Truyện Ngắn & Phóng Sự
Người tù chăn bò ở Gia Trung (Phan Thái Yên)
Người tù chăn bò ở Gia Trung
Phan thái Yên
Trời đang vào trưa. Nắng đứng bóng tàng cây sao rậm lá làm thành khoảng mát tròn trịa trên đỉnh đồi nằm bên con đường đất đỏ dẫn vào khu trại tù Gia Trung. Xa xa dưới chân đồi, ẩn hiện sau trảng tranh rợp gió là khoảng tỉnh lộ mệt nhoài cố bám vào sườn dốc Tây Nguyên chênh vênh non núi. Khúc đường đầy ổ gà, mỗi ngày hiếm hoi vài chuyến xe đò Đồng Tiến uể oải quang gánh ngược phía An Khê hay xuôi về đồng bằng. Chân đồi phía bên kia tiếp giáp với trùng điệp núi rừng là dòng suối len lách lẩn khuất sau vạt nương rẫy hoang phế, xác xơ những hàng mì mảnh mai xiêu đổ. Buông làng rộn rịp dãy nhà sàn bên bờ suối ngày nào giờ chỉ lèo tèo vài cái chòi rẫy đã dột nát theo sự thất bại của phong trào xóa khố, định canh, định cư mà chính quyền cách mạng địa phương vẫn bức bách hô hào. Người dân miền núi quen với cuộc sống du canh đã bồng bế nhau đi cao hơn xa hơn vào trong xanh thẳm cheo leo của núi rừng để tìm sống cuộc đời tự do phóng khoáng cố hữu.
Dưới tàng cây sao, một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi đang chăm chú đánh tranh. Chân trái người đàn ông cụt đến đầu gối. Chiếc chân gỗ, có lẽ do anh tự làm, đứng một mình buồn bã trên nền đất. Cạnh đống tranh đã bện xong, sắp ngay ngắn chừng mươi tấm, một con bò cái đứng uể oải nhai đám cỏ xanh non lẫn với lá mì mà người đàn ông đã chu đáo gom lại thành đống. Cả người lẫn bò đều trầm mặc như nhau.
Đêm qua người đàn ông mất ngủ. Nằm trăn trở trên chõng tre, anh miên man nghĩ đến gia đình vợ con và niềm hạnh phúc trong mơ. Hôm nay là ngày đầy năm của đứa con đầu lòng anh chưa thấy mặt. Ngày con gái thôi nôi, chập chững bước chân nhỏ đầu đời, vậy mà bố không có mặt ở nhà. Anh mơ màng đến bước chân trở về khua tiếng gỗ trên khoảng sân gạch trước thềm nhà lẫn trong lời reo mừng trẻ thơ để rồi chỉ nghe trong vọng dậy đêm trường tiếng mình thở dài trống vắng.
Người đàn ông ngưng bện tranh, ngước mắt nhìn quanh. Con dốc sỏi vướng bụi đỏ ngoằn ngoèo dẫn lối vào trại tù oan khổ. Vệt khói gầy từ chiếc chòi tranh còm cõi, lay lắt màu lam xám cơ hàn bên dòng suối buồn bã trôi phía dưới chân đồi. Con đường nhựa loang nắng mất hút lối về trong mờ mịt Tây Nguyên. Tất cả chợt lan xa, hoang tàn tĩnh vật. Chỉ còn lại trong hồn anh niềm im lặng thinh không. Người đàn ông ngồi bất động, mắt như im sửng vào một nơi nào đó trong tận cùng suy tưởng.
Anh để lại một phần chân trái của mình trên chiến trường đầu tiên. Sau vài tháng kiên gan tập lại chuyện đi đứng với bàn chân nhân tạo tại một trung tâm chỉnh hình, người sĩ quan thương binh trẻ trở về thành phố quê hương làm thầy dạy học. Ngôi trường cũ và mối tình đầu thuở học trò đã giúp anh sống cuộc đời hạnh phúc bình thường. Làm chồng. Sắp làm cha thì cuộc chiến tàn. Gã học trò cùng lớp năm nào theo đoàn người chiến thắng từ rừng rú kiêu hãnh trở về tiếp thu trường cũ. Vinh quang lẫn mặc cảm không được đoái hoài vẫn làm hắn ghen tức nhiều đêm trong cánh rừng mật khu thiếu sinh khí đã khiến hắn quên đi hào khí mà trở thành đanh ác. Ngày khăn gói đi trình diện học tập cải tạo, người sĩ quan miền Nam cầm tay vợ mà lòng rưng buồn chẳng nói được tiếng giã từ. Mắt nàng nhòa lệ tiễn đưa lẫn giọt âu lo cho đứa con đầu lòng đang vào những tháng cuối cưu mang.
Phận nước đưa đẩy phận người cùng cảnh ngộ gần lại với nhau. Từ nhiều nơi trên khắp miền Nam, cả ngàn sĩ quan cũ đã bị bắt đi tập trung cải tạo ở Gia Trung, duy chỉ mình anh là thương binh cụt chân. Bạn tù nhiều người đã giúp anh hàng ngày làm xong chỉ tiêu lao động, cùng nhau vượt khó trong tình đồng đội tình người.
Năm tù đầu tiên chậm chạp trôi qua trong muôn vàn nhớ thương về gia đình, về người vợ hiền mảnh mai yếu đuối chưa quen chuyện gánh gồng và đứa con thơ chưa hề thấy mặt cha. Ngày nhận lá thư nhà đầu tiên có kèm tấm hình mẹ với bé gái Thiếu-Anh vừa tròn sáu tháng và "giống bố như đúc", người thương binh mừng tủi khóc như một đứa trẻ. Tình vợ chồng và lòng thương con đã giúp anh nương náu từng ngày.
Gần đây, hơn một năm sau những ngày cuối tháng Tư năm trước, viên quản giáo trưởng mới của trại từ miền Bắc thuyên chuyển vào gọi anh lên "làm việc". Điều mà anh vẫn từ lâu lo sợ đã đến. Chiếc chân nhân tạo như một phần thân thể của anh từ mấy năm nay thuộc về nhân dân. Anh phải trả chân của mình lại cho nhân dân. Trại cho anh mấy ngày làm đôi nạng gỗ để giúp đi lại. Cách Mạng khoan hồng sẽ giao công tác thích hợp để anh tiếp tục lao động cải tạo. Nghĩ đến những chiếc "hòm" nhôm sáng loáng mỗi cán bộ, vệ binh, hí hửng xách theo khi về Bắc nghĩ phép, người thương binh nhìn xuống viên quản giáo lùn thấp, dằn lòng:
- Tôi chỉ lo nếu người quen của cán bộ thấp bé quá thì sẽ gặp trở ngại. Cán bộ biết đấy, vì như thế phải điều chỉnh đế chiếc giày chân phải rất cao, khó đi lắm. Ngày trước, lúc Ngụy làm chân giả cho phế binh, họ có bác sĩ, chuyên viên, đo kích thước làm riêng cho từng người rồi hướng dẫn chỉnh hình luyện tập hàng tháng trời.
- Đồng chí K trưởng của đơn vị cũ tôi không bé người lắm đâu...
Viên quản giáo khựng biết mình lỡ lời, cặp môi dày thâm khói thuốc lào nhếch nụ cười gằn trên khuôn mặt vừa đanh lại.
- Chả sao! Đồng chí thủ trưởng sẽ khắc phục được tất! Mỹ Ngụy, đồng chí ấy còn đánh thắng thì sá gì cái chân què.
Người thương binh cũng cười khi anh bước xuống hiên ngôi nhà họp khang trang được dựng trên nền đất đắp cao bằng đôi tay khéo léo của những người tù cải tạo.
- Vâng! Có chân đi, lại được cao thêm vài phân thì tốt quá...
Quay ngước nhìn mái hiên tranh lợp dày gần nửa mét, anh khẻ thở dài bước qua khuôn sân bằng phẳng láng bóng. Anh đang bước những bước cuối bằng đôi chân sắp bị tiếm đoạt của mình.
Ngày người thương binh tháo chiếc chân giả trao cho viên quản giáo rồi chống đôi nạng gỗ về trại, anh cảm thấy như chân trái mình đang rỉ máu. Anh vừa bị cắt mất đi phần thân thể của mình. Nỗi đớn đau thấm đậm xót xa hơn vết cắt trên da thịt. Nỗi đau chung của một thế hệ bị lường gạt, bị tước đoạt, lưu đày, trên chính quê hương mình.
Vài hôm sau, vệ binh chở một xe đầy khoai mì khô và người thương binh đến một hợp tác xã nông nghiệp trong khu vực. Họ đổi khoai mì để nhận một con bò già, còm cõi, mang về trại. Gã chủ nhiệm phấn khởi với số lượng lớn khoai mì sẽ giúp hợp tác xã báo cáo vượt mức chỉ tiêu thu hoạch, rối rít mời người vệ binh ngồi chồm hổm trên nền đất kéo từng hơi thuốc lào dài, khói nồng thơm sặc sụa. Nhóm xã viên áo quần lam lũ, đi lại như bóng, lần lượt đổ từng thúng khoai vào bao tải đặt trên bàn cân. Họ cặm cụi cân đong, phụ nhau vác từng bao mì đầy ắp vào kho.
Con bò đứng lặng lẽ ở cuối sân, mắt mông lung nhìn khoang trời xanh thẳm, dáng suy tư như một nhà hiền triết đang tiếc thương cho cuộc đời phi lý quanh mình.
Anh thương binh chống người trên nạng gỗ thương hại nhìn con bò già - phần hoán đổi thua thiệt mà anh phải chấp nhận không thể đề kháng. Anh với cái chân đã bị tước đoạt và con bò già mất năng suất lao động, đang lơ đãng nhai lại mớ cỏ không hề có trong cái bao tử lép, đã bị chuyển qua vế thiếu trong một biến trình ngụy chứng nghịch lý và hồ đồ.
Một người đàn bà trẻ khăn choàng đầu, tay áo nâu dài phủ kín những ngón tay, vội vã bước vào sân nhà hợp tác. Nàng đứng nhìn chiếc xe khoai mì vơi quá nửa, thì thầm trao đổi với một người đàn bà trong nhóm, rồi thoắt bước đến bên con bò. Cô đứng tần ngần, xót thương nhìn đôi mắt bò hiền từ đang mở lớn nhìn nàng. Từ ống áo nâu cũ lấm bụi thuôn ra những ngón tay thon thả trắng hồng. Nàng để tay lên đầu con bò một hồi lâu rồi nhẹ vuốt lên khoảng lưng vàng ủng gầy gò. Cô gái cúi đầu thổn thức, hai hàng nước mắt lăn đọng trên khuôn mặt thanh tú.
Người thương binh chống nạng về phía cô gái. Nàng ngẩng đầu nhìn anh, đôi mắt còn ngấn lệ vướng víu chút e ngại lẫn ngạc nhiên. Cô gái còn trẻ lắm, có lẽ chưa đến hai mươi. Anh ngại ngần tự giới thiệu mình. Cô gái thoáng nhìn gả vệ binh vẫn ngồi chồm hổm trên nền đất đang ồn ào tán chuyện.
- Cháu cũng đoán chú từ trong trại Gia Trung ra. Không hiểu sao thương binh như chú mà họ cũng bắt đi cải tạo?
- Tôi vẫn tự hỏi mình từ hơn một năm nay câu hỏi tương tự. Thôi thì cúi đầu ráng sống. Hi vọng ngày mai trời lại sáng...Có lẽ cô rất thân thuộc với con bò này ?
Cô gái quay đầu, cố ngăn lòng xúc động đang khơi.
- Đây là một trong bầy bò đẻ bảy con của gia đình. Năm ngoái cha mẹ cháu bị kiểm kê theo diện tư sản. Bầy bò bị sung công. Chị em cháu đặt tên bò theo bảy nốt nhạc. Ba con giao về hợp tác xã này, nhờ đó mà cháu được làm lao động nhẹ. Đây là con La. Đầu tháng Hai rồi, con Rê con Mi bị đổi cho bộ đội để họ ăn mừng. Hôm nay tới lượt con La. Ba mươi tháng Tư qua rồi, lễ gì sắp tới nữa vậy chú?
Người thương binh xúc động thả tầm mắt nhìn bãi đồi hoang cháy ngoài kia. Chàng mường tượng đến bầy bò khỏe mạnh ung dung với cỏ mượt trên ngọn đồi xanh. Nhạc chuông ngân nga đọng bóng hoàng hôn theo từng bước chân gia súc chậm rãi trở về chuồng. Tiếng cười con gái hồn nhiên trên đồi chiều bay theo âm nhạc. Phận người. Phận bò. Phận đời cuồng xoay trong vòng biện chứng duy vật điêu ngoa. Những con bò bị sung công, một lần nữa với thân phận đọa đày đang trở thành hiến vật cho cuộc tế lễ thần linh mới.
- Còn vài tháng nữa mới đến tháng Chín. Cô cũng biết... phận tù đày... nhưng tôi sẽ cố gắng để con La thảnh thơi no đủ được ngày nào hay ngày đó.
Cô gái vuốt ve khúc lưng con La gầy nhom trơ xương sườn. Nàng nghẹn ngào gởi gắm sao nghe như tiếng mình đang thốt lên lời tự nhủ.
- Cảm ơn chú. Dù sao con La cũng sẽ được ung dung nghỉ ngơi vài tháng trước khi yên phận. Cha chung không ai khóc... Ở đây, xã viên ai cũng lợi dụng sức bò để bớt nhọc nhằn cho mình nhưng chẳng ai màng lo tới hoặc có thì giờ để chăm sóc nên con La ngày càng ốm yếu.
Cô gái quày quả bỏ đi lúc chiếc xe chở con La rời nhà hợp tác chạy về Gia Trung. Người thương binh biết cô gái đang khóc ròng trên mỗi bước chân nàng. Bấc giác chàng đưa tay vỗ về sống lưng trơ xương của con bò già vẫn nằm im trên sàn xe đang gầm gừ leo dốc.
Công việc chăn bò tưởng đơn giản thực quả khó khăn cho người thương binh phải chống nạng gỗ băng đồi, trèo mương, dẫn bò tìm vùng có cỏ non. Từ rạng sáng, sau khi lãnh khẩu phần cơm độn khoai và bi-đông nước, lúc vệ binh dẫn các tổ lao động đi thành xâu dài lên rẫy thì anh lê nạng gỗ dẫn bò xuống đồi đi tìm ăn đến chạng vạng tối mới về đến trại. Gần đây người thương binh vui mừng tìm ra được vùng đồi cỏ mượt xanh, không xa suối, cho bò ăn no tắm mát, tuy phải chịu khó chống nạng đi xa. Được ăn no và khỏi phải thồ kéo nặng nhọc suốt ngày, con La nhanh chóng lấy lại sức lực. Tuy còn gầy còm nhưng những lằn trũng giữa xương sườn cạn dần.
Một buổi chiều sau khi chống nạng trèo dốc về đến trại, anh cột bò vào chuồng cạnh khu nhà vệ binh rồi mệt mỏi về láng. Bụng đói cồn cào mà thân xác thì chỉ muốn nằm vật ra ngủ vùi. Người thương binh ngạc nhiên khi thấy đông đủ bạn tù đang ngồi quanh chõng tre của anh chờ đợi. Giữa chỏng nhô cao một vật gì đó được đậy kín bằng chiếc tấm đắp. Mọi người nhôn nhao tranh nhau bảo anh nhắm mắt chờ nghe hô 1, 2, 3 xong mới được mở ra. Anh lặng người nhìn trừng trừng chiếc chân giả trên chõng tre mà nước mắt hân hoan đầm đìa trên má. Lời cảm ơn chiến hữu, tình bạn, tình người, khản nghẹn trong nỗi vui ngần ngật choáng váng. Anh chợt biết rất rõ mình có thể đứng thẳng và thách thức mọi điều. Những bàn tay nhân hậu đã nắm chặt lấy nhau tự tại thì có sá chi chút cơ hàn khổ nghiệt.
Gần nửa tháng qua, bạn tù trong láng đã âm thầm đo đạc chiếc chân cũ của anh rồi cùng nhau góp tài năng sáng kiến hoàn thành chiếc chân mới. Chân đẽo bằng gỗ cây căm-xe rất tinh xảo. Phần để cột nối vào bắp vế được làm bằng nhựa bọc da rất công phu với những sợi dây da có nẹp cài chắc chắn.
Người hy sinh cái xách da tốt , một bạn tù lớn tuổi, nói đùa.
- Có "chưn đứng" rồi thì ráng chăn bò cho mập để hôm nào cách mạng chia cho mỗi đứa một miếng thịt để nhét kẽ răng ăn mừng nghe "đồng chí".
Buổi tối hôm đó, người thương binh mừng quá quên ngủ. Anh gắn chân vào, điều chỉnh tới lui, tập đi hằng giờ.
Chỉ vài ngày sau khi người thương binh có chân mới, giữa một buổi học tập chính trị sau giờ lao động, quản giáo gọi anh đứng dậy. Cách mạng khen ngợi anh đã khắc phục tự làm chân gỗ để đi, không cần nạng và không lệ thuộc vào chân giả Mỹ Ngụy để lại. Cách mạng chí công vô tư sẽ giúp đỡ anh nâng cao năng suất lao động cải tạo. Từ nay ngoài công tác chăn bò tăng nhanh trọng lượng, mỗi ngày cách mạng tạo điều kiện để anh đóng góp thêm vào chỉ tiêu lao động sản xuất các bạn tù phải làm. Tối hôm đó, tay xách chiếc đòn gỗ cùng bước về láng, tổ lao động của anh có thêm câu chuyện để cùng nhau cười qua đêm.
Hàng ngày dẫn bò xuống tắm ở dòng suối chân đồi, người thương binh gợi chuyện rồi trở thành thân mật với ông già người Rhadé một mình giữ cháu ở cái chòi rẫy bên bờ suối. Đứa bé trai chưa đầy bốn tháng mà cha mẹ phải bỏ ở nhà nhờ nội trông để đi làm rẫy xa cho hợp tác xã nông nghiệp. Mỗi ngày họ phải ra đi từ rạng sớm đến tối mịt mới về lại chòi. Ông nội già yếu chẳng có chi ngoài nước cơm pha muối để nuôi cháu. Lần anh trao cho người Thượng già nhúm đường cát trắng quậy trộn vào nước cơm, nhìn đứa bé ngon lành nuốt trọn từng muỗng ngọt ngào mà lòng anh bàng hoàng xúc động. Từ đó, mỗi lần bạn tù sớt cho chút đường cát, tán đường, nắm muối, dúm bột ngọt anh đều không quên người bạn vong niên nghèo khó bên bờ suối. Ông già Rhadé cũng cảm tấm lòng người bạn Kinh khổ nạn, chỉ anh giăng bẫy đặt lờ giúp tổ lao động "cải thiện" bữa cơm tối. Gặp ngày "trúng mối" anh hí hửng cất giấu mang về trại con cá nhỏ hay chú thỏ con bằng nắm tay ngờ nghệch sa bẫy. Người và bò với những tấm tranh oằn lưng đếm từng bước mệt nhọc trên con dốc dài trở về trại mỗi chiều hôm.
Mùa hè cải tạo thứ hai đang đến trên vùng đày ải núi non với những trận mưa tầm tã nghiêng xám đất trời. Mưa nguồn lê thê đêm tù, mở trừng trừng giấc mộng héo hon, dột nát mái hồn người bơ phờ đất trích.
Một buổi sáng sau cơn mưa đầu mùa, anh vội vã dẫn bò lên đồi, thở ra nhẹ nhõm đứng nhìn những tấm tranh bện xong xếp gọn gàng bên đống lá tranh đã phơi chất khô ráo trong chòi. Anh thầm cảm ơn người bạn vong niên. Nghe lời khuyên của ông già Rhadé, anh "tranh thủ" mấy hôm liền dựng chòi. Mái lá lợp xong ngày trước vừa kịp cho trận mưa rừng khai mùa rầm rĩ suốt đêm.
Gã vệ binh đứng nhìn xoi bói hồi lâu cái chòi tranh nép mình bên gốc sao già rồi bỏ đi về phía sườn đồi nơi người thương binh đang cắt tranh. Quẩn bên anh là con bò đang phe phẩy đuôi gặm cỏ. Hắn chăm chú đứng quan sát người thương binh với cái chân gỗ đang nhanh nhẹn đi lại gom tranh vừa cắt thành bó.
- Anh bảo quản chất liệu lao động như thế là tốt lắm.
Câu nói gợi chuyện tan rớt trong tiếng cỏ tranh xào xạc. Hắn nhìn cảnh đồi êm vắng rồi yên tâm vác súng bỏ đi. Bước chân người lính miền Bắc vất vả leo quãng dốc đất mòn trơn tuột. Đôi dép lốp bình-trị-thiên không còn ích lợi gì cho hắn vào lúc này. Người vệ binh lúi húi tháo dép xách tay. Hắn bấm từng bước chân trần rịn thấm đất đỏ cao nguyên ướt loang như máu.
Tiếng khóc sơ sinh đòi sữa vẳng lên từ cái chòi rẫy bên bờ suối nghe mà nao lòng. Đã mấy hôm nay anh và các bạn tù chẳng còn chút đường nào để làm ngọt thơm miếng nước cơm loãng nhạt. Tiếng khóc đúng cữ nghe như tiếng kẻng báo cơm buồn bã làm anh cảm thấy đói. Khẩu phần cơm độn mì bới theo, chỉ lưng nửa cái lon gi-gô, anh ăn trọn với muối mà chẳng thấm vào đâu so với cái bao tử lép. Người thương binh thở dài vói tay lấy cái bi-đông nước treo bên gốc cây sao. Anh tháo chân, ngồi tựa vách chòi, lặng lẽ uống từng ngụm nước.
Chênh vênh trên dãy đồi chồm cúi vào nhau nghiêng ngã, vài cụm mây xám vướng víu trôi trên nóc cánh rừng giang vật vờ gió núi. Con La chán cỏ, chạy quanh quẩn hồi lâu ở lưng chừng đồi rồi ung dung phe phẩy cái đuôi lông đen mượt, đủng đỉnh bước về chòi. Tiếng long cong phát ra từ những mẫu trúc đeo quanh cổ, đều đặn theo bước chân, nghe buồn buồn như tiếng mõ thiếu vắng âm vọng ngân nga của lời kinh tụng. Con bò đứng lại trước chòi. Tiếng trúc im bặt. Đứa bé cũng đã thôi khóc từ một lúc nào đó, có lẽ đã được Nội dỗ dành, ngủ qua cơn đói. Buổi trưa núi rừng ngút ngàn vắng lặng, mơ hồ tiếng gió đùa quanh tàng cây sao nắng in bóng lá.
Người thương binh lạ lùng nhìn con bò anh chăn sóc hàng ngày. Anh nhớ lại con bò trơ xương đứng âu sầu trước sân nhà hợp tác xã hai tháng trước đây. Bụng con La no tròn xuôi theo bờ lưng đầy đặn, bóng ửng màu lông vàng sậm, chẳng còn chút vết tích nào của dãy xương sườn đói khổ. Anh lê người đến bên con bò, vuốt ve lên lớp da bụng tròn căng. Dãy bầu vú ửng mịn chút màu hồng mơn man dòng sinh động đang chuyển mình trong rạt rào nhụy chồi hé nụ. Ngón tay anh bất chợt sờ lên núm vú rịn nhựa hồi sinh rồi sững sờ ở đó. Trong cơn mơ rất thật, người thương binh cúi đầu xuống vùng phơn phớt hồng son. Anh nuốt dòng sửa thơm, thấy mình trở về bên thuở sơ sinh sữa mẹ ẵm bồng. Tiếng khóc của đứa bé từ bờ suối vẳng lên khiến người thương binh bừng tỉnh cơn mê, nhìn xuống chân đồi. Trong nỗi hạnh phúc tràn bờ, anh dẫn con bò mẹ chạy nhanh về phía bờ suối.
Con La hiền từ nhìn người Thượng già ẵm đẩy miệng cháu vào dãy bầu vú mịn màng. Khả năng thiên bẩm giúp đứa bé hả miệng nút chùn chụt dòng sửa ngọt từ bà mẹ mới. Ngón tay nhỏ bé tham lam, sờ nắn mân mê từng bầu vú đang hồi rịn ràn chất sống. Con La ngẩng cao đầu, miệng phát ra tiếng gọi nghé trầm trầm run dài vào nỗi nhớ nào đó xa lăng lắc. Bầy con trai gái của mẹ. Những con bò đực, bò cái, vừa lớn đã bị sung công. Đứa con nào vẫn hàng ngày thồ kéo khổ ải, bụng thiếu cỏ khô. Đứa con nào đã bị bức tử vào những ngày lễ hội vừa qua. Đứa con nào sắp theo số phần của mẹ, chờ đến phiên mình làm hiến vật cho cuộc liên hoan máu thịt so đo. Tiếng gọi nghé như chuỗi âm nhạc trầm láy phát xuất tự đáy buồng phổi uất nghẹn. Âm thanh buồn mà sinh động của sự sống bền bỉ, cần thiết, lớn lên, thôi thúc. Đó cũng là âm thanh nhắn nhủ về một sự sống đang tới hồi kết cuộc. Thời gian vẫn trôi. Mỗi hoàng hôn vẫn xuống tiếp ngày lên. Rồi mùa Thu sẽ đến như sự nhắc lại về một định mệnh rất buồn.
Tiếng khóc vọng từ bờ suối khiến người thương binh giật mình trở về với thực tại. Thằng bé hôm nay sao đói sớm quá!? Anh thầm nghĩ, chống tay đứng dậy, loay hoay tra chiếc chân gỗ vào người. Anh thả mắt dài theo con dốc vắng lặng nắng trưa. Vệt đất đỏ ngoằn ngoèo trườn lên cao dần rồi mất hút sau cánh rừng giang im rền một màu xanh thẫm ngút ngàn. Tia nhìn tìm kiếm dừng lại trên chiếc xe đò cũ kỹ vừa dừng ở cuối chân con dốc, nơi ngã ba tiếp giáp với khoảng đường nhựa xám đen loang lổ ổ gà. Chiếc xe đò vô tình để lại đám bụi đỏ mù phủ quanh nhóm hành khách vừa xuống xe rồi chậm chạp lăn bánh theo con tỉnh lộ cheo leo xuôi về hướng đồng bằng. Niềm hi vọng náo nức không tên vừa nhú chợt lả tả lụn tàn theo giấc mơ ngày không tưởng. Người thương binh thất vọng nhìn dáng hai gã vệ binh tay cầm súng đang cắm cúi leo con dốc sỏi. Anh thở dài lên tiếng gọi con La đang cuồng chân đi thơ thẩn trong bãi tranh vàng hanh màu nắng. Người và bò buồn bã dẫn nhau đi về phía tiếng khóc.
Người tù chăn bò ở Gia Trung (Phan Thái Yên)
Người tù chăn bò ở Gia Trung
Phan thái Yên
Trời đang vào trưa. Nắng đứng bóng tàng cây sao rậm lá làm thành khoảng mát tròn trịa trên đỉnh đồi nằm bên con đường đất đỏ dẫn vào khu trại tù Gia Trung. Xa xa dưới chân đồi, ẩn hiện sau trảng tranh rợp gió là khoảng tỉnh lộ mệt nhoài cố bám vào sườn dốc Tây Nguyên chênh vênh non núi. Khúc đường đầy ổ gà, mỗi ngày hiếm hoi vài chuyến xe đò Đồng Tiến uể oải quang gánh ngược phía An Khê hay xuôi về đồng bằng. Chân đồi phía bên kia tiếp giáp với trùng điệp núi rừng là dòng suối len lách lẩn khuất sau vạt nương rẫy hoang phế, xác xơ những hàng mì mảnh mai xiêu đổ. Buông làng rộn rịp dãy nhà sàn bên bờ suối ngày nào giờ chỉ lèo tèo vài cái chòi rẫy đã dột nát theo sự thất bại của phong trào xóa khố, định canh, định cư mà chính quyền cách mạng địa phương vẫn bức bách hô hào. Người dân miền núi quen với cuộc sống du canh đã bồng bế nhau đi cao hơn xa hơn vào trong xanh thẳm cheo leo của núi rừng để tìm sống cuộc đời tự do phóng khoáng cố hữu.
Dưới tàng cây sao, một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi đang chăm chú đánh tranh. Chân trái người đàn ông cụt đến đầu gối. Chiếc chân gỗ, có lẽ do anh tự làm, đứng một mình buồn bã trên nền đất. Cạnh đống tranh đã bện xong, sắp ngay ngắn chừng mươi tấm, một con bò cái đứng uể oải nhai đám cỏ xanh non lẫn với lá mì mà người đàn ông đã chu đáo gom lại thành đống. Cả người lẫn bò đều trầm mặc như nhau.
Đêm qua người đàn ông mất ngủ. Nằm trăn trở trên chõng tre, anh miên man nghĩ đến gia đình vợ con và niềm hạnh phúc trong mơ. Hôm nay là ngày đầy năm của đứa con đầu lòng anh chưa thấy mặt. Ngày con gái thôi nôi, chập chững bước chân nhỏ đầu đời, vậy mà bố không có mặt ở nhà. Anh mơ màng đến bước chân trở về khua tiếng gỗ trên khoảng sân gạch trước thềm nhà lẫn trong lời reo mừng trẻ thơ để rồi chỉ nghe trong vọng dậy đêm trường tiếng mình thở dài trống vắng.
Người đàn ông ngưng bện tranh, ngước mắt nhìn quanh. Con dốc sỏi vướng bụi đỏ ngoằn ngoèo dẫn lối vào trại tù oan khổ. Vệt khói gầy từ chiếc chòi tranh còm cõi, lay lắt màu lam xám cơ hàn bên dòng suối buồn bã trôi phía dưới chân đồi. Con đường nhựa loang nắng mất hút lối về trong mờ mịt Tây Nguyên. Tất cả chợt lan xa, hoang tàn tĩnh vật. Chỉ còn lại trong hồn anh niềm im lặng thinh không. Người đàn ông ngồi bất động, mắt như im sửng vào một nơi nào đó trong tận cùng suy tưởng.
Anh để lại một phần chân trái của mình trên chiến trường đầu tiên. Sau vài tháng kiên gan tập lại chuyện đi đứng với bàn chân nhân tạo tại một trung tâm chỉnh hình, người sĩ quan thương binh trẻ trở về thành phố quê hương làm thầy dạy học. Ngôi trường cũ và mối tình đầu thuở học trò đã giúp anh sống cuộc đời hạnh phúc bình thường. Làm chồng. Sắp làm cha thì cuộc chiến tàn. Gã học trò cùng lớp năm nào theo đoàn người chiến thắng từ rừng rú kiêu hãnh trở về tiếp thu trường cũ. Vinh quang lẫn mặc cảm không được đoái hoài vẫn làm hắn ghen tức nhiều đêm trong cánh rừng mật khu thiếu sinh khí đã khiến hắn quên đi hào khí mà trở thành đanh ác. Ngày khăn gói đi trình diện học tập cải tạo, người sĩ quan miền Nam cầm tay vợ mà lòng rưng buồn chẳng nói được tiếng giã từ. Mắt nàng nhòa lệ tiễn đưa lẫn giọt âu lo cho đứa con đầu lòng đang vào những tháng cuối cưu mang.
Phận nước đưa đẩy phận người cùng cảnh ngộ gần lại với nhau. Từ nhiều nơi trên khắp miền Nam, cả ngàn sĩ quan cũ đã bị bắt đi tập trung cải tạo ở Gia Trung, duy chỉ mình anh là thương binh cụt chân. Bạn tù nhiều người đã giúp anh hàng ngày làm xong chỉ tiêu lao động, cùng nhau vượt khó trong tình đồng đội tình người.
Năm tù đầu tiên chậm chạp trôi qua trong muôn vàn nhớ thương về gia đình, về người vợ hiền mảnh mai yếu đuối chưa quen chuyện gánh gồng và đứa con thơ chưa hề thấy mặt cha. Ngày nhận lá thư nhà đầu tiên có kèm tấm hình mẹ với bé gái Thiếu-Anh vừa tròn sáu tháng và "giống bố như đúc", người thương binh mừng tủi khóc như một đứa trẻ. Tình vợ chồng và lòng thương con đã giúp anh nương náu từng ngày.
Gần đây, hơn một năm sau những ngày cuối tháng Tư năm trước, viên quản giáo trưởng mới của trại từ miền Bắc thuyên chuyển vào gọi anh lên "làm việc". Điều mà anh vẫn từ lâu lo sợ đã đến. Chiếc chân nhân tạo như một phần thân thể của anh từ mấy năm nay thuộc về nhân dân. Anh phải trả chân của mình lại cho nhân dân. Trại cho anh mấy ngày làm đôi nạng gỗ để giúp đi lại. Cách Mạng khoan hồng sẽ giao công tác thích hợp để anh tiếp tục lao động cải tạo. Nghĩ đến những chiếc "hòm" nhôm sáng loáng mỗi cán bộ, vệ binh, hí hửng xách theo khi về Bắc nghĩ phép, người thương binh nhìn xuống viên quản giáo lùn thấp, dằn lòng:
- Tôi chỉ lo nếu người quen của cán bộ thấp bé quá thì sẽ gặp trở ngại. Cán bộ biết đấy, vì như thế phải điều chỉnh đế chiếc giày chân phải rất cao, khó đi lắm. Ngày trước, lúc Ngụy làm chân giả cho phế binh, họ có bác sĩ, chuyên viên, đo kích thước làm riêng cho từng người rồi hướng dẫn chỉnh hình luyện tập hàng tháng trời.
- Đồng chí K trưởng của đơn vị cũ tôi không bé người lắm đâu...
Viên quản giáo khựng biết mình lỡ lời, cặp môi dày thâm khói thuốc lào nhếch nụ cười gằn trên khuôn mặt vừa đanh lại.
- Chả sao! Đồng chí thủ trưởng sẽ khắc phục được tất! Mỹ Ngụy, đồng chí ấy còn đánh thắng thì sá gì cái chân què.
Người thương binh cũng cười khi anh bước xuống hiên ngôi nhà họp khang trang được dựng trên nền đất đắp cao bằng đôi tay khéo léo của những người tù cải tạo.
- Vâng! Có chân đi, lại được cao thêm vài phân thì tốt quá...
Quay ngước nhìn mái hiên tranh lợp dày gần nửa mét, anh khẻ thở dài bước qua khuôn sân bằng phẳng láng bóng. Anh đang bước những bước cuối bằng đôi chân sắp bị tiếm đoạt của mình.
Ngày người thương binh tháo chiếc chân giả trao cho viên quản giáo rồi chống đôi nạng gỗ về trại, anh cảm thấy như chân trái mình đang rỉ máu. Anh vừa bị cắt mất đi phần thân thể của mình. Nỗi đớn đau thấm đậm xót xa hơn vết cắt trên da thịt. Nỗi đau chung của một thế hệ bị lường gạt, bị tước đoạt, lưu đày, trên chính quê hương mình.
Vài hôm sau, vệ binh chở một xe đầy khoai mì khô và người thương binh đến một hợp tác xã nông nghiệp trong khu vực. Họ đổi khoai mì để nhận một con bò già, còm cõi, mang về trại. Gã chủ nhiệm phấn khởi với số lượng lớn khoai mì sẽ giúp hợp tác xã báo cáo vượt mức chỉ tiêu thu hoạch, rối rít mời người vệ binh ngồi chồm hổm trên nền đất kéo từng hơi thuốc lào dài, khói nồng thơm sặc sụa. Nhóm xã viên áo quần lam lũ, đi lại như bóng, lần lượt đổ từng thúng khoai vào bao tải đặt trên bàn cân. Họ cặm cụi cân đong, phụ nhau vác từng bao mì đầy ắp vào kho.
Con bò đứng lặng lẽ ở cuối sân, mắt mông lung nhìn khoang trời xanh thẳm, dáng suy tư như một nhà hiền triết đang tiếc thương cho cuộc đời phi lý quanh mình.
Anh thương binh chống người trên nạng gỗ thương hại nhìn con bò già - phần hoán đổi thua thiệt mà anh phải chấp nhận không thể đề kháng. Anh với cái chân đã bị tước đoạt và con bò già mất năng suất lao động, đang lơ đãng nhai lại mớ cỏ không hề có trong cái bao tử lép, đã bị chuyển qua vế thiếu trong một biến trình ngụy chứng nghịch lý và hồ đồ.
Một người đàn bà trẻ khăn choàng đầu, tay áo nâu dài phủ kín những ngón tay, vội vã bước vào sân nhà hợp tác. Nàng đứng nhìn chiếc xe khoai mì vơi quá nửa, thì thầm trao đổi với một người đàn bà trong nhóm, rồi thoắt bước đến bên con bò. Cô đứng tần ngần, xót thương nhìn đôi mắt bò hiền từ đang mở lớn nhìn nàng. Từ ống áo nâu cũ lấm bụi thuôn ra những ngón tay thon thả trắng hồng. Nàng để tay lên đầu con bò một hồi lâu rồi nhẹ vuốt lên khoảng lưng vàng ủng gầy gò. Cô gái cúi đầu thổn thức, hai hàng nước mắt lăn đọng trên khuôn mặt thanh tú.
Người thương binh chống nạng về phía cô gái. Nàng ngẩng đầu nhìn anh, đôi mắt còn ngấn lệ vướng víu chút e ngại lẫn ngạc nhiên. Cô gái còn trẻ lắm, có lẽ chưa đến hai mươi. Anh ngại ngần tự giới thiệu mình. Cô gái thoáng nhìn gả vệ binh vẫn ngồi chồm hổm trên nền đất đang ồn ào tán chuyện.
- Cháu cũng đoán chú từ trong trại Gia Trung ra. Không hiểu sao thương binh như chú mà họ cũng bắt đi cải tạo?
- Tôi vẫn tự hỏi mình từ hơn một năm nay câu hỏi tương tự. Thôi thì cúi đầu ráng sống. Hi vọng ngày mai trời lại sáng...Có lẽ cô rất thân thuộc với con bò này ?
Cô gái quay đầu, cố ngăn lòng xúc động đang khơi.
- Đây là một trong bầy bò đẻ bảy con của gia đình. Năm ngoái cha mẹ cháu bị kiểm kê theo diện tư sản. Bầy bò bị sung công. Chị em cháu đặt tên bò theo bảy nốt nhạc. Ba con giao về hợp tác xã này, nhờ đó mà cháu được làm lao động nhẹ. Đây là con La. Đầu tháng Hai rồi, con Rê con Mi bị đổi cho bộ đội để họ ăn mừng. Hôm nay tới lượt con La. Ba mươi tháng Tư qua rồi, lễ gì sắp tới nữa vậy chú?
Người thương binh xúc động thả tầm mắt nhìn bãi đồi hoang cháy ngoài kia. Chàng mường tượng đến bầy bò khỏe mạnh ung dung với cỏ mượt trên ngọn đồi xanh. Nhạc chuông ngân nga đọng bóng hoàng hôn theo từng bước chân gia súc chậm rãi trở về chuồng. Tiếng cười con gái hồn nhiên trên đồi chiều bay theo âm nhạc. Phận người. Phận bò. Phận đời cuồng xoay trong vòng biện chứng duy vật điêu ngoa. Những con bò bị sung công, một lần nữa với thân phận đọa đày đang trở thành hiến vật cho cuộc tế lễ thần linh mới.
- Còn vài tháng nữa mới đến tháng Chín. Cô cũng biết... phận tù đày... nhưng tôi sẽ cố gắng để con La thảnh thơi no đủ được ngày nào hay ngày đó.
Cô gái vuốt ve khúc lưng con La gầy nhom trơ xương sườn. Nàng nghẹn ngào gởi gắm sao nghe như tiếng mình đang thốt lên lời tự nhủ.
- Cảm ơn chú. Dù sao con La cũng sẽ được ung dung nghỉ ngơi vài tháng trước khi yên phận. Cha chung không ai khóc... Ở đây, xã viên ai cũng lợi dụng sức bò để bớt nhọc nhằn cho mình nhưng chẳng ai màng lo tới hoặc có thì giờ để chăm sóc nên con La ngày càng ốm yếu.
Cô gái quày quả bỏ đi lúc chiếc xe chở con La rời nhà hợp tác chạy về Gia Trung. Người thương binh biết cô gái đang khóc ròng trên mỗi bước chân nàng. Bấc giác chàng đưa tay vỗ về sống lưng trơ xương của con bò già vẫn nằm im trên sàn xe đang gầm gừ leo dốc.
Công việc chăn bò tưởng đơn giản thực quả khó khăn cho người thương binh phải chống nạng gỗ băng đồi, trèo mương, dẫn bò tìm vùng có cỏ non. Từ rạng sáng, sau khi lãnh khẩu phần cơm độn khoai và bi-đông nước, lúc vệ binh dẫn các tổ lao động đi thành xâu dài lên rẫy thì anh lê nạng gỗ dẫn bò xuống đồi đi tìm ăn đến chạng vạng tối mới về đến trại. Gần đây người thương binh vui mừng tìm ra được vùng đồi cỏ mượt xanh, không xa suối, cho bò ăn no tắm mát, tuy phải chịu khó chống nạng đi xa. Được ăn no và khỏi phải thồ kéo nặng nhọc suốt ngày, con La nhanh chóng lấy lại sức lực. Tuy còn gầy còm nhưng những lằn trũng giữa xương sườn cạn dần.
Một buổi chiều sau khi chống nạng trèo dốc về đến trại, anh cột bò vào chuồng cạnh khu nhà vệ binh rồi mệt mỏi về láng. Bụng đói cồn cào mà thân xác thì chỉ muốn nằm vật ra ngủ vùi. Người thương binh ngạc nhiên khi thấy đông đủ bạn tù đang ngồi quanh chõng tre của anh chờ đợi. Giữa chỏng nhô cao một vật gì đó được đậy kín bằng chiếc tấm đắp. Mọi người nhôn nhao tranh nhau bảo anh nhắm mắt chờ nghe hô 1, 2, 3 xong mới được mở ra. Anh lặng người nhìn trừng trừng chiếc chân giả trên chõng tre mà nước mắt hân hoan đầm đìa trên má. Lời cảm ơn chiến hữu, tình bạn, tình người, khản nghẹn trong nỗi vui ngần ngật choáng váng. Anh chợt biết rất rõ mình có thể đứng thẳng và thách thức mọi điều. Những bàn tay nhân hậu đã nắm chặt lấy nhau tự tại thì có sá chi chút cơ hàn khổ nghiệt.
Gần nửa tháng qua, bạn tù trong láng đã âm thầm đo đạc chiếc chân cũ của anh rồi cùng nhau góp tài năng sáng kiến hoàn thành chiếc chân mới. Chân đẽo bằng gỗ cây căm-xe rất tinh xảo. Phần để cột nối vào bắp vế được làm bằng nhựa bọc da rất công phu với những sợi dây da có nẹp cài chắc chắn.
Người hy sinh cái xách da tốt , một bạn tù lớn tuổi, nói đùa.
- Có "chưn đứng" rồi thì ráng chăn bò cho mập để hôm nào cách mạng chia cho mỗi đứa một miếng thịt để nhét kẽ răng ăn mừng nghe "đồng chí".
Buổi tối hôm đó, người thương binh mừng quá quên ngủ. Anh gắn chân vào, điều chỉnh tới lui, tập đi hằng giờ.
Chỉ vài ngày sau khi người thương binh có chân mới, giữa một buổi học tập chính trị sau giờ lao động, quản giáo gọi anh đứng dậy. Cách mạng khen ngợi anh đã khắc phục tự làm chân gỗ để đi, không cần nạng và không lệ thuộc vào chân giả Mỹ Ngụy để lại. Cách mạng chí công vô tư sẽ giúp đỡ anh nâng cao năng suất lao động cải tạo. Từ nay ngoài công tác chăn bò tăng nhanh trọng lượng, mỗi ngày cách mạng tạo điều kiện để anh đóng góp thêm vào chỉ tiêu lao động sản xuất các bạn tù phải làm. Tối hôm đó, tay xách chiếc đòn gỗ cùng bước về láng, tổ lao động của anh có thêm câu chuyện để cùng nhau cười qua đêm.
Hàng ngày dẫn bò xuống tắm ở dòng suối chân đồi, người thương binh gợi chuyện rồi trở thành thân mật với ông già người Rhadé một mình giữ cháu ở cái chòi rẫy bên bờ suối. Đứa bé trai chưa đầy bốn tháng mà cha mẹ phải bỏ ở nhà nhờ nội trông để đi làm rẫy xa cho hợp tác xã nông nghiệp. Mỗi ngày họ phải ra đi từ rạng sớm đến tối mịt mới về lại chòi. Ông nội già yếu chẳng có chi ngoài nước cơm pha muối để nuôi cháu. Lần anh trao cho người Thượng già nhúm đường cát trắng quậy trộn vào nước cơm, nhìn đứa bé ngon lành nuốt trọn từng muỗng ngọt ngào mà lòng anh bàng hoàng xúc động. Từ đó, mỗi lần bạn tù sớt cho chút đường cát, tán đường, nắm muối, dúm bột ngọt anh đều không quên người bạn vong niên nghèo khó bên bờ suối. Ông già Rhadé cũng cảm tấm lòng người bạn Kinh khổ nạn, chỉ anh giăng bẫy đặt lờ giúp tổ lao động "cải thiện" bữa cơm tối. Gặp ngày "trúng mối" anh hí hửng cất giấu mang về trại con cá nhỏ hay chú thỏ con bằng nắm tay ngờ nghệch sa bẫy. Người và bò với những tấm tranh oằn lưng đếm từng bước mệt nhọc trên con dốc dài trở về trại mỗi chiều hôm.
Mùa hè cải tạo thứ hai đang đến trên vùng đày ải núi non với những trận mưa tầm tã nghiêng xám đất trời. Mưa nguồn lê thê đêm tù, mở trừng trừng giấc mộng héo hon, dột nát mái hồn người bơ phờ đất trích.
Một buổi sáng sau cơn mưa đầu mùa, anh vội vã dẫn bò lên đồi, thở ra nhẹ nhõm đứng nhìn những tấm tranh bện xong xếp gọn gàng bên đống lá tranh đã phơi chất khô ráo trong chòi. Anh thầm cảm ơn người bạn vong niên. Nghe lời khuyên của ông già Rhadé, anh "tranh thủ" mấy hôm liền dựng chòi. Mái lá lợp xong ngày trước vừa kịp cho trận mưa rừng khai mùa rầm rĩ suốt đêm.
Gã vệ binh đứng nhìn xoi bói hồi lâu cái chòi tranh nép mình bên gốc sao già rồi bỏ đi về phía sườn đồi nơi người thương binh đang cắt tranh. Quẩn bên anh là con bò đang phe phẩy đuôi gặm cỏ. Hắn chăm chú đứng quan sát người thương binh với cái chân gỗ đang nhanh nhẹn đi lại gom tranh vừa cắt thành bó.
- Anh bảo quản chất liệu lao động như thế là tốt lắm.
Câu nói gợi chuyện tan rớt trong tiếng cỏ tranh xào xạc. Hắn nhìn cảnh đồi êm vắng rồi yên tâm vác súng bỏ đi. Bước chân người lính miền Bắc vất vả leo quãng dốc đất mòn trơn tuột. Đôi dép lốp bình-trị-thiên không còn ích lợi gì cho hắn vào lúc này. Người vệ binh lúi húi tháo dép xách tay. Hắn bấm từng bước chân trần rịn thấm đất đỏ cao nguyên ướt loang như máu.
Tiếng khóc sơ sinh đòi sữa vẳng lên từ cái chòi rẫy bên bờ suối nghe mà nao lòng. Đã mấy hôm nay anh và các bạn tù chẳng còn chút đường nào để làm ngọt thơm miếng nước cơm loãng nhạt. Tiếng khóc đúng cữ nghe như tiếng kẻng báo cơm buồn bã làm anh cảm thấy đói. Khẩu phần cơm độn mì bới theo, chỉ lưng nửa cái lon gi-gô, anh ăn trọn với muối mà chẳng thấm vào đâu so với cái bao tử lép. Người thương binh thở dài vói tay lấy cái bi-đông nước treo bên gốc cây sao. Anh tháo chân, ngồi tựa vách chòi, lặng lẽ uống từng ngụm nước.
Chênh vênh trên dãy đồi chồm cúi vào nhau nghiêng ngã, vài cụm mây xám vướng víu trôi trên nóc cánh rừng giang vật vờ gió núi. Con La chán cỏ, chạy quanh quẩn hồi lâu ở lưng chừng đồi rồi ung dung phe phẩy cái đuôi lông đen mượt, đủng đỉnh bước về chòi. Tiếng long cong phát ra từ những mẫu trúc đeo quanh cổ, đều đặn theo bước chân, nghe buồn buồn như tiếng mõ thiếu vắng âm vọng ngân nga của lời kinh tụng. Con bò đứng lại trước chòi. Tiếng trúc im bặt. Đứa bé cũng đã thôi khóc từ một lúc nào đó, có lẽ đã được Nội dỗ dành, ngủ qua cơn đói. Buổi trưa núi rừng ngút ngàn vắng lặng, mơ hồ tiếng gió đùa quanh tàng cây sao nắng in bóng lá.
Người thương binh lạ lùng nhìn con bò anh chăn sóc hàng ngày. Anh nhớ lại con bò trơ xương đứng âu sầu trước sân nhà hợp tác xã hai tháng trước đây. Bụng con La no tròn xuôi theo bờ lưng đầy đặn, bóng ửng màu lông vàng sậm, chẳng còn chút vết tích nào của dãy xương sườn đói khổ. Anh lê người đến bên con bò, vuốt ve lên lớp da bụng tròn căng. Dãy bầu vú ửng mịn chút màu hồng mơn man dòng sinh động đang chuyển mình trong rạt rào nhụy chồi hé nụ. Ngón tay anh bất chợt sờ lên núm vú rịn nhựa hồi sinh rồi sững sờ ở đó. Trong cơn mơ rất thật, người thương binh cúi đầu xuống vùng phơn phớt hồng son. Anh nuốt dòng sửa thơm, thấy mình trở về bên thuở sơ sinh sữa mẹ ẵm bồng. Tiếng khóc của đứa bé từ bờ suối vẳng lên khiến người thương binh bừng tỉnh cơn mê, nhìn xuống chân đồi. Trong nỗi hạnh phúc tràn bờ, anh dẫn con bò mẹ chạy nhanh về phía bờ suối.
Con La hiền từ nhìn người Thượng già ẵm đẩy miệng cháu vào dãy bầu vú mịn màng. Khả năng thiên bẩm giúp đứa bé hả miệng nút chùn chụt dòng sửa ngọt từ bà mẹ mới. Ngón tay nhỏ bé tham lam, sờ nắn mân mê từng bầu vú đang hồi rịn ràn chất sống. Con La ngẩng cao đầu, miệng phát ra tiếng gọi nghé trầm trầm run dài vào nỗi nhớ nào đó xa lăng lắc. Bầy con trai gái của mẹ. Những con bò đực, bò cái, vừa lớn đã bị sung công. Đứa con nào vẫn hàng ngày thồ kéo khổ ải, bụng thiếu cỏ khô. Đứa con nào đã bị bức tử vào những ngày lễ hội vừa qua. Đứa con nào sắp theo số phần của mẹ, chờ đến phiên mình làm hiến vật cho cuộc liên hoan máu thịt so đo. Tiếng gọi nghé như chuỗi âm nhạc trầm láy phát xuất tự đáy buồng phổi uất nghẹn. Âm thanh buồn mà sinh động của sự sống bền bỉ, cần thiết, lớn lên, thôi thúc. Đó cũng là âm thanh nhắn nhủ về một sự sống đang tới hồi kết cuộc. Thời gian vẫn trôi. Mỗi hoàng hôn vẫn xuống tiếp ngày lên. Rồi mùa Thu sẽ đến như sự nhắc lại về một định mệnh rất buồn.
Tiếng khóc vọng từ bờ suối khiến người thương binh giật mình trở về với thực tại. Thằng bé hôm nay sao đói sớm quá!? Anh thầm nghĩ, chống tay đứng dậy, loay hoay tra chiếc chân gỗ vào người. Anh thả mắt dài theo con dốc vắng lặng nắng trưa. Vệt đất đỏ ngoằn ngoèo trườn lên cao dần rồi mất hút sau cánh rừng giang im rền một màu xanh thẫm ngút ngàn. Tia nhìn tìm kiếm dừng lại trên chiếc xe đò cũ kỹ vừa dừng ở cuối chân con dốc, nơi ngã ba tiếp giáp với khoảng đường nhựa xám đen loang lổ ổ gà. Chiếc xe đò vô tình để lại đám bụi đỏ mù phủ quanh nhóm hành khách vừa xuống xe rồi chậm chạp lăn bánh theo con tỉnh lộ cheo leo xuôi về hướng đồng bằng. Niềm hi vọng náo nức không tên vừa nhú chợt lả tả lụn tàn theo giấc mơ ngày không tưởng. Người thương binh thất vọng nhìn dáng hai gã vệ binh tay cầm súng đang cắm cúi leo con dốc sỏi. Anh thở dài lên tiếng gọi con La đang cuồng chân đi thơ thẩn trong bãi tranh vàng hanh màu nắng. Người và bò buồn bã dẫn nhau đi về phía tiếng khóc.