Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ra tuyên bố về sự kiện Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam tại Geneva, hôm 05/2/2014 từ Hà Nội.
Tòa Đại sứ tại Hà Nội hôm thứ Tư đưa phát biểu của Đại biện Lâm thời, Phái bộ Hoa Kỳ, ông Peter Mulrean cho hay Hoa Kỳ hoan nghênh Việt Nam tham gia công ước quốc tế về chống tra tấn và cảm ơn chính quyền Hà Nội đã có bài thuyết trình tại cuộc Kiểm định UPR lần thứ 18.
Tuy nhiên theo Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam vẫn còn có những hành vi đáng 'quan ngại' và 'thất vọng' khi xâm phạm các quyền phổ quát về con người, trong đó có xâm phạm các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hạn chế tôn giáo, ngăn cản xã hội dân sự v.v...
Bản tuyên bố của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ hôm thứ Tư nói:
"Hoa Kỳ cảm ơn đoàn Việt Nam về bài thuyết trình của đoàn,
"Chúng tôi hoan nghênh việc Việt Nam ký Công ước Chống Tra tấn, tiến bộ về bảo vệ quyền của người đồng tính/song tính/chuyển giới, và số lượng đăng ký nhà thờ tăng lên.
"Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sách nhiễu và bắt giữ những người thực hiện các quyền hạn và các quyền tự do phổ quát, như tự do ngôn luận và lập hội. Việt Nam cũng hạn chế tự do tôn giáo, và việc sách nhiễu các nhà thờ không đăng ký vẫn diễn ra.
"Chúng tôi quan ngại về sự hạn chế đối với việc thành lập nghiệp đoàn độc lập, về việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, và việc chính phủ sử dụng lao động bắt buộc.
"Chúng tôi cũng thất vọng về việc Việt Nam ngăn cản xã hội dân sự tham gia vào toàn bộ quá trình UPR."
'Đề xuất của Hoa Kỳ'
Bản tuyên bố của Hoa Kỳ đưa ra ba điểm để xuất với Việt Nam như sau:
"Sửa đổi luật an ninh quốc gia mơ hồ được sử dụng để đàn áp các quyền phổ quát, và thả vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị, như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức;
"Bảo vệ các quyền của người lao động được quốc tế công nhận và tăng cường thực thi luật cấm lao động cưỡng bức; và
"Nhanh chóng phê chuẩn và thực thi Công ước Chống Tra tấn."
Tại cuộc Kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền lần thứ 18, một số quốc gia và tổ chức cho rằng Việt Nam đã có một số chuyển biến nhất định trong vấn đề nhân quyền, trong đó có việc vận động trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều điểm phải cải thiện về nhân quyền trong đó Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiều điểm trong 96 khuyến cáo mà Việt Nam đã chấp nhận trong lần kiểm định UPR bốn năm về trước.
"Chúng tôi cũng thất vọng về việc Việt Nam ngăn cản xã hội dân sự tham gia vào toàn bộ quá trình UPR"
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại VN
Nhiều đoàn ngoại giao như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada, Đức, Ireland, Ba Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Hungary, Czech và các quốc gia khác đã thẳng thắn chất vấn Việt Nam về những vấn đề mà Việt Nam được cho là vi phạm nhân quyền, đồng thời nêu quan điểm yêu cầu Việt Nam sửa đổi.
Đại diện của Thái Lan tại UPR 18 kêu gọi Việt Nam thành lập một định chế về nhân quyền ở cấp độ quốc gia. Trong khi, Hungary khuyến nghị Việt Nam cần thúc đẩy tự do trên mạng.
Việt Nam đang chịu nhiều sức ép hơn trong tư cách mới là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền của LHQ.
Một số tổ chức Phi chính phủ Quốc tế như, UN Watch, cho hay vào ngày 25/2 này, một loạt các tổ chức NGO sẽ nhóm họp ở Geneva và đề nghị khai trừ Việt Nam khỏi Hội đồng Nhân quyền vì theo các tổ chức này "Việt Nam không đảm bảo các quyền tự do cho người dân ở mức cao nhất, tương xứng với tư cách thành viên."
'Luôn tôn trọng nhân quyền'
Sự kiện kiểm định định kỳ về nhân quyền tại Geneva lần này đã thu hút được sự chú ý của nhiều giới ở trong và ngoài nước.
Đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam gồm nhiều bộ ngành tham gia UPR năm 2014 tại Geneva về cơ bản đã khẳng định nhà nước và chính phủ Việt Nam luôn luôn tôn trọng và thực thi nghiêm túc tất cả các điều luật, công ước quốc tế về nhân quyền và quyền công dân, cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận kể từ lần kiểm định trước hồi năm 2009.
Đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Tôn Giáo Chính phủ của Việt Nam có mặt tại Geneva đều khẳng định trong các lĩnh vực cụ thể, Việt Nam đều tôn trọng các quyền của công dân, quyền con người, với chính phủ không kiểm duyệt báo chí, mạng internet, đảm bảo các quyền tự do về ngôn luận, tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc không có tôn giáo, tín ngưỡng, tôn trọng các điều khoản đã ký của công ước quốc tế về chống tra tấn hoặc đối xử tàn nhẫn v.v...
"Mặc dù thừa nhận VN có một số cải thiện về nhân quyền trong một số lĩnh vực, chúng tôi cho rằng báo cáo của đoàn ngoại giao VN không phản ánh đầy đủ và chính xác tình hình nhân quyền của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội và tự do hội họp"
Thông cáo Báo chí Liên Tổ chức
Trong dịp này, tại Geneva, nhiều tổ chức nhân quyền, phi chính phủ và các nhà hoạt động vì dân chủ và nhân quyền của Việt Nam đã tham gia nhiều sự kiện liên quan, một số nhóm vận động từ các đảng phái như Việt Tân, The Voice, các cộng đoàn Việt Nam ở hải ngoại đã có các hoạt động gây áp lực lên chính quyền Việt Nam qua các diễn đàn quốc tế xung quanh sự kiện kiểm định.
Còn từ trong nước, một số giới quan sát cũng đã có những đánh giá về nhân quyền Việt Nam, cũng như dự kiến tác động của cuộc kiểm định UPR.
Hôm thứ Tư, 05/2, chuyên gia về nhân quyền luật hiến pháp của Việt Nam từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung nói cho rằng cả sự kiện kiểm định UPR năm 2014 và việc Việt Nam dành ghế nhân quyền đều là những dấu hiệu có tác động 'tích cực và tiến bộ' đối với Việt Nam.
"Trước đây không có được nói và quốc tế cũng không hiểu gì, và đây là nơi để nói và người ta còn có sự kiểm định bằng các đoàn phi chính phủ đến để nói trước các cơ quan nhân quyền quốc tế, thì tôi thấy đấy là một sự tiến bộ," chuyên gia về luật nhân quyền và luật hiến pháp nói với BBC hôm 05/2/2014.
'Không kỳ vọng hiệu quả'
Tuy nhiên, TS Nguyễn Quang A không kỳ vọng kỳ kiểm định UPR sẽ có hiệu quả chuyển đội thực sự về chính sách với chính quyền Việt Nam. Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng chắc chắn nó sẽ có tác động gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam", ông nói với BBC trong cuộc phỏng vấn hôm 5/2.
"Nhưng những áp lực đấy có thực sự hữu hiệu để khiến nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách liên quan đến nhân quyền thì tôi e rằng tính hiệu quả của nó là không nhiều."
Trước đó, hôm 04/2, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, qua diễn đàn cuộc Hội luận “Những tiếng nói của Xã hội dân sự bị cấm đoán" do Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền với sự hậu thuẫn của Ân Xá Quốc tế và Human Rights Watch tổ chức, nêu quan điểm:
"Kể từ cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát lần thứ nhất trước đây, Việt Nam hứa hẹn thực thi nhân quyền. Nhưng trái lại, Việt Nam tung chiến dịch leo thang đàn áp như chưa từng các nhà bất đống chính kiến, và những ai phê phán chính quyền"
Hòa Thượng Thích Quảng Độ
"Kể từ cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát lần thứ nhất trước đây, Việt Nam hứa hẹn thực thi nhân quyền. Nhưng trái lại, Việt Nam tung chiến dịch leo thang đàn áp như chưa từng các nhà bất đống chính kiến, và những ai phê phán chính quyền. Các bloggers trẻ, nhà báo, những người đấu tranh bảo vệ quyền công nhân, quyền phụ nữ và thiếu nhi đã không ngừng bị sách nhiễu hay bị giam cầm chưa từng thấy xưa nay.
“Cuộc đàn áp cũng nhắm vào các cộng đồng tôn giáo. Bất cứ ở đâu trên thế giới này, tự do tôn giáo đều quan trọng – được ghi rõ tại điều 18 trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, cũng như trong Hiến Pháp Việt Nam. Là quyền không thể chối bỏ, ngay cả trong thời chiến. Trong hoàn cảnh không hiện hữu những đảng phái chính trị đối lập, các công đoàn tự do hay các tổ chức phi chính phủ độc lập, các tôn giáo là những tiếng nói trọng yếu cho xã hội dân sự, nói lên nỗi bất bình của nhân dân và áp lực cho sự cải cách," lá thư của Hòa thượng Quảng Độ gửi Hội luận từ Việt Nam viết.
Hôm thứ Tư, một thông cáo báo chí liên tổ chức cuar Mạng lưới Blogger Việt Nam, Voice, No U, Dân Làm báo, Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống, Con đường Việt Nam... nêu quan điểm:
"Mặc dù thừa nhận Việt Nam có một số cải thiện về nhân quyền trong một số lĩnh vực, chúng tôi cho rằng báo cáo của đoàn ngoại giao Việt Nam không phản ánh đầy đủ và chính xác tình hình nhân quyền của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội và tự do hội họp.
"Bên canh đó, đoàn ngại giao VN còn đưa ra nhiều thông tin sai sự thật và những lập luận có tính ngụy biện, lảng tránh nội dung chính của câu hỏi trong quá trình báo cáo và trả lời chất vấn."
'Hy vọng đạt đồng thuận'
Từ Hà Nội, hôm thứ Tư, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, nêu quan điểm với BBC cho rằng 'nhận thức' về nhân quyền ở Việt Nam, trong đó ở giới chức chính quyền thời gian gần đây đều đã được cải thiện.
Hôm thứ Năm, từ Sài Gòn, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, luật sư Trần Quốc Thuận cũng thừa nhận 'không khí tự do, nhân quyền' ở Việt Nam thời gian gần đây đã 'dễ thở hơn'.
Tuy nhiên, luật sư Thuận cũng nói thêm nhận thức và thực thi nhân quyền của Việt Nam, hay là khoảng cách giữa 'nói và làm' trên thực tế vẫn còn có khác biệt lớn.
"Pháp luật, chỉ vô hình thức, thì nhìn đâu cũng thấy có, nhưng mà rõ ràng khi áp dụng thì tùy tiện, pháp luật mù mờ và chưa có một điều luật bảo vệ quyền, nhân quyền của người công dân một cách thực sự"
Luật sư Trần Quốc Thuận
Ông nói: "Pháp luật, chỉ vô hình thức, thì nhìn đâu cũng thấy có, nhưng mà rõ ràng khi áp dụng thì tùy tiện, pháp luật mù mờ và chưa có một điều luật bảo vệ quyền, nhân quyền của người công dân một cách thực sự."
Cũng nhân dịp này, hôm thứ Tư, ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Người VN ở Nước ngoài, cựu Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, nêu quan điểm kỳ vọng giữa chính phủ Việt Nam và các lực lượng tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền người Việt Nam ở trong nước và hải ngoại sẽ đạt được một 'đồng thuận' trong vấn đề này.
“Giải pháp... là hai bên nhân nhượng nhau để đạt đến một sự đồng thuận. Có thể sự đồng thuận đó có khó khăn nhưng tôi tin rằng nếu có sự thiện chí của các bên thì chắc chắn một sự đồng thuận là có thể kiếm được,” ông nói với BBC.