Khi vận động cử tri Liên Hiệp Anh tham gia trưng cầu dân ý 23/06/ 2016, phe chống Brexit vẽ ra một bức tranh hấp dẫn nhân danh chủ quyền quốc gia : chống làn sóng di dân, bảo vệ thị trường, bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ sức mua của người dân… Nói tóm lại, một khi thoát khỏi « guồng máy quyết định từ Bruxelles » thì Liên Hiệp Anh sẽ lấy lại uy thế đại cường của thời vàng son nhờ vào khối thịnh vượng chung và… đồng minh Hoa Kỳ. Thực tế ra sao ?
Chín tháng trôi qua kể từ khi 51,9 % cử tri quyết định Brexit, tình hình kinh tế Liên Hiệp Anh tương đối yên ổn, không xảy ra « bão tố tài chính » như dự báo của những người chủ trương ở lại với châu Âu. Với tân thủ tướng Theresa May cương nghị, với Ngân Hàng Trung Ương sẵn sàng bơm hàng tỷ bảng Anh chống khan hiếm tiền mặt, cùng với niềm tin và kỷ luật của người tiêu dùng, kinh tế của quốc đảo vượt qua được thử thách đầu tiên. Tăng trưởng GDP có thể lên đến 2% trong năm 2017.
Vấn đề mấu chốt là người tình ly thân này chưa đụng với « thực tế khăn gói ra khỏi nhà ». Thời gian đàm phán trong hai năm tới, tính từ ngày 29/03/2017 mới chỉ là giai đoạn chuẩn bị hành trang rời bến cảng. Theo nhận định đầy lo âu của Paul Drechsler, chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân CBI, thì nước Anh chỉ mới « bò lên đỉnh dốc của điều khoản 50 » và sẽ biết thế nào là « gió lốc » khi ngồi vào bàn đàm phán. Chủ nhân của giới chủ doanh nghiệp Anh lo ngại kịch bản tồi tệ nhất là không đạt được thỏa thuận mới về thương mại hầu giảm nhẹ cơn chấn động một khi rời thị trường chung. Về điểm này, thủ tướng Anh tuyên bố rất tự tin : Luân Đôn bất cần thỏa thuận nếu Bruxelles đặt điều kiện quá khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nina Skero được AFP trích dẫn, tuyên bố của bà Theresa May chỉ là đòn tâm lý trước khi mặc cả. Xác suất cao nhất là hai bên sẽ đạt được một hiệp định thương mại song phương trong hai năm tới. Nhưng thời gian dằng co, bất định sẽ làm hoạt động kinh tế Anh, nhất là 50% mậu dịch tùy thuộc vào thị trường châu Âu, bị trì trệ.
Trong bối cảnh này, đồng minh Hoa Kỳ lại chọn tỷ phú Donald Trump với chủ trương bảo hộ kinh tế Mỹ, làm tổng thống.
Nếu thương lượng thất bại, hai lãnh vực kinh tế chủ lực của Anh là xe hơi, đang manh nha khởi sắc, và dịch vụ tài chính sẽ trả giá nặng. Trở lại quy chế của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, xe hơi của Anh sẽ bị đánh thuế nhập khẩu thêm 10%. Trong tình hình bất trắc này, không có công ty xe hơi nào muốn phát triển.
Mà muốn phát triển thì cũng cần nhân lực. Theo AFP, giới doanh nghiệp Anh kêu gào phải duy trì làn sóng di dân từ Liên Hiệp Châu Âu để trẻ hóa lao động, để thay thế những người về hưu. Mọi lãnh vực từ thương mại khách sạn, nhà hàng, xây dựng đều đối mặt với nguy cơ thiếu nhân công.
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng bị đe dọa. Khi ra khỏi thị trường chung, doanh nghiệp Anh sẽ mất « hộ chiếu châu Âu » bảo đảm quyền tự do cung cấp dịch vụ trên toàn châu lục. Hệ quả là nhiều công ty tài chính và ngân hàng chuẩn bị bỏ nước Anh. Theo dự đoán, ít nhất 240.000 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ sẽ biến mất.
Sức mua của người dân cũng giảm xuống. Do hàng nhập khẩu lên giá vì khan hiếm và vì bảng Anh mất giá, dân Anh bắt đầu cảm nhận được hệ quả tiêu cực của Brexit.
Cuối cùng, nguy cơ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia cũng bị đe dọa. Với chủ trương ở lại châu Âu, 62% phiếu chống Brexit, trong cuộc trưng cầu dân ý, Scotland tính chuyện độc lập với Liên Hiệp Anh. Sau vụ tấn công làm chết 4 người hồi tuần trước, mà Daech tự cho là thủ phạm, đích thân thủ tướng Theresa May nhìn nhận « rất cần chia sẻ thông tin tình báo » với Liên Hiệp Châu Âu, nên không thể mặc cả được.
Bình luận về những hệ quả xấu của Brexit, nhà ngoại giao Anh lão thành 86 tuổi, Crispin Tickell, thành viên phái đoàn đàm phán gia nhập Thị Trường Chung Châu Âu trong thập niên 1970 than tiếc : « Chính sách ngoại giao Anh do những kẻ không hiểu gì và rất có thể bị nung nấu bởi tâm lý ghét người nước ngoài, quyết định. Thật là một thảm họa ».