Truyện Ngắn & Phóng Sự
Mùa hè đi về xứ thổ dân da đỏ
Tuần qua chúng tôi rủ nhau đi chơi New Mexico. Tiểu bang này nổi tiếng có hang động Carlsbad Caverns mà trong chuyến đi thăm công viên quốc gia hôm đầu tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Barack Obama và gia đình đã ghé thăm, cùng với Yosemite ở California.
Chúng tôi bay đến El Paso, Texas, vì đây là thành phố lớn gần nhất, rồi từ đó thuê xe lái qua Carlsbad, New Mexico.
Vừa ra khỏi phi cơ là thấy mũ nón và giầy cao bồi là những nét đặc thù của Texas được trưng bày trong phòng đón khách sân bay.
Với vài giờ ở đây, sát biên giới Mexico mà bên kia là Juárez, như San Diego với Tijuana ở California, El Paso nổi tiếng là “The Capital of Mexican Food in the USA” nên chúng tôi đi tìm quán ăn Mễ, một quán bên cạnh nghĩa địa được nhiều cư dân mạng khen ngon.
Quán L & J Cafe mở cửa từ năm 1927, nằm trong khu dân cư. Hơn ba giờ chiều mà đông khách. Chip chiên nóng mang ra, mỏng và giòn, chấm salsa ớt xanh hay ớt đỏ xay nhuyễn cay, thơm. Salsa ớt đỏ là đặc sản. Các món taco hay burrito mỗi phần ăn không đắt. Tôi gọi một đĩa 3 cái steak tacos với cơm, rau, cheese, đậu đen xay nhuyễn, guacamole (bơ ngào) giá 9 đô 29 xu là cao nhất, các món khác trên dưới 8 đô. Đoàn chúng tôi tất cả 9 người, gọi các món khác nhau, ai cũng khen ngon và sẽ viết còm trên Yelp.
Không biết ở đây có bao nhiêu người Việt sinh sống, nhưng đọc báo El Paso Times ngày 27 tháng Bảy phần LifeStyle có bài viết chiếm gần hết trang nhất về cách làm gỏi cuốn tôm kiểu Việt Nam cùng với cách pha nước mắm chấm. Như thế món ăn Việt cũng được biết đến ở miền tây Texas.
Ăn xong, ra lại xa lộ đi Carlsbad. Trên đường có trạm dừng mà các xe phải vào. Nhân viên kiểm soát biên giới hỏi:
“Were you born and raised in the United States?” [Quí vị sinh ra và lớn lên tại Mỹ?].
Tôi trả lời hai con sinh ra lớn lên ở Mỹ còn vợ chồng tôi sinh ở Việt Nam và đã thành công dân Mỹ.
Ông hỏi tiếp là thành công dân Mỹ bằng cách nào, ở đâu?
Tôi trả lời “By naturalization in San Francisco.”
“Have a nice trip”. Ông chúc chúng tôi có chuyến đi chơi vui.
Đường từ El Paso đến Carlsbad dài 170 dặm, theo xa lộ 62-180. Hai bên toàn sa mạc, núi non. Khi còn khoảng chừng 30 dặm thì vào New Mexico. Hơn 8 giờ tối đến khách sạn.
Nghỉ ngơi chốc lát rồi đi tìm quán ăn tối. Cạnh khách sạn Hampton có tiệm Walmart khổng lồ, trong đó có bán thức ăn, rau trái và có cả tiệm bánh mì Subway. Chúng tôi mua nước, bia và một số đồ ăn vặt cho ngày mai rồi vào Subway ăn tối vì không muốn đi đâu xa.
Carlsbad là một thị trấn ở giữa sa mạc, như nhiều thành phố lớn nhỏ khác của Nevada, Arizona, Utah hay California, Texas, ở miền tây Hoa Kỳ.
Bay ngang nước Mỹ, từ cửa phi cơ nhìn xuống miền tây Hoa Kỳ toàn sa mạc khô cằn với đất cát và núi đá nâu. Nhưng giữa đất đá thỉnh thoảng vẫn thấy những cánh đồng mầu xanh hình chữ nhật hiện rõ lên khiến tôi tự hỏi dưới đó đang trồng cấy các thứ cây hay rau cỏ, hoa trái gì.
