Tham Khảo

MARGUERITE DURAS, MẠCH VIẾT BẮT NGUỒN TỪ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG

Đôi tình nhân biết chuyện của mình không lối thoát. Sự chia ly sắp đến khiến tình yêu xác thịt của họ càng mãnh liệt.


Nhà thơ Anh William Wordsworth có câu thơ : « Child is the Father of Man », đứa bé là cha của con người. Tuổi thơ là nguồn gốc của đời người, là cái nền tảng từ đó con người phát triển. Cho nên dấu ấn của tuổi thơ không bao giờ phai nhạt, trái lại nó ẩn sâu trong tâm lý, trong tư duy, trong trí tưởng tượng. Điều này thấy rõ qua tác phẩm của nhà văn Pháp Marguerite Duras.

Marguerite Duras chào đời ở Gia Định, vào thời Pháp đô hộ Đông Dương, bà lớn lên ở Sa Đéc, Vĩnh Long, học trung học ở Sài Gòn. Trên đường đời, dù bà có trôi giạt đến đâu, bà vẫn có bên mình cái thứ hành lý chất ngất mang tên Việt Nam, cái thứ hành lý đã đưa bà lên đỉnh cao của văn học Pháp. Hãy nghe Marguerite Duras thổ lộ về tuổi thơ của mình, năm 1975, với Michelle Porte như sau :

« Hồi đó chúng tôi là người Việt Nam hơn là người Pháp, bà thấy không. Bây giờ tôi phát hiện ra điều ấy, thuộc về chủng tộc Pháp, thuộc về, xin lỗi, quốc tịch Pháp, điều đó sai. Chúng tôi, chúng tôi nói tiếng Việt, như những đứa trẻ Việt Nam, chúng tôi không bao giờ mang giày, chúng tôi sống phân nửa trần truồng, chúng tôi tắm sông (…). Tóm lại, ngày nọ tôi được biết tôi là người Pháp. Ồ, chuyện này chắc phải xảy ra nhiều lần, bạn sống trong một môi trường, trong một không gian nào đó, bạn sinh ra trong môi trường, bạn nói cái ngôn ngữ của môi trường, v.v… – những trò chơi đầu tiên là những trò chơi của trẻ con Việt Nam, với những trẻ con Việt Nam – và rồi người ta cho bạn biết rằng bạn không phải là người Việt Nam. » (1)

Rồi Marguerite Duras đem cái tuổi thơ đó vào sự viết của mình. « Viết, chính là cái việc duy nhất trong đời tôi và làm cho đời tôi mê say. Tôi đã làm việc đó. Sự viết không bao giờ rời tôi. » (2) Marguerite Duras đã khẳng định điều đó ba năm trước khi bà mất.

Marguerite Duras cầm bút từ những năm 40, hai truyện đầu tay của bà, « Les Impudents » và « La vie tranquille » không được chú ý. Mãi đến năm 1950, cuốn tiểu thuyết tự truyện « Un barrage contre le Pacifique » (Cái đập cản Thái Bình Dương) được giới phê bình tiếp đón nồng nhiệt và suýt được giải Goncourt. Tiếp theo là một tập truyện ngắn « Des journées entières dans les arbres » (Những ngày tròn ở trên cây) và 7 tiểu thuyết trong đó có « Moderato Cantabile » (Nhịp vừa và ngân nga) (1958) rất thành công. Đến những năm 60, hai tiểu thuyết « Le ravissement de Lol V. Stein » (Nỗi mê ly của Lol V. Stein) và « Le Vice-Consul » (Ông Phó Lãnh sự) bỗng đẩy bà lên hàng đầu nền văn học Pháp. Rồi một loạt truyện tiếp theo mà hai truyện quan trọng cuối cùng là « L’Amant » (Người tình) và « L’Amant de la Chine du Nord » (Người tình miền Bắc Trung Quốc). Cuốn « L’Amant » là một thành công lớn, cuốn sách vừa mới ra đã bán được 250.000 cuốn, và sau khi được giải Goncourt, số sách bán lên đến 2.400.000 cuốn. « L’Amant » được dịch ra 25 thứ tiếng vào thời đó, và được nhà đạo diễn Jean-Jacques Annaud quay thành phim.

Ngoài ra, Marguerite Duras cũng viết nhiều kịch bản phỏng theo các truyện của bà.

Song song với việc sáng tạo văn chương, Marguerite Duras cũng có những hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, bà đã viết các truyện phim như : « Hiroshima mon amour » (1960), « La Musica » (1966), « La femme du Gange » (1973), » India Song » (1975), v.v…, và đã theo dõi sự thực hiện các phim đó. « Hiroshima mon amour » (Hiroshima dấu yêu) được xem là một thành công.

Có một thời kỳ Marguerite Duras được ghép với nhóm Tiểu Thuyết Mới, nhưng với hai tác phẩm « Le ravissement de Lol V. Stein » và « Le Vice–Consul » bà đã đi hướng khác,

Tác phẩm của Marguerite Duras không để một ai dửng dưng, có người tôn bà lên hàng đầu, lại có kẻ chê bai. Bà có một bút pháp đặc thù, đọc lên biết ngay là văn Duras. Câu văn của bà có khi ngập ngừng, chậm rãi, thường khi lặp đi lặp lại, khiến tôi có cảm tưởng như nước biển dạt vào bờ, rút đi rồi lại dạt vào, trong khi đó cốt truyện rất chậm tiến, độc giả thiếu kiên nhẫn không khỏi cau mày ; lại thêm câu văn lắm khi đứt đoạn, đảo ngược, phi cấu trúc. Dù thế, bút pháp lạ lùng của Marguerite Duras gây tò mò và có sức lôi cuốn độc giả.

Chẳng bao lâu hiện tượng Duras nở rộ khắp nơi. Các cơ quan truyền thông không ngớt phỏng vấn bà, mời bà phát biểu ý kiến. Điều quan trọng nhất là tác phẩm của bà trở nên đề tài nghiên cứu. Vào cuối thế kỷ 20, ở các đại học Pháp có trên 100 luận án tiến sĩ về Marguerite Duras trong nhiều ngành : văn học, phân tâm học, điện ảnh…, ở Mỹ có 89 luận án, và ở Canada cũng có một số luận án. Tóm lại, Marguerite Duras là một nhà văn, lúc sinh thời, được nghiên cứu nhiều nhất. Bà được xem là một nhà văn lớn của văn học Pháp, vào nửa sau thế kỷ 20.

Một cuộc đời đầy ắp sáng tạo như thế quả là một thành công rực rỡ. Tác phẩm của Marguerite Duras đa dạng và có tính hiện đại với cái đặc điểm là phá cấu trúc của cú pháp, của nhân vật, của cốt truyện và thời gian.

Ngoài ra tác phẩm của bà thường gợi một không gian Á châu, đặc biệt không gian Việt Nam, và có những nhân vật từ một cõi xa xăm bỗng hiện về như một ám ảnh. Năm 1988, Marguerite Duras tuyên bố : « Cuộc đời của tôi, nó ở trong các cuốn sách. Không theo thứ tự, nhưng đã sao ? » (3) Có nghĩa là tiểu sử và tác phẩm của bà quyện vào nhau, tiểu sử nuôi dưỡng tác phẩm. Không thể hiểu tác phẩm nếu không theo dõi tuổi thơ của bà. Những sự kiện, những biến cố xảy ra trong tuổi thơ ở Việt Nam giải thích thế giới tiểu thuyết và trí tưởng tượng của bà. Vậy để tiếp cận tác phẩm của Marguerite Duras, có hai thế giới cần được thăm dò : thế giới của tuổi thơ và thế giới của sáng tạo.

Thế giới của tuổi thơ

Marguerite Donnadieu, mà cả thế giới biết đến dưới bút danh Marguerite Duras, sinh năm 1914 ở Gia Định. Bà là con út một gia đình có ba con, người anh cả tên Pierre và người anh thứ tên Paul (Paulo). Cha là Henri Donnadieu, mẹ là Marie Legrand, cả hai là giáo viên phục vụ ở thuộc địa. Năm 1920, Henri Donnadieu làm Giám đốc Tiểu học ở Phnom Penh ; bị bệnh sốt rét nặng, ông trở về Pháp và mất năm 1921. Cô bé Marguerite lớn lên trong một gia đình không cha. Bà mẹ, Marie Donnadieu, là trọng tâm của thế giới tuổi thơ của cô bé. Bà là một người có nghị lực, cương quyết và là một người có tính hung hãn, nguy cơ bệnh điên manh nha trong đầu bà. Bà chỉ khoan dung một cách mù quáng với đứa con trai đầu lòng. Sau khi chồng mất, bà Marie Donnadieu và các con rời Phnom Penh, bà về dạy học ở Sa Đéc rồi Vĩnh Long, bà là một giáo viên tiểu học bị giai cấp thượng lưu Pháp ở thuộc địa coi thường, khinh rẻ. Lại nữa chính quyền thuộc địa trong những năm 1920-1930 gây những bất công, những kỳ thị, thứ bậc hành chính trở nên gắt gao.

Bà Marie Donnadieu vơ vét những món tiền dành dụm để tậu một vùng đất nhượng ở Prey Nop, phía nam Căm-pu-chia, gần biên giới Thái Lan, ven bờ Biển Đông, tưởng rằng rồi đây sẽ khai thác trồng trĩa lớn lao, nhưng vùng đất nhượng hóa ra là một vùng đất khô cằn bị nước biển tràn ngập hết sáu tháng trong một năm. Bà đã bị bọn người vô lương tâm lường gạt. Bà bị sạt nghiệp và phát điên. Chuyện rủi ro này về sau là đề tài của cuốn tự truyện « Un barrage contre le Pacifique ».

Cô bé Marguerite và người anh Paulo, mà về sau nhà văn Marguerite Duras gọi là « người anh nhỏ » (le petit frère), có một tuổi thơ gần như man dại, tự do bay nhảy trong những khu rừng rậm rạp có nhiều thú hoang, nhiều cây xoài đầy trái chín, quen thuộc với con sông Cổ Chiên và vô số con rạch mà trong truyện « Un barrage contre le Pacifique »  tác giả gọi là « rac ». Trước khi theo cha mẹ qua Phnom Penh một thời gian, Marguerite đã trông thấy Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội. Năm lên tám, Marguerite gặp một người đàn bà điên, « bà điên Vĩnh Long », bà này la hét trong một ngôn ngữ mà cô bé không hiểu, làm cô bé hoảng sợ.

Trong khi bà mẹ ca tụng nước Pháp với học trò mình thì cô bé Marguerite và người anh Paulo đồng hóa với trẻ con Việt Nam. Cô bé bướng bỉnh, không vâng lời mẹ, cảm thấy gần gũi và đồng lõa với mọi thứ của cái đất Annam này. Mỗi lần bà mẹ bắt được quả tang Marguerite trốn đi chơi ngoài rừng về, bà đánh cô bé, la hét, thốt ra những lời than thở, bà tự thương thân, kêu than sự bất lực của mình truớc một đứa bé khó dạy, quá cứng đầu và quá khác với bà. Rồi bà la lên : « Đồ cái con An Nam Mít chết tiệt ! » (Sale petite annamite !). Cô bé không thích ăn trái táo từ vùng Normandie gửi qua, mà lại thích ăn cá kho nước mắm (des poissons cuits à la saumure, au nuoc mam), cô thích giúp đỡ những người bồi chùi rửa hiên nhà, thích chơi với con cái của bồi. Marguerite Duras về sau nói « Đó là lễ hội của tình huynh đệ » (C’était la fête de la grande fraternité).

Sự chống đối giữa Marguerite và người mẹ ngày càng tăng. Cô bé luôn luôn đứng về phía đám người Việt Nam cần cù lao động bên bờ sông Cửu Long. Cô nói « Quê hương tôi, đó là một xứ sở đầy nước. » (« Mon pays natal, c’est une patrie d’eau. »). Nước mưa vùng nhiệt đới, nước rạch, nước sông khi đi phà, nước suối, nước thác, nước vũng. Cô bé nhìn cảnh khốn quẫn của người dân quê ngụp lặn trong bùn lầy, họ trở thành biểu tượng của Con Người bị đày đọa, thống khổ, cô đơn. Marguerite vừa sợ mẹ vừa thương mẹ, người mẹ hiện ra như một thứ tiên tri, bà được thổ dân tôn kính. Như đã nói, bà bị bệnh điên đe dọa. Năm Marguerite mười hai tuổi, cô cũng qua một cơn điên vì quá nổi loạn, vì một sự khiếp sợ. Năm 1981, Marguerite Duras tìm hiểu nguyên do của tình trạng này : năm 1925, cả gia đình đi nghỉ ở Long Hải, lần đầu tiên Marguerite có kinh nhưng cô vẫn tắm, máu ra khắp nơi, cô tự cảm thấy dơ bẩn, tự cảm thấy tội lỗi và đâm ra căm ghét người mẹ, tự hỏi tại sao bà không thấy gì, và cô nguyền rủa Thượng Đế, cô thốt ra những lời phạm thượng. Có sự mâu thuẫn giữa tâm trạng hung tợn, bứt rứt đó dễ đẩy cô vào bệnh điên và cái khả năng dễ hội nhập với cái xứ của con sông Cửu Long, lòng cô gái mâu thuẫn giữa sự căm ghét và tình thương. Cô bé Marguerite có những xung năng mãnh liệt và một tình thương bất tận đối với « người anh nhỏ ». Cô cảm thấy yêu người anh, cả hai họp thành đôi lứa vô tội, một thứ loạn luân. Gần bên anh, Marguerite cảm thấy có thể quên hết tất cả : sự độc ác, sự xấu xa của con người, của những người đã hại mẹ cô.

