Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Anh cho biết hai chiếc máy bay ném bom của Nga đang trên đường bay thẳng vào không phận Anh, nhưng các chiếc tiêm kích Typhoons của lực lượng RAF ở Lincolnshire đã nhanh chóng cất cánh và ngăn chặn trong khu vực đặc quyền kinh tế, trước khi máy bay Nga xâm nhập không phận Anh, tức là phạm vi 12 dặm tính từ bờ biển. Đó là hai chiếc máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất của Nga Tu-160, mà người Nga thường gọi là Thiên nga trắng, còn người Anh thì thường gọi là Blackjack, hay một tên khác nữa là Gấu bay.
Được chế tạo từ cuối thập niên 1980, đây là loại vũ khí hiện đại nhất trong cuộc chạy đua vũ trang vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh lạnh và hiện chỉ còn khoảng trên 10 chiếc thường xuyên hoạt động. Hồi năm 2014 những chiếc Tù-160 của Nga mới vừa được trang bị thêm các hệ thống điện tử hiện đại cùng vũ khí mới.
Vào tháng 5/2015, hãng thông tấn TASS cho biết không quân Nga quyết định sẽ đặt hàng sản xuất thêm 50 chiếc thuộc loại này. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định với khả năng hiện tại của nhà máy ở Kazan thì phải mất từ một đến hai năm mới có một chiếc Tu-160 được xuất xưởng.
Sau ngày tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phục hồi chương trình bay chiến lược thì các nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương-NATO bắt đầu xảy ra chuyện phải điều máy bay lên ngăn chặn máy bay ném bom của Nga bay thẳng vào không phận ở tầm cao trên dưới 10.000m, có khả năng đạt tốc độ nhanh gấp hai lần âm thanh và hoạt động liên tục trên 15 giờ đồng hồ.
Giới chuyên gia quốc phòng Anh cho biết trong vòng một năm qua, máy bay của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh RAF đã phải cất cánh gần một chục lần để ngăn chặn các sự vụ kiểu như vậy, và nói rằng máy bay Nga không nhằm mục tiêu khiêu khích như thời chiến tranh lạnh, nhưng đây là động thái nhằm nắn gân nhau.
Hồi năm 2015 giới chức quốc phòng Anh đã có một cuộc gặp với các lãnh đạo Nga ở Matxcơva để bàn về chuyện này. Một số lãnh đạo không quân Nga giờ đã nghỉ hưu giải thích với báo chí Anh rằng đó chỉ là các chuyến bay do thám bình thường để kiểm soát hệ thống phòng không và radar của đối phương, giống như NATO cũng có các hoạt động tương tự nhắm vào nước Nga.
Các chuyến bay nắn gân có vẻ ngày càng dồn dập hơn sau biến cố chính trị ở Crimée. Vậy thì chuyến bay này liên quan gì đến động thái của nước Anh trong tuần này cử 5 tàu hải quân sang vùng biển Baltic ngay sát cạnh nước Nga để phối hợp hoạt động với NATO ở đó ?
Trên thực tế rất khó giải thích rõ tại sao chỉ huy không quân Nga lại ra lệnh bay như vậy, nhưng có một điều rất rõ trong quân sử nước Nga là có một thời những chiếc tàu chiến của Anh từng áp sát ngoài khơi Saint Petersbourg khiến Sa Hoàng bực bội vì mỗi buổi sáng thức dậy ở Cung điện mùa hè thì đều nhìn thấy quân đội nước ngoài đang hằm hè ngay trước tầm mắt.
Thêm một câu chuyện nữa là trận đánh trên biển ở Thổ Nhĩ Kỳ khi Nga và Anh đều đem hải quân sang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Lần gần đây nhất vào cuối năm 2015, Gấu bay của Nga cũng nhắm thẳng vào không phận của Anh đúng lúc một chiếc tàu chiến cùng các tàu hậu cần và hộ tống của Nga bơi dọc theo vùng hải phận quốc tế thu hẹp ở eo biển Manche. Sự kiện này đã tạo ra căng thẳng quân sự trong vài ngày liền.
Trước đó nữa cũng có một chiếc tàu phóng tên lửa của Nga đi vào vùng biển sát ngoài khơi nước Anh và hải quân Anh phải mất 24 giờ mới có thể điều kịp tàu chiến ra tận nơi để xử lý khủng hoảng. Đó là một loạt các tín hiệu cho thấy quân đội Nga đang từng bước phô trương sức mạnh và tìm hiểu xem đối phương đang lúng túng như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh nước Anh vì suy thoái kinh tế mà phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Cho đến thời điểm này tình hình bắt đầu có vẻ đang biến chuyển, khi hồi đầu tuần Luân Đôn quyết định sẽ điều 5 tàu chiến với trên 500 quân nhân sang khu vực gần bờ biển nước Nga để phối hợp hoạt động với lực lượng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương ở đây, theo sau quyết định của Hoa Kỳ sẽ tăng viện trợ quốc phòng cho châu Âu lên đến gần ba tỷ rưỡi đô la.
Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon tuyên bố, năm 2016 sẽ là điểm chú ý đặc biệt ở vùng Baltic với sự gia tăng hiện diện của khối NATO, nhằm chuyển một thông điệp mạnh tới các đối thủ là khối NATO đã sẵn sàng để đáp trả các mối đe dọa và bảo vệ đồng minh.
Một cuộc họp thượng đỉnh của khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ được tổ chức ở thủ đô Vacxava- Ba Lan trong mùa hè năm nay. Ba Lan cũng chiếm giữ một vị trí quan trọng trên bờ biển Baltic. Mặc dù đại sứ Mỹ ở NATO Douglas Lute bác bỏ chuyện các động thái này có ý đồ khiêu khích nước Matxcơva, nhưng theo giới quan sát, căng thẳng quân sự giữa Nga và NATO có thể sẽ leo thang trong thời gian tới, khi khí hậu bắt đầu ấm áp hơn và các hoạt động trên biển sẽ không còn bị thời tiết khắc nghiệt cản trở.