Từ nhiều năm qua, khẩu trang đã trở thành
một phần trong văn hóa của người Nhật Bản. Nhiều người Nhật đeo khẩu
trang mỗi ngày, có thể để tránh bị lây bệnh, ngăn ngừa dị ứng, chống bụi
hoặc đơn giản là để giữ ấm.
Tuy nhiên, những người đứng đầu Def Anniversary (DF) - một dịch vụ hẹn
hò phổ biến ở Tokyo, lại sử dụng khẩu trang vào mục đích khác. Họ gọi
những chiếc khẩu trang là công cụ để konkatsu (săn tìm hôn nhân).
Tại những sự kiện hẹn hò mà DF tổ chức, người độc thân từ khắp Nhật Bản
sẽ có cơ hội gặp gỡ, dành một khoảng thời gian giới hạn để cố gắng tìm
hiểu nhau càng nhiều càng tốt.
Điều đặc biệt là, mỗi người tham gia đều sẽ phải đeo khẩu trang trong các cuộc hẹn hò chóng vánh. Theo nhà tổ chức, điều này sẽ khiến 2 bên ít để ý tới ngoại hình, và chú trọng hơn vào việc tìm hiểu tính cách của nhau.
"Để đi đến được hôn nhân, điều quan trọng là có cơ hội để hiểu rõ tính cách của đối tác trong giai đoạn đầu tiên. Chúng tôi chọn khẩu trang như là một công cụ cần thiết cho việc này" - Kei Matsumura, người đứng đầu dịch vụ DF, cho biết.
Thực tế, việc không lộ mặt đã khiến cho nhiều người độc thân nhút nhát trở nên thoải mái hơn khi trò chuyện với người khác giới. Thanh niên Nhật Bản hiện nay đều lớn lên trong thời đại kỹ thuật số và thường có xu hướng ngại giao tiếp mặt đối mặt.
"Kể từ khi không còn bị đánh giá bởi vẻ bề ngoài, tôi nghĩ rằng mình đã có thể nói chuyện với phụ nữ được nhiều hơn" - anh Yasumasu Kishi (28 tuổi) trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters.
Chiharu Tsukahara, một nữ nhân viên văn phòng 28 tuổi, cũng cho biết: "Tôi nghĩ rằng mình có thể tìm hiểu thêm về nội tâm của họ (người khác giới) và không chỉ đánh giá họ bằng ngoại hình. Trong những cuộc hẹn, tính cách mới là quan trọng".
Tình trạng giới trẻ Nhật Bản "lười yêu" và "ngại kết hôn" đã góp phần khiến dân số Nhật Bản lão hóa nhanh chóng, làm tỷ lệ kết hôn giảm xuống mức nghiêm trọng. Từ năm 1975 tới năm 2014, tỷ lệ này bị giảm từ 10,1 phần nghìn xuống chỉ còn 5,1 phần nghìn.
Hồng Anh
( Thời Đại )