Văn Học & Nghệ Thuật
Di cảo của văn hào Nguyễn Văn Vĩnh còn ở trong tình trạng tản mát
Một trong số những nhân vật xuất chúng được giới trí thức và rất đông người Việt Nam đầu và giữa thế kỷ trước ghi nhận đã có những đóng góp rất lớn trong cuộc hiện đại hóa văn hóa Việt Nam là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Oái oăm thay, ông lại là một trong những người còn rất ít được biết đến đối với công chúng đương đại. Theo nhiều nhà nghiên cứu, di cảo của học giả Nguyễn Văn Vĩnh hiện đang ở tình trạng tản mát và có nguy cơ bị mất mát, hủy hoại.
Lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có một ý nghĩa hệ trọng, được ví như bản lề của một cuộc chuyển hóa quyết liệt ; nhiều thay đổi dữ dội đã diễn ra trong lòng chế độ thuộc địa và bảo hộ Pháp đưa xã hội Việt Nam, từ một vương quốc nằm trong quỹ đạo của đế chế Trung Hoa, bước vào kỷ nguyên hiện đại.
Một trong số những nhân vật xuất chúng được giới trí thức và đông đảo người Việt Nam đầu và giữa thế kỷ trước ghi nhận đã có những đóng góp rất lớn trong cuộc chuyển hóa này là Nguyễn Văn Vĩnh. Oái oăm thay, ông lại là một trong những người còn rất ít được biết đến đối với công chúng Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 và sau năm 1975 trên toàn quốc. Quan niệm chính thống trong một thời gian dài đã lên án Nguyễn Văn Vĩnh, vì bị coi là người cộng tác với chính quyền thực dân trên phương diện văn hóa.
Thời gian trôi qua, mối quan hệ giữa các quốc gia liên quan đã có nhiều thay đổi, từ đối địch chuyển thành bè bạn, nhu cầu hiểu biết khách quan về lịch sử tăng lên… ; thái độ đánh giá cực đoan và hẹp hòi đối với các nhân vật lịch sử, vốn chịu búa rìu của quan niệm chính trị chính thống một thời, đã và đang bị vượt qua. Cuộc đời dấn thân vì sự nghiệp phát triển chữ Quốc ngữ và truyền bá các giá trị của nền văn minh phương Tây, chủ yếu là văn minh Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh, đang dần dần sống lại, và ngày càng trở thành một đối tượng hấp dẫn đối với giới chuyên môn, cũng như công chúng rộng rãi.
Năm 2007 ra đời bộ phim về Nguyễn Văn Vĩnh mang tên « Mạn đàm về người man di hiện đại », bốn tập, dài 215 phút, do đạo diễn Trần Văn Thủy và nhà quay phim Nguyễn Sỹ Bằng thực hiện, với sự cộng tác và đài thọ của gia tộc văn hào, đặc biệt là người cháu nội, ông Nguyễn Lân Bình, cũng là người xây dựng kịch bản cho phim. Năm 2007 cũng là năm kỷ niệm 100 năm ra đời của Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), phong trào hiện đại hóa đầu tiên ở Việt Nam, mà Nguyễn Văn Vĩnh là một nhân vật quan trọng. 2007 cũng là dịp 100 năm ra đời của tờ Đăng Cổ Tùng báo (tờ báo đầu tiên bằng quốc ngữ ở miền Bắc Việt Nam), do ông François-Henri Schneider người Pháp sáng lập, và chính Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút.
Nhiều nỗ lực sưu tầm và giới thiệu trước tác của văn hào đã được thực hiện, đặc biệt do gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh và một số nhà nghiên cứu, sưu tập. Trong số những nghiên cứu công phu gần đây phải nhắc đến luận án tiến sĩ của nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuelle Affidi mang tựa đề « Ðông Dương Tạp Chí (1913-1919), une tentative de diffusion du discours et de la science de l’Occident au Tonkin : l’interculturalité, un enjeu colonial entre savoir et pouvoir (1906-1936) » (tạm dịch là : Ðông Dương Tạp Chí (1913-1919), một nỗ lực truyền bá các hiểu biết và khoa học Phương Tây tại Bắc Kỳ : quan hệ liên văn hóa – một cuộc chơi giữa tri thức và quyền lực thời thực dân [1906-1936]). Luận án dày 793 trang này được bảo vệ năm 2006 tại đại học Paris Diderot – Paris 7. Đông Dương Tạp chí, như chúng ta biết, là một ấn phẩm được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ ghi nhận có vai trò quyết định trong việc nâng tầm chữ Quốc ngữ, trở thành một ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam, thay thế cho chữ Hán. Bên cạnh đó, điều mà nhà nghiên cứu Emmanuelle Affidi muốn lý giải, qua luận án này, là vai trò độc nhất vô nhị của Nguyễn Văn Vĩnh trong việc truyền bá các hiểu biết và giá trị của văn minh phương Tây hiện đại, đặc biệt qua việc dịch sang chữ Quốc ngữ nhiều tác phẩm tiêu biểu của nền văn chương Pháp.