Giữa sa mạc mênh mông, người Mỹ đã xây dựng lên nhiều thành phố lớn bé. Palm Springs là khu nghỉ dưỡng, chơi gôn nổi tiếng ở California, Las Vegas là thủ đô đen đỏ của Nevada, Phoenix ở Arizona, Santa Fe hay Albuquerque của New Mexico đều nằm giữa sa mạc. Chính khả năng và trí tuệ con người đã có thể mở đường, dù cheo leo vách núi, rồi đem điện, nước, kỹ thuật đến để tạo dựng nên những khu vực cư dân với đời sống sầm uất.
Hôm nay chúng tôi đi chơi, trước hết là muốn thăm Carlsbad Caverns nằm trong một dãy núi cao hơn 4 nghìn bộ. Lái xe lên đỉnh rồi được thang máy đưa xuống 750 bộ (khoảng 250 m) trong lòng núi để bắt đầu đi vào những hang động, xem thạch nhũ với nhiều hình dạng khác nhau.
Được khám phá hơn trăm năm trước, khi có người thấy từng đàn dơi bay ra từ một cửa hang. Từ cửa đó nhà thám hiểm Jim White đã lần mò vào đến những hang động bên trong.
Ngày nay, mỗi khi trời bắt đầu tối, du khách có thể đến cửa hang để xem khoảng 400 nghìn con dơi, thuộc giống Brazilian không to lắm, bay ra đi ăn tối và sáng sáng lại bay trở về hang để ngủ.
Khu hang động Carlsbad Caverns được nâng lên hàng công viên quốc gia từ năm 1930 và năm 1995 được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Giữa nơi hang động sa mạc này có người Việt sinh sống không? Nhà tôi kể tối hôm đi chợ Walmart có nghe vài người nói tiếng Việt. Ở khách sạn tôi xem niên giám điện thoại, tìm các họ Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Bùi, Võ chỉ có duy nhất tên một người họ Nguyễn.
Trước thời đại Internet xem niên giám điện thoại tìm họ Việt có thể đoán biết trong khu vực có đông người Việt hay không, nay với điện thoại cầm tay, cách này không còn chính xác nữa. Nhưng vào mạng tìm tiệm neo (nail salon) thì có thể tìm ra người Việt trong vùng. Cách khách sạn Hampton vài khu phố có tiệm Hot Nail & Spa, trên đường S. Canal và tôi đoán với xác xuất cao chủ tiệm là người Việt. Tôi gọi điện thoại, nói tiếng Việt và được trả lời bằng tiếng Việt. Định vờ làm hẹn cho nhà tôi đi sơn móng tay ở đó để xem giá ra sao nhưng được trả lời là tiệm không phục vụ khách Việt. Như thế có phạm luật kỳ thị hay không?
Từ Carlsbad chúng tôi đi Roswell, đường dài hơn 70 dặm, theo xa lộ 285 về hướng bắc. Hai bên đường cũng chỉ sa mạc nhưng thấy nhiều giếng dầu đang hoạt động, có bồn lọc dầu nhỏ quanh đó. Vào đến thị trấn Artesia có nhà máy lọc dầu lớn, nhiều nơi trồng cây xanh, có chỗ với bảng ghi là trung tâm thí nghiệm nông nghiệp của đại học tiểu bang.
Hôm qua đi ngang đây thấy đàn bò cả nghìn con, hôm nay không thấy đâu nữa. Có thể những anh chàng cowboy đã dẫn chúng đi về một vùng khác như trong phim “City Slickers” với diễn viên Billy Crystal mà tôi đã xem cách đây hơn 20 năm về những cowboy của “miền tây hoang dã” của nước Mỹ.
