Sức khỏe và đời sống

SỨC KHỎE ĐẦU TUẦN ĐẦU NĂM 2013.

Ở các nước Tây phương trong thời gian vài mươi năm trở lại đây, trong chiều hướng tìm kiếm một chiến lược giảm thiểu những bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường

Chuyên đề 1:

Đậu nành và sức khỏe: đâu là thực và đâu là giả

Nguyễn Văn Tuấn

Ở các nước Tây phương trong thời gian vài mươi năm trở lại đây, trong chiều hướng tìm kiếm một chiến lược giảm thiểu những bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường, v.v… giới chức y tế thường kêu gọi công chúng nên giảm lượng tiêu thụ chất đạm động vật, và thay vào đó là dùng những thực phẩm được chế biến từ nguồn thực vật như rau củ hay cây trái. Một thiểu số đã thay thế hẳn chất đạm động vật bằng chất đạm thực vật trong bữa ăn, và họ thường được gọi là “những người ăn chay” (tuy nhiên cách ăn chay của họ không hoàn toàn đồng nghĩa với ăn chay của các tu sĩ Phật giáo). Một trong những thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong bữa ăn chay là đậu nành hay các thức ăn được chế biến từ đậu nành. Đối với những người này, họ đến với rau cải và trái cây vì họ tin rằng đây là một nguồn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng nhất.

Nhưng ngược lại cũng có người, trong đó có một số làm việc trong ngành y tế, chất vấn khuynh hướng này, vì theo họ chưa có bằng chứng gì cho thấy đậu nành có tác dụng tích cực đến sức khỏe con người. Nhiều khi cuộc tranh luận xảy ra trên các diễn đàn khoa học trong một không khí “nóng”, và một sự phân chia ý thức hệ rất rõ ràng: một bên ủng hộ, một bên chống. Trong một cuộc hội thảo ở San Francisco vào năm 1998 mà người viết bài này có tham dự, sau khi một đồng nghiệp- diễn giả từ Mayo Clinic thuyết trình về lợi và hại của đậu nành, một loạt ý kiến cực kì ồn ào được đưa ra mà ngay cả hai vị chủ tọa cũng không điều khiển được cuộc thảo luận!

Ngay cả trong cộng đồng người Việt, một cuộc tranh cãi như thế cũng xảy ra, nhưng hình như với tính cách niềm tin cá nhân, tình cảm và cảm tính hơn là khoa học. Người thì tin rằng đậu nành là “một nguồn dinh dưỡng tuyệt hảo”, nhưng cũng có người cho rằng dùng đậu nành có thể có hại đến sức khỏe. Nhưng cả hai bên đều ít hay không dẫn chứng những tài liệu khoa học, mà chỉ dựa vào một số thông tin từ internet và ý kiến của một vài vị bác sĩ trong cộng đồng. Thực ra, đứng trên phương diện biện chứng, tất cả các ý kiến cá nhân của các chuyên viên, dù là chuyên viên hàng đầu trong ngành, có giá trị khoa học rất thấp. Mặt khác, người ta có thể tìm trên internet những thông tin để ủng hộ hay bác bỏ một quan điểm về ảnh hưởng của đậu nành rất dễ dàng, vì hiện nay có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn, các trang nhà trên liên mạng viết về đậu nành. Thế nhưng, không phải thông tin nào trên liên mạng cũng đều có giá trị và độ tin cậy như nhau, vì không có ai hay có cơ chế gì để kiểm tra các thông tin này trước khi chúng được công bố.

Thực ra, đậu nành chỉ là một trong nhiều loại thực phẩm hàm chứa kích thích tố nữ estrogen. Gọi là “kích thích tố nữ” vì estrogen là một yếu tố hóa học chi phối đến sự phát triển sinh dục trong phụ nữ. Một trong những chức năng chính của estrogen là giúp cho các cơ quan sinh dục tăng trưởng, và làm phát triển các đặc tính nữ (như vú chẳng hạn). Trong thời kì còn khả năng sinh sản, estrogen là một kích thích tố quan trọng đóng vai trò điều hòa các hoạt động sinh học của cơ thể, kể cả sinh hoạt tình dục. Nhưng sau thời kì mãn kinh (tuổi mãn kinh trung bình ở người da trắng là 49-51 tuổi), buồng trứng không còn sản xuất estrogen nữa, và gây ra một loạt thay đổi tâm sinh lí trong người phụ nữ, và dẫn đến một số bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường và loãng xương.

Hiện nay, một trong những phương án điều trị và phòng ngừa bệnh tật trong các phụ nữ sau thời mãn kinh là thay thế kích thích tố (hay còn gọi là HRT, hormone replacement therapy). Tuy nhiên, vài năm gần đây, kết quả của một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy HRT có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú trong các phụ nữ có tuổi. Và vấn đề được đặt ra là phải đi tìm một phương án chữa trị vừa an toàn vừa hữu hiệu hơn HRT. Phytoestrogen được xem là một trong những phương án đó. Vậy phytoestrogen là gì? Tác dụng và tác hại của nó ra sao? Bài viết này có một mục đích khiêm tốn là trả lời hai câu hỏi trên, bằng cách điểm qua một số kết quả nghiên cứu liên quan đến đậu nành nói riêng [và phytoestrogen nói chung] và sức khỏe con người đã được công bố trên các tập san y sinh học trên thế giới. Những thông tin này đều được giới nghiên cứu y khoa duyệt qua trước khi công bố, do đó, dù không tuyệt đối, nhưng là những bằng chứng khoa học có độ tin cậy cao hơn nhiều so với những thông tin trên internet [không phải từ những tập san Y-sinh học, các tổ chức có thẩm quyền] hay ý kiến cá nhân.

Nói một cách ngắn gọn, phytoestrogen là những hợp chất estrogen (kích thích tố nữ) được tìm thấy trong thực vật [1]. Có ba nhóm phytoestrogen chính: isoflavones, coumestans, và lignans. Tất cả ba nhóm phytoestrogen này có cấu trúc hóa học rất giống với estrogen và anti-estrogen [2]. Vai trò của phytoestrogen trong thực vật chưa được xác định một cách rõ ràng, nhưng có bằng chứng cho thấy hợp chất này có chức năng chống nấm [3] hay nhuộm cây [4]. Có giả thuyết cho rằng phytoestrogen còn là một bộ phận phòng thủ của cây trong quá trình tiến hóa.

Năm 1954, người ta phát hiện có 53 loại cây cỏ có chứa estrogen [5], nhưng sau này con số được tăng lên hơn 300 cây cỏ [6]. Isoflavones và counestans được ghi nhận là những hợp chất phổ thông nhất.

Bảng sau đây là ước lượng hàm lượng của phytoestrogen trong một số thực phẩm thông thường được tính ra trên đơn vị tách (một tách đo lường – metric cup có thể tích chuẩn là 250ml):

Thực phẩm Hàm lượng phytoestrogen

Miso 120mg

Đậu nành, đỗ tương (soybeans) 80mg

Bột đậu nành (soyflour) 100mg

Tempeh 80mg

Đậu khuôn (Tofu) 80mg

Sữa đậu nành (soy milk) 40mg

Đậu hũ (Tofu yoghurt) 16mg/100g

Mì đậu nành khô (soy noodles) 8,5mg/100g

Đậu nành xanh (green soybeans) 135mg/100g

Tác dụng của phytoestrogen

Các triệu chứng sau thời kì mãn kinh.

Như đề cập trên, đối với phụ nữ sau thời kì mãn kinh, cơ thể không còn sản xuất kích thích tố estrogen, và dẫn đến một loạt thay đổi quan trọng về tâm sinh lí. Một số trong những triệu chứng sinh lí là nóng bừng (thường gọi là “hot flush”), khô âm hộ, viêm âm đạo. Nhưng cường độ mà phụ nữ kinh qua những triệu chứng này có thể tùy thuộc vào yếu tố văn hóa. Chẳng hạn như phụ nữ Nhật Bản ít bị những triệu chứng nóng bừng so với phụ nữ Canada . Chỉ có 4% phụ nữ Nhật Bản dùng HRT [để chế ngự các triệu chứng trên], so với 30% trong các phụ nữ người Mĩ [7]. Sự khác biệt này có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng có người cho rằng phytoestrogen là một nguyên nhân chính có thể giải thích tại sao phụ nữ Nhật Bản ít bị chứng nóng bừng hơn, và do đó ít cần đến, phụ nữ người Mĩ.

Trong một nghiên cứu trên 58 phụ nữ sau thời kì mãn kinh, với tối thiểu là 14 cơn nóng bừng hàng tuần; qua 12 tuần theo dõi, tỉ lệ nóng bừng trong các phụ nữ được điều trị bằng bột đậu nành (phytoestrogen) (45 gram) giảm 40% so với phụ nữ không được điều trị là 25%. Tuy nhiên, mức độ khác biệt này không được xem là có ý nghĩa thống kê (tức có thể là do các yếu tố ngẫu nhiên, chứ không phải tác dụng của phytoestrogen) [8].

Loãng xương

Đối với các phụ nữ sau thời kì mãn kinh, tình trạng suy giảm estrogen dẫn đến tình trạng mất chất xương. Tính trung bình tỉ lệ bị mất chất xương khoảng 1% mỗi năm. Nhưng trong thời kì tiền mãn kinh, tỉ lệ này có thể cao đến 5 hay 10% mỗi năm. Giảm chất xương có thể dẫn đến dễ gãy xương hơn bình thường nếu bị té hay tai nạn. Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng của việc chữa trị bệnh loãng xương là duy trì chất xương sao cho không giảm trong thời kì sau mãn kinh. HRT là một loại thuốc có khả năng làm giảm tỉ lệ mất chất xương và phòng chống gãy xương trong phụ nữ sau thời kì mãn kinh. Tuy nhiên, vì dùng HRT lâu năm có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú (và có thể cả bệnh tim mạch). Từ đó, một trong những hướng nghiên cứu mới là tìm một phương cách điều trị khác an toàn hơn, vừa giảm nguy cơ gãy xương lại vừa không làm tăng nguy cơ ung thư vú hay các phản ứng phụ.

Phytoestrogen có thể ngăn ngừa tình trạng mất chất xương trong các phụ nữ sau thời kì mãn kinh. Nhiều dữ kiện trong vòng 3 thập niên qua cho thấy những phụ nữ được điều trị bằng Iproflavone, một dạng isoflavones, có mức độ mất chất xương thấp hơn các phụ nữ không được điều trị bằng Iproflavone. Nhưng kết quả này vẫn còn nằm trong vòng tranh cãi, vì có nhà nghiên cứu cho rằng tác dụng của phytoestrogen không cao như nhiều người “cảm tình viên” tưởng, nhưng họ cũng công nhận là phytoestrogen rất ít khi nào gây ra phản ứng phụ. Mặt khác vì chưa có nghiên cứu lâm sàng nào được tiến hành theo đúng các tiêu chuẩn khoa học của thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên, nên vấn đề vẫn chưa mấy rõ ràng.

Mới đây, một nhóm bác sĩ và khoa học gia bên Ý đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên, với 90 phụ nữ tuổi từ 47 – 57, bình thường (không bị chứng loãng xương). Những phụ nữ này được chia làm 3 nhóm: 30 người không được điều trị gì cả (gọi là placebo, hay nhóm “đối chứng”); 30 người được điều trị bằng HRT 1 mg/ngày; và 30 người được điều trị bằng phytoestrogen genistein 54 mg/ngày. Sau 12 tháng điều trị, các nhà nghiên cứu ghi nhận vài kết quả chính như sau [9]:

Mật độ xương đùi trong nhóm được điều trị bằng phytoestrogen genistein tăng [trung bình] 3.6%; trong khi đó, nhóm được điều trị bằng HRT, tỉ lệ tăng là 2.4%; và như có thể đoán trước được, mật độ xương đùi trong nhóm đối chứng giảm khoảng 0.7%.

Chỉ số sinh hóa tạo xương (bone formation marker), nhóm được điều trị bằng phytoestrogen genistein tăng 23% đến 29%, trong khi chỉ số này trong nhóm được điều trị bằng HRT và nhóm đối chứng lại giảm.

Về phản ứng phụ: có ba phản ứng phụ như sau: chảy máu âm hộ, đau vú (breast tenderness), và nóng bừng (hot flushes). Chảy máu âm hộ được ghi nhận 3 người trong nhóm được điều trị bằng HRT, 1 người trong nhóm phytoestrogen genistein, và 1 người trong nhóm đối chứng. Chứng nóng bừng được ghi nhận trong 12 người thuộc nhóm đối chứng, cao nhất so với nhóm HRT (chỉ 1 người) và nhóm phytoestrogen genistein (3 người). Tuy nhiên, chứng đau vú được ghi nhận cao nhất trong nhóm HRT (6 người) so với nhóm phytoestrogen genistein (3) hay đối chứng (1).

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng phytoestrogen có tác dụng tích cực đến xương trong các phụ nữ sau thời kì mãn kinh, qua khả năng làm giảm hoạt động của các tế bào hủy xương và tăng hoạt động của các tế bào tạo xương.

Đứng trên khía cạnh phương pháp và ý nghĩa lâm sàng, đây là một nghiên cứu quan trọng về ảnh hưởng của phytoestrogen trong việc điều trị chứng loãng xương. Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu về phytoestrogen trong ngành xương được tiến hành theo các tiêu chuẩn khoa học của nghiên cứu lâm sàng. Nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy phytoestrogen có thể làm cho xương phụ nữ trong và sau thời mãn kinh mạnh hơn, và làm giảm nguy cơ gãy xương. Nếu kết quả của nghiên cứu này được xác nhận bằng vài nghiên cứu độc lập khác, có thể nói trong tương lai ngành xương sẽ có một phương án mới điều trị chứng loãng xương an toàn hơn và rẻ tiền hơn với các loại thuốc hiện hành.

Ung thư

Đã từ lâu các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng mức độ khác nhau về tỉ lệ ung thư giữa các sắc dân trên thế giới là một bằng chứng cho thấy bệnh này chịu ảnh hưởng của các yếu tố liên quan đến môi trường hơn là các yếu tố di truyền. Tỉ lệ dân bị ung thư cao nhất thường tập trung trong các dân số có mức tiêu thụ chất béo cao, chất đạm động vật, và ít tiêu thụ chất sợi (fibre); trong khi đó tỉ lệ ung thư thường thấp ở các nước mà mức độ tiêu thụ thịt ít nhưng có mức độ tiêu thụ thực vật và rau cỏ cao, nhất là các cây cỏ có chứa phytoestrogen [10-11].

Trong thời gian gần đây, có khá nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa ung thư và thực phẩm đậu nành. Ở Nhật, những người đàn ông ăn đậu khuôn (5 lần một tuần) có tỉ lệ bị ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer) thấp hơn khoảng 50% so với đàn ông ăn đậu khuôn 1 lần hay ít hơn trong một tuần [12]. Trong một nghiên cứu trên 265,000 người Nhật trong vòng 12 năm cho thấy những người ăn miso (một loại đậu khuôn) hàng ngày có nguy cơ bị ung thư dạ dày thấp hơn những người không dùng đậu nành [13-14]. Hai nghiên cứu khác ở Trung Quốc cho thấy phụ nữ dùng thực phẩm đậu nành ít (dưới 1 lần / tuần) có tỉ lệ bị ung thư phổi và ung thư vú cao gấp 2 đến 3.5 lần so với các phụ nữ dùng hàng ngày [15-16].

Trong một nghiên cứu mà đối tượng là những người Mĩ gốc Trung Quốc, Nhật Bản, và Phi Luật Tân, các nhà nghiên cứu ghi nhận một mối liên hệ nghịch chiều giữa mức độ tiêu thụ đậu khuôn và nguy cơ bệnh ung thư vú: phụ nữ dùng đậu khuôn nhiều có nguy cơ bị ung thứ vú thấp hơn phụ nữ không dùng hay dùng ít đậu khuôn [17]. Một phát hiện tương tự cũng được ghi nhận trong một nghiên cứu ở Singapore [18] và Hawaii [19].

Kích thích tố nội sinh (endogenous hormones) và kích thích tố ngoại sinh (exogenous hormones) đều có quan hệ với nhiều loại ung thư. Trong đàn ông, những người có độ kích thích tố nam (androgens) cao thường có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt hơn những người có độ kích thích tố nam thấp. Trong phụ nữ, nguy cơ bị ung thư vú và noãn sào thường tăng theo mức độ kích thích tố nữ (hay estrogen). Tương tự những sắc dân có độ kích thích tố thấp cũng là những người có nguy cơ bị ung thư thấp [20]. Do đó, một giả thuyết được đặt ra là nếu có một hóa chất hay thực phẩm làm giảm độ kích thích tố nam và nữ thì nó cũng có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư. Mặc dù mối tương quan giữa kích thích tố nội sinh và ung thư tỷ lệ thuận (tức là mức độ kích thích cao thì nguy cơ ung thư cao), nhưng mối tương quan giữa phytoestrogen và ung thư lại tỷ lệ nghịch (tức là mức độ phytoestrogen càng cao thì nguy cơ ung thư càng giảm).