Cũng năm mười hai tuổi, Marguerite gặp một người đàn bà ăn xin, người đàn bà khốn khổ này đi lang thang, tay bế một đứa bé và không ngần ngại trao đứa bé cho bà Marie Donnadieu. Marguerite xúc động khi được biết bà ta hồi 17 tuổi đã lỡ mang thai và bị mẹ đuổi ra khỏi nhà. Người đàn bà hành khất sau này được đưa vào nhiều truyện của Marguerite Duras. Nhà văn cũng sẽ trở thành kẻ lang thang như người hành khất, sẽ hát lên như người hành khất những lời than van lải nhải, những lời than van về số kiếp phải sống.

Năm 1929 Marguerite được gởi lên Sài Gòn học, ở tại cư xá Lyautey. Mỗi cuối tuần cô trở về Sa Đéc với mẹ và hai anh. Một hôm, sau khi từ giã gia đình để trở lên Sài Gòn, trên chiếc phà qua sông, cô gái Marguerite lúc đó 15 tuổi gặp một chàng thanh niên Trung Hoa giàu có cũng ở Sa Đéc, chàng thanh niên này về sau được miêu tả qua nhân vật người tình trong hai truyện « L’Amant » và « L’Amant de la Chine du Nord ».

Năm 1930, trước khi từ giã mẹ để trở lên Sài Gòn học như thường lệ, một biến cố đã xảy ra và ám ảnh Marguerite suốt đời, như chuyện người đàn bà hành khất. Ở Vĩnh Long, vào thời đó có những khu dân cư với đủ hạng người sống lúc nhúc : người Việt Nam mà kẻ đô hộ gọi là « Annamites », người Trung Hoa, Căm-pu-chia, Mã Lai, những người làm bồi, làm thuê. Lại có những khu dành cho người Pháp với những ngôi nhà xinh xắn, những vườn hoa, những sân chơi quần vợt có cây che bóng mát. Marguerite thường dạo qua các khu phố vì tò mò. Một hôm cô thấy một chiếc xe chạy qua, bên trong có một người đàn bà da trắng với hai đứa trẻ con, người đàn bà có mái tóc hung, trong đôi mắt có cái gì như gợi lên sự chết và vẻ mặt buồn chán. Ở tỉnh nhỏ chuyện gì cũng truyền đi nhanh. Marguerite được biết người đàn bà tên Elizabeth Striedter, vợ một quan chức thuộc địa, bà không có bạn, chỉ có tình nhân. Marguerite theo dõi người đàn bà, tưởng tượng bà ta là một công chúa trong truyện cổ, trong khi người đàn bà này bị mọi người chỉ trích, lên án, một người tình nhân của bà vừa tự tử vì bà. Trong tâm trí của Marguerite, Elizabeth Striedter là người cho sự sống và cũng đem lại sự chết, một thứ nữ thần hiến thân cho đàn ông, giả vờ mình thuộc về họ để cuối cùng làm cho họ chết. Marguerite vừa sợ hãi vừa cảm thấy bị thu hút. Elizabeth Striedter sẽ là cái mẫu gốc của nhân vật Anne–Marie Stretter trong nhiều tác phẩm của nhà văn tương lai. Marguerite rình Elizabeth Striedter qua cái lưới sân quần vợt hoặc dọc những đại lộ, những con đường có bóng mát, nơi Elizabeth lặng lẽ đưa con đi dạo. Điều làm cho Marguerite cảm thấy mê hoặc là cái hình ảnh một người phụ nữ đi lang thang, một người vợ ngoại tình, phải chịu đựng con đường công danh của người chồng nơi thuộc địa, người phụ nữ không còn thuộc về mình nữa, mà bị đẩy ra trước dư luận. Marguerite ưa thích nơi bà Elizabeth Striedter sự khinh bỉ cuộc sống ở thuộc địa, sự bực mình vì phải chịu đựng những buổi tiếp tân, trong khi bà ta có một đời sống thầm kín đầy ham muốn. Marguerite cảm thấy khát khao địa vị của người đàn bà đó, một người mẹ, một người vợ bất chấp giai cấp của mình, cái giai cấp thượng lưu của người da trắng khoe khoan sự giàu có và ưu thế của mình. Marguerite cũng ở trong tình trạng tương đương như thế : cô có những giây phút trốn nhà để tự phó mặc cho thiên nhiên, hai chân trong bùn lầy, cô không muốn tuân theo cái thứ tự của xã hội thuộc địa, cô hoàn toàn cởi mở và ưa thích cái dân tộc bị đô hộ kia. Và cô gái tự đồng hóa với người đàn bà tên Elizabeth Striedter. Thế rồi Marguerite trở lên Sài Gòn học, để lại ở Vĩnh Long một người đàn bà được cô huyền thoại hóa.

Sài Gòn trong những năm 1930 là thủ đô của thuộc địa, được gọi là « Le Paris de l’Extrême-Orient » (Paris của Viễn Đông). Marguerite phát hiện một thành phố Sài Gòn giả tạo của giới thượng lưu Pháp, với những người đàn bà ăn mặc sang trọng, lịch sự, những nhà kinh doanh, những chủ đồn điền cao su giàu có, những viên chức cao cấp, quyền hành của chính quyền bảo hộ, một thế giới quá xa cách với miền sông nước Cửu Long của cô. Marguerite vừa ham muốn sự giàu sang của giai cấp đó vừa khinh bỉ nó.

Năm 1932, bà Marie Donnadieu về nghỉ phép ở Pháp, bà đem theo Marguerite và  Paulo. Nhưng rồi bà trở lại Việt Nam ngay với Paulo, để Marguerite ở lại Pháp.

Thế là Marguerite đã vĩnh viễn rời xa Việt Nam. Kể từ nay cuộc đời của cô thuộc về xã hội Pháp, cô học đại học, làm công chức, cô khởi đầu văn nghiệp với bút danh Marguerite Duras, thành hôn với Robert Antelme, ly dị, chung sống với Dyonis Mascolo, tham gia Kháng chiến chống Đức Quốc Xã, gia nhập Đảng Cộng sản, ba năm sau ra khỏi Đảng, chung sống với Yann Andréa, một thanh niên trẻ hơn Marguerite Duras 38 tuổi, cứ thế cuộc đời của nhà văn trôi qua với bao biến cố.

Điều quan trọng là những năm đầu đời của Marguerite Duras ở Việt Nam đã ảnh hưởng như thế nào đến tác phẩm của bà ? Ở Pháp bà trở thành một nhà văn nổi tiếng, đã xa cách Việt Nam, mảnh đất của tuổi thơ, xa cách về không gian và thời gian trong khi bà cầm bút.

Thế giới của sáng tạo

Viết không cứu được người viết khỏi điều gì, nhất là không cứu khỏi cái chết, khỏi tình yêu. Viết là một công việc bi thảm, người viết bị chìm vào một vùng xa lạ của chính mình, cái vùng khó định nghĩa mà Marguerite Duras gọi là « vùng tối bên trong » (l’ombre interne). Vùng tối này được ký ức nuôi dưỡng, nó gần với vô thức mà cũng gần với tình trạng điên. Đối với Marguerite Duras, sự viết bắt nguồn từ cái « vùng tối bên trong » đó, thuật ngữ này xuất hiện năm 1966. Marguerite Duras nói : « … Người ta có một thứ nhà ở trong bóng tối bên trong mình, nơi mà tất cả đi qua, nơi mà sự toàn vẹn của vốn sống tập hợp, chồng chất lên nhau. Nhà ở trong bóng tối là nguyên liệu của cái được viết ra, là cái nguồn không vơi của mọi cái được viết ra. » (4) Vậy từ cái « vùng tối bên trong » của tác giả, dần dần những tác phẩm hình thành và hiện ra ngoài ánh sáng.

Để theo dõi sự sáng tạo của Marguerite Duras và để biết mạch viết của bà từ đầu đến cuối bắt nguồn từ đâu, tôi chọn bốn tác phẩm tiêu biểu của bà sau đây, bốn tác phẩm có thể được xem như những cái mốc của một quá trình sáng tạo. Đó là : « Un barrage contre le Pacifique », « Le ravissement de Lol V. Stein », « Le Vice–Consul » và « L’Amant ».

Sự lựa chọn những tác phẩm này có giá trị tượng trưng : « Un barrage contre le Pacifique» mở đầu văn nghiệp của Margueite Duras và « L’Amant » kết thúc văn nghiệp. Hai tác phẩm ở giữa : « Le ravissement de Lol V. Stein » và « Le Vice–Consul » là hai tác phẩm hư cấu đánh dấu cao điểm của sáng tạo. Tác phẩm đầu và tác phẩm cuối là hai tự truyện được hư cấu ít nhiều. Nội dung của bốn truyện như sau.

Un barrage contre le Pacifique (Cái đập cản Thái Bình Dương)

Ở Đông Dương, vào thời Pháp thuộc, một gia đình người Pháp gồm bà mẹ, người con trai tên Joseph và người con gái 17 tuổi tên Suzanne, sống trên một vùng đất do Sở Địa bạ nhượng. Người mẹ làm việc vất vả để nuôi hai con. Khi đem hết số tiền dành dụm để mua đất, bà tưởng có thể khai khẩn vùng này để làm giàu, nhưng rủi ro cho bà, bà đã bị bọn viên chức của Sở Địa bạ lường gạt. Mảnh đất cằn cỗi, bị nước biển tràn vào, bà cố ngăn chặn bằng cách dựng lên một đường ranh với những thân cây đước, một « cái đập cản Thái Bình Dương ». Một cố gắng vô ích. Ba mẹ con sống trong cảnh nghèo đã sáu năm nay. Trong một quán cà phê, họ gặp một người đàn ông giàu sang, ông Jo, ăn mặc lịch sự, đi xe hiệu Léon Bollée. Ông Jo đâm mê Suzanne như điếu đổ, ông lui tới, không ngớt tặng quà cho cô gái. Bà mẹ liền tính toán, nếu Suzanne lấy chồng giàu thì mọi khó khăn vật chất sẽ được giải quyết. Joseph thì căm ghét và khinh bỉ ông Jo ra mặt, còn Suzanne, cô hoàn toàn dửng dưng. Khi ông Jo bị ép phải cưới Suzanne thì ông thoái thác rằng cha của ông muốn ông lấy một người con gái giàu có, con nhà gia thế. Nhưng vì quá mê Suzanne, ông Jo tặng cô một hột xoàn và đòi cô thưởng cho vài ngày đi chơi chung ở thành phố (Sài Gòn). Joseph tức giận đòi Jo đưa cho Suzanne cái hột xoàn vô điều kiện. Bà mẹ đoạt lấy hột xoàn và đánh đập Suzanne vì bà muốn biết con gái mình đã trả giá nào để có cái hột xoàn. Cuối cùng Joseph can thiệp và quyết định gia đình cắt đứt mọi giao thiệp với ông Jo. Ba mẹ con lên thành phố bán cái hột xoàn, họ ngụ tại khách sạn Hôtel Central. Bà mẹ phát hiện viên hột xoàn có khuyết tật, bà khuyên Suzanne nên nối lại với ông Jo để đòi ông tặng thêm một hay hai chiếc nhẫn khác. Suzanne gặp lại Jo, người đàn ông này vẫn mê cô và muốn đi xa hơn. Nhưng Suzanne hất ông ta ra và chấm dứt mọi giao thiệp. Bà mẹ bán được hột xoàn vội trả nợ cho ngân hàng, nhưng không vay được một món tiền khác như bà mong muốn. Một bất ngờ xảy ra : Joseph hoàn lại mẹ cái hột xoàn đã bán, vì người mua là một phụ nữ tên Lina, người yêu mới của Joseph. Ba mẹ con trở về vùng đất bên bờ biển. Nhưng rồi Joseph ra đi với người yêu. Bà mẹ tuyệt vọng, lâm bệnh nặng, bà cho gọi con trai của gia đình Agosti ở vùng đất bên cạnh để nhờ cậu thanh niên này bán dùm cái hột xoàn. Còn Suzanne sống trong tình trạng chờ đợi, nhưng không biết chờ đợi ai. Rồi cô có liên hệ tình dục lần đầu với Jean Agosti trong một khu rừng, nhưng Suzanne cho Agosti biết cô không có ý định thành hôn với anh ta. Chẳng bao lâu bà mẹ mất. Agosti yêu Suzanne và săn sóc cô. Joseph trở về, đau đớn vì mất mẹ. Những người dân quê bản xứ đến viếng bà mẹ lần chót. Suzanne từ chối lời yêu cầu của Agosti ở lại với anh ta, cô muốn vĩnh viễn rời xa cái vùng đất này, muốn theo người anh lên sống ở thành phố.

L’Amant (Người tình)

Khác với cuốn tự truyện « Un barrage contre le Pacifique », trong cuốn tự truyện này, người kể truyện xưng « tôi » khiến tự truyện có tính gần gũi, trực tiếp hơn. Vào đầu truyện người kể truyện nói về gương mặt của mình bị thời gian tàn phá : « Ngày nọ, khi tôi đã lớn tuổi, trong hành lang một nơi công cộng, một người đàn ông tiến về phía tôi. Ông ta tự giới thiệu và nói : « Tôi biết bà đã từ lâu. Mọi người đều nói bà đẹp khi bà còn trẻ, tôi đến đây để nói với bà rằng đối với tôi, tôi nhận thấy bây giờ bà đẹp hơn khi bà còn trẻ, tôi thích gương mặt bị tàn phá hiện nay của bà hơn gương mặt thiếu phụ của bà thuở xưa. » Một cơ hội để đi ngược dòng thời gian. Người kể truyện nhớ lại những kỷ niệm thời mới lớn ở Việt Nam. Những mảng kỷ niệm đuợc chắp nối nhau. Thuở đó cô gái được mười lăm tuổi rưỡi, mẹ cô làm hiệu trưởng trường Tiểu học nữ ở Sa Đéc, bà gửi cô lên Sài Gòn học ở trường Trung học Pháp, và ở tại cư xá Nhà Nước Pháp. Mỗi lần nghỉ học, cô về Sa Đéc với mẹ. Khi trở lên Sài Gòn, cô thường đi xe đò đậu ở chợ Sa Đéc, xe qua phà trên sông rồi tiếp tục con đường lên thành phố. Dù mới lớn nhưng cách thoa son phấn và cách ăn mặc của cô gái cho thấy cô đã bắt đầu nhạy cảm về nhục dục. Cái nón đàn ông cô đội và cách ăn mặc kỳ quặc chứng tỏ cô muốn thoát ly không khí ngột ngạt của gia đình. Chỉ sau khi « người anh nhỏ » chết cô gái mới rứt khỏi gia đình. Về sau bà mẹ sang Pháp với người con trai đầu lòng, con cưng của bà. Có lần cô gái đang đứng trên phà, một người đàn ông ngồi trong một chiếc xe limousine nhìn cô không chớp mắt. Người đàn ông là một thanh niên Trung Hoa, ăn mặc lịch sự, anh ta đề nghị đưa cô về Sài Gòn bằng xe của mình. Dọc đường cô gái được biết người thanh niên là con một, nhà giàu, anh ta vừa ở Paris về. Một buổi chiều anh ta đến cư xá mời cô đến căn hộ anh ta ở vùng Chợ Lớn (tác giả gọi « Cholen »). Cô gái cảm thấy sự ham muốn rạo rực nơi người thanh niên và cô cũng buông xuôi theo khoái lạc. Sự dan díu giữa hai người kéo dài một năm rưỡi. Gia đình cô được hưởng nhiều quà cáp của người thanh niên, nhưng không có một lời cám ơn. Họ khinh người thanh niên Trung Hoa, nhất là nguời anh cả của cô gái có một thái độ tàn nhẫn. Nhờ được mẹ cưng, người anh cả tỏ ra có uy quyền, cô em và người anh nhỏ không dám cưỡng lại. Chính người anh cả xúi giục mẹ đánh đập cô em để cô thú tội dan díu với người thanh niên Trung Hoa. Trong cư xá người ta nhắm mắt về chuyện đi chơi đêm của cô gái. Cô có một người bạn, Hélène Lagonelle, cô này không biết mình có một thân hình khêu gợi khiến cô gái thèm muốn được như bạn. Người kể truyện nhớ thêm về người anh cả, anh ta là một tên ăn cắp, lưu manh. Khi người mẹ chết ở Pháp, anh ta sống vất vưởng, sau này được an táng bên cạnh người mẹ. Một kỷ niệm về những đêm mùa nóng, bà mẹ đem các con đi ngắm cảnh làng thôn vùng sông Cửu Long. Cảnh đẹp đã gây ấn tượng sâu xa nơi người kể truyện. Người thanh niên Trung Hoa không làm sao thuyết phục được cha mình. Anh sẽ không bao giờ thành hôn được với một cô gái Tây phương. Người kể truyện cũng nhắc lại những kỷ niệm khác như bà điên Vĩnh Long, một người đàn bà hành khất bán con mình, một người đàn bà Tây phương sang trọng, gây tai tiếng ở Vĩnh Long. Những lúc gia đình cô gái chụp hình chung là những giây phút duy nhất mà gia đình có vẻ đoàn kết.

Đôi tình nhân biết chuyện của mình không lối thoát. Sự chia ly sắp đến khiến tình yêu xác thịt của họ càng mãnh liệt. Khi còn lại một mình, cô gái ý thức được mình là ai, ý thức mình muốn trở thành một nhà văn.

Cô gái lên tàu về Pháp, bỏ lại người tình. Trong khi tàu vượt đại dương, một người con trai 17 tuổi tự tử. Bản nhạc valse của Chopin bỗng vang khắp con tàu. Cô gái vùng đứng dậy, muốn nhảy xuống biển kết liễu đời mình như người con trai. Rồi cô khóc, bản nhạc của Chopin khiến cô nghĩ có lẽ cô đã yêu người đàn ông Chợ Lớn (l’homme de Cholen).

Rất nhiều năm trôi qua, sau bao thăng trầm của cuộc sống, người đàn ông Trung Hoa, nhân dịp ghé qua Paris với vợ, gọi điện thoại người kể truyện và thổ lộ rằng ông ta vẫn yêu cô gái thuở xưa cho đến chết.

Le ravissement de Lol. V Stein (Nỗi mê ly của Lol V. Stein)

Lola Valérie Stein là con gái của một giáo sư đại học, năm 19 tuổi cô đính hôn với một thanh niên tên Michael Richardson. Trong một buổi dạ hội khiêu vũ, Michael bỗng say mê một người đàn bà lớn tuổi hơn anh tên Anne-Marie Stretter, họ khiêu vũ với nhau trọn đêm, rồi cùng trốn đi, bỏ lại Lola. Lola bị xúc động mạnh và rơi vào một tình trạng yếu lả. Sau đó cô thành hôn với một nhạc sĩ vĩ cầm tên Jean Bedford. Cùng với chồng Lola dọn đến một thành phố xa, cô có ba con. Sau mười năm sống bình an, cuộc đời đưa đẩy Lola trở về thành phố xưa, ở trong ngôi nhà của cha mẹ để lại. Bỗng nhiên cơn điên trở lại, cơn điên hay đúng hơn một cách sống lạ lùng. Mỗi ngày Lola đi dạo xa, qua nhiều khu phố, không mục đích. Do đó Lola bắt gặp những cuộc hẹn hò lén lút giữa Tatiana, một người bạn học cũ, và một người y sĩ trẻ tên Jacques. Lola theo dõi cặp tình nhân, họ thường đến một khách sạn ở rìa thành phố, Lola núp trong một cánh đồng và rình theo những trò ái ân của họ. Rồi Lola cảm thấy một thứ tình yêu say đắm đối với Jacques, cô tìm cách nối lại tình bạn với Tatiana, chẳng bao lâu có một sự đồng lõa giữa Lola và Jacques. Jacques vẫn tiếp tục hẹn hò với Tatiana, anh ta vờ như không biết sự rình mò của Lola, anh ta biết Lola yêu anh ta và ủy quyền cho người khác thế Lola bên cạnh anh ta, và anh ta lấy làm thích thú. Cho đến một ngày kia Jacques thật sự làm tình với Lola, người đã ân ái với anh ta qua một kẻ trung gian. Khi hành động như thế, Lola chỉ muốn trừ tà quá khứ và giết con ma phản bội Michael. Sau đó họ trở lại cái thứ tình ái bộ ba.

Truyện « Le ravissement de Lol. V. Stein » gây bối rối cho độc giả. Cách tác giả trình bày đi ngược lại với nghệ thuật kể truyện, truyện càng đọc càng khó hiểu. Với những từ đơn giản, những câu văn tầm thường, Marguerite Duras có cái tài gây nên sự bất ổn, sự lo lắng, bằng cách gợi ý. Người đọc bị lôi cuốn bởi cái không khí lạ lùng, nó thể hiện một cái nhìn mãnh liệt về nỗi lo lắng của con người. Nỗi mê ly mà tác giả mời độc giả theo dõi là một sự ngây ngất nhập nhằng, khó hiểu. Ngôn ngữ không còn chuyển tải tư duy, nó trở nên dụng cụ để thăm dò những thế giới xa lạ, nó có tính thi vị và có sự tồn tại riêng của nó.

Le Vice–Consul (Ông Phó Lãnh sự)

Trong truyện này, ba nhân vật từ ba chân trời xuất hiện ở Calcutta. Jean-Marc de H., Phó Lãnh sự Pháp ở Lahore. Một đêm từ trên ban công, ông ta xả súng bắn về phía công viên Shalimar, nơi có nhiều người bị bệnh phong đang trú ẩn và nhiều chó hoang. Ông ta có điên không hay tâm thần bị suy sụp ? Hay ông say rượu ? Ông Phó Lãnh sự không tài nào giải thích hành động của mình. Ông bị gọi về Đại sứ quán ở Calcutta để chờ nhận lệnh thuyên chuyển nơi khác. Ở Calcutta mọi người đều tránh ông, ngoại trừ phu nhân ông Đại sứ, bà Anne-Marie Stretter, nhân vật thứ hai của truyện.

Anne-Marie Stretter là một phụ nữ lạ lùng, quyến rũ, với những bí ẩn khép kín, không ai biết gốc gác của bà, cách đây mười bảy năm bà bị người chồng tương lai, lúc đó là một công chức Pháp ở Đông Dương, bắt cóc. Tính tình bà khó hiểu : đồng bóng và bí mật, đầy nghị lực và áy náy, một người mẹ tốt, một phụ nữ giàu lòng thương người, nhưng buông thả về tình ái, làm như có sự đồng ý của người chồng.

Nhân vật thứ ba là một người đàn bà hành khất đầu hói với một vết thương lâu ngày thối ở chân. Người đàn bà này trước kia là một cô gái vùng sông Cửu Long, bị mẹ đuổi ra khỏi nhà vì lỡ mang thai. Khi cô ta sinh đứa bé, cô ta trao nó cho một phụ nữ người Âu. Lang thang qua bao dặm trường, cô gái trẻ trở thành một người đàn bà hành khất đặt chân đến Ấn độ, một người đàn bà hành khất bị phi nhân hóa, quên mình là ai, im lặng vì không ai hiểu ngôn ngữ của mình, người ngợm bẩn thỉu, bị bệnh hoạn ăn mòn. Cuối cùng người đàn bà hành khất chỉ còn là một thân tàn ma dại lê lết trong vườn của Đại sứ quán Pháp, bà ta chỉ thốt lên được một tiếng, đó là cái tên của làng bà ta. Khi nghe cái tên đó, bà Đại sứ Anne-Marie Stretter tự hỏi có phải là cái tên bà đã nghe lặp đi lặp lại bởi một người đàn bà nghèo mà bà đã cứu đứa con ở vùng sông Cửu Long cách đây nhiều năm không.

Khi cuốn truyện « Le Vice-Consul » ra mắt độc giả, các nhà phê bình Pháp lấy làm bỡ ngỡ vì ba nhân vật có vẻ rời rạc, dường như không có cốt truyện nhất quán, ba nhân vật là ba sự khó hiểu. Nhân vật ông Phó lãnh sự chẳng hạn, quá khứ của ông được kể từng mảnh, nhưng rồi không bao giờ người ta biết rõ sự bí ẩn của ông. Cũng như không biết rõ những liên hệ giữa bà Đại sứ Anne–Marie Stretter và người đàn bà hành khất. Nhân vật Anne-Marie Stretter là sự khó hiểu thứ hai và sự khó hiểu thứ ba là người đàn bà hành khất, tiếng hát lạ lùng của bà ta gợi lên nhiều bí ẩn.

Tuy nhiên nghệ thuật điện ảnh của Marguerite Duras cho độc giả cái nhìn về những nhân vật đậm nét này để cuối cùng gợi nhiều ý. Cũng như trong truyện « Le ravissement de Lol. V. Stein », ở đây phải nói đến cái tài gợi ý của Marguerite Duras. Bà gợi ý rằng con người không được trong suốt, rằng tất cả chúng ta ít nhiều đều là ông Phó Lãnh sự vô định mà những kỷ niệm tuổi thơ hết phân nửa là chuyện bịa, bà cũng gợi ý rằng sự liên hệ giữa người và người luôn luôn khó khăn, rằng tình yêu là một giải pháp nhưng nó là sự gắn bó mãnh liệt của dục năng đối với một người, rằng ký ức của chúng ta là « ký ức bị xóa bỏ », như ký ức của người đàn bà hành khất từ Việt Nam đến Calcutta ; tóm lại, con người tan đi trong sự tuởng tượng của kẻ khác và cũng trong tưởng tượng của chính mình.

Nếu độc giả chờ đợi một cốt truyện có đầu có đuôi thì sẽ có sự thất vọng, nhưng nếu độc giả chấp nhận cái ý nghĩ rằng ở đời có nhiều chuyện mập mờ, khó hiểu, mà ta có thể suy đoán, tưởng tượng đến bất tận, thì độc giả sẽ cảm thấy bị cuốn hút bởi nghệ thuật viết của Marguerite Duras.

Bốn tác phẩm kể trên cho thấy Marguerite Duras rút từ trong ký ức, từ « vùng tối bên trong », như bà nói, những kỷ niệm của tuổi thơ và tuổi mới lớn ở miền sông nước Cửu Long để dựng lên một không gian và nhiều nhân vật đặc thù.

Trước hết không gian là cảnh vật thiên nhiên, là biển của thời thơ ấu, thời người mẹ mua lầm vùng đất nhượng ven Thái Bình Dương. Trong hai truyện « Le ravissement de Lol. V. Stein » và « Le Vice–Consul » đều có biển ở cuối truyện, đặc biệt ở những trang cuối của « Le Vice–Consul ».

Sau biển có sông Cửu Long và những nhánh sông phụ thuộc. Trong truyện « L’Amant », nhân nói về sự gặp gỡ lần đầu giữa cô gái và người thanh niên Trung Hoa, tác giả viết : « Vậy chính là một lần vượt qua nhánh sông của sông Cửu Long, trên chiếc phà di chuyển giữa Vĩnh Long và Sa Đéc trong cái đồng bằng bùn lầy và đầy lúa của miền Nam Nam kỳ, cái đồng bằng Tràm Chim. (…) Tôi nhìn con sông. Đôi khi mẹ tôi nói rằng sẽ không bao giờ, trong đời tôi, tôi còn thấy được những con sông đẹp, lớn, man dại như những con sông đó, sông Cửu Long và các nhánh của nó chảy ra đại dương, những lãnh thổ nước đó sẽ biến mất trong những hố sâu của đại dương. » (L’Amant tr. 17)

« Trong ánh nắng mờ sương của con sông, ánh nắng của tiết nóng, hai bờ sông bị xóa, con sông dường như giáp với chân trời. Con sông âm thầm chảy, nó không gây một tiếng động nào, máu trong người. Không có gió trên mặt nước. Cái máy của chiếc phà, tiếng động duy nhất trong cảnh này, tiếng động của một cái máy hỏng với những thanh truyền bị lơi ra. Thỉnh thoảng những tiếng nói vọng đến từng loạt nhẹ nhàng. Và rồi tiếng chó sủa từ khắp nơi, từ sau màn sương, từ tất cả các làng. » (Sđd. tr. 30)

Trong không gian có Sa Đéc, có thành phố Vĩnh Long và thành phố lớn Sài Gòn. Trong « Un barrage contre le Pacifique », thành phố Sài Gòn hiện ra như một biểu tượng của thời Pháp đô hộ Việt Nam, cách miêu tả của Marguerite Duras có phần mỉa mai và cho thấy bà đứng về phía kẻ bị đô hộ :

« Đó là một thành phố lớn với một trăm nghìn dân cư, trải dài bên này và bên kia một con sông rộng và đẹp mắt.

Cũng như trong tất cả các thành phố thuộc địa, có hai thành phố trong thành phố này, thành phố của người da trắng và thành phố kia. Và trong thành phố của người da trắng lại có những khác biệt. (…)

Trong những năm đó, các khu của người da trắng ở tất cả các thành phố thuộc địa trên thế giới đều sạch sẽ một cách hoàn hảo. Không phải chỉ những thành phố mà thôi. Người da trắng cũng rất sạch sẽ. Ngay từ lúc họ đến đây, họ tập tắm mỗi ngày (…) và tập mặc đồng phục của thuộc địa, bộ đồ trắng, màu của đặc miễn, của vô tội. Kể từ đó, bước đầu tiên đã được thực hiện. Khoảng cách càng tăng thêm khi sự khác biệt đầu tiên được tăng lên giữa người da trắng với nhau, giữa người da trắng và những người khác, những người này tắm với nước mưa của trời và nước đầy phù sa từ những con sông lớn nhỏ. » (Un barrage contre le Pacifique, Gallimard, Folio, 1950, tr. 167-168)

Trong « L’Amant », ngoài thành phố Sài Gòn lại có thêm khu Chợ Lớn đông đúc, ồn ào.

Ở đây cần thêm một truyện ngắn, mà khung cảnh là thành phố Sài Gòn, trích trong tập truyện « Des journées entières dans les arbres », truyện « Le boa »  (Con trăn). Truyện này kể ngày chủ nhật cô gái thường đi dạo trong Sở Thú ở Sài Gòn với bà giám đốc cư xá, thường là để xem con trăn nuốt một con gà.

Ngoài không gian đặc sắc của miền Nam Việt Nam, còn có những nhân vật của thế giới tuổi thơ và tuổi mới lớn : bà mẹ và hai người anh, ông Jo, người thanh niên Trung Hoa, « bà điên Vĩnh Long », bà hành khất và người phụ nữ Pháp : bà Elizabeth Striedter.

Hình ảnh người mẹ rất đậm nét trong hai tự truyện viết cách nhau 30 năm, người anh cả cũng có vai trò quan trọng trong hai truyện này. Trong truyện thứ hai (L’Amant), cái chết của « người anh nhỏ » chấm dứt chuyện của mấy mẹ con : « Tất cả đều chấm dứt ngày hôm đó. » (Tout s’est terminé ce jour).

Ngoài gia đình, có ông Jo (Un barrage contre le Pacifique) và người thanh niên Trung Hoa (L’Amant), cả hai nhân vật thể hiện mẫu người đàn ông giàu sang mê cô gái Suzanne-Marguerite và bị gia đình cô khinh rẻ.

Nhưng chính những nhân vật nữ trong tuổi thơ của Marguerite Duras đã gây ấn tượng sâu xa cho tác giả, đến mức trở thành những ám ảnh, đó là « bà điên Vĩnh Long », người đàn bà hành khất đem con đi bán và người đàn bà của giới thượng lưu Pháp : bà Elisabeth Striedter, tất cả đều ở Vĩnh Long.

Người đàn bà hành khất xuất hiện ngay từ đầu, trong truyện « Un barrage contre le Pacifique » và hiện diện trong hai truyện « Le Vice-Consul » và « L’Amant ».

Bà điên Vĩnh Long thì gây sợ hãi cho cô bé trong truyện « L’Amant »: « Đó là một trong những đại lộ của Vĩnh Long, trải dài đến sông Cửu Long (…) Tôi chạy vì tôi sợ bóng tối. Tôi chạy càng lúc càng nhanh. Và thình lình tôi tưởng nghe thấy tiếng chạy của một người khác sau lưng tôi. Vừa chạy tôi vừa quay lại và tôi thấy. Đó là một người đàn bà rất cao, rất gầy, gầy như tử thần, và bà ta cười và bà ta chạy. Bà ta đi chân không, bà ta chạy sau tôi để đuổi kịp tôi. Tôi biết bà ta, đó là bà điên, bà điên Vĩnh Long. Lần đầu tiên tôi nghe tiếng bà ta, bà ta nói ban đêm, ngủ ban ngày (…). Bà ta vừa chạy vừa la trong một ngôn ngữ mà tôi không biết. Tôi sợ quá đến nỗi không la lên được. Hồi đó tôi khoảng tám tuổi. » (L’Amant, tr. 103-104)

Vào cuối truyện « Le Vice-Consul », nhân vật Charles Rossett, cũng như cô bé Marguerite, bị người đàn bà hành khất điên rượt theo. Phải chăng trong truyện « Le Vice-Consul » người đàn bà hành khất nhập làm một với bà điên Vĩnh Long ?

Nhưng có thể nói nhân vật có trọng lượng nhất, đã ám ảnh tác giả lâu dài và được huyền thoại hóa trong nhiều tác phẩm là Elizabeth Striedter, mà tác giả đã thấy năm 1930, tại Vĩnh Long. Elizabeth Striedter trở thành nhân vật Anne–Marie Stretter, người đàn bà quyến rũ và bí ẩn trong các truyện « Le ravissement de Lol V. Stein », « Le Vice-Consul » và « L’Amant ». Trong « Le ravissement… », Anne-Marie Stretter là một người đàn bà chiếm đoạt người yêu của kẻ khác. Trong « Le Vice-Consul », Anne-Marie Stretter là phu nhân của Đại sứ Pháp ở Calcutta, được nam giới vây quanh, săn đón, có nhiều nhân tình. Anne–Marie Stretter cũng xuất hiện trong kịch bản « India Song » và cuốn phim cùng tên, vì hai tác phẩm này kể lại truyện « Le Vice-Consul » theo nghệ thuật kịch nói và nghệ thuật điện ảnh. Và trong « L’Amant », tác giả kể cuộc gặp gỡ với « Cái bà ở Vĩnh Long » (La dame de Vinh Long), người đã thu hút tác giả.

Elizabeth Striedter là một trong những nguyên do của mạch viết của Marguerite Duras. Trong cuốn « Les Lieux », tác giả thổ lộ : « Đôi khi tôi tự nhủ rằng tôi viết vì bà ấy. » (Quelquefois je me dis que j’ai écrit à cause d’elle.)

Năm 1977, nhà văn Marguerite Duras nhận được một thiệp mời đến dự buổi nói chuyện của bà Elizabeth Striedter trong cư xá người già của bà. Marguerite Duras không đến dự. Sau đó bà nhận được một bức thư của bà Elizabeth Striedter, trong thư Elizabeth Striedter nói : « Bà có lý khi bà im lặng. Qua người phụ nữ là tôi thời đó, trí tưởng tượng của bà đã tạo nên một hình ảnh hư cấu, và hình ảnh này đã giữ cái vẻ đẹp của nó đúng là nhờ cái tính vô danh bí ẩn có khả năng gìn giữ nó. Chính tôi vô cùng tin chắc điều đó đến nỗi tôi không muốn đọc sách của bà cũng không muốn xem phim của bà. Giá trị của những kỷ niệm, những ấn tượng kín đáo được giữ gìn trong bóng tối, trong cái tâm thức về một thực tại trở nên phi thực tại. » (5)

Một năm sau, một cáo phó đăng trên nhật báo Le Monde báo tin Elizabeth Striedter đã từ trần.

Dưới mắt cô gái Marguerite, trong những năm 1930, Elizabeth Striedter thể hiện  sự phản kháng, âm thầm phản kháng cái xã hội người Pháp ở thuộc địa, cái giai cấp của kẻ đô hộ, và thể hiện sự mơ ước một cuộc sống tự do theo ham muốn của mình. Bản tính của Marguerite Duras cũng là một bản tính phản kháng. Vô tình hình ảnh của Elizabeth Striedter đã vượt thời gian để đồng hành với tác giả như một kẻ song trùng.

Để giải thích tập tính, cách hoạt động của con người, Freud đã nhấn mạnh về sự từng trải trong thời ấu thơ. Vô thức phát sinh từ đó. Về trường hợp của Marguerite Duras, vô thức ngấm ngầm trong cái bà gọi « vùng tối bên trong », nơi những hình ảnh, nhân vật và biến cố chồng chất, tích lũy từ tuổi thơ ở vùng sông nước Cửu Long, để nuôi dưỡng nguồn sáng tạo của một nhà văn Pháp nổi tiếng.

Tài liệu tham khảo :

Tác phẩm của Marguerite Duras

Tạp chí Le Nouvel Observateur ra ngày 3/9/1994

Tạp chí Le Magazine littéraire, số tháng 11/2011

Alain Vircondelet, Duras, biographie, Editions François Bourin, 1991

Dossier de presse, Le Ravissement de Lol V. Stein et Le Vice–Consul, Editions de l’IMEC et 10/18, 2006

Marguerite Duras, Rencontres de Cerisy, sous la direction de Alain Vircondelet.

Chú thích

(1) Marguerite Duras, Michelle Porte, Les Lieux de Marguerite Duras, Ed. Minuit, 1977, tr. 60-61, 99

(2) « Écrire, c’était ça la seule chose qui peuplait ma vie et qui l’enchantait. Je l’ai fait. L’écriture ne m’a jamais quittée. » (Marguerite Duras, Écrire, Ed. Gallimard, 1993, tr. 15)

(3) « Ma vie, dit-elle en 1988, elle est dans les livres. Pas dans l’ordre, mais qu’est-ce que ça fait ? » (Alain Vircondelet, Duras, biographie, tr. 56)

 (4) « … On a une sorte de logement en soi, d’ombre, où tout va, où l’intégralité du vécu s’amasse, s’entasse. Il représente la matière première de l’écrit, la mine de tout écrit. » (Entretien avec Michelle Porte, Le Camion, Editions de Minuit, tr. 105-106)

(5) Alain Vircondelet, sđd, tr. 53

Mời đọc truyện Người Tình:


Phim Người tình: (phim 18, nhiều cảnh đẹp cửu long, chợ lớn... xưa)


Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

MARGUERITE DURAS, MẠCH VIẾT BẮT NGUỒN TỪ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG

Đôi tình nhân biết chuyện của mình không lối thoát. Sự chia ly sắp đến khiến tình yêu xác thịt của họ càng mãnh liệt.


