Đâu đó trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc và Việt Nam vẫn có thông tin về một số hàng hóa Trung Quốc chứa các chất độc hại khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại. Gần đây, nhiều người dân lại phát hiện hàng Trung Quốc đi bằng các đường khác nhau còn bị “nhiễm độc” tư tưởng bá quyền Trung Quốc. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, người luôn đề cao vai trò phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền. Ảnh Internet. |
Chắc không chỉ có tôi mà mọi người Việt Nam và người dân các nước khác khi có điều kiện giao tiếp với họ đều có chung ý kiến là "buồn cười thế nhỉ". Buồn cười vì một nước lớn lại đi làm việc bé tý teo thế à, lấy dao mổ trâu để cắt tiết gà à. Buồn cười vì chuyện này có làm thế đi nữa thì cũng chẳng ai tin và thừa nhận gì ở những hành vi lủn mủn ấy cả. Buồn cười vì nếu không có chỉ đạo từ quốc gia thì dân chúng Trung Quốc tự làm thế để làm gì, để rồi đi đâu người ta cũng phải cảnh giác họ bằng con mắt thiếu thiện cảm. Buồn cười vì làm như vậy có vẻ như "có tật giật mình", không đàng hoàng, như thiếu cái gì đó cứ phải nghĩ cách che chắn.
Cách tốt nhất là soi mình vào UNCLOS 1982 và cân nhắc các thực tiễn quốc tế để cùng với các láng giềng thân hữu tìm cách xử lý hòa bình vấn đề, để các dân tộc hướng tới tương lai tốt đẹp hơn vì lợi ích chung, lợi ích của mỗi dân tộc, góp phần vào hòa bình, ổn định khu vực và toàn cầu.
Ông lý giải như thế nào về hiện tượng Vietinbank mua quả cầu tặng khách hàng có chú thích sai, đèn lồng có chữ "Tam Sa", ngay ấn phẩm in chữ dạy cho người Việt có cắm cờ Trung Quốc trên Trường học...
Ngày trước các cụ lớn tuổi biết tiếng Trung Quốc, nhưng sau này ít người để ý, mà ban đầu ai nghĩ một cường quốc lại có chuyện nhỏ nhen thế. Mình vô tình, họ hữu ý thì cũng dễ mắc bẫy họ giăng, nhưng sau đó tăng cường cảnh giác, để ý một chút, biết rồi cũng dễ tránh. Mọi người đều phải có ý thức cảnh giác và Nhà nước cũng phải tăng cường kiểm soát các nguồn hàng để tránh các "nhân tai" kiểu như vậy. Vì tình hữu nghị và lợi ích lâu dài ta nghiêm túc duy trì phát triển kinh tế tiểu ngạch, kinh tế cửa khẩu, nhưng khi cần vẫn nên xem lại hiệu quả toàn diện của vấn đề này để có cách ứng sử thực tế hơn. Khi đưa lên bàn cân mà thấy lợi ít, hại nhiều thì ai cũng dễ chấp nhận cách tốt nhất là hạn chế, thậm chí phải từ bỏ nó!
Quả cầu Vietinbank tặng khách hàng đã "nhiễm độc" tư tưởng bá quyền của Trung Quốc. Ảnh Hồ Khắc Hùng |
Trước đây, hiện tượng "lồng ghép" tư tưởng độc chiếm Biển Đông trong hàng tiêu dùng có xảy ra không?
Trước đây làm gì có những chuyện vụn vặt khó chịu như vậy đâu. Tôi nghĩ tham vọng độc chiếm Biển Đông có từ lâu rồi, và họ cố gắng dấu giếm ý đồ dù thiên hạ biết cả. Sau khi "giấu mình, chờ thời" để chuẩn bị sức mạnh thì ý đồ và tham vọng này ngày càng lộ rõ, khó giấu diếm và hiện nay chuyển sang giai đoạn thách thức công khai các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới. Thông qua hàng loạt việc làm phi lý, không cần thiết, Trung Quốc muốn chứng minh không chỉ bằng tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò phi lý trên Biển Đông mà còn tìm mọi cách, thậm chí mọi thủ đoạn để khẳng định năng lực kiểm soát thực tế không gian của đường lưỡi bò phi lý này.
Biển Đông là khu vực chứa đựng lợi ích đa phương, không chỉ là mối quan tâm của các quốc gia trong khu vực mà còn cả của các quốc gia ngoài khu vực. Độc chiếm Biển Đông đi ngược lại thực tế khu vực nói trên và đụng đến lợi ích các bên, không phải là lợi ích song phương, lại càng không phản ánh lợi ích đa phương. Cố tình theo đuổi ý đồ như trên sẽ chỉ làm hoen ố hình ảnh của một nước lớn trong một thế giới hiện đại - một thế giới vẫn lấy văn minh, văn hóa làm thước đo mọi giá trị.
Đa phần những hiện tượng này đều do người dân phát hiện ra và cung cấp cho cơ quan báo chí và cơ quan quản lý. Ông có đồng ý quan điểm, ý thức của người dân về bảo vệ chủ quyền đã tăng lên nhiều?
Thông qua người dân để làm cho họ mất cảnh giác, để dễ len lỏi vào cơ sở, hy vọng làm lung lay ý chí biển cả của các cộng đồng người Việt chúng ta. Như tôi đã nói ở trên, họ làm như vậy chỉ lừa được một lần đối với một số người dân mất cảnh giác, vụ lợi trước mắt. Nhưng những gì xẩy ra trên biển và trên bộ gần đây đã khiến người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi thủ đoạn tinh vi như vậy. Ý thức của người dân về bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã tăng lên nhiều và ngày càng được nâng cao về nhận thức, là tai mắt của đất nước, cần phải dựa vào dân trong mọi trường hợp. Đó chính là ý thức và sức mạnh của người dân Việt Nam ta.
Cửa hàng "No China Shop"- một kiểu phản đối hàng tiêu dùng "nhiễm độc" tư tưởng bá quyền Trung Quốc. Ảnh Lao động |
Đứng ở góc độ nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà quản lý, nhà khoa học biển, theo ông, chúng ta phải làm gì để gìn giữ Hoàng Sa, Trường Sa ngay cả trong kinh tế tiêu dùng?
Tiếp tục nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cho toàn dân, toàn quân và toàn xã hội, những người Việt Nam ở nước ngoài về chủ quyền thiêng liêng và toàn vẹn đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Giới thiệu và thông tin kịp thời cho người dân kể cả người dân sống trên huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa về các biểu hiện hàng hóa không lành mạnh về chính trị để có khả năng nhận dạng và phát hiện kịp thời những biểu hiện sai trái nói trên. Cần tiếp tục phát động và duy trì thói quen dùng hàng tiêu dùng Việt Nam. Tăng cường kiểm soát nguồn hàng ngay từ cửa khẩu, trên biển và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh với thông tin từ nhà chức trách của Chính phủ Việt Nam. Nên thông báo chính thức các thông tin từ đất liền cho người dân và các cơ quan quản lý hai huyện đảo biết về thủ đoạn đầu độc người dân từ các hiện tượng nêu trên. Làm như vậy cùng với các giải pháp khác sẽ góp phần bảo vệ và giữ gìn Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!