Không ai biết tại sao lại có một “nghịch lí” như vừa nói, nhưng nhiều thí nghiệm trong chuột cho thấy phytoestrogen có khả năng làm giảm sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Trong những nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu điều trị hai nhóm chuột (một nhóm bằng phytoestrogen, và một nhóm đối chứng tức không có thuốc nào), và cả hai nhóm đều được cho sống trong một môi trường gây bệnh ung thư. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm được điều trị bằng phytoestrogen có tốc độ phát sinh ung thư chậm hơn một cách đáng kể so với nhóm đối chứng, và điều này chứng tỏ rằng phytoestrogen có thể có tác dụng tích cực trong việc ngăn cản những bệnh ung thư tùy thuộc vào kích thích tố [21-22].

Chu kì kinh nguyệt

Mối liên hệ giữa phytoestrogen và ung thư vú, và giữa chu kì kinh nguyệt và ung thư vú là hai vấn đề thu hút một số nghiên cứu trong thời gian gần đây. Ở phụ nữ người da trắng, chu kì kinh nguyệt trong những người bị ung thư vú ngắn hơn khoảng 2 đến 3 ngày so với chu kì trong những người không bị ung thư vú [23]. Chu kì kinh nguyệt ở phụ nữ da trắng tính trung bình ngắn hơn chu kì ở phụ nữ Á châu khoảng 2 đến 3 ngày, và sự khác biệt này được đề nghị là có liên hệ đến mức độ tiêu thụ đậu nành trong người Á châu cao hơn trong người Tây phương nói chung [24-25]

Trong một nghiên cứu nhỏ trên cho 6 phụ nữ dùng sữa đậu nành trong vòng 1 tháng, các nhà nghiên cứu ghi nhận chu kì kinh nguyệt tăng lên khoảng 3 ngày. Nhưng vì nghiên cứu này quá nhỏ và không có một nhóm đối chứng nên chưa thể xem là một bằng chứng đáng tin cậy [26]. Trong một nghiên cứu khác lớn hơn [27], các nhà nghiên cứu không ghi nhận ảnh hưởng nào của sữa đậu nành đến chu kì kinh nguyệt. Do đó, dựa theo các dữ kiện đang có, chúng ta chưa thể kết luận được là phytoestrogen có khả năng kéo dài chu kì kinh nguyệt, và chu kì kinh nguyệt tương đối dài trong phụ nữ Á châu chắc không phải do ảnh hưởng của phytoestrogen [28].

Bệnh tim mạch

Bằng chứng y học thu thập trong khoảng 30 năm qua cho thấy phytoestrogen có ảnh hưởng tích cực chống lại các bệnh tim mạch. Đã từ lâu, giới nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ người Á châu, những người có mức độ tiêu thụ rau cải nhiều, bị bệnh tim mạch ít hơn người da trắng Tây phương [29-30].

Trong phụ nữ người da trắng, estrogen là một kích thích tố được xem là có tác dụng phòng chống nguy cơ bị bệnh tim mạch. Phụ nữ sau thời kì mãn kinh dùng estrogen (hay HRT) có nguy cơ bị bệnh tim mạch thấp hơn phụ nữ không dùng estrogen [31-33]. Mối quan hệ giữa phytoestrogen và bệnh tim mạch chưa được nghiên cứu qui mô như trong trường hợp HRT.

Tuy nhiên kết quả từ nhiều nghiên cứu mối quan hệ giữa phytoestrogen và bệnh tim mạch không hoàn toàn nhất quán, và thường mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn như một nghiên cứu báo cáo rằng chỉ số cholesterol trong các phụ nữ dùng isoflavones với 45 mg/ngày giảm một cách đáng kể so với phụ nữ không được điều trị bằng isoflavones [34]. Nhưng một nghiên cứu khác [35] trong đàn ông được điều trị bằng protein đậu nành với 60 g/ngày trong vòng 4 tuần, thì không ghi nhận được một ảnh hưởng tích cực nào của phytoestrogen. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng nói thêm rằng các đối tượng trong nghiên cứu của họ có độ cholestrol thấp, tức là cơ hội giảm cholesterol không có bao nhiêu.

Khá nhiều nghiên cứu cho thấy thay thế thức ăn động vật bằng chất đạm chế biến từ đậu nành làm giảm LDL cholesterol [36-37]. Một phân tích tổng hợp 38 nghiên cứu lâm sàng gần đây kết luận rằng đậu nành hay chất đạm chế biến từ đậu nành có khả năng giảm LDL và triglyceride [38].

Khả năng tác hại của phytoestrogen

Khả năng sinh sản. Vào thập niên 1940s, ở Tây Úc người ta thấy một số trừu có vấn đề về khả năng sinh sản, kể cả các chứng u nang trong noãn sào, và thiếu khả năng thụ tinh [39]. Sau này triệu chứng trên có tên là “Clover disease”, và sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học biết rằng chứng này do trừu ăn một loại cỏ có tên là Trifolium subterraneum (hay thường gọi là “clover”, hay cỏ ba lá, cỏ clô-vơ) có chứa nhiều hàm lượng isoflavones [40]. Tác hại (hay “ảnh hưởng” thì đúng hơn) của cỏ clô-vơ trong vấn đề sinh sản sau này còn được ghi nhận trong thỏ, lợn (heo), và chuột.

Câu hỏi cần được đặt ra là một ảnh hưởng tiêu cực của isoflavones như trên có thể có trong con người hay không? Qua các nghiên cứu được công bố trong vài mươi năm qua thì có lẽ câu trả lời là “không”. Thực ra, chưa có một nghiên cứu nào cho thấy isoflavone có ảnh hưởng tiêu cực đến sinh sản trong phụ nữa trước thời kì mãn kinh cả. Tuy nhiên, có một nghiên cứu ở Hòa Lan báo cáo rằng các phụ nữ dùng củ tulip (có chứa nhiều phytoestrogen) ở một liều lượng lớn có thể gây ra chứng chảy máu âm hộ và vài rối loạn chu kì kinh nguyệt [41], nhưng vì nghiên cứu này quá sơ sài, nên không ai có thể kết luận được là các triệu chứng này trực tiếp liên quan đến phytoestrogen hay một yếu tố trung gian nào khác. Trong phụ nữ Á châu, những người dùng đậu nành trong một thời gian rất dài (qua nhiều thế hệ) và với liều lượng trung bình, thì khả năng sinh sản của họ không có gì để gọi là có vấn đề.

Phát triển. Cho đến nay, tất cả các nghiên cứu về phytoestrogen và phát triển chỉ giới hạn trong các động vật cấp thấp như chuột, nhưng kết quả cũng không có gì mang tính khẳng định. Dù thế, có người đặt giả thuyết rằng (còn gọi là Sharpe-Skakebaek hypothesis) nếu trẻ sơ sinh được tiếp thu estrogen sớm có thể dẫn đến một vài biến chứng trong thời gian trưởng thành, như chất lượng tinh trùng thấp, hay nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt [42]. Nhưng trong thực tế cho đến nay, những tác hại trên chưa được ghi nhận trong bất cứ một nghiên cứu nào. Thực ra, có bằng chứng cho thấy ngược lại rằng nếu trẻ sơ sinh dùng phytoestrogen thì trong thời gian trưởng thành họ thường ít bị các chứng bệnh mãn tính. Ở Mĩ, sữa đậu nành đã được dùng cho trẻ sơ sinh hơn 50 năm và chưa có bằng chứng gì cho thấy nó có tác hại [43].

Một vài nhận xét

Nói chung mặc dù trong thời gian qua đã có khá nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa phytoestrogen và sức khỏe con người, nhưng kiến thức của chúng ta về mối quan hệ này vẫn còn rất rời rạc. Một phần lớn là vì gần như 95% các nghiên cứu chưa được tiến hành theo những tiêu chuẩn khoa học và nguyên tắc lâm sàng cao. Chẳng hạn như trong khoảng 100 nghiên cứu liên quan đến phytoestrogen và loãng xương, ung thư và bệnh tim mạch, chỉ có 5 nghiên cứu được liệt vào loại “thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên” (tức là “Randomized controlled clinical trial”), một loại nghiên cứu mà giá trị của kết quả được đánh giá là có độ tin cậy cao nhất trong tất cả các loại nghiên cứu lâm sàng.

Tuy nhiên, điểm qua kết quả của các nghiên cứu trên chuột và con người trong thời gian qua, chúng ta có thể nói rằng tác dụng của phytoestrogen đến sức khỏe con người nói chung là tích cực và an toàn nếu dùng với một liều lượng vừa phải và trong một thời gian trung bình. Những bằng chứng này cho thấy phytoestrogen có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ phận, kể cả làm giảm cholesterol, ngăn chận sự phát triển của các tế bào ung thư, giảm tình trạng mất chất xương trong người, và có thể xoa dịu những triệu chứng sau thời kì mãn kinh như nóng bừng. Nhưng phytoestrogen cũng có một vài biến chứng phụ nếu dùng với một liều lượng cao, dù những biến chứng này nói chung là không nghiêm trọng.

Thế nào là một liều lượng trung bình? Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào trả lời dứt khoát câu hỏi này. Nhưng các dữ kiện khoa học công bố trong thời gian gần đây cho thấy có lẽ dùng khoảng 30-40 mg / ngày (tức khoảng 1 ly sữa đậu nành mỗi ngày) là một liều lượng an toàn. Về thời gian dùng “an toàn”, cũng chưa có câu trả lời rõ ràng, vì hầu hết các nghiên cứu về tác dụng của phytoestrogen thường rất ngắn hạn, và chúng ta vẫn chưa biết được những biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, cho đến nay, trong các sắc dân Á châu dùng phytoestrogen (đậu nành) từ thế hệ này sang thế hệ khác, chưa thấy có biến chứng nguy hiểm nào được báo cáo.

Tăng cường tiêu thụ các sản phẩm như đậu khuôn, hay rau cải cũng nằm trong một chiến lược y tế công cộng của chính phủ nhiều nước Tây phương nhằm giảm tỉ lệ dân số bị bệnh tim mạch, ung thư và loãng xương. Đối với người Việt Nam, các sản phẩm của đậu nành, như đậu khuôn, sữa đậu nành, đậu hủ là những món ăn quen thuộc, và không có lí do gì chúng ta phải từ bỏ nguồn thực phẩm lành mạnh và quan trọng này.

Tài liệu tham khảo và chú thích:

[1] Chữ “Phytoestrogen” là ghép từ tiếp đầu ngữ “phyto” có nghĩa là thực vật (cây cỏ), và estrogen.

[2] Tất cả ba nhóm phytoestrogen này có cấu trúc hóa học rất giống với estrogen và kháng- estrogen (anti-estrogen). Có bằng chứng nghiên cứu cho thấy khi phytoestrogen được dùng trong những trường hợp estrogen nội sinh với độ cao thì phytoestrogen đóng vai trò khống chế hoạt động của estrogen.

Các tài liệu tham khảo sau đây được liệt kê theo thứ tự: tên tác giả, tựa đề bài báo, tên tập san (viết tắt theo qui luật quốc tế), năm xuất bản, bộ số, và trang.

[3] Naim H, et al. Soy bean isoflavones, characterisation, determination and antifugal activity. J Agric Food Chem 1974;22:806-810.

[4] Clevenger S. Flower pigments. Sci Am 1964; 210:84-92.

[5] Bradbury RB, White DE. Oestrogens and related substances in plants. Vitam Horm 1954; 12:207-33.

[6] Farnsworth NR, et al. Potential value of plants as sources of new antifertility agents. J Pharmacol Sci 1975; 64:717-54.

[7] Colditz GA, et al. Type of postmenopausal hormone use and risk of breast cancer: 12-year follow-up from the Nurses’ Health Study. Cancer Causes Control 1992; 3:433-39.

[8] Murkies AL, et al. Dietary flour supplementation decreases postmenopausal hot flushes: effects of soy and wheat. Maturitas 1995; 21:189-95.

[9] Morabito N, et al. Effects of genistein and hormone replacement therapy on bone loss in early postmenopausal women: a randomized double-blind placebo-controlled study. J Bone Miner Res 2002; 17:1904-12.

[10] Parkin DM. Cancers of the breast, endometrium, and ovary: geographic correlations. Eur J Clin Oncolo 1989; 25:1917-25.

[11] Ross PD, et al. International comparisons of mortality rates for cancer of the breast, ovary, prostate and colon, and per capita food consumption. Cancer 1986; 58:2363-71.

[12] Severson RK, et al. A prospective study of demographics, diet, and prostate cancer among men of Japanese ancestry in Hawaii . Cancer Res 1989; 49:1857-60.

[13] Haenszel W, et al. Stomach cancer among Japanese in Hawaii . J Natl Cancer Inst 1972; 49:969-88.

[14] Nagai M, et al. Relationship of diet to the incidence of esophageal and stomach cancer in Japan . Nutr Cancer 1982; 3:257-68.

[15] Koo LC, et al. Dietary habits and lung cancer risk among Chinese females in Hong Kong who never smoked. Nutr Cancer 1988; 11:155-72.

[16] Lee HP, et al. Dietary effects on breast cancer risk in Singapore . Lancet 1991; 337:1197-200.

[17] Wu AH, et al. Tofu and risk of breast cancer. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev 1996; 5:901-6.

[18] Lee HP, et al. Dietary effect on breast cancer risk in Singapore . Lancet 1991;337:1197-2000.

[19] Goodman MT, et al. Association of soy and fiber consumption with the risk of endometrial cancer. Am J Epidemiol 1997; 146:294-306.

[20] Trichopoulos D, et al. The effects of Westernization on urine estrogens, frequency ov ovulation and breast cancer risk. Cancer 1984; 53:187-192.

[21] Lamartiniere CA, et al. Genistein suppresses mammary cancer in rats. Carcinogenesis 1995; 53:187-192.

[22] Lamartiniere CA, et al. Neonatal genistein chemoprevents mammary cancer. Proc Soc Exp Biol Med 1995; 208:120-3.

[23] Olsson H, et al. Retrospective assessment of menstrual cycle length in patients with breast cancer, in patients with benign breast cancer and in women without breast cancer. J Natl Cancer Inst 1983; 70:17-20.

[24] Treolar AE, et al. Variation of the human menstrual cycle through reproductive life. Int J Fertil 1970; 12:77-126.

[25] Key TJA, et al. Sex hormones in rural China and Britain . Br J Cancer 1990; 62:631-636.

[26] Lu LH, et al. Effects of soya consumption for one month on steroid hormones in premenopausal women: implications for breast cancer risk reduction. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev 1996; 5:63-70.

[27] Baird DD, et al. Dietary intervention study to assess estrogenicity of dietary soy among postmenopausal women. J Clin Endocrinol Metab 1995; 80:1685-90.

[28] Lock M. Contested meanings of the menopause. Lancet 1991; 337:1270-72.

[29] Artaud-Wild SM, et al. Differences in coronary mortality can be explained by differences in cholesterol and saturated fat intakes in 40 countries but not in France and Finland . A paradox. Circulation 1993; 88:2771-9.

[30] Keys A, et al. The seven countries study: 2289 deaths in 15 years. Prev Med 1964; 13:141-154.

[31] Chae CU, et al. Postmenopausal hormones replacement therapy and cardiovascular disease. Thromb Haemost 1997; 78:770-80.

[32] Stampler MJ, et al. Postmenopausal estrogen therapy and cardiovascular disease: ten-year follow-up from the Nurses’ Health Study. N Engl J Med 1991; 325:756-62.

[33] Gilligan DM, et al. Effects of estrogen replacement therapy on peripheral vasomotor function in postmenopausal women. Am J Cardiol 1995; 75:264-268.

[34] Cassidy A, et al. Biological effects of isoflavones in young women: importanceof the chemical composition of soy bean products. Br J Nutr 1995; 74:587-601.

[35] Gooderham MJ, et al. A soy protein isolate rich in genistein and daidzein and its effects on plasma isoflavone concentrations, platelet aggregation, blood lipids and bone density in postmenopausal women. J Nutr 1996; 126:2000-6.

[36] Carroll KK. Review of clinical studies on cholesterol-lowering response to soy protein. J Am Diet Assoc 1991; 91:820-27.

[37] Sirtori CR, et al. Soybean protein diet and plasma cholesterol: from therapy to molecular mechanisms. Ann NY Acad Sci 1993; 676:188-201.

