Đầu đuôi câu chuyện :
Thời Hy Lạp cổ đại, lễ hội tôn vinh nữ thần Cybele, mẹ của tất cả các vị thần Hy Lạp, được tổ chức vào thời điểm Xuân Phân (khi mặt trời ở gần xích đạo nhất). Trong khi đó tại La Mã cổ đại, người ta ăn mừng lễ hội Matronialia để tôn vinh nữ thần Juno, nữ hoàng của các vị thần La Mã, vợ của thần Jupiter. Theo phong tục, các người mẹ tại La Mã cũng được tặng quà trong ngày này.
Vào đầu thế kỷ 17 Anh Quốc đã tổ chức kỷ niệm một ngày lễ gọi là ngày Chúa Nhật của Mẹ (Mothering Sunday), được cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay để vinh danh các bà Mẹ của Anh Quốc. Vào dịp này, những người làm công, người học việc, và công nhân phải xa nhà, được chủ nhân khuyến khích đi thăm mẹ của họ và tri ân họ. Cũng theo phong tục thời đó, các trẻ em đem quà và một bánh đặc biệt (thường là một loại bánh bột có nhân trái cây, được gọi là simnel), để tặng các bà mẹ.
Tại Hoa Kỳ, vào năm 1870, từ thành phố Boston bang Massachusset, bà Julia W. Howe hăng hái phổ biến ‘Bản Tuyên Ngôn Ngày Hiền Mẫu’ (The Mother's Day Proclamation) để kêu gọi việc tôn vinh các người mẹ. Bản tuyên ngôn này dựa trên nền tảng của chủ nghĩa nữ quyền, với ý tưởng ‘người phụ nữ cũng có trách nhiệm uốn nắn xã hội trên con đường chính trị’. Bà cũng có ý định thành lập một ngày lễ mang tên ‘Ngày Hiền Mẫu vì Hòa Bình’.
Rồi ý tưởng của bà Howe đã gây ảnh hưởng lớn đến không ít phụ nữ trong xã hội, điển hình là bà Ann Maria Reeves Jarvis, nữ giáo viên tại trường học tư của xứ đạo Thánh Andrew, tại thành phố Grafton, bang West Virginia. Trong bối cảnh Nội chiến Hoa Kỳ, Bà Jarvis tập hợp các phụ nữ khác, với sứ mệnh chăm sóc cho các thương binh từ cả hai miền Nam Bắc. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, bà khởi xướng phong trào mang tên ‘Ngày Các Hiền Mẫu Làm Việc’ (Mothers' Work Days) vào năm 1858, cùng với các bà mẹ hoạt động xã hội vì hòa bình. Bà qua đời tại thành phố Philadelphia vào năm 1905.
Tại ngôi mộ của mẹ mình, cô con gái Anna Marie Jarvis thề rằng sẽ nối gót theo chân mẹ và thành lập một ngày lễ dành riêng cho cácngười hiền mẫu, còn sống cũng như đã qua đời. Hai năm sau đó, cô mang 500 đóa hoa Cẩm chướng đến tặng cho từng người mẹ tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Andrew. Một năm sau, Nhà thờ Thánh Andrew lần đầu tiên tổ chức một thánh lễ ngày Chúa Nhật đặc biệt để vinh danh các người hiền mẫu trong cộng đoàn. Cô Anna Marie tiếp tục tranh đấu không ngừng để quảng bá ngày lễ này khắp nơi.
Đến năm 1909, thánh lễ vinh danh người hiều mẫu đã lan rộng đến 46 tiểu bang, cũng như là đến hai quốc gia láng giềng của Hoa Kỳ là Canada và Mexico.
Năm 1914, bản nghị quyết do Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua, và được Tổng Thống Woodrow Wilson ký, đã chính thức thành lập Ngày Hiền Mẫu, vào mỗi Chúa Nhật thứ hai tháng 5.
Tại Mỹ, các chi tiêu tài chính trong Ngày của Mẹ chỉ thua ngày lễ Giáng sinh. Theo ước tính của Liên đoàn bán lẻ Hoa Kỳ, trung bình khoảng 139 USD được dành chi tiêu cho mỗi món quà tặng mẹ. Việc thương mại hóa, đề cao chi tiêu và có phần làm lu mờ ý nghĩa thật trong ngày này, đã bị nhiều chỉ trích từ nhiều người hoạt động cộng đồng, kể cả từ bà Anna Marie Jarvis, người nêu ý tưởng thành lập ngày vinh danh Mẹ.
Thế giới làm gì ?
Hiện nay, Ngày của Mẹ được tổ chức ở nhiều quốc gia gồm có Mỹ, Nga, Anh Quốc, Ấn Độ, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thỗ Nhỉ Kỳ, Úc Đại Lợi, Mễ Tây Cơ, Gia Nã Đại, Trung Hoa, Nhật Bản, và Bỉ… Người ta dùng cơ hội của ngày này để tỏ lòng tôn kính mẹ của mình và tri ân các bà, về tình yêu thương và sự nâng đỡ của mẹ. Ngày này trở thành thật phổ biến và ở nhiều quốc gia, đường giây điện thoại bận rộn cao độ nhất trong ngày đó. Khắp nơi đều có phong tục tặng hoa, gởi card, và những quà tặng khác cho các bà mẹ nhân ngày lễ này.
Đặc biệt tại Philipines, người mẹ thường được tôn vinh và gọi là ‘ánh sáng của gia đình’ (điều khiển mọi hoạt động trong gia đình). Trong ‘ngày của Mẹ’ này, các bà được cơ hội thư giãn, đưa đi xem phim, đi chơi hoặc đi siêu thị, hay được dành thời gian riêng cho mình, trong
khi những đứa con và các ông bố sẽ phải làm việc nhà thay mẹ.
Tại Hàn Quốc hàng trăm các bạn học sinh trung học thể hiện lòng biết ơn đối với mẹ bằng cách rửa chân cho mẹ của mình. Hành động nhỏ của các bạn trẻ này thường khiến các bà mẹ vô cùng cảm động.
Ngày dành cho các bà mẹ ở Việt Nam cũng rất phổ thông bây giờ, cùng với ngày Lễ Vu Lan, Ngày Phụ nữ Việt Nam cũng như ngày ‘Quốc tế phụ nữ (8 tháng 3).
Đó đây người ta đọc được những giòng chữ gửi mẹ mình đại loại như thế này : “Con chúc mẹ có nhiều sức khỏe để có thể dẫn dắt chúng con đi trên đường đời. Mẹ mãi mãi là người mẹ yêu quý của con, con rất mong luôn có mẹ bên cạnh”. Và thêm : “Gửi mẹ yêu của con! Con chẳng biết nói gì hơn, nhân "Ngày của mẹ" con chỉ biết chúc mẹ luôn luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và luôn luôn là người mẹ mà con yêu quý nhất”. Rồi : “Mẹ! cám ơn mẹ rất nhiều vì mẹ đã sinh ra con và nuôi con khôn lớn. Con luôn cầu mong cho mẹ mạnh khoẻ và hạnh phúc, không chỉ riêng trong Ngày của mẹ. Lúc nào mẹ cũng ở trong trái tim con. Con yêu mẹ nhiều, mẹ kính yêu của con”.
Trên toàn thế giới, ai cũng công nhận rằng con người phải tôn kính và nhớ ơn mẹ sinh ra và nuối nấng mình. Tình yêu của mẹ thì bao la hơn biển cả, cao vời hơn những tầng mây, vĩ đại hơn những rặng núi, và bao la vô cùng vô tận. Thơ viết về mẹ bao giờ cũng dào dạt cảm xúc. Nhạc viết về mẹ bao giờ cũng trầm tư tình cảm. Tranh vẽ về mẹ bao giờ cũng lung linh ấm áp. Bởi hiển nhiên, mẹ là nguồn xúc cảm sâu xa, vô tận và nhiệm mầu nhất trong mọi nguồn sáng tạo. Tình yêu của mẹ là một nguồn cảm hứng không bao giờ cạn, là những tư tưởng vô tận của các thi sĩ, các nhà văn và của các văn nghệ sĩ. Trong lãnh vực tôn giáo, chính trị, kinh tế, con người thường tìm đủ lý lẽ để phân biệt, tách rời, phe nhóm; nhưng khi trái tim lên tiếng, nhất là trái tim của người mẹ thì thường đem mọi người lại gần nhau hơn.
Người Công Giáo nhớ về Mẹ Maria :
Giáo lý đạo Chúa dạy rằng : “Trong các tước hiệu Giáo Hội dùng để gọi Ðức Maria, có lẽ xứng hợp với tâm tình con người hơn cả vẫn là tước hiệu MẸ. Chúng ta có thể gọi Ðức Maria là MẸ với tất cả tâm tình trìu mến như khi chúng ta gọi người mẹ của chúng ta. Do lời trăn trối của chính Chúa Giêsu con Mẹ, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội. Qua muôn thế hệ, Mẹ không ngừng cưu mang, sinh ra và dưỡng dục các tín hữu trong đức tin. Niềm hạnh phúc của bất cứ người mẹ nào vẫn là thấy con mình được nên người. Mẹ Maria chăm chú theo dõi và lo lắng cho từng noni chúng ta. Niềm vui của Mẹ chính là thấy mỗi người chúng ta được lớn lên theo hình ảnh của Chúa Giêsu, Con Mẹ...”
Thực ra, Vương Quốc Anh đã mừng Lễ ‘Mothering Sunday’ vì chịu ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo, từng tổ chức vào Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay, là để tôn vinh Đức Mẹ Maria, ngay từ đầu thế kỷ 17. Vài nước Âu châu cũng đã bắt chước tục lệ này.Tại đó, tháng Năm trùng với mùa xuân; mà thói tục nhiều nơi đã tổ chức những lễ hội, tỉ như tại Rôma, người ta mở ra hội hoa, với những trò chơi, triển lãm dâng kính ‘thần Hoa’. Vào dịp ấy, cũng có những cuộc thi đua sắc đẹp giữa các thiếu nữ. Thực ra khung cảnh thiên nhiên dễ đưa tới chuyện này; tháng Năm là tháng ấm của mùa xuân, đó đây đầy những hoa nở với hương thơm ngào ngạt, làm cho con người cảm thấy sảng khoái, vui tươi. Nhằm thánh hóa những phong tục dân gian, các tín hữu Công Giáo muốn hướng những tâm tình tự nhiên lên đức Trinh nữ Maria, tuyệt đối kiều diễm, không vì nhan sắc tự nhiên cho bằng vì vẻ đẹp linh hồn, không hề vướng mắc tì ố của tội lỗi.
Thế là, trong tháng 5, cũng chính là tháng HOA theo truyền thống giáo hội, giáo dân mang đến cho Đức Mẹ những bó hoa, kèm theo những loin kinh dâng lên Ngài. Các Đức Giáo Hoàng lien tục nhắc tín hữu : “Đức Mẹ sẽ vui hơn khi nhìn thấy sự trưởng thành thiêng liêng nơi con cái mình. Mỗi lần chúng ta lớn lên trong ân phúc, trong bác ái yêu thương, trong hy vọng tin yêu : đó là những bó hoa tốt đẹp nhất mà chúng ta dâng lên MẸ...”
Có nghĩa là ‘ngày của Mẹ’ bỗng dưng tiên vàn được hướng lên Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ từng giáo hữu Công Giáo. Rồi đặc biệt vào năm 1954, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã thiết lập lễ kính ‘Đức Maria Nữ Vương Trời Đất’ vào ngày kết thúc tháng Năm. Lịch phụng vụ canh tân sau Công Đồng Vatican II đã dời lễ này sang ngày 22 tháng Tám, bát nhật lễ ‘Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời’, và thay vào đó bằng lễ ‘Đức Mẹ Thăm Viếng’.
‘Ngày của Mẹ’ bây giờ lan ra cả 31 ngày của tháng 5, thành ‘tháng của Mẹ’ đối với Đức Trinh nữ Maria. Để rồi nghĩa trọn vẹn của Tháng Hoa (tháng 5 dương lịch) phải là : Hoa thiên nhiên đồng nội hòa lẫn với hoa lòng của giáo hữu, hoa thánh thiện, hoa mầu nhiệm của Ơn Thánh tươi nở trong linh hồn chúng ta. Tất cả cùng tỏa hương thơm và khoe sắc trên bàn thờ kính Đức Mẹ.
LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
Toan Trinh chuyen