“Không gì che dấu mà không bại lộ,
không gì kín ẩn mà sẽ không bị thấu biết”
MỤC LỤC
Lời nói đầu | |
Chương 1: | Hoàng Văn Chí |
Chương 2: | Hoàng Minh Chính và chủ nghĩa xét-lại VN |
Chương 3: | Trần Độ chống đảng hay muốn cứu đảng? |
Chương 4: | Hà Sĩ Phu muốn lật hòn đá tảng? |
Chương 5: | Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên |
Chương 6: | Nổi Loạn hay Nỗi Oan của Đào Hiếu |
Chương 7: | Nguyễn Hộ Quay Lại Chống Đảng |
Chương 8: | Dương Thu Hương với “Những Thiên Đường Mù” |
Chương 9: | Nhật Ký của Nguyễn Ngọc Lan |
Chương 10: | Hoàng Hữu Quýnh bỏ đảng |
Chương 11: | Hồi Ký của Việt Cộng Trương Như Tảng |
Chương 12: | Trần Đức Thảo có bị đầu độc không? |
Chương 13: | Nguyễn Chí Thiện hay Lý Đông A? |
Chương 14: | Bùi Tín Thành Tín Hay Bội Tín Thất Tín? |
Chương 15: | Linh mục Chân Tín có sám hối không? |
Chương 16: | Ông Già Chợ Đệm Nguyễn Văn Trấn |
Chương 17: | Nguyễn Mạnh Tường, “Kẻ Bị Vạ Tuyệt Thông” |
Chương 18: | Xuân Vũ với 34 tác phẩm chống Cộng |
Chương 19: | Những người khác |
Chương 20: | Vẫn Đêm Giữa Ban Ngày (tổng kết) |
Phụ Lục |
LỜI NÓI ĐẦU
Một bạn đọc ở Santa Ana, sau khi đọc bài “Tướng Cộng Sản hồi hưu Trần Độ chống đảng hay muốn cứu đảng” đăng trên nguyệt san Hiệp Nhất số tháng 3 năm 1999 (1), đã gọi tôi bảo hãy tìm đọc bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong số mới nhất vừa ra đề 1-15 tháng 4, 1999 trong đó cũng có người viết về Trần Độ đấy. Tôi đã từng nghe nói VNTP là tờ báo có nhiều cây viết cứng cựa, với lập trường chống cộng rõ rệt không khoan nhượng, đã đứng vững gần một phần tư thế kỷ ở hải ngoại. Trong số báo đầu tháng 4 này tác giả Tầm Nguyên đã đề tựa bài viết của ông: “Viên Tướng VC Về Hưu Trần Độ vuốt đuôi đảng”. Trong bài báo ông đã gọi Dương Thu Hương là “nhà văn cái”, Bùi Tín là “con thò lò”. Nguyên mấy nhóm từ “vuốt đuôi đảng”, “nhà văn cái”, “con thò lò” được dùng đủ cho thấy tác giả coi ba người này chẳng ra gì, lời nói của họ đối với ông chỉ là trò bịp bợm do đảng mớm cho mà thôi.
Nhưng tôi cũng được biết những người này đã được các báo Thế Kỷ 21, Người Việt, Ngày Nay, Diễn Đàn Phụ Nữ… ở Mỹ, Thông Luận, Tin Nhà ở Pháp… và các đài BBC, VOA và Á Châu Tự Do nhắc đến một cách trân trọng hơn. Sự tò mò khiến tôi tìm đọc thêm về họ. Đồng thời tôi cũng muốn biết thêm về một số người khác trong số những nhà trí thức, văn nghệ sĩ và cán bộ cao cấp của Việt Cộng trước kia mà từ những năm bắt đầu “cởi trói” hay “Đổi Mới” dưới thời Nguyễn Văn Linh, đã lên tiếng phản kháng hoặc tỏ dấu phản tỉnh. Càng đọc tôi càng thấy có gì mới mẻ, đáng quan tâm. Khi đọc một cuốn thì tôi nghĩ khác, đọc sang cuốn thứ hai rồi thứ ba, tôi thấy mình nghĩ khác về tác giả. Đọc một nguồn tin tôi nghĩ khác, đến khi được đọc nhiều nguồn tin, đối chiếu nhiều tác phẩm của nhiều tác giả với nhau, rồi đặt chúng vào thời gian, bối cảnh của chúng, tôi nảy ra những suy đoán, giả thuyết khác nhau. Vì vậy tôi đã tìm đọc một số sách báo gần đây để cố đẩy sự “nghiên cứu” riêng của mình tới một điểm nào đó. Mặc dầu chỉ vì tò mò cá nhân, không có tham vọng làm một cuộc phê bình văn học hay nghiên cứu nghiêm túc về lịch sử, chính trị, tôi cũng thấy dường như mình đã khám phá ra một cái gì hay hay đối với riêng mình. Tôi mạnh dạn viết ra những trang sau đây để chia sẻ với bạn đọc, nhất là những bạn đọc trẻ, bận việc ít có thì giờ đọc sách nhưng lại tò mò muốn biết những gì đang xảy ra trong nước giữa nhà cầm quyền với những người viết văn và những cựu cán bộ phản tỉnh hay bất mãn, hay giả vờ bất mãn…
Xin bạn đọc đừng coi đây là một cuộc nghiên cứu nghiêm túc. Hãy chỉ coi như một sự chia sẻ về tư liệu và suy tư của một người tò mò đã dành thì giờ tìm hiểu xem những người được nêu tên nơi các đầu chương của tập sách này phản tỉnh thực hay giả, và qua những gì họ nói và viết bộ mặt xã hội “xã hội chủ nghĩa” Việt Nam đã hiện lên như thế nào. Và…, nếu sau khi gấp cuốn sách lại, bạn đọc thấy được phần nào sự phức tạp của cuộc chiến quốc cộng trong ba thập niên và lý do tại sao “phe quốc gia” lại thua và phe nào đã thắng, đang thắng, sẽ thắng thì đó là ngoài sự mong mỏi của soạn giả.