[38] JW Anderson và đồng nghiệp. Meta analysis of the effects of soy protein intake on serum lipids. New England Journal of Medicine 1995; 333:276-282.

[39 Bennetts HW, et al. S specific breeding problem of sheep on subterranean clover pastures in Western Australia . Aust Vet 1946; 22:2-12.

[40] Bradbury RB, White DE. Estrogen and related substances in plants. Vitamins Hormones 1954; 12:207-233.

[41] Labov JB. Phytoestrogens and mammalian reproduction. Comp Biochem Physiol 1977; 57:3-9.

[42] Sharpe RM, Skakkebaek NE. Are estrogens involved in falling sperm counts and disorders of the male reproductive tract? Lancet 1993; 341:1392-5.

[43] Huggett AC, et al. Phytoestrogens in soy-based infant formula. Lancet 1998; 350:815-6.

 

 


Chuyên đề 2:

.Y tế dự phòng: nền tảng của y khoa hiện đại.

Nguyễn Văn Tuấn

(Bài đã đăng trên Tuần Việt Nam)

 

Trước tình hình phát triển kinh tế nhanh chóng đã và đang diễn ra trong vòng một thập niên trở lại đây, và nước ta không còn xếp vào nhóm các nước nghèo khó nữa, chúng ta có xu hướng quên rằng tình hình y tế và sức khỏe người dân ở nước ta vẫn ở trong tình trạng của một nước nghèo. Thật vậy, thực trạng về bệnh tiêu chảy cấp tính, bệnh tả, cúm gia cầm, SARS, v.v… trong thời gian gần đây là những nhắc nhở rằng nước ta vẫn còn đang đương đầu với những bệnh nhiệt đới, những vấn nạn của các nước nghèo. Trong tình hình như thế, hơn lúc nào hết, nước ta cần một mạng lưới y tế cộng đồng tốt để phòng bệnh từ cấp cơ sở.

 

***

Mỗi lần đọc một bản tin về một ca giải phẫu lớn được thực hiện thành công ở nước ta, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vì giới y khoa nước ta chứng tỏ cho thế giới biết rằng chúng ta không thua kém bất cứ ai về mặt kĩ năng phẫu thuật. Nhưng lo là vì tôi sợ những thành công mang tính đơn lẻ như thế làm cho chúng ta sao lãng một “bức tranh” lớn hơn và nghiêm trọng hơn: sức khỏe cộng đồng. Nhìn qua bức tranh sức khỏe cộng đồng tôi cho rằng Nhà nước phải tập trung đầu tư vào việc phát triển hệ thống y tế cộng đồng hay y tế dự phòng thay vì tập trung vào các thiết bị y khoa đắt tiền.

Bức tranh sức khỏe Việt Nam

Chúng ta cần nhìn vào bức tranh y tế nước ta cho kĩ! Thống kê chính thức của Bộ Y tế cho thấy các bệnh sau đây nằm trong hàng “top 10” ở nước ta: các bệnh viêm phổi, viêm họng và viêm Amidan cấp, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp, tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột non có nguồn gốc nhiễm khuẩn, cúm, sốt rét, tai nạn giao thông, và các bệnh đường hô hấp.

Vẫn theo thống kê của Bộ Y tế, những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nước ta (theo thứ tự) là: các bệnh viêm phổi, các bệnh liên quan đến hệ thống hô hấp (kẻ cả lao), thai chậm phát triển, tai nạn giao thông, suy dinh dưỡng, rối loạn gắn liền với thai nghén và cân nặng không đủ khi sinh, và các tổn thương hô hấp đặc hiệu khác của thời kì chu sinh.

Bức tranh sức khỏe trên cho chúng ta thấy rằng các bệnh viêm và nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, và tai nạn giao thông là những bệnh dân ta thường hay mắc và cũng chính là những “tử thần” nguy hiểm nhất hiện nay.

Cái mẫu số chung của các bệnh này là mối liên hệ với kinh tế, hay nói thẳng ra là tình trạng nghèo khó của người dân. Hãy lấy suy dinh dưỡng ở trẻ em làm ví dụ: ngoài các nguyên nhân sinh học và lâm sàng, đứng trên quan điểm của y tế cộng đồng, nguyên nhân chính của suy dinh dưỡng -- như tên gọi rất chính xác -- là thiếu ăn. Thiếu ăn là do nghèo và hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Trong khi nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, một bộ phận dân số -- nhất là những người sống trong vùng nông thôn hay vùng xa -- vẫn chưa đủ ăn (và chưa đủ mặc). Theo kết quả nghiên cứu ở Đồng Nai, phần lớn (76%) trẻ em suy dinh dưỡng là những em có cha mẹ là nông dân hay làm thuê. Gia đình càng có nhiều con, tỉ lệ suy dinh dưỡng càng cao.

Một đặc điểm chung của những bệnh hàng đầu hiện nay ở nước ta là chúng rất phổ biến. Chẳng hạn như suy dinh dưỡng, có báo cáo cho thấy cứ 5 trẻ em ở nước ta thì có 1 em suy dinh dưỡng (theo một thống kê trong hội nghị tổng kết đánh giá các hoạt động dinh dưỡng năm 2007 do Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức vào đầu năm nay). Hay như bệnh viêm phổi (là nguyên nhân tử vong số 1), mỗi năm có đến khoảng 360.000 người mắc. Hay như hút thuốc lá, có nghiên cứu cho thấy khoảng 73% đàn ông và thanh niên (tuổi từ 18 trở lên) hút thuốc lá. Đây là một tỉ lệ cao nhất thế giới mà các nhà nghiên cứu Việt-Mĩ đã ghi nhận. Cao hơn cả Trung Quốc và Nhật! Nếu tính theo dân số hiện hành, nước ta có 18,24 triệu thanh niên và đàn ông trên 20 tuổi hút thuốc lá!

Người viết bài này ước tính rằng mỗi năm có khoảng 11.500 thanh niên và đàn ông trên 20 tuổi mắc bệnh ung thư phổi; trong số này 85% (hay 9.800 trường hợp) là có liên quan đến hút thuốc lá. Hút thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ có liên quan đến 85% trường hợp ung thư họng, nhưng số lượng bệnh nhân ít hơn ung thư phổi. Chi phí liên quan đến thuốc lá (chỉ tính chi phí điều trị trong bệnh viện) là khoảng 78 triệu USD (thời giá 2005).

Nhu cầu cho một hệ thống y tế dự phòng

Vì qui mô của các bệnh mà nước đang đối phó rất lớn, chúng ta không thể kì vọng rằng xây thêm bệnh viện hay nhập thiết bị y khoa hiện đại sẽ giải quyết được vấn đề. Nhu cầu tăng cường cơ sở vật chất y tế hiện đại là cần thiết nhưng mang tính cấp thiết, bởi vì một nhu cầu khác lâu dài hơn và quan trọng hơn là xây dựng một mạng lưới y tế cộng đồng hay y tế dự phòng. Tại sao cần phải xây dựng mạng lưới y tế dự phòng? Câu trả lời đơn giản là tại vì chúng ta muốn phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Các thiết bị hiện đại là để chữa bệnh chứ không ngừa bệnh; các biện pháp phòng bệnh cần một tư duy mới về y tế.

Tư duy y khoa truyền thống thường quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Tư duy này hun đúc thành những qui định về y đức như có trách nhiệm với cá nhân người bệnh, và các cơ sở vật chất y tế thường được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Ngay cả nghiên cứu y khoa cũng chịu ảnh hưởng bởi tư duy này, vì một nghiên cứu y khoa cổ điển thường bắt đầu với câu hỏi “tại sao bệnh nhân mắc bệnh”.

Ngày nay, chúng ta biết rằng nếu hệ thống y tế chỉ để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân thì vẫn chưa đủ. Do đó, tư duy y khoa truyền thống này đã được khai triển thành một bước cao hơn và qui mô hơn: đó là phòng bệnh và nhận dạng những nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao. Nói cách khác, đây chính là tư duy y tế dự phòng.

Tư duy y khoa truyền thống đặt trọng tâm vào việc điều trị và chữa bệnh, còn tư duy y tế dự phòng đặt trọng tâm vào việc phòng bệnh. Đối tượng của tư duy y khoa truyền thống là cá nhân người bệnh, còn đối tượng của tư duy y khoa dự phòng là cộng đồng. Đối với y khoa truyền thống, một cá nhân hoặc là có hay không có bệnh (do đó, có người ví von rằng y khoa cổ điển chỉ biết đếm từ 0 đến 1), nhưng y tế dự phòng quan tâm đến nguy cơ mắc bệnh của một quần thể (và nguy cơ này có thể dao động từ thấp, trung bình, đến cao). Do đó, chỉ số để đánh giá hiệu quả lâm sàng của y khoa cổ điển là sự thành công trong việc cứu một bệnh nhân, nhưng chỉ số lâm sàng của y tế dự phòng là giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh của một cộng đồng và kéo dài tuổi thọ cho một dân số.

Y tế dự phòng không chỉ quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm hay suy dinh dưỡng, mà còn liên quan trực tiếp đến các bệnh mãn tính như tim mạch, viêm khớp xương, đái tháo đường, cao huyết áp, tai biến, loãng xương, ung thư, v.v… Y tế dự phòng quan niệm rằng sự phát sinh các bệnh mãn tính là hệ quả của một quá trình tích lũy những rối loạn sinh lí qua phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ. Do đó, can thiệp vào các yếu tố nguy cơ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở qui mô cộng đồng.

Các yếu tố nguy cơ này có thể chia thành 2 nhóm: nhóm có thể can thiệp được và nhóm không thể can thiệp được. Các yếu tố không có thể can thiệp được như tuổi tác và di truyền. Nhưng các yếu tố có thể can thiệp được như dinh dưỡng, vận động thể lực, lối sống (hút thuốc lá, thói quen rượu bia), môi trường sống (như nước, không khí, phương tiện đi lại), v.v… Từ đó, các chiến lược y tế dự phòng là làm thay đổi các yếu tố có thể can thiệp được để nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.

Vì thế, thành công của một chiến lược y tế dự phòng có thể đem lại lợi ích và hiệu quả cao hơn là thành công trong việc đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Chẳng hạn như một nghiên cứu mới công bố vào tháng 11 năm ngoái cho thấy rằng chỉ cần 50-70% dân số trong những vùng bị dịch tả (hay có nguy cơ cao, như các tỉnh phía Bắc hiện nay) uống vắcxin 2 lần một năm, và với hiệu quả như vừa mô tả, số ca bệnh tả có thể giảm đến 90%.

Vấn đề đầu tư

Nhận thức được vai trò quan trọng của y tế dự phòng, ở các nước tiên tiến đều thiết lập mạng lưới y tế cộng đồng đến từng phường và các vùng xa thành phố. Chẳng hạn như ở Úc, các bà mẹ trước và sau khi sinh con đều được tầm soát và kiểm tra sức khỏe ở các trạm y tế dự phòng này. Ngoài ra, các dịch vụ về phòng chống bệnh ở qui mô cộng đồng như tiêm chủng ngừa, tuyên truyền và giáo dục y tế cộng đồng, v.v… đều được thực hiện bởi các cán bộ y tế dự phòng.

Nhưng một điều đáng buồn ở nước ta ngày nay là y tế dự phòng không được đánh giá đúng mức. Thật là sốc khi nghe có quan chức chính quyền nói rằng không cần đến y tế xã. Có thể nói đó là một phát biểu vô trách nhiệm nhất. Muốn xây nhà cho vững thì phải có nền móng cho chắc; muốn có một nền y tế quốc gia hữu hiệu thì phải bắt đầu bằng hệ thống y tế cơ sở tốt.

Nhưng trong thực tế, chi tiêu của Nhà nước cho y tế chỉ chiếm 6,1% tổng số chi tiêu của Nhà nước. Tỉ lệ này thấp nhất so với các nước láng giềng như Campuchea (16%), Lào (khoảng 7%), Mã Lai (6,5%), Trung Quốc (10%), và Nhật (16.4%). Do đó, không ngạc nhiên khi thấy cơ sở vật chất của hệ thống y tế ở nước ta đã ở trong tình trạng quá tải từ hơn một thập niên qua. Thật vậy, theo thống kê của Bộ Y tế, năm 1997 cả nước có khoảng 198 ngàn giường bệnh, nhưng đến năm 2005, con số này giảm xuống còn 197 ngàn! Trong khi đó dân số tiếp tục gia tăng, và hệ quả là số giường bệnh tính trên 10.000 dân số giảm từ 26,6 năm 1997 xuống còn 23,7 năm 2005.

Thật ra phải nói là “khủng hoảng” thì mới đúng, vì ở bất cứ tỉnh thành hay địa phương nào, công suất giường bệnh tại các bệnh viện đều trên 100%. Tình trạng hai hay ba bệnh nhân cùng nằm một giường, hay phải nằm dưới sàn hay ghế bố, phổ biến đến nỗi các bác sĩ xem đó là chuyện bình thường! Đứng trên bình diện vĩ mô, nguyên nhân chính của tình trạng này là do cơ sở vật y tế dự phòng còn quá kém, cho nên bệnh nhân “vượt tuyến” đến các bệnh viện lớn.

Mục tiêu tối hậu của bất cứ hệ thống y tế nào là nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho người dân. Ngày nay, người ta nói đến “xã hội hóa” y tế, nhưng thực tế là đùn đẩy chi tiêu y tế về cho người dân. Bệnh viện và các công trình phúc lợi xã hội (như trường học và đại học) là hiện thân, là thể hiện sự quan tâm của một chính phủ đến sự an sinh của người dân. Nhà nước cần phải tăng đầu tư cho ngành y tế dự phòng, và qua đó tạo điều kiện sao cho người nghèo có thể được điều trị như mọi thành phần khác trong xã hội, và từng bước nâng cao công bằng xã hội. Bài toán y tế ở nước ta chính là xây dựng hệ thống y tế dự phòng, chứ không phải nên tập trung ngân sách vào những thiết bị đắt tiền mà đại đa số người dân không hưởng lợi ích gì từ những đầu tư như thế.

Thành công một ca giải phẫu có thể cứu sống một mạng người, nhưng thành công trong một chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống nhiều triệu người, và kéo dài tuổi thọ cũng như nâng cao chất lượng sống cho cả một dân tộc. Nhưng trớ trêu thay, trong khi người bác sĩ thành công một ca giải phẫu chắc chắn sẽ được báo chí nhắc đến như là một anh hùng, những người vạch định và thực hiện thành công một chiến lược y tế dự phòng là những người “trầm lặng” chẳng ai để ý đến! Đã đến lúc xã hội phải ghi nhận đúng đắn những đóng góp âm thầm của các nhà y tế dự phòng.

 

 


 

 

Chuyên đề 3: Thức ăn nhân tạo hại nhiều hơn lợi

 

Chỉ nên cho bú bình trong trường hợp bất khả kháng.

Với sự phổbiến các thực phẩm đóng hộp, nhiều em bé được nuôi chủ yếu bằng thức ăn nhân tạo: sữa bò, bột ăn liền, vitamin... Không ít người tin rằng với những sản phẩm hiện đại và đắt tiền như vậy, con mình đã có chế độ dinh dưỡng tốt nhất. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó.

Khi còn là bào thai, trẻ hoàn toàn được nuôi dưỡng thụ động thông qua hệ thống máu trao đổi qua rau thai mẹ. Trong thời gian đó, trẻ hoàn thiện dần các chức năng. Khi ra đời, trẻ mới bắt đầu tiêu hoá tự lập nhưng chức năng này chưa được hoàn chỉnh. Vì vậy, trong vòng 6 tháng đầu đời, thức ăn duy nhất thích hợp với bộmáy tiêu hoá của trẻ là sữa mẹ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng rẻ tiền và vệ sinh nhất, cũng là một “vũ khí” ngăn ngừa bệnh tật tuyệt vời.

Những năm giữa thế kỷ 20, ở các nước công nghiệp phát triển có phong trào “nhà nhà, người người cho con bú bình”. Tỷ lệ bú mẹ của trẻ em các nước này giảm sút nghiêm trọng. Vài thập niên trôi qua, khi thế hệ bú bình thứ nhất, thứ hai trưởng thành, giới khoa học lên tiếng cảnh báo rằng bú bình gây phiền toái hơn là có ích. Và từ những năm 90, phụ huynh Tây Âu lại quay về với truyền thống cho con bú mẹ. Tại Thuỵ Điển, 98% bà mẹ cho con bú hoàn toàn ngay từ khi sinh.

