Dù kết cục ra sao, nhiều dấu hiệu cho phép giới phân tích suy đoán phong trào tranh đấu vì quyền tự trị vẫn tiếp diễn.
Áp lực của Mỹ
Vào lúc công luận lo ngại đại học Bách Khoa Hồng Kông sẽ là Thiên An Môn thứ hai, phong trào tranh đấu đòi Bắc Kinh tôn trọng công thức « một quốc gia hai chế độ » có lý do lên tinh thần.
Trước hết, về phản ứng quốc tế : Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bắc Kinh tìm một giải pháp ôn hoà. Còn tại Hoa Kỳ, được xem là điểm tựa tinh thần của phong trào dân chủ nói chung và sinh viên nói riêng, Thượng Viện Mỹ thông qua « Nghị quyết ủng hộ Nhân quyền và Dân chủ » tại Hồng Kông với những biện pháp trói buộc mà Bắc Kinh , trong phản ứng giận dữ, lên án Washington « yểm trợ cho các phần tử cực đoan chống Trung Quốc, gieo rắc bất ổn ».
Nếu Bắc kinh làm mạnh, áp bức nhân quyền và các quyền tự do tại Hồng Kông thì đặc khu này, con gà đẻ trứng vàng, ngõ giao lưu tài chính của Hoa lục sẽ mất quy chế ưu đãi. Tuyên bố của thượng nghị sĩ Marco Rubio rất rõ ràng : Mỹ sẽ ở bên các bạn Hồng Kông, sẽ không ngồi yên để Bắc Kinh phá hoại quy chế tự trị.
Một nhân vật đáng tin cậy nhập cuộc
Nội bộ Hồng Kông cũng không thiếu những tín hiệu hòa dịu từ phe thân Trung Quốc. Từ đầu tuần, Tăng Ngọc Thành (Tsang Yuk Shing) lãnh đạo đảng DAB (Liên minh Dân chủ Tiến bộ), cánh tay nối dài của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã trực tiếp đứng ra làm trung gian hòa giải. Ông vào đại học Bách Khoa tiếp xúc với ban lãnh đạo, cam kết với người biểu tình là người lớn không bị đánh đập, trẻ vị thành niên được tự do ra về. Tăng Ngọc Thành được xem là « cố vấn » đáng tin cậy của Bắc Kinh, từng là chủ tịch Nghị viện Hồng Kông từ 2008 đến 2016 trong tư thế rất trung lập, không thiên vị.
Giới phóng viên Hồng Kông nghi ngờ « nhiệm vụ » của sứ giả Tăng Ngọc Thành khi vào đại học Bách Khoa là để cứu cháu gái của cựu thủ tướng Chu Dung Cơ.
Thế nhưng, theo hãng tin Asia Times, trong bối cảnh tình hình bế tắc vì thái độ cứng rắn của hai phe, sự kiện Tăng Ngọc Thành đứng ra làm trung gian hòa giải chắc chắn là có sự đồng ý của Bắc Kinh, và đây là tín hiệu tốt. Ít ra là tránh được một vụ Thiên An Môn thứ hai.
Vấn đề là tình hình sẽ ra sao ?
Nhìn từ Tây phương, khi được RFI đặt câu hỏi, chuyên gia Eric Florence, đại học Liège, vương quốc Bỉ cho rằng « với sự ủng hộ nhiệt tình của dân chúng địa phương, phong trào tranh đấu sẽ tiếp tục », nhưng chưa rõ theo hình thức nào.
Trong số năm yêu sách, chính quyền Hồng Kông mới thỏa mãn đòi hỏi thứ nhất là bỏ luật dẫn độ, điểm phát khởi của phong trào.
Từ Hồng Kông, nhà chính trị học Phương Chí Hằng (Brian Fong) nhìn sâu hơn. Ông xem phong trào phản kháng hiện nay là « cuộc cách mạng nước », uyển chuyển, tùy nghi ứng biến. (Le Monde 15/11/2019). Ngày nào mà nghị viện và chính phủ chưa được bầu một cách tự do thì luật dẫn độ hay bất cứ một mưu toan nào khác nhằm phá hỏng công thức « một quốc gia hai chế độ » cũng có thể được Bắc Kinh tiến hành.
Dân Hồng Kông một lòng, phe thân Bắc Kinh chia rẽ
Điều lý thú, vẫn theo nhà chính trị học Phương Chí Hằng, là lực lượng của phe « đỏ » không mạnh và không thống nhất. Phe « tả khuynh » trung thành với Bắc Kinh, trong đó có thành viên đảng DAB, tuy kiểm soát nghị viện, trên thực tế chỉ là thiểu số. Phần gọi là « thân Bắc Kinh » thì họ là đại diện của giới doanh nghiệp, công chức… và chống luật dẫn độ. Trong phe này có đảng Tự Do, còn đòi thành lập cơ quan điều tra độc lập chống cảnh sát bạo hành. Phe này luôn giữ lập trường cách biệt với phe chính phủ.
Nói cụ thể là không người nào dám ủng hộ đường lối bạo lực của Bắc Kinh vì sợ mất uy tín với dân Hồng Kông và với các đối tác thương mại.
Vậy thì tại sao chính quyền đặc khu lại có quyết định sai lầm gây ra làn sóng phản đối ? Theo Phương Chí Hằng, đó là do « Trung Quốc tự tin quá trớn ». Chế độ Tập Cận Bình tưởng đâu có đủ khả năng kiểm sóat tình thế, nên đẩy con chốt đi quá xa, ở Hồng Kông cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Các nhân tố « đồng minh khách quan » này là cơ may cho phong trào dân chủ Hồng Kông.