Từ thời Pháp thuộc, phụ nữ VN lấy Pháp được gọi là lấy Tây, thời chiến tranh, lấy Mỹ vẫn được gọi chung là lấy Tây (Tây phương, Âu Mỹ). Và cho đến bây giờ, phụ nữ VN miễn lấy người ngoại quốc cho dù người Trung Đông hay gốc Phi thì cũng gọi chung là Tây. Còn chồng Á Đông thì phân biệt rõ: người Hàn, người Mã Lai, người Nhật Bản, Trung quốc…
Ngày xưa, vì “Tây” chỉ giới hạn Pháp và Mỹ, phụ nữ lấy Tây nhiều khi bị thành kiến xã hội đè nén, không phân biệt những trường hợp khác nhau nhưng những năm sau này khi VN mở cửa, người ngoại quốc đến VN nhiều cũng như người trong nước ra ngoài nhiều: đi du học, xuất khẩu lao động hay du lịch, phụ nữ VN có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nam giới ngoại quốc nên nhiều mối tình, nhiều cuộc hôn nhân dị chủng đã diễn ra. Thành kiến tuy vẫn còn nhưng nhẹ hơn trước kia rất nhiều.
Sở dĩ lấy chồng Tây bị thành kiến vì đa số các cuộc hôn nhân này căn bản vì tiền chứ không đặt nặng tình yêu.
Từ nhiều năm nay, cuộc sống khó khăn kéo dài mờ mịt không lối thoát, không hy vọng về tương lai khiến nhiều cô gái miền quê hướng tới những vùng đất hứa xa vời. Không học vấn, không nghề nghiệp chuyên môn, không tiền bạc, bởi vì ngay cả muốn đi xuất khẩu lao động cũng cần tới số tiền lớn hàng trăm triệu đồng để đóng thế chân, lo liệu đủ loại giấy tờ để làm những công việc nặng nhọc mơ hồ: làm nông, giúp việc nhà… thì các thôn nữ cảm thấy cách duy nhất rút ngắn nhanh nhất con đường xuất ngoại là mang thân mình đi lấy chồng. Ở thời buổi ngày nay, khi các tiêu chuẩn công dung ngôn hạnh không còn quá khe khắt và cò môi giới đầy dẫy tìm đến tận nhà vẽ ra bao viễn ảnh tươi sáng thì việc ấy càng trở nên dễ dàng như mua bán mớ rau con cá.
Các cô gái mơ mộng ngày được bước chân tới những xứ sở với khung cảnh và con người lãng mạn mà họ chỉ nhìn thấy trên màn ảnh. Thậm chí có cô gái muốn lấy chồng ngoại quốc chỉ để một lần trong đời được ngồi lên máy bay, được đi ra phi trường và biết cảm giác ngồi trên ghế máy bay thế nào. Hố cách biệt giữa thành thị và thôn quê ngày càng sâu rộng trong khi cùng lúc, TV, Internet đẩy thế giới ảo lại gần hơn, gần tới mức dường như trên mặt kính, mọi người có thể chạm tới nó…
Không lạ khi suốt những năm qua, khoảng hai chục năm nay, tình trạng lấy chồng ngoại quốc diễn ra ồ ạt. Có thời gian dư luận dậy sóng ồn ào, có vẻ phong trào chựng lại một chút nhưng thật ra không giảm đi mà chỉ lắng xuống và vẫn tiếp tục một cách êm ả, có bài bản hơn. Xem chừng có cầu ắt có cung, tình hình lấy chồng ngoại quốc khó mà thoát khỏi quy luật này.
Người đi trước thành thạo dắt người đi sau. An Bằng (Huế) nổi tiếng có khu nghĩa trang nguy nga nhất nước toàn những lăng mộ tráng lệ xây dựng theo kiểu cung đình, là một trong những nơi được mệnh danh là làng lấy chồng ngoại. Trước kia, con gái làng lấy chồng Hàn quốc nhưng sau này chuyển sang lấy chồng ở các nước Âu Mỹ. Có nhiều lối để các cô sang ngang. Thông thường là qua email, chat, qua các trang tìm bạn bốn phương trên Net, nhờ người thân ở ngoại quốc mai mối… Bởi vậy các mục tìm bạn ở báo nước ngoài luôn có những dòng chữ tìm kiếm bạn đời cho chính mình hay cho người thân con cháu trong nước… Gặp nhau chớp nhoáng, lấy chớp nhoáng để đi chớp nhoáng. Đi xong lại tìm người giới thiệu tiếp cho chị em họ hàng còn ở lại. Đó là cách lấy chồng ngoại khá an toàn vì không sợ qua đám cò lừa đảo.
Tiểu Bàng (Hải Phòng) cũng là ngôi làng lấy chồng ngoại. Ở đây không chỉ thiếu nữ đang tuổi cập kê mà ngay cả phụ nữ đã lập gia đình cũng kiên quyết ly dị chồng, bỏ con cái để tìm tới những người chồng xa lạ về ngôn ngữ, văn hóa như một lối thoát trong tầm tay cho cuộc sống bế tắc. Các lò luyện cô dâu mọc lên như nấm để dạy ngoại ngữ, nấu ăn và văn hóa cấp tốc cho các cô dâu tương lai. Các công ty môi giới hoạt động rộn rịp chứ không lén lút chút nào bởi đây được coi là một dịch vụ công khai chẳng hề lừa gạt.
Vì con gái toàn lấy chồng xa cả, trai làng trở nên ế vợ, lại phải mất công lùng sục tìm vợ nơi khác. Nhiều vụ ẩu đả xảy ra giữa trai làng và những nhóm người tìm cô dâu xuất ngoại khiến sau này, các cuộc môi giới phải diễn ra ngoài làng.
Nha Mân (Đồng Tháp) vốn nổi tiếng là miền gái đẹp vì từng là nơi trú chân của chúa Nguyễn ngày xưa, tương truyền trên đường bôn tẩu đã để lại nhiều cung tần mỹ nữ sản sinh ra những lớp hậu duệ mà ca dao phải ghi nhận: Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân. Phong trào lấy chồng ngoại như cơn sóng dữ lan đến vùng đất hiền hòa này. Sau này, gái đẹp chẳng còn mấy vì vừa đủ lớn đã bỏ lên thành phố, lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đám cò trong đường dây lấy chồng ngoại ở giữa ăn hoa hồng khá cao nên tích cực len lỏi xuống miền quê săn gái.
Mục đích lấy chồng ngoại của các cô thường là để có chỗ gửi thân an phận và nhất là “trả hiếu” cho cha mẹ, trả nợ, cất căn nhà khang trang cho cha mẹ ở và tiền bạc gửi về lai rai là các cô mãn nguyện.
Xã Tú Sơn (Hải Phòng) có hàng ngàn cô gái lấy chồng ngoại. Những nơi đó được coi là… phát triển khi nhà tầng mọc lên san sát và người dân sống rủng rỉnh mà chẳng phải động tay động chân làm việc. Bộ mặt nơi đó thay đổi đáng ngạc nhiên. Quan điểm trọng nam khinh nữ hoàn toàn sai lầm trong những trường hợp này. Hầu hết các gia đình khi nhận được quà cáp của con gái gửi về, sau khi cất nhà mua xe thì không hề nghĩ tới chuyện làm ăn buôn bán sản xuất mà thường chỉ ở không ăn chơi hay bài bạc, chẳng thèm để ý con gái sinh sống ra sao nơi xứ lạ quê người, có công ăn việc làm còn đỡ đôi chút chứ những cô gái chồng nuôi, đồng tiền khó khăn gửi về cha mẹ không biết xót.
Hôn nhân bấp bênh như vậy nên tan vỡ là việc không tránh khỏi. Các cô gái ôm con trở về quê. Từ đó lại xuất hiện lớp con lai.
Vùng cao cũng không thoát khỏi cảnh này. Nạn trai thừa gái thiếu khiến những người đàn ông TQ tìm tới phụ nữ VN tại những tỉnh sát biên giới ngày càng tăng. Bản Ang (Nghệ An) cũng như các huyện miền Tây Nghệ An, nhiều phụ nữ, vừa bị lường gạt mang bán, vừa tự ý sang TQ lập gia đình khi thoát khỏi TQ hoặc sinh con gái bị bạc đãi, mang con về quê hình thành nên làng con lai.
Cù lao Tân Lộc (Cần Thơ) là nơi nhiều cô dâu lấy chồng Đài Loan tới nỗi được gọi là đảo Đài Loan. Dù sao cơn sốt lấy chồng Đài Loan ở đây cũng giảm nhiều. Lý do là đi nhiều tới mức không còn mấy thiếu nữ ở đây nữa. Ngược lại số con lai ở đây lại tăng lên từ những cuộc hôn nhân tan vỡ. Cần Thơ có hơn bảy trăm con lai nhưng hầu hết những trẻ này lại không có quốc tịch VN. Vì thế chúng không thể đến trường và phải đợi ít nhất đến năm mười tám tuổi mới có thể làm giấy tờ. Thủ tục khai sinh và ly hôn rắc rối đến nỗi nhân viên hộ tịch phải lắc đầu than đành chịu thua, không thể giải quyết được.
Những trẻ này thường sống với ông bà ngoại vì người mẹ sau khi trở về VN, tức là lại trở về khởi điểm đầu tiên là con số không. Do quen cuộc sống ở nước ngoài và cuộc sống miền quê vẫn khốn khó không có gì thay đổi nên hầu hết bọn họ, sau khi gởi con nhỏ cho cha mẹ, lại tìm đường trở ra ngoại quốc kiếm sống hay tìm cơ hội bằng cách tái hôn lần hai. Với chồng mới, con mới, công việc mới, họ gởi về ít tiền nuôi con coi như xong bổn phận và đi biền biệt không hẹn ngày về. Đứa con lai tại VN chẳng những không cha mà còn mất cả mẹ.
Ngoại trừ những trường hợp bị lừa gạt để bán sang TQ hoặc sa vào động mại dâm, còn lại, các cô gái lấy chồng ngoại, thường là châu Á: Hàn Quốc, Mã Lai, Đài Loan…lớn tuổi, cộc cằn… vẫn tạm bằng lòng với một mái gia đình yên ổn, không quá cơ cực tối tăm như quê nhà của họ.
Một số cuộc hôn nhân đổ vỡ không làm nhụt chí các cô gái. Họ vẫn nườm nượp rủ nhau đi, các cô gái thất bại chỉ cho rằng mình là phần xui xẻo chiếm tỷ lệ không cao nên sẵn sàng thử vận may lần nữa, thậm chí lần ba.
Làm hôn thú giả là một cách vượt biên an toàn nhưng điều kiện tiên quyết là phải có tiền và nhiều tiền là đằng khác. Bởi vì ngoài số tiền mấy chục ngàn đô trả cho chú rể giả thì còn vô số tiền chi chung quanh. Đó là tiền vé máy bay và chi phí ăn ở cho anh này về VN hai, ba lần, tìm cách gửi tiền đi để anh gửi về lấy hóa đơn. Những chuyến về tổ chức đi chơi nơi này nơi nọ để chụp hình thân mật, ngay cả tìm về quê của anh ta để chụp hình với cha mẹ họ hàng kèm thêm nhiều quà cáp… để mọi việc thuận lợi trôi chảy. Những việc này nhằm khi phỏng vấn để có thể đưa ra những bằng chứng thuyết phục của một cuộc hôn nhân đàng hoàng. Đó là không kể đã tốn kém khá nhiều nên không thể bỏ cuộc giữa chừng. Khi bị từ chối phỏng vấn, gia đình cô gái phải thuê luật sư theo đuổi không mệt mỏi cho tới khi đạt được kết quả cuối cùng.
Sau này hôn thú giả bị các nước sở tại phát giác nên tốt hơn hết kiếm một anh Tây lấy luôn cho tiện đôi đường. Vừa xong tấm chồng vừa… đỡ tốn tiền!
Phụ nữ có học thường hướng tới đàn ông Âu Mỹ vì không thích tính gia trưởng vẫn còn tồn tại nhiều nơi nam giới VN. Những cuộc hôn nhân loại này do cân nhắc, hiểu biết nhiều hơn nên ổn định, ít rủi ro hơn các cuộc hôn nhân theo phong trào với đàn ông châu Á. Tuy nhiên số này chiếm ít, không đáng kể.
Nếu cuộc sống không quá nghèo khó, các cô gái sẽ không liều mình bỏ nhà đi xa nhưng tới khi nào nền kinh tế trong nước vẫn còn trì trệ, nhất là miền quê, thì việc gái quê lấy chồng ngoại với những hệ lụy kéo dài, có lên án cách mấy, trước mắt, vẫn khó thể ngăn chặn.
SGCN
Hoang Pham chuyen