Soạn phẩm này sẽ gồm có 20 chương. Mỗi chương trong 18 chương đầu sẽ dành để nói về một tác giả. Chương 19 nói chung chung hết sức vắn tắt về khoảng 40 tác giả hay nhân vật khác mà chúng tôi không có đủ dữ kiện để dành cho mỗi người một chương riêng. Chương 20 là phần tổng kết những nhận xét và bình luận của soạn giả, dựa theo những ý kiến của tất cả các tác giả hay nhân vật đã được nói đến trong các chương, và những ý kiến của một số tác giả thuộc phe quốc gia, và thế giới tự do đã phát biểu từ lâu trước.
Trong số 18 tác giả có chương riêng thì có:
- 3 người đã dứt khoát từ bỏ và chống lại chính quyền Cộng Sản không do dự: Hoàng Văn Chí rời bỏ miền Bắc vào Nam từ 1956. Xuân Vũ (Bùi Quang Triết) ra hồi chánh năm 1968 và Hoàng Hữu Quýnh tìm tự do năm 1979 ở Ý.
- 1 người, tuy sống trong lòng chế độ Cộng Sản, nhưng từ đầu tới cuối luôn luôn chống đảng không úp mở là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.
- 3 người đã bỏ chạy ra sống ở ngoại quốc cho đến nay, tuy có chống chế độ Cộng Sản, nhưng tương đối còn kính nể Mác và Hồ Chí Minh, đó là các ông Trương Như Tảng (đi từ 1976), Búi Tín (từ 1990) và Vũ Thư Hiên (từ 1995)
- 1 người đã từng cùng nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống đường lối của đảng trong một thời gian ngắn rồi sau đó bị cô lập, trù dập cho đến thời kỳ “đổi mới”. Cuối cùng đã đánh lừa được đảng để lấy cớ sang Pháp vận động cho chế độ rồi ở lại nói lên phán quyết cuối cùng, muộn màng phê phán: “Chính là Mác sai”. Đó là giáo sư thạc sĩ Trần Đức Thảo.
- 10 người còn lại là những cán bộ, đảng viên hoặc văn nghệ sĩ, nhà báo ngoài đảng, nhưng hiện nay vẫn sống ở trong nước. Họ đã mỗi người bằng một cách riêng, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua ẩn ngữ, dụ ngôn chống đối đảng một cách ôn hòa, bất bạo động. Đó là các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Hà Sĩ Phu, Đào Hiếu, Nguyễn Hộ, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Văn Trấn (mất năm 1995), Nguyễn Mạnh Tường (mất 1998), Linh Mục Chân Tín và bà Dương Thu Hương.
Các chương không được xếp theo thứ tự vừa nêu, mà theo thứ tự mẫu tự ABC tên gọi của các tác giả để tiện tìm đọc. Vì thực ra sự phân loại nói trên của soạn phẩm cũng không có tính cách chặt chẽ như trong một tác phẩm nghiên cứu đích thực. Xin bạn đọc hãy coi những trang sau đây như những tư liệu đọc để giết thời gian. (2)
Sau hết, nhân đây chúng tôi xin cám ơn, đồng thời xin lỗi các tác giả vì đã lạm dụng trích dẫn hơi nhiều, mặc dù vẫn thấy chưa lột hết được ý của quý vị. Nếu có gì sai sót mong quý vị thông cảm và chỉ giáo cho. Cũng mong độc giả sẽ không trách chúng tôi rườm rà trong những trang trích dẫn lê thê. Chúng tôi chỉ nêu ra làm tài liệu hầu bạn đọc có thể căn cứ vào đó phán đoán về những kết luận của chúng tôi liên quan đến các vấn đề căn bản đề cập trong phần tổng kết. Bạn đọc có thể chỉ lướt qua phần trích dẫn nơi 19 chương trên nếu thấy không hấp dẫn.
Chú Thích:
(1) Xin xem chương 3 soạn phẩm này.
(2) Trong soạn phẩm này chúng tôi hay dùng mấy chữ viết tắt xhcn để chỉ xã hội chủ nghĩa theo thuyết duy vật vô thần của Mác. Khi dùng theo nghĩa xã hội chủ nghĩa của các thế chế tự do thì không bao giờ viết tắt chữ nhỏ như vậy.
+ Một số nhóm từ nhắc lại nhiều lần trong một chương, như tên tác giả đứng đầu chương và những nhân vật quá quen thuộc cũng hay được viết tắt bằng những chữ cái đầu tên, như HVC = Hoàng Văn Chí, HMC = Hoàng Minh Chính, HCM = Hồ Chí Minh. CCRĐ = Cải Cách Ruộng Đất vân vân…
+ Trong chương tổng kết và vài chương khác, như chương 9, chương 15, chúng tôi có dùng những danh xưng Cơ Đốc Giáo, Ki-Tô hữu, tín đồ Công Giáo… Chúng tôi xin giải thích về những sự phân biệt này để độc giả hiểu rõ ý chúng tôi.
Tôn Giáo coi Đức Chúa Giêsu Kitô (Jesus Christus) là Đức Chúa Trời (Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa, vừa có Thần Tính, vừa có Nhân Tính) được gọi là Ki-Tô Giáo, tiếng Pháp là Christianisme. Trước đây cũng có nhiều người gọi là Cơ Dốc Giáo, đạo Cơ Đốc. Chữ Cơ Đốc là theo phiên âm tiếng Tầu, Ki-Tô là theo phiên âm tiếng Việt, của chữ Christo. Cũng có người gọi là đạo Gia Tô. Chữ Gia Tô là theo phiên âm tiếng Tầu của chũ Jesus. Ngày nay không còn ai nói đạo Gia Tô nữa.
Ki-Tô Giáo theo thời gian đã tách ra làm nhiều hệ phái có danh xưng khác: Chính Thống Giáo ở một số nước Đông Âu và Hy Lạp, Liên Xô; Anh Quốc Giáo ở nước Anh và một số nhỏ ở Mỹ. Hai tôn giáo này không khác Công Giáo La Mã bao nhiêu. Cách phụng vụ và tế lễ cũng giống nhau. Đạo Tin Lành gồm rất nhiều chi phái do hai nhà thần học Ki-Tô Giáo là Calvin và Luther sáng lập; cuối cùng là Công Giáo có khi gọi là Công Giáo La Mã, là đạo tự cho là chính thống hơn tất cả các giáo phái Ki-Tô Giáo khác, vì vẫn giữ đúng mọi tín điều và nghi lễ như ban đầu. Ki-Tô Giáo trên thế giới có số tín đồ tổng cộng 2 tỷ thì công giáo đã chiếm 1 tỷ (theo kiểm tra đầu năm nay là đúng một tỷ).
Như vậy khi chúng tôi dùng Ki-Tô Giáo thì hiểu là Công Giáo cũng được mà Tin Lành, hay Chính Thống, hay Anh Giáo thì cũng được. Còn khi nói Công Giáo thì xin hiểu đó là tôn giáo lớn nhất trong Ki-Tô Giáo, có trụ sở là Vatican, La Mã.
Tại Việt Nam trước đây nhiều người cũng dùng 3 chữ “Thiên Chúa Giáo” để gọi Công Giáo. Nhưng trong soạn phẩm này chúng tôi tránh dùng mấy tiếng đó cho khỏi gây hiểu lầm, vì Thiên Chúa theo chúng tôi hiểu là chung cho mọi tôn giáo. Đạo nào cũng thờ Thiên Chúa, tức Chúa Trời, tức Thượng Đế, tức Đấng Tối Cao, Đấng Toàn Năng, Đấng Toàn Hảo, Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ, hay Ơn Trên, hay “Giời”…
Riêng về hai chữ Công Giáo chỉ có nghĩa là đạo mà người Tây Phương từ trước đến giờ vẫn gọi là “Catholicisme, Catholicism”, chứ không hề có nghĩa là “đạo chung cho mọi người” như có người hiểu lầm, rồi dịch ra Anh ngữ là “Public Religion” (!)