Hình Ảnh & Sự Kiện
Phương tiện chuyển thư thời xưa
Nhớ ngày còn đi học, trong giờ sử cô giáo đặt câu hỏi phương tiện vận chuyển thư từ thời xưa ra sao. Đám học trò giơ tay xin trả lời cô giáo lại không kêu mà hướng về bộ mặt ngơ ngác của tôi. Tôi đứng dậy lòng đầy bối rối, nói đại là chạy bộ marathon cho xong. Cả lớp ồ lên khiến tôi quê mặt. Nào ngờ cô giáo khen rằng “đúng”. Đúng thế nào tôi chẳng rõ, sau này mới biết chuyện một chiến binh Hy Lạp trong trận chiến từ thành Marathon đã chạy hết quãng đường hơn 42 km để đưa thư chiến thắng về thành Athena rồi đứt hơi ngã lăn ra chết. Từ đó, trong thể thao điền kinh có môn chạy Marathon ghi nhớ công lao của anh lính chuyển thư kiểu này.
Chuyện xưa tích cũ ngàn năm, ấy vậy mà khi tôi nhìn những tấm ảnh lịch sử bưu chính Việt Nam vào thời Pháp mới chiếm xong 3 tỉnh miền Ðông Nam Kỳ lại thấy bùi ngùi cho nghề giao chuyển thư bằng “xe lô ca chân” (đi bộ). Hồi đó, đường sá chưa có, khắp nơi rừng rậm vây quanh, thú dữ luôn đe dọa tính mạng của người khuân gánh thư giao chuyển cho các bưu trạm để kết nối liên lạc với chính quyền các vùng trong tỉnh. Nhưng xem xong mớ ảnh tư liệu, tôi bật cười vì đoàn người gánh thư chẳng cần phải có trách nhiệm nhanh chóng giao tài liệu thư từ đến nơi đến chốn mà lại bỏ thời gian đào hố bắt cọp để giết kẻ “cản đường” vận chuyển.
Ðọc “Ðất Gia Ðịnh xưa” của Sơn Nam mới hình dung ra được, thời Pháp chiếm Bến Nghé, ngoài khu vực nhỏ của thành Gia Ðịnh rộng vài ba cây số vuông, Sài Gòn còn là nơi nê địa hoang vu, rộng ra các vùng xa chung quanh đất Ðồng Nai, Bình Dương chưa có đường bộ thông suốt mà chỉ là một vài con lộ nhỏ giao thông bằng phương tiện đi chân đất hoặc xe ngựa xe bò. Sau khi chiếm Gia Ðịnh, người Pháp thành lập ngay bưu cục để bảo đảm thông tin liên lạc cho bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Sài Gòn với chính phủ tại Pháp. Bên cạnh đó, bưu cục là nơi nhận chuyển thư từ của binh lính Pháp về cho thân nhân và ngược lại, chứ người dân An Nam trong nước chưa hề biết chuyển một lá thư theo cách thức trên góc phải bìa thư phải dán con cò.
Dán con cò ra sao, cho tôi mạn phép dông dài đôi chút về hình ảnh con cò thân thuộc đối với người dân Việt. Thời Pháp thiết lập bưu cục, dân ta chẳng biết mô tê gì về các loại tem (stamp) thư. Ngay thời vua chúa phong kiến, thư từ, bưu kiện chuyển đi từ các bưu trạm bằng ngựa cũng chỉ niêm đóng dấu bằng mực đỏ, liên lạc thư tín, công văn chỉ dùng trong chính quyền quan lại không phải mất tiền chuyển vận. Khi người Pháp cho phát hành con tem hình vuông có vẽ hình con chim phượng hoàng, biểu tượng của Hoàng đế Napoleon dán lên bìa thư như một chức năng thanh toán vận chuyển thì người Việt mình thấy con chim có cái cổ dài không khác con cò nên gọi con tem là con cò cho tiện. Một chuyện khác, hồi lần đầu tôi đến Westwego tiểu bang Louisiana, hỏi đường một bà cụ người Việt chỉ đường rành rẽ, cứ việc chạy qua “cầu con cò” đi một đỗi là tới. Tôi chạy xe mắt dõi tìm hình ảnh cầu con cò nhưng chẳng thấy. Thì ra chiếc cầu sắt bắc ngang sông Mississippi có cái hình biểu tượng con chim Pelican (chim bồ nông). Chim bồ nông có cái cổ dài và cái mỏ dài nên không chỉ bà cụ tôi hỏi đường mà nhiều người Việt lớn tuổi khác ở New Orleans cũng gọi đó là con cò.