Roswell có Bảo tàng UFO. Vào thăm, nhìn xem, đọc những tài liệu, những ghi chú cũng không thuyết phục tôi được điều gì. Câu hỏi đặt ra là có người từ hành tinh khác đã đáp xuống đây vào năm 1947 hay không và có phải là chính phủ Mỹ đã tìm mọi cách để che giấu chuyện này? Tôi cho đó chỉ là những huyền thoại thêu dệt rồi được dựng thành phim. Tiểu bang New Mexico có nhiều căn cứ quân sự, có trung tâm thí nghiệm nguyên tử ở Los Alamos, cách Roswell chừng 3 giờ xe, nơi đã có Project Manhattan chế bom nguyên tử thành công vào thập niên 1940.
Có thể người dân Roswell thời đó đã thấy một vài tín hiệu, vệt sáng hay tiếng nổ do các hoạt động quân sự bí mật của chính phủ Mỹ và cho đó là UFO, đĩa bay, từ hành tinh khác đáp xuống.
Lái xe từ Roswell lên Santa Fe theo xa lộ 285 lên phía bắc, trong lúc vào một trạm nghỉ bên đường giữa sa mạc mênh mông thì bỗng dưng có tiếng gầm rú làm giật mình rồi trên bầu trời xuất hiện một máy bay phản lực quân sự mầu đen, không huy hiệu bay ngang.
Lên Santa Fe ăn trưa ở quán Mễ trên đường Cerrillos, cũng rất đông khách. Ăn xong đi chơi phố cổ.
Nhà nguyện Lorreto với chiếc cầu thang xoắn được coi là phép lạ của Thánh Giuse vì cả trăm năm trước, những nữ tu ở đây cho một ông khách vào ở trọ và người khách này có thể làm được cầu thang với những vật liệu như thế là điều không thể, trước khi ông ra đi.
Santa Fe, cũng như Albuquerque, là hai thành phố lớn của tiểu bang và khắp nơi đều mang kiến trúc Adobe, nhà vuông vuông bằng đất xét đỏ đỏ, nâu nâu, mái phẳng, dù là nhà riêng, chung cư, hay khu thương mại, khách sạn. Nghệ thuật ở đây theo truyền thống người da đỏ, pha lẫn với nét văn hoá cổ truyền của Mexico qua những giỏ mây, những bình đất, xâu chuỗi, vòng đeo.
Tối đi ăn nhà hàng Thái. Quán MuDu đông khách, phải chờ cả tiếng đồng hồ nên chúng tôi đổi qua nhà hàng Ý Andiamo, gần phố cổ. Tuy không chờ lâu để được vào bàn, nhưng cách phục vụ không tốt. Thiếu bánh mì, chờ lâu thức ăn mới mang ra. Bồi bàn thiếu lịch sự.
Sáng sớm hôm sau đi Albuquerque, chừng 60 dặm, bằng quãng đường từ San Francisco đi San Jose, nhưng hai bên đường không nhà cửa, thỉnh thoảng có bảng chỉ vào khu bảo tồn của người da đỏ và trong đó có sòng bài.
Hôm nay đi nhiệt khí cầu (hot air balloon). Đến địa điểm lúc sáu giờ sáng, khoảng hơn bảy giờ là 12 khách được lơ lửng trên không, lên cao dần 1 nghìn bộ, rồi 2 nghìn. Có lúc xà xuống chạm bùn sông Rio Grande rồi lại bay lên, cao nhất là hơn 10 nghìn bộ.
Albuquerque là thủ đô của trò chơi trên không này vì thế đến đây mà không được chầm chậm bay lên thì coi như chưa đến New Mexico. Tối về khách sạn có tin khí cầu rơi ở Texas làm 16 người chết. Nếu chuyện này xảy ra trước thì có nhiều người sáng nay lo. Nhưng nghĩ lại thấy trên đời đâu có gì an toàn tuyệt đối, tai nạn thường xảy ra trên xa lộ, trên máy bay. Nếu sợ sẽ chẳng bao giờ vui chơi được.
Ở đây có hàng quán Việt như Café Dalat, Phở Saigon 1. Cuối tuần mà quán không mở cửa cho đến 10 giờ 30. Chúng tôi ăn phở ở Saigon 1 trên đường San Pedro. Giá phải chăng, không ngon bằng ở San Jose. Bà chủ được ai đó từ California gửi cho một gói rau muống to, bà mừng lắm và cho chúng tôi biết tiểu bang New Mexico cấm trồng loại rau này.
