Nguồn: “How independent is the FBI?”, The Economist,
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Sự độc lập của FBI phụ thuộc nhiều vào lập trường của giám đốc cơ quan này.
“FBI trung thực, FBI mạnh mẽ và FBI đang và sẽ luôn luôn độc lập”, đây là điều được tuyên bố bởi James Fey, một cựu giám đốc của Cục Điều tra Liên bang (FBI), đưa ra trong một buổi điều trần trước quốc hội gần đây. Ông Comey, người đã bị Donald Trump sa thải hồi tháng 5, thừa nhận rằng người đứng đầu FBI có thể bị sa thải vì bất cứ lý do gì hoặc không vì lý do gì. Tuy nhiên, những lời giải thích mâu thuẫn mà Nhà Trắng đưa ra về việc sa thải ông đã khiến nhiều người kết luận rằng quyết định này có động cơ chính trị: ông Comey là người dẫn đầu cuộc điều tra của cơ quan này về các mối liên hệ giữa các cố vấn thân cận của ông Trump với chính phủ Nga. Vậy FBI độc lập đến mức nào?
Cục Điều tra Liên bang được thành lập vào năm 1908 dưới thời tổng thống Theodore Roosevelt như là một lực lượng đặc vụ. Năm 1935, cơ quan này thông qua phương châm của mình: Trung thành, Dũng cảm, Liêm chính (Fidelity, Bravery, Integrity). Qua nhiều năm, nó đã trở thành cơ quan tình báo và an ninh nội địa hùng mạnh nhất thế giới. Những ưu tiên của cơ quan này là chống lại bạo lực và tội phạm cổ cồn trắng và bảo vệ lãnh thổ quốc gia khỏi các cuộc tấn công khủng bố và gián điệp. Ngân sách của cơ quan này được Quốc hội phê chuẩn. Nó thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp và báo cáo với Tổng Chưởng lý (tức Bộ trưởng Tư pháp), nhưng nhìn chung hoạt động một cách độc lập.
FBI độc lập nhất dưới thời J. Edgar Hoover, ông là giám đốc FBI trong 48 năm và là người đã xây dựng một đế chế cho riêng mình, tận dụng mạng lưới các mối quan hệ của ông với các thành viên của Quốc hội. Ông đã nắm được nhiều quyền lực đến mức sau khi ông ra đi, nhiệm kỳ của giám đốc FBI đã bị giới hạn lại chỉ còn mười năm. Tất cả những người kế nhiệm Hoover đều có ít ảnh hưởng hơn ông. Năm 1993, Bill Clinton đã sa thải William Sessions khỏi vị trí giám đốc FBI vì những vi phạm về đạo đức (khiến ông trở thành giám đốc FBI duy nhất bị sa thải trước Comey).
Hầu hết các vị tổng thống khôn ngoan hơn thường giữ khoảng cách của mình với người đứng đầu FBI để tránh ấn tượng về sự can thiệp vào việc thực thi luật pháp – và các giám đốc FBI khôn ngoan đã tránh xa Nhà Trắng càng nhiều càng tốt. Điều này tạo ra hình ảnh của một cơ quan độc lập với giới chính trị xấu xí, đó là một trong những lý do tại sao FBI vẫn là một trong những tổ chức được kính trọng nhất trong nước.
Sa thải giám đốc của một cơ quan được yêu mến mang lại rủi ro đáng kể cho bất kỳ tổng thống nào. Cả Harry Truman và John Kennedy đều được cho là đã lảng tránh việc sa thải Hoover vì sợ các tác động mà việc sa thải ông có thể gây ra cho sự ủng hộ của người dân đối với họ – những hậu quả mà Trump đã phát hiện ra một cách thất vọng khi ông sa thải Comey. Khi ông tuyên bố hồi tháng trước rằng đã chọn Christopher Wray, một cựu công tố viên liên bang và trợ lý Tổng Chưởng lý, vào vị trí giám đốc FBI kế tiếp, sự lựa chọn của ông đã thu hút nhiều sự hoài nghi hơn trước đó. Màn hỏi đáp khó nhọc mà Wray nhận được trong phiên điều trần nhằm phê chuẩn việc bổ nhiệm ông trước ủy ban tư pháp thượng viện vào ngày 12 tháng 7 đã phản ánh điều đó. Ông phải chứng minh rằng mình sẽ hành động không khoan nhượng khi phải bảo vệ sự độc lập của cơ quan mình trước Nhà Trắng – đặc biệt nếu Trump thực hiện lời hứa cụ thể mà ông đã đưa ra hồi đầu năm nay: xem xét lại vai trò của tất cả các cơ quan tình báo.