Ngược lại, như ghi nhận của nhà sưu tầm Nguyễn Lân Bình : " (...) Nguyễn Văn Vĩnh rất chú trọng không phải chỉ dịch các tác phẩm văn học hoặc triết học từ tiếng Pháp sang tiếng Việt nhằm đem đến sự nhận thức mới cho người Việt Nam, mà ông còn cố gắng chọn lọc các tác phẩm trong kho tàng ít ỏi của văn hóa Việt Nam thời đó để dịch sang tiếng Pháp với mục đích chứng minh và giúp người Pháp hiểu được tâm hồn người Nam", đặc biệt với kiệt tác Truyện Kiều.
« Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ quốc-ngữ » (lời tựa Tam Quốc Chí bản dịch tiếng Việt 1909), câu nói nổi tiếng của Nguyễn Văn Vĩnh được nhiều người truyền tụng - một kêu gọi hành động mang dáng dấp của một lời tiên tri -, vẫn còn là một thách đố chứa đầy bí ẩn đối với việc nhận thức về tiếng Việt, trong quá trình đột biến để trở thành một ngôn ngữ quốc gia.
Những trước tác của Nguyễn Văn Vĩnh đã đóng góp như thế nào vào việc « cách mạng » chữ Quốc ngữ ? Bên cạnh những thành công của chữ Quốc ngữ ít ai phủ nhận, những vấn nạn của nền văn hóa Việt Nam đương đại, những vấn đề mà tiếng Việt hiện nay phải đối mặt trước các trào lưu đe dọa sự tồn tại của một ngôn ngữ mang tính chuẩn mực… và cả nhiều giới hạn của tiếng Việt phải chăng không phải không có ít nhiều gốc rễ ngay từ giai đoạn hình thành ngôn ngữ quốc gia mới này ?…
Trong thời gian gần đây tại Việt Nam, việc khôi phục lại các di sản chữ Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong đó có di cảo của văn hào Nguyễn Văn Vĩnh, bắt đầu thu hút được sự chú ý của công luận. Đây là điều mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân - người vừa được trao giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, vì công lao khôi phục tác phẩm của Phan Khôi -, đã ví như một hành động « trục vớt », có nghĩa là một điều cần được làm rất khẩn cấp, trước nguy cơ hủy hoại nhanh chóng. Rõ ràng, chỉ có thể hiểu được thực sự và chính xác về những gì những người như Nguyễn Văn Vĩnh đã làm, nếu như có được trong tay đầy đủ các tư liệu.
***
Mới đây tại Việt Nam, ngày 17/2/2012 Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri thức đã tổ chức hội thảo “Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ Quốc ngữ”, để bàn về kiến nghị Nhà nước Việt Nam xem xét lấy một ngày trong năm để kỷ niệm chữ Quốc ngữ (chữ viết Quốc gia) và thành lập Hội đồng khoa học cấp Nhà nước đánh giá toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh.
Ngày 10/6/2012, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà Xuất bản Tri thức đã kết hợp cùng với gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh, tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ông (15/06/1882 - 15/06/2012). Tại buổi kỷ niệm này, nhà sử học Dương Trung Quốc, cũng là người am hiểu về lịch sử báo chí chữ Quốc ngữ Việt Nam, có một nhận định : « Chúng ta mới có một số bài viết, một vài cuộc hội thảo, một bộ phim chưa được quảng bá… có được bao nhiêu người hiểu về Nguyễn Văn Vĩnh đâu?! Chúng tôi biết đã có những nỗ lực to lớn và phải là những nỗ lực to lớn chúng ta mới hiểu được con người này. Tôi biết những nỗ lực của con cháu cụ Vĩnh trong việc tập hợp, tìm kiếm tư liệu rất khó khăn, tốn kém. Trong lưu trữ của chúng ta có biết bao nhiêu tài liệu, những tư liệu lịch sử liên quan đến Nguyễn văn Vĩnh còn đang đọng trong kho lưu trữ ở trong nước và nhất là ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp. Chúng ta hầu như chưa động chạm đến được bao nhiêu. »
Về di sản của Nguyễn Văn Vĩnh và thực tế của việc sưu tập và bảo tồn các trước tác của văn hào, tạp chí của RFI giới thiệu với quý vị một số nhận xét và chia sẻ của ông Nguyễn Lân Bình, người nhiều năm công phu phục dựng lại di sản của nhân vật lớn lao này.
