Truyện Ngắn & Phóng Sự
Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù: Mặt Trận Thung Lũng Iadrang - Trương Dưỡng
Từ Tân Quí về hậu cứ, tiểu đoàn được nghỉ dưỡng quân 3 tuần để chuẩn bị cho cuộc hành quân xa tại Vùng II Chiến Thuật. Cặp vợ chồng son lại được tái ngộ, Chúng tôi rất vui mừng, ngày đêm khắng khít bên nhau như không muốn rời xa nửa bước.
Mỗi đêm tôi chở Nhi ra bến tàu hứng gió, vừa nhìn những tàu chiến khổng lồ vừa ăn phá lấu hoặc mía ghim hấp cũng rất thú vị. Thỉnh thoảng tôi đưa nàng đi ăn bò bía ở Công viên Duy Tân, ăn mì vịt tiềm ở La kai, hoặc vô nhà bà chị họ để được anh Sây nấu mấy món ăn Tàu rất ngon.
Những ngày ở Sàigon, Nhi rất muốn được đến đây chơi với người chị nầy. Nhờ vậy việc nhớ nhà cũng được giảm bớt phần nào .
Nhưng thời gian đoàn tụ thật ngắn ngủi, một tháng trôi qua thật nhanh, tôi lại phải cùng tiểu đoàn ra Pleiku để tham dự cuộc hành quân tại thung lũng Iadrang.
Theo tin tức thì một trung đoàn lính Hoa Kỳ đã bị phục kích và tổn thất nặng tại thung lũng xa xăm, núi rừng chằng chịt trong miền biên cảnh của tỉnh Pleiku nầy (phim We Are The Solders nói về trận nầy).
Iadrang là khu rừng rậm hiểm trở, phía Bắc giáp Đức Cơ, phía Nam là rặng Chu Prong, hướng Đông là QL 14, hướng Tây là biên giới Việt Miên. Quân chánh qui Bắc Việt thường xâm nhập theo đường mòn Hồ chí Minh, rồi dấu quân lập chiến khu tại đây, để chỉ đạo các đội quân phá rối Vùng II Chiến thuật. Vì vậy muốn cho dân chúng trong khu vực nầy được sống yên ổn, Quân đoàn đã xin Bộ Tổng Tham Mưu tăng phái một chiến đoàn Dù để chống cự lại đám quân chủ lực của Cộng Sản miền Bắc tại mặt trận mà đã từng gây nhiều tổn thất cho quân đội bạn. Trung tá Nguyễn Khoa Nam, Chiến đoàn trưởng, chỉ huy trực tiếp cuộc hành quân nầy .
TD9ND được máy bay chở ra phi trường Pleiku, rồi từ đó xe vận tải đưa đến Biển Hồ, để chờ đợi tiếp tế lương thực và kiểm điểm vũ khí, đạn dược. Trong ba ngày, bốn tiểu đoàn đã trang bị hoàn tất, họ báo cáo sẵn sàng đợi lịnh xuất phát. Tại Trung Tâm Hành Quân Chiến đoàn, Trung tá Nguyễn Khoa Nam họp ban tham mưu thảo kế hoạch tiến quân. Ông đã khoanh tròn định rõ các mục tiêu, và phân chia ranh giới khu vực hành quân trong thung lũng Iadrang cho từng tiểu đoàn.
Chúng tôi đổ bộ bằng trực thăng vận xuống một bãi trống trong vùng hành quân. Tiểu đoàn chia quân hai cánh, Đại uý Trương Vĩnh Phước chỉ huy hai Đại đội 91 và 92 tấn công mục tiêu bên cánh trái. Tiểu đoàn trưởng đích thân chỉ huy cánh bên phải.
Đại đội 94 đi đầu, tiếp theo là Đại đội 90, bọc hậu có Đại đội 93, tiến chiếm mục tiêu đã chỉ định.
Thiếu tá Huệ ra lệnh Đại đội 94 phải dàn mỏng và đi theo đội hình chân vạc từ từ tiến vào mục tiêu là thung lũng rậm rạp trước mặt, để nếu chạm địch thì Đại uý Phước từ trên sườn núi sẽ đổ quân đánh bọc xuống.
Cánh Thiếu tá Huệ đi khoảng một cây số thì gặp vài tổ kháng cự nhỏ, ĐĐT/ ĐĐ 94 cho lệnh dàn hàng ngang bố trí tại chỗ. Ông điều chỉnh pháo binh bắn vào các ổ địch. Sau khi pháo binh ngưng tác xạ, Trung đội trưởng Trung đội 1 cho binh sĩ đồng loạt bắn xả vào. Rồi 3 khinh binh chạy theo đội hình chân vạc, người nầy bắn yểm trợ cho người kia, chiếm từng gốc cây, và vào tới bờ rừng làm đầu cầu cho cả trung đội tiến vô. Sau đó, Trung đội 1 lại bắn yểm trợ cho Trung đội 2 xung phong chiếm ổ chốt địch kế tiếp. Những chốt nhỏ nầy lần lượt bị tiêu diệt dễ dàng bởi tài điều khiển linh động của các trung đội thiện chiến Dù.
Trong khi đó, bên Đại uý Phước gặp sự kháng cự mạnh mẽ, có lẽ là đài quan sát hay tiền đồn, địch dựa lợi thế từ trên cao, đã bắn một cách dữ dội vào cánh quân trên sườn đồi. Thấy đơn vị mình đang ở trong vị thế hơi bất lợi, Đại úy Phước ra lệnh dàn quân phân tán mỏng, rồi điều chỉnh pháo binh bắn vào ổ địch. Sau khi đạn pháo chấm dứt, ông nói Cố vấn Mỹ xin khu trục và gunship yểm trợ.
Một chập sau thì ba phi tuần gunship được điều động tới nã các đại liên và phi đạn phóng lựu vào mục tiêu. Tiếp theo, 3 chiếc khu trục bay tới bồi thêm những loạt bom nổ và bom napal, khiến địch không thể bắn vào toán quân của Đại uý Phước nữa .
Trong khi đó Đại uý Phước đã cho một đại đội lén bọc lên đỉnh cao, chờ khi chấm dứt phi pháo thì nhào xuống tấn công vào ổ chốt địch. Trung úy Trang, Đại đội trưởng 91 cho đơn vị dàn sẵn, khi khu trục vừa ngưng oanh tạc, anh lập tức ra lệnh tấn công. Toàn bộ đại đội vừa bắn vừa hô xung phong tiến nhanh vào ổ chốt địch. Khi chiếm được mục tiêu, có vài binh sĩ bị thương vì sự chống trả yếu ớt tự vệ của những cán binh ngoan cố đã bị thương kẹt lại, còn phần đông thì đã trốn vì không chịu nổi phi pháo, đã nổ tới tấp vào vị trí của họ.
Sau khi thu dọn chiến trường, đại đội tịch thu được một thượng liên, nhiều súng cá nhân, và bắt sống được 3 tù binh. Tiểu đoàn tiếp tục lên đường tấn chiếm các mục tiêu kế tiếp.
Ngày hôm sau, các tiểu đoàn bạn chạm địch mạnh, chúng tôi được lệnh dừng quân tại chỗ, sẵn sàng tiếp ứng. Đến chiều thì tiếng súng đã ngưng, có lẽ địch thấy các đơn vị Dù quá kiên cường, không thể làm cho chúng tôi bị sa lầy như đơn vị Đồng Minh, nên họ rút êm ra khỏi thung lũng. Vì thế suốt một tuần lễ cả chiến đoàn đều không còn chạm địch.
Mặc dù ngày nào cũng lội trong khu vực rừng rậm âm u, lau sậy cao ngập đầu. Mỗi sáng phải ăn uống nấu nướng xong trước 7 giờ để chuẩn bị sẵn sàng đợi lịnh xuất phát. Các khinh binh dùng dao rừng, dẹp đường cho đơn vị phía sau có lối đi. Việc phá rừng vượt núi nhiều lúc rất gian nan, nhất là mỗi khi gặp rừng lao sậy, ô rô, hay dương xỉ, những khinh binh dẫn đầu đoàn quân phải chịu vất vả vô cùng! Nếu không chạm địch, thì cứ tiếp tục dùng bản đồ, địa bàn, xác định mục tiêu rồi đi mãi cho tới 6 giờ chiều mới dừng quân. Rồi kẻ thì lo kiếm nước nấu cơm, người thì lo đào hầm hố, căng mìn bẫy, đặt lính gác giặc. Còn các “Đề Lô” thì lo điều chỉnh các quả tập cận phòng, lỡ khi địch giữa đêm tấn công bất ngờ, thì pháo đội yểm trợ chỉ dựa vào các hoả tập đó mà tác xạ.
Suốt 7 ngày đi trong rừng rậm, đầy lau sậy cao ngập lút đầu, ít khi thấy được ánh sáng mặt trời, đến nỗi binh nhì Võ Lục phát điên nói tục tỉu bậy bạ :
- Đi cả tuần mà không thấy “L. đ.” của đàn bà.
Ai nấy nghe anh vi von đều cười ngất. Ở đây không có giếng, nên khi đi ngang suối, mọi người đều lo lấy nước đựng đầy bình bi đông và phải dự trữ để buổi chiều khi dừng quân sẽ có nước nấu cơm. Tôi thì lúc nào cũng uống thuốc ngừa sốt rét và nước đun sôi.
Nước ở đây không tốt, có người bảo tại rừng thiêng nước độc, có người bảo tại lính Mỹ giận thua trận nên bỏ vi trùng sốt rét vào nguồn nước. Vì sau khi các tiểu đoàn Dù rút ra ngoài, thì có gần 50% chiến sĩ bị sốt rét rừng, một số người bị chết vì trúng nước quá nặng. Trung sĩ nhứt Cao Ngâm của đại đội chỉ huy đã bị chết vì bịnh nầy. Chàng, Bảo, Lộc, Thành “Râu”..cũng mắc bịnh sốt rét rừng, và bị hậu hoạn sanh biến chứng nhiều năm!
Sau 7 ngày hành quân trong rừng, lương thực dự trữ đã cạn, chúng tôi được lịnh đi ra quận Lệ Thanh để nhận tái tiếp tế. Còn hơn 10 cây số mới tới quận lỵ, nhưng binh sĩ thì đã nhịn đói suốt đêm, nên đi một cách uể oải. Trên đoạn đường dài lê thê, mà đôi vai thì súng đạn ba lô nặng chĩu.
Thỉnh thoảng có anh nổi chứng, đưa súng lên trời, bóp cò bắn loạn xà ngầu. Họ đâu có hiểu tại vì rừng núi chằng chịt làm chậm bước tiến như đã tiên liệu, cho nên việc tiếp tế phải bị trễ nải. Lúc ấy thật là vô kỷ luật, hỗn quan, hỗn quân, không ai dám la rầy binh sĩ hết.
Tôi cũng đang bị đói meo, tinh thần hết sức mệt mỏi. Bỗng anh đệ tử đem đến cho một trái bắp còn nhỏ, trong đó chỉ le que vài hột non xèo. Vậy mà mừng như lượm được vàng, cầm trái bắp từ từ thưởng thức, tôi ăn từ cùi bắp, râu bắp, và luôn cả vỏ bắp, thật là ngọt tuyệt. Các thứ lần lượt trôi vào bao tử, làm giảm bớt cuộc biểu tình của cái dạ dầy, vì nó cứ sôi lình bình, làm suốt đêm không ngủ được! Nếu lúc đó có luôn cây bắp, chắc tôi cũng làm sạch. Đây là lần đầu tiên trong đời bị nếm mùi đói, may mà chỉ có một ngày, một đêm. Tới chiều mọi người đều được tiếp tế đầy đủ.
Ngay tối hôm đó, tôi nhận được công điện về Sàigòn để chuẩn bị đi học Mã Lai. Lúc đang ở phi trường Pleiku chờ phi cơ dân sự về Sàigòn, tôi rất hồi hộp vì tối hôm qua đã phát hiện có rất nhiều người bị bịnh sốt rét rừng. Tôi vừa từ trong đó ra, chẳng biết có sao không nữa? Sợ khi khám sức khỏe, nếu phát hiện có vi trùng sốt rét sẽ bị loại!
Về tới Sàigòn, tôi vội đi khám sức khoẻ, thấy mọi thứ đều tốt, nên rất mừng. Có lẽ tôi nhờ vào nước đã đun sôi và đã uống thuốc ký ninh đều đặn. Tôi yên chí đi chích ngừa, vào ngân khố lãnh Traveler Check, xong mọi thủ tục như giấy thông hành, đo may quân phục dạo phố mùa hè.
Rồi thì cứ tà tà chở bà xã đi đó đây, chờ đến ngày lên đường xuất ngoại. Tội nghiệp các bạn Tiểu đoàn 9 Dù, nhiều người đã bị sốt rét, mà vẫn phải ở lại Vùng II dưỡng bệnh, chỉ có những người nặng mới được đưa về bệnh xá Đỗ Vinh trong trại Hoàng Hoa Thám.
Quân nhân khoẻ mạnh thì vẫn tiếp tục được trực thăng vận, vô rừng Pleime để tìm và tiêu diệt địch. Chờ trên hai tháng mới được về Sàigòn nghỉ quân và tham dự diễn hành ngày Quốc Khánh.
Tân Sơn Hòa chuyển
Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù: Mặt Trận Thung Lũng Iadrang - Trương Dưỡng
Từ Tân Quí về hậu cứ, tiểu đoàn được nghỉ dưỡng quân 3 tuần để chuẩn bị cho cuộc hành quân xa tại Vùng II Chiến Thuật. Cặp vợ chồng son lại được tái ngộ, Chúng tôi rất vui mừng, ngày đêm khắng khít bên nhau như không muốn rời xa nửa bước.
Mỗi đêm tôi chở Nhi ra bến tàu hứng gió, vừa nhìn những tàu chiến khổng lồ vừa ăn phá lấu hoặc mía ghim hấp cũng rất thú vị. Thỉnh thoảng tôi đưa nàng đi ăn bò bía ở Công viên Duy Tân, ăn mì vịt tiềm ở La kai, hoặc vô nhà bà chị họ để được anh Sây nấu mấy món ăn Tàu rất ngon.
Những ngày ở Sàigon, Nhi rất muốn được đến đây chơi với người chị nầy. Nhờ vậy việc nhớ nhà cũng được giảm bớt phần nào .
Nhưng thời gian đoàn tụ thật ngắn ngủi, một tháng trôi qua thật nhanh, tôi lại phải cùng tiểu đoàn ra Pleiku để tham dự cuộc hành quân tại thung lũng Iadrang.
Theo tin tức thì một trung đoàn lính Hoa Kỳ đã bị phục kích và tổn thất nặng tại thung lũng xa xăm, núi rừng chằng chịt trong miền biên cảnh của tỉnh Pleiku nầy (phim We Are The Solders nói về trận nầy).
Iadrang là khu rừng rậm hiểm trở, phía Bắc giáp Đức Cơ, phía Nam là rặng Chu Prong, hướng Đông là QL 14, hướng Tây là biên giới Việt Miên. Quân chánh qui Bắc Việt thường xâm nhập theo đường mòn Hồ chí Minh, rồi dấu quân lập chiến khu tại đây, để chỉ đạo các đội quân phá rối Vùng II Chiến thuật. Vì vậy muốn cho dân chúng trong khu vực nầy được sống yên ổn, Quân đoàn đã xin Bộ Tổng Tham Mưu tăng phái một chiến đoàn Dù để chống cự lại đám quân chủ lực của Cộng Sản miền Bắc tại mặt trận mà đã từng gây nhiều tổn thất cho quân đội bạn. Trung tá Nguyễn Khoa Nam, Chiến đoàn trưởng, chỉ huy trực tiếp cuộc hành quân nầy .
TD9ND được máy bay chở ra phi trường Pleiku, rồi từ đó xe vận tải đưa đến Biển Hồ, để chờ đợi tiếp tế lương thực và kiểm điểm vũ khí, đạn dược. Trong ba ngày, bốn tiểu đoàn đã trang bị hoàn tất, họ báo cáo sẵn sàng đợi lịnh xuất phát. Tại Trung Tâm Hành Quân Chiến đoàn, Trung tá Nguyễn Khoa Nam họp ban tham mưu thảo kế hoạch tiến quân. Ông đã khoanh tròn định rõ các mục tiêu, và phân chia ranh giới khu vực hành quân trong thung lũng Iadrang cho từng tiểu đoàn.
Chúng tôi đổ bộ bằng trực thăng vận xuống một bãi trống trong vùng hành quân. Tiểu đoàn chia quân hai cánh, Đại uý Trương Vĩnh Phước chỉ huy hai Đại đội 91 và 92 tấn công mục tiêu bên cánh trái. Tiểu đoàn trưởng đích thân chỉ huy cánh bên phải.
Đại đội 94 đi đầu, tiếp theo là Đại đội 90, bọc hậu có Đại đội 93, tiến chiếm mục tiêu đã chỉ định.
Thiếu tá Huệ ra lệnh Đại đội 94 phải dàn mỏng và đi theo đội hình chân vạc từ từ tiến vào mục tiêu là thung lũng rậm rạp trước mặt, để nếu chạm địch thì Đại uý Phước từ trên sườn núi sẽ đổ quân đánh bọc xuống.
Cánh Thiếu tá Huệ đi khoảng một cây số thì gặp vài tổ kháng cự nhỏ, ĐĐT/ ĐĐ 94 cho lệnh dàn hàng ngang bố trí tại chỗ. Ông điều chỉnh pháo binh bắn vào các ổ địch. Sau khi pháo binh ngưng tác xạ, Trung đội trưởng Trung đội 1 cho binh sĩ đồng loạt bắn xả vào. Rồi 3 khinh binh chạy theo đội hình chân vạc, người nầy bắn yểm trợ cho người kia, chiếm từng gốc cây, và vào tới bờ rừng làm đầu cầu cho cả trung đội tiến vô. Sau đó, Trung đội 1 lại bắn yểm trợ cho Trung đội 2 xung phong chiếm ổ chốt địch kế tiếp. Những chốt nhỏ nầy lần lượt bị tiêu diệt dễ dàng bởi tài điều khiển linh động của các trung đội thiện chiến Dù.
Trong khi đó, bên Đại uý Phước gặp sự kháng cự mạnh mẽ, có lẽ là đài quan sát hay tiền đồn, địch dựa lợi thế từ trên cao, đã bắn một cách dữ dội vào cánh quân trên sườn đồi. Thấy đơn vị mình đang ở trong vị thế hơi bất lợi, Đại úy Phước ra lệnh dàn quân phân tán mỏng, rồi điều chỉnh pháo binh bắn vào ổ địch. Sau khi đạn pháo chấm dứt, ông nói Cố vấn Mỹ xin khu trục và gunship yểm trợ.
Một chập sau thì ba phi tuần gunship được điều động tới nã các đại liên và phi đạn phóng lựu vào mục tiêu. Tiếp theo, 3 chiếc khu trục bay tới bồi thêm những loạt bom nổ và bom napal, khiến địch không thể bắn vào toán quân của Đại uý Phước nữa .
Trong khi đó Đại uý Phước đã cho một đại đội lén bọc lên đỉnh cao, chờ khi chấm dứt phi pháo thì nhào xuống tấn công vào ổ chốt địch. Trung úy Trang, Đại đội trưởng 91 cho đơn vị dàn sẵn, khi khu trục vừa ngưng oanh tạc, anh lập tức ra lệnh tấn công. Toàn bộ đại đội vừa bắn vừa hô xung phong tiến nhanh vào ổ chốt địch. Khi chiếm được mục tiêu, có vài binh sĩ bị thương vì sự chống trả yếu ớt tự vệ của những cán binh ngoan cố đã bị thương kẹt lại, còn phần đông thì đã trốn vì không chịu nổi phi pháo, đã nổ tới tấp vào vị trí của họ.
Sau khi thu dọn chiến trường, đại đội tịch thu được một thượng liên, nhiều súng cá nhân, và bắt sống được 3 tù binh. Tiểu đoàn tiếp tục lên đường tấn chiếm các mục tiêu kế tiếp.
Ngày hôm sau, các tiểu đoàn bạn chạm địch mạnh, chúng tôi được lệnh dừng quân tại chỗ, sẵn sàng tiếp ứng. Đến chiều thì tiếng súng đã ngưng, có lẽ địch thấy các đơn vị Dù quá kiên cường, không thể làm cho chúng tôi bị sa lầy như đơn vị Đồng Minh, nên họ rút êm ra khỏi thung lũng. Vì thế suốt một tuần lễ cả chiến đoàn đều không còn chạm địch.
Mặc dù ngày nào cũng lội trong khu vực rừng rậm âm u, lau sậy cao ngập đầu. Mỗi sáng phải ăn uống nấu nướng xong trước 7 giờ để chuẩn bị sẵn sàng đợi lịnh xuất phát. Các khinh binh dùng dao rừng, dẹp đường cho đơn vị phía sau có lối đi. Việc phá rừng vượt núi nhiều lúc rất gian nan, nhất là mỗi khi gặp rừng lao sậy, ô rô, hay dương xỉ, những khinh binh dẫn đầu đoàn quân phải chịu vất vả vô cùng! Nếu không chạm địch, thì cứ tiếp tục dùng bản đồ, địa bàn, xác định mục tiêu rồi đi mãi cho tới 6 giờ chiều mới dừng quân. Rồi kẻ thì lo kiếm nước nấu cơm, người thì lo đào hầm hố, căng mìn bẫy, đặt lính gác giặc. Còn các “Đề Lô” thì lo điều chỉnh các quả tập cận phòng, lỡ khi địch giữa đêm tấn công bất ngờ, thì pháo đội yểm trợ chỉ dựa vào các hoả tập đó mà tác xạ.
Suốt 7 ngày đi trong rừng rậm, đầy lau sậy cao ngập lút đầu, ít khi thấy được ánh sáng mặt trời, đến nỗi binh nhì Võ Lục phát điên nói tục tỉu bậy bạ :
- Đi cả tuần mà không thấy “L. đ.” của đàn bà.
Ai nấy nghe anh vi von đều cười ngất. Ở đây không có giếng, nên khi đi ngang suối, mọi người đều lo lấy nước đựng đầy bình bi đông và phải dự trữ để buổi chiều khi dừng quân sẽ có nước nấu cơm. Tôi thì lúc nào cũng uống thuốc ngừa sốt rét và nước đun sôi.
Nước ở đây không tốt, có người bảo tại rừng thiêng nước độc, có người bảo tại lính Mỹ giận thua trận nên bỏ vi trùng sốt rét vào nguồn nước. Vì sau khi các tiểu đoàn Dù rút ra ngoài, thì có gần 50% chiến sĩ bị sốt rét rừng, một số người bị chết vì trúng nước quá nặng. Trung sĩ nhứt Cao Ngâm của đại đội chỉ huy đã bị chết vì bịnh nầy. Chàng, Bảo, Lộc, Thành “Râu”..cũng mắc bịnh sốt rét rừng, và bị hậu hoạn sanh biến chứng nhiều năm!
Sau 7 ngày hành quân trong rừng, lương thực dự trữ đã cạn, chúng tôi được lịnh đi ra quận Lệ Thanh để nhận tái tiếp tế. Còn hơn 10 cây số mới tới quận lỵ, nhưng binh sĩ thì đã nhịn đói suốt đêm, nên đi một cách uể oải. Trên đoạn đường dài lê thê, mà đôi vai thì súng đạn ba lô nặng chĩu.
Thỉnh thoảng có anh nổi chứng, đưa súng lên trời, bóp cò bắn loạn xà ngầu. Họ đâu có hiểu tại vì rừng núi chằng chịt làm chậm bước tiến như đã tiên liệu, cho nên việc tiếp tế phải bị trễ nải. Lúc ấy thật là vô kỷ luật, hỗn quan, hỗn quân, không ai dám la rầy binh sĩ hết.
Tôi cũng đang bị đói meo, tinh thần hết sức mệt mỏi. Bỗng anh đệ tử đem đến cho một trái bắp còn nhỏ, trong đó chỉ le que vài hột non xèo. Vậy mà mừng như lượm được vàng, cầm trái bắp từ từ thưởng thức, tôi ăn từ cùi bắp, râu bắp, và luôn cả vỏ bắp, thật là ngọt tuyệt. Các thứ lần lượt trôi vào bao tử, làm giảm bớt cuộc biểu tình của cái dạ dầy, vì nó cứ sôi lình bình, làm suốt đêm không ngủ được! Nếu lúc đó có luôn cây bắp, chắc tôi cũng làm sạch. Đây là lần đầu tiên trong đời bị nếm mùi đói, may mà chỉ có một ngày, một đêm. Tới chiều mọi người đều được tiếp tế đầy đủ.
Ngay tối hôm đó, tôi nhận được công điện về Sàigòn để chuẩn bị đi học Mã Lai. Lúc đang ở phi trường Pleiku chờ phi cơ dân sự về Sàigòn, tôi rất hồi hộp vì tối hôm qua đã phát hiện có rất nhiều người bị bịnh sốt rét rừng. Tôi vừa từ trong đó ra, chẳng biết có sao không nữa? Sợ khi khám sức khỏe, nếu phát hiện có vi trùng sốt rét sẽ bị loại!
Về tới Sàigòn, tôi vội đi khám sức khoẻ, thấy mọi thứ đều tốt, nên rất mừng. Có lẽ tôi nhờ vào nước đã đun sôi và đã uống thuốc ký ninh đều đặn. Tôi yên chí đi chích ngừa, vào ngân khố lãnh Traveler Check, xong mọi thủ tục như giấy thông hành, đo may quân phục dạo phố mùa hè.
Rồi thì cứ tà tà chở bà xã đi đó đây, chờ đến ngày lên đường xuất ngoại. Tội nghiệp các bạn Tiểu đoàn 9 Dù, nhiều người đã bị sốt rét, mà vẫn phải ở lại Vùng II dưỡng bệnh, chỉ có những người nặng mới được đưa về bệnh xá Đỗ Vinh trong trại Hoàng Hoa Thám.
Quân nhân khoẻ mạnh thì vẫn tiếp tục được trực thăng vận, vô rừng Pleime để tìm và tiêu diệt địch. Chờ trên hai tháng mới được về Sàigòn nghỉ quân và tham dự diễn hành ngày Quốc Khánh.
Tân Sơn Hòa chuyển