Trong khi đó thì phụ huynh ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam , lại đua nhau "theo Tây”, nghĩa là từ bỏ việc cho con bú mẹ để ăn sữa hộp. Nhiều người quan niệm là cho bú sữa Tây để con mình lớn như Tây, con Tây ăn sữa hộp nên nó mới lớn.

Nên nhớ rằng sữa người là để nuôi người, còn sữa bò là để nuôi bò. Con người cần dinh dưỡng để phát triển trí tuệ, bò cần dinh dưỡng để cho thịt; cho nên sữa bò phải chứa nhiều đạm hơn sữa người. Chỉ có trường hợp đất đắc dĩ mới nên dùng sữa động vật để nuôi trẻ em. Nhiều nước đã và đang áp dụng một chính sách khá nghiêm ngặt về sữa hộp trẻ em, như nghiêm cấm bán sữa lon đại trà, chai sữa và núm ti chỉ được bán theo đơn của bác sĩ.

Với trẻ ăn sam, cần chọn những thực phẩm thích hợp. Trên nguyên tắc, những gì người lớn ăn được thì trẻ em cũng có thể ăn. Nhưng vì chức năng hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện nên trẻ phải tập ăn từ những món dễ tiêu, mềm. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng (trứng, tôm, cua, lạc) hoặc dễ gây sặc và ngạt (do nhỏ và cứng) thì không cho trẻ nhỏ ăn. Trẻ em cần nguồn năng lượng tức thời để sử dụng ngay (như tinh bột, gạo), để dự trữ (mỡ), để xây dựng cơ thể (đạm, mỡ) và để hỗ trợ (vitamin và khoáng chất). Các thứ này phải được cung cấp theo một tỷ lệ thích hợp nhằm tạo sự cân đối về năng lượng thu nhập.

Có một nghịch lý là sức chứa của dạ dày trẻ em thấp nhưng nhu cầu năng lượng (sốcalo/số kg) lại cao gấp đôi người lớn. Nhu cầu về các dưỡng chất cũng khác nhau. Trong khi đó, không một thứ thức ăn nào có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng; do đó, phải đa dạng hoá thức ăn. Có những thứ bổ dưỡng thì trẻ chưa tiêu hoá được; có thứ trẻ tiêu hoá được lại thiếu chất bổ dưỡng. Nhiều thức ăn có đậm độ dưỡng tố thấp, phải ăn một số lượng lớn mới đủ nhu cầu mà điều đó lại khó đối với một số trẻ. Nhưng một số trẻ khác có thể thu nạp được hết một lượng thức ăn lớn, đủ lượng dưỡng tố nhưng lại thừa năng lượng. Tình trạng khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu năng lượng, dưỡng tố là vấn đề hết sức nan giải.

Tuy nhiên, cũng không cầncân đo đong đếm chi li như người thợbạc. Theo nguyên lý sinh tồn, trẻ sẽ ăn theo nhu cầu của cơ thể. Phụ huynh chỉ việc cung cấp đủ, đa dạng hoá thức ăn thì trẻ sẽ đủ dinh dưỡng. Còn ăn như thế nào,ăn bao nhiêu thì tự cơ thể trẻ sẽ quyết định lấy.

Chính vì sự nhiêu khê của việc lựa chọn thức ăn cho trẻ sẽ khiến các bà mẹ mệt mỏi, nhất là khi họ sống trong thời đại luôn thiếu thời gian. Điều này khiến họ sửdụng các sản phẩm đóng hộp cho trẻ. Những thực phẩm này rất tiện lợi, nhưng không rẻ, và về chất lượng thì còn nhiều cái phải bàn. Thứ nhất, thức ăn được chế biến qua công nghiệp hoá không thể là thức ăn tươi; và đã không tươi thì không thể ngon.

Thứhai, thức ăn đóng hộp phần lớn có hoá chất bảo quản (nếu tiệt trùng bằng tia cực tím sẽ làm biến chất thức ăn). Cơ thể trẻ phải tải một lượng hoá chất chắc chắn không có lợi; còn hại như thế nào, đến lúc chứng minh được thì đã muộn. Đểbắt mắt và để nhại thức ăn tươi, đồ hộp thường được nhuộm màu, khiến gan của trẻ phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ chúng. Đó là chưa kể những phẩm màu độc hại.

Thứba, thức ăn chế biến đã bị thất thoát nhiều chất dinh dưỡng và được bù lại bằng các chất nhân tạo. Ít ai nghĩ rằng cơ thể không phải là một nơi để dung nạp công thức toán học. Nó không đơn giản là thiếu một thì bù một, cẩn thận thì bù hai ba. Cơ thể con người chỉ mới được thiên nhiên “thiết kế” để dung nạp thứcăn từ thiên nhiên. Những thức ăn nhân tạo có được cơ thể con người tiếp nhận giống như thức ăn thiên nhiên không, giống đến bao nhiêu, quá trình chuyển hoá và tiếp nhận có khác không..., những điều này chưa được chứng minh. Mà đã chưa biết thì tốt nhất là đừng mạo hiểm.

Thứtư, thức ăn sẵn thường được chế biến ở dạng rất mềm, rất dễ ăn, không cần nhai, chỉ cần nuốt! Trẻ không phải nhai nên cơ nhai, cơ hàm, hàm và răng kém phát triển. Thức đi qua miệng quá nhanh nên thiếu cơ hội để được nước bọt nhào trộn và tiêu hoá một phần, giảm gánh nặng cho dạ dày. Dạng chế biến sẵn cũng khôngđảm bảo được lượng chất xơ cần thiết như thức ăn tươi sống, gây táo bón. Một ví dụ: Trẻ con nhai trái cây tươi vừa có lợi cho răng, cho hàm, cơ hàm, vừa có lợi cho hệ tiêu hoá. Còn nếu uống nước quả thì tuy cũng đủ dưỡng tố và năng lượng nhưng tại tăng nguy cơ sâu răng và hỏng răng. Tại sao? Vì khi nhai trái cây tươi, thức ăn phải nằm lại lâu trong miệng, có đủ thời gian để nước bọt tiết ra, nhào trộn, trung hoà và tiêu huỷ bớt chất acid (một trong những thủ phạm chính bào mòn men răng, tạo điều kiện cho sâu răng). Chất xơ trong trái cây chải sạch những acid bám lại, làm sạch răng tại chỗ. Trong khi đó, nếu uống nước trái cây, tốc độ nước đi qua miệng tính bằng giây, acid từ nước quả sẽ đọng lại, bào mòn men và gây hỏng răng, nếu quá trình uống nước quả tái diễn.

Thứnăm, thức ăn sẵn thường khiến trẻ chán ăn hoặc ăn quá nhiều, dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc béo phì.

Chuyên đề 4:ĐỂ TRẺ EM CÓ GIẤC NGỦ NGON


Đểtrẻ em có giấc ngủ ngon (23)

Trẻ từ 12đến 36 tháng tuổi

Thời gian này, trẻ đã biết đi, biết nói, đã phát triển cá tính. Vì vậy, phải đối xửvới bé vừa như với trẻ con, vừa như với người lớn. Không nên nói nhiều, nói dài và dọa nạt cháu trước khi ngủ.

Đặcđiểm của trẻ 12-36 tháng tuổi:

-Biết đi: Mở đầu giai đoạn tích cực tìm hiểu ngoại giới.

-Biết nói: Bên cạnh thế giới vật chất bên ngoài, trẻ có thêm một thế giới biểu tượng bên trong.

-Tách khỏi mẹ: Thời kỳ hoà mình với mẹ đã hết, trẻ bắt đầu tách khỏi mẹ. Đây là thời kỳ duy kỷ, muốn mọi việc vì mình.

-Quan hệ với bố mẹ căng thẳng: Đây là dấu hiệu xuất hiện cá tính, độc lập. Từnhững đặc điểm này, giấc ngủ của trẻ cũng thay đổi.

Từ12-23 tháng tuổi

Từtháng thứ 5 đến tháng thứ 21, giấc ngủ của trẻ rút ngắn từ hai giấc ngủ ngày còn một. Sự quá độ này không phải luôn dễ dàng, vì nếu trẻ chỉ ngủ một giấc thì không đủ, mà hai giấc thì không thể. Cha mẹ phải có cách chuyển hợp lý để trẻcảm thấy dễ chịu.

Đối với nhiều bé, giấc ngủ ngày được rút xuống một cách tự nhiên, không gây mệt mỏi (rút giấc ngủ sáng hoặc chiều, cũng có thể rút xen kẽ). Tuy nhiên, nhiều trẻcảm thấy mệt mỏi nếu không có giấc ngủ ngày thứ hai. Nếu không thể thực hiệnđược 2 giấc ngủ ngày, trong khi một giấc ngủ lại không đủ, bố mẹ nên thực hiện 2 biện pháp sau:

-Cho bé đi ngủ sớm. Trong trường hợp này, những người đi làm về muộn sẽ buồn vì không được vui với con. Có thể khắc phục bằng cách dậy sớm để bố mẹ, con cái cùng chơi đùa trước khi bố mẹ đi làm.

-Tập cho bé ngủ thành nếp, một số ngày 2 giấc, một số ngày một giấc, tuỳ thuộc vào thời điểm bé thức dậy, thời lượng ngủ, hoạt động của bố mẹ, và thời gian mà bạn muốn cho con ngủ về đêm. Nên theo dõi, sắp xếp hợp lý giấc ngủ ngày và giấc ngủ đêm theo yêu cầu ngủ của cháu.

Nhưvậy, nếu kết hợp lịch công việc của bố mẹ với yêu cầu ngủ của con, ta sẽ định ra được một kiểu ngủ ngắn nào đấy. Việc cho trẻ ngủ bao nhiêu lâu là do bạnđịnh đoạt, miễn là bé thấy thoải mái, dễ chịu.

Từ23-36 tháng tuổi

Các bé lứa tuổi này thường hay sợ, sợ ảo mộng, sợ phân ly, sợ bóng tối, sợ ma quỷ,sợ chết, sợ xa lìa. Sấm sét, chó sủa, chớp giật... cũng làm bé hoảng sợ. Những nỗi sợ này rất dễ gây rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu con bạn ngủ ngon, ngủsay, ảnh hưởng của những hiện tượng trên sẽ không đáng kể. Trước khi cho bé ngủ, bạn nên vén màn lên, mở cửa, để đèn, làm đủ thủ tục ngủ để giúp bé hết sợ.Nếu trẻ ngủ tốt, mọi việc đều sẽ qua.

- Thủtục và lịch biểu: Ởnước ngoài, trước khi ngủ, trẻ em cần làm các thủ tục như đánh răng, rửa tay, chào và hôn cha mẹ. Sau đó, bố mẹ đưa con về phòng, khép cửa, tắt đèn, đắp chăn cho con. Rồi bố mẹ đi ra, con ngủ.

Vào khoảng 2 tuổi, phần lớn trẻ đi ngủ lúc 7-9 giờ tối, thức dậy lúc 6.30-8 giờsáng. Đa số (70%) chỉ ngủ trưa một giấc ngắn trong khoảng 1-3 giờ. Hãy cố thu xếp giờ giấc để con ngủ ngày và ngủ đêm đẫy giấc, đồng thời cho trẻ làm các thủtục ngủ đêm cho đầy đủ. Thủ tục này không nên cứng nhắc vì mỗi ngày, mỗi giađình một khác. Cần sắp xếp các thủ tục đều đặn và hợp lý.

Cần nhớ là lối sống có thể tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho kiểu ngủ của con. Nhưng lối sống hay kiểu ngủ đều thay đổi tự nhiên như thời tiết hay thuỷ triều, nghĩa là theo sự lớn lên của trẻ và hoàn cảnh gia đình.

- Giường ngủ: Bé thì ngủ nôi, lớn thì ngủ giường. Nhưng bao giờ nên chuyển con sang giường lớn hơn? Không có quy định nào cả. Khi nào bạn cảm thấy nôi quá chật thì chuyển con sang giường mới.

Đểduy trì giấc ngủ ngon, không nên di chuyển và thay đổi giường ngủ của trẻ. Nếu bạn sinh thêm con, hãy khéo léo chuyển cháu sang giường khác mà không làm cháu phật ý.

Cũng không nên chuyển trẻ sang buồng mới có tiếng động quá ồn ào. Không nên bật đèn, lấy nước khi trẻ đang ngủ khiến cho các thói quen khi ngủ của trẻ bị đảo lộn, khó đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ lại khi thức giấc.

Bạn cũng đừng cho trẻ ăn kẹo thay cơm hoặc gần bữa cơm. Đừng lẫn lộn nhu cầu và đòi hỏi của trẻ, lẫn lộn kêu khóc do bệnh với kêu khóc chống đối.

 

 

Chuyên đề 5: HẠN DÙNG THUỐC - ÐÔI ÐIỀU CẦN LƯU Ý

 

Tác giả :DS. LÃ XUÂN HOÀN

Cũng như tất cả các hàng hóa khác, vấn đề chất lượng thuốc rất cần được quan tâm, đề cao kể từ khâu nghiên cứu, sản xuất đến bảo quản và phân phối. Từng viên thuốc, từng ống thuốc tuy rất nhỏ nhưng lại có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Chất lượng thuốc chỉ có loại A, không có loại B, loại C. Thuốc phải đủ tiêu chuẩn, đảm bảođiều trị bệnh nhân mau khỏi để trở về cuộc sống bình thường. Ngược lại nếu dùng thuốc kém chất lượng, không những lâu khỏi bệnh mà đôi khi còn gây tai biến, thậm chí dẫn đến tử vong. Ngành y tế nước ta từ lâu đã có những quy chế chặt chẽ về sản xuất, bảo quản, phân phối, hướng dẫn sử dụng thuốc; Ðòi hỏi mọi khâu, mọi người phải nghiêm túc chấp hành để bảo đảm việc chữa bệnh đạt hiệu quả và an toàn cao nhất. Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo, đài, truyền hình) cũng thường xuyên giới thiệu, nhắc nhở nên đa số người dân khi mua thuốc, dùng thuốc rất quan tâm, lưu ý đến chất lượng thuốc. Trước khi mua đều xem thuốc có bị bóc xé chưa, nơi nào sản xuất, còn hạn dùng (HD) hay không?, sau cùng mới cân nhắc về giá cả. Việc bảo quản thuốc có ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng thuốc. Nhiều thứ thuốc tuy hạn dùng còn dài nhưng phải bỏ đi vì lớp bọc đường bị nứt, chảy nước, thuốc bạc màu, đổi màu... (do khí hậu nóng ẩm của nước ta hoặc do khâu vận chuyển không đúng quy định). Vì vậy phải luôn luôn chú ý đến các yếu tố về môi trường như chống nóng, ẩm, mốc, mối, mọt cho thuốc, nguyên liệu, dược liệu để không làm biến đổi chất lượng thuốc.

Ðiều kiện bảo quản bình thường là trong điều kiện khô, thoáng, nhiệt độ từ 15-250C, cao nhất không được quá 300C, tránh ánh sáng trực tiếp gay gắt, các mùi hôi thối từ bên ngoài tác động vào. Yêu cầu bảo quản thuốc ở kho mát (nhiệt độ từ 8-150C), kho lạnh (nhiệt độ không quá 80C), tủ lạnh (nhiệt độ từ 2-80C), đông lạnh (nhiệt độkhông vượt quá - 100C). Bên cạnh nhiệt độ thấp, còn cần chú ý đến độ ẩm tươngđối không quá 70% (Quyết định số 2701/2001/QÐ-BYT ngày 29/6/2001 của Bộ Y tế).

Về hạn dùng

Là thời hạn mà quá mốc đó, thuốc sẽ không được phép lưu thông và sử dụng. Hạn dùng được ghi bằng số (2 con số) chỉ tháng, hoặc bằng chữ số chỉ năm gồm 2 con số cuối của năm. Ví dụ: 03-99 (Mục 6 điều 11 Thông tư 14).

Về ngày sản xuất: Số chỉ ngày gồm 2 con số, số chỉ tháng gồm 2 con số hoặc tên tháng bằng chữ, số chỉ năm gồm 2 con số cuối của năm. Ví dụ: 01/03/00.

Hạn dùng và ngày sản xuất ghi theo ngày, tháng, năm dương lịch. Tất cả các chữ viết, chữsố, dấu hiệu, ký hiệu phải ghi rõ ràng, dễ đọc và đúng với thực chất của thuốc, không được gây sự nhầm lẫn với thuốc và hàng hóa khác (Ðiều 3 Thông tư 14).