Nhà thơ Anh William Wordsworth có câu thơ : « Child is the Father of Man », đứa bé là cha của con người. Tuổi thơ là nguồn gốc của đời người, là cái nền tảng từ đó con người phát triển. Cho nên dấu ấn của tuổi thơ không bao giờ phai nhạt, trái lại nó ẩn sâu trong tâm lý, trong tư duy, trong trí tưởng tượng. Điều này thấy rõ qua tác phẩm của nhà văn Pháp Marguerite Duras.

Marguerite Duras chào đời ở Gia Định, vào thời Pháp đô hộ Đông Dương, bà lớn lên ở Sa Đéc, Vĩnh Long, học trung học ở Sài Gòn. Trên đường đời, dù bà có trôi giạt đến đâu, bà vẫn có bên mình cái thứ hành lý chất ngất mang tên Việt Nam, cái thứ hành lý đã đưa bà lên đỉnh cao của văn học Pháp. Hãy nghe Marguerite Duras thổ lộ về tuổi thơ của mình, năm 1975, với Michelle Porte như sau :

« Hồi đó chúng tôi là người Việt Nam hơn là người Pháp, bà thấy không. Bây giờ tôi phát hiện ra điều ấy, thuộc về chủng tộc Pháp, thuộc về, xin lỗi, quốc tịch Pháp, điều đó sai. Chúng tôi, chúng tôi nói tiếng Việt, như những đứa trẻ Việt Nam, chúng tôi không bao giờ mang giày, chúng tôi sống phân nửa trần truồng, chúng tôi tắm sông (…). Tóm lại, ngày nọ tôi được biết tôi là người Pháp. Ồ, chuyện này chắc phải xảy ra nhiều lần, bạn sống trong một môi trường, trong một không gian nào đó, bạn sinh ra trong môi trường, bạn nói cái ngôn ngữ của môi trường, v.v… – những trò chơi đầu tiên là những trò chơi của trẻ con Việt Nam, với những trẻ con Việt Nam – và rồi người ta cho bạn biết rằng bạn không phải là người Việt Nam. » (1)

Rồi Marguerite Duras đem cái tuổi thơ đó vào sự viết của mình. « Viết, chính là cái việc duy nhất trong đời tôi và làm cho đời tôi mê say. Tôi đã làm việc đó. Sự viết không bao giờ rời tôi. » (2) Marguerite Duras đã khẳng định điều đó ba năm trước khi bà mất.

Marguerite Duras cầm bút từ những năm 40, hai truyện đầu tay của bà, « Les Impudents » và « La vie tranquille » không được chú ý. Mãi đến năm 1950, cuốn tiểu thuyết tự truyện « Un barrage contre le Pacifique » (Cái đập cản Thái Bình Dương) được giới phê bình tiếp đón nồng nhiệt và suýt được giải Goncourt. Tiếp theo là một tập truyện ngắn « Des journées entières dans les arbres » (Những ngày tròn ở trên cây) và 7 tiểu thuyết trong đó có « Moderato Cantabile » (Nhịp vừa và ngân nga) (1958) rất thành công. Đến những năm 60, hai tiểu thuyết « Le ravissement de Lol V. Stein » (Nỗi mê ly của Lol V. Stein) và « Le Vice-Consul » (Ông Phó Lãnh sự) bỗng đẩy bà lên hàng đầu nền văn học Pháp. Rồi một loạt truyện tiếp theo mà hai truyện quan trọng cuối cùng là « L’Amant » (Người tình) và « L’Amant de la Chine du Nord » (Người tình miền Bắc Trung Quốc). Cuốn « L’Amant » là một thành công lớn, cuốn sách vừa mới ra đã bán được 250.000 cuốn, và sau khi được giải Goncourt, số sách bán lên đến 2.400.000 cuốn. « L’Amant » được dịch ra 25 thứ tiếng vào thời đó, và được nhà đạo diễn Jean-Jacques Annaud quay thành phim.

Ngoài ra, Marguerite Duras cũng viết nhiều kịch bản phỏng theo các truyện của bà.

Song song với việc sáng tạo văn chương, Marguerite Duras cũng có những hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, bà đã viết các truyện phim như : « Hiroshima mon amour » (1960), « La Musica » (1966), « La femme du Gange » (1973), » India Song » (1975), v.v…, và đã theo dõi sự thực hiện các phim đó. « Hiroshima mon amour » (Hiroshima dấu yêu) được xem là một thành công.

Có một thời kỳ Marguerite Duras được ghép với nhóm Tiểu Thuyết Mới, nhưng với hai tác phẩm « Le ravissement de Lol V. Stein » và « Le Vice–Consul » bà đã đi hướng khác,

Tác phẩm của Marguerite Duras không để một ai dửng dưng, có người tôn bà lên hàng đầu, lại có kẻ chê bai. Bà có một bút pháp đặc thù, đọc lên biết ngay là văn Duras. Câu văn của bà có khi ngập ngừng, chậm rãi, thường khi lặp đi lặp lại, khiến tôi có cảm tưởng như nước biển dạt vào bờ, rút đi rồi lại dạt vào, trong khi đó cốt truyện rất chậm tiến, độc giả thiếu kiên nhẫn không khỏi cau mày ; lại thêm câu văn lắm khi đứt đoạn, đảo ngược, phi cấu trúc. Dù thế, bút pháp lạ lùng của Marguerite Duras gây tò mò và có sức lôi cuốn độc giả.

Chẳng bao lâu hiện tượng Duras nở rộ khắp nơi. Các cơ quan truyền thông không ngớt phỏng vấn bà, mời bà phát biểu ý kiến. Điều quan trọng nhất là tác phẩm của bà trở nên đề tài nghiên cứu. Vào cuối thế kỷ 20, ở các đại học Pháp có trên 100 luận án tiến sĩ về Marguerite Duras trong nhiều ngành : văn học, phân tâm học, điện ảnh…, ở Mỹ có 89 luận án, và ở Canada cũng có một số luận án. Tóm lại, Marguerite Duras là một nhà văn, lúc sinh thời, được nghiên cứu nhiều nhất. Bà được xem là một nhà văn lớn của văn học Pháp, vào nửa sau thế kỷ 20.

Một cuộc đời đầy ắp sáng tạo như thế quả là một thành công rực rỡ. Tác phẩm của Marguerite Duras đa dạng và có tính hiện đại với cái đặc điểm là phá cấu trúc của cú pháp, của nhân vật, của cốt truyện và thời gian.

Ngoài ra tác phẩm của bà thường gợi một không gian Á châu, đặc biệt không gian Việt Nam, và có những nhân vật từ một cõi xa xăm bỗng hiện về như một ám ảnh. Năm 1988, Marguerite Duras tuyên bố : « Cuộc đời của tôi, nó ở trong các cuốn sách. Không theo thứ tự, nhưng đã sao ? » (3) Có nghĩa là tiểu sử và tác phẩm của bà quyện vào nhau, tiểu sử nuôi dưỡng tác phẩm. Không thể hiểu tác phẩm nếu không theo dõi tuổi thơ của bà. Những sự kiện, những biến cố xảy ra trong tuổi thơ ở Việt Nam giải thích thế giới tiểu thuyết và trí tưởng tượng của bà. Vậy để tiếp cận tác phẩm của Marguerite Duras, có hai thế giới cần được thăm dò : thế giới của tuổi thơ và thế giới của sáng tạo.

Thế giới của tuổi thơ

Marguerite Donnadieu, mà cả thế giới biết đến dưới bút danh Marguerite Duras, sinh năm 1914 ở Gia Định. Bà là con út một gia đình có ba con, người anh cả tên Pierre và người anh thứ tên Paul (Paulo). Cha là Henri Donnadieu, mẹ là Marie Legrand, cả hai là giáo viên phục vụ ở thuộc địa. Năm 1920, Henri Donnadieu làm Giám đốc Tiểu học ở Phnom Penh ; bị bệnh sốt rét nặng, ông trở về Pháp và mất năm 1921. Cô bé Marguerite lớn lên trong một gia đình không cha. Bà mẹ, Marie Donnadieu, là trọng tâm của thế giới tuổi thơ của cô bé. Bà là một người có nghị lực, cương quyết và là một người có tính hung hãn, nguy cơ bệnh điên manh nha trong đầu bà. Bà chỉ khoan dung một cách mù quáng với đứa con trai đầu lòng. Sau khi chồng mất, bà Marie Donnadieu và các con rời Phnom Penh, bà về dạy học ở Sa Đéc rồi Vĩnh Long, bà là một giáo viên tiểu học bị giai cấp thượng lưu Pháp ở thuộc địa coi thường, khinh rẻ. Lại nữa chính quyền thuộc địa trong những năm 1920-1930 gây những bất công, những kỳ thị, thứ bậc hành chính trở nên gắt gao.

Bà Marie Donnadieu vơ vét những món tiền dành dụm để tậu một vùng đất nhượng ở Prey Nop, phía nam Căm-pu-chia, gần biên giới Thái Lan, ven bờ Biển Đông, tưởng rằng rồi đây sẽ khai thác trồng trĩa lớn lao, nhưng vùng đất nhượng hóa ra là một vùng đất khô cằn bị nước biển tràn ngập hết sáu tháng trong một năm. Bà đã bị bọn người vô lương tâm lường gạt. Bà bị sạt nghiệp và phát điên. Chuyện rủi ro này về sau là đề tài của cuốn tự truyện « Un barrage contre le Pacifique ».

Cô bé Marguerite và người anh Paulo, mà về sau nhà văn Marguerite Duras gọi là « người anh nhỏ » (le petit frère), có một tuổi thơ gần như man dại, tự do bay nhảy trong những khu rừng rậm rạp có nhiều thú hoang, nhiều cây xoài đầy trái chín, quen thuộc với con sông Cổ Chiên và vô số con rạch mà trong truyện « Un barrage contre le Pacifique »  tác giả gọi là « rac ». Trước khi theo cha mẹ qua Phnom Penh một thời gian, Marguerite đã trông thấy Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội. Năm lên tám, Marguerite gặp một người đàn bà điên, « bà điên Vĩnh Long », bà này la hét trong một ngôn ngữ mà cô bé không hiểu, làm cô bé hoảng sợ.

Trong khi bà mẹ ca tụng nước Pháp với học trò mình thì cô bé Marguerite và người anh Paulo đồng hóa với trẻ con Việt Nam. Cô bé bướng bỉnh, không vâng lời mẹ, cảm thấy gần gũi và đồng lõa với mọi thứ của cái đất Annam này. Mỗi lần bà mẹ bắt được quả tang Marguerite trốn đi chơi ngoài rừng về, bà đánh cô bé, la hét, thốt ra những lời than thở, bà tự thương thân, kêu than sự bất lực của mình truớc một đứa bé khó dạy, quá cứng đầu và quá khác với bà. Rồi bà la lên : « Đồ cái con An Nam Mít chết tiệt ! » (Sale petite annamite !). Cô bé không thích ăn trái táo từ vùng Normandie gửi qua, mà lại thích ăn cá kho nước mắm (des poissons cuits à la saumure, au nuoc mam), cô thích giúp đỡ những người bồi chùi rửa hiên nhà, thích chơi với con cái của bồi. Marguerite Duras về sau nói « Đó là lễ hội của tình huynh đệ » (C’était la fête de la grande fraternité).

Sự chống đối giữa Marguerite và người mẹ ngày càng tăng. Cô bé luôn luôn đứng về phía đám người Việt Nam cần cù lao động bên bờ sông Cửu Long. Cô nói « Quê hương tôi, đó là một xứ sở đầy nước. » (« Mon pays natal, c’est une patrie d’eau. »). Nước mưa vùng nhiệt đới, nước rạch, nước sông khi đi phà, nước suối, nước thác, nước vũng. Cô bé nhìn cảnh khốn quẫn của người dân quê ngụp lặn trong bùn lầy, họ trở thành biểu tượng của Con Người bị đày đọa, thống khổ, cô đơn. Marguerite vừa sợ mẹ vừa thương mẹ, người mẹ hiện ra như một thứ tiên tri, bà được thổ dân tôn kính. Như đã nói, bà bị bệnh điên đe dọa. Năm Marguerite mười hai tuổi, cô cũng qua một cơn điên vì quá nổi loạn, vì một sự khiếp sợ. Năm 1981, Marguerite Duras tìm hiểu nguyên do của tình trạng này : năm 1925, cả gia đình đi nghỉ ở Long Hải, lần đầu tiên Marguerite có kinh nhưng cô vẫn tắm, máu ra khắp nơi, cô tự cảm thấy dơ bẩn, tự cảm thấy tội lỗi và đâm ra căm ghét người mẹ, tự hỏi tại sao bà không thấy gì, và cô nguyền rủa Thượng Đế, cô thốt ra những lời phạm thượng. Có sự mâu thuẫn giữa tâm trạng hung tợn, bứt rứt đó dễ đẩy cô vào bệnh điên và cái khả năng dễ hội nhập với cái xứ của con sông Cửu Long, lòng cô gái mâu thuẫn giữa sự căm ghét và tình thương. Cô bé Marguerite có những xung năng mãnh liệt và một tình thương bất tận đối với « người anh nhỏ ». Cô cảm thấy yêu người anh, cả hai họp thành đôi lứa vô tội, một thứ loạn luân. Gần bên anh, Marguerite cảm thấy có thể quên hết tất cả : sự độc ác, sự xấu xa của con người, của những người đã hại mẹ cô.

Cũng năm mười hai tuổi, Marguerite gặp một người đàn bà ăn xin, người đàn bà khốn khổ này đi lang thang, tay bế một đứa bé và không ngần ngại trao đứa bé cho bà Marie Donnadieu. Marguerite xúc động khi được biết bà ta hồi 17 tuổi đã lỡ mang thai và bị mẹ đuổi ra khỏi nhà. Người đàn bà hành khất sau này được đưa vào nhiều truyện của Marguerite Duras. Nhà văn cũng sẽ trở thành kẻ lang thang như người hành khất, sẽ hát lên như người hành khất những lời than van lải nhải, những lời than van về số kiếp phải sống.

Năm 1929 Marguerite được gởi lên Sài Gòn học, ở tại cư xá Lyautey. Mỗi cuối tuần cô trở về Sa Đéc với mẹ và hai anh. Một hôm, sau khi từ giã gia đình để trở lên Sài Gòn, trên chiếc phà qua sông, cô gái Marguerite lúc đó 15 tuổi gặp một chàng thanh niên Trung Hoa giàu có cũng ở Sa Đéc, chàng thanh niên này về sau được miêu tả qua nhân vật người tình trong hai truyện « L’Amant » và « L’Amant de la Chine du Nord ».

Năm 1930, trước khi từ giã mẹ để trở lên Sài Gòn học như thường lệ, một biến cố đã xảy ra và ám ảnh Marguerite suốt đời, như chuyện người đàn bà hành khất. Ở Vĩnh Long, vào thời đó có những khu dân cư với đủ hạng người sống lúc nhúc : người Việt Nam mà kẻ đô hộ gọi là « Annamites », người Trung Hoa, Căm-pu-chia, Mã Lai, những người làm bồi, làm thuê. Lại có những khu dành cho người Pháp với những ngôi nhà xinh xắn, những vườn hoa, những sân chơi quần vợt có cây che bóng mát. Marguerite thường dạo qua các khu phố vì tò mò. Một hôm cô thấy một chiếc xe chạy qua, bên trong có một người đàn bà da trắng với hai đứa trẻ con, người đàn bà có mái tóc hung, trong đôi mắt có cái gì như gợi lên sự chết và vẻ mặt buồn chán. Ở tỉnh nhỏ chuyện gì cũng truyền đi nhanh. Marguerite được biết người đàn bà tên Elizabeth Striedter, vợ một quan chức thuộc địa, bà không có bạn, chỉ có tình nhân. Marguerite theo dõi người đàn bà, tưởng tượng bà ta là một công chúa trong truyện cổ, trong khi người đàn bà này bị mọi người chỉ trích, lên án, một người tình nhân của bà vừa tự tử vì bà. Trong tâm trí của Marguerite, Elizabeth Striedter là người cho sự sống và cũng đem lại sự chết, một thứ nữ thần hiến thân cho đàn ông, giả vờ mình thuộc về họ để cuối cùng làm cho họ chết. Marguerite vừa sợ hãi vừa cảm thấy bị thu hút. Elizabeth Striedter sẽ là cái mẫu gốc của nhân vật Anne–Marie Stretter trong nhiều tác phẩm của nhà văn tương lai. Marguerite rình Elizabeth Striedter qua cái lưới sân quần vợt hoặc dọc những đại lộ, những con đường có bóng mát, nơi Elizabeth lặng lẽ đưa con đi dạo. Điều làm cho Marguerite cảm thấy mê hoặc là cái hình ảnh một người phụ nữ đi lang thang, một người vợ ngoại tình, phải chịu đựng con đường công danh của người chồng nơi thuộc địa, người phụ nữ không còn thuộc về mình nữa, mà bị đẩy ra trước dư luận. Marguerite ưa thích nơi bà Elizabeth Striedter sự khinh bỉ cuộc sống ở thuộc địa, sự bực mình vì phải chịu đựng những buổi tiếp tân, trong khi bà ta có một đời sống thầm kín đầy ham muốn. Marguerite cảm thấy khát khao địa vị của người đàn bà đó, một người mẹ, một người vợ bất chấp giai cấp của mình, cái giai cấp thượng lưu của người da trắng khoe khoan sự giàu có và ưu thế của mình. Marguerite cũng ở trong tình trạng tương đương như thế : cô có những giây phút trốn nhà để tự phó mặc cho thiên nhiên, hai chân trong bùn lầy, cô không muốn tuân theo cái thứ tự của xã hội thuộc địa, cô hoàn toàn cởi mở và ưa thích cái dân tộc bị đô hộ kia. Và cô gái tự đồng hóa với người đàn bà tên Elizabeth Striedter. Thế rồi Marguerite trở lên Sài Gòn học, để lại ở Vĩnh Long một người đàn bà được cô huyền thoại hóa.

Sài Gòn trong những năm 1930 là thủ đô của thuộc địa, được gọi là « Le Paris de l’Extrême-Orient » (Paris của Viễn Đông). Marguerite phát hiện một thành phố Sài Gòn giả tạo của giới thượng lưu Pháp, với những người đàn bà ăn mặc sang trọng, lịch sự, những nhà kinh doanh, những chủ đồn điền cao su giàu có, những viên chức cao cấp, quyền hành của chính quyền bảo hộ, một thế giới quá xa cách với miền sông nước Cửu Long của cô. Marguerite vừa ham muốn sự giàu sang của giai cấp đó vừa khinh bỉ nó.

Năm 1932, bà Marie Donnadieu về nghỉ phép ở Pháp, bà đem theo Marguerite và  Paulo. Nhưng rồi bà trở lại Việt Nam ngay với Paulo, để Marguerite ở lại Pháp.

Thế là Marguerite đã vĩnh viễn rời xa Việt Nam. Kể từ nay cuộc đời của cô thuộc về xã hội Pháp, cô học đại học, làm công chức, cô khởi đầu văn nghiệp với bút danh Marguerite Duras, thành hôn với Robert Antelme, ly dị, chung sống với Dyonis Mascolo, tham gia Kháng chiến chống Đức Quốc Xã, gia nhập Đảng Cộng sản, ba năm sau ra khỏi Đảng, chung sống với Yann Andréa, một thanh niên trẻ hơn Marguerite Duras 38 tuổi, cứ thế cuộc đời của nhà văn trôi qua với bao biến cố.

Điều quan trọng là những năm đầu đời của Marguerite Duras ở Việt Nam đã ảnh hưởng như thế nào đến tác phẩm của bà ? Ở Pháp bà trở thành một nhà văn nổi tiếng, đã xa cách Việt Nam, mảnh đất của tuổi thơ, xa cách về không gian và thời gian trong khi bà cầm bút.

Thế giới của sáng tạo

Viết không cứu được người viết khỏi điều gì, nhất là không cứu khỏi cái chết, khỏi tình yêu. Viết là một công việc bi thảm, người viết bị chìm vào một vùng xa lạ của chính mình, cái vùng khó định nghĩa mà Marguerite Duras gọi là « vùng tối bên trong » (l’ombre interne). Vùng tối này được ký ức nuôi dưỡng, nó gần với vô thức mà cũng gần với tình trạng điên. Đối với Marguerite Duras, sự viết bắt nguồn từ cái « vùng tối bên trong » đó, thuật ngữ này xuất hiện năm 1966. Marguerite Duras nói : « … Người ta có một thứ nhà ở trong bóng tối bên trong mình, nơi mà tất cả đi qua, nơi mà sự toàn vẹn của vốn sống tập hợp, chồng chất lên nhau. Nhà ở trong bóng tối là nguyên liệu của cái được viết ra, là cái nguồn không vơi của mọi cái được viết ra. » (4) Vậy từ cái « vùng tối bên trong » của tác giả, dần dần những tác phẩm hình thành và hiện ra ngoài ánh sáng.

Để theo dõi sự sáng tạo của Marguerite Duras và để biết mạch viết của bà từ đầu đến cuối bắt nguồn từ đâu, tôi chọn bốn tác phẩm tiêu biểu của bà sau đây, bốn tác phẩm có thể được xem như những cái mốc của một quá trình sáng tạo. Đó là : « Un barrage contre le Pacifique », « Le ravissement de Lol V. Stein », « Le Vice–Consul » và « L’Amant ».

Sự lựa chọn những tác phẩm này có giá trị tượng trưng : « Un barrage contre le Pacifique» mở đầu văn nghiệp của Margueite Duras và « L’Amant » kết thúc văn nghiệp. Hai tác phẩm ở giữa : « Le ravissement de Lol V. Stein » và « Le Vice–Consul » là hai tác phẩm hư cấu đánh dấu cao điểm của sáng tạo. Tác phẩm đầu và tác phẩm cuối là hai tự truyện được hư cấu ít nhiều. Nội dung của bốn truyện như sau.

Un barrage contre le Pacifique (Cái đập cản Thái Bình Dương)

Ở Đông Dương, vào thời Pháp thuộc, một gia đình người Pháp gồm bà mẹ, người con trai tên Joseph và người con gái 17 tuổi tên Suzanne, sống trên một vùng đất do Sở Địa bạ nhượng. Người mẹ làm việc vất vả để nuôi hai con. Khi đem hết số tiền dành dụm để mua đất, bà tưởng có thể khai khẩn vùng này để làm giàu, nhưng rủi ro cho bà, bà đã bị bọn viên chức của Sở Địa bạ lường gạt. Mảnh đất cằn cỗi, bị nước biển tràn vào, bà cố ngăn chặn bằng cách dựng lên một đường ranh với những thân cây đước, một « cái đập cản Thái Bình Dương ». Một cố gắng vô ích. Ba mẹ con sống trong cảnh nghèo đã sáu năm nay. Trong một quán cà phê, họ gặp một người đàn ông giàu sang, ông Jo, ăn mặc lịch sự, đi xe hiệu Léon Bollée. Ông Jo đâm mê Suzanne như điếu đổ, ông lui tới, không ngớt tặng quà cho cô gái. Bà mẹ liền tính toán, nếu Suzanne lấy chồng giàu thì mọi khó khăn vật chất sẽ được giải quyết. Joseph thì căm ghét và khinh bỉ ông Jo ra mặt, còn Suzanne, cô hoàn toàn dửng dưng. Khi ông Jo bị ép phải cưới Suzanne thì ông thoái thác rằng cha của ông muốn ông lấy một người con gái giàu có, con nhà gia thế. Nhưng vì quá mê Suzanne, ông Jo tặng cô một hột xoàn và đòi cô thưởng cho vài ngày đi chơi chung ở thành phố (Sài Gòn). Joseph tức giận đòi Jo đưa cho Suzanne cái hột xoàn vô điều kiện. Bà mẹ đoạt lấy hột xoàn và đánh đập Suzanne vì bà muốn biết con gái mình đã trả giá nào để có cái hột xoàn. Cuối cùng Joseph can thiệp và quyết định gia đình cắt đứt mọi giao thiệp với ông Jo. Ba mẹ con lên thành phố bán cái hột xoàn, họ ngụ tại khách sạn Hôtel Central. Bà mẹ phát hiện viên hột xoàn có khuyết tật, bà khuyên Suzanne nên nối lại với ông Jo để đòi ông tặng thêm một hay hai chiếc nhẫn khác. Suzanne gặp lại Jo, người đàn ông này vẫn mê cô và muốn đi xa hơn. Nhưng Suzanne hất ông ta ra và chấm dứt mọi giao thiệp. Bà mẹ bán được hột xoàn vội trả nợ cho ngân hàng, nhưng không vay được một món tiền khác như bà mong muốn. Một bất ngờ xảy ra : Joseph hoàn lại mẹ cái hột xoàn đã bán, vì người mua là một phụ nữ tên Lina, người yêu mới của Joseph. Ba mẹ con trở về vùng đất bên bờ biển. Nhưng rồi Joseph ra đi với người yêu. Bà mẹ tuyệt vọng, lâm bệnh nặng, bà cho gọi con trai của gia đình Agosti ở vùng đất bên cạnh để nhờ cậu thanh niên này bán dùm cái hột xoàn. Còn Suzanne sống trong tình trạng chờ đợi, nhưng không biết chờ đợi ai. Rồi cô có liên hệ tình dục lần đầu với Jean Agosti trong một khu rừng, nhưng Suzanne cho Agosti biết cô không có ý định thành hôn với anh ta. Chẳng bao lâu bà mẹ mất. Agosti yêu Suzanne và săn sóc cô. Joseph trở về, đau đớn vì mất mẹ. Những người dân quê bản xứ đến viếng bà mẹ lần chót. Suzanne từ chối lời yêu cầu của Agosti ở lại với anh ta, cô muốn vĩnh viễn rời xa cái vùng đất này, muốn theo người anh lên sống ở thành phố.

L’Amant (Người tình)

Khác với cuốn tự truyện « Un barrage contre le Pacifique », trong cuốn tự truyện này, người kể truyện xưng « tôi » khiến tự truyện có tính gần gũi, trực tiếp hơn. Vào đầu truyện người kể truyện nói về gương mặt của mình bị thời gian tàn phá : « Ngày nọ, khi tôi đã lớn tuổi, trong hành lang một nơi công cộng, một người đàn ông tiến về phía tôi. Ông ta tự giới thiệu và nói : « Tôi biết bà đã từ lâu. Mọi người đều nói bà đẹp khi bà còn trẻ, tôi đến đây để nói với bà rằng đối với tôi, tôi nhận thấy bây giờ bà đẹp hơn khi bà còn trẻ, tôi thích gương mặt bị tàn phá hiện nay của bà hơn gương mặt thiếu phụ của bà thuở xưa. » Một cơ hội để đi ngược dòng thời gian. Người kể truyện nhớ lại những kỷ niệm thời mới lớn ở Việt Nam. Những mảng kỷ niệm đuợc chắp nối nhau. Thuở đó cô gái được mười lăm tuổi rưỡi, mẹ cô làm hiệu trưởng trường Tiểu học nữ ở Sa Đéc, bà gửi cô lên Sài Gòn học ở trường Trung học Pháp, và ở tại cư xá Nhà Nước Pháp. Mỗi lần nghỉ học, cô về Sa Đéc với mẹ. Khi trở lên Sài Gòn, cô thường đi xe đò đậu ở chợ Sa Đéc, xe qua phà trên sông rồi tiếp tục con đường lên thành phố. Dù mới lớn nhưng cách thoa son phấn và cách ăn mặc của cô gái cho thấy cô đã bắt đầu nhạy cảm về nhục dục. Cái nón đàn ông cô đội và cách ăn mặc kỳ quặc chứng tỏ cô muốn thoát ly không khí ngột ngạt của gia đình. Chỉ sau khi « người anh nhỏ » chết cô gái mới rứt khỏi gia đình. Về sau bà mẹ sang Pháp với người con trai đầu lòng, con cưng của bà. Có lần cô gái đang đứng trên phà, một người đàn ông ngồi trong một chiếc xe limousine nhìn cô không chớp mắt. Người đàn ông là một thanh niên Trung Hoa, ăn mặc lịch sự, anh ta đề nghị đưa cô về Sài Gòn bằng xe của mình. Dọc đường cô gái được biết người thanh niên là con một, nhà giàu, anh ta vừa ở Paris về. Một buổi chiều anh ta đến cư xá mời cô đến căn hộ anh ta ở vùng Chợ Lớn (tác giả gọi « Cholen »). Cô gái cảm thấy sự ham muốn rạo rực nơi người thanh niên và cô cũng buông xuôi theo khoái lạc. Sự dan díu giữa hai người kéo dài một năm rưỡi. Gia đình cô được hưởng nhiều quà cáp của người thanh niên, nhưng không có một lời cám ơn. Họ khinh người thanh niên Trung Hoa, nhất là nguời anh cả của cô gái có một thái độ tàn nhẫn. Nhờ được mẹ cưng, người anh cả tỏ ra có uy quyền, cô em và người anh nhỏ không dám cưỡng lại. Chính người anh cả xúi giục mẹ đánh đập cô em để cô thú tội dan díu với người thanh niên Trung Hoa. Trong cư xá người ta nhắm mắt về chuyện đi chơi đêm của cô gái. Cô có một người bạn, Hélène Lagonelle, cô này không biết mình có một thân hình khêu gợi khiến cô gái thèm muốn được như bạn. Người kể truyện nhớ thêm về người anh cả, anh ta là một tên ăn cắp, lưu manh. Khi người mẹ chết ở Pháp, anh ta sống vất vưởng, sau này được an táng bên cạnh người mẹ. Một kỷ niệm về những đêm mùa nóng, bà mẹ đem các con đi ngắm cảnh làng thôn vùng sông Cửu Long. Cảnh đẹp đã gây ấn tượng sâu xa nơi người kể truyện. Người thanh niên Trung Hoa không làm sao thuyết phục được cha mình. Anh sẽ không bao giờ thành hôn được với một cô gái Tây phương. Người kể truyện cũng nhắc lại những kỷ niệm khác như bà điên Vĩnh Long, một người đàn bà hành khất bán con mình, một người đàn bà Tây phương sang trọng, gây tai tiếng ở Vĩnh Long. Những lúc gia đình cô gái chụp hình chung là những giây phút duy nhất mà gia đình có vẻ đoàn kết.

Đôi tình nhân biết chuyện của mình không lối thoát. Sự chia ly sắp đến khiến tình yêu xác thịt của họ càng mãnh liệt. Khi còn lại một mình, cô gái ý thức được mình là ai, ý thức mình muốn trở thành một nhà văn.

Cô gái lên tàu về Pháp, bỏ lại người tình. Trong khi tàu vượt đại dương, một người con trai 17 tuổi tự tử. Bản nhạc valse của Chopin bỗng vang khắp con tàu. Cô gái vùng đứng dậy, muốn nhảy xuống biển kết liễu đời mình như người con trai. Rồi cô khóc, bản nhạc của Chopin khiến cô nghĩ có lẽ cô đã yêu người đàn ông Chợ Lớn (l’homme de Cholen).

Rất nhiều năm trôi qua, sau bao thăng trầm của cuộc sống, người đàn ông Trung Hoa, nhân dịp ghé qua Paris với vợ, gọi điện thoại người kể truyện và thổ lộ rằng ông ta vẫn yêu cô gái thuở xưa cho đến chết.

Le ravissement de Lol. V Stein (Nỗi mê ly của Lol V. Stein)

Lola Valérie Stein là con gái của một giáo sư đại học, năm 19 tuổi cô đính hôn với một thanh niên tên Michael Richardson. Trong một buổi dạ hội khiêu vũ, Michael bỗng say mê một người đàn bà lớn tuổi hơn anh tên Anne-Marie Stretter, họ khiêu vũ với nhau trọn đêm, rồi cùng trốn đi, bỏ lại Lola. Lola bị xúc động mạnh và rơi vào một tình trạng yếu lả. Sau đó cô thành hôn với một nhạc sĩ vĩ cầm tên Jean Bedford. Cùng với chồng Lola dọn đến một thành phố xa, cô có ba con. Sau mười năm sống bình an, cuộc đời đưa đẩy Lola trở về thành phố xưa, ở trong ngôi nhà của cha mẹ để lại. Bỗng nhiên cơn điên trở lại, cơn điên hay đúng hơn một cách sống lạ lùng. Mỗi ngày Lola đi dạo xa, qua nhiều khu phố, không mục đích. Do đó Lola bắt gặp những cuộc hẹn hò lén lút giữa Tatiana, một người bạn học cũ, và một người y sĩ trẻ tên Jacques. Lola theo dõi cặp tình nhân, họ thường đến một khách sạn ở rìa thành phố, Lola núp trong một cánh đồng và rình theo những trò ái ân của họ. Rồi Lola cảm thấy một thứ tình yêu say đắm đối với Jacques, cô tìm cách nối lại tình bạn với Tatiana, chẳng bao lâu có một sự đồng lõa giữa Lola và Jacques. Jacques vẫn tiếp tục hẹn hò với Tatiana, anh ta vờ như không biết sự rình mò của Lola, anh ta biết Lola yêu anh ta và ủy quyền cho người khác thế Lola bên cạnh anh ta, và anh ta lấy làm thích thú. Cho đến một ngày kia Jacques thật sự làm tình với Lola, người đã ân ái với anh ta qua một kẻ trung gian. Khi hành động như thế, Lola chỉ muốn trừ tà quá khứ và giết con ma phản bội Michael. Sau đó họ trở lại cái thứ tình ái bộ ba.

Truyện « Le ravissement de Lol. V. Stein » gây bối rối cho độc giả. Cách tác giả trình bày đi ngược lại với nghệ thuật kể truyện, truyện càng đọc càng khó hiểu. Với những từ đơn giản, những câu văn tầm thường, Marguerite Duras có cái tài gây nên sự bất ổn, sự lo lắng, bằng cách gợi ý. Người đọc bị lôi cuốn bởi cái không khí lạ lùng, nó thể hiện một cái nhìn mãnh liệt về nỗi lo lắng của con người. Nỗi mê ly mà tác giả mời độc giả theo dõi là một sự ngây ngất nhập nhằng, khó hiểu. Ngôn ngữ không còn chuyển tải tư duy, nó trở nên dụng cụ để thăm dò những thế giới xa lạ, nó có tính thi vị và có sự tồn tại riêng của nó.

Le Vice–Consul (Ông Phó Lãnh sự)

Trong truyện này, ba nhân vật từ ba chân trời xuất hiện ở Calcutta. Jean-Marc de H., Phó Lãnh sự Pháp ở Lahore. Một đêm từ trên ban công, ông ta xả súng bắn về phía công viên Shalimar, nơi có nhiều người bị bệnh phong đang trú ẩn và nhiều chó hoang. Ông ta có điên không hay tâm thần bị suy sụp ? Hay ông say rượu ? Ông Phó Lãnh sự không tài nào giải thích hành động của mình. Ông bị gọi về Đại sứ quán ở Calcutta để chờ nhận lệnh thuyên chuyển nơi khác. Ở Calcutta mọi người đều tránh ông, ngoại trừ phu nhân ông Đại sứ, bà Anne-Marie Stretter, nhân vật thứ hai của truyện.

Anne-Marie Stretter là một phụ nữ lạ lùng, quyến rũ, với những bí ẩn khép kín, không ai biết gốc gác của bà, cách đây mười bảy năm bà bị người chồng tương lai, lúc đó là một công chức Pháp ở Đông Dương, bắt cóc. Tính tình bà khó hiểu : đồng bóng và bí mật, đầy nghị lực và áy náy, một người mẹ tốt, một phụ nữ giàu lòng thương người, nhưng buông thả về tình ái, làm như có sự đồng ý của người chồng.

Nhân vật thứ ba là một người đàn bà hành khất đầu hói với một vết thương lâu ngày thối ở chân. Người đàn bà này trước kia là một cô gái vùng sông Cửu Long, bị mẹ đuổi ra khỏi nhà vì lỡ mang thai. Khi cô ta sinh đứa bé, cô ta trao nó cho một phụ nữ người Âu. Lang thang qua bao dặm trường, cô gái trẻ trở thành một người đàn bà hành khất đặt chân đến Ấn độ, một người đàn bà hành khất bị phi nhân hóa, quên mình là ai, im lặng vì không ai hiểu ngôn ngữ của mình, người ngợm bẩn thỉu, bị bệnh hoạn ăn mòn. Cuối cùng người đàn bà hành khất chỉ còn là một thân tàn ma dại lê lết trong vườn của Đại sứ quán Pháp, bà ta chỉ thốt lên được một tiếng, đó là cái tên của làng bà ta. Khi nghe cái tên đó, bà Đại sứ Anne-Marie Stretter tự hỏi có phải là cái tên bà đã nghe lặp đi lặp lại bởi một người đàn bà nghèo mà bà đã cứu đứa con ở vùng sông Cửu Long cách đây nhiều năm không.

Khi cuốn truyện « Le Vice-Consul » ra mắt độc giả, các nhà phê bình Pháp lấy làm bỡ ngỡ vì ba nhân vật có vẻ rời rạc, dường như không có cốt truyện nhất quán, ba nhân vật là ba sự khó hiểu. Nhân vật ông Phó lãnh sự chẳng hạn, quá khứ của ông được kể từng mảnh, nhưng rồi không bao giờ người ta biết rõ sự bí ẩn của ông. Cũng như không biết rõ những liên hệ giữa bà Đại sứ Anne–Marie Stretter và người đàn bà hành khất. Nhân vật Anne-Marie Stretter là sự khó hiểu thứ hai và sự khó hiểu thứ ba là người đàn bà hành khất, tiếng hát lạ lùng của bà ta gợi lên nhiều bí ẩn.

Tuy nhiên nghệ thuật điện ảnh của Marguerite Duras cho độc giả cái nhìn về những nhân vật đậm nét này để cuối cùng gợi nhiều ý. Cũng như trong truyện « Le ravissement de Lol. V. Stein », ở đây phải nói đến cái tài gợi ý của Marguerite Duras. Bà gợi ý rằng con người không được trong suốt, rằng tất cả chúng ta ít nhiều đều là ông Phó Lãnh sự vô định mà những kỷ niệm tuổi thơ hết phân nửa là chuyện bịa, bà cũng gợi ý rằng sự liên hệ giữa người và người luôn luôn khó khăn, rằng tình yêu là một giải pháp nhưng nó là sự gắn bó mãnh liệt của dục năng đối với một người, rằng ký ức của chúng ta là « ký ức bị xóa bỏ », như ký ức của người đàn bà hành khất từ Việt Nam đến Calcutta ; tóm lại, con người tan đi trong sự tuởng tượng của kẻ khác và cũng trong tưởng tượng của chính mình.

Nếu độc giả chờ đợi một cốt truyện có đầu có đuôi thì sẽ có sự thất vọng, nhưng nếu độc giả chấp nhận cái ý nghĩ rằng ở đời có nhiều chuyện mập mờ, khó hiểu, mà ta có thể suy đoán, tưởng tượng đến bất tận, thì độc giả sẽ cảm thấy bị cuốn hút bởi nghệ thuật viết của Marguerite Duras.

Bốn tác phẩm kể trên cho thấy Marguerite Duras rút từ trong ký ức, từ « vùng tối bên trong », như bà nói, những kỷ niệm của tuổi thơ và tuổi mới lớn ở miền sông nước Cửu Long để dựng lên một không gian và nhiều nhân vật đặc thù.

Trước hết không gian là cảnh vật thiên nhiên, là biển của thời thơ ấu, thời người mẹ mua lầm vùng đất nhượng ven Thái Bình Dương. Trong hai truyện « Le ravissement de Lol. V. Stein » và « Le Vice–Consul » đều có biển ở cuối truyện, đặc biệt ở những trang cuối của « Le Vice–Consul ».

Sau biển có sông Cửu Long và những nhánh sông phụ thuộc. Trong truyện « L’Amant », nhân nói về sự gặp gỡ lần đầu giữa cô gái và người thanh niên Trung Hoa, tác giả viết : « Vậy chính là một lần vượt qua nhánh sông của sông Cửu Long, trên chiếc phà di chuyển giữa Vĩnh Long và Sa Đéc trong cái đồng bằng bùn lầy và đầy lúa của miền Nam Nam kỳ, cái đồng bằng Tràm Chim. (…) Tôi nhìn con sông. Đôi khi mẹ tôi nói rằng sẽ không bao giờ, trong đời tôi, tôi còn thấy được những con sông đẹp, lớn, man dại như những con sông đó, sông Cửu Long và các nhánh của nó chảy ra đại dương, những lãnh thổ nước đó sẽ biến mất trong những hố sâu của đại dương. » (L’Amant tr. 17)

« Trong ánh nắng mờ sương của con sông, ánh nắng của tiết nóng, hai bờ sông bị xóa, con sông dường như giáp với chân trời. Con sông âm thầm chảy, nó không gây một tiếng động nào, máu trong người. Không có gió trên mặt nước. Cái máy của chiếc phà, tiếng động duy nhất trong cảnh này, tiếng động của một cái máy hỏng với những thanh truyền bị lơi ra. Thỉnh thoảng những tiếng nói vọng đến từng loạt nhẹ nhàng. Và rồi tiếng chó sủa từ khắp nơi, từ sau màn sương, từ tất cả các làng. » (Sđd. tr. 30)

Trong không gian có Sa Đéc, có thành phố Vĩnh Long và thành phố lớn Sài Gòn. Trong « Un barrage contre le Pacifique », thành phố Sài Gòn hiện ra như một biểu tượng của thời Pháp đô hộ Việt Nam, cách miêu tả của Marguerite Duras có phần mỉa mai và cho thấy bà đứng về phía kẻ bị đô hộ :

« Đó là một thành phố lớn với một trăm nghìn dân cư, trải dài bên này và bên kia một con sông rộng và đẹp mắt.

Cũng như trong tất cả các thành phố thuộc địa, có hai thành phố trong thành phố này, thành phố của người da trắng và thành phố kia. Và trong thành phố của người da trắng lại có những khác biệt. (…)

Trong những năm đó, các khu của người da trắng ở tất cả các thành phố thuộc địa trên thế giới đều sạch sẽ một cách hoàn hảo. Không phải chỉ những thành phố mà thôi. Người da trắng cũng rất sạch sẽ. Ngay từ lúc họ đến đây, họ tập tắm mỗi ngày (…) và tập mặc đồng phục của thuộc địa, bộ đồ trắng, màu của đặc miễn, của vô tội. Kể từ đó, bước đầu tiên đã được thực hiện. Khoảng cách càng tăng thêm khi sự khác biệt đầu tiên được tăng lên giữa người da trắng với nhau, giữa người da trắng và những người khác, những người này tắm với nước mưa của trời và nước đầy phù sa từ những con sông lớn nhỏ. » (Un barrage contre le Pacifique, Gallimard, Folio, 1950, tr. 167-168)

Trong « L’Amant », ngoài thành phố Sài Gòn lại có thêm khu Chợ Lớn đông đúc, ồn ào.

Ở đây cần thêm một truyện ngắn, mà khung cảnh là thành phố Sài Gòn, trích trong tập truyện « Des journées entières dans les arbres », truyện « Le boa »  (Con trăn). Truyện này kể ngày chủ nhật cô gái thường đi dạo trong Sở Thú ở Sài Gòn với bà giám đốc cư xá, thường là để xem con trăn nuốt một con gà.

Ngoài không gian đặc sắc của miền Nam Việt Nam, còn có những nhân vật của thế giới tuổi thơ và tuổi mới lớn : bà mẹ và hai người anh, ông Jo, người thanh niên Trung Hoa, « bà điên Vĩnh Long », bà hành khất và người phụ nữ Pháp : bà Elizabeth Striedter.

Hình ảnh người mẹ rất đậm nét trong hai tự truyện viết cách nhau 30 năm, người anh cả cũng có vai trò quan trọng trong hai truyện này. Trong truyện thứ hai (L’Amant), cái chết của « người anh nhỏ » chấm dứt chuyện của mấy mẹ con : « Tất cả đều chấm dứt ngày hôm đó. » (Tout s’est terminé ce jour).

Ngoài gia đình, có ông Jo (Un barrage contre le Pacifique) và người thanh niên Trung Hoa (L’Amant), cả hai nhân vật thể hiện mẫu người đàn ông giàu sang mê cô gái Suzanne-Marguerite và bị gia đình cô khinh rẻ.

Nhưng chính những nhân vật nữ trong tuổi thơ của Marguerite Duras đã gây ấn tượng sâu xa cho tác giả, đến mức trở thành những ám ảnh, đó là « bà điên Vĩnh Long », người đàn bà hành khất đem con đi bán và người đàn bà của giới thượng lưu Pháp : bà Elisabeth Striedter, tất cả đều ở Vĩnh Long.

Người đàn bà hành khất xuất hiện ngay từ đầu, trong truyện « Un barrage contre le Pacifique » và hiện diện trong hai truyện « Le Vice-Consul » và « L’Amant ».

Bà điên Vĩnh Long thì gây sợ hãi cho cô bé trong truyện « L’Amant »: « Đó là một trong những đại lộ của Vĩnh Long, trải dài đến sông Cửu Long (…) Tôi chạy vì tôi sợ bóng tối. Tôi chạy càng lúc càng nhanh. Và thình lình tôi tưởng nghe thấy tiếng chạy của một người khác sau lưng tôi. Vừa chạy tôi vừa quay lại và tôi thấy. Đó là một người đàn bà rất cao, rất gầy, gầy như tử thần, và bà ta cười và bà ta chạy. Bà ta đi chân không, bà ta chạy sau tôi để đuổi kịp tôi. Tôi biết bà ta, đó là bà điên, bà điên Vĩnh Long. Lần đầu tiên tôi nghe tiếng bà ta, bà ta nói ban đêm, ngủ ban ngày (…). Bà ta vừa chạy vừa la trong một ngôn ngữ mà tôi không biết. Tôi sợ quá đến nỗi không la lên được. Hồi đó tôi khoảng tám tuổi. » (L’Amant, tr. 103-104)

Vào cuối truyện « Le Vice-Consul », nhân vật Charles Rossett, cũng như cô bé Marguerite, bị người đàn bà hành khất điên rượt theo. Phải chăng trong truyện « Le Vice-Consul » người đàn bà hành khất nhập làm một với bà điên Vĩnh Long ?

Nhưng có thể nói nhân vật có trọng lượng nhất, đã ám ảnh tác giả lâu dài và được huyền thoại hóa trong nhiều tác phẩm là Elizabeth Striedter, mà tác giả đã thấy năm 1930, tại Vĩnh Long. Elizabeth Striedter trở thành nhân vật Anne–Marie Stretter, người đàn bà quyến rũ và bí ẩn trong các truyện « Le ravissement de Lol V. Stein », « Le Vice-Consul » và « L’Amant ». Trong « Le ravissement… », Anne-Marie Stretter là một người đàn bà chiếm đoạt người yêu của kẻ khác. Trong « Le Vice-Consul », Anne-Marie Stretter là phu nhân của Đại sứ Pháp ở Calcutta, được nam giới vây quanh, săn đón, có nhiều nhân tình. Anne–Marie Stretter cũng xuất hiện trong kịch bản « India Song » và cuốn phim cùng tên, vì hai tác phẩm này kể lại truyện « Le Vice-Consul » theo nghệ thuật kịch nói và nghệ thuật điện ảnh. Và trong « L’Amant », tác giả kể cuộc gặp gỡ với « Cái bà ở Vĩnh Long » (La dame de Vinh Long), người đã thu hút tác giả.

Elizabeth Striedter là một trong những nguyên do của mạch viết của Marguerite Duras. Trong cuốn « Les Lieux », tác giả thổ lộ : « Đôi khi tôi tự nhủ rằng tôi viết vì bà ấy. » (Quelquefois je me dis que j’ai écrit à cause d’elle.)

Năm 1977, nhà văn Marguerite Duras nhận được một thiệp mời đến dự buổi nói chuyện của bà Elizabeth Striedter trong cư xá người già của bà. Marguerite Duras không đến dự. Sau đó bà nhận được một bức thư của bà Elizabeth Striedter, trong thư Elizabeth Striedter nói : « Bà có lý khi bà im lặng. Qua người phụ nữ là tôi thời đó, trí tưởng tượng của bà đã tạo nên một hình ảnh hư cấu, và hình ảnh này đã giữ cái vẻ đẹp của nó đúng là nhờ cái tính vô danh bí ẩn có khả năng gìn giữ nó. Chính tôi vô cùng tin chắc điều đó đến nỗi tôi không muốn đọc sách của bà cũng không muốn xem phim của bà. Giá trị của những kỷ niệm, những ấn tượng kín đáo được giữ gìn trong bóng tối, trong cái tâm thức về một thực tại trở nên phi thực tại. » (5)

Một năm sau, một cáo phó đăng trên nhật báo Le Monde báo tin Elizabeth Striedter đã từ trần.

Dưới mắt cô gái Marguerite, trong những năm 1930, Elizabeth Striedter thể hiện  sự phản kháng, âm thầm phản kháng cái xã hội người Pháp ở thuộc địa, cái giai cấp của kẻ đô hộ, và thể hiện sự mơ ước một cuộc sống tự do theo ham muốn của mình. Bản tính của Marguerite Duras cũng là một bản tính phản kháng. Vô tình hình ảnh của Elizabeth Striedter đã vượt thời gian để đồng hành với tác giả như một kẻ song trùng.

Để giải thích tập tính, cách hoạt động của con người, Freud đã nhấn mạnh về sự từng trải trong thời ấu thơ. Vô thức phát sinh từ đó. Về trường hợp của Marguerite Duras, vô thức ngấm ngầm trong cái bà gọi « vùng tối bên trong », nơi những hình ảnh, nhân vật và biến cố chồng chất, tích lũy từ tuổi thơ ở vùng sông nước Cửu Long, để nuôi dưỡng nguồn sáng tạo của một nhà văn Pháp nổi tiếng.

Tài liệu tham khảo :

Tác phẩm của Marguerite Duras

Tạp chí Le Nouvel Observateur ra ngày 3/9/1994

Tạp chí Le Magazine littéraire, số tháng 11/2011

Alain Vircondelet, Duras, biographie, Editions François Bourin, 1991

Dossier de presse, Le Ravissement de Lol V. Stein et Le Vice–Consul, Editions de l’IMEC et 10/18, 2006

Marguerite Duras, Rencontres de Cerisy, sous la direction de Alain Vircondelet.

Chú thích

(1) Marguerite Duras, Michelle Porte, Les Lieux de Marguerite Duras, Ed. Minuit, 1977, tr. 60-61, 99

(2) « Écrire, c’était ça la seule chose qui peuplait ma vie et qui l’enchantait. Je l’ai fait. L’écriture ne m’a jamais quittée. » (Marguerite Duras, Écrire, Ed. Gallimard, 1993, tr. 15)

(3) « Ma vie, dit-elle en 1988, elle est dans les livres. Pas dans l’ordre, mais qu’est-ce que ça fait ? » (Alain Vircondelet, Duras, biographie, tr. 56)

 (4) « … On a une sorte de logement en soi, d’ombre, où tout va, où l’intégralité du vécu s’amasse, s’entasse. Il représente la matière première de l’écrit, la mine de tout écrit. » (Entretien avec Michelle Porte, Le Camion, Editions de Minuit, tr. 105-106)

(5) Alain Vircondelet, sđd, tr. 53

Mời đọc truyện Người Tình:


Phim Người tình: (phim 18, nhiều cảnh đẹp cửu long, chợ lớn... xưa)


BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm