Nguồn: Roderick MacFarquahr, “The Red Emperor”, The New York Review of Books, 18/01/2018.
Biên dịch: Huỳnh Hoa
Mùa thu rồi, đại hội lần thứ 19 đảng Cộng sản Trung Quốc là bằng chứng chứng tỏ trong năm năm làm tổng bí thư đảng, ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) đã trở thành lãnh tụ có quyền lực nhất Trung Quốc sau khi ông Mao Trạch Đông (Mao Zedong) chết năm 1976. Đa số các nhà quan sát, cả người Trung Quốc lẫn nước ngoài đã biết chuyện này, họ chỉ thoáng ngạc nhiên về cung cách mà nó thể hiện công khai tại đại hội: trong việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo mới và suy tôn một hệ tư tưởng mới mang tên ông Tập.
Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi tắt theo tiếng Anh là PSC, bao gồm những nhà lãnh đạo chóp bu của đảng, hiện có 7 ủy viên. Trong quá khứ, Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị từng là nơi diễn ra những cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt. Ông Mao đã sa thải hai người phó có khả năng kế vị ông: ông Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) – người bị ngăn không cho chữa chạy khi lâm bệnh nặng; và thống chế Lâm Bưu (Lin Biao) – người bị săn lùng phải bỏ nước ra đi và chết khi chiếc máy bay chở ông ta bị nạn trong tình huống mà đến nay vẫn còn là bí mật. Ngay cả ông Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) cũng đã cách chức hai tổng bí thư đã tỏ ra không kiên định với ông. Dưới thời ông Tập Cận Bình, một đối thủ có tham vọng trở thành ủy viên Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị đã bị đánh bại, bị đưa ra tòa xét xử và bị bỏ tù; một ủy viên đầy quyền lực đã nghỉ hưu khỏi Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị khóa 17 cũng chịu chung số phận. Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị là đỉnh cao của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng tiến lên, lùi lại hoặc chỉ đứng yên tại đỉnh cao này của đảng có thể là chuyện đầy nguy hiểm. Trung thành với lãnh tụ tối cao là sự bảo đảm chắc chắn nhất vị trí của một ủy viên.
Tại mỗi đại hội diễn ra 5 năm một lần, Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị được sắp xếp lại. Việc nghỉ hưu khỏi Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị và các cơ quan lãnh đạo khác của đảng đại khái phải theo một quy tắc do ông Đặng đặt ra; ông này hy vọng sẽ có được sự đổi mới đều đặn hàng ngũ lãnh đạo và tránh tình huống năm 1976, khi các ông thủ tướng Chu Ân Lai (Zhou Enlai) 77 tuổi, thống chế Chu Đức (Zhu De) 89 tuổi, và chủ tịch Mao 82 tuổi, đều chết trong khi đang còn làm việc. Bây giờ, tuổi nghỉ hưu được quy định là 70 tuổi. Quy tắc chung của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị là vào thời điểm tổ chức đại hội đảng, người đã đủ 68 tuổi thì phải về nghỉ, còn người mới chỉ 67 tuổi thì có khả năng ở lại. Năm trong số bảy ủy viên của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 phải về nghỉ theo quy định này, chỉ còn ông Tập Cận Bình (64 tuổi) và thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) 62 tuổi, là còn đủ trẻ để tiếp tục ở lại trong Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị khóa 19. Nhưng trước ngày diễn ra đại hội gần đây, tin đồn ở Bắc Kinh là có khả năng có thêm ủy viên thứ ba được giữ lại bất chấp tuổi tác.
Tổ chức lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng sản Trung Quốc được chọn ra từ – nhưng không phải do – 25 ủy viên Bộ Chính trị; đến lượt Bộ Chính trị được chọn ra từ – cũng không phải do – 376 ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban Chấp hành trung ương (CC: Central Committee), Ban Chấp hành trung ương lại được chọn ra – cũng không phải do – 2.287 đại biểu tham dự đại hội đảng. Trong thực tế, tổng bí thư đương nhiệm và những người thân cận nhất của ông sẽ chọn ra thành phần các cơ quan lãnh đạo, đặc biệt là Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, sau khi tham vấn ý kiến, và có thể có tranh luận, với những người đồng cấp và những tổng bí thư tiền nhiệm. Như vậy, trong khi các ủy viên Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 được những người tiền nhiệm của ông Tập chọn ra thì Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 là “tác phẩm” của chính ông. Bởi vì những người trung thành với ông Tập lãnh đạo Văn phòng trung ương đảng – trung tâm đầu não – và Vụ tổ chức cán bộ nên khả năng phát hiện và lựa chọn những đồng chí đáng tin cậy để đưa vào Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 đã được bảo đảm.
Mối quan tâm chính của những quan sát viên bên ngoài là liệu có hay không một thành viên đáng tin cậy nhất của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 sắp mãn nhiệm sẽ được phép ở lại, bất chấp giới hạn tuổi tác, vì tầm quan trọng của người này đối với ông Tập.
Trong suốt 5 năm vừa qua, ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) 69 tuổi, một đồng chí lâu năm của tổng bí thư đảng, đã dẫn dắt Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc thực thi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt, toàn diện và được quảng bá rầm rộ của ông Tập. [1]Theo báo cáo mà ủy ban trình ra tại đại hội gần đây, đã có 74.880 quan chức lãnh đạo đảng (nomenklatura) – nghĩa là những người mà sự nghiệp do ủy ban quản lý – ở cấp quận huyện và cao hơn đã bị điều tra, kể từ khi ông Vương lên phụ trách ủy ban này năm 2012; trong số này có 280 cán bộ cấp bộ hoặc cao hơn. Có 35.000 vụ tham nhũng mà ủy ban đã chuyển hồ sơ cho ngành tư pháp để truy tố chính thức. Trong số gần 90 triệu đảng viên của đảng Cộng sản Trung Quốc, có 1.375.000 người đã bị trừng phạt vì vi phạm kỷ luật đảng, vài người chắc chắc đã bỏ qua quy định của đảng khi tiệc tùng chỉ có tối đa “bốn đĩa và một súp”.[2]
Ông Tập hài lòng với chiến dịch chống tham nhũng tới mức hồi đầu năm nay ông tuyên bố nó đã chặn đứng sự lan tràn của tham nhũng và tạo ra một “động lực triệt hạ” nạn hối lộ. Thế thì tại sao ông không giữ ông Vương lại? Lời đồn đoán ít có khả năng xảy ra nhất là ông Tập không đủ mạnh để bỏ qua “quy luật tuổi 70”. Ông Tập là người đầu tiên đứng trên những người bằng nhau. Giữ ông Vương không phải là việc làm quá sức của ông.
Có điều gì liên quan tới lời tố cáo tham nhũng nhắm vào ông Vương mà tỷ phú Trung Quốc lưu vong Quách Văn Quý (Guo Wengui) đưa ra từ căn hộ sang trọng của ông ta ở New York hay không? Ông Quách có quan hệ mật thiết với một quan chức an ninh cao cấp của Trung Quốc đã bị mất chức, và lời tố cáo của ông được dân chúng Bắc Kinh đem ra bàn tán. Nhưng sau hai lần ông được các quan chức an ninh Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trên đất Mỹ đến thăm nhà, ông Quách đã không giữ đúng lời hứa là sẽ họp báo ở New York trong thời gian diễn ra đại hội 19 ở Bắc Kinh để công bố thêm nhiều thứ nữa. Những tin đồn khác tiếp tục lan tràn. Khi ông Vương không xuất hiện trước công chúng trong vài tuần lễ hồi đầu năm ngoái, đã có tin đồn ông bị ung thư. Hoặc đấy chỉ là một cái cớ giữ thể diện cho việc ông bị buộc phải về hưu? Thế rồi, ông xuất hiện trở lại ở một vài sự kiện chính thức và thần sắc không có gì thay đổi, thì tin đồn mới chấm dứt.
Một khả năng dễ xảy ra hơn là việc giữ ông Vương lại sẽ gửi đi một tín hiệu rằng ông Tập có ý định tiếp tục ngồi ghế lãnh tụ sau khi nhiệm kỳ thứ hai của ông hiện nay kết thúc. Mọi người đều lưu ý rằng mặc dù ông Tập được trao những chức vụ cho biết ông sẽ là lãnh tụ tương lai của đảng Cộng sản Trung Quốc từ rất lâu trước khi ông thực sự được đề bạt, ông đã bảo đảm rằng trong giới lãnh đạo mới sẽ không có người nào là hiển nhiên kế vị ông. Thế thì, liệu có phải ông Tập có ý định mô phỏng ông Mao và tiếp tục cầm quyền cho đến ngày già yếu, một điều chưa từng xảy ra trong thời kỳ hậu ông Đặng?
Nếu kế hoạch lâu dài của ông Tập là như thế thì có lẽ ông chưa đủ tự tin để thực hiện bước nhảy vọt cuối cùng vào cõi bất tử. Vì thế, thay vào vị trí của ông Vương, ông đã đề bạt một cộng sự thân cận khác, ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), giám đốc Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Ban Chấp hành trung ương đảng, làm ủy viên Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, nơi ông ta sẽ đảm nhiệm chiến dịch chống tham nhũng. Bên cạnh ông Triệu, ông Tập cũng đề bạt một tay chân trung thành nhất của mình trong ủy ban trung ương, chánh văn phòng trung ương đảng, là ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) vào Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị như là người xếp vị trí thứ ba trong tổ chức tôn ti trật tự này.
Ủy viên xếp vị trí thứ hai trong ban thường vụ mới vẫn là thủ tướng Lý Khắc Cường, người giữ vị trí đó trong ban thường vụ khóa trước. Nhưng trong năm năm qua, ông Lý đã bị cái bóng của ông Tập che khuất một cách nhục nhã; ông Tập nắm cả ghế chủ tịch các ủy ban kinh tế mà lẽ ra ông Lý phải lãnh đạo. Ông thủ tướng rõ ràng là thiếu tự tin và thiếu một cá tính mạnh mẽ – những thứ đã giúp thủ tướng Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) điều hành nền kinh tế trong thời ông Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) làm tổng bí thư. Ông Lý sẽ phù hợp hơn với chức vụ phó chủ tịch – một chức vụ cao cấp như hiện nay nhưng chỉ có tính chất nghi lễ. Điều này sẽ được quyết định vào mùa xuân, dù có người nghĩ rằng ông Tập sẽ dành vị trí đó cho ông Vương Kỳ Sơn. Số phận của ông Lý không phải là đề tài bàn tán trong chốn trà dư tửu hậu ở Bắc Kinh bởi vì ai cũng biết vai trò phụ thuộc của ông ta. Một lời bình luận ác ý từ một trí thức Trung Quốc là: “Đó cũng là vấn đề ư?”
Trong khi số phận ông Vương Kỳ Sơn là đề tài bàn tán nhiều hơn thì sự thay đổi gây tò mò nhất trong thành phần ủy ban thường vụ bộ chính trị là việc đề bạt ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), người trí thức thực thụ đầu tiên giành được vinh dự ấy. Ông Vương này không phải là họ hàng của ông Vương Kỳ Sơn. Ông Vương Hỗ Ninh đến từ Thượng Hải, nơi ông là sinh viên cao học và sau này là một giáo sư khi tuổi còn rất trẻ của Đại học Phúc Đán danh tiếng. Sau khi tiếp nhận những lời giới thiệu từ các nhà lãnh đạo đảng ở Thượng Hải, ông Vương được tổng bí thư khi ấy là ông Giang Trạch Dân tuyển dụng cho văn phòng nghiên cứu chính sách trung ương.
Vào cuối nhiệm kỳ của ông Giang, năm 2002, ông Vương giúp ông Giang sáng tác ra học thuyết “Ba đại diện” của ông ấy, và vươn lên trở thành giám đốc Văn phòng nghiên cứu chính sách trung ương. Ông được tổng bí thư kế tiếp, ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao), giữ lại vì ông Hồ thừa nhận tài năng của Vương, thường đưa Vương đi cùng trong các chuyến công du nước ngoài; Vương cũng đã giúp ông Hồ soạn ra học thuyết của Hồ về tầm nhìn khoa học về sự phát triển. Cả hai học thuyết ba đại diện và tầm nhìn khoa học về sự phát triển đều trở thành lý luận chính thức của đảng. Sau khi ông Hồ nghỉ hưu, Vương trở thành người hết sức cần thiết của Tập, thường tháp tùng ông Tập trong những chuyến công du quốc tế. Bây giờ, ngoài vị trí ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Vương còn được bổ nhiệm đứng đầu Ban Bí thư. Nhưng không giống hầu hết các lãnh đạo cao cấp, ông ta chưa từng điều hành một tỉnh thành hoặc một bộ ngành trong chính phủ.
Vương không phải là loại trí thức theo chủ nghĩa cơ hội kiểu Kissinger mà trí khôn thường được các nhà lãnh đạo mới lên tận dụng. Trong những năm tháng dạy học, ông đã viết và xuất bản rất nhiều. Một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ kéo dài 6 tháng đã dẫn tới sự ra đời của cuốn sách America Against America (Nước Mỹ chống lại nước Mỹ), khảo sát những mâu thuẫn bên trong xã hội Mỹ. Một người bán sách Trung Quốc đã lợi dụng sự thăng tiến thần tốc của ông Vương để mời chào một bản copy của cuốn nhật ký năm 1995 của ông này, có nhan đề A Political Life (Zhengzhide rensheng – Chính trị đức nhân sinh), xuất bản ngay trước khi ông chuyển công tác đến Bắc Kinh, với giá 11.888 nhân dân tệ (khoảng 1.800 USD). Một trong những chủ đề mà ông Vương ủng hộ trong các trước tác của mình là “chủ nghĩa chuyên chế mới”, nhấn mạnh vào nhu cầu phải có sự lãnh đạo mạnh mẽ và nỗi ác cảm của ông với việc giới thiệu chủ nghĩa dân chủ phương Tây vào xã hội Trung Quốc chắc chắn là yếu tố giúp ông trở nên thân thiết với ông Tập.[3]
Giữ vị trí thứ tư trong trật tự chóp bu mới, ngay trên Vương Hỗ Ninh là Uông Dương (Wang Yang), một kiểu người khác. Từ năm 2007 đến 2012, ông Uông Dương điều hành tỉnh Quảng Đông, tỉnh giàu nhất Trung Quốc, giáp ranh với Hồng Kông. Ở đó ông Uông nổi tiếng là người quyết đoán và cải cách kinh tế có sáng tạo. Ông được khen ngợi rộng rãi nhờ việc giải quyết hòa bình cuộc nổi dậy của nông dân làng Ô Khảm (Wukan) chống lại các cán bộ đảng đã bán đất đai của họ; cho dù việc giải quyết của ông Uông đã bị người kế nhiệm ông bãi bỏ. Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012 thì ông Uông đã có chân trong bộ chính trị và được chuyển từ vị trí lãnh đạo tỉnh về chính phủ trung ương, đảm nhiệm công việc phó thủ tướng theo dõi một số lĩnh vực kinh tế.
Trong cương vị mới, ông Uông đã gây được thiện cảm của các nhà báo phương Tây vào tháng 7 năm 2013 khi ông gặp bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Jack Lew ở Washington trong khuôn khổ hội nghị cấp cao thường niên giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Uông so sánh quan hệ Mỹ-Trung với một cuộc hôn nhân mà cả hai bên đều xây dựng lòng tin và sự hợp tác. “Ở Trung Quốc, khi chúng tôi nói một cặp đôi mới thì có nghĩa là một đôi mới cưới nhau. Luật pháp Hoa Kỳ không cho phép hôn nhân giữa hai người đàn ông, nhưng tôi không nghĩ rằng đó là điều mà Jacob hoặc tôi thật sự mong muốn. Chúng ta không thể ly dị theo kiểu như Wendi và Rupert Murdoch… bởi vì cái giá phải trả là rất lớn”.[4]
Tập Cận Bình dường như không phải là kiểu lãnh tụ đánh giá cao khiếu hài hước của Uông. Nhưng Tập vẫn dành cho ông không gian để hoạt động; Uông có lẽ là người mai mối những cuộc hôn nhân thành công giữa các doanh nghiệp nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, giúp cho Tập nhìn thấy cái chương trình cải cách kinh tế mà ông ta đã hứa hẹn từ lâu nhưng cho đến nay chưa hoàn tất được, đang bắt đầu đi tới kết quả. Chẳng bao lâu sau khi được đưa vào Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, ông Uông đã viết một bài dài trên tờ báo chính thống Nhân dân nhật báo rằng Trung Quốc phải cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng quyền tiếp cận khu vực kinh tế dịch vụ của Trung Quốc. Trong một cử chỉ gây thiện cảm với các doanh nhân nước ngoài, ông Uông nói rằng Trung Quốc nên bảo vệ tài sản trí tuệ, không nên đòi hỏi phải chuyển giao công nghệ như là điều kiện để được tiếp cận thị trường và nên đối đãi với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngang nhau trong các chương trình mua sắm của chính phủ. Tất nhiên những lời lẽ như vậy đã được các người phát ngôn của Trung Quốc nói ra trước đây, và các quan sát viên phương Tây thường nghi ngờ một cách dễ hiểu rằng liệu Uông có thật sự giúp cho các doanh nhân nước ngoài được thuận lợi hơn khi hoạt động tại Trung Quốc hay không. Mặt khác, thật khó tưởng tượng ra chuyện ông Tập sẽ cho phép ông Uông đưa ra một phát ngôn như vậy nếu ngày hôm nay lời nói đó cũng có ít ý nghĩa như nó từng như vậy trong quá khứ.
Ủy viên có vị trí thấp nhất trong Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị là cựu bí thư thành ủy thành phố Thượng Hải Hàn Chính (Han Zheng). Vài người nói rằng sự hiện diện của ông Hàn trong ủy ban này, cùng với ông Vương Hỗ Ninh, là một sự nhượng bộ đối với cựu tổng bí thư đảng Giang Trạch Dân – người kiểm soát một phe của Thượng Hải – gọi là “nhóm” Thượng Hải – nơi ông ta có thời là bí thư thành ủy; trong khi ông Lý Khắc Cường và Uông Dương là sự nhượng bộ đối với phe Đoàn Thanh niên của ông Hồ Cẩm Đào, người từng là bí thư thứ nhất trung ương đoàn. Mặc dù quan hệ phe phái có gốc rễ rất sâu trong chính trị Trung Quốc nhưng dường như không có chuyện ông Tập có thể thiết lập quyền uy tối cao của mình như đã thấy rõ ràng trong đại hội 19 mà vẫn phải chấp nhận những đồng sự là tay chân của những lãnh đạo tiền nhiệm. Trong thời gian trước đại hội chẳng hạn, ông Tập đã có những động thái quyết định về mặt cơ cấu chống lại Đoàn Thanh niên, một thời là cánh tay phải hùng mạnh của đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều chưa từng có tiền lệ là ngay cả bí thư trung ương đoàn cũng không được chọn làm đại biểu của đại hội đảng lần thứ 19.
Trong trường hợp có bất kỳ đồng sự mới nào của ông vẫn chưa hiểu ai là ông chủ thì ông Tập tái nhấn mạnh vào vị trí chỉ huy của ông ngay tại phiên họp đầu tiên của bộ chính trị; tại đó đã có một nghị quyết quy định tất cả các ủy viên bộ chính trị đều phải viết báo cáo hằng năm gửi lên tổng bí thư trình bày chi tiết các hoạt động của mình. Có khả năng nhiều hơn là Hàn Chính có mặt trong ủy ban thường vụ bộ chính trị là vì Thượng Hải, thành phố lớn nhất và giàu có nhất Trung Quốc, xứng đáng có một đại biểu ở cấp lãnh đạo chóp bu; và chúng ta sẽ biết nhiều hơn khi xem ông Tập phân bổ công tác cho ông Hàn.
Điều gây ấn tượng mạnh hơn việc ông Tập xây dựng ê-kíp để giúp ông lãnh đạo Trung Quốc là cái vị thế bổ sung mà ông Tập dành cho chính ông. Ngày nay ở Trung Quốc, tổng bí thư đảng Cộng sản cũng đồng thời là chủ tịch Ủy ban Quân sự của đảng và chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân. Trong khi chức vụ chủ tịch nước tạo cho nhà lãnh đạo Trung Quốc một vị thế bình đẳng trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao với các nhà lãnh đạo nước ngoài, thì chức chủ tịch Ủy ban quân sự nhấn mạnh vào sự kiện rằng quân đội, gọi là Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), thuộc về đảng chứ không thuộc về quốc gia như quân đội của hầu hết các nước trên thế giới. Không một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào dám quên câu châm ngôn ngổi tiếng của Mao: “Quyền lực chính trị sinh ra từ nòng súng”. Vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất của ông, ngoài việc thâu tóm chức vụ lãnh đạo các ủy ban kinh tế hùng mạnh, ông Tập cũng tự phong cho mình đứng đầu các ủy ban về an ninh quốc gia và hoạt động đối ngoại.
Trong 5 năm vừa qua, Tập đã giành thêm hai vinh dự lớn nữa. Ông được tuyên xưng là “hạt nhân” lãnh đạo của đảng, một tước vị có phần rườm rà nhưng có âm vang lịch sử. Vào năm 1997, ông Giang 71 tuổi và lẽ ra ông ta phải nghỉ hưu, nhường chức tổng bí thư cho một lãnh đạo trẻ hơn. Nhưng, như một nhà lãnh đạo lão thành đang còn sống chỉ ra, bởi vì ông Giang đã được ông Đặng Tiểu Bình phong tặng danh hiệu lãnh đạo “hạt nhân”, và điều đó có nghĩa là ông không thể nghỉ hưu ngay được. Người dự kiến thay thế ông phải ra đi và ông Giang làm thêm một nhiệm kỳ tổng bí thư nữa, chỉ về hưu vào năm 2002, khi ông đã 76 tuổi. Đây có thể là một tiền lệ mà ông Tập sẽ lợi dụng khi cần thiết.
Tập cũng được phong làm tổng tư lệnh quân đội, một chức vụ chỉ có Chu Đức, người bạn ruột về quân sự của Mao trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, được phong. Có lẽ đây là cách để thể hiện rằng Tập, người đã mặc quân phục đứng giám sát cuộc diễu binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập PLA hồi đầu năm nay, không chỉ là một lãnh đạo dân sự chủ trì các tướng lãnh trong Ủy ban Quân sự mà còn là một người lính, sẵn sàng chỉ huy quân đội trên chiến trường. Chưa rõ là các tướng lãnh trong Ủy ban Quân sự tiếp nhận sự kiện này như thế nào[5] nhưng một số nhà quan sát cho rằng, công cuộc tái cơ cấu quân đội được ông Tập tiến hành quyết liệt trong hai năm qua sẽ bảo đảm lòng trung thành của các tướng lãnh mới được đề bạt.[6]
Nhưng tất cả các chức vụ kể trên đều chưa đáng với sự đề cập tới ông Tập Cận Bình trong cương lĩnh chính trị mới của đảng vừa được đại hội thông qua:
Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Học thuyết Đặng Tiểu Bình, Học thuyết về Ba đại diện, về Tầm nhìn khoa học về sự phát triển và Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc trong kỷ nguyên mới làm hướng dẫn cho hành động.
Với những lời lẽ này, ông Tập đã vượt qua ông Đặng – người mà công cuộc cải cách mở cửa đã mang lại tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Quốc trong ba mươi lăm năm qua; nhưng chỉ được coi là người đề ra một học thuyết; còn hai người tiền nhiệm của ông Tập thì có một học thuyết một tầm nhìn nhưng tên tuổi thì không được liệt kê bên cạnh. Giờ đây ông Tập đã lên ngang với ông Mao – yêu cầu táo bạo nhất của ông ấy cho đến lúc này. Cũng như ông Mao, ông Tập thích trang điểm các bài diễn văn của mình bằng những điển cố trích dẫn từ văn chương cổ điển Trung Quốc, dù ông ta sử dụng chúng để nhấn mạnh vào nội dung chính sách hiện thời chứ không nhằm gây lúng túng cho các đồng sự ít đọc của mình, việc mà ông Mao rất thích làm.
Một nhà báo Trung Quốc cần cù đã lật qua tất cả các bài diễn văn của ông Tập và tập hợp những ví dụ về cung cách này. Một đoạn trích từ sáchLuận ngữ, trong đó Khổng Tử trả lời câu hỏi của một trong những đồ đệ của mình “nếu ngài muốn dẫn dắt nhân dân một cách đúng đắn thì ai là người không thể cải hóa được?” được ông Tập sử dụng để khuyến dụ các lãnh đạo đảng phải hành động bằng cách nêu gương cho người khác. Để nhấn mạnh nhu cầu cần nhiều quan chức tài năng nhằm làm cho Trung Quốc hoàn thành được mục tiêu “trẻ hóa dân tộc”, ông Tập đã trích dẫn Kinh Thi – một tuyển tập các bài dân ca ra đời từ thế kỷ 11 tới thế kỷ 17 trước Công nguyên: “Đáng phục thay nhiều quan lại sinh ra ở vương quốc này. Vương quốc có khả năng sản sinh ra họ, những người ủng hộ nhà Chu. Đông đảo quan lại và nhờ họ Văn Vương có thể nghỉ ngơi”. Bình luận về bài thơ, ông Tập nói rằng, để “kiến tạo một nhà nước có thể tồn tại qua nhiều thế kỷ thì tài năng là then chốt”.
Nhưng gạt qua một bên việc dẫn điển cố để làm đẹp cho bài phát biểu, Tư tưởng Tập Cận Bình đại diện cho điều gì? “Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” là cụm từ được nói tới rộng rãi ngay từ buổi đầu của thời kỳ đổi mới năm 1979. Nói thẳng ra, nó có nghĩa là các nhà lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận mọi chính sách nào tạo ra được tăng trưởng kinh tế dù họ vẫn gọi đó là chủ nghĩa xã hội. Cái mới là “Kỷ nguyên mới”, có thể bắt đầu vào thời điểm này, hoặc có lẽ đã bắt đầu từ khi ông Tập lên cầm quyền năm năm về trước. Do đó, cần phải nghiên cứu những tuyên bố của ông ta về việc cai trị Trung Quốc.
Rất may là các cơ quan tuyên truyền của nước này –đang cổ xúy một phong trào sùng bái ông Tập mới manh nha, chẳng hạn đài truyền hình trung ương Trung Quốc mới đây đã dành tới hơn 4 phút mở đầu chương trình thời sự để đưa những ý kiến suy tôn ông ta – đã xuất bản một cuốn sách tập hợp những bài diễn văn của ông Tập bằng tiếng Trung Quốc và dịch ra tiếng nước ngoài về hàng loạt đề tài khác nhau mà một tổng bí thư coi trọng việc kiểm soát mọi thứ như ông ta phải bao quát. Việc xuất bản kịp thời những ý kiến của ông Tập nhằm bảo đảm các tuyên bố của ông được phổ biến rộng là việc làm đáng ghi nhận, dù rằng những nhan đề gây mệt óc có thể khiến một người đọc nước ngoài xa lánh: “Những ghi chú giải thích ‘Quyết định của Ban Chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng liên quan tới công cuộc tiếp tục cải cách toàn diện’” là một ví dụ. Trong trường hợp này, ông Tập thay mặt bộ Chính trị để giải thích cho ban Chấp hành trung ương một “nghị quyết của chính ban Chấp hành trung ương” đó, đồng thời cũng chỉ ra đâu mới là nơi thật sự ban hành quyết định.[7]
Nghị quyết này là một nền tảng quan trọng cho sự lãnh đạo của ông Tập nhưng nó cũng bộc lộ nhiều vấn đề trong chiến lược của ông. Tập giải thích rằng, ông cùng với hai ủy viên khác của Ủy ban thường vụ bộ Chính trị chịu trách nhiệm thảo ra nghị quyết, nhưng quy trình xem xét kéo dài tới bảy tháng, qua nhiều cuộc tham vấn các lãnh đạo cấp quốc gia và cấp tỉnh, các quan chức đảng đã nghỉ hưu, các lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn Trung Quốc, và nhiều nhân sĩ ngoài đảng Cộng sản cũng như phải qua ba hội nghị xem xét của ủy ban thường vụ và hai hội nghị của bộ Chính trị. Mục tiêu ban đầu của nghị quyết là trao cho thị trường một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế: “Thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực, nhưng không phải là tác nhân duy nhất về phương diện này”.[8]
Và đã có một sự xung khắc khiến cho suốt bốn năm sau đó đội của ông Tập đã không thành công trong việc chuyển hóa Trung Quốc từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng nội địa. Ông Tập vẫn gắn bó với các doanh nghiệp nhà nước, coi đó là thành trì của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và lo lắng về thị trường tự do không kiểm soát được. Vụ vỡ bong bóng của thị trường chứng khoán Thượng Hải năm 2015 chắc chắn là một cú sốc nặng nề.
Thế nhưng trong bài diễn văn lê thê dài tới ba tiếng rưỡi đồng hồ tại Đại hội 19, ông Tập vẫn không ngừng hào hứng. Những vấn đề đã được kể ra, những thiếu sót đã được thừa nhận, nhưng đã có những bước đột phá trong những lĩnh vực quan trọng và theo lời ông, những “khuôn khổ” chung cho công cuộc cải cách đã được xác lập thông qua việc khởi động hơn 1.500 biện pháp cải cách. Ông nói rằng, Trung Quốc cam kết xây dựng một “xã hội phồn vinh cỡ trung về mọi phương diện” vào năm 2020, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2021. Giữa năm 2020 và 2035, Trung Quốc sẽ nổi lên thành nhà lãnh đạo toàn cầu về sáng tạo, nhân dân Trung Quốc sẽ có cuộc sống tiện nghi, mức thu nhập của tầng lớp trung lưu sẽ được nâng lên đáng kể. Quyền của người dân sẽ được bảo vệ, quy ước xã hội và lối sống văn minh sẽ được cải thiện, nghĩa là người dân Trung Quốc sẽ đối đãi với nhau tử tế hơn.
Giai đoạn hai trong kế hoạch của ông Tập Cận Bình sẽ kéo dài từ năm 2035 đến giữa thế kỷ này, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2049, và thế giới sẽ nhìn thấy Trung Quốc là một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại và vĩ đại – một đất nước thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, tiến bộ về văn hóa, hài hòa và tươi đẹp, một người lãnh đạo toàn cầu đã đạt được sức mạnh dân tộc và ảnh hưởng quốc tế. Nói ngắn gọn, công cuộc trẻ hóa dân tộc Trung Quốc và sự nở hoa của giấc mộng Trung Hoa – một ý niệm mơ hồ về việc phục hồi sự vĩ đại của các triều đại quân chủ vinh quang nhất Trung Quốc mà ông Tập đưa lên thành mục tiêu tối hậu của mình kể từ khi lên tới đỉnh cao quyền lực, sẽ được biến thành hiện thực. Và để hoàn thành tất cả những nhiệm vụ này, nhất thiết phải duy trì sự lãnh đạo của đảng Cộng sản và sức mạnh của đảng phải được tăng cường. Như vậy, khi ông Tập đề cập tới nhà nước pháp quyền thì không có nghĩa là ông nói đảng phải chịu sự điều chỉnh của pháp quyền; cũng như “dân chủ” đối với ông không được ám chỉ bất kỳ mối đe dọa nào đối với hệ thống nhà nước chuyên chế kiểu Leninist của Trung Quốc.
Trong bài diễn văn của mình, ông Tập tiết lộ đôi điều về cái chủ nghĩa dân tộc sắt đá rõ ràng đang tiềm ẩn bên dưới vẻ bề ngoài hiền lành, nói cười thơn thớt của ông:
Đất nước Trung Hoa là một đất nước vĩ đại; đã từng trải qua nhiều khó khăn và nghịch cảnh nhưng vẫn không hề bị khuất phục. Nhân dân Trung Quốc là dân tộc vĩ đại, cần cù, dũng cảm và không bao giờ ngưng nghỉ trong công cuộc mưu cầu tiến bộ. Đảng Cộng sản Trung Quốc là một đảng vĩ đại; đảng có lòng can đảm để chiến đấu và quyết tâm chiến thắng.
Bánh xe lịch sử vẫn quay đều; ngọn triều của thời đại là rất lớn lao và mạnh mẽ. Lịch sử sẽ tử tế với những ai có quyết tâm, có động lực, có tham vọng và lòng can đảm. Nhưng lịch sử sẽ không chờ đợi những kẻ chần chừ, lãnh đạm hoặc những kẻ e ngại thách thức.[9]
Và trong kỷ nguyên mới dũng cảm này, Trung Quốc sẽ “di chuyển gần hơn tới sân khấu trung tâm”, cần nhắc lại cho những ai chưa để ý.
Roderick Macfarquhar là Giáo sư nghiên cứu lịch sử và khoa học chính trị ở Đại học Harvard. Gần đây nhất (1/2018) ông là chủ biên và có bài đóng góp cho cuốn “The Politics of China: Sixty Years of the People’s Republic of China” (Chính trị Trung Quốc: Sáu mươi năm của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc)
————
[1] Xem Andrew J. Nathan, China: The Struggle at the Top, The New York Review, February 9, 2017.
[2] Vài nguồn tin nói rằng, một bữa tiệc chỉ cần có 4 món: gà quay, thịt heo xào, bông cải xào tỏi với canh dưa gang nấu thịt heo.
[3] Zhengzhide rensheng, trang 129-135. Rất cảm ơn Rudolf Wagner đã chỉ cho người viết đoạn văn này trong sách của Vương Hỗ Ninh trên mạng Internet.
[4] “US-China Relationship Like a (Straight) Marriage-China’s Wang”, Reuters, July 10, 2013.
[5] Trong những dịp tương tự trong quá khứ, những người tiền nhiệm của ông Tập như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đều mặc y phục đại cán theo kiểu Mao được cắt may rất khéo.
[6] Bo Zhiyue, China’s Political Dymanics under Xi Jinping (World Scientific, 2016), trang 75-77.
[7] Xi Jinping, The Governance of China (Beijing: Foreign Languages Press, 2014), tr. 76.
[8] Xi, The Governance of China, tr. 85.
[9] Theo bản dịch chính thức do Bắc Kinh phát hành. Ở đây có âm hưởng lời của Mao thời trẻ. Năm 1919 Mao viết: “Thời cơ đã đến! Ngọn triều vĩ đại của thế giới đang tràn tới vô cùng mãnh liệt! Ai thích nghi với nó thì sống, ai chống lại sẽ chết”. Dẫn theo Stuart R. Schram, The Political Thought of Mao Tse-tung (Pelican, 1969) tr. 163.