Trên đây là các quy chế của Bộ Y tế nhưng trong thực tế, có nhiều đơn vị chưa chấp hành đầy đủ.Tôi đã gặp những vỉ thuốc mà nơi ghi hàng chữ số hạn dùng bị xén mất phân nửa rất khó đọc, làm bệnh nhân thắc mắc không hiểu thuốc còn hạn hay không? Ðối với những trường hợp này, chúng tôi đề nghị xí nghiệp nên thu hồi, in lại chữ sốcho đầy đủ rồi mới xuất xưởng, nhằm tránh tình trạng bệnh nhân hiểu nhầm cho là thuốc kém phẩm chất. Sau đây là một số trường hợp cụ thể cần lưu ý:

1. Ký hiệu thuốc thường in 3 hàng trên vỏ hộp thuốc

- Lô sản xuất (1): 04365.

- Ngày sản xuất (2): 05-2003.

- Hạn dùng (3).

Nhà sản xuấtđã đóng chệch hàng thứ 3 lên hàng thứ 2 làm cho người dùng tưởng đã hết hạn (tính đến ngày mua 1/2003 tức là còn hạn 4 tháng).

2. Theo quyđịnh tại điều 11, Thông tư 14 của Bộ Y tế phải ghi rõ ngày, tháng, năm sản xuất, hạn dùng được ghi bằng số (hoặc chữ) chỉ tháng, năm hết hạn. Nhưng có xí nghiệp chỉ ghi ngày, tháng, năm sản xuất, dưới in hàng chữ hạn dùng 24 tháng. Người mua phải tự suy ra ngày hết hạn.

Thí dụ: Lô sản xuất 03022002-HD: 24 tháng, tức là đến 02/2004 mới hết hạn.

3. Có nơi trong đơn hướng dẫn ghi hạn dùng: 2 năm nhưng vỏ hộp lại ghi hạn dùng: 5 năm.

Lot N0 98P106.

Mfg date: 15/8/2000.

Exp date: 15/8/2005.

(Thuốc Testermon ống, hãng CCPC, Taiwan sản xuất).

4. Có loại như Theralen SKS: 131002. HD: 10/04.

Phần chỉ định ngoài hộp ghi:

"Theralen là thuốc kháng histamin họ phenothiazinđược chỉ định trong:

- Một số biểu hiện dị ứng cấp.

- Một số trạng thái kích động.

- Mất ngủ".

Trong khi đó tờ hướng dẫn sử dụng thuốc lại ghi: "Theralen là thuốc kháng histamin họ phenothiazin.

- Ðiều trịtriệu chứng các biểu hiện dị ứng như viêm mũi, viêm kết mạc, phù quincke, nổi mề đay.

- Ðiều trịtriệu chứng bổ trợ trong các bệnh ngứa ngoài da như chàm, sẩn ngứa.

- Ðiều trịtriệu chứng các chứng ho khan khó chịu, nhất là do dị ứng và do kíchđộng".

Tuy là những việc rất nhỏ nhưng dễ tạo cho người bệnh tâm lý nghi ngại thuốc giả, thuốc kém phẩm chất. Ðể khắc phục những vấn đề trên, thiết nghĩ các nhà sản xuất nên kiểm tra cẩn thận sản phẩm trước khi xuất xưởng để tạo sự tin tưởng cho người dùng.

Chúc các bạn luôn vui-khỏe...NDD

( Truong Kim Anh chuyển )

T.Post

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

SỨC KHỎE ĐẦU TUẦN ĐẦU NĂM 2013.

Ở các nước Tây phương trong thời gian vài mươi năm trở lại đây, trong chiều hướng tìm kiếm một chiến lược giảm thiểu những bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường

Chuyên đề 1:

Đậu nành và sức khỏe: đâu là thực và đâu là giả

Nguyễn Văn Tuấn

Ở các nước Tây phương trong thời gian vài mươi năm trở lại đây, trong chiều hướng tìm kiếm một chiến lược giảm thiểu những bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường, v.v… giới chức y tế thường kêu gọi công chúng nên giảm lượng tiêu thụ chất đạm động vật, và thay vào đó là dùng những thực phẩm được chế biến từ nguồn thực vật như rau củ hay cây trái. Một thiểu số đã thay thế hẳn chất đạm động vật bằng chất đạm thực vật trong bữa ăn, và họ thường được gọi là “những người ăn chay” (tuy nhiên cách ăn chay của họ không hoàn toàn đồng nghĩa với ăn chay của các tu sĩ Phật giáo). Một trong những thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong bữa ăn chay là đậu nành hay các thức ăn được chế biến từ đậu nành. Đối với những người này, họ đến với rau cải và trái cây vì họ tin rằng đây là một nguồn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng nhất.

Nhưng ngược lại cũng có người, trong đó có một số làm việc trong ngành y tế, chất vấn khuynh hướng này, vì theo họ chưa có bằng chứng gì cho thấy đậu nành có tác dụng tích cực đến sức khỏe con người. Nhiều khi cuộc tranh luận xảy ra trên các diễn đàn khoa học trong một không khí “nóng”, và một sự phân chia ý thức hệ rất rõ ràng: một bên ủng hộ, một bên chống. Trong một cuộc hội thảo ở San Francisco vào năm 1998 mà người viết bài này có tham dự, sau khi một đồng nghiệp- diễn giả từ Mayo Clinic thuyết trình về lợi và hại của đậu nành, một loạt ý kiến cực kì ồn ào được đưa ra mà ngay cả hai vị chủ tọa cũng không điều khiển được cuộc thảo luận!

Ngay cả trong cộng đồng người Việt, một cuộc tranh cãi như thế cũng xảy ra, nhưng hình như với tính cách niềm tin cá nhân, tình cảm và cảm tính hơn là khoa học. Người thì tin rằng đậu nành là “một nguồn dinh dưỡng tuyệt hảo”, nhưng cũng có người cho rằng dùng đậu nành có thể có hại đến sức khỏe. Nhưng cả hai bên đều ít hay không dẫn chứng những tài liệu khoa học, mà chỉ dựa vào một số thông tin từ internet và ý kiến của một vài vị bác sĩ trong cộng đồng. Thực ra, đứng trên phương diện biện chứng, tất cả các ý kiến cá nhân của các chuyên viên, dù là chuyên viên hàng đầu trong ngành, có giá trị khoa học rất thấp. Mặt khác, người ta có thể tìm trên internet những thông tin để ủng hộ hay bác bỏ một quan điểm về ảnh hưởng của đậu nành rất dễ dàng, vì hiện nay có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn, các trang nhà trên liên mạng viết về đậu nành. Thế nhưng, không phải thông tin nào trên liên mạng cũng đều có giá trị và độ tin cậy như nhau, vì không có ai hay có cơ chế gì để kiểm tra các thông tin này trước khi chúng được công bố.

Thực ra, đậu nành chỉ là một trong nhiều loại thực phẩm hàm chứa kích thích tố nữ estrogen. Gọi là “kích thích tố nữ” vì estrogen là một yếu tố hóa học chi phối đến sự phát triển sinh dục trong phụ nữ. Một trong những chức năng chính của estrogen là giúp cho các cơ quan sinh dục tăng trưởng, và làm phát triển các đặc tính nữ (như vú chẳng hạn). Trong thời kì còn khả năng sinh sản, estrogen là một kích thích tố quan trọng đóng vai trò điều hòa các hoạt động sinh học của cơ thể, kể cả sinh hoạt tình dục. Nhưng sau thời kì mãn kinh (tuổi mãn kinh trung bình ở người da trắng là 49-51 tuổi), buồng trứng không còn sản xuất estrogen nữa, và gây ra một loạt thay đổi tâm sinh lí trong người phụ nữ, và dẫn đến một số bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường và loãng xương.

Hiện nay, một trong những phương án điều trị và phòng ngừa bệnh tật trong các phụ nữ sau thời mãn kinh là thay thế kích thích tố (hay còn gọi là HRT, hormone replacement therapy). Tuy nhiên, vài năm gần đây, kết quả của một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy HRT có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú trong các phụ nữ có tuổi. Và vấn đề được đặt ra là phải đi tìm một phương án chữa trị vừa an toàn vừa hữu hiệu hơn HRT. Phytoestrogen được xem là một trong những phương án đó. Vậy phytoestrogen là gì? Tác dụng và tác hại của nó ra sao? Bài viết này có một mục đích khiêm tốn là trả lời hai câu hỏi trên, bằng cách điểm qua một số kết quả nghiên cứu liên quan đến đậu nành nói riêng [và phytoestrogen nói chung] và sức khỏe con người đã được công bố trên các tập san y sinh học trên thế giới. Những thông tin này đều được giới nghiên cứu y khoa duyệt qua trước khi công bố, do đó, dù không tuyệt đối, nhưng là những bằng chứng khoa học có độ tin cậy cao hơn nhiều so với những thông tin trên internet [không phải từ những tập san Y-sinh học, các tổ chức có thẩm quyền] hay ý kiến cá nhân.

Nói một cách ngắn gọn, phytoestrogen là những hợp chất estrogen (kích thích tố nữ) được tìm thấy trong thực vật [1]. Có ba nhóm phytoestrogen chính: isoflavones, coumestans, và lignans. Tất cả ba nhóm phytoestrogen này có cấu trúc hóa học rất giống với estrogen và anti-estrogen [2]. Vai trò của phytoestrogen trong thực vật chưa được xác định một cách rõ ràng, nhưng có bằng chứng cho thấy hợp chất này có chức năng chống nấm [3] hay nhuộm cây [4]. Có giả thuyết cho rằng phytoestrogen còn là một bộ phận phòng thủ của cây trong quá trình tiến hóa.

Năm 1954, người ta phát hiện có 53 loại cây cỏ có chứa estrogen [5], nhưng sau này con số được tăng lên hơn 300 cây cỏ [6]. Isoflavones và counestans được ghi nhận là những hợp chất phổ thông nhất.

Bảng sau đây là ước lượng hàm lượng của phytoestrogen trong một số thực phẩm thông thường được tính ra trên đơn vị tách (một tách đo lường – metric cup có thể tích chuẩn là 250ml):

Thực phẩm Hàm lượng phytoestrogen

Miso 120mg

Đậu nành, đỗ tương (soybeans) 80mg

Bột đậu nành (soyflour) 100mg

Tempeh 80mg

Đậu khuôn (Tofu) 80mg

Sữa đậu nành (soy milk) 40mg

Đậu hũ (Tofu yoghurt) 16mg/100g

Mì đậu nành khô (soy noodles) 8,5mg/100g

Đậu nành xanh (green soybeans) 135mg/100g

Tác dụng của phytoestrogen

Các triệu chứng sau thời kì mãn kinh.

Như đề cập trên, đối với phụ nữ sau thời kì mãn kinh, cơ thể không còn sản xuất kích thích tố estrogen, và dẫn đến một loạt thay đổi quan trọng về tâm sinh lí. Một số trong những triệu chứng sinh lí là nóng bừng (thường gọi là “hot flush”), khô âm hộ, viêm âm đạo. Nhưng cường độ mà phụ nữ kinh qua những triệu chứng này có thể tùy thuộc vào yếu tố văn hóa. Chẳng hạn như phụ nữ Nhật Bản ít bị những triệu chứng nóng bừng so với phụ nữ Canada . Chỉ có 4% phụ nữ Nhật Bản dùng HRT [để chế ngự các triệu chứng trên], so với 30% trong các phụ nữ người Mĩ [7]. Sự khác biệt này có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng có người cho rằng phytoestrogen là một nguyên nhân chính có thể giải thích tại sao phụ nữ Nhật Bản ít bị chứng nóng bừng hơn, và do đó ít cần đến, phụ nữ người Mĩ.

Trong một nghiên cứu trên 58 phụ nữ sau thời kì mãn kinh, với tối thiểu là 14 cơn nóng bừng hàng tuần; qua 12 tuần theo dõi, tỉ lệ nóng bừng trong các phụ nữ được điều trị bằng bột đậu nành (phytoestrogen) (45 gram) giảm 40% so với phụ nữ không được điều trị là 25%. Tuy nhiên, mức độ khác biệt này không được xem là có ý nghĩa thống kê (tức có thể là do các yếu tố ngẫu nhiên, chứ không phải tác dụng của phytoestrogen) [8].

Loãng xương

Đối với các phụ nữ sau thời kì mãn kinh, tình trạng suy giảm estrogen dẫn đến tình trạng mất chất xương. Tính trung bình tỉ lệ bị mất chất xương khoảng 1% mỗi năm. Nhưng trong thời kì tiền mãn kinh, tỉ lệ này có thể cao đến 5 hay 10% mỗi năm. Giảm chất xương có thể dẫn đến dễ gãy xương hơn bình thường nếu bị té hay tai nạn. Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng của việc chữa trị bệnh loãng xương là duy trì chất xương sao cho không giảm trong thời kì sau mãn kinh. HRT là một loại thuốc có khả năng làm giảm tỉ lệ mất chất xương và phòng chống gãy xương trong phụ nữ sau thời kì mãn kinh. Tuy nhiên, vì dùng HRT lâu năm có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú (và có thể cả bệnh tim mạch). Từ đó, một trong những hướng nghiên cứu mới là tìm một phương cách điều trị khác an toàn hơn, vừa giảm nguy cơ gãy xương lại vừa không làm tăng nguy cơ ung thư vú hay các phản ứng phụ.

Phytoestrogen có thể ngăn ngừa tình trạng mất chất xương trong các phụ nữ sau thời kì mãn kinh. Nhiều dữ kiện trong vòng 3 thập niên qua cho thấy những phụ nữ được điều trị bằng Iproflavone, một dạng isoflavones, có mức độ mất chất xương thấp hơn các phụ nữ không được điều trị bằng Iproflavone. Nhưng kết quả này vẫn còn nằm trong vòng tranh cãi, vì có nhà nghiên cứu cho rằng tác dụng của phytoestrogen không cao như nhiều người “cảm tình viên” tưởng, nhưng họ cũng công nhận là phytoestrogen rất ít khi nào gây ra phản ứng phụ. Mặt khác vì chưa có nghiên cứu lâm sàng nào được tiến hành theo đúng các tiêu chuẩn khoa học của thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên, nên vấn đề vẫn chưa mấy rõ ràng.

Mới đây, một nhóm bác sĩ và khoa học gia bên Ý đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên, với 90 phụ nữ tuổi từ 47 – 57, bình thường (không bị chứng loãng xương). Những phụ nữ này được chia làm 3 nhóm: 30 người không được điều trị gì cả (gọi là placebo, hay nhóm “đối chứng”); 30 người được điều trị bằng HRT 1 mg/ngày; và 30 người được điều trị bằng phytoestrogen genistein 54 mg/ngày. Sau 12 tháng điều trị, các nhà nghiên cứu ghi nhận vài kết quả chính như sau [9]:

Mật độ xương đùi trong nhóm được điều trị bằng phytoestrogen genistein tăng [trung bình] 3.6%; trong khi đó, nhóm được điều trị bằng HRT, tỉ lệ tăng là 2.4%; và như có thể đoán trước được, mật độ xương đùi trong nhóm đối chứng giảm khoảng 0.7%.

Chỉ số sinh hóa tạo xương (bone formation marker), nhóm được điều trị bằng phytoestrogen genistein tăng 23% đến 29%, trong khi chỉ số này trong nhóm được điều trị bằng HRT và nhóm đối chứng lại giảm.

Về phản ứng phụ: có ba phản ứng phụ như sau: chảy máu âm hộ, đau vú (breast tenderness), và nóng bừng (hot flushes). Chảy máu âm hộ được ghi nhận 3 người trong nhóm được điều trị bằng HRT, 1 người trong nhóm phytoestrogen genistein, và 1 người trong nhóm đối chứng. Chứng nóng bừng được ghi nhận trong 12 người thuộc nhóm đối chứng, cao nhất so với nhóm HRT (chỉ 1 người) và nhóm phytoestrogen genistein (3 người). Tuy nhiên, chứng đau vú được ghi nhận cao nhất trong nhóm HRT (6 người) so với nhóm phytoestrogen genistein (3) hay đối chứng (1).

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng phytoestrogen có tác dụng tích cực đến xương trong các phụ nữ sau thời kì mãn kinh, qua khả năng làm giảm hoạt động của các tế bào hủy xương và tăng hoạt động của các tế bào tạo xương.

Đứng trên khía cạnh phương pháp và ý nghĩa lâm sàng, đây là một nghiên cứu quan trọng về ảnh hưởng của phytoestrogen trong việc điều trị chứng loãng xương. Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu về phytoestrogen trong ngành xương được tiến hành theo các tiêu chuẩn khoa học của nghiên cứu lâm sàng. Nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy phytoestrogen có thể làm cho xương phụ nữ trong và sau thời mãn kinh mạnh hơn, và làm giảm nguy cơ gãy xương. Nếu kết quả của nghiên cứu này được xác nhận bằng vài nghiên cứu độc lập khác, có thể nói trong tương lai ngành xương sẽ có một phương án mới điều trị chứng loãng xương an toàn hơn và rẻ tiền hơn với các loại thuốc hiện hành.

Ung thư

Đã từ lâu các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng mức độ khác nhau về tỉ lệ ung thư giữa các sắc dân trên thế giới là một bằng chứng cho thấy bệnh này chịu ảnh hưởng của các yếu tố liên quan đến môi trường hơn là các yếu tố di truyền. Tỉ lệ dân bị ung thư cao nhất thường tập trung trong các dân số có mức tiêu thụ chất béo cao, chất đạm động vật, và ít tiêu thụ chất sợi (fibre); trong khi đó tỉ lệ ung thư thường thấp ở các nước mà mức độ tiêu thụ thịt ít nhưng có mức độ tiêu thụ thực vật và rau cỏ cao, nhất là các cây cỏ có chứa phytoestrogen [10-11].

Trong thời gian gần đây, có khá nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa ung thư và thực phẩm đậu nành. Ở Nhật, những người đàn ông ăn đậu khuôn (5 lần một tuần) có tỉ lệ bị ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer) thấp hơn khoảng 50% so với đàn ông ăn đậu khuôn 1 lần hay ít hơn trong một tuần [12]. Trong một nghiên cứu trên 265,000 người Nhật trong vòng 12 năm cho thấy những người ăn miso (một loại đậu khuôn) hàng ngày có nguy cơ bị ung thư dạ dày thấp hơn những người không dùng đậu nành [13-14]. Hai nghiên cứu khác ở Trung Quốc cho thấy phụ nữ dùng thực phẩm đậu nành ít (dưới 1 lần / tuần) có tỉ lệ bị ung thư phổi và ung thư vú cao gấp 2 đến 3.5 lần so với các phụ nữ dùng hàng ngày [15-16].

Trong một nghiên cứu mà đối tượng là những người Mĩ gốc Trung Quốc, Nhật Bản, và Phi Luật Tân, các nhà nghiên cứu ghi nhận một mối liên hệ nghịch chiều giữa mức độ tiêu thụ đậu khuôn và nguy cơ bệnh ung thư vú: phụ nữ dùng đậu khuôn nhiều có nguy cơ bị ung thứ vú thấp hơn phụ nữ không dùng hay dùng ít đậu khuôn [17]. Một phát hiện tương tự cũng được ghi nhận trong một nghiên cứu ở Singapore [18] và Hawaii [19].

Kích thích tố nội sinh (endogenous hormones) và kích thích tố ngoại sinh (exogenous hormones) đều có quan hệ với nhiều loại ung thư. Trong đàn ông, những người có độ kích thích tố nam (androgens) cao thường có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt hơn những người có độ kích thích tố nam thấp. Trong phụ nữ, nguy cơ bị ung thư vú và noãn sào thường tăng theo mức độ kích thích tố nữ (hay estrogen). Tương tự những sắc dân có độ kích thích tố thấp cũng là những người có nguy cơ bị ung thư thấp [20]. Do đó, một giả thuyết được đặt ra là nếu có một hóa chất hay thực phẩm làm giảm độ kích thích tố nam và nữ thì nó cũng có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư. Mặc dù mối tương quan giữa kích thích tố nội sinh và ung thư tỷ lệ thuận (tức là mức độ kích thích cao thì nguy cơ ung thư cao), nhưng mối tương quan giữa phytoestrogen và ung thư lại tỷ lệ nghịch (tức là mức độ phytoestrogen càng cao thì nguy cơ ung thư càng giảm).

Không ai biết tại sao lại có một “nghịch lí” như vừa nói, nhưng nhiều thí nghiệm trong chuột cho thấy phytoestrogen có khả năng làm giảm sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Trong những nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu điều trị hai nhóm chuột (một nhóm bằng phytoestrogen, và một nhóm đối chứng tức không có thuốc nào), và cả hai nhóm đều được cho sống trong một môi trường gây bệnh ung thư. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm được điều trị bằng phytoestrogen có tốc độ phát sinh ung thư chậm hơn một cách đáng kể so với nhóm đối chứng, và điều này chứng tỏ rằng phytoestrogen có thể có tác dụng tích cực trong việc ngăn cản những bệnh ung thư tùy thuộc vào kích thích tố [21-22].

Chu kì kinh nguyệt

Mối liên hệ giữa phytoestrogen và ung thư vú, và giữa chu kì kinh nguyệt và ung thư vú là hai vấn đề thu hút một số nghiên cứu trong thời gian gần đây. Ở phụ nữ người da trắng, chu kì kinh nguyệt trong những người bị ung thư vú ngắn hơn khoảng 2 đến 3 ngày so với chu kì trong những người không bị ung thư vú [23]. Chu kì kinh nguyệt ở phụ nữ da trắng tính trung bình ngắn hơn chu kì ở phụ nữ Á châu khoảng 2 đến 3 ngày, và sự khác biệt này được đề nghị là có liên hệ đến mức độ tiêu thụ đậu nành trong người Á châu cao hơn trong người Tây phương nói chung [24-25]

Trong một nghiên cứu nhỏ trên cho 6 phụ nữ dùng sữa đậu nành trong vòng 1 tháng, các nhà nghiên cứu ghi nhận chu kì kinh nguyệt tăng lên khoảng 3 ngày. Nhưng vì nghiên cứu này quá nhỏ và không có một nhóm đối chứng nên chưa thể xem là một bằng chứng đáng tin cậy [26]. Trong một nghiên cứu khác lớn hơn [27], các nhà nghiên cứu không ghi nhận ảnh hưởng nào của sữa đậu nành đến chu kì kinh nguyệt. Do đó, dựa theo các dữ kiện đang có, chúng ta chưa thể kết luận được là phytoestrogen có khả năng kéo dài chu kì kinh nguyệt, và chu kì kinh nguyệt tương đối dài trong phụ nữ Á châu chắc không phải do ảnh hưởng của phytoestrogen [28].

Bệnh tim mạch

Bằng chứng y học thu thập trong khoảng 30 năm qua cho thấy phytoestrogen có ảnh hưởng tích cực chống lại các bệnh tim mạch. Đã từ lâu, giới nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ người Á châu, những người có mức độ tiêu thụ rau cải nhiều, bị bệnh tim mạch ít hơn người da trắng Tây phương [29-30].

Trong phụ nữ người da trắng, estrogen là một kích thích tố được xem là có tác dụng phòng chống nguy cơ bị bệnh tim mạch. Phụ nữ sau thời kì mãn kinh dùng estrogen (hay HRT) có nguy cơ bị bệnh tim mạch thấp hơn phụ nữ không dùng estrogen [31-33]. Mối quan hệ giữa phytoestrogen và bệnh tim mạch chưa được nghiên cứu qui mô như trong trường hợp HRT.

Tuy nhiên kết quả từ nhiều nghiên cứu mối quan hệ giữa phytoestrogen và bệnh tim mạch không hoàn toàn nhất quán, và thường mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn như một nghiên cứu báo cáo rằng chỉ số cholesterol trong các phụ nữ dùng isoflavones với 45 mg/ngày giảm một cách đáng kể so với phụ nữ không được điều trị bằng isoflavones [34]. Nhưng một nghiên cứu khác [35] trong đàn ông được điều trị bằng protein đậu nành với 60 g/ngày trong vòng 4 tuần, thì không ghi nhận được một ảnh hưởng tích cực nào của phytoestrogen. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng nói thêm rằng các đối tượng trong nghiên cứu của họ có độ cholestrol thấp, tức là cơ hội giảm cholesterol không có bao nhiêu.

Khá nhiều nghiên cứu cho thấy thay thế thức ăn động vật bằng chất đạm chế biến từ đậu nành làm giảm LDL cholesterol [36-37]. Một phân tích tổng hợp 38 nghiên cứu lâm sàng gần đây kết luận rằng đậu nành hay chất đạm chế biến từ đậu nành có khả năng giảm LDL và triglyceride [38].

Khả năng tác hại của phytoestrogen

Khả năng sinh sản. Vào thập niên 1940s, ở Tây Úc người ta thấy một số trừu có vấn đề về khả năng sinh sản, kể cả các chứng u nang trong noãn sào, và thiếu khả năng thụ tinh [39]. Sau này triệu chứng trên có tên là “Clover disease”, và sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học biết rằng chứng này do trừu ăn một loại cỏ có tên là Trifolium subterraneum (hay thường gọi là “clover”, hay cỏ ba lá, cỏ clô-vơ) có chứa nhiều hàm lượng isoflavones [40]. Tác hại (hay “ảnh hưởng” thì đúng hơn) của cỏ clô-vơ trong vấn đề sinh sản sau này còn được ghi nhận trong thỏ, lợn (heo), và chuột.

Câu hỏi cần được đặt ra là một ảnh hưởng tiêu cực của isoflavones như trên có thể có trong con người hay không? Qua các nghiên cứu được công bố trong vài mươi năm qua thì có lẽ câu trả lời là “không”. Thực ra, chưa có một nghiên cứu nào cho thấy isoflavone có ảnh hưởng tiêu cực đến sinh sản trong phụ nữa trước thời kì mãn kinh cả. Tuy nhiên, có một nghiên cứu ở Hòa Lan báo cáo rằng các phụ nữ dùng củ tulip (có chứa nhiều phytoestrogen) ở một liều lượng lớn có thể gây ra chứng chảy máu âm hộ và vài rối loạn chu kì kinh nguyệt [41], nhưng vì nghiên cứu này quá sơ sài, nên không ai có thể kết luận được là các triệu chứng này trực tiếp liên quan đến phytoestrogen hay một yếu tố trung gian nào khác. Trong phụ nữ Á châu, những người dùng đậu nành trong một thời gian rất dài (qua nhiều thế hệ) và với liều lượng trung bình, thì khả năng sinh sản của họ không có gì để gọi là có vấn đề.

Phát triển. Cho đến nay, tất cả các nghiên cứu về phytoestrogen và phát triển chỉ giới hạn trong các động vật cấp thấp như chuột, nhưng kết quả cũng không có gì mang tính khẳng định. Dù thế, có người đặt giả thuyết rằng (còn gọi là Sharpe-Skakebaek hypothesis) nếu trẻ sơ sinh được tiếp thu estrogen sớm có thể dẫn đến một vài biến chứng trong thời gian trưởng thành, như chất lượng tinh trùng thấp, hay nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt [42]. Nhưng trong thực tế cho đến nay, những tác hại trên chưa được ghi nhận trong bất cứ một nghiên cứu nào. Thực ra, có bằng chứng cho thấy ngược lại rằng nếu trẻ sơ sinh dùng phytoestrogen thì trong thời gian trưởng thành họ thường ít bị các chứng bệnh mãn tính. Ở Mĩ, sữa đậu nành đã được dùng cho trẻ sơ sinh hơn 50 năm và chưa có bằng chứng gì cho thấy nó có tác hại [43].

Một vài nhận xét

Nói chung mặc dù trong thời gian qua đã có khá nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa phytoestrogen và sức khỏe con người, nhưng kiến thức của chúng ta về mối quan hệ này vẫn còn rất rời rạc. Một phần lớn là vì gần như 95% các nghiên cứu chưa được tiến hành theo những tiêu chuẩn khoa học và nguyên tắc lâm sàng cao. Chẳng hạn như trong khoảng 100 nghiên cứu liên quan đến phytoestrogen và loãng xương, ung thư và bệnh tim mạch, chỉ có 5 nghiên cứu được liệt vào loại “thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên” (tức là “Randomized controlled clinical trial”), một loại nghiên cứu mà giá trị của kết quả được đánh giá là có độ tin cậy cao nhất trong tất cả các loại nghiên cứu lâm sàng.

Tuy nhiên, điểm qua kết quả của các nghiên cứu trên chuột và con người trong thời gian qua, chúng ta có thể nói rằng tác dụng của phytoestrogen đến sức khỏe con người nói chung là tích cực và an toàn nếu dùng với một liều lượng vừa phải và trong một thời gian trung bình. Những bằng chứng này cho thấy phytoestrogen có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ phận, kể cả làm giảm cholesterol, ngăn chận sự phát triển của các tế bào ung thư, giảm tình trạng mất chất xương trong người, và có thể xoa dịu những triệu chứng sau thời kì mãn kinh như nóng bừng. Nhưng phytoestrogen cũng có một vài biến chứng phụ nếu dùng với một liều lượng cao, dù những biến chứng này nói chung là không nghiêm trọng.

Thế nào là một liều lượng trung bình? Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào trả lời dứt khoát câu hỏi này. Nhưng các dữ kiện khoa học công bố trong thời gian gần đây cho thấy có lẽ dùng khoảng 30-40 mg / ngày (tức khoảng 1 ly sữa đậu nành mỗi ngày) là một liều lượng an toàn. Về thời gian dùng “an toàn”, cũng chưa có câu trả lời rõ ràng, vì hầu hết các nghiên cứu về tác dụng của phytoestrogen thường rất ngắn hạn, và chúng ta vẫn chưa biết được những biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, cho đến nay, trong các sắc dân Á châu dùng phytoestrogen (đậu nành) từ thế hệ này sang thế hệ khác, chưa thấy có biến chứng nguy hiểm nào được báo cáo.

Tăng cường tiêu thụ các sản phẩm như đậu khuôn, hay rau cải cũng nằm trong một chiến lược y tế công cộng của chính phủ nhiều nước Tây phương nhằm giảm tỉ lệ dân số bị bệnh tim mạch, ung thư và loãng xương. Đối với người Việt Nam, các sản phẩm của đậu nành, như đậu khuôn, sữa đậu nành, đậu hủ là những món ăn quen thuộc, và không có lí do gì chúng ta phải từ bỏ nguồn thực phẩm lành mạnh và quan trọng này.

Tài liệu tham khảo và chú thích:

[1] Chữ “Phytoestrogen” là ghép từ tiếp đầu ngữ “phyto” có nghĩa là thực vật (cây cỏ), và estrogen.

[2] Tất cả ba nhóm phytoestrogen này có cấu trúc hóa học rất giống với estrogen và kháng- estrogen (anti-estrogen). Có bằng chứng nghiên cứu cho thấy khi phytoestrogen được dùng trong những trường hợp estrogen nội sinh với độ cao thì phytoestrogen đóng vai trò khống chế hoạt động của estrogen.

Các tài liệu tham khảo sau đây được liệt kê theo thứ tự: tên tác giả, tựa đề bài báo, tên tập san (viết tắt theo qui luật quốc tế), năm xuất bản, bộ số, và trang.

[3] Naim H, et al. Soy bean isoflavones, characterisation, determination and antifugal activity. J Agric Food Chem 1974;22:806-810.

[4] Clevenger S. Flower pigments. Sci Am 1964; 210:84-92.

[5] Bradbury RB, White DE. Oestrogens and related substances in plants. Vitam Horm 1954; 12:207-33.

[6] Farnsworth NR, et al. Potential value of plants as sources of new antifertility agents. J Pharmacol Sci 1975; 64:717-54.

[7] Colditz GA, et al. Type of postmenopausal hormone use and risk of breast cancer: 12-year follow-up from the Nurses’ Health Study. Cancer Causes Control 1992; 3:433-39.

[8] Murkies AL, et al. Dietary flour supplementation decreases postmenopausal hot flushes: effects of soy and wheat. Maturitas 1995; 21:189-95.

[9] Morabito N, et al. Effects of genistein and hormone replacement therapy on bone loss in early postmenopausal women: a randomized double-blind placebo-controlled study. J Bone Miner Res 2002; 17:1904-12.

[10] Parkin DM. Cancers of the breast, endometrium, and ovary: geographic correlations. Eur J Clin Oncolo 1989; 25:1917-25.

[11] Ross PD, et al. International comparisons of mortality rates for cancer of the breast, ovary, prostate and colon, and per capita food consumption. Cancer 1986; 58:2363-71.

[12] Severson RK, et al. A prospective study of demographics, diet, and prostate cancer among men of Japanese ancestry in Hawaii . Cancer Res 1989; 49:1857-60.

[13] Haenszel W, et al. Stomach cancer among Japanese in Hawaii . J Natl Cancer Inst 1972; 49:969-88.

[14] Nagai M, et al. Relationship of diet to the incidence of esophageal and stomach cancer in Japan . Nutr Cancer 1982; 3:257-68.

[15] Koo LC, et al. Dietary habits and lung cancer risk among Chinese females in Hong Kong who never smoked. Nutr Cancer 1988; 11:155-72.

[16] Lee HP, et al. Dietary effects on breast cancer risk in Singapore . Lancet 1991; 337:1197-200.

[17] Wu AH, et al. Tofu and risk of breast cancer. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev 1996; 5:901-6.

[18] Lee HP, et al. Dietary effect on breast cancer risk in Singapore . Lancet 1991;337:1197-2000.

[19] Goodman MT, et al. Association of soy and fiber consumption with the risk of endometrial cancer. Am J Epidemiol 1997; 146:294-306.

[20] Trichopoulos D, et al. The effects of Westernization on urine estrogens, frequency ov ovulation and breast cancer risk. Cancer 1984; 53:187-192.

[21] Lamartiniere CA, et al. Genistein suppresses mammary cancer in rats. Carcinogenesis 1995; 53:187-192.

[22] Lamartiniere CA, et al. Neonatal genistein chemoprevents mammary cancer. Proc Soc Exp Biol Med 1995; 208:120-3.

[23] Olsson H, et al. Retrospective assessment of menstrual cycle length in patients with breast cancer, in patients with benign breast cancer and in women without breast cancer. J Natl Cancer Inst 1983; 70:17-20.

[24] Treolar AE, et al. Variation of the human menstrual cycle through reproductive life. Int J Fertil 1970; 12:77-126.

[25] Key TJA, et al. Sex hormones in rural China and Britain . Br J Cancer 1990; 62:631-636.

[26] Lu LH, et al. Effects of soya consumption for one month on steroid hormones in premenopausal women: implications for breast cancer risk reduction. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev 1996; 5:63-70.

[27] Baird DD, et al. Dietary intervention study to assess estrogenicity of dietary soy among postmenopausal women. J Clin Endocrinol Metab 1995; 80:1685-90.

[28] Lock M. Contested meanings of the menopause. Lancet 1991; 337:1270-72.

[29] Artaud-Wild SM, et al. Differences in coronary mortality can be explained by differences in cholesterol and saturated fat intakes in 40 countries but not in France and Finland . A paradox. Circulation 1993; 88:2771-9.

[30] Keys A, et al. The seven countries study: 2289 deaths in 15 years. Prev Med 1964; 13:141-154.

[31] Chae CU, et al. Postmenopausal hormones replacement therapy and cardiovascular disease. Thromb Haemost 1997; 78:770-80.

[32] Stampler MJ, et al. Postmenopausal estrogen therapy and cardiovascular disease: ten-year follow-up from the Nurses’ Health Study. N Engl J Med 1991; 325:756-62.

[33] Gilligan DM, et al. Effects of estrogen replacement therapy on peripheral vasomotor function in postmenopausal women. Am J Cardiol 1995; 75:264-268.

[34] Cassidy A, et al. Biological effects of isoflavones in young women: importanceof the chemical composition of soy bean products. Br J Nutr 1995; 74:587-601.

[35] Gooderham MJ, et al. A soy protein isolate rich in genistein and daidzein and its effects on plasma isoflavone concentrations, platelet aggregation, blood lipids and bone density in postmenopausal women. J Nutr 1996; 126:2000-6.

[36] Carroll KK. Review of clinical studies on cholesterol-lowering response to soy protein. J Am Diet Assoc 1991; 91:820-27.

[37] Sirtori CR, et al. Soybean protein diet and plasma cholesterol: from therapy to molecular mechanisms. Ann NY Acad Sci 1993; 676:188-201.

[38] JW Anderson và đồng nghiệp. Meta analysis of the effects of soy protein intake on serum lipids. New England Journal of Medicine 1995; 333:276-282.

[39 Bennetts HW, et al. S specific breeding problem of sheep on subterranean clover pastures in Western Australia . Aust Vet 1946; 22:2-12.

[40] Bradbury RB, White DE. Estrogen and related substances in plants. Vitamins Hormones 1954; 12:207-233.

[41] Labov JB. Phytoestrogens and mammalian reproduction. Comp Biochem Physiol 1977; 57:3-9.

[42] Sharpe RM, Skakkebaek NE. Are estrogens involved in falling sperm counts and disorders of the male reproductive tract? Lancet 1993; 341:1392-5.

[43] Huggett AC, et al. Phytoestrogens in soy-based infant formula. Lancet 1998; 350:815-6.

 

 


Chuyên đề 2:

.Y tế dự phòng: nền tảng của y khoa hiện đại.

Nguyễn Văn Tuấn

(Bài đã đăng trên Tuần Việt Nam)

 

Trước tình hình phát triển kinh tế nhanh chóng đã và đang diễn ra trong vòng một thập niên trở lại đây, và nước ta không còn xếp vào nhóm các nước nghèo khó nữa, chúng ta có xu hướng quên rằng tình hình y tế và sức khỏe người dân ở nước ta vẫn ở trong tình trạng của một nước nghèo. Thật vậy, thực trạng về bệnh tiêu chảy cấp tính, bệnh tả, cúm gia cầm, SARS, v.v… trong thời gian gần đây là những nhắc nhở rằng nước ta vẫn còn đang đương đầu với những bệnh nhiệt đới, những vấn nạn của các nước nghèo. Trong tình hình như thế, hơn lúc nào hết, nước ta cần một mạng lưới y tế cộng đồng tốt để phòng bệnh từ cấp cơ sở.

 

***

Mỗi lần đọc một bản tin về một ca giải phẫu lớn được thực hiện thành công ở nước ta, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vì giới y khoa nước ta chứng tỏ cho thế giới biết rằng chúng ta không thua kém bất cứ ai về mặt kĩ năng phẫu thuật. Nhưng lo là vì tôi sợ những thành công mang tính đơn lẻ như thế làm cho chúng ta sao lãng một “bức tranh” lớn hơn và nghiêm trọng hơn: sức khỏe cộng đồng. Nhìn qua bức tranh sức khỏe cộng đồng tôi cho rằng Nhà nước phải tập trung đầu tư vào việc phát triển hệ thống y tế cộng đồng hay y tế dự phòng thay vì tập trung vào các thiết bị y khoa đắt tiền.

Bức tranh sức khỏe Việt Nam

Chúng ta cần nhìn vào bức tranh y tế nước ta cho kĩ! Thống kê chính thức của Bộ Y tế cho thấy các bệnh sau đây nằm trong hàng “top 10” ở nước ta: các bệnh viêm phổi, viêm họng và viêm Amidan cấp, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp, tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột non có nguồn gốc nhiễm khuẩn, cúm, sốt rét, tai nạn giao thông, và các bệnh đường hô hấp.

Vẫn theo thống kê của Bộ Y tế, những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nước ta (theo thứ tự) là: các bệnh viêm phổi, các bệnh liên quan đến hệ thống hô hấp (kẻ cả lao), thai chậm phát triển, tai nạn giao thông, suy dinh dưỡng, rối loạn gắn liền với thai nghén và cân nặng không đủ khi sinh, và các tổn thương hô hấp đặc hiệu khác của thời kì chu sinh.

Bức tranh sức khỏe trên cho chúng ta thấy rằng các bệnh viêm và nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, và tai nạn giao thông là những bệnh dân ta thường hay mắc và cũng chính là những “tử thần” nguy hiểm nhất hiện nay.

Cái mẫu số chung của các bệnh này là mối liên hệ với kinh tế, hay nói thẳng ra là tình trạng nghèo khó của người dân. Hãy lấy suy dinh dưỡng ở trẻ em làm ví dụ: ngoài các nguyên nhân sinh học và lâm sàng, đứng trên quan điểm của y tế cộng đồng, nguyên nhân chính của suy dinh dưỡng -- như tên gọi rất chính xác -- là thiếu ăn. Thiếu ăn là do nghèo và hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Trong khi nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, một bộ phận dân số -- nhất là những người sống trong vùng nông thôn hay vùng xa -- vẫn chưa đủ ăn (và chưa đủ mặc). Theo kết quả nghiên cứu ở Đồng Nai, phần lớn (76%) trẻ em suy dinh dưỡng là những em có cha mẹ là nông dân hay làm thuê. Gia đình càng có nhiều con, tỉ lệ suy dinh dưỡng càng cao.

Một đặc điểm chung của những bệnh hàng đầu hiện nay ở nước ta là chúng rất phổ biến. Chẳng hạn như suy dinh dưỡng, có báo cáo cho thấy cứ 5 trẻ em ở nước ta thì có 1 em suy dinh dưỡng (theo một thống kê trong hội nghị tổng kết đánh giá các hoạt động dinh dưỡng năm 2007 do Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức vào đầu năm nay). Hay như bệnh viêm phổi (là nguyên nhân tử vong số 1), mỗi năm có đến khoảng 360.000 người mắc. Hay như hút thuốc lá, có nghiên cứu cho thấy khoảng 73% đàn ông và thanh niên (tuổi từ 18 trở lên) hút thuốc lá. Đây là một tỉ lệ cao nhất thế giới mà các nhà nghiên cứu Việt-Mĩ đã ghi nhận. Cao hơn cả Trung Quốc và Nhật! Nếu tính theo dân số hiện hành, nước ta có 18,24 triệu thanh niên và đàn ông trên 20 tuổi hút thuốc lá!

Người viết bài này ước tính rằng mỗi năm có khoảng 11.500 thanh niên và đàn ông trên 20 tuổi mắc bệnh ung thư phổi; trong số này 85% (hay 9.800 trường hợp) là có liên quan đến hút thuốc lá. Hút thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ có liên quan đến 85% trường hợp ung thư họng, nhưng số lượng bệnh nhân ít hơn ung thư phổi. Chi phí liên quan đến thuốc lá (chỉ tính chi phí điều trị trong bệnh viện) là khoảng 78 triệu USD (thời giá 2005).

Nhu cầu cho một hệ thống y tế dự phòng

Vì qui mô của các bệnh mà nước đang đối phó rất lớn, chúng ta không thể kì vọng rằng xây thêm bệnh viện hay nhập thiết bị y khoa hiện đại sẽ giải quyết được vấn đề. Nhu cầu tăng cường cơ sở vật chất y tế hiện đại là cần thiết nhưng mang tính cấp thiết, bởi vì một nhu cầu khác lâu dài hơn và quan trọng hơn là xây dựng một mạng lưới y tế cộng đồng hay y tế dự phòng. Tại sao cần phải xây dựng mạng lưới y tế dự phòng? Câu trả lời đơn giản là tại vì chúng ta muốn phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Các thiết bị hiện đại là để chữa bệnh chứ không ngừa bệnh; các biện pháp phòng bệnh cần một tư duy mới về y tế.

Tư duy y khoa truyền thống thường quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Tư duy này hun đúc thành những qui định về y đức như có trách nhiệm với cá nhân người bệnh, và các cơ sở vật chất y tế thường được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Ngay cả nghiên cứu y khoa cũng chịu ảnh hưởng bởi tư duy này, vì một nghiên cứu y khoa cổ điển thường bắt đầu với câu hỏi “tại sao bệnh nhân mắc bệnh”.

Ngày nay, chúng ta biết rằng nếu hệ thống y tế chỉ để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân thì vẫn chưa đủ. Do đó, tư duy y khoa truyền thống này đã được khai triển thành một bước cao hơn và qui mô hơn: đó là phòng bệnh và nhận dạng những nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao. Nói cách khác, đây chính là tư duy y tế dự phòng.

Tư duy y khoa truyền thống đặt trọng tâm vào việc điều trị và chữa bệnh, còn tư duy y tế dự phòng đặt trọng tâm vào việc phòng bệnh. Đối tượng của tư duy y khoa truyền thống là cá nhân người bệnh, còn đối tượng của tư duy y khoa dự phòng là cộng đồng. Đối với y khoa truyền thống, một cá nhân hoặc là có hay không có bệnh (do đó, có người ví von rằng y khoa cổ điển chỉ biết đếm từ 0 đến 1), nhưng y tế dự phòng quan tâm đến nguy cơ mắc bệnh của một quần thể (và nguy cơ này có thể dao động từ thấp, trung bình, đến cao). Do đó, chỉ số để đánh giá hiệu quả lâm sàng của y khoa cổ điển là sự thành công trong việc cứu một bệnh nhân, nhưng chỉ số lâm sàng của y tế dự phòng là giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh của một cộng đồng và kéo dài tuổi thọ cho một dân số.

Y tế dự phòng không chỉ quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm hay suy dinh dưỡng, mà còn liên quan trực tiếp đến các bệnh mãn tính như tim mạch, viêm khớp xương, đái tháo đường, cao huyết áp, tai biến, loãng xương, ung thư, v.v… Y tế dự phòng quan niệm rằng sự phát sinh các bệnh mãn tính là hệ quả của một quá trình tích lũy những rối loạn sinh lí qua phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ. Do đó, can thiệp vào các yếu tố nguy cơ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở qui mô cộng đồng.

Các yếu tố nguy cơ này có thể chia thành 2 nhóm: nhóm có thể can thiệp được và nhóm không thể can thiệp được. Các yếu tố không có thể can thiệp được như tuổi tác và di truyền. Nhưng các yếu tố có thể can thiệp được như dinh dưỡng, vận động thể lực, lối sống (hút thuốc lá, thói quen rượu bia), môi trường sống (như nước, không khí, phương tiện đi lại), v.v… Từ đó, các chiến lược y tế dự phòng là làm thay đổi các yếu tố có thể can thiệp được để nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.

Vì thế, thành công của một chiến lược y tế dự phòng có thể đem lại lợi ích và hiệu quả cao hơn là thành công trong việc đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Chẳng hạn như một nghiên cứu mới công bố vào tháng 11 năm ngoái cho thấy rằng chỉ cần 50-70% dân số trong những vùng bị dịch tả (hay có nguy cơ cao, như các tỉnh phía Bắc hiện nay) uống vắcxin 2 lần một năm, và với hiệu quả như vừa mô tả, số ca bệnh tả có thể giảm đến 90%.

Vấn đề đầu tư

Nhận thức được vai trò quan trọng của y tế dự phòng, ở các nước tiên tiến đều thiết lập mạng lưới y tế cộng đồng đến từng phường và các vùng xa thành phố. Chẳng hạn như ở Úc, các bà mẹ trước và sau khi sinh con đều được tầm soát và kiểm tra sức khỏe ở các trạm y tế dự phòng này. Ngoài ra, các dịch vụ về phòng chống bệnh ở qui mô cộng đồng như tiêm chủng ngừa, tuyên truyền và giáo dục y tế cộng đồng, v.v… đều được thực hiện bởi các cán bộ y tế dự phòng.

Nhưng một điều đáng buồn ở nước ta ngày nay là y tế dự phòng không được đánh giá đúng mức. Thật là sốc khi nghe có quan chức chính quyền nói rằng không cần đến y tế xã. Có thể nói đó là một phát biểu vô trách nhiệm nhất. Muốn xây nhà cho vững thì phải có nền móng cho chắc; muốn có một nền y tế quốc gia hữu hiệu thì phải bắt đầu bằng hệ thống y tế cơ sở tốt.

Nhưng trong thực tế, chi tiêu của Nhà nước cho y tế chỉ chiếm 6,1% tổng số chi tiêu của Nhà nước. Tỉ lệ này thấp nhất so với các nước láng giềng như Campuchea (16%), Lào (khoảng 7%), Mã Lai (6,5%), Trung Quốc (10%), và Nhật (16.4%). Do đó, không ngạc nhiên khi thấy cơ sở vật chất của hệ thống y tế ở nước ta đã ở trong tình trạng quá tải từ hơn một thập niên qua. Thật vậy, theo thống kê của Bộ Y tế, năm 1997 cả nước có khoảng 198 ngàn giường bệnh, nhưng đến năm 2005, con số này giảm xuống còn 197 ngàn! Trong khi đó dân số tiếp tục gia tăng, và hệ quả là số giường bệnh tính trên 10.000 dân số giảm từ 26,6 năm 1997 xuống còn 23,7 năm 2005.

Thật ra phải nói là “khủng hoảng” thì mới đúng, vì ở bất cứ tỉnh thành hay địa phương nào, công suất giường bệnh tại các bệnh viện đều trên 100%. Tình trạng hai hay ba bệnh nhân cùng nằm một giường, hay phải nằm dưới sàn hay ghế bố, phổ biến đến nỗi các bác sĩ xem đó là chuyện bình thường! Đứng trên bình diện vĩ mô, nguyên nhân chính của tình trạng này là do cơ sở vật y tế dự phòng còn quá kém, cho nên bệnh nhân “vượt tuyến” đến các bệnh viện lớn.

Mục tiêu tối hậu của bất cứ hệ thống y tế nào là nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho người dân. Ngày nay, người ta nói đến “xã hội hóa” y tế, nhưng thực tế là đùn đẩy chi tiêu y tế về cho người dân. Bệnh viện và các công trình phúc lợi xã hội (như trường học và đại học) là hiện thân, là thể hiện sự quan tâm của một chính phủ đến sự an sinh của người dân. Nhà nước cần phải tăng đầu tư cho ngành y tế dự phòng, và qua đó tạo điều kiện sao cho người nghèo có thể được điều trị như mọi thành phần khác trong xã hội, và từng bước nâng cao công bằng xã hội. Bài toán y tế ở nước ta chính là xây dựng hệ thống y tế dự phòng, chứ không phải nên tập trung ngân sách vào những thiết bị đắt tiền mà đại đa số người dân không hưởng lợi ích gì từ những đầu tư như thế.

Thành công một ca giải phẫu có thể cứu sống một mạng người, nhưng thành công trong một chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống nhiều triệu người, và kéo dài tuổi thọ cũng như nâng cao chất lượng sống cho cả một dân tộc. Nhưng trớ trêu thay, trong khi người bác sĩ thành công một ca giải phẫu chắc chắn sẽ được báo chí nhắc đến như là một anh hùng, những người vạch định và thực hiện thành công một chiến lược y tế dự phòng là những người “trầm lặng” chẳng ai để ý đến! Đã đến lúc xã hội phải ghi nhận đúng đắn những đóng góp âm thầm của các nhà y tế dự phòng.

 

 


 

 

Chuyên đề 3: Thức ăn nhân tạo hại nhiều hơn lợi

 

Chỉ nên cho bú bình trong trường hợp bất khả kháng.

Với sự phổbiến các thực phẩm đóng hộp, nhiều em bé được nuôi chủ yếu bằng thức ăn nhân tạo: sữa bò, bột ăn liền, vitamin... Không ít người tin rằng với những sản phẩm hiện đại và đắt tiền như vậy, con mình đã có chế độ dinh dưỡng tốt nhất. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó.

Khi còn là bào thai, trẻ hoàn toàn được nuôi dưỡng thụ động thông qua hệ thống máu trao đổi qua rau thai mẹ. Trong thời gian đó, trẻ hoàn thiện dần các chức năng. Khi ra đời, trẻ mới bắt đầu tiêu hoá tự lập nhưng chức năng này chưa được hoàn chỉnh. Vì vậy, trong vòng 6 tháng đầu đời, thức ăn duy nhất thích hợp với bộmáy tiêu hoá của trẻ là sữa mẹ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng rẻ tiền và vệ sinh nhất, cũng là một “vũ khí” ngăn ngừa bệnh tật tuyệt vời.

Những năm giữa thế kỷ 20, ở các nước công nghiệp phát triển có phong trào “nhà nhà, người người cho con bú bình”. Tỷ lệ bú mẹ của trẻ em các nước này giảm sút nghiêm trọng. Vài thập niên trôi qua, khi thế hệ bú bình thứ nhất, thứ hai trưởng thành, giới khoa học lên tiếng cảnh báo rằng bú bình gây phiền toái hơn là có ích. Và từ những năm 90, phụ huynh Tây Âu lại quay về với truyền thống cho con bú mẹ. Tại Thuỵ Điển, 98% bà mẹ cho con bú hoàn toàn ngay từ khi sinh.

Trong khi đó thì phụ huynh ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam , lại đua nhau "theo Tây”, nghĩa là từ bỏ việc cho con bú mẹ để ăn sữa hộp. Nhiều người quan niệm là cho bú sữa Tây để con mình lớn như Tây, con Tây ăn sữa hộp nên nó mới lớn.

Nên nhớ rằng sữa người là để nuôi người, còn sữa bò là để nuôi bò. Con người cần dinh dưỡng để phát triển trí tuệ, bò cần dinh dưỡng để cho thịt; cho nên sữa bò phải chứa nhiều đạm hơn sữa người. Chỉ có trường hợp đất đắc dĩ mới nên dùng sữa động vật để nuôi trẻ em. Nhiều nước đã và đang áp dụng một chính sách khá nghiêm ngặt về sữa hộp trẻ em, như nghiêm cấm bán sữa lon đại trà, chai sữa và núm ti chỉ được bán theo đơn của bác sĩ.

Với trẻ ăn sam, cần chọn những thực phẩm thích hợp. Trên nguyên tắc, những gì người lớn ăn được thì trẻ em cũng có thể ăn. Nhưng vì chức năng hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện nên trẻ phải tập ăn từ những món dễ tiêu, mềm. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng (trứng, tôm, cua, lạc) hoặc dễ gây sặc và ngạt (do nhỏ và cứng) thì không cho trẻ nhỏ ăn. Trẻ em cần nguồn năng lượng tức thời để sử dụng ngay (như tinh bột, gạo), để dự trữ (mỡ), để xây dựng cơ thể (đạm, mỡ) và để hỗ trợ (vitamin và khoáng chất). Các thứ này phải được cung cấp theo một tỷ lệ thích hợp nhằm tạo sự cân đối về năng lượng thu nhập.

Có một nghịch lý là sức chứa của dạ dày trẻ em thấp nhưng nhu cầu năng lượng (sốcalo/số kg) lại cao gấp đôi người lớn. Nhu cầu về các dưỡng chất cũng khác nhau. Trong khi đó, không một thứ thức ăn nào có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng; do đó, phải đa dạng hoá thức ăn. Có những thứ bổ dưỡng thì trẻ chưa tiêu hoá được; có thứ trẻ tiêu hoá được lại thiếu chất bổ dưỡng. Nhiều thức ăn có đậm độ dưỡng tố thấp, phải ăn một số lượng lớn mới đủ nhu cầu mà điều đó lại khó đối với một số trẻ. Nhưng một số trẻ khác có thể thu nạp được hết một lượng thức ăn lớn, đủ lượng dưỡng tố nhưng lại thừa năng lượng. Tình trạng khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu năng lượng, dưỡng tố là vấn đề hết sức nan giải.

Tuy nhiên, cũng không cầncân đo đong đếm chi li như người thợbạc. Theo nguyên lý sinh tồn, trẻ sẽ ăn theo nhu cầu của cơ thể. Phụ huynh chỉ việc cung cấp đủ, đa dạng hoá thức ăn thì trẻ sẽ đủ dinh dưỡng. Còn ăn như thế nào,ăn bao nhiêu thì tự cơ thể trẻ sẽ quyết định lấy.

Chính vì sự nhiêu khê của việc lựa chọn thức ăn cho trẻ sẽ khiến các bà mẹ mệt mỏi, nhất là khi họ sống trong thời đại luôn thiếu thời gian. Điều này khiến họ sửdụng các sản phẩm đóng hộp cho trẻ. Những thực phẩm này rất tiện lợi, nhưng không rẻ, và về chất lượng thì còn nhiều cái phải bàn. Thứ nhất, thức ăn được chế biến qua công nghiệp hoá không thể là thức ăn tươi; và đã không tươi thì không thể ngon.

Thứhai, thức ăn đóng hộp phần lớn có hoá chất bảo quản (nếu tiệt trùng bằng tia cực tím sẽ làm biến chất thức ăn). Cơ thể trẻ phải tải một lượng hoá chất chắc chắn không có lợi; còn hại như thế nào, đến lúc chứng minh được thì đã muộn. Đểbắt mắt và để nhại thức ăn tươi, đồ hộp thường được nhuộm màu, khiến gan của trẻ phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ chúng. Đó là chưa kể những phẩm màu độc hại.

Thứba, thức ăn chế biến đã bị thất thoát nhiều chất dinh dưỡng và được bù lại bằng các chất nhân tạo. Ít ai nghĩ rằng cơ thể không phải là một nơi để dung nạp công thức toán học. Nó không đơn giản là thiếu một thì bù một, cẩn thận thì bù hai ba. Cơ thể con người chỉ mới được thiên nhiên “thiết kế” để dung nạp thứcăn từ thiên nhiên. Những thức ăn nhân tạo có được cơ thể con người tiếp nhận giống như thức ăn thiên nhiên không, giống đến bao nhiêu, quá trình chuyển hoá và tiếp nhận có khác không..., những điều này chưa được chứng minh. Mà đã chưa biết thì tốt nhất là đừng mạo hiểm.

Thứtư, thức ăn sẵn thường được chế biến ở dạng rất mềm, rất dễ ăn, không cần nhai, chỉ cần nuốt! Trẻ không phải nhai nên cơ nhai, cơ hàm, hàm và răng kém phát triển. Thức đi qua miệng quá nhanh nên thiếu cơ hội để được nước bọt nhào trộn và tiêu hoá một phần, giảm gánh nặng cho dạ dày. Dạng chế biến sẵn cũng khôngđảm bảo được lượng chất xơ cần thiết như thức ăn tươi sống, gây táo bón. Một ví dụ: Trẻ con nhai trái cây tươi vừa có lợi cho răng, cho hàm, cơ hàm, vừa có lợi cho hệ tiêu hoá. Còn nếu uống nước quả thì tuy cũng đủ dưỡng tố và năng lượng nhưng tại tăng nguy cơ sâu răng và hỏng răng. Tại sao? Vì khi nhai trái cây tươi, thức ăn phải nằm lại lâu trong miệng, có đủ thời gian để nước bọt tiết ra, nhào trộn, trung hoà và tiêu huỷ bớt chất acid (một trong những thủ phạm chính bào mòn men răng, tạo điều kiện cho sâu răng). Chất xơ trong trái cây chải sạch những acid bám lại, làm sạch răng tại chỗ. Trong khi đó, nếu uống nước trái cây, tốc độ nước đi qua miệng tính bằng giây, acid từ nước quả sẽ đọng lại, bào mòn men và gây hỏng răng, nếu quá trình uống nước quả tái diễn.

Thứnăm, thức ăn sẵn thường khiến trẻ chán ăn hoặc ăn quá nhiều, dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc béo phì.

Chuyên đề 4:ĐỂ TRẺ EM CÓ GIẤC NGỦ NGON


Đểtrẻ em có giấc ngủ ngon (23)

Trẻ từ 12đến 36 tháng tuổi

Thời gian này, trẻ đã biết đi, biết nói, đã phát triển cá tính. Vì vậy, phải đối xửvới bé vừa như với trẻ con, vừa như với người lớn. Không nên nói nhiều, nói dài và dọa nạt cháu trước khi ngủ.

Đặcđiểm của trẻ 12-36 tháng tuổi:

-Biết đi: Mở đầu giai đoạn tích cực tìm hiểu ngoại giới.

-Biết nói: Bên cạnh thế giới vật chất bên ngoài, trẻ có thêm một thế giới biểu tượng bên trong.

-Tách khỏi mẹ: Thời kỳ hoà mình với mẹ đã hết, trẻ bắt đầu tách khỏi mẹ. Đây là thời kỳ duy kỷ, muốn mọi việc vì mình.

-Quan hệ với bố mẹ căng thẳng: Đây là dấu hiệu xuất hiện cá tính, độc lập. Từnhững đặc điểm này, giấc ngủ của trẻ cũng thay đổi.

Từ12-23 tháng tuổi

Từtháng thứ 5 đến tháng thứ 21, giấc ngủ của trẻ rút ngắn từ hai giấc ngủ ngày còn một. Sự quá độ này không phải luôn dễ dàng, vì nếu trẻ chỉ ngủ một giấc thì không đủ, mà hai giấc thì không thể. Cha mẹ phải có cách chuyển hợp lý để trẻcảm thấy dễ chịu.

Đối với nhiều bé, giấc ngủ ngày được rút xuống một cách tự nhiên, không gây mệt mỏi (rút giấc ngủ sáng hoặc chiều, cũng có thể rút xen kẽ). Tuy nhiên, nhiều trẻcảm thấy mệt mỏi nếu không có giấc ngủ ngày thứ hai. Nếu không thể thực hiệnđược 2 giấc ngủ ngày, trong khi một giấc ngủ lại không đủ, bố mẹ nên thực hiện 2 biện pháp sau:

-Cho bé đi ngủ sớm. Trong trường hợp này, những người đi làm về muộn sẽ buồn vì không được vui với con. Có thể khắc phục bằng cách dậy sớm để bố mẹ, con cái cùng chơi đùa trước khi bố mẹ đi làm.

-Tập cho bé ngủ thành nếp, một số ngày 2 giấc, một số ngày một giấc, tuỳ thuộc vào thời điểm bé thức dậy, thời lượng ngủ, hoạt động của bố mẹ, và thời gian mà bạn muốn cho con ngủ về đêm. Nên theo dõi, sắp xếp hợp lý giấc ngủ ngày và giấc ngủ đêm theo yêu cầu ngủ của cháu.

Nhưvậy, nếu kết hợp lịch công việc của bố mẹ với yêu cầu ngủ của con, ta sẽ định ra được một kiểu ngủ ngắn nào đấy. Việc cho trẻ ngủ bao nhiêu lâu là do bạnđịnh đoạt, miễn là bé thấy thoải mái, dễ chịu.

Từ23-36 tháng tuổi

Các bé lứa tuổi này thường hay sợ, sợ ảo mộng, sợ phân ly, sợ bóng tối, sợ ma quỷ,sợ chết, sợ xa lìa. Sấm sét, chó sủa, chớp giật... cũng làm bé hoảng sợ. Những nỗi sợ này rất dễ gây rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu con bạn ngủ ngon, ngủsay, ảnh hưởng của những hiện tượng trên sẽ không đáng kể. Trước khi cho bé ngủ, bạn nên vén màn lên, mở cửa, để đèn, làm đủ thủ tục ngủ để giúp bé hết sợ.Nếu trẻ ngủ tốt, mọi việc đều sẽ qua.

- Thủtục và lịch biểu: Ởnước ngoài, trước khi ngủ, trẻ em cần làm các thủ tục như đánh răng, rửa tay, chào và hôn cha mẹ. Sau đó, bố mẹ đưa con về phòng, khép cửa, tắt đèn, đắp chăn cho con. Rồi bố mẹ đi ra, con ngủ.

Vào khoảng 2 tuổi, phần lớn trẻ đi ngủ lúc 7-9 giờ tối, thức dậy lúc 6.30-8 giờsáng. Đa số (70%) chỉ ngủ trưa một giấc ngắn trong khoảng 1-3 giờ. Hãy cố thu xếp giờ giấc để con ngủ ngày và ngủ đêm đẫy giấc, đồng thời cho trẻ làm các thủtục ngủ đêm cho đầy đủ. Thủ tục này không nên cứng nhắc vì mỗi ngày, mỗi giađình một khác. Cần sắp xếp các thủ tục đều đặn và hợp lý.

Cần nhớ là lối sống có thể tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho kiểu ngủ của con. Nhưng lối sống hay kiểu ngủ đều thay đổi tự nhiên như thời tiết hay thuỷ triều, nghĩa là theo sự lớn lên của trẻ và hoàn cảnh gia đình.

- Giường ngủ: Bé thì ngủ nôi, lớn thì ngủ giường. Nhưng bao giờ nên chuyển con sang giường lớn hơn? Không có quy định nào cả. Khi nào bạn cảm thấy nôi quá chật thì chuyển con sang giường mới.

Đểduy trì giấc ngủ ngon, không nên di chuyển và thay đổi giường ngủ của trẻ. Nếu bạn sinh thêm con, hãy khéo léo chuyển cháu sang giường khác mà không làm cháu phật ý.

Cũng không nên chuyển trẻ sang buồng mới có tiếng động quá ồn ào. Không nên bật đèn, lấy nước khi trẻ đang ngủ khiến cho các thói quen khi ngủ của trẻ bị đảo lộn, khó đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ lại khi thức giấc.

Bạn cũng đừng cho trẻ ăn kẹo thay cơm hoặc gần bữa cơm. Đừng lẫn lộn nhu cầu và đòi hỏi của trẻ, lẫn lộn kêu khóc do bệnh với kêu khóc chống đối.

 

 

Chuyên đề 5: HẠN DÙNG THUỐC - ÐÔI ÐIỀU CẦN LƯU Ý

 

Tác giả :DS. LÃ XUÂN HOÀN

Cũng như tất cả các hàng hóa khác, vấn đề chất lượng thuốc rất cần được quan tâm, đề cao kể từ khâu nghiên cứu, sản xuất đến bảo quản và phân phối. Từng viên thuốc, từng ống thuốc tuy rất nhỏ nhưng lại có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Chất lượng thuốc chỉ có loại A, không có loại B, loại C. Thuốc phải đủ tiêu chuẩn, đảm bảođiều trị bệnh nhân mau khỏi để trở về cuộc sống bình thường. Ngược lại nếu dùng thuốc kém chất lượng, không những lâu khỏi bệnh mà đôi khi còn gây tai biến, thậm chí dẫn đến tử vong. Ngành y tế nước ta từ lâu đã có những quy chế chặt chẽ về sản xuất, bảo quản, phân phối, hướng dẫn sử dụng thuốc; Ðòi hỏi mọi khâu, mọi người phải nghiêm túc chấp hành để bảo đảm việc chữa bệnh đạt hiệu quả và an toàn cao nhất. Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo, