Văn Học & Nghệ Thuật
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo : “Bao giờ vợ bạn cũng đẹp hơn vợ mình”
(PL&XH) - Có lẽ, trong những người hoạt động về lĩnh vực văn học - nghệ thuật thì nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là số ít người tài hoa, thành công ở nhiều môn nghệ thuật.
Dù là ở mảng nghệ thuật nào, ông cũng ghi dấu ấn nhất định trong lòng độc giả. Thế nhưng, chính ông cũng cho rằng, với ông, nghiệp văn chương mới là nghiệp chính, còn việc sáng tác âm nhạc, chỉ như một sự ngẫu hứng, một cuộc dạo chơi.
Nguồn cảm hứng từ thơ bạn
Nguyễn Trọng Tạo từ lâu được công chúng biết đến không chỉ với tư cách là một nhà thơ, nhà văn, họa sĩ với nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trong giới nghệ thuật, mà người ta còn biết đến ông với tư cách một nhạc sĩ với các ca khúc mang âm hưởng dân gian nổi tiếng như: Làng quan họ quê tôi, phổ thơ Nguyễn Phan Hách; Khúc hát sông quê, phổ thơ Lê Huy Mậu, Đôi mắt đò ngang…
Đa số các sáng tác của ông đều là phổ thơ, tuy vậy nhưng sau khi trở thành một bài nhạc hoàn chỉnh, người nghe sẽ nhận ra tác giả chỉ lấy cái hồn cốt của bài thơ, còn ca từ là của tác giả, phải vận dụng thật khéo léo sao cho phù hợp với ngôn ngữ và chủ đề của bài hát. Nguyễn Trọng Tạo cũng làm thơ đấy, nhưng ông lại luôn có được cảm hứng âm nhạc từ thơ bạn, lí giải về điều này, ông Nguyễn Trọng Tạo giải thích một cách dí dỏm rằng: “Bao giờ vợ bạn cũng đẹp hơn vợ mình”.
“Làng quan họ quê tôi” là bài hát đầu tiên ghi dấu một Nguyễn Trọng Tạo nhạc sĩ, bởi trước đó, công chúng chỉ biết đến ông với tư cách là một nhà thơ, nhà văn. Đây cũng là ca khúc mang lại tiếng tăm và khiến không ít người lầm tưởng có một nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh ra từ mảnh đất quan họ. “Làng quan họ quê tôi” được viết khi tác giả chưa từng đặt chân đến mảnh đất quan họ, ông còn so sánh: “Cũng như nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết một cuốn ký sự về Hòa Vang, mà ông chưa hề đặt chân đến Hòa Vang”. Nguyễn Trọng Tạo viết về làng quan họ bằng sự hiểu biết của mình qua sách, báo, đài, các buổi biểu diễn văn nghệ và quan trọng nhất đó là cái duyên khi nhà thơ Nguyễn Phan Hách đưa bài thơ Làng quan họ cho ông đọc và cảm hứng âm nhạc bắt đầu xuất hiện để có được tác phẩm “Làng quan họ quê tôi”. Ông từng tâm sự: “Tôi vốn rất mê những làn điệu dân ca quan họ.
Từ thời máy bay Mỹ ném bom xuống những trận địa pháo phòng không đặt ở làng tôi, tôi đã được nghe những anh chị văn công xung kích của quân đội đến làng hát cho bộ đội và dân làng tôi nghe những bài hát quan họ mượt mà. Quan họ chinh phục tôi từ đó. Tôi cũng bị quan họ chinh phục bởi phim Đến hẹn lại lên. Bộ phim ấy đã dấy lên trong tôi tình yêu thương những con người xứ ấy, những con người suốt đời làm lụng và ca hát, nhưng bao biến động đã vỗ sóng lên số phận không may của họ. Tôi đã mê những câu thơ đẹp và đau đến nao lòng của “ông Hoàng thơ Kinh Bắc” Hoàng Cầm khi được đọc sớm bản thảo Về Kinh Bắc của ông: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa ghẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông”… Nhưng tôi đâu biết một ngày mình sẽ viết ra bài hát Làng Quan họ quê tôi”.
Mặc dù vậy, bài hát thực sự được đón nhận nồng nhiệt từ quê hương quan họ Kinh Bắc và cả những khán thính giả yêu nhạc trên cả nước. Nhạc phẩm được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc trong vòng một tiếng sau khi đọc bài thơ Làng quan họ của Nguyễn Phan Hách, nhưng nó đã làm được một việc, đó là mãi mãi khiến công chúng nhớ đến tên tuổi một nhà thơ đa tài, một nhạc sĩ tài năng.
Nhạc phẩm Khúc hát sông quê cũng được sáng tác trong một dịp đặc biệt và bất ngờ. Trong một lần đi dự trại viết của Hội nhạc sĩ Việt nam, ông được nhạc sĩ Lê Huy Mậu gửi bản thảo 5 bài thơ để in báo Văn Nghệ Trẻ, cầm lên 5 bài thơ, Nguyễn Trọng Tạo đã dừng lại ở bài thơ dài Khúc hát sông quê và chỉ sau đó 30 phút, nhạc sĩ đã “ký âm” hoàn chỉnh ca khúc. Lúc ấy, Nguyễn Trọng Tạo đã bắt gặp hình ảnh quê hương mình trong thơ Lê Huy Mậu, những tình cảm da diết, nồng thắm trỗi dậy, cảm thức yêu quê hương đã có từ lâu, nay bắt gặp suối nguồn cùng chảy một dòng, bất ngờ và ào ạt, khiến nhạc sĩ có thể sáng tác nhanh đến thế. Nhà thơ Lê Huy Mậu, tác giả phần thơ của bài hát Khúc hát sông quê cũng tâm sự: “Tôi luôn được anh Tạo coi là đồng tác giả, nhưng tôi biết, nhiều lắm, tôi cũng chỉ đóng vai trò gây cảm hứng sáng tác cho anh. Cái làm nên âm hưởng ngọt ngào, vang vọng của bài hát chính là phút thăng hoa của Nguyễn Trọng Tạo”.
Khi nghe bài hát này, người ta không liên tưởng tới một vùng quê nhất định nào đấy, mà là vùng quê của mỗi người đã từng gắn bó trong tuổi thơ, dù là người miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì đều tìm thấy hình ảnh quê hương mình ở đó. “Tôi vốn sinh ra ở xứ Nghệ, nơi có những câu hò, điệu ví rất đẹp. Biết vậy nhưng trong âm nhạc, tôi không mang quá nhiều chất liệu dân ca vào mà tổng hòa tất cả”. Đó cũng chính là cái hay, cái thành công của Nguyễn Trọng Tạo.
Cuộc dạo chơi nghiêm túc
Nguyễn Trọng Tạo nói rằng, với ông, âm nhạc chỉ như một cuộc dạo chơi, không có nghĩa là cuộc dạo chơi ấy không nghiêm túc, không phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Thực ra ông sáng tác từ khi còn rất trẻ, năm 20 tuổi, ông học qua các lớp sáng tác âm nhạc ngắn hạn của quân đội và chủ yếu là tự học. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết: Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ (tổ khúc hợp xướng), Cái dốc nó cao, Tôi trở thành đồng đội (thơ Nguyễn Hoa), Tình ca bên một dòng sông, Đôi mắt đò ngang, Con dế buồn (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường),... Các ca khúc của ông giàu chất thơ, đậm đà âm hưởng dân ca.
Nhạc sĩ đã xuất bản Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Trọng Tạo và băng âm thanh Tình khúc bốn mùa (Nhà xuất bản Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1996). Ông đã được Giải đặc biệt ca khúc Làng quan họ quê tôi (Hà Bắc năm 1981), Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1983 bài Mặt trời trong thành phố, Giải Nhì cuộc thi ca khúc năm 1984 do Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức với bài Đường về Thạch Nham...
Mới đây nhất, hai tác phẩm Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê được chọn vào top 20 ca khúc hay nhất về chủ đề tam nông, có nghệ sĩ cả đời sáng tác chưa chắc đã có được vinh dự ấy, như vậy để thấy, một cuộc dạo chơi với âm nhạc của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo quả không đơn giản chút nào.
Phạm Nhung
( HK chuyển )
Bàn ra tán vào (0)
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo : “Bao giờ vợ bạn cũng đẹp hơn vợ mình”
(PL&XH) - Có lẽ, trong những người hoạt động về lĩnh vực văn học - nghệ thuật thì nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là số ít người tài hoa, thành công ở nhiều môn nghệ thuật.
Dù là ở mảng nghệ thuật nào, ông cũng ghi dấu ấn nhất định trong lòng độc giả. Thế nhưng, chính ông cũng cho rằng, với ông, nghiệp văn chương mới là nghiệp chính, còn việc sáng tác âm nhạc, chỉ như một sự ngẫu hứng, một cuộc dạo chơi.
Nguồn cảm hứng từ thơ bạn
Nguyễn Trọng Tạo từ lâu được công chúng biết đến không chỉ với tư cách là một nhà thơ, nhà văn, họa sĩ với nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trong giới nghệ thuật, mà người ta còn biết đến ông với tư cách một nhạc sĩ với các ca khúc mang âm hưởng dân gian nổi tiếng như: Làng quan họ quê tôi, phổ thơ Nguyễn Phan Hách; Khúc hát sông quê, phổ thơ Lê Huy Mậu, Đôi mắt đò ngang…
Đa số các sáng tác của ông đều là phổ thơ, tuy vậy nhưng sau khi trở thành một bài nhạc hoàn chỉnh, người nghe sẽ nhận ra tác giả chỉ lấy cái hồn cốt của bài thơ, còn ca từ là của tác giả, phải vận dụng thật khéo léo sao cho phù hợp với ngôn ngữ và chủ đề của bài hát. Nguyễn Trọng Tạo cũng làm thơ đấy, nhưng ông lại luôn có được cảm hứng âm nhạc từ thơ bạn, lí giải về điều này, ông Nguyễn Trọng Tạo giải thích một cách dí dỏm rằng: “Bao giờ vợ bạn cũng đẹp hơn vợ mình”.
“Làng quan họ quê tôi” là bài hát đầu tiên ghi dấu một Nguyễn Trọng Tạo nhạc sĩ, bởi trước đó, công chúng chỉ biết đến ông với tư cách là một nhà thơ, nhà văn. Đây cũng là ca khúc mang lại tiếng tăm và khiến không ít người lầm tưởng có một nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh ra từ mảnh đất quan họ. “Làng quan họ quê tôi” được viết khi tác giả chưa từng đặt chân đến mảnh đất quan họ, ông còn so sánh: “Cũng như nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết một cuốn ký sự về Hòa Vang, mà ông chưa hề đặt chân đến Hòa Vang”. Nguyễn Trọng Tạo viết về làng quan họ bằng sự hiểu biết của mình qua sách, báo, đài, các buổi biểu diễn văn nghệ và quan trọng nhất đó là cái duyên khi nhà thơ Nguyễn Phan Hách đưa bài thơ Làng quan họ cho ông đọc và cảm hứng âm nhạc bắt đầu xuất hiện để có được tác phẩm “Làng quan họ quê tôi”. Ông từng tâm sự: “Tôi vốn rất mê những làn điệu dân ca quan họ.
Từ thời máy bay Mỹ ném bom xuống những trận địa pháo phòng không đặt ở làng tôi, tôi đã được nghe những anh chị văn công xung kích của quân đội đến làng hát cho bộ đội và dân làng tôi nghe những bài hát quan họ mượt mà. Quan họ chinh phục tôi từ đó. Tôi cũng bị quan họ chinh phục bởi phim Đến hẹn lại lên. Bộ phim ấy đã dấy lên trong tôi tình yêu thương những con người xứ ấy, những con người suốt đời làm lụng và ca hát, nhưng bao biến động đã vỗ sóng lên số phận không may của họ. Tôi đã mê những câu thơ đẹp và đau đến nao lòng của “ông Hoàng thơ Kinh Bắc” Hoàng Cầm khi được đọc sớm bản thảo Về Kinh Bắc của ông: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa ghẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông”… Nhưng tôi đâu biết một ngày mình sẽ viết ra bài hát Làng Quan họ quê tôi”.
Mặc dù vậy, bài hát thực sự được đón nhận nồng nhiệt từ quê hương quan họ Kinh Bắc và cả những khán thính giả yêu nhạc trên cả nước. Nhạc phẩm được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc trong vòng một tiếng sau khi đọc bài thơ Làng quan họ của Nguyễn Phan Hách, nhưng nó đã làm được một việc, đó là mãi mãi khiến công chúng nhớ đến tên tuổi một nhà thơ đa tài, một nhạc sĩ tài năng.
Nhạc phẩm Khúc hát sông quê cũng được sáng tác trong một dịp đặc biệt và bất ngờ. Trong một lần đi dự trại viết của Hội nhạc sĩ Việt nam, ông được nhạc sĩ Lê Huy Mậu gửi bản thảo 5 bài thơ để in báo Văn Nghệ Trẻ, cầm lên 5 bài thơ, Nguyễn Trọng Tạo đã dừng lại ở bài thơ dài Khúc hát sông quê và chỉ sau đó 30 phút, nhạc sĩ đã “ký âm” hoàn chỉnh ca khúc. Lúc ấy, Nguyễn Trọng Tạo đã bắt gặp hình ảnh quê hương mình trong thơ Lê Huy Mậu, những tình cảm da diết, nồng thắm trỗi dậy, cảm thức yêu quê hương đã có từ lâu, nay bắt gặp suối nguồn cùng chảy một dòng, bất ngờ và ào ạt, khiến nhạc sĩ có thể sáng tác nhanh đến thế. Nhà thơ Lê Huy Mậu, tác giả phần thơ của bài hát Khúc hát sông quê cũng tâm sự: “Tôi luôn được anh Tạo coi là đồng tác giả, nhưng tôi biết, nhiều lắm, tôi cũng chỉ đóng vai trò gây cảm hứng sáng tác cho anh. Cái làm nên âm hưởng ngọt ngào, vang vọng của bài hát chính là phút thăng hoa của Nguyễn Trọng Tạo”.
Khi nghe bài hát này, người ta không liên tưởng tới một vùng quê nhất định nào đấy, mà là vùng quê của mỗi người đã từng gắn bó trong tuổi thơ, dù là người miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì đều tìm thấy hình ảnh quê hương mình ở đó. “Tôi vốn sinh ra ở xứ Nghệ, nơi có những câu hò, điệu ví rất đẹp. Biết vậy nhưng trong âm nhạc, tôi không mang quá nhiều chất liệu dân ca vào mà tổng hòa tất cả”. Đó cũng chính là cái hay, cái thành công của Nguyễn Trọng Tạo.
Cuộc dạo chơi nghiêm túc
Nguyễn Trọng Tạo nói rằng, với ông, âm nhạc chỉ như một cuộc dạo chơi, không có nghĩa là cuộc dạo chơi ấy không nghiêm túc, không phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Thực ra ông sáng tác từ khi còn rất trẻ, năm 20 tuổi, ông học qua các lớp sáng tác âm nhạc ngắn hạn của quân đội và chủ yếu là tự học. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết: Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ (tổ khúc hợp xướng), Cái dốc nó cao, Tôi trở thành đồng đội (thơ Nguyễn Hoa), Tình ca bên một dòng sông, Đôi mắt đò ngang, Con dế buồn (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường),... Các ca khúc của ông giàu chất thơ, đậm đà âm hưởng dân ca.
Nhạc sĩ đã xuất bản Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Trọng Tạo và băng âm thanh Tình khúc bốn mùa (Nhà xuất bản Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1996). Ông đã được Giải đặc biệt ca khúc Làng quan họ quê tôi (Hà Bắc năm 1981), Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1983 bài Mặt trời trong thành phố, Giải Nhì cuộc thi ca khúc năm 1984 do Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức với bài Đường về Thạch Nham...
Mới đây nhất, hai tác phẩm Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê được chọn vào top 20 ca khúc hay nhất về chủ đề tam nông, có nghệ sĩ cả đời sáng tác chưa chắc đã có được vinh dự ấy, như vậy để thấy, một cuộc dạo chơi với âm nhạc của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo quả không đơn giản chút nào.
Phạm Nhung
( HK chuyển )