Nguồn: Jennifer Burns, “Ayn Rand’s Counter-Revolution”, The New York Times, 24/04/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Những đám đông xô đẩy lẫn nhau, những người lính hành quân dọc theo đại lộ lạnh giá, tiếng hò hét của người dân: Đó là tất cả những gì Ayn Rand đã chứng kiến từ căn hộ của gia đình mình, nằm trên cao, vượt khỏi sự điên rồ gần Nevsky Prospekt, một đại lộ lớn của Petrograd, thành phố trước đây từng được biết đến với tên gọi St. Petersburg.
Những ngày tháng Hai năm ấy là bước đầu tiên của một chu kỳ cách mạng sẽ kết thúc vào tháng Mười Một, mà sau đó sẽ chia đôi lịch sử thế giới thành trước và sau, khiến quân đội chống lại nhân dân, khiến những người cộng hòa chống lại phe Bolshevik, khiến người Nga chống lại người Nga. Nhưng phải đến khi Rand trở thành công dân New York khoảng 17 năm sau đó bà mới nhận ra rằng cuộc cách mạng này đã làm chia rẽ không chỉ xã hội Nga, mà còn cả cuộc sống của giới trí thức ở quê hương thứ hai của mình – nước Mỹ.
Chúng ta thường xem những năm 1950 là thập niên chống Cộng, được định hình bởi Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy, với danh sách đen của Hollywood và việc thanh trừng mọi kẻ tình nghi là Cộng sản khỏi các nghiệp đoàn, trường trung học và đại học. Màn dạo đầu cho thời kỳ đó là những năm 1930, khi giới trí thức Mỹ lần đầu tiên phải vật lộn phân định ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc cách mạng Nga. Và cũng chính trong thập niên này, Ayn Rand đã bắt đầu có ý thức chính trị, biến sự phản đối của mình đối với chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô thành một sự bảo vệ mạnh mẽ cho (quyền) cá nhân, vốn sẽ là thứ truyền cảm hứng cho các thế hệ người Mỹ bảo thủ.
Rand được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả của cuốn The Fountainhead (Suối Nguồn) và Atlas Shrugged (Atlas Vươn Mình) nhưng trước hai cuốn sách này còn có We the Living (Chúng ta đang sống). Nó có lẽ là tiểu thuyết gần gũi nhất với trái tim bà và chắc chắn là tiểu thuyết gần gũi nhất với cuộc đời bà: Nhân vật chính, một sinh viên kỹ thuật tài năng tên là Kira Argounova, người đã sống một cuộc đời có thể là của Rand, nếu bà chấp nhận ở lại Liên Xô. Tuy nhiên, nếu Kira chết một cách thảm khốc khi cố gắng vượt biên qua Latvia trong tuyết rơi dày đặc, Rand đã di cư thành công vào năm 1926 và nhanh chóng đến được Hollywood, “thành phố điện ảnh Mỹ” mà bà đã từng viết về khi còn là một sinh viên điện ảnh ở Nga. Đây cũng trở thành ngôi nhà đầu tiên của bà ở Mỹ.
Vào giữa những năm 1930, sau khi đã gầy dựng một sự nghiệp sáng tác thành công và trở thành một công dân Mỹ, Rand đã sẵn sàng giải thích về đất nước mà mình bỏ lại sau lưng. We the Living miêu tả màu xám của cuộc sống sau khi những kịch tính của Cách mạng tháng Mười đã phai mờ. Những gì còn lại là bộ máy hoài nghi của những người trong nội bộ đảng và cuộc đấu tranh để cố gắng duy trì một vẻ ngoài đạo mạo – một bà chủ phục vụ bánh quy khoai tây cho khách hàng, những người “giữ cánh tay ép chặt vào hai bên thân người để giấu đi những lỗ rách ở nách áo; khuỷu tay đặt ngay ngắn không cử động trên đầu gối – để che đi những mảnh vá; chân đặt sâu dưới ghế – để giấu đôi giày với đế đã mòn vẹt.”
Tâm điểm của cuốn tiểu thuyết là sự tuyệt vọng trong lặng yên của những hy vọng bị nghiền nát bởi các tầng lớp và giai cấp mới, khi những sinh viên như Kira, bị trừng phạt vì sự sung túc trước đây của gia đình cô, đã bị tước mất tương lai tươi sáng. Đối với Rand, We the Living không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà nó là một sứ mệnh.
“Chưa ai từng đi khỏi nước Nga Xô Viết để nói điều này với thế giới,” bà nói với đại diện xuất bản của mình. “Đó là việc tôi phải làm.”
Nhưng riêng trong những năm 1930 tại Mỹ, có rất ít người muốn nghe những gì Rand nói. Khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1936, bản thân chủ nghĩa tư bản đã rơi vào khủng hoảng. Đại Suy thoái đã che phủ bóng đen của nó trên Giấc mơ Mỹ. Người dân xếp hàng đợi bánh mì kéo dài khắp các thành phố; các trang trại ở miền Trung Tây bị thổi bay trong đám mây bụi. Những con người tuyệt vọng trôi dạt khắp đất nước và lấp đầy những trại dành cho người vô gia cư và thất nghiệp ở ngoại ô các thị trấn nhỏ, làm cho những ai “còn thứ gì đó để mất” phải hoảng sợ.
Trong thời điểm này, Liên Xô nổi lên trong suy nghĩ của tầng lớp tri thức trong nước như một dấu hiệu của hy vọng. Người ta tin rằng chủ nghĩa cộng sản đã giúp người Nga tránh được những tàn phá tồi tệ nhất của đợt khủng hoảng. Làn sóng tư tưởng của những người có học bắt đầu chuyển mạnh sang cánh tả.
“Họ là đợt đầu tiên của ‘cuộc chuyển hướng vĩ đại’ từ Đại học Columbia, Harvard và các nơi khác,” nhà văn Mỹ và cựu điệp viên cho Liên Xô, Whittaker Chambers, viết trong cuốn Witness(Chứng nhân, 1952). “Một đội quân trí thức nhỏ đã chuyển sang Đảng Cộng sản mà hầu như đảng này không cần đưa ra nỗ lực nào.”
Đội quân trí thức này ít quan tâm đến cuốn tiểu thuyết điện ảnh về những đau khổ của giai cấp tư sản. Tồi tệ hơn, quan điểm của cuốn sách phản ánh sự phân chia ý thức hệ mà Rand không biết là đã tồn tại. Rand đã biết rằng sẽ có “màu hồng” ở Mỹ, nhưng bà không biết rằng “nó” lại là vấn đề, chắc chắn không phải ở thành phố New York, một trong những thủ đô văn chương của thế giới.
Nhưng những người ủng hộ mà bà tìm thấy lại là những người sống bên ngoài môi trường đó, giống như nhà bình luận H. L. Mencken. Ngay cả những nhà phê bình yêu thích tác phẩm của bà cũng thường cho rằng diễn giải của Rand về Liên Xô trong We the Living đã bị phóng đại hoặc không còn đúng nữa, bởi nay chủ nghĩa cộng sản đã trưởng thành.
Vì thế, Rand đã vô tình rơi vào một vở bi kịch có thể hình thành nên tư tưởng và nền chính trị của Mỹ trong suốt phần còn lại của thế kỷ: một mối tình tay ba cay đắng giữa cộng sản, cựu cộng sản, và chống cộng sản.
Đầu tiên là những người Cộng sản, thường là những nhà văn như Chambers, John Reed (tác giả cuốn sách nổi tiếng Ten Days Shook the World – Mười ngày làm rung chuyển thế giới) hay Will Herberg. Khá nhiều trong số những người nổi tiếng ủng hộ phái Bolshevik là phụ nữ, bao gồm vũ công Isadora Duncan và Gerda Lerner, những người tiên phong trong phong trào nữ quyền.
Tiếp theo là những người cựu cộng sản. Đối với nhiều người, năm 1939 là năm định mệnh, khi Liên Xô ký hiệp ước bất tương xâm với Đức Quốc xã, trước đây vốn là kẻ thù nguy hiểm của Liên Xô. Sự đảo ngược này là quá mức đối với mọi người, trừ những người cánh tả Mỹ cứng đầu nhất. Rốt cuộc thì chính cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít mới là nguyên nhân thu hút rất nhiều người đến với đảng cộng sản. (Trong một sự kiện thú vị, các nhà làm phim người Ý đã sản xuất một bộ phim chuyển thể – không có bản quyền – từ We the Living như một tuyên bố chống chủ nghĩa phát xít, mà sau đó đã bị chính phủ Mussolini cấm). Cuộc chuyển hướng sang Đảng Cộng sản Mỹ đã trở thành cuộc chuyển hướng vĩ đại rời khỏi Đảng này.
Tuy nhiên, việc trở thành một cựu cộng sản không nhất thiết đồng nghĩa với việc anh phải trở thành một người chống cộng, chí ít không phải là ngay lập tức. Rand là một trong những người cựu cộng sản, không phải vì bà đã mất niềm tin của mình, mà vì bà là một người di dân đã chứng kiến cuộc Cách mạng Nga từ bên trong.
Cuối cùng, vào những năm 1950, chủ nghĩa chống cộng đã trở thành một phong trào trí thức và chính trị toàn diện. Chambers đã thực hiện một sự chuyển đổi ngoạn mục nhất từ một người cộng sản sang cựu cộng sản, rồi sau cùng là một người chống cộng, tiết lộ sự tham gia của ông vào một nhóm gián điệp và liên quan đến một số nhân viên chính phủ cấp cao, bao gồm Alger Hiss, cựu quan chức Bộ Ngoại giao, người bị cáo buộc là một đặc vụ của Liên Xô.
Những tiết lộ của Chambers đã giúp thúc đẩy cuộc thập tự chinh của McCarthy chống lại những người cộng sản bị tình nghi trong chính phủ. Bản thân Rand đã tham gia vào phong trào này, làm chứng trước Ủy ban của Hạ viện điều tra Hoạt động chống Mỹ liên quan đến sự Xâm nhập của Cộng sản ở Hollywood.
Và ở đây mở ra cảnh cuối cùng của vở bi kịch: sự nổi lên cuối cùng của chủ nghĩa chống-chống cộng. Bác bỏ một phong trào chính trị đã đi chệch hướng khủng khiếp là một việc, nhưng nó hoàn toàn khác với việc lật tẩy những người bạn cũ và các cộng sự của mình, trong quá trình “trợ giúp và an ủi những chiến binh Chiến tranh Lạnh”, như nhà văn và nhà sử học Tony Judt đã viết. Vậy là ngay cả khi chủ nghĩa cộng sản không còn được ưa chuộng, thì trong số các trí thức, chủ nghĩa chống cộng cũng trở nên không hợp thời như đã xảy ra trong những năm 1930.
Một lần nữa, Rand là một nhân chứng quan trọng. Vào những năm 1950, tư tưởng chống cộng của bà đã phát triển thành sự tuyên dương chủ nghĩa tư bản, được củng cố bởi uy tín của bà khi là một người sống sót qua chủ nghĩa tập thể Liên Xô. Bà đã đổi cuốn tiểu thuyết lịch sử We the Living để lấy một di sản khác của Liên Xô: các tiểu thuyết agitprop (văn chương tuyên truyền chính trị), nhằm tôn vinh các cá nhân và doanh nhân anh hùng. Đến năm 1957, bà đã hoàn thiện tư tưởng của mình trong tác phẩm Atlas Shrugged, một sử thi có trọng lượng như các tác phẩm của Tolstoy.
Rand đã tìm ra tiếng nói – và độc giả của mình. Atlas Shrugged đã trở thành một tác phẩm best-seller, mặc cho nhiều lời phê bình là kém cỏi – Rand sẽ không bao giờ nhận được sự tôn trọng của giới phê bình như bà hằng khao khát. Khoảng cách giữa Rand với các nhà văn và tiểu thuyết gia đương thời, lần đầu tiên được chứng kiến trong những năm 1930, sẽ không bao giờ được thu hẹp lại.
Dù thoạt tiên được biểu hiện trong những thay đổi qua lại giữa chủ nghĩa cộng sản, cựu cộng sản và chống cộng, sự phân tách này đã chạm đến một điều cơ bản hơn trong cuộc sống Mỹ. Cách mạng Nga và hậu quả của nó đã phơi bày một “vết nứt” giữa “những người đàn ông và phụ nữ bình dị của đất nước,” như lời Chambers nói, “và những người bị tác động để hành động, suy nghĩ và lên tiếng thay cho họ.”
Một trăm năm sau, vết nứt đó vẫn còn ở bên chúng ta.
Jennifer Burns là giáo sư lịch sử của Đại học Stanford và nghiên cứu viên của Viện Hoover. Bà đồng thời là tác giả cuốn sách “Goddess of the Market: Ayn Rand and the American Right.”
Hình: Ayn Rand tại New York năm 1957. Nguồn: NYT.