Rời quán Việt chúng tôi đi thăm phố cổ. Có nhà thờ cổ San Filipe de Neri, vài khu phố đã có từ hơn trăm năm với hàng quán được bảo tồn ở dạng nguyên thủy, nhưng không lớn bằng ở Santa Fe.
Chiều về lại Santa Fe đi thăm bảo tàng Georgia O’Keeffe. Theo cách nhìn riêng, tôi thấy tranh của bà không thu hút. Tuy nhiên đọc qua tiểu sử và cách biểu đạt những cảm xúc về tình dục qua nét vẽ các loại hoa của bà vào thời đó thì đó là mới lạ và táo bạo.
Ở New Mexico có Atomic City, thành phố nguyên tử. Bạn có biết ở đâu không? Đó là Los Alamos, nổi tiếng trong giới nghiên cứu khoa học vì có Los Alamos National Lab, là nơi đã thực hiện thành công Project Manhattan chế ra hai trái bom nguyên tử đầu tiên vào thập niên 1940 và đã được Hoa Kỳ ném xuống Nagasaki và Hiroshima ở Nhật để chấm dứt Thế chiến Thứ II.
Đến đây, du khách đi trên những xe buýt với bảng hiệu Atomic City, nhưng không phải để thăm trung tâm nghiên cứu khoa học, vì là khu vực cấm vào. Hầu hết đi xe này lên công viên Bandelier trên đỉnh núi thăm nơi ngày xưa dân da đỏ sinh sống trong những hang hốc đá.
Khi đến công viên, tôi thấy một trụ điện thoại công cộng với cuốn niên giám treo bên cạnh. Mở xem tên họ Việt cũng chỉ tìm thấy duy nhất một người họ Nguyễn, không có họ nào khác. Tôi đoán với xác xuất cao là người này phải là một nhà khoa học đang làm việc cho phòng thí nghiệm nguyên tử ở đây.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Bùi Văn Phú
Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
Mùa hè đi về xứ thổ dân da đỏ
Tuần qua chúng tôi rủ nhau đi chơi New Mexico. Tiểu bang này nổi tiếng có hang động Carlsbad Caverns mà trong chuyến đi thăm công viên quốc gia hôm đầu tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Barack Obama và gia đình đã ghé thăm, cùng với Yosemite ở California.
Chúng tôi bay đến El Paso, Texas, vì đây là thành phố lớn gần nhất, rồi từ đó thuê xe lái qua Carlsbad, New Mexico.
Vừa ra khỏi phi cơ là thấy mũ nón và giầy cao bồi là những nét đặc thù của Texas được trưng bày trong phòng đón khách sân bay.
Với vài giờ ở đây, sát biên giới Mexico mà bên kia là Juárez, như San Diego với Tijuana ở California, El Paso nổi tiếng là “The Capital of Mexican Food in the USA” nên chúng tôi đi tìm quán ăn Mễ, một quán bên cạnh nghĩa địa được nhiều cư dân mạng khen ngon.
Quán L & J Cafe mở cửa từ năm 1927, nằm trong khu dân cư. Hơn ba giờ chiều mà đông khách. Chip chiên nóng mang ra, mỏng và giòn, chấm salsa ớt xanh hay ớt đỏ xay nhuyễn cay, thơm. Salsa ớt đỏ là đặc sản. Các món taco hay burrito mỗi phần ăn không đắt. Tôi gọi một đĩa 3 cái steak tacos với cơm, rau, cheese, đậu đen xay nhuyễn, guacamole (bơ ngào) giá 9 đô 29 xu là cao nhất, các món khác trên dưới 8 đô. Đoàn chúng tôi tất cả 9 người, gọi các món khác nhau, ai cũng khen ngon và sẽ viết còm trên Yelp.
Không biết ở đây có bao nhiêu người Việt sinh sống, nhưng đọc báo El Paso Times ngày 27 tháng Bảy phần LifeStyle có bài viết chiếm gần hết trang nhất về cách làm gỏi cuốn tôm kiểu Việt Nam cùng với cách pha nước mắm chấm. Như thế món ăn Việt cũng được biết đến ở miền tây Texas.
Ăn xong, ra lại xa lộ đi Carlsbad. Trên đường có trạm dừng mà các xe phải vào. Nhân viên kiểm soát biên giới hỏi:
“Were you born and raised in the United States?” [Quí vị sinh ra và lớn lên tại Mỹ?].
Tôi trả lời hai con sinh ra lớn lên ở Mỹ còn vợ chồng tôi sinh ở Việt Nam và đã thành công dân Mỹ.
Ông hỏi tiếp là thành công dân Mỹ bằng cách nào, ở đâu?
Tôi trả lời “By naturalization in San Francisco.”
“Have a nice trip”. Ông chúc chúng tôi có chuyến đi chơi vui.
Đường từ El Paso đến Carlsbad dài 170 dặm, theo xa lộ 62-180. Hai bên toàn sa mạc, núi non. Khi còn khoảng chừng 30 dặm thì vào New Mexico. Hơn 8 giờ tối đến khách sạn.
Nghỉ ngơi chốc lát rồi đi tìm quán ăn tối. Cạnh khách sạn Hampton có tiệm Walmart khổng lồ, trong đó có bán thức ăn, rau trái và có cả tiệm bánh mì Subway. Chúng tôi mua nước, bia và một số đồ ăn vặt cho ngày mai rồi vào Subway ăn tối vì không muốn đi đâu xa.
Carlsbad là một thị trấn ở giữa sa mạc, như nhiều thành phố lớn nhỏ khác của Nevada, Arizona, Utah hay California, Texas, ở miền tây Hoa Kỳ.
Bay ngang nước Mỹ, từ cửa phi cơ nhìn xuống miền tây Hoa Kỳ toàn sa mạc khô cằn với đất cát và núi đá nâu. Nhưng giữa đất đá thỉnh thoảng vẫn thấy những cánh đồng mầu xanh hình chữ nhật hiện rõ lên khiến tôi tự hỏi dưới đó đang trồng cấy các thứ cây hay rau cỏ, hoa trái gì.
Giữa sa mạc mênh mông, người Mỹ đã xây dựng lên nhiều thành phố lớn bé. Palm Springs là khu nghỉ dưỡng, chơi gôn nổi tiếng ở California, Las Vegas là thủ đô đen đỏ của Nevada, Phoenix ở Arizona, Santa Fe hay Albuquerque của New Mexico đều nằm giữa sa mạc. Chính khả năng và trí tuệ con người đã có thể mở đường, dù cheo leo vách núi, rồi đem điện, nước, kỹ thuật đến để tạo dựng nên những khu vực cư dân với đời sống sầm uất.
Hôm nay chúng tôi đi chơi, trước hết là muốn thăm Carlsbad Caverns nằm trong một dãy núi cao hơn 4 nghìn bộ. Lái xe lên đỉnh rồi được thang máy đưa xuống 750 bộ (khoảng 250 m) trong lòng núi để bắt đầu đi vào những hang động, xem thạch nhũ với nhiều hình dạng khác nhau.
Được khám phá hơn trăm năm trước, khi có người thấy từng đàn dơi bay ra từ một cửa hang. Từ cửa đó nhà thám hiểm Jim White đã lần mò vào đến những hang động bên trong.
Ngày nay, mỗi khi trời bắt đầu tối, du khách có thể đến cửa hang để xem khoảng 400 nghìn con dơi, thuộc giống Brazilian không to lắm, bay ra đi ăn tối và sáng sáng lại bay trở về hang để ngủ.
Khu hang động Carlsbad Caverns được nâng lên hàng công viên quốc gia từ năm 1930 và năm 1995 được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Giữa nơi hang động sa mạc này có người Việt sinh sống không? Nhà tôi kể tối hôm đi chợ Walmart có nghe vài người nói tiếng Việt. Ở khách sạn tôi xem niên giám điện thoại, tìm các họ Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Bùi, Võ chỉ có duy nhất tên một người họ Nguyễn.