Ông Nguyễn Lân Bình : « Đây (tức sự thiếu vắng một sưu tầm đầy đủ về trước tác của Nguyễn Văn Vĩnh – người biên tập) là một trong các lý do đẩy xã hội đến chỗ tranh cãi về vai trò lịch sử của Nguyễn Văn Vĩnh. Tại sao tôi lại nói là một trong các lý do ? Vì 30 năm lao động của Nguyễn Văn Vĩnh trên lĩnh vực báo chí và văn hóa đã để lại không biết bao nhiêu di sản.
Trong những năm gần đây, tôi muốn nhận thức một cách nghiêm túc việc : cuộc đời lao động của cụ Vĩnh đã viết bao nhiêu bài bằng tiếng Việt và bằng tiếng Pháp, đã dịch bao nhiêu cuốn sách, đã in bao nhiêu tờ báo, đã có bao nhiêu bút danh, và đã dịch của bao nhiêu tác giả ?
Chính vì lẽ đó, nên hôm qua trong cuộc trao đổi với anh, mang tính trò chuyện, tôi có nói là, trước đây trên báo Sài Gòn giải phóng, khi Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đặt tên con đường mang tên Nguyễn Văn Vĩnh ở quận Tân Bình, thì có một bài giải thích, vì sao nhân dân thành phố HCM đặt tên là đường Nguyễn Văn Vĩnh. Ở trong đó, có chi tiết nêu lên là, Nguyễn Văn Vĩnh là người đã viết cả vạn bài báo. Sau này, tôi hơi băn khoăn với con số vạn ấy. Khi đi sâu vào, tôi nhận thức là, rất có thể là vì lòng kính trọng đối với sức lao động khủng khiếp của cụ Vĩnh trong quá khứ, để lại ấn tượng sâu đối với xã hội, cho nên, vì có thể là với lòng sùng bái mà người ta đưa ra con số vạn.
Còn trên thực tế, theo thống kê của tôi đến giờ này, cũng chưa được nghiêm túc đâu, thì tôi thấy có bảy tờ báo, trong đó có ba tờ tiếng Pháp và bốn tờ tiếng Việt. Báo mà cụ Vĩnh viết nhiều nhất, liên tục và hệ thống nhất là ở trên tờ Annam Nouveau. Tờ báo này ra đời năm 1931, nói là (đình bản) năm 1936, nhưng thực chất là đến hết năm 1935 là cụ Vĩnh đã không còn đủ điều kiện (viết), do sự o ép của nhà cầm quyền nữa rồi. Nhưng mà, chỉ trong năm năm của tờ Annam Nouveau thôi, theo thống kê của các bác, các chú tôi, là đã có xấp xỉ 500 bài. Nhưng mà vừa rồi, tôi đã quyết định bằng tất cả khả năng, tôi sẽ sao lại tất cả các bài ký tên Nguyễn Văn Vĩnh trên tờ báo này. Cho đến cách đây một tuần, chúng tôi đã thống kê được đến 570 bài rồi.
Phải khẳng định là, những tờ báo tiếng Việt của cụ Vĩnh đến nay, theo tôi biết, ở các cơ quan lưu trữ của nhà nước còn rất ít, mặc dù hai mươi năm về trước, khi các bác tôi còn khỏe mạnh (các bác bây giờ mất hết rồi), mà đi làm công việc này, thì thấy còn rất nhiều. Đặc biệt là tờ Đăng Cổ Tùng Báo là tờ báo đầu tiên (của miền Bắc) ra năm 1907, theo tôi được biết chính thức chỉ còn đúng một bản trong lưu trữ.
Còn một tờ báo nữa cũng rất hấp dẫn tất cả những ai quan tâm nghiên cứu là tờ Đông Dương Tạp Chí. Tờ báo này có thể do vai trò lịch sử và nội dung đặc biệt của nó, vì được đánh giá là tờ đầu tiên hướng dẫn người Việt Nam làm văn bằng chữ quốc ngữ, thì bây giờ tôi chứng kiến người ta hỏi tôi, có còn không để người ta mua chẳng hạn, hoặc người ta trao đổi bán trước mặt tôi, với những cái giá không thể tưởng tượng được.
