Tổng thống Barack Obama đã tái đắc cử và đảng Dân Chủ chiếm thêm nghế trong Quốc hội dù kinh tế chưa khởi sắc, thất nghiệp còn cao và lợi tức trung bình
Chuyện hướng nội và hướng ngoại của Hoa Kỳ
* Trước là đẹp mặt... *
Tổng thống Barack Obama đã tái đắc cử và đảng Dân Chủ chiếm thêm nghế trong Quốc hội dù kinh tế chưa khởi sắc, thất nghiệp còn cao và lợi tức trung bình của người dân bị sụt trong nhiệm kỳ đầu của ông. Người ta đã luận bàn về các nguyên nhân của nghịch lý này. Do tài năng của đảng Dân Chủ hay khiếm khuyết của đảng Cộng Hoà? Vì sự chuyển dịch dân số và đổi thay văn hoá khiến thiểu số da màu và các đề tài xã hội như thuốc ngừa thai hay quyền hôn nhân đồng tính đã có ảnh hưởng hơn xưa? Câu trả lời thật ra chỉ có ích cho cuộc tranh cử tới. Riêng người viết vẫn trở lại truyền thống tự bắn vào chân rồi tự vả vào miệng của phe Cộng Hoà, được trình bày từ đầu năm nay qua bài "Bầy voi Donner và cuộc hành trình bi hài của đảng Cộng Hòa..." (số ra ngày 30 Tháng Giêng).
Hãy để bầy voi dày xéo nhau mà ngó về tương lai.
Hoa Kỳ xoay về chốn cũ với hệ thống chính trị hai đầu. Đảng Dân Chủ kiểm soát Hành pháp và Thượng viện, đảng Cộng Hoà giữ đa số tại Hạ viện và chiếm 30 ghế Thống đốc của 50 tiểu bang. Tình trạng lưỡng cực ấy tiếp tục cuộc tranh luận về ngân sách và nội trị, với biệt tài của Obama và đảng Dân Chủ là dấy lên tinh thần tranh cử trong quần chúng. Và như mọi khi, đảng Cộng Hoà sẽ lại mắc bẫy nữa. Chuyện hai phe giằng co bên bờ vực ngân sách là hài kịch thời sự.
Nhưng trong bốn năm tới, Tổng thống Barack Obama sẽ dẫn nước Mỹ về đâu?
***
Theo truyền thống, Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ hai đã thoát khỏi bài toán chính trị của nhiệm kỳ đầu là phải tái tranh cử. Ông có thể nghĩ đến sự nghiệp lịch sử của mình cho hậu thế.
Hiến pháp Hoa Kỳ có một ưu điểm của nền cộng hòa là không cho Tổng thống quá nhiều quyền lực vì phải thỏa hiệp với lưỡng viện Quốc hội, Tối cao Pháp viện, Ngân hàng Trung ương và các Thống đốc tiểu bang, trước sự phán xét của thị trường. Riêng trong trường hợp hiện nay thì đó là sự phán xét của các chủ nợ, giới đầu tư toàn cầu trên thị trường trái phiếu. Họ đang làm chủ một khoản nợ cao bằng Tổng sản lượng nội địa của Hoa Kỳ.
Khi rơi vào ách tắc vì phải chia quyền với các cơ chế khác trong hồ sơ nội chính như kinh tế hay xã hội, các Tổng thống thường nhìn ra ngoài. Lãnh vực đối ngoại là nơi mà Hiến pháp cho họ nhiều quyền hạn hơn. Barack Obama là một ngoại lệ.
Ngay từ nhiệm kỳ đầu, ông đã muốn cải tạo xã hội. Bất chấp khó khăn kinh tế - của vụ suy trầm cuối năm 2007 và nạn vay mượn quá nhiều từ quá lâu nên đến hồi phải trả nợ trong một vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 và nạn Tổng suy trầm 2008-2009 - ông thúc đẩy các đạo luật cải tạo xã hội, như bảo vệ môi trường xanh hay cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế, và lồng trong kế hoạch tăng chi ngân sách tới mức kỷ lục nhiều mục chi có chủ đích xã hội. Phản ứng của cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào Tháng 11 năm 2010 giúp đảng Cộng Hoà chiếm lại Hạ viện. Nhưng biến cố mà chính Obama khi đó gọi là "tan tành", shellacking, chỉ mở ra hai năm bế tắc và dẫn tới ngày nay.
Việc đảng Dân Chủ không thua đậm mà lại thắng tại Quốc hội và Tống thống Obama tái đắc cử càng khiến ông vững tâm hoàn tất cuộc cách mạng để làm thay đổi nước Mỹ, tương tự như Lincoln, Roosevelt hay Reagan. Đây là sự cám dỗ lớn cho một người muốn có sự nghiệp lịch sử. Mà nếu Obama có nghĩ như vậy thì không sai vì đa số cử tri tín nhiệm ông hơn là ứng cử viên Cộng Hoà về hồ sơ đối ngoại: Hoa Kỳ đã triệt thoái khỏi Iraq và sẽ ra khỏi Afghanistan sau 10 năm chinh chiến đầy hao tốn. Và nhất là khéo tránh cho nước Mỹ nhiều mìn bẫy của thế giới.
Thay vì "xây dựng quốc gia" cho xứ khác, Obama sẽ xây dựng lại xã hội Hoa Kỳ.
***
Nhưng từ bên ngoài, thế giới không để Hoa Kỳ thử nghiệm việc xoá và xây theo kiểu Obama.
Cuộc cách mạng dân chủ trong khối Á Rập Hồi giáo – "Mùa Xuân Á Rập" – có thể đã bị cưỡng đoạt và khu vực từ Bắc Phi qua Trung Đông đến Trung Á sẽ thành một chuỗi dài khủng hoảng. Từ Dải Gaza, Israel đến Syria, Egypt, Iran và cả Pakistan, nhiều sự biến sẽ bất ngờ đánh thức Obama "vào ba giờ sáng", theo lối ví von của Ngoại trưởng Hillary Clinton khi bà còn là Nghị sĩ tranh cử với Obama trong vòng sơ bộ của đảng Dân Chủ năm 2008.
Các quốc gia đang phát triển, đồng minh hay đối tác kinh tế của Hoa Kỳ, cũng chẳng thoải mái với khuynh hướng bảo hộ mậu dịch nay đang thắng thế tại Mỹ. Giữa các khó khăn kinh tế toàn cầu, xứ nào cũng đều tận dụng đòn bẩy xuất cảng mà không thể xuất cảng hàng hóa lên Nguyệt cầu hay Hỏa tinh. Vì phải bán hàng để thoát hiểm, các nước sẽ không để Hoa Kỳ tự biên tự diễn luật chơi kinh tế và chiếm lại ưu thế về ngoại thương.
Sự cưỡng chống đó thể hiện rõ rệt nhất tại Đông Á, nơi mà thế lực đang lên là Trung Quốc đã thành bạn hàng số một của các nước. Hoa Kỳ vừa mất ưu thế truyền thống là thị trường của thế giới lại gặp sức ép rất mạnh từ Trung Quốc. Mà sức ép này không chỉ thể hiện qua các cuộc đàm phán song phương về ngoại thương với Nhật Bản, Nam Hàn, khối ASEAN hay qua Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái bình dương TPP, là nơi mà Hoa Kỳ gặp thế yếu hoặc không muốn xây dựng thế mạnh vì những ưu tiên khác của Obama.
Sức ép của Trung Quốc được mở ra hướng quân sự và an ninh và đẩy các nước Đông Á vào thế phải chọn lựa.
Chính quyền Barack Obama nói đến việc "chuyển trục về châu Á" sau khi tưởng là sẽ rút chân khỏi cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo. Nhưng từ nói đến làm không chỉ là khoảng cách về thời gian mà còn là sự khác biệt giữa thế và lực. Sau khi trù tính đưa thêm Thủy quân Lục chiến vào Darwin của Úc, tăng phái phương tiện cho Nhật Bản tại căn cứ Okinawa và mở rộng phạm vi trách nhiệm của căn cứ Guam ngoài biển Thái bình, Hoa Kỳ xoay vào trong để cãi cọ về ngân sách quốc phòng và về nhu cầu chiến hạm.
Sự khác biệt giữa thế và lực nằm ở vài con số có tính chất giải ảo: Hoa Kỳ có sản lượng kinh tế bằng 23% của thế giới. Sức mạnh kinh tế ấy bị soi mòn vì gánh nợ quá lớn - và còn gia tăng đột ngột trong nhiệm kỳ đầu của Obama - và lại phải cáng đáng một ngân sách quốc phòng cao bằng 45% của toàn cầu. Lực bất tòng tâm!
Muốn dồn 60% phương tiện Hải quân qua châu Á vì nhu cầu "chuyển trục", Hoa Kỳ chỉ còn 40% cho các khu vực còn lại, kể cả Trung Đông, Địa Trung Hải và địa bàn phòng thủ của Minh ước NATO. Trong khối NATO, các nước Âu Châu đều khéo lấy sức Mỹ là chính, để giữ vai ngự sử về đối sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Tuần qua, lá phiếu của họ trong vụ Liên hiệp quốc công nhận Chính quyền Quốc gia Palestine - ngược với yêu cầu của Mỹ - là một nhắc nhở về tình nghĩa đồng minh! Với Âu Châu đó, làm sao nói chuyện phải quấy với Trung Quốc hay Liên bang Nga?
Mà Âu Châu thì chưa ra khỏi khủng hoảng với hậu quả sẽ dội ngược vào kinh tế Hoa Kỳ, nằm dưới vực thẳm ngân sách hay chưa....
Tổng thống Obama chuẩn bị cải tạo nước Mỹ và không muốn lý vào thiên hạ sự theo kiểu hung hăng của George W. Bush. Nhưng ông sẽ bị bất ngờ và có khi lại lấy quyết định bất lường như nhiều người tiền nhiệm, từ Truman đến Kennedy, Johnson, hay cả W. Bush.
Kịch bản lạnh mình.
Nguyễn Xuân Nghĩa
http://dainamaxtribune.blogspot.com/2012/12/khi-vao-hung-hang.html