Theo tài liệu lịch sử bưu điện thời Pháp thuộc thì Nhà Bưu chính đầu tiên khánh thành tại Sài Gòn năm 1863 và đưa vào sử dụng một năm sau đó. Tuy nhiên trước đó, người Pháp đã thiết lập đường dây thép đầu tiên Sài Gòn – Biên Hoà dài 28 km nối liên lạc với vùng đất Nông Nại đại phố sung túc một thời từ khi Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn vào Nam phân chia địa giới, lập xứ Đồng Nai.
Và tiếp theo là những cột dây thép mọc lên ở các tỉnh miền Nam kết nối giao thông liên lạc qua đường truyền điện tín. Đến năm 1872, hệ thống thông tin điện tín đã mở rộng nhiều vùng Đông Nam bộ với tổng số đường dây lên đến 6,600 km trong đó có cả 36 đường cáp ngầm chui qua những con sông.
Trong “Gia Ðịnh phong cảnh quốc âm ca vịnh” – tác giả Hai Ðức ghi rằng: “Gia Tân nền trạm thuở xưa / Ngày nay có dựng cột cờ gần bên (chỗ Cột cờ Thủ Ngữ ở bến Bạch Ðằng) / Tư bề dây thép giăng lên / Lưu thông các thứ báo tin truyền lời”. Dù vậy, việc sử dụng thư từ, đánh dây thép vẫn còn là chuyện xa xỉ đối với người dân nghèo Sài Gòn – Chợ Lớn và cả vùng Nam bộ. Giá tiền thuở ban đầu đó là con tem mất 4 xu (tương đương 1.3 kg gạo), một bức điện tín đánh đi ít nhất phải tốn 20 kg gạo.
Sau đó bưu điện đã mở thêm nhiều dịch vụ vận chuyển bưu kiện, hàng hoá. Tuy nhiên chủ yếu vẫn là dịch vụ phục vụ dành cho khách hàng người Pháp và người giàu có. Ðây là thời gian phát triển ngành bưu điện vận chuyển giao phát thư từ, hàng hoá không còn dùng người gánh vác đi chân trần trên đường đất mà chuyển qua dùng xe ngựa thay thế cho nhanh vì lúc đó đường bộ bắt đầu được mở rộng kết nối nhiều tỉnh lỵ lân cận và việc giao chuyển thư từ, công văn đã dùng xe kéo, xe ngựa, ở các vùng Tây Nguyên còn dùng đến voi thồ. Ca dao ghi nhận rằng: “Biên Hoà còn dạng xe tờ / Mới bày bảy giờ xe máy Tây Ninh”.
Xe tờ là xe gì mà dùng trong vận chuyển cho ngành bưu chính. Tìm hiểu thêm thì ra đó là xe hai ngựa kéo một thùng rộng bốn bánh. Thùng xe cao có hai băng ghế khách ngồi đối diện nhau. Loại xe này là kiểu xe ngựa dùng bên Pháp nhận thêm nhiệm vụ vận chuyển bưu kiện, thư từ, tờ trát, công văn của chính quyền nên người dân gọi gọn “xe tờ” cho tiện, chứ lúc đó chưa gọi “xe thơ” như sau này bưu điện nhờ xe đò vận chuyển. Ðến năm 1900, Bưu điện Sài Gòn xin độc quyền vận chuyển vật phẩm bưu chính bằng xe hơi gọi là omnibus automobile nhưng đến năm 1903 chiếc xe hơi đầu tiên mới theo tàu cập bến Sài Gòn.
Việc phân phát thư từ, điện tín, bưu phẩm ở các tỉnh như Tây Ninh, Gò Công đã dùng xe đạp mà người dân quen gọi là xe máy. Mãi đến năm 1917, các trạm bưu điện mới trang bị xe đạp. Nguyên cả tỉnh Gò Công, bưu điện được cấp cho 4 chiếc xe đạp, lúc này chính quyền phải thuê một “chuyên gia” người Pháp từ Sài Gòn về hướng dẫn cách đạp xe. Nhà dây thép Tây Ninh có 10 chiếc xe máy để phân phát thư. Hình ảnh chiếc xe đạp sườn ngang bằng nhôm, trên yên sau vắt ngang hai cái túi da với tiếng gọi tên chủ nhà ra nhận thư của người bưu tá thật khó quên đối với nhiều người lớn tuổi kéo dài nhiều thập niên. Trong khi đó ở Sài Gòn trước khi dùng xe đạp giao phát thư, người bưu tá còn ngồi xe kéo giống như ông chủ bảnh tẻng, người phu kéo xe dừng từng nhà, ông bưu tá dõng dạc kêu tên gia chủ ra nhận thư. Còn người muốn gởi thư phải đích thân đi ra nhà dây thép, chứ người phát thư không nhận. Ðến sau này thời Cộng Hoà, ngành bưu chính mới cho đặt các thùng thư công cộng ở trên các con phố để người dân tiện việc gởi thư mà không mất thời gian đi ra bưu điện. Mỗi ngày hai lần có nhân viên bưu điện đến mở thùng lấy thư giao cho bưu điện trung tâm phân phối về bưu điện quận hoặc chuyển đi các tỉnh theo xe đò.
Thư từ, bưu phẩm vẫn phải nhờ xe đò tư nhân làm nhiệm vụ trung chuyển. Chủ xe không nhận tiền thù lao mà được hưởng quyền ưu tiên chạy qua các chốt cảnh sát xét hỏi an ninh, ưu tiên qua cầu phà trước không cần xếp hàng nối đuôi. Do đó, nhiều nhà xe các tỉnh tình nguyện nhận nhiệm vụ này. Chuyến xe từ Sài Gòn đi mỗi tỉnh mỗi ngày đều có ba bốn chuyến xe thơ. Chủ xe chỉ cần treo tấm bảng “xe thơ” chữ màu đỏ phía trước. Nhiều hành khách thích đi xe thơ vì xe ưu tiên, nhanh chóng về quê mà không phải mất thời gian chờ đợi qua phà. Ngoài xe đò chở thơ, còn các phương tiện giao thông khác như tàu thuỷ, xe lửa, máy bay cũng tham gia vận chuyển các loại bưu phẩm của ngành bưu chính.
Đầu thập niên 20, Pháp đã thiết lập hệ thống nhà dây thép ở các tỉnh miền Nam và mãi đến cuối thập niên này, hệ thống nhà dây thép miền Trung và miền Bắc mới được hoàn chỉnh, đồng thời thành lập luôn hàng không bưu chính từ Đông Dương qua Pháp.
Người bạn cùng thời với tôi bỏ nghề dạy học mặc dầu sắp tới tuổi hưu, thành lập công ty chuyển phát nhanh cạnh tranh với nhiều công ty dịch vụ bưu chính khác. Bạn nói: “Bây giờ thông tin liên lạc viễn thông điện tử ở Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung đã thay thế nhiều chức năng giao nhận thư của ngành bưu chính. Bưu điện hầu như chỉ còn làm dịch vụ giao chuyển bưu phẩm”. Riêng tôi lại nghĩ đến những thùng thư công cộng trên các con phố chẳng biết còn không hoặc đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Và từ sau 1975, xe đò chở thơ cũng chẳng còn nhiệm vụ vì bưu điện các tỉnh đều trang bị xe chuyên biệt.
TN
( báo Trẻ )
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- Thảm họa đường sắt Ấn Độ ( Lão Phan Sưu Tầm )
- Biển Ukraine.. nổi sóng – OCS Florida ( TVQ Úc Chuyển )
- Biểu tình phản đối trụ sở ban giao thương mại của CSVN tại Brooklyn, TB Victoria ( TVQ chuyển )
- Lễ Thượng Kỳ Đầu Năm Nhâm Dần tại Maribyrnong, Brimbank và Greater Dandenong Tiểu Bang Victoria ( TVQ Chuyển )
- Những Địa Danh Mang Tên "CÁI" Ở Miền Nam ( Trần Văn Giang ghi lại )
Phương tiện chuyển thư thời xưa
Nhớ ngày còn đi học, trong giờ sử cô giáo đặt câu hỏi phương tiện vận chuyển thư từ thời xưa ra sao. Đám học trò giơ tay xin trả lời cô giáo lại không kêu mà hướng về bộ mặt ngơ ngác của tôi. Tôi đứng dậy lòng đầy bối rối, nói đại là chạy bộ marathon cho xong. Cả lớp ồ lên khiến tôi quê mặt. Nào ngờ cô giáo khen rằng “đúng”. Đúng thế nào tôi chẳng rõ, sau này mới biết chuyện một chiến binh Hy Lạp trong trận chiến từ thành Marathon đã chạy hết quãng đường hơn 42 km để đưa thư chiến thắng về thành Athena rồi đứt hơi ngã lăn ra chết. Từ đó, trong thể thao điền kinh có môn chạy Marathon ghi nhớ công lao của anh lính chuyển thư kiểu này.
Chuyện xưa tích cũ ngàn năm, ấy vậy mà khi tôi nhìn những tấm ảnh lịch sử bưu chính Việt Nam vào thời Pháp mới chiếm xong 3 tỉnh miền Ðông Nam Kỳ lại thấy bùi ngùi cho nghề giao chuyển thư bằng “xe lô ca chân” (đi bộ). Hồi đó, đường sá chưa có, khắp nơi rừng rậm vây quanh, thú dữ luôn đe dọa tính mạng của người khuân gánh thư giao chuyển cho các bưu trạm để kết nối liên lạc với chính quyền các vùng trong tỉnh. Nhưng xem xong mớ ảnh tư liệu, tôi bật cười vì đoàn người gánh thư chẳng cần phải có trách nhiệm nhanh chóng giao tài liệu thư từ đến nơi đến chốn mà lại bỏ thời gian đào hố bắt cọp để giết kẻ “cản đường” vận chuyển.
Ðọc “Ðất Gia Ðịnh xưa” của Sơn Nam mới hình dung ra được, thời Pháp chiếm Bến Nghé, ngoài khu vực nhỏ của thành Gia Ðịnh rộng vài ba cây số vuông, Sài Gòn còn là nơi nê địa hoang vu, rộng ra các vùng xa chung quanh đất Ðồng Nai, Bình Dương chưa có đường bộ thông suốt mà chỉ là một vài con lộ nhỏ giao thông bằng phương tiện đi chân đất hoặc xe ngựa xe bò. Sau khi chiếm Gia Ðịnh, người Pháp thành lập ngay bưu cục để bảo đảm thông tin liên lạc cho bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Sài Gòn với chính phủ tại Pháp. Bên cạnh đó, bưu cục là nơi nhận chuyển thư từ của binh lính Pháp về cho thân nhân và ngược lại, chứ người dân An Nam trong nước chưa hề biết chuyển một lá thư theo cách thức trên góc phải bìa thư phải dán con cò.
Dán con cò ra sao, cho tôi mạn phép dông dài đôi chút về hình ảnh con cò thân thuộc đối với người dân Việt. Thời Pháp thiết lập bưu cục, dân ta chẳng biết mô tê gì về các loại tem (stamp) thư. Ngay thời vua chúa phong kiến, thư từ, bưu kiện chuyển đi từ các bưu trạm bằng ngựa cũng chỉ niêm đóng dấu bằng mực đỏ, liên lạc thư tín, công văn chỉ dùng trong chính quyền quan lại không phải mất tiền chuyển vận. Khi người Pháp cho phát hành con tem hình vuông có vẽ hình con chim phượng hoàng, biểu tượng của Hoàng đế Napoleon dán lên bìa thư như một chức năng thanh toán vận chuyển thì người Việt mình thấy con chim có cái cổ dài không khác con cò nên gọi con tem là con cò cho tiện. Một chuyện khác, hồi lần đầu tôi đến Westwego tiểu bang Louisiana, hỏi đường một bà cụ người Việt chỉ đường rành rẽ, cứ việc chạy qua “cầu con cò” đi một đỗi là tới. Tôi chạy xe mắt dõi tìm hình ảnh cầu con cò nhưng chẳng thấy. Thì ra chiếc cầu sắt bắc ngang sông Mississippi có cái hình biểu tượng con chim Pelican (chim bồ nông). Chim bồ nông có cái cổ dài và cái mỏ dài nên không chỉ bà cụ tôi hỏi đường mà nhiều người Việt lớn tuổi khác ở New Orleans cũng gọi đó là con cò.
Theo tài liệu lịch sử bưu điện thời Pháp thuộc thì Nhà Bưu chính đầu tiên khánh thành tại Sài Gòn năm 1863 và đưa vào sử dụng một năm sau đó. Tuy nhiên trước đó, người Pháp đã thiết lập đường dây thép đầu tiên Sài Gòn – Biên Hoà dài 28 km nối liên lạc với vùng đất Nông Nại đại phố sung túc một thời từ khi Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn vào Nam phân chia địa giới, lập xứ Đồng Nai.
Và tiếp theo là những cột dây thép mọc lên ở các tỉnh miền Nam kết nối giao thông liên lạc qua đường truyền điện tín. Đến năm 1872, hệ thống thông tin điện tín đã mở rộng nhiều vùng Đông Nam bộ với tổng số đường dây lên đến 6,600 km trong đó có cả 36 đường cáp ngầm chui qua những con sông.
Trong “Gia Ðịnh phong cảnh quốc âm ca vịnh” – tác giả Hai Ðức ghi rằng: “Gia Tân nền trạm thuở xưa / Ngày nay có dựng cột cờ gần bên (chỗ Cột cờ Thủ Ngữ ở bến Bạch Ðằng) / Tư bề dây thép giăng lên / Lưu thông các thứ báo tin truyền lời”. Dù vậy, việc sử dụng thư từ, đánh dây thép vẫn còn là chuyện xa xỉ đối với người dân nghèo Sài Gòn – Chợ Lớn và cả vùng Nam bộ. Giá tiền thuở ban đầu đó là con tem mất 4 xu (tương đương 1.3 kg gạo), một bức điện tín đánh đi ít nhất phải tốn 20 kg gạo.
Sau đó bưu điện đã mở thêm nhiều dịch vụ vận chuyển bưu kiện, hàng hoá. Tuy nhiên chủ yếu vẫn là dịch vụ phục vụ dành cho khách hàng người Pháp và người giàu có. Ðây là thời gian phát triển ngành bưu điện vận chuyển giao phát thư từ, hàng hoá không còn dùng người gánh vác đi chân trần trên đường đất mà chuyển qua dùng xe ngựa thay thế cho nhanh vì lúc đó đường bộ bắt đầu được mở rộng kết nối nhiều tỉnh lỵ lân cận và việc giao chuyển thư từ, công văn đã dùng xe kéo, xe ngựa, ở các vùng Tây Nguyên còn dùng đến voi thồ. Ca dao ghi nhận rằng: “Biên Hoà còn dạng xe tờ / Mới bày bảy giờ xe máy Tây Ninh”.
Xe tờ là xe gì mà dùng trong vận chuyển cho ngành bưu chính. Tìm hiểu thêm thì ra đó là xe hai ngựa kéo một thùng rộng bốn bánh. Thùng xe cao có hai băng ghế khách ngồi đối diện nhau. Loại xe này là kiểu xe ngựa dùng bên Pháp nhận thêm nhiệm vụ vận chuyển bưu kiện, thư từ, tờ trát, công văn của chính quyền nên người dân gọi gọn “xe tờ” cho tiện, chứ lúc đó chưa gọi “xe thơ” như sau này bưu điện nhờ xe đò vận chuyển. Ðến năm 1900, Bưu điện Sài Gòn xin độc quyền vận chuyển vật phẩm bưu chính bằng xe hơi gọi là omnibus automobile nhưng đến năm 1903 chiếc xe hơi đầu tiên mới theo tàu cập bến Sài Gòn.
Việc phân phát thư từ, điện tín, bưu phẩm ở các tỉnh như Tây Ninh, Gò Công đã dùng xe đạp mà người dân quen gọi là xe máy. Mãi đến năm 1917, các trạm bưu điện mới trang bị xe đạp. Nguyên cả tỉnh Gò Công, bưu điện được cấp cho 4 chiếc xe đạp, lúc này chính quyền phải thuê một “chuyên gia” người Pháp từ Sài Gòn về hướng dẫn cách đạp xe. Nhà dây thép Tây Ninh có 10 chiếc xe máy để phân phát thư. Hình ảnh chiếc xe đạp sườn ngang bằng nhôm, trên yên sau vắt ngang hai cái túi da với tiếng gọi tên chủ nhà ra nhận thư của người bưu tá thật khó quên đối với nhiều người lớn tuổi kéo dài nhiều thập niên. Trong khi đó ở Sài Gòn trước khi dùng xe đạp giao phát thư, người bưu tá còn ngồi xe kéo giống như ông chủ bảnh tẻng, người phu kéo xe dừng từng nhà, ông bưu tá dõng dạc kêu tên gia chủ ra nhận thư. Còn người muốn gởi thư phải đích thân đi ra nhà dây thép, chứ người phát thư không nhận. Ðến sau này thời Cộng Hoà, ngành bưu chính mới cho đặt các thùng thư công cộng ở trên các con phố để người dân tiện việc gởi thư mà không mất thời gian đi ra bưu điện. Mỗi ngày hai lần có nhân viên bưu điện đến mở thùng lấy thư giao cho bưu điện trung tâm phân phối về bưu điện quận hoặc chuyển đi các tỉnh theo xe đò.
Thư từ, bưu phẩm vẫn phải nhờ xe đò tư nhân làm nhiệm vụ trung chuyển. Chủ xe không nhận tiền thù lao mà được hưởng quyền ưu tiên chạy qua các chốt cảnh sát xét hỏi an ninh, ưu tiên qua cầu phà trước không cần xếp hàng nối đuôi. Do đó, nhiều nhà xe các tỉnh tình nguyện nhận nhiệm vụ này. Chuyến xe từ Sài Gòn đi mỗi tỉnh mỗi ngày đều có ba bốn chuyến xe thơ. Chủ xe chỉ cần treo tấm bảng “xe thơ” chữ màu đỏ phía trước. Nhiều hành khách thích đi xe thơ vì xe ưu tiên, nhanh chóng về quê mà không phải mất thời gian chờ đợi qua phà. Ngoài xe đò chở thơ, còn các phương tiện giao thông khác như tàu thuỷ, xe lửa, máy bay cũng tham gia vận chuyển các loại bưu phẩm của ngành bưu chính.
Đầu thập niên 20, Pháp đã thiết lập hệ thống nhà dây thép ở các tỉnh miền Nam và mãi đến cuối thập niên này, hệ thống nhà dây thép miền Trung và miền Bắc mới được hoàn chỉnh, đồng thời thành lập luôn hàng không bưu chính từ Đông Dương qua Pháp.
Người bạn cùng thời với tôi bỏ nghề dạy học mặc dầu sắp tới tuổi hưu, thành lập công ty chuyển phát nhanh cạnh tranh với nhiều công ty dịch vụ bưu chính khác. Bạn nói: “Bây giờ thông tin liên lạc viễn thông điện tử ở Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung đã thay thế nhiều chức năng giao nhận thư của ngành bưu chính. Bưu điện hầu như chỉ còn làm dịch vụ giao chuyển bưu phẩm”. Riêng tôi lại nghĩ đến những thùng thư công cộng trên các con phố chẳng biết còn không hoặc đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Và từ sau 1975, xe đò chở thơ cũng chẳng còn nhiệm vụ vì bưu điện các tỉnh đều trang bị xe chuyên biệt.
TN
( báo Trẻ )