Như vậy, chỉ còn những tờ báo tiếng Pháp là còn hy vọng. Lý do còn trong lưu trữ là bởi vì, đây là tiếng Pháp nên người ta không đọc được. Vì không đọc được nên người ta không hiểu được tư tưởng thực và quan điểm chính trị thật của Nguyễn Văn Vĩnh. Trong khi đó, Nguyễn Văn Vĩnh lại gửi gắm tất cả những hiểu biết của mình và lý tưởng chính trị của mình vào trong những bài tiếng Pháp. Thì tôi thấy rằng, vô hình chung, chỉ còn lại các tờ báo tiếng Pháp, nhưng cho đến lúc này, tôi vẫn chưa nhìn thấy được tờ Nord Journal (1908) và Nord Revue (1910). Hai tờ báo này tồn tại rất ngắn, không hơn gì tờ đầu tiên mà cụ làm chủ bút (Đăng Cổ Tùng Báo). Tôi có được một số bài, lấy từ một số tư liệu khác, là trích từ ở trong Nord Journal và Nord Revue ra, mới thấy rằng, kể cả trong những tờ báo tiếng Pháp từ đầu thế kỷ, thế mà Nguyễn Văn Vĩnh luôn luôn đề cập đến một khía cạnh là, hãy phấn đấu để mọi người hiểu được thế nào là ‘‘bình đẳng’’, thế nào là ‘‘quyền’’ và thế nào ‘‘trách nhiệm’’.
Một tờ báo nữa, lúc này tôi cũng để ý, nhưng mà tôi chưa được nhìn thấy bao giờ, đó là tờ Học Báo do cụ làm chủ bút. Nó ra đời năm 1919, tức là sau tờ Trung Bắc Tân Văn. Tờ Trung Bắc Tân Văn thì tôi thấy nhiều người có, và khi người ta mua được, thì người ta cũng trao đổi và khoe với tôi, và thậm chí, có người khi đến thắp hương cụ Vĩnh, thì thấy tôi không có thì biếu tôi một tờ nguyên gốc để trong gia đình có lưu trữ bản gốc.
Làm sao để tiếp cận được (các văn bản tiếng Pháp chưa có), cá nhân tôi không nhất thiết phải tiếp cận. Thứ nhất là, cái tầm của tôi không phải sâu đến như thế, thứ hai là tôi không có ngoại ngữ, tức tiếng Pháp. Tôi trình bày những điều này là để những ai quan tâm có thể tìm đến.
Kết luận lại là, trong cuộc đời viết báo của cụ Vĩnh, cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, qua các giai đoạn, trên cơ sở những cái các bác, các chú tôi sưu tập được, và những cái tôi đang lấy về, thì ước chừng có khoảng 3.000 bài viết. Còn tác phẩm dịch của cụ từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, thì chắc chắn bên Pháp có, đó là một thực tế không có gì phải nghi ngại. Nhưng có một tác phẩm mà chưa thấy ai khoe cả, đó là tác phẩm ‘‘Tiền Xích Bích, Hậu Xích Bích’’ của Tô Đông Pha, cụ dịch từ Hán văn sang Pháp văn, thì cái đó, chắc chỉ có người Pháp có thôi.
Tôi được biết chính xác, ít nhất có ba người Việt Nam, giữ một số lượng lưu trữ liên quan đến Nguyễn Văn Vĩnh khá đồ sộ. Thí dụ như tôi được khẳng định, có người có toàn bộ số báo của Đông Dương Tạp Chí chẳng hạn. Có người giữ được, và đã chào bán toàn bộ Trung Bắc Tân Văn, chúng mình nói là với một cái giá, nói nôm na là, rất giật mình. Có những người sưu tầm sách cổ thì đã tặng tôi những bản scan trang nhất của các tác phẩm (...).
Những gì mà trong gia đình chúng tôi có, là do công lao của các chú, các bác tôi dốc lòng tìm kiếm sưu tập, là một số lượng, mà so với cái con số tôi vừa nêu là không lớn. Điều khó nữa là làm sao để hệ thống hóa nó lại, rồi để mã hóa được, thì đây là phần công việc tôi cũng không giấu giếm gì, là tôi vẫn cứ vật lộn. Đấy là đã có sự giúp đỡ của những người bạn rất là chân tình, rất là nhiệt tâm với tôi, đã hậu thuẫn. Thế nhưng mà, khó thì vẫn là rất khó. Đấy là cái điều tôi có thể phúc đáp với anh liên quan đến các văn bản di cảo của cụ Vĩnh. »
Tạp chí về di sản Nguyễn Văn Vĩnh tạm dừng ở đây, chúng tôi xin hẹn quí vị tiếp tục chủ đề này trong một lần tới.
RFI xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Lân Bình đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay.
Bàn ra tán vào (0)
Di cảo của văn hào Nguyễn Văn Vĩnh còn ở trong tình trạng tản mát
Một trong số những nhân vật xuất chúng được giới trí thức và rất đông người Việt Nam đầu và giữa thế kỷ trước ghi nhận đã có những đóng góp rất lớn trong cuộc hiện đại hóa văn hóa Việt Nam là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Oái oăm thay, ông lại là một trong những người còn rất ít được biết đến đối với công chúng đương đại. Theo nhiều nhà nghiên cứu, di cảo của học giả Nguyễn Văn Vĩnh hiện đang ở tình trạng tản mát và có nguy cơ bị mất mát, hủy hoại.
Lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có một ý nghĩa hệ trọng, được ví như bản lề của một cuộc chuyển hóa quyết liệt ; nhiều thay đổi dữ dội đã diễn ra trong lòng chế độ thuộc địa và bảo hộ Pháp đưa xã hội Việt Nam, từ một vương quốc nằm trong quỹ đạo của đế chế Trung Hoa, bước vào kỷ nguyên hiện đại.
Một trong số những nhân vật xuất chúng được giới trí thức và đông đảo người Việt Nam đầu và giữa thế kỷ trước ghi nhận đã có những đóng góp rất lớn trong cuộc chuyển hóa này là Nguyễn Văn Vĩnh. Oái oăm thay, ông lại là một trong những người còn rất ít được biết đến đối với công chúng Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 và sau năm 1975 trên toàn quốc. Quan niệm chính thống trong một thời gian dài đã lên án Nguyễn Văn Vĩnh, vì bị coi là người cộng tác với chính quyền thực dân trên phương diện văn hóa.
Thời gian trôi qua, mối quan hệ giữa các quốc gia liên quan đã có nhiều thay đổi, từ đối địch chuyển thành bè bạn, nhu cầu hiểu biết khách quan về lịch sử tăng lên… ; thái độ đánh giá cực đoan và hẹp hòi đối với các nhân vật lịch sử, vốn chịu búa rìu của quan niệm chính trị chính thống một thời, đã và đang bị vượt qua. Cuộc đời dấn thân vì sự nghiệp phát triển chữ Quốc ngữ và truyền bá các giá trị của nền văn minh phương Tây, chủ yếu là văn minh Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh, đang dần dần sống lại, và ngày càng trở thành một đối tượng hấp dẫn đối với giới chuyên môn, cũng như công chúng rộng rãi.
Năm 2007 ra đời bộ phim về Nguyễn Văn Vĩnh mang tên « Mạn đàm về người man di hiện đại », bốn tập, dài 215 phút, do đạo diễn Trần Văn Thủy và nhà quay phim Nguyễn Sỹ Bằng thực hiện, với sự cộng tác và đài thọ của gia tộc văn hào, đặc biệt là người cháu nội, ông Nguyễn Lân Bình, cũng là người xây dựng kịch bản cho phim. Năm 2007 cũng là năm kỷ niệm 100 năm ra đời của Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), phong trào hiện đại hóa đầu tiên ở Việt Nam, mà Nguyễn Văn Vĩnh là một nhân vật quan trọng. 2007 cũng là dịp 100 năm ra đời của tờ Đăng Cổ Tùng báo (tờ báo đầu tiên bằng quốc ngữ ở miền Bắc Việt Nam), do ông François-Henri Schneider người Pháp sáng lập, và chính Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút.
Nhiều nỗ lực sưu tầm và giới thiệu trước tác của văn hào đã được thực hiện, đặc biệt do gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh và một số nhà nghiên cứu, sưu tập. Trong số những nghiên cứu công phu gần đây phải nhắc đến luận án tiến sĩ của nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuelle Affidi mang tựa đề « Ðông Dương Tạp Chí (1913-1919), une tentative de diffusion du discours et de la science de l’Occident au Tonkin : l’interculturalité, un enjeu colonial entre savoir et pouvoir (1906-1936) » (tạm dịch là : Ðông Dương Tạp Chí (1913-1919), một nỗ lực truyền bá các hiểu biết và khoa học Phương Tây tại Bắc Kỳ : quan hệ liên văn hóa – một cuộc chơi giữa tri thức và quyền lực thời thực dân [1906-1936]). Luận án dày 793 trang này được bảo vệ năm 2006 tại đại học Paris Diderot – Paris 7. Đông Dương Tạp chí, như chúng ta biết, là một ấn phẩm được nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ ghi nhận có vai trò quyết định trong việc nâng tầm chữ Quốc ngữ, trở thành một ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam, thay thế cho chữ Hán. Bên cạnh đó, điều mà nhà nghiên cứu Emmanuelle Affidi muốn lý giải, qua luận án này, là vai trò độc nhất vô nhị của Nguyễn Văn Vĩnh trong việc truyền bá các hiểu biết và giá trị của văn minh phương Tây hiện đại, đặc biệt qua việc dịch sang chữ Quốc ngữ nhiều tác phẩm tiêu biểu của nền văn chương Pháp.
Ngược lại, như ghi nhận của nhà sưu tầm Nguyễn Lân Bình : " (...) Nguyễn Văn Vĩnh rất chú trọng không phải chỉ dịch các tác phẩm văn học hoặc triết học từ tiếng Pháp sang tiếng Việt nhằm đem đến sự nhận thức mới cho người Việt Nam, mà ông còn cố gắng chọn lọc các tác phẩm trong kho tàng ít ỏi của văn hóa Việt Nam thời đó để dịch sang tiếng Pháp với mục đích chứng minh và giúp người Pháp hiểu được tâm hồn người Nam", đặc biệt với kiệt tác Truyện Kiều.
« Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ quốc-ngữ » (lời tựa Tam Quốc Chí bản dịch tiếng Việt 1909), câu nói nổi tiếng của Nguyễn Văn Vĩnh được nhiều người truyền tụng - một kêu gọi hành động mang dáng dấp của một lời tiên tri -, vẫn còn là một thách đố chứa đầy bí ẩn đối với việc nhận thức về tiếng Việt, trong quá trình đột biến để trở thành một ngôn ngữ quốc gia.
Những trước tác của Nguyễn Văn Vĩnh đã đóng góp như thế nào vào việc « cách mạng » chữ Quốc ngữ ? Bên cạnh những thành công của chữ Quốc ngữ ít ai phủ nhận, những vấn nạn của nền văn hóa Việt Nam đương đại, những vấn đề mà tiếng Việt hiện nay phải đối mặt trước các trào lưu đe dọa sự tồn tại của một ngôn ngữ mang tính chuẩn mực… và cả nhiều giới hạn của tiếng Việt phải chăng không phải không có ít nhiều gốc rễ ngay từ giai đoạn hình thành ngôn ngữ quốc gia mới này ?…
Trong thời gian gần đây tại Việt Nam, việc khôi phục lại các di sản chữ Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong đó có di cảo của văn hào Nguyễn Văn Vĩnh, bắt đầu thu hút được sự chú ý của công luận. Đây là điều mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân - người vừa được trao giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, vì công lao khôi phục tác phẩm của Phan Khôi -, đã ví như một hành động « trục vớt », có nghĩa là một điều cần được làm rất khẩn cấp, trước nguy cơ hủy hoại nhanh chóng. Rõ ràng, chỉ có thể hiểu được thực sự và chính xác về những gì những người như Nguyễn Văn Vĩnh đã làm, nếu như có được trong tay đầy đủ các tư liệu.
***
Mới đây tại Việt Nam, ngày 17/2/2012 Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri thức đã tổ chức hội thảo “Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ Quốc ngữ”, để bàn về kiến nghị Nhà nước Việt Nam xem xét lấy một ngày trong năm để kỷ niệm chữ Quốc ngữ (chữ viết Quốc gia) và thành lập Hội đồng khoa học cấp Nhà nước đánh giá toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh.
Ngày 10/6/2012, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà Xuất bản Tri thức đã kết hợp cùng với gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh, tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của ông (15/06/1882 - 15/06/2012). Tại buổi kỷ niệm này, nhà sử học Dương Trung Quốc, cũng là người am hiểu về lịch sử báo chí chữ Quốc ngữ Việt Nam, có một nhận định : « Chúng ta mới có một số bài viết, một vài cuộc hội thảo, một bộ phim chưa được quảng bá… có được bao nhiêu người hiểu về Nguyễn Văn Vĩnh đâu?! Chúng tôi biết đã có những nỗ lực to lớn và phải là những nỗ lực to lớn chúng ta mới hiểu được con người này. Tôi biết những nỗ lực của con cháu cụ Vĩnh trong việc tập hợp, tìm kiếm tư liệu rất khó khăn, tốn kém. Trong lưu trữ của chúng ta có biết bao nhiêu tài liệu, những tư liệu lịch sử liên quan đến Nguyễn văn Vĩnh còn đang đọng trong kho lưu trữ ở trong nước và nhất là ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp. Chúng ta hầu như chưa động chạm đến được bao nhiêu. »
Về di sản của Nguyễn Văn Vĩnh và thực tế của việc sưu tập và bảo tồn các trước tác của văn hào, tạp chí của RFI giới thiệu với quý vị một số nhận xét và chia sẻ của ông Nguyễn Lân Bình, người nhiều năm công phu phục dựng lại di sản của nhân vật lớn lao này.
Ông Nguyễn Lân Bình : « Đây (tức sự thiếu vắng một sưu tầm đầy đủ về trước tác của Nguyễn Văn Vĩnh – người biên tập) là một trong các lý do đẩy xã hội đến chỗ tranh cãi về vai trò lịch sử của Nguyễn Văn Vĩnh. Tại sao tôi lại nói là một trong các lý do ? Vì 30 năm lao động của Nguyễn Văn Vĩnh trên lĩnh vực báo chí và văn hóa đã để lại không biết bao nhiêu di sản.
Trong những năm gần đây, tôi muốn nhận thức một cách nghiêm túc việc : cuộc đời lao động của cụ Vĩnh đã viết bao nhiêu bài bằng tiếng Việt và bằng tiếng Pháp, đã dịch bao nhiêu cuốn sách, đã in bao nhiêu tờ báo, đã có bao nhiêu bút danh, và đã dịch của bao nhiêu tác giả ?
Chính vì lẽ đó, nên hôm qua trong cuộc trao đổi với anh, mang tính trò chuyện, tôi có nói là, trước đây trên báo Sài Gòn giải phóng, khi Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đặt tên con đường mang tên Nguyễn Văn Vĩnh ở quận Tân Bình, thì có một bài giải thích, vì sao nhân dân thành phố HCM đặt tên là đường Nguyễn Văn Vĩnh. Ở trong đó, có chi tiết nêu lên là, Nguyễn Văn Vĩnh là người đã viết cả vạn bài báo. Sau này, tôi hơi băn khoăn với con số vạn ấy. Khi đi sâu vào, tôi nhận thức là, rất có thể là vì lòng kính trọng đối với sức lao động khủng khiếp của cụ Vĩnh trong quá khứ, để lại ấn tượng sâu đối với xã hội, cho nên, vì có thể là với lòng sùng bái mà người ta đưa ra con số vạn.
Còn trên thực tế, theo thống kê của tôi đến giờ này, cũng chưa được nghiêm túc đâu, thì tôi thấy có bảy tờ báo, trong đó có ba tờ tiếng Pháp và bốn tờ tiếng Việt. Báo mà cụ Vĩnh viết nhiều nhất, liên tục và hệ thống nhất là ở trên tờ Annam Nouveau. Tờ báo này ra đời năm 1931, nói là (đình bản) năm 1936, nhưng thực chất là đến hết năm 1935 là cụ Vĩnh đã không còn đủ điều kiện (viết), do sự o ép của nhà cầm quyền nữa rồi. Nhưng mà, chỉ trong năm năm của tờ Annam Nouveau thôi, theo thống kê của các bác, các chú tôi, là đã có xấp xỉ 500 bài. Nhưng mà vừa rồi, tôi đã quyết định bằng tất cả khả năng, tôi sẽ sao lại tất cả các bài ký tên Nguyễn Văn Vĩnh trên tờ báo này. Cho đến cách đây một tuần, chúng tôi đã thống kê được đến 570 bài rồi.
Phải khẳng định là, những tờ báo tiếng Việt của cụ Vĩnh đến nay, theo tôi biết, ở các cơ quan lưu trữ của nhà nước còn rất ít, mặc dù hai mươi năm về trước, khi các bác tôi còn khỏe mạnh (các bác bây giờ mất hết rồi), mà đi làm công việc này, thì thấy còn rất nhiều. Đặc biệt là tờ Đăng Cổ Tùng Báo là tờ báo đầu tiên (của miền Bắc) ra năm 1907, theo tôi được biết chính thức chỉ còn đúng một bản trong lưu trữ.
Còn một tờ báo nữa cũng rất hấp dẫn tất cả những ai quan tâm nghiên cứu là tờ Đông Dương Tạp Chí. Tờ báo này có thể do vai trò lịch sử và nội dung đặc biệt của nó, vì được đánh giá là tờ đầu tiên hướng dẫn người Việt Nam làm văn bằng chữ quốc ngữ, thì bây giờ tôi chứng kiến người ta hỏi tôi, có còn không để người ta mua chẳng hạn, hoặc người ta trao đổi bán trước mặt tôi, với những cái giá không thể tưởng tượng được.
Như vậy, chỉ còn những tờ báo tiếng Pháp là còn hy vọng. Lý do còn trong lưu trữ là bởi vì, đây là tiếng Pháp nên người ta không đọc được. Vì không đọc được nên người ta không hiểu được tư tưởng thực và quan điểm chính trị thật của Nguyễn Văn Vĩnh. Trong khi đó, Nguyễn Văn Vĩnh lại gửi gắm tất cả những hiểu biết của mình và lý tưởng chính trị của mình vào trong những bài tiếng Pháp. Thì tôi thấy rằng, vô hình chung, chỉ còn lại các tờ báo tiếng Pháp, nhưng cho đến lúc này, tôi vẫn chưa nhìn thấy được tờ Nord Journal (1908) và Nord Revue (1910). Hai tờ báo này tồn tại rất ngắn, không hơn gì tờ đầu tiên mà cụ làm chủ bút (Đăng Cổ Tùng Báo). Tôi có được một số bài, lấy từ một số tư liệu khác, là trích từ ở trong Nord Journal và Nord Revue ra, mới thấy rằng, kể cả trong những tờ báo tiếng Pháp từ đầu thế kỷ, thế mà Nguyễn Văn Vĩnh luôn luôn đề cập đến một khía cạnh là, hãy phấn đấu để mọi người hiểu được thế nào là ‘‘bình đẳng’’, thế nào là ‘‘quyền’’ và thế nào ‘‘trách nhiệm’’.
Một tờ báo nữa, lúc này tôi cũng để ý, nhưng mà tôi chưa được nhìn thấy bao giờ, đó là tờ Học Báo do cụ làm chủ bút. Nó ra đời năm 1919, tức là sau tờ Trung Bắc Tân Văn. Tờ Trung Bắc Tân Văn thì tôi thấy nhiều người có, và khi người ta mua được, thì người ta cũng trao đổi và khoe với tôi, và thậm chí, có người khi đến thắp hương cụ Vĩnh, thì thấy tôi không có thì biếu tôi một tờ nguyên gốc để trong gia đình có lưu trữ bản gốc.
Làm sao để tiếp cận được (các văn bản tiếng Pháp chưa có), cá nhân tôi không nhất thiết phải tiếp cận. Thứ nhất là, cái tầm của tôi không phải sâu đến như thế, thứ hai là tôi không có ngoại ngữ, tức tiếng Pháp. Tôi trình bày những điều này là để những ai quan tâm có thể tìm đến.
Kết luận lại là, trong cuộc đời viết báo của cụ Vĩnh, cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, qua các giai đoạn, trên cơ sở những cái các bác, các chú tôi sưu tập được, và những cái tôi đang lấy về, thì ước chừng có khoảng 3.000 bài viết. Còn tác phẩm dịch của cụ từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, thì chắc chắn bên Pháp có, đó là một thực tế không có gì phải nghi ngại. Nhưng có một tác phẩm mà chưa thấy ai khoe cả, đó là tác phẩm ‘‘Tiền Xích Bích, Hậu Xích Bích’’ của Tô Đông Pha, cụ dịch từ Hán văn sang Pháp văn, thì cái đó, chắc chỉ có người Pháp có thôi.
Tôi được biết chính xác, ít nhất có ba người Việt Nam, giữ một số lượng lưu trữ liên quan đến Nguyễn Văn Vĩnh khá đồ sộ. Thí dụ như tôi được khẳng định, có người có toàn bộ số báo của Đông Dương Tạp Chí chẳng hạn. Có người giữ được, và đã chào bán toàn bộ Trung Bắc Tân Văn, chúng mình nói là với một cái giá, nói nôm na là, rất giật mình. Có những người sưu tầm sách cổ thì đã tặng tôi những bản scan trang nhất của các tác phẩm (...).
Những gì mà trong gia đình chúng tôi có, là do công lao của các chú, các bác tôi dốc lòng tìm kiếm sưu tập, là một số lượng, mà so với cái con số tôi vừa nêu là không lớn. Điều khó nữa là làm sao để hệ thống hóa nó lại, rồi để mã hóa được, thì đây là phần công việc tôi cũng không giấu giếm gì, là tôi vẫn cứ vật lộn. Đấy là đã có sự giúp đỡ của những người bạn rất là chân tình, rất là nhiệt tâm với tôi, đã hậu thuẫn. Thế nhưng mà, khó thì vẫn là rất khó. Đấy là cái điều tôi có thể phúc đáp với anh liên quan đến các văn bản di cảo của cụ Vĩnh. »
Tạp chí về di sản Nguyễn Văn Vĩnh tạm dừng ở đây, chúng tôi xin hẹn quí vị tiếp tục chủ đề này trong một lần tới.
RFI xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Lân Bình đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay.