, hồng hạc qui sào, và mã đáo thành công. Toàn những hình tượng kỳ lạ bao quanh trại tù nằm đơn điệu trên ngọn đồi độc lập xa làng mạc.
Màu sắc những hòn đảo tí hon này cũng theo độ nghiêng ánh sáng mặt trời trong ngày mà thay đổi liên lục. Thế nhưng thay vì nước thì ở đây lại là đất, một thứ đất tạp nhạp. Lớp trên mặt có bề dầy chừng bốn tấc tây, toàn là mùn do những thân cây mục để lại từ nhiều đời.
Vào mùa nước rong, lớp mặt nổi lên theo nước với cỏ dại mọc chằng chịt trên đó, nơi chim bìm bịp chọn làm ổ. Loài chim này xuất hiện nơi đâu thì nơi đó phải có nhiều rắn độc kéo đến. Ngay bên dưới lớp mùn này là một lớp sình cũng sâu cỡ năm tất tây. Kế tiếp đó là đất sét, nơi màu vàng nơi màu đen, có thể được dùng làm gạch, ngói.
Nắm bắt được yếu tố này, chính quyền địa phương thiết lập hai cơ sở cơ bản cho nền kinh doanh xã hội chủ nghĩa: một nhà máy chuyên sản xuất gạch, ngói và một trại tù hình sự để cung cấp lao công miễn phí.
Cũng trong lớp đất sét nói trên các đội tù làm công tác thủy lợi trước đó đã từng đào lên nhiều thân cây dài năm, sáu thước, nằm chồng lên nhau. Điều này cho thấy trong quá khứ xa xưa, địa thế mang tên Đầm Đùn đó đã từng trải qua lắm cuộc biển dâu trong ít lắm cũng vài ba thế hệ.
Khi nước rút, lớp mùn lại nằm trên lớp sình. Các đội lao động tù Dết được điều xuống ruộng làm cỏ đắp đê phân vùng canh tác. Ban đầu thì có kế hoạch trồng lúa để cấp tốc giải quyết vấn đề lương thực cho số tù ngày càng tăng.
Ruộng được chia thành ô vuông mỗi cạnh trăm thước. Anh em tù dọn xong ô nào thì hợp tác xã nông nghiệp huyện, theo thỏa thuận với trại tù, đưa đội lao động nữ mang mạ vào khom lưng mà cấy.
Sau khi lúa bắt đầu uốn lưỡi câu chừng hơn tháng thì trời mưa liên tiếp cho đúng tuần. Đứng trên đồi nhìn xuống thấy cánh đồng giống như một vịnh Hạ Long bỏ túi. Toàn vùng ngập láng nước. Chỉ còn mấy ốc đảo trầm ngâm soi bóng xuống cái mênh mông phẳng lặng, bên trên còn vần vũ mây khói đèn. Tuần sau thì nước rút bớt. Anh em tù lại được lùa xuống ruộng chia nhau người gặt người vác những bó lúa đẫm nước lên đồi nhập kho trại. Hôm sau lại mang ra sân phơi. Xú khí lan khấp vùng, khiến ruồi lằng kéo về ồ ạt. Vụ mùa năm đó xem như bị mất trắng.
Năm sau thì đổi sang trồng cói. Cói được hợp đồng mua từ Hải Phòng, do xe tải chở về. Anh em tù được phân công gánh cói, rửa cói, cấy cói vào những mảng đất mùn trôi lều bều ở mặt nước. Rồi thì mùa cói cũng yểu mệnh sau theo một trận bão từ vịnh Bắc Việt thổi vào.
Tái Ông Thất Mã: ngoài việc gây sóng to gió lớn đưa đạm khí và dưỡng khí vào biển cho các loài thủy tộc sinh sống, bão còn giúp con người có lý do báo cáo toàn bộ vụ cói năm đó bị mất sạch. Anh em tù Dết lại trở về nghề cũ là trồng rau như trước.
Vườn rau là ba nền đất sát chân đồi có trại tù. Mỗi nền dài khoảng một trăm ngang năm mười mét, cao năm tất tính từ mực nước trung bình trong năm. Chung quanh mỗi vườn rau có trồng nhiều bụi chuối, mỗi bụi cách nhau mươi mét. Rau muống, rau dền, cải bắp, su hào, cải đỏ tùy mùa được trồng thành luống trên những nền này.
Sát vườn rau là cánh đồng chiêm có chừng mươi ốc đảo. Trên một ốc đảo đó có Miếu Ba Cô. Kiến trúc này được dân làng cất lên để tưởng niệm ba cô gái năm xưa trẩy đò đi vãng cảnh chùa Hương Tích chẳng may bị nạn chết chìm. Vài hôm sau, xác cả ba cô nương y như đang nằm ngủ, hẹn nhau trôi tấp vào cùng một chỗ, nơi miếu ngày nay tọa lạc. Dân địa phương cam đoan có những buổi chiều êm ả, gió hiu hiu mà nắng nhẹ nồng nàn, cứ nhìn vào hướng ngôi miễu chừng vài phút là thấy ba cô hiện ra, ngồi trên thuyền như xưa. Đúng là Tiên lữ đồng chu vãn cánh di (3), như Đỗ Phủ viết trong bài Thu Hứng thứ năm của ông. Và như thế đúng là ba cô đều đã lên tiên.
Vào mùa hạ nước trên ruộng rút xuống con sông chạy quanh miễu Ba Cô này.
Có lần trong một chuyến lấy củi, anh cùng một người bạn tù đã lội sang tận hòn núi có ngôi cổ miếu. Đến nơi thấy bên trong miếu sạch sẽ, nhang đèn đầy đủ, vừa rộng cho một gia đình với vài ba con nhỏ làm nơi tá túc. Thì ra ở chốn thâm sơn cùng cốc đó, miếu vẫn được người làng gần bên đến chăm sóc thường xuyên. Bên ngoài sát miếu có vài bụi tre với nhiều măng non. Anh và anh bạn leo lên đỉnh núi và chặt gần chục cành cây làm củi. Khi phóng cây xuống thì tất cả bị...lạc đâu cả. Người biết chuyện nói các cô nhắn sơ cho là " Chốn ấy..... chớ có mó tay".
Nước tiếp tục rút. Đứng trên đồi nhìn xuống thấy hai bờ bày ra hai bãi sình. Đường nước còn lại một ít nằm giữa lòng sông, từ đồi cao trông như sợi dây kim loại óng ánh. Hơi nước từ đó bốc lên nhạt nhòa. Mọi thứ hiện ra như một ảo cảnh rồi biến mất ngay sau đó. Từ không thành có. Đang có lại trở thành không. Tất cả chỉ còn lại dòng sông khô cạn. Nước cạn thì cá vô phương vượt thoát. Trường tiểu học gần đó bèn đi ngoại giao với chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp xin cho học sinh xuống mò cá cải thiện bữa ăn. Chủ nhiệm cho mò nhưng buộc mỗi đầu người đóng thuế mò là năm đồng. Theo thời giá, một cân thịt heo tươi là 25 đồng miền Bắc.
Cô giáo và các em chưa có kinh nghiệm bắt cá nên càn bùn mà đi suốt buổi rồi hầu như tay không vác nôm vác lưới đi về. Nhìn các em đang đi trên đê tưởng đó như đám rước băng đồng.
Trước đó chừng ba tuần cũng có một đám rước long trọng hơn. Có tiếng trống cơm. Có lọng che với vài chục người lớn bé trẻ già tính gộp thành một đoàn người áo dài khăn đống, lô nhô đi dọc theo con đê nhỏ. Trong đoàn có một vị linh mục già nghe nói đến hơn bảy mươi, đang lọm thọm đi. Ông được rước từ nơi cách đó xa đến bảy mươi cây số về ngồi tòa giải tội và làm lễ cho giáo dân làng gần bên, làng Nôi.
Vào mùa khô, ruộng chỉ còn rặt một lớp đất mùn đen kịt Đất nứt nẻ thành những rãnh to đi qua không khéo chân có thể bị nó ngoạm vào. Giếng trên đồi cũng cạn ráo. Mỗi chiều sau giờ lao động, anh em tù lội sình ngang bụng, xuống con sông đó múc nước đục ngầu. Nước đó dùng để gội đầu và tắm phần thân thể từ lưng trở lên. Khi xong thì múc cũng nước đó lên bờ đứng rửa phần từ lưng trở xuống xong mới về trại, toàn thân bốc lên mùi bùn, mùi đất thố. Thiên nhiên khắc nghiệt. Người dân rút đi nơi khác, khiến trại tù còn lại một mình sừng sững trên đồi. Những hôm mây trời xuống thấp, phủ trắng khấp lưng đèo, từ xa nhìn vào thấy toàn thể trại như đang treo lơ lửng giữa không trung yên tĩnh.
Mười năm trước, khi còn ở trại giam vùng Việt Bắc, anh săn nhặt những bao cát người Pháp những năm 1950 dùng đắp đồn lũy. Anh mang bao ra suối giặt sạch, dùng tư liệu để may chiếc áo ngự hàn cho mình. Chỉ dùng khâu may thì cũng được rút từ bao cát. Áo cắt theo khổ người, có hai túi, bao trùm đầu; mùa rét mặc vào thì ấm, mùa nắng mặc vào thì mát. Cả cái khăn choàng cổ cũng được làm từ bao cát. Kèm theo khăn này có cái nút "Đầu Thổ nhĩ Kỳ" được làm bằng dây rừng, đúng kiểu các sói con sói già Hướng Đạo ngày xưa. Cái lơi thứ kế của khăn và áo may bằng bao cát là chúng chóng khô. Khi lao động mồ hôi thấm vào, gặp gió thì thành những vệt trắng như muối. Sau khi giặt hết chất muối xong có thể mặc ngay vào người, không cần phong phơi. Đó là chưa kể khi tắm không có xà phòng thì nắm cái áo đó mà chà xát trên người cũng giúp làm tróc đi những bụi đất.
Bây giờ, mỗi lần từ rừng một mình vác củi về đội, khi đi ngang chuồng dê, anh thường ghé lại nghĩ mệt và cũng để làm hai việc: một là đến bờ suối cạnh đó rửa mặt mũi, tay, chân. Sau đó thì cổi áo ra mà giặt chay, tức là giặt không có xà phòng. Chỉ nhún áo vào nước, vò vò vắt vắt rồi mặc ngay vào người. Hai là chào hỏi hai người tù hình sự phụ trách chuồng dê và chuồng trâu, bò gần đó. Nụ cười chào hỏi nhau như là viên thuốc bổ, không gây phản ứng bất lợi nào. Ngoài ra, anh muốn tỏ cho họ biết rằng giữa anh và họ không có gì khác biệt hay là xa cách. Ngoài ra ở đó vào thời bấy giờ, anh cần một người biết rõ giờ giấc anh đi rừng. Đề phòng trường hợp rủi gặp nạn thì còn có người hướng dẫn đội đi tìm. Đó là điều anh có kinh nghiệm bản thân.
Một buổi chiều trước đó chỉ có hai tháng thôi, sau khi bó xong ba mớ củi anh ngồi nghĩ một chút. Đúng lúc anh đứng lên lấy con dao tông đeo vào cổ rồi cúi xuống vác bó củi lên vai, một con ông lỗ không biết từ đâu lao đến chích một phát vào phía dưới cùi chỏ tay trái của anh.
Nó làm nhanh quá. Khi biết được thì chỉ còn thấy nó bỏ lại cái kim với đùm ruột. Anh nắm cây kim rút mạnh ra và nặn thấy chút máu bầm. Vết chích gây đau buốt như cả đời chưa bao giờ bị đau như thế. Nó khác với cảm giác lúc bị đạn hay mảnh đạn bắn trúng. Vết đạn xuyên qua thịt làm bị tê khá lâu. Sau đó mới làm đau nhức. Nhưng vết chích do con ong lỗ gây đau nhức tức thời, nhức không tưởng nổi. Ong lỗ là loài côn trùng ăn thịt sống. Nó thường ở một mình cho nên rất độc.
Linh cảm được một cái gì đó rất không may sẽ xảy đến, anh cố vác bó củi mà đi. Đi được chừng năm mươi thước, mắt anh hoa lên, không còn nhìn ra phương hướng. Anh vứt bó củi lại. Chỉ giữ chiếc nón lá mà sau đó rồi cũng phải vứt luôn. Còn hai tay chống bên này rồi đỡ bên nọ. Vùng núi đá vôi đó có nhiều hố sâu cả chục thước. Cây từ dưới mọc thẳng lên. Có lúc anh thấy rõ ràng anh đang lết trên những ngọn cây như thế.
Đúng vậy, anh càn trên mấy ngọn cây. Cây oằn ngọn làm anh bị rơi xuống đáy hố mát lạnh. Nhướng mắt nhìn lên thấy chung quanh anh toàn cây thẳng đứng, mỗi cây đường kính khoảng hai tất, những cây chưa bao giờ có liên hệ với con người. Bên trên tròn vo một mảnh trời xanh biếc. Nếu cứ nằm luôn đó thì không gì sướng bằng. Nhưng anh cũng còn biết nằm dưới hố sâu chỉ độ nửa giờ thì trăn sẽ đến. Trăn ở đó có con to bằng đùi người. Có lần anh thấy con trăn to đang quấn một con dê cỡ 50 kí. Khi thấy anh nó liền bỏ mồi tháo chạy. Trong tay anh lần đó chỉ có con dao tông và một lưỡi liềm. Lần đó anh cũng rút lui.
Bây giờ thì anh lại cố leo lên miệng hố. Nhìn dáo dác thấy nhiều ngọn núi lạ hoắc thì biết mình đã thật sự bị lạc; nhưng không biết bị lạc vào đâu. Anh lại ngã, lại đứng lên. Rồi lại ngã, lại đứng lên cũng có đến mấy chục lần..... Mẹ anh ở xa quá. Tuổi bà cũng đang là trường thọ. Bà không biết anh đang bị lưu đày ở đâu...Rồi anh không còn cảm giác gì nữa.
Khi mở mắt ra anh thấy mình đang nằm ngửa ở mặt đất. Bên trên là bầu trời xanh bao la. Vài cụm mây mỏng chầm chậm bay ngang. Một con ó đang xây giếng trên đó. Phía đầu anh có một tù hình sự đang cấm miếng mo cau quạt gió vào mặt anh. Phía chân cũng có một hình sự khác làm y như vậy. Một bình trà có gừng với một cái ly nhỏ đặt bên cạnh.
Một cán bộ cấp đại úy, trại trưởng, ngồi trên cái nón cối của mình mà nhìn anh. Ông ta nói anh bị lạc vào khu trại hình sự do ông ta quản lý, cách trại anh chừng hai cây số.
Thấy anh tỉnh hẳn, ông ta kêu anh em hình sự đưa anh ra về. Lệ thời đó nếu tù trại này đi lạc sang khu vực của trại kia thì trại này phải đóng số bạc $50 cho trại kia để lãnh người tù của mình về. Lần đó anh không thấy ông ta đòi tiền gì cả. Anh nói lời cám ơn ông ta trước khi quay đi với hai hình sự. Đi một đỗi, anh hỏi anh tù hình sự đầu đuôi ra sao. Một anh tuổi chừng mười tám nói anh ta đang một mình đi rừng quơ củi. Bỗng thấy có....hai chân người từ một bụi rậm thò ra. Anh ta nói : " Cháu hãi quá, bèn co chân chạy về đội. Đội lúc đó đang dọn đất trồng đổ. Cháu nói đội trưởng cho thêm hai đứa lên khiêng chú về. Trại trưởng hay tin liền ra xem, nói chú bị ngất xỉu vì kiệt sức. Uống nước trà nóng pha với gừng là khỏi."
Anh cám ơn anh ta xong, lủi thủi đi về hiện trường lao động. Lúc đó đội đang tập họp về trại. Không một ai biết việc gì đã xảy ra.
Một hôm như thường lệ từ rừng về, anh đến bờ suối rửa tay, chân thì thấy ở đó có một tù hình sự mới. Người đó khoảng sáu mươi tuổi, gương mặt lầm lì, không cảm giác. Nói lạnh lùng thì cũng đúng. Nhưng ở đây phải nói là đành tâm. Ông ta đang ngồi mài con dao tông trên một phiến đá. Lưỡi dao cọ vào mặt đá thành những tiếng rít đều đều, chậm chậm. Một bên là đá, một bên là sắt. Cả hai đều bị mòn như nhau. Anh thấy ông chăm chú vào công việc một cách thật tình. Nhìn một lúc, anh bỗng tưởng ông với con dao là một. Ông biết nơi nào cần liếc mạnh, nơi nào cần rà sơ, ông làm như ông đang mài chính ông.
Anh trở lên con đường mòn trước chuồng dê thì gặp người tù hình sự thường ngày. Anh ta cho biết một tin vui cho bạn nhưng mà buồn cho chính anh. Người bạn tù trước nay của anh vừa có giấy phóng thích. Nhưng thay vì được về nhà thì anh ta bị trại đưa về giúp gánh nước cho bếp cơ quan—bếp nấu ăn cho cán bộ--và cho các phòng tắm của cán bộ từ trại trưởng trở xuống. Lệ thời đó là như vậy. Người trưởng trại cải tạo có quyền lưu giữ một người tù mãn án trong thời gian sáu tháng để trại....thử lần cuối xem đương sự đã thật tình được cải tạo tốt chưa. Trong thời gian thử thách này, nếu đương sự chưa “tiến bộ” thật sự, như còn bị ai đó than phiền về điều này việc nọ thì trại sẽ viết công văn đề nghị lên trên cho đương sự được tiếp tục cải tạo.
Trời đổ cơn mưa to vào buổi chiều khi tất cả anh em tù đã vào lán. Gió mạnh đến nỗi một cây bàng to tướng bên trong trại bị trốc gốc. Như phần lớn anh em, anh nằm kéo chăn tận cổ. Nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà giam mà thấm thía nổi nhớ nhà, nhớ quê không để đâu cho hết.
Vào lúc quá nửa đêm, có tiếng xe Molotova dừng bên ngoài cổng trại. Mươi phút sau thì cửa phòng được mở để nhận thêm một số chín người tù mới. Họ từ Thanh Phong đến. Tất cả bị ướt thê thảm. Họ vừa nói nho nhỏ với nhau vừa run nên nghe tiếng được tiếng mất.
Buồng trưởng kêu anh em dồn chỗ cho người mới đến có nơi nằm tạm qua đêm. Đèn dầu được thắp lên. Trong thứ ánh sáng chập chờn, mệt nhọc, bóng người lặng lẽ tháo màn, kéo chiếu, dời đồ cá nhân. Chừng hơn nửa giờ thì tất cả tạm xong. Điếu cày cùng điếu bát được bày ra. Tầng trên tầng dưới (4), đầu buồng đến cửa vào nhà mét (5), thiên hạ thi nhau kéo từng bi thuốc lào rồi nhả khói mù mịt.
Sáng hôm sau thì mưa bão vẫn còn nên trại nghỉ lao động. Các ma mới cho ma cũ biết nhiều trại tù vùng Thanh Nghệ Tĩnh đã được giải tán. Trừ một số từ các trại đó được chuyển về Nam, số còn lại thì được chuyển ra Bắc. Những ma mới nằm trong số đó và được đưa đến trại anh. Ngoài ra cũng được biết là ở vùng đó người tù bị chết về bệnh khá nhiều. Trại anh vào năm 1978 thì cũng có nhiều người chết. Đa số là anh em hình sự. Chiều nào vào khoảng năm giờ, mặt trời khuất sau núi là bắt đầu nghe tiếng búa đóng vào săng ở phía bệnh xá. Lúc chạng vạng mới mang những người chết đi chôn. Cứ y thế mà tai nghe tiếng búa suốt những ngày mùa Đông. Thì ra con người có khi phải từ giã cõi đời không phải vì cái lạnh bên ngoài nhập vào thân thể mà là thân nhiệt bị tiêu hao một cách không có bồi hoàn. Cái để bồi hoàn cho thân nhiệt nằm quá tầm tay; nằm bên ngoài mấy lớp kẽm gai.
Nhìn người mới tới thấy anh nào cũng bủng beo. Mắt chao dao, phờ phạc gần như hết cả thần. Trong số này nghe nói có hai linh mục. Cả hai vị tuổi còn quá trẻ, khoảng 30, mà lại luôn cười. Tại sao người thì gầy như con khô hố mà cười hoài ? Cười vì ở tù mà được may mắn chuyển đến một trại có điều kiện sinh hoạt khá hơn chút ít chăng?
Ngay đêm đầu tiên đến trại, hai vị tự động nhận chỗ nằm cạnh nhau. Trước khi ngủ thì buông màn rồi ngồi bên trong ...làm lễ Misa . Chẳng có ai trong anh em đến tham dự.
Vài hôm sau mới biết vì sao các vị tu sĩ đó có lý do để cười. Trong anh em tù Dết sẽ có người cho quí vị là linh mục quốc doanh, là cò mồi do công an gài vào để câu những con chiên nhẹ dạ. Ai nhờ quí vị giải tội và trao bánh thánh sẽ bị an ninh trại cùm mệt nghỉ. Cái khổ tâm của hai vị chính là ở chỗ đó. Cho nên để đối lại, quí vị chỉ còn biết cười trừ.
Ngày hôm sau da trời còn nặng một màu chì. Đội xuất trại lao động. Khi ngang chuồng dê thì thấy gió đêm qua đã kéo sập hơn nữa mái. Dê lớn dê nhỏ bị ướt mà chết đến hơn chục con. Số sống sót thì rúc dưới phần nóc còn lại mà kêu như bị cắt tiết. Nhìn hướng về bếp cơ quan thấy những cột khói trắng tuôn lên cuồn cuộn. Bóng người ra vào nườm nượp. Tại cái giếng nước cạnh bếp của cơ quan lố nhố cả chục người đang mổ thịt dê chết rét. Thình lình trời tối sầm lại, gió thổi ù ù. Anh em tù và cán bộ quản giáo kéo nhau chạy ngược về lại trại.
Hôm sau bão tan, trời lại trong trẻo. Đội tiếp tục lao động. Khi đi ngang chuồng dê anh để ý thấy một ông cụ cao niên đang ngồi đẽo một khúc gỗ cạnh cái chòi của hai hình sự phụ trách chăn nuôi. Hỏi ra mới biết ông là thợ mộc được hợp tác xã gần đó điều vào phụ với ông già mài dao và nhân viên trại giúp sửa nóc chuồng dê. Lão nhân trông thấy anh liền đảo mắt nhìn trước nhìn sau, gật đầu chào xong mời anh nút thuốc rê. Anh ngồi xuống cho kín đáo một chút. Ông hỏi tiếng vừa đủ nghe:
“Có bao nhiêu linh mục mới đến ?”
Anh không trả lời mà chỉ đưa bàn tay với hai ngón xòe ra để kẹp gói thuốc ông trao. Ông ta nói tiếp:
“Hai? Mời quí vị gửi đại diện gấp. Cú...cú...cú rượu và bánh thánh.”
Nỗi vui lớn quá. Nó khiến ông lắp bắp. Chữ có nói thành cú. Nghĩ rằng ông ta đang đóng kịch, anh khựng lại, rồi nói phân đôi:
“Tôi mang về cho hai ngài được không?”
Ông ta nghĩ anh sẽ lợi dụng hoàn cảnh để kiếm chác. Trong những năm tháng bị đói triền miên, chút chất bột bỏ vào miệng một cách vệ sinh thì ai mà chẳng nghĩ đến khi có dịp. Ông già nhất định nghi anh có ý tư lợi trong việc ông nhờ. Ông nói:
“Thôi.”
Cái tiếng thôi đó nghĩa là dứt khoát không nhờ nữa. Ngoài ra cũng để hiểu rằng nếu về sau có ai hỏi về vụ ông có tìm gặp các linh mục hay không thì nhất định là ông chối. Đến đó thì anh chào ông ta rồi đi tiếp lên rừng.
Rừng là nơi anh học được nhiều thứ trong nhiều năm. Khi khát nước, anh biết lấy nước uống nhỏ ra tùng giọt từ các sợi rễ to bằng bắp tay người lớn. Anh cũng tìm được những sợi dây rừng to cỡ đầu đũa ăn. Mỗi sợi dài có đến mười thước và bền chắc đến độ dùng đó buộc những bó củi nặng năm sáu, mươi ký rồi dắt như dắt chó xuống núi mà không hề bị sút xổ.
Ngày hôm sau thì hai vị linh mục bắt đầu theo đội đi lao động. Các bố —tiếng anh em gọi các linh mục trong tù— được đội trưởng nhờ phụ anh em đến chuồng dê, chuồng trâu và chuồng bò gánh phân về rẩy mà ủ, chuẩn bị bón cho hoa mầu. Chỉ tiêu đề ra là sáng bảy chiều ba tức là ngày mười gánh. Mỗi gánh nặng trung bình bốn mươi cân. Làm đúng chỉ tiêu trại giao thì ngày lao động mỗi người phải đi bộ khoảng mười cây số với thành quả tính gộp là bốn trăm ký phân gánh bằng vai. Đó là một môn thể thao tuyệt vời giúp tan chất béo. Những lần lê chân từng bước gánh phân, gánh đất, gánh đá mà đi lao cộng cải tạo, nhiều anh em tù dáng phất phơ như những cái bóng, lòng mênh mang nghĩ về mọi thứ không đầu không đuôi, nhớ để khỏi nghĩ đến quê nhà mà lòng biết rất khó mà có thể nhìn thấy lại. Khi con người bị du xuống tận cùng của thất vọng, niền an ủi còn sót lại là hình bóng những ngày qua.
Còn nhớ một hôm trời nóng nực, anh em ra giếng tắm rất đông. Miệng giếng công cộng đường kính hơn mười thước, sân giếng khá rộng mà người đứng đầy kín không còn chỗ trống. Một bạn tù của anh đang tung gàu kéo nước bỗng nghe ai đó gọi hai tiếng: Ông thầy. Nhìn ra thấy một đàn em của ông ta ngày trước. Người này vừa từ trại khác bị giải đến mấy hôm. Khi ra giếng tắm tình cờ nhìn thấy xếp cũ nên mừng quá mà kêu lên. Rồi vừa tắm vừa nói chuyện. Người đàn em hỏi:
“Sao ngày đó thiên hạ bỏ chạy cả mà ông thầy không đi?”
Anh bạn của anh ngần ngừ một chút rồi hỏi lại:
“ Sao anh cũng không bỏ chạy? “
“ Tại ông thầy không chạy nên tụi này đâu dám. Ngày đó nếu không có trách nhiệm gì đối với nhân viên thuộc quyền thì em cũng đã đi rồi. Đàng này lính dưới quyền em nheo nhóc quá. Bỏ đi nhỡ họ vì hoảng sợ mà làm loạn hay giết cả gia đình rồi tự sát thì trách nhiệm đó ai chịu.”
“Thế là anh ở lại?”
“ Thưa đúng.”
Đổi đề tài, anh ta tiếp:
“ Gần đây em bị bệnh lỵ nặng quá mà không thuốc uống. Em nghĩ nếu chết trong tù em cũng không làm tủi nhục cha mẹ em vì có đứa con bị người đời chê là hèn nhát. Hi vọng con của em sau này khi vào tuổi biết suy nghĩ, chúng sẽ xem như em đã chết trận như bao nhiêu người khác nằm trong các nghĩa trang tử sĩ . Cái cấp bực cũng như huy chương ngày trước em mang trên ngực, trên vai là do những người lính cũng như dân đã nằm xuống cho quê hương này. Mỗi lần nhớ lại thấy sao mà thương họ quá. Yên lặng một mình dưới mộ phần. Hồn phách còn nhưng không có miệng để nói. Người chết thấy rõ hơn người sống. Họ biết hết, ông thầy ơi. Em bị đày đọa đây là vì em góp phần làm mất nước. Em không bỏ trốn. Em không có bỏ họ cũng như không bỏ những lính của em. Không bao giờ, thưa ông thầy. Gần đây em có nhận được thư của bạn em hiện sống ở Mỹ. Nó gửi cho vợ em năm chục đồng để mua lương thực tiếp tế cho em. Ngoài ra trong mẫu thư nhỏ nó gửi cho em, nó với cái giọng tếu như xưa, nói em ngu nên không bỏ chạy. Lời nó tếu như chưởi thẳng vào những vị tướng, tá đã tử tiết vì cuộc chiến này. Nó có học sử Việt Nam. Nó cho những Phan thanh Giản, những Võ Tánh, những Hoàng Diệu, những Nguyễn tri Phương cũng là ngu hết.”
Ngưng một chút, anh tiếp:
“Em thương vợ em vì đã dùng tiền nó cho để mua quà mang ra cho em mà không biết rằng em buồn vì cái lời nói tếu của thằng bạn. Em là cấp thấp nhưng em có danh dự của em. Ngày trước 75, em đánh tụi này nhiều trận chúng chạy thất điên bát đảo. Nay trong bộ đồ tù của chúng, em vẫn uy nghi.”
Anh lắng nghe tiếp. Người đàn anh hỏi:
" Ở đây là vinh hay nhục ?"
Tiếng trả lời:
" Nhục là cái chắc. Nhục nhất là mình chỉ thua vì không ngờ quốc gia mình bị thiên hạ lợi dụng từ nhiều năm mà mình không biết. Miền Nam từ năm 1964 chỉ là nơi để Hoa kỳ biểu dương lực lượng cho Liên Sô thời ông Nikita Khrushchev biết rằng sau sự kiện vịnh con Heo tháng tư năm 1961 ở Cu Ba, tổng thống Kennedy tuy ít tuổi, nhưng ....mạnh. Do đó Mỹ phải bằng mọi giá vào Việt Nam với những binh đoàn hùng hậu, phải không, thưa ông thầy? Ngày cử người sang Việt Nam làm Đại sứ, ông Kennedy ở cương vị Tổng thống một cường quốc, đã lựa một Capot đứng cao hơn cụ Diệm không phải một là ba cái đầu. Khiến khi nói chuyện với hắn, cụ Diệm phải ngước mặt nhìn lên. Thật không còn trò chơi chính trị nào đểu giả hơn thế. Nhiều lúc em nghĩ mà thương cụ Diệm quá sức thương. Không có ông thì toàn miền Nam đã bị nhuộm đỏ từ 1956.”
Người đàn anh nói:
“Nếu anh cho đây là nhục thì tôi xin được chia cái nhục đó với anh vậy. Cũng như trước kia, anh và tôi cũng từng chia xẻ cái mà người đời gọi là vinh quang.”
Người đàn em nghe xong, tiếp tục tung gàu kéo nước xối lên người anh. Độ một phút sau đó, có tiếng kẻng báo cơm chiều. Mọi người quơ vội đồ đạc cá nhân, chạy nhanh về phòng, mang ca, cóng ra sân lãnh phần ăn của mình.....Trong khoa Tử Vi còn thiếu điểm luận về giờ tốt: đó là giờ phát cơm hàng ngày trong các trại cải tạo. Sau đó là giờ "vào chuồng". Người tù trở về sống trọn vẹn với những suy tư của chính mình mà ít bị ai phá rầy.
Anh đợi đúng một ngày sau mới báo cho một trong hai vị linh mục đó biết lời nhắn của ông già thợ mộc. Linh mục nghe một cách thờ ơ. Lúc đó ông vào tù được ba năm, thời gian đủ để ông học được nhiều điều. Thứ nhất là đừng tin những gì lần đầu tiên nghe thấy từ người mình không được thí dụ để quen. Hai là lỡ nghe thì đừng học lại. Ba là nếu ai hỏi mình có nghe gì không thì cứ xác quyết là không. Dù hỏi ngàn lần cũng phải nói là không. Do đó mà anh hiểu thái độ đương thời của ông: Cẩn tắc vô ưu.
Nhưng trong việc đó, vì không cẩn tắc tí nào, anh tin lời ông già kia như thật. Có một sức mạnh nào đó bắt anh phải dấn thân để đảm nhận một điều gì ngang với thiên chức cao trọng mà anh được chọn để thi hành như trả lại một thứ ân tình linh thiêng. Và chỉ có hai hôm sau đó, lúc ở rừng vác củi về đội, khi qua ngang chuồng dê thì anh thấy hai vị linh mục gánh phân, đang ngồi nghĩ mệt cạnh ông già thợ mộc khó tính. Cả hai tươi cười và mãn nguyện. Nhiều năm qua anh mới thấy được hai nụ cười chân thật là nụ cười.
Cái sự đề huề giữa ba nhân vật hai già một trẻ đó là phần thưởng cho riêng anh. Ít ra trong môi trường nghiệt ngã đó, anh còn làm lợi cho ít nhất là ba người. Điều này càng thêm được xác tính khi một buổi chiều tiếp sau đó, sau buổi lao động về, ra giếng tắm giặt. Khi tắm xong thì đi lãnh phần cơm mang ra gốc cây điệp trong trại ngồi ăn bỗng gặp hai vị linh mục đang ngồi chung với vài bạn tù khác. Họ mời anh ngồi xuống cùng ăn. Thừa lúc không ai để ý, một trong hai ông dúi vào tay anh gói bọc giấy kiếng to chừng ba ngón tay. Đó là món ăn bình dân ở đất Bắc gọi là..... chè bà cốt. Ông không nói nguồn gốc của cái món quà hết ý đó. Anh đưa ngón tay chỉ về hướng chuồng dê. Ông gật đầu hai lần để xác nhận.
Từ đó trở đi, mỗi khi lên rừng, Anh không còn thấy rờn rợn như có cảm tưởng mình bị theo dõi nữa. Tất cả chỉ như là một giấc mơ như câu chuyện của ông già mài dao.
Ông nói ông 65 tuổi nhưng trông ông già hơn thế nhiều. Theo lời ông kể, trước đó tám năm ông là trưởng một ga lớn thuộc miền Trung. Trong thời chiến, để tiếp chở chiến liệu vào mặt trận trong Nam thì đó là trạm chính, nơi mà hầu như ngày nào “giặc lái” Mỹ cũng bay đến oanh tạc nặng nề. Những kho lúa của nhân dân đóng góp hàng nhiều năm trời đều bị phi pháo đánh tan trong khoảng khắc. Lúc đó ông cựu trưởng trạm này đang sống với vợ sáu con và một mẹ già, tương đối không phải lo lắm về cái ăn, cái mặc. Nhìn cảnh giặc hủy hoại... tài sản xã hội chủ nghĩa như thế ông bèn có sáng kiến sáng ngời, mà mọi người ai cũng hoan hô, kể cả cấp ủy trên tỉnh. Đó là mở cửa các kho còn lại chia thóc cho nhân dân trước đợt phi pháo sấp đến. Theo lời ông thì lúc bấy giờ không biết cơ man nào là người từ địa phương, từ các nơi khác được điều về chỗ ông để lấy thóc. Ông nói," Bộ ngu sao để giặc ném bom cháy hết?"
Lần đó thì ông được khen và ông cũng nở mặt. Trong nhiều năm cúc cung tận tụy phục vụ nhân dân, đó là lần đầu ông cảm thấy rất tự hào về con người của mình vì đã thật sự gãi đúng vào cái điểm yếu nhất của nhân dân là cái bao tử. Ông cho biết người nhà ông cũng có đi gánh thóc cả đêm mang về đổ vào bồ thóc nhà. Gia đình ông cũng thuộc loại vẻ vang, luôn luôn tình nguyện phục vụ tuyến đầu chống giặc. Ông dằn từng tiến," Bộ là đồ bỏ sao ?"
Đến khi hòa bình trở lại ông bị truy tố ra tòa án nhân dân về tội làm thất thoát tài sản xã hội chủ nghĩa. Tòa xét công và tội thấy ông cũng có bảo đảm công tác thắng lợi của trạm trong suốt thời gian chiến tranh. Bản án được ghi là 20 năm tù giam biệt xứ thay vì tử hình. Luật sư (?)biện hộ xin tòa trên xét lại mức nghiêm trọng của sự việc mà tăng thành 30 năm. Như thế, ông sẽ mài dao đến gần trăm tuổi mới thôi. Nhìn ông đang cầm con dao tông, vừa sờ sờ ở mép xem lưỡi nó sắc đến cỡ nào, anh muốn rút lui sớm. Bỗng ông nhìn ngay anh, nói :
“Các anh trong đó sướng như tiên(?). Những tưởng các anh ra giải phóng chúng tôi mà ai ngờ chung cuộc lại quá bất nhân.”
Không ưng nghe tiếp, anh hỏi :
“Hồi chiến tranh ác liệt, quê bác có nhiều người đi nghĩa vụ vào Nam không ?”
“ Nhiều lắm. Họ tuyên truyền nói có đánh thắng thì mỗi người sẽ có một nhà ngói, một xe bình bịch, tủ lạnh, máy truyền hình và nhiều tiện nghi khác nữa. Cái đó nếu có thì ưu tiên cho người trong đảng của họ mà thôi.”
“Thế bác có tin không ?”
“ Không tin để mà...đi tù à ?”
“Nhưng trong bụng bác vẫn không tin chứ ?
“Vẫn không đấy chứ. Nhưng bố bảo cũng không tỏ ra bên ngoài. Ngày nào cũng phải nói hai tiếng Tôi tin, Tôi tin, Tôi tin. Nói mãi cho nó quen.”
“Thế còn bác gái và mấy anh mấy chị nhà ?
“Cũng thế tất. Hở ra là đi tù . Tù về tư tưởng thì không có ngày ra. Giống như các anh bây giờ đó. Ở đây có hai loại cải tạo. Một loại dành cho cán bộ đi lệch đường lối. Đi cải tạo để khi có dịp thì được mang ra đánh bóng dùng lại. Còn loại cải tạo khác là loại dành cho những người như các anh đó. Đó là loại cải tạo để chết một cách hợp pháp, tức là chết về bệnh mà không có thuốc chữa. Đúng, chết vì ...bọn đế quốc cấm vận ta, không bán thuốc chữa bệnh cho ta mà còn nói xấu lãnh đạo ta. Phải cho chết nhiều để quốc tế thấy rõ mức.... giả nhân giả nghĩa của chúng.”
Bác ngưng nói, ngưng mài, nhìn lơ đễnh xa xăm một chút rồi tiếp:
“Tên Hitler ngày trước, khi khi vận cùng thế kiệt, chui xuống hầm ngay tại Bá Linh tránh bom của Đồng minh mà còn nói cả nước Đức không xứng đáng với lòng tin của hắn. Chung qui cũng vì hắn quá tin tổ sư nói xạo là Gô be (6) mà ra cớ sự. Đời nay có hàng vạn Gô be đang ở đây.. Trong chế độ tư bản nhà nước này, không hiểu chính sách cũng đáng vào trại cải tạo. Chính sách mà chính các tay mang ra rao giảng cũng không hiểu nổi thì còn mong gì ai hiểu. Nói hiểu sao chính sách nào đưa ra cũng bị thi hành sai? Còn nói chế độ độc đảng là tốt thì làm gan thử cho bầu cử tự do có quốc tế giám sát thì biết nhau ngay.”
Ông tiếp:
“Các anh mà thoát được nơi này là phải có ơn trên. Thế giới bên ngoài có tranh đấu cho các anh đó nhưng không ăn thua chi đối với nhà nước này. Các anh đã bị như thế này rồi mà bên ngoài còn bày hội này hội nọ lấy tiền của Mỹ nói là lo cho các anh. Lo cái gì? Lo cho cái túi của họ trước tiên đã.”
“Thật thế sao, thưa ông?”
“ Sao không? Nay họ đang ôm vấn đề tù nhân lương tâm của mấy anh mà làm giàu. Chính họ không muốn các anh được thả ra. Thả thì còn đâu đối tượng cho họ kiếm chác. Nói chi đâu xa. Trong số bạn mấy anh nay đang ở nước ngoài có khối người do bên này gài vào. Họ được tha sớm. Về là tổ chức cho đi. Sang đó làm việc kiếm tiền gửi về trả công cho lãnh đạo bên này. Còn những người trước kia là bạn của các anh nay thì đa số họ muốn thấy các anh lỡ bị kẹt lại thì chết luôn cho rảnh mắt. Còn Tây phương miệng thì tuyên bố này nọ thế kia mà trong bụng thèm rỏ dãi con số hơn sáu mươi triệu miệng tiêu thụ hàng hóa của nước họ. Ai nắm được dân dù cho nắm bằng phương tiện gì thì sẽ được ...người ta tìm để nói chuyện làm ăn ngay lập tức. Đó là qui luật của thời hợp tác làm ăn trong một nền kinh tế toàn cầu. Ngày trước thì cuộc chiến ở đây chỉ là cục bộ thôi. Người ta dùng các anh để kéo Liên Sô chạy đua vũ trang cho chảy máu trắng mà thua cuộc đồng thời mở cửa Trung quốc với gần một tỉ miệng ăn để bán Coca Cola và mở nhà hàng ăn uống, và nhiều thứ khác. Cho nên anh Đài Loan và miền Nam mấy anh bị bán đứng từ khi ông Nít ông Nuốt và lão Kít lão Kứt gì đó sang thăm Mao năm 1972.”
“Bác nói nghe lạ quá. Thế tất cả chúng ta đều là nạn nhân ?”
“Đúng. Tất cả đều là nạn nhân của loài quỉ sống. Chúng nó chỉ vì tiền thôi. Chỉ tội cho những người hai bên đã chết vì chiến tranh, chết vì nghe lời nói dối. Khi tôi nghe trong đó tuyên truyền các anh là tiền đồn của thế giới tự do, nói thật tôi cũng thấy buồn cười. Tiền đồn nào rồi khi làm ăn bình yên có lợi rồi thì cũng phải dẹp bỏ mà thôi. Đây các anh xem tôi nói có đúng không. Chẳng có dân nào ngu hơn dân nào mà cũng chẳng có dân nào khôn hơn dân nào cả. Dân nào có lãnh đạo khôn thì người dân khôn theo. Dân nào có lãnh đạo ngu, bợ đỡ thì dân cũng ngu và bợ đỡ theo, dân nào có lãnh đạo lưu manh thì cũng lưu manh theo.....”
Anh thấy mình không hoàn toàn tin những gì ông ta nói về những người bạn của anh đã bỏ đi trước ngày miền Nam sụp đổ. Trong số đó, không chối được là có không ít người thấy còn ăn thì ở, không ăn được thì bỏ đi. Họ coi toàn miền Nam phải phục vụ cho họ và ngược lại, họ không có trách nhiệm gì với nơi và người đã nuôi sống họ và gia đình con cái của họ trong nhiều năm. Đó là bản chất của những con người có lòng tự ái lệch lạc đến mức vô luân, tức là loại tự ái bệnh hoạn (7) của những nhà độc tài khiếp nhược nhất. Còn lại đa số bạn của anh là người bị áp lực của hoàn cảnh mà phải bỏ chạy trước khi kịp suy nghĩ chạy đi đâu. Rồi nếu sống sót thì khi tuổi về già, liệu tư duy của họ có để cho họ bình yên mỗi khi họ nhớ đến những người đã chết để cho họ được sống. Biết thế nhưng ở hoàn cảnh của họ, chưa chắc anh làm khác hơn. Ông già mài dao cũng không để ý điều nếu tháng 4 năm 1975 mà người đứng đầu đảng CSVN thuộc phe đầu phục Trung Cộng thì toàn thể nhân dân miền Nam không thể nào tránh được những gì Pol Pot và đồng bọn đã gây cho 4 triệu dân Campuchia trong các năm 75, 76, và 77.
Sau đó, anh còn nhiều dịp trở lại nhìn dòng suối liên lủy ngày đêm chảy xuống đồng bằng. Không bất cứ một loài thủy tộc nào được nhìn thấy ở đây ngoại trừ bóng mấy con chim trời. Chúng bay ngang in hình xuống đó trong một thoáng rồi biến đi như một ảo ảnh. Bầy chim như tin nhạn đưa anh về một ký ức chưa mấy xa xôi.
Vài năm trước đó, khi còn thuộc quân quản ở Việt Bắc, một hôm thấy một ông cụ người quắc thước từ ngoài vào thẳng trại rồi đến khu nhà ở của cán bộ. Vài hôm sau thì biết cụ già đó là thân sinh của cán bộ quản giáo đội của anh. Ở quê ngày đó không đủ gạo ăn. Thỉnh thoảng ông cụ lấy cớ đi thăm con vài ngày. Trước là vì tình phụ tử, sau nhờ chút khẩu phần có vẻ khá hơn của con nhín ra đãi bố. Ở bồi dưỡng như thế được đúng tuần thì ông cụ đi. Độ vài tuần sau thì ông cụ trở lại thăm tiếp.
Ngay hôm ông cụ ra về, lúc gần nửa đêm, cán bộ xuống tập hợp anh em trong đội, nói:
"Tập họp các anh giờ này là phá rầy các anh khí không phải. Thế nhưng chiều qua, trước khi ra về, bố tôi có nói là tôi phải đối xử với các anh cho thật đàng hoàng. Vì lẽ các anh là những người không có lỗi gì cả. Các anh chỉ làm nhiệm vụ của người trai đối với tổ quốc và vì mải mê với bổn phận và trách nhiệm mà các anh phải lâm vào cảnh huống như ngày nay. Những gì bố tôi nói quả là ngược lại với những gì đảng và nhà nước đã dạy tôi. Vậy theo các anh thì tôi phải làm sao đây? Chúng tôi được trên dạy rằng hễ ai hỏi về hòa hợp hòa giải thì nói là có hòa hợp hòa giải nhưng không hòa cả làng. Trong chiến tranh gia đình chúng tôi đã bị mất mát nhiều chứ không hay sao !”
Lời nói đó đã làm tăng nỗi cay đắng cho cuộc sống lưu đày của anh em tù, đồng thời cũng làm lóe lên một chuẩn thức về một kết cuộc may ra tươi sáng hơn. Thời gian rõ ràng đang ở về phía những người tù. những con người đã bị bỏ lại vào phút cuộc chiến trở nên nguy hiểm nhất. Với một ý nghĩa nào đó, những người tù này rồi sẽ giống hình ảnh của tượng đài Thương Tiếc ở nghĩa trang quân đội miền Nam trước kia. Đó là một biểu tượng cho sự xót xa của ác mộng. Nhưng trời chưa muốn đều này. Ông già mài dao trước kia chắc cũng có Tây học và là một cán bộ trung kiên. Ông từng nghe những lời nói mang tính cách tuyên truyền hơn là thông tin về sự thật. Và trong nhiều năm, ông đã nghe những lời đó và nghe như cái máy biết vâng lời. Nhưng về sau, với tầm vóc tri thức của chính mình, ông ta thấy rằng những cái máy thông minh hơn thì biết lúc nào không nên vâng lời nữa.
Từ khi có những đội trẻ về chăm sóc vườn rau thì những đội già như đội của anh được giao công việc trông coi vườn chuối sát tường cạnh trại. Bối cảnh thơ mộng này tiếp giáp với các động Hương Tích cách đó đi bộ chừng một nửa ngày đường.
Anh có dịp trở lại nhìn dòng suối đó một chiều trọng thu có nắng vàng hoe rải khấp một vùng đồi núi chập chùng. Người giàu trí tưởng tượng mỗi khi đi trong vùng nắng vàng này có thể cho rằng mình lạc bước đến Thiên Thai. Tuy chẳng biết bao giờ mới có cơ duyên để thấy được quê hương của... vợ Từ Thức, anh cũng không còn xem việc trần thế này là những mối dây ràng buộc khó tháo gỡ nữa. Hương Tích cũng cho anh một cảm giác gần giống như thế khi anh bước vào lứa tuổi....nghi bất hoặc.
Bóng hình Hương Tích, một thứ tình tự quê hương, đã ăn sâu vào tâm trí anh từ dạo đó. Mỗi khi một mình nghĩ lại thời gian đã mất, trong trí anh bỗng hiện ra chầm chậm, rõ ràng, nguyên vẹn phong ảnh đẹp như mơ với con đường ngòng ngoèo khi ẩn khi hiện qua những hòn núi rêu phong. Có lúc chúng hiện ra óng ánh như hổ phách, có lúc xanh rờn như ngọc bích. Theo con đường đó, khi lên cao nhìn xuống thấy mây lãng đãng vướng chân mình. Khi xuống thấp thấy tái nhập vào dương thế với những đoàn người có các cụ già chống gậy vừa đi vừa tay lần tràng hạt miệng niệm Nam mô.
Rồi chẳng hiểu sao, trong phần ký ức êm đềm đó, Anh lại thấy hiện về một mùa Đông mang sương lạnh rải khấp lưng đồi chung quanh những khu rừng mơ đang nở hoa như tuyết phủ.
Ông già thợ mộc sau khi sửa xong chuồng dê thì đôi khi thấy ông ta trở lại. Mắt dáo dác như tìm người quen. Thỉnh thoảng thấy ông ghé qua thăm một cặp vợ chồng già thuộc diện cải tạo lâu năm mới được phóng thích. Họ không được về quê mà phải đến ở trong một căn lều xiêu vẹo sát hong trại cho trại tiếp tục quản lý. Bên ngoài căn chòi nầy có nhiều bụi chuối xanh um. Ban ngày muỗi bay từng đàn. Người chồng sáu mươi lăm tuổi. Bị giam từ dạo 1954 vì tội đi tu làm linh mục mà không chịu nhảy rào theo lệnh của xã ủy. Người vợ năm mươi tư. Bà ở tù hình sự hai mươi bốn năm vì tội đi tu làm dì phước mà không chịu cổi áo theo khuyến cáo của ban đại diện tôn giáo địa phương hồi năm 1964. Lời thiên hạ nói thế. Đúng sai chưa rõ. Bấy giờ thấy cả hai sống như hai cái bóng âm thầm hủ hỉ bên nhau trong lúc vãn niên.
Không biết hai người đã sống với nhau được bao lâu mà lúc bấy giờ thì cả hai như thành góa bụa. Thấy nhau từng phút từng giây nhưng không còn tiếng nói. Có chăng chỉ còn thông cảm nhau bằng ý như hai người thuộc cõi câm.
Có những buổi chiều trời không lạnh lắm mà nhà lại hết dầu đốt đèn. Hai người ra sườn núi, dắt nhau đến một phiến đá rồi cùng ngồi lên đó. Họ ngồi im như tượng, phóng tầm mắt về phía chân mây xa vắng. Suy tư có nhiều khả năng làm con người mất thêm tiếng nói. Khi đó ông đặt tay trên vai bà. Bà gửi tay bà trên tay ông như để truyền hơi ấm cho nhau. Liên hệ âm dương suốt một cuộc đời người may ra là chỉ thế đó.
Thi sĩ Tản Đà trước kia chắc cũng đã kinh qua không ít cảnh đoạn trường. Tiên sinh có nhắn qua bài thơ Tống biệt rằng " Ước cũ duyên thừa có thế thôi".
Cuộc sống trần thế chỉ còn là một thứ ảo cảnh, là một tuồng hát linh thiêng trong đó, mọi đau khổ cũng linh thiêng, và mỗi người phải đóng cho đạt vai trò của mình. Trong tuồng này, thực tại duy nhất cũng linh thiêng và cần thiết, đó là đau khổ. Ngoài ra, trên đời này cũng không có cái Ác mà chỉ có cái Thiện. Hay cái Ác chỉ là cái Thiện mà thiếu một chút gì trong DNA của nó. Mà cũng không có Hạnh phúc hay Đau khổ. Những thứ đó chỉ là cảm giác tùy lúc mà đổi cái này thành cái nọ. Nếu con người chưa định nghĩa được rõ ràng thế nào là hạnh phúc thì đau khổ cũng không thể được giảng giải đó là gì. Chỉ biết rằng cuộc sống trên trần gian này sẽ nguy hiểm bao nhiêu nếu vắng bóng đau khổ tinh thần và thể chất? Do đó, nếu nhận rằng có Thượng Đế trên cao, sinh ra mọi loài thì chối bỏ đau khổ tức là bày tỏ thái độ vô ơn đối với Ngài.
Hai vị linh mục thì một thời gian sau đó được chuyển đến một nơi khác không một ai biết. Riêng ông già mài dao tóc trắng như bông thì vẫn còn đó. Mỗi ngày ông cứ tiếp tục mài. Tiếng thép cọ vào đá nghe đều đều như nhịp tim của chính ông. Gần như nếu không mài thì ông ta sẽ ngã lăn ra mà chết. Do đó thời gian của ông lúc bấy giờ là chỉ để mài dao, có khi trời đã rất muộn mà ông vẫn còn mài.
Những hôm mưa giông. Trên không sấp chớp. Nước suối dâng cao. Tiếng mài dao vẫn hòa với tiếng chảy rạc rào của con suối mịt mờ sương khói trong suốt những ngày tháng đó.
Tiểu Đĩnh
1. Zek, tiếng Nga, chỉ tù Gulag. Miền Bắc phiên âm thành Dết để chỉ người tù miền Nam sau tháng tư năm 1975.
2. Dao tông là loại dao cán liền với lưỡi, bằng sắt thô, dài 4 tất, nặng khoảng hơn cân Tây.
3. Chiều hôm cùng với người tiên
Trong hoàng hôn muộn ngồi thuyền mà đi.
4. Lán giam tù có hai tầng lót váng làm chỗ nằm: tầng trên và tầng dưới, cách nhau khoảng 1 thước.
5. Buồng tiêu tiểu
6. Paul Joseph Goebbels, Bộ trưởng bộ tuyên truyền của Hitler, người có câu nói bất hủ là“Cứ nói dối và nói dối. Rốt cuộc thì dân chúng sẽ tin theo.”
7. Patholocical narcissism.