Trước thời đại Internet xem niên giám điện thoại tìm họ Việt có thể đoán biết trong khu vực có đông người Việt hay không, nay với điện thoại cầm tay, cách này không còn chính xác nữa. Nhưng vào mạng tìm tiệm neo (nail salon) thì có thể tìm ra người Việt trong vùng. Cách khách sạn Hampton vài khu phố có tiệm Hot Nail & Spa, trên đường S. Canal và tôi đoán với xác xuất cao chủ tiệm là người Việt. Tôi gọi điện thoại, nói tiếng Việt và được trả lời bằng tiếng Việt. Định vờ làm hẹn cho nhà tôi đi sơn móng tay ở đó để xem giá ra sao nhưng được trả lời là tiệm không phục vụ khách Việt. Như thế có phạm luật kỳ thị hay không?
Từ Carlsbad chúng tôi đi Roswell, đường dài hơn 70 dặm, theo xa lộ 285 về hướng bắc. Hai bên đường cũng chỉ sa mạc nhưng thấy nhiều giếng dầu đang hoạt động, có bồn lọc dầu nhỏ quanh đó. Vào đến thị trấn Artesia có nhà máy lọc dầu lớn, nhiều nơi trồng cây xanh, có chỗ với bảng ghi là trung tâm thí nghiệm nông nghiệp của đại học tiểu bang.
Hôm qua đi ngang đây thấy đàn bò cả nghìn con, hôm nay không thấy đâu nữa. Có thể những anh chàng cowboy đã dẫn chúng đi về một vùng khác như trong phim “City Slickers” với diễn viên Billy Crystal mà tôi đã xem cách đây hơn 20 năm về những cowboy của “miền tây hoang dã” của nước Mỹ.
Roswell có Bảo tàng UFO. Vào thăm, nhìn xem, đọc những tài liệu, những ghi chú cũng không thuyết phục tôi được điều gì. Câu hỏi đặt ra là có người từ hành tinh khác đã đáp xuống đây vào năm 1947 hay không và có phải là chính phủ Mỹ đã tìm mọi cách để che giấu chuyện này? Tôi cho đó chỉ là những huyền thoại thêu dệt rồi được dựng thành phim. Tiểu bang New Mexico có nhiều căn cứ quân sự, có trung tâm thí nghiệm nguyên tử ở Los Alamos, cách Roswell chừng 3 giờ xe, nơi đã có Project Manhattan chế bom nguyên tử thành công vào thập niên 1940.
Có thể người dân Roswell thời đó đã thấy một vài tín hiệu, vệt sáng hay tiếng nổ do các hoạt động quân sự bí mật của chính phủ Mỹ và cho đó là UFO, đĩa bay, từ hành tinh khác đáp xuống.
Lái xe từ Roswell lên Santa Fe theo xa lộ 285 lên phía bắc, trong lúc vào một trạm nghỉ bên đường giữa sa mạc mênh mông thì bỗng dưng có tiếng gầm rú làm giật mình rồi trên bầu trời xuất hiện một máy bay phản lực quân sự mầu đen, không huy hiệu bay ngang.
Lên Santa Fe ăn trưa ở quán Mễ trên đường Cerrillos, cũng rất đông khách. Ăn xong đi chơi phố cổ.
Nhà nguyện Lorreto với chiếc cầu thang xoắn được coi là phép lạ của Thánh Giuse vì cả trăm năm trước, những nữ tu ở đây cho một ông khách vào ở trọ và người khách này có thể làm được cầu thang với những vật liệu như thế là điều không thể, trước khi ông ra đi.
Santa Fe, cũng như Albuquerque, là hai thành phố lớn của tiểu bang và khắp nơi đều mang kiến trúc Adobe, nhà vuông vuông bằng đất xét đỏ đỏ, nâu nâu, mái phẳng, dù là nhà riêng, chung cư, hay khu thương mại, khách sạn. Nghệ thuật ở đây theo truyền thống người da đỏ, pha lẫn với nét văn hoá cổ truyền của Mexico qua những giỏ mây, những bình đất, xâu chuỗi, vòng đeo.
Tối đi ăn nhà hàng Thái. Quán MuDu đông khách, phải chờ cả tiếng đồng hồ nên chúng tôi đổi qua nhà hàng Ý Andiamo, gần phố cổ. Tuy không chờ lâu để được vào bàn, nhưng cách phục vụ không tốt. Thiếu bánh mì, chờ lâu thức ăn mới mang ra. Bồi bàn thiếu lịch sự.
Sáng sớm hôm sau đi Albuquerque, chừng 60 dặm, bằng quãng đường từ San Francisco đi San Jose, nhưng hai bên đường không nhà cửa, thỉnh thoảng có bảng chỉ vào khu bảo tồn của người da đỏ và trong đó có sòng bài.
Hôm nay đi nhiệt khí cầu (hot air balloon). Đến địa điểm lúc sáu giờ sáng, khoảng hơn bảy giờ là 12 khách được lơ lửng trên không, lên cao dần 1 nghìn bộ, rồi 2 nghìn. Có lúc xà xuống chạm bùn sông Rio Grande rồi lại bay lên, cao nhất là hơn 10 nghìn bộ.
Albuquerque là thủ đô của trò chơi trên không này vì thế đến đây mà không được chầm chậm bay lên thì coi như chưa đến New Mexico. Tối về khách sạn có tin khí cầu rơi ở Texas làm 16 người chết. Nếu chuyện này xảy ra trước thì có nhiều người sáng nay lo. Nhưng nghĩ lại thấy trên đời đâu có gì an toàn tuyệt đối, tai nạn thường xảy ra trên xa lộ, trên máy bay. Nếu sợ sẽ chẳng bao giờ vui chơi được.
Ở đây có hàng quán Việt như Café Dalat, Phở Saigon 1. Cuối tuần mà quán không mở cửa cho đến 10 giờ 30. Chúng tôi ăn phở ở Saigon 1 trên đường San Pedro. Giá phải chăng, không ngon bằng ở San Jose. Bà chủ được ai đó từ California gửi cho một gói rau muống to, bà mừng lắm và cho chúng tôi biết tiểu bang New Mexico cấm trồng loại rau này.
Rời quán Việt chúng tôi đi thăm phố cổ. Có nhà thờ cổ San Filipe de Neri, vài khu phố đã có từ hơn trăm năm với hàng quán được bảo tồn ở dạng nguyên thủy, nhưng không lớn bằng ở Santa Fe.
Chiều về lại Santa Fe đi thăm bảo tàng Georgia O’Keeffe. Theo cách nhìn riêng, tôi thấy tranh của bà không thu hút. Tuy nhiên đọc qua tiểu sử và cách biểu đạt những cảm xúc về tình dục qua nét vẽ các loại hoa của bà vào thời đó thì đó là mới lạ và táo bạo.
Ở New Mexico có Atomic City, thành phố nguyên tử. Bạn có biết ở đâu không? Đó là Los Alamos, nổi tiếng trong giới nghiên cứu khoa học vì có Los Alamos National Lab, là nơi đã thực hiện thành công Project Manhattan chế ra hai trái bom nguyên tử đầu tiên vào thập niên 1940 và đã được Hoa Kỳ ném xuống Nagasaki và Hiroshima ở Nhật để chấm dứt Thế chiến Thứ II.
Đến đây, du khách đi trên những xe buýt với bảng hiệu Atomic City, nhưng không phải để thăm trung tâm nghiên cứu khoa học, vì là khu vực cấm vào. Hầu hết đi xe này lên công viên Bandelier trên đỉnh núi thăm nơi ngày xưa dân da đỏ sinh sống trong những hang hốc đá.
Khi đến công viên, tôi thấy một trụ điện thoại công cộng với cuốn niên giám treo bên cạnh. Mở xem tên họ Việt cũng chỉ tìm thấy duy nhất một người họ Nguyễn, không có họ nào khác. Tôi đoán với xác xuất cao là người này phải là một nhà khoa học đang làm việc cho phòng thí nghiệm nguyên tử ở đây.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Bùi Văn Phú
Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.