Văn Học & Nghệ Thuật
"Rồng Ngâm Váng Khúc Tân Thanh"
Hai nhà thơ lẫm liệt, một Nam một Bắc ở hai miền, người trước người sau lại cùng chung số phận.
"Rồng Ngâm Váng Khúc Tân Thanh"
Nguyễn Xuân Nghĩa
"Thiếu tự do, thà ném bút đi! Cầm lấy mũi nhọn khác!"
Tết năm Thìn mà nói về một nhà thơ sinh năm Thìn và cũng mất vào một năm Thìn là điều hợp cách....
Đấy là Vũ Hoàng Chương, sinh năm Bính Thìn 1916, mất năm Bính Thìn 1976. Ông mất trong hoàn cảnh bất thường: bị bắt giam vào khám Chí Hoà, khi "tiếng ếch đã trùm lên tiếng sóng" và chỉ được thả ra vài tháng sau, khi đã hấp hối. Năm ngày sau thì ông trút hơi thở cuối cùng dưới chân "Gác Bút" gần bến Vân Đồn của Sàigòn, vào mùng sáu Tháng Chín.
Chúng ta phải tin rằng năm Nhâm Thìn này, nhiều người sẽ tưởng niệm một con rồng của thi ca nước Nam như Vũ Hoàng Chương.
Nhưng người viết xin nghiêng mình qua hướng khác mà nhắc đến một nhà thơ khác, sinh vào năm Hợi mà mất cũng vào một năm Hợi trong hoàn cảnh u buồn không kém nhà thơ họ Vũ.
Đó là Phan Khôi, nhân vật kiệt xuất đất Quảng, cháu ngoại Tổng đốc Hoàng Diệu, sinh năm Đinh Hợi 1887 và mất năm Kỷ Hợi 1959. Mất trong nhục nhằn, mộ phần ở đâu không còn ai biết, chỉ vì đã dõng dạc chống lại sự đàn áp tư tưởng của chế độ.
Sở dĩ nhắc đến Cụ Tú Phan vì mối giao tình giữa hai nhà thơ Phan-Vũ. Cách nhau ba chục năm và một dòng Bến Hải mà hai người vẫn nhìn chung về một hướng.
Giao tình đó còn được nối kết bằng bài xướng họa rồi một bài thơ chữ Hán do Vũ Hoàng Chương viết tặng Phan Khôi. Sau đấy, cũng chính Vũ Hoàng Chương đã cảm dịch bài thơ này khi nghe tin người bạn vong niên bị đầy đọa và từ trần mà không có đất chôn.
***
Sau "Cách mạng mùa Thu" 1945, cả nước hừng hừng khí thế độc lập và tự do khi ách cai trị của thực dân Pháp và ách xâm lăng của phát xít Nhật đều tan tành.
Đấy là lúc Vũ Hoàng Chương viết "Bài Ca Sông Dịch" đã thai nghén từ lâu, làm khai từ cho vở kịch "Kinh Kha" của Vi Huyền Đắc do Thế Lữ muốn dựng lại. Năm 1946 đó, họ Vũ ở Nam Định mới ba chục, nhưng bài thơ gây xúc động cho một bậc đại trí đã lục tuần là Phan Khôi. Từ mối duyên đó, hai người mới gặp nhau khi Vũ Hoàng Chương lánh mặt trong buổi liên hoan của Việt Minh. Và do lời yêu cầu của họ Phan, ông gặp riêng trong ngôi nhà của Thế Lữ ở bãi Phúc Xá vị "Ngự sử Văn đàn" khét tiếng trực ngôn và khai phóng.
Cuộc gặp gỡ lại gây hứng khởi cho Phan Khôi, ông cụ khoác áo đề nghị cùng về nhà thơ họ Vũ ở tận Nam Định để luận bàn tiếp. Trong hai ngày, một già một trẻ chỉ nói về thơ. Mà ô hay, khi nước nhà vừa giải phóng vì sao Phan Khôi lại nói như gào như quát:
"Không thể được! Sao lại thế được? Văn nghệ phải là văn nghệ! Thiếu tự do, thà ném bút đi! Cầm lấy mũi nhọn khác!"
Mũi nhọn?
Mùa Thu 46 ấy có cái gì đó không ổn mà Phan Khôi trong cuộc đã biết, Vũ Hoàng Chương chỉ loáng thoáng nhìn ra. Rồi một năm sau thì cũng biết rõ khi được một phong thư gửi từ Thái Nguyên về. Bên ngoài chỉ đề vỏn vẹn "Vũ Hoàng Chương – Nam Định". Bên trong là bài thơ luật với chữ ký người gửi: Phan Khôi:
"Ngừng tim lặng óc bặt dòng tình
Tai mắt như không phải của mình
Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc
Nghe trong tiếng ếch một màu xanh
Suối tiên đắm đuối bao cho chán
Khối mộng vờn mơn mãi chẳng thành
Thú ấy từ đây không có nữa
Ngủ say thức tỉnh, dậy buồn tênh"
Thế là thế nào? Nằm trong phủ lỵ Xuân Trường, Vũ Hoàng Chương đọc mãi bài thơ và câu kết mà thương người bạn vong niên. Ông bật dậy cầm bút họa nguyên vận bài thơ và gửi đi, dù khi đó chẳng biết là thư và thơ có tới tay Phan Khôi không.
Đây là bài họa, còn tài hoa mà u uẩn hơn bài xướng:
"Trời vô tâm quá, đất vô tình...
Biết gửi vào đâu cái "chính mình"?
Tiếng ếch đã trùm lên tiếng sóng,
Màu đen lại ngả xuống màu xanh.
Uổng cho thơ dẫu bầy trăm trận
Ngán nhẽ sầu khôn phá một thành.
Tưởng tới nguồn đào thôi lại tiếc!
Con thuyền đêm ấy nhẹ tênh tênh!"
Trong bài tùy bút "Sao Lại Thế Được?" của tập hồi ký "Ta Đã Làm Chi Đời Ta" (xuất bản trong Nam vào năm 1974) Vũ Hoàng Chương kể lại câu chuyện thương tâm này. Trong một ấn bản khác, ông ghi rõ là viết bài tùy bút vào đêm Nguyên tiêu năm Mậu Tuất, Tháng Ba 1958 tại Sàigòn. Viết "nhân dịp nhà văn lão thành Phan Khôi bị Cộng sản đàn áp. Và để góp ý cho lý tưởng tự do".
Vũ Hoàng Chương không kể lại trong bài tùy bút rằng khi từ biệt Phan Khôi năm 1946, ông có chia tay bằng một bài thơ luật chữ Hán: "Loạn Trung Biệt Hữu" - giã bạn trong thời loạn! Cũng lạ, nước nhà vừa độc lập, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mới ra đời mà nhà thơ gọi là loạn....
"Đối diện tằng xưng thiên lãi văn
Kim triêu biệt hỹ bút ưng phần
Đông Tây mộng quải tam canh nguyệt
Nam Bắc tình khiên vạn lý vân
Trọc tửu cô đăng sầu bất ngữ
Hoàng sam thanh nhãn ý hà vân
Thu phong sạ khởi tiêu hồn cực
Hổ khiếu viên đề hoảng hốt văn.
Nỗi u buồn khi chia tay người bạn đáng kính có thể gây cảm xúc với chữ "thiên lý văn" trong Nam Hoa Kinh, hoặc những điển cổ về tình bạn như "hoàng sam, thanh nhãn", áo vàng mắt xanh....
Nhưng giải thích thế nào về câu "bút ưng phần" giữa cảnh "Thu phong sạ khởi tiêu hồn cực", trong tiếng "hổ khiếu viên đề"? Trực giác của Vũ Hoàng Chương đã thấy ra điềm tiên báo từ khi mùa Thu thổi gió cách mạng: Hổ gầm vượn hót! Trong cảnh bi đát ấy, tình bạn giữa hai cõi Đông Tây chỉ còn lửng lơ như vầng nguyệt nửa đêm, tựa dải mây lãng đãng khung trời Nam Bắc, cách nhau ngàn dậm.
Bài thơ tuyệt đẹp ấy được Vũ Hoàng Chương viết tặng Phan Khôi vào mùa Thu 1946. Thế rồi, 12 năm sau, từ trong Nam, khi nghe tin Phan Khôi dõng dạc phê phán chế độ lãnh đạo văn nghệ của đảng và bị tai họa ngoài miền Bắc, ông mới cảm khái viết lại bằng bút lông hai câu "thực" của bài thơ cũ. Và cặp đối ấy còn được lưu truyền đến ngày nay:
Đông Tây mộng quải tam canh nguyệt
Nam Bắc tình khiên vạn lý vân
Khi ông xuất bản tập thơ "Hoa Đăng" năm 1959, người ta mới đọc thấy bên trong cả nguyên tác lẫn bài cảm dịch:
Từng khen tuyệt tác ấy văn trời
Tạm biệt từ nay bẻ bút thôi
Giấc mộng Đông Tây vầng nguyệt lửng
Tơ tình Nam Bắc đám mây trôi
Tỉnh say một cuộc đành không bạn
Hào hiệp ngày xưa dễ mấy người
Chợt nổi gió Thu lòng héo hắt
Đâu đây hổ thét vượn than dài....
Hai nhà thơ lẫm liệt, một Nam một Bắc ở hai miền, người trước người sau lại cùng chung số phận. Đọc lại bài "Loạn Trung Biệt Hữu", ta thấy câu "bút ưng phần" đã báo trước cái điềm đốt sách ở trong Nam sau 1975. Và "Thu phong sạ khởi" là gió Thu nổi lên như cơn tật phong vần vũ, thời của hồ gầm tiếng bạo lực, vượn hót giọng tuyên truyền....
***
Sau cùng, vào mùa Xuân năm Thìn thì chúng ta chẳng thể quên một bài thơ Xuân của Vũ Hoàng Chương. Bài thơ Xuân cuối cùng, sáng tác cũng vào một năm Thìn, Tết Bính Thìn 1976. Nước nhà vừa "giải phóng", nhà thơ nhìn lên vách và vịnh tranh gà lợn - là tên bài thơ.
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn om xòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh
Có mấy ai luận bàn thế sự mà sáng như nhà thơ của chúng ta?
Đã 36 năm rồi, dân ta vẫn chờ nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh. Mà chỉ thấy màu đen lại ngả xuống màu xanh. Vì tiếng ếch đã trùm lên tiếng sóng... ngoài Đông hải.
Không đau sao được?
NXN
Bàn ra tán vào (0)
"Rồng Ngâm Váng Khúc Tân Thanh"
Hai nhà thơ lẫm liệt, một Nam một Bắc ở hai miền, người trước người sau lại cùng chung số phận.
"Rồng Ngâm Váng Khúc Tân Thanh"
Nguyễn Xuân Nghĩa
"Thiếu tự do, thà ném bút đi! Cầm lấy mũi nhọn khác!"
Tết năm Thìn mà nói về một nhà thơ sinh năm Thìn và cũng mất vào một năm Thìn là điều hợp cách....
Đấy là Vũ Hoàng Chương, sinh năm Bính Thìn 1916, mất năm Bính Thìn 1976. Ông mất trong hoàn cảnh bất thường: bị bắt giam vào khám Chí Hoà, khi "tiếng ếch đã trùm lên tiếng sóng" và chỉ được thả ra vài tháng sau, khi đã hấp hối. Năm ngày sau thì ông trút hơi thở cuối cùng dưới chân "Gác Bút" gần bến Vân Đồn của Sàigòn, vào mùng sáu Tháng Chín.
Chúng ta phải tin rằng năm Nhâm Thìn này, nhiều người sẽ tưởng niệm một con rồng của thi ca nước Nam như Vũ Hoàng Chương.
Nhưng người viết xin nghiêng mình qua hướng khác mà nhắc đến một nhà thơ khác, sinh vào năm Hợi mà mất cũng vào một năm Hợi trong hoàn cảnh u buồn không kém nhà thơ họ Vũ.
Đó là Phan Khôi, nhân vật kiệt xuất đất Quảng, cháu ngoại Tổng đốc Hoàng Diệu, sinh năm Đinh Hợi 1887 và mất năm Kỷ Hợi 1959. Mất trong nhục nhằn, mộ phần ở đâu không còn ai biết, chỉ vì đã dõng dạc chống lại sự đàn áp tư tưởng của chế độ.
Sở dĩ nhắc đến Cụ Tú Phan vì mối giao tình giữa hai nhà thơ Phan-Vũ. Cách nhau ba chục năm và một dòng Bến Hải mà hai người vẫn nhìn chung về một hướng.
Giao tình đó còn được nối kết bằng bài xướng họa rồi một bài thơ chữ Hán do Vũ Hoàng Chương viết tặng Phan Khôi. Sau đấy, cũng chính Vũ Hoàng Chương đã cảm dịch bài thơ này khi nghe tin người bạn vong niên bị đầy đọa và từ trần mà không có đất chôn.
***
Sau "Cách mạng mùa Thu" 1945, cả nước hừng hừng khí thế độc lập và tự do khi ách cai trị của thực dân Pháp và ách xâm lăng của phát xít Nhật đều tan tành.
Đấy là lúc Vũ Hoàng Chương viết "Bài Ca Sông Dịch" đã thai nghén từ lâu, làm khai từ cho vở kịch "Kinh Kha" của Vi Huyền Đắc do Thế Lữ muốn dựng lại. Năm 1946 đó, họ Vũ ở Nam Định mới ba chục, nhưng bài thơ gây xúc động cho một bậc đại trí đã lục tuần là Phan Khôi. Từ mối duyên đó, hai người mới gặp nhau khi Vũ Hoàng Chương lánh mặt trong buổi liên hoan của Việt Minh. Và do lời yêu cầu của họ Phan, ông gặp riêng trong ngôi nhà của Thế Lữ ở bãi Phúc Xá vị "Ngự sử Văn đàn" khét tiếng trực ngôn và khai phóng.
Cuộc gặp gỡ lại gây hứng khởi cho Phan Khôi, ông cụ khoác áo đề nghị cùng về nhà thơ họ Vũ ở tận Nam Định để luận bàn tiếp. Trong hai ngày, một già một trẻ chỉ nói về thơ. Mà ô hay, khi nước nhà vừa giải phóng vì sao Phan Khôi lại nói như gào như quát:
"Không thể được! Sao lại thế được? Văn nghệ phải là văn nghệ! Thiếu tự do, thà ném bút đi! Cầm lấy mũi nhọn khác!"
Mũi nhọn?
Mùa Thu 46 ấy có cái gì đó không ổn mà Phan Khôi trong cuộc đã biết, Vũ Hoàng Chương chỉ loáng thoáng nhìn ra. Rồi một năm sau thì cũng biết rõ khi được một phong thư gửi từ Thái Nguyên về. Bên ngoài chỉ đề vỏn vẹn "Vũ Hoàng Chương – Nam Định". Bên trong là bài thơ luật với chữ ký người gửi: Phan Khôi:
"Ngừng tim lặng óc bặt dòng tình
Tai mắt như không phải của mình
Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc
Nghe trong tiếng ếch một màu xanh
Suối tiên đắm đuối bao cho chán
Khối mộng vờn mơn mãi chẳng thành
Thú ấy từ đây không có nữa
Ngủ say thức tỉnh, dậy buồn tênh"
Thế là thế nào? Nằm trong phủ lỵ Xuân Trường, Vũ Hoàng Chương đọc mãi bài thơ và câu kết mà thương người bạn vong niên. Ông bật dậy cầm bút họa nguyên vận bài thơ và gửi đi, dù khi đó chẳng biết là thư và thơ có tới tay Phan Khôi không.
Đây là bài họa, còn tài hoa mà u uẩn hơn bài xướng:
"Trời vô tâm quá, đất vô tình...
Biết gửi vào đâu cái "chính mình"?
Tiếng ếch đã trùm lên tiếng sóng,
Màu đen lại ngả xuống màu xanh.
Uổng cho thơ dẫu bầy trăm trận
Ngán nhẽ sầu khôn phá một thành.
Tưởng tới nguồn đào thôi lại tiếc!
Con thuyền đêm ấy nhẹ tênh tênh!"
Trong bài tùy bút "Sao Lại Thế Được?" của tập hồi ký "Ta Đã Làm Chi Đời Ta" (xuất bản trong Nam vào năm 1974) Vũ Hoàng Chương kể lại câu chuyện thương tâm này. Trong một ấn bản khác, ông ghi rõ là viết bài tùy bút vào đêm Nguyên tiêu năm Mậu Tuất, Tháng Ba 1958 tại Sàigòn. Viết "nhân dịp nhà văn lão thành Phan Khôi bị Cộng sản đàn áp. Và để góp ý cho lý tưởng tự do".
Vũ Hoàng Chương không kể lại trong bài tùy bút rằng khi từ biệt Phan Khôi năm 1946, ông có chia tay bằng một bài thơ luật chữ Hán: "Loạn Trung Biệt Hữu" - giã bạn trong thời loạn! Cũng lạ, nước nhà vừa độc lập, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mới ra đời mà nhà thơ gọi là loạn....
"Đối diện tằng xưng thiên lãi văn
Kim triêu biệt hỹ bút ưng phần
Đông Tây mộng quải tam canh nguyệt
Nam Bắc tình khiên vạn lý vân
Trọc tửu cô đăng sầu bất ngữ
Hoàng sam thanh nhãn ý hà vân
Thu phong sạ khởi tiêu hồn cực
Hổ khiếu viên đề hoảng hốt văn.
Nỗi u buồn khi chia tay người bạn đáng kính có thể gây cảm xúc với chữ "thiên lý văn" trong Nam Hoa Kinh, hoặc những điển cổ về tình bạn như "hoàng sam, thanh nhãn", áo vàng mắt xanh....
Nhưng giải thích thế nào về câu "bút ưng phần" giữa cảnh "Thu phong sạ khởi tiêu hồn cực", trong tiếng "hổ khiếu viên đề"? Trực giác của Vũ Hoàng Chương đã thấy ra điềm tiên báo từ khi mùa Thu thổi gió cách mạng: Hổ gầm vượn hót! Trong cảnh bi đát ấy, tình bạn giữa hai cõi Đông Tây chỉ còn lửng lơ như vầng nguyệt nửa đêm, tựa dải mây lãng đãng khung trời Nam Bắc, cách nhau ngàn dậm.
Bài thơ tuyệt đẹp ấy được Vũ Hoàng Chương viết tặng Phan Khôi vào mùa Thu 1946. Thế rồi, 12 năm sau, từ trong Nam, khi nghe tin Phan Khôi dõng dạc phê phán chế độ lãnh đạo văn nghệ của đảng và bị tai họa ngoài miền Bắc, ông mới cảm khái viết lại bằng bút lông hai câu "thực" của bài thơ cũ. Và cặp đối ấy còn được lưu truyền đến ngày nay:
Đông Tây mộng quải tam canh nguyệt
Nam Bắc tình khiên vạn lý vân
Khi ông xuất bản tập thơ "Hoa Đăng" năm 1959, người ta mới đọc thấy bên trong cả nguyên tác lẫn bài cảm dịch:
Từng khen tuyệt tác ấy văn trời
Tạm biệt từ nay bẻ bút thôi
Giấc mộng Đông Tây vầng nguyệt lửng
Tơ tình Nam Bắc đám mây trôi
Tỉnh say một cuộc đành không bạn
Hào hiệp ngày xưa dễ mấy người
Chợt nổi gió Thu lòng héo hắt
Đâu đây hổ thét vượn than dài....
Hai nhà thơ lẫm liệt, một Nam một Bắc ở hai miền, người trước người sau lại cùng chung số phận. Đọc lại bài "Loạn Trung Biệt Hữu", ta thấy câu "bút ưng phần" đã báo trước cái điềm đốt sách ở trong Nam sau 1975. Và "Thu phong sạ khởi" là gió Thu nổi lên như cơn tật phong vần vũ, thời của hồ gầm tiếng bạo lực, vượn hót giọng tuyên truyền....
***
Sau cùng, vào mùa Xuân năm Thìn thì chúng ta chẳng thể quên một bài thơ Xuân của Vũ Hoàng Chương. Bài thơ Xuân cuối cùng, sáng tác cũng vào một năm Thìn, Tết Bính Thìn 1976. Nước nhà vừa "giải phóng", nhà thơ nhìn lên vách và vịnh tranh gà lợn - là tên bài thơ.
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn om xòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh
Có mấy ai luận bàn thế sự mà sáng như nhà thơ của chúng ta?
Đã 36 năm rồi, dân ta vẫn chờ nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh. Mà chỉ thấy màu đen lại ngả xuống màu xanh. Vì tiếng ếch đã trùm lên tiếng sóng... ngoài Đông hải.
Không đau sao được?
NXN