Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), với giá lợn hơi trên thị trường trong 6 tháng trở lại đây trung bình là 25.000 đ/kg trong khi giá sản xuất trung bình là 33.000- 39.000 đồng/kg. Do vậy, người chăn nuôi bị thiệt hại khoảng 1- 1,6 triệu đồng/con. Với số lượng khoảng 1,5 triệu con lợn thịt (bán ra từ tháng 10/2016 đến nay), các hộ chăn nuôi trên toàn Thành phố Hà Nội ước tính thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội ngày 27/4, ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, giá lợn xuống thấp quá nhiều khiến các trang trại thay vì đưa lợn ra lò mổ để giết thịt đã tự giết mổ ngay tại trang trại để giảm chi phí.
Người dân thay vì ra chợ đã mua lợn hơi về giết mổ tại nhà vì giá quá rẻ. Ảnh: Thúy Ngà
“Người nuôi giờ không quan tâm đến lợn nữa, lợn con chạy lung tung ra ngoài đường cũng mặc kệ, ai lấy thì lấy. Hôm qua tôi đi thăm các trạng trại nuôi lợn, nhiều trang trại nuôi đã phải cắm hết sổ đỏ để duy trì nuôi lợn mà lợn vẫn chưa bán được, tình hình đang rất khó khăn cho người nuôi”, ông Tường nói.
Đáng nói, tại nhiều nơi, giá thịt lợn còn rớt thê thảm. “Sáng nay tôi đi khảo sát một loạt chợ tại Hà Nội và giật mình, một số trang trại bán lợn với giá 10.000 đồng/kg. Với giá này, thịt lợn của chúng ta còn rẻ hơn giá lợn thải loại của thế giới”, ông Tường cho hay.
Tại hội nghị, ông nguyễn Hưng Thỉnh, chủ trại nuôi lợn xã Thọ Lộc, Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, hiện nay bà con đã chán nuôi lợn, không có tiền mua thức ăn cho lợn, lợn con chạy đầy đường.
Còn ông Nguyễn Văn Lưu, chủ trang trại chăn nuôi lợn huyện Gia Lâm (Hà Nội) chua xót:“Giá lợn giống còn 200.000 đồng/con thì ai thiết tha bỏ tiền mua vắc xin tiêm cho lợn nữa. Lợn bán bây giờ không ai mua, cho cũng không ai lấy, giờ người dân chỉ có nước đập chết lợn để chôn. Giá lợn giờ không ai bàn, chỉ cần có người mua là các hộ dân bán hết, không cần biết giá nào”.
Các hộ chăn nuôi trên toàn Thành phố Hà Nội ước tính thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.
Ông Đinh Xuân Thủy, chủ hộ nuôi lợn xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cũng cho hay:“Từ tháng 1 đến nay gần như các trại đóng băng không bán được con. Các hố chôn lợn giờ nhiều như nghĩa trang vì lợn con không nuôi được, cũng không bán được”.
Dự báo, thời gian rớt giá còn kéo dài chưa có dấu hiệu hồi phục. Nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới khi người tiêu dùng chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác như: tôm, cá,… thì sức tiêu thụ thịt lợn lại càng thấp.
Còn về sản xuất, do đàn lợn nái tại Hà Nội chưa giảm lên đàn lợn thương phẩm vẫn tăng trưởng về số lượng, sản lượng thịt lợn hơi sản xuất tại Hà Nội vượt cầu từ 200 - 250 tấn/ngày.
Theo Trung tâm phát triển chăn nuôiHà Nội,nguyên nhân giá lợn xuống thấp là do chăn nuôi tự phát không theo kế hoạch, cung dư thừa quá lớn trong thời gian ngắn.
Giai đoạn 2015-2016, giá lợn hơi trong nước tăng mạnh do nhu cầu xuất sang Trung Quốc tăng đã khiến nhiều người dân đổ xô tăng đàn, nhất là ở các tỉnh Đồng Nai, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định… Tổng đàn lợn của cả nước trong những tháng đầu năm 2017 đã lên đến gần 30 triệu con. Riêng tại Hà Nội, năm 2014 đàn lợn là 1,4 triệu con thì cuối năm 2016 đã tăng lên 1,8 triệu con (tăng 28,6 %). Nguồn cung đã dư thừa khoảng 250 tấn thịt lợn hơi/ngày chưa tính các nguồn thịt lợn từ các tỉnh lân cận (Hưng Yên, Vĩnh Phúc,...) tiêu thụ tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, khâu chế biến trong nước còn rất yếu, chủ yếu bán thịt nóng, chưa có nhiều nhà máy chế biến sâu các sản phẩm thịt lợn; Khâu tổ chức thị trường kém. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, xuất khẩu không đáng kể (chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Campuchia qua đường tiểu ngạch); việc chăn nuôi diễn ra nhỏ lẻ trong dân nhiều.
Để ổn định tình hình, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cho rằng, trước mắt cấc hộ nuôi cần giảm nhanh đàn lợn nái, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn cần loại ngay lợn nái kém chất lượng, năng suất sinh sản thấp. Hà Nội cần giảm đàn lợn nái xuống còn 180.000-200.000 con. Các doanh nghiệp giết mổ, chế biến cần hợp tác với trại chăn nuôi để thực hiện hợp đồng giết mổ, chế biến cấp đông sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thức ăn từ lợn, tăng sức tiêu thụ của thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng từ sử dụng thịt "nóng" giết mổ không đảm bảo ATTP, không đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc sang sử dụng các sản phẩm được giết mổ đảm bảo an toàn, được cấp mát, cấp đông đúng quy trình, sản phẩm có nhãn mác, truy suất được nguồn gốc...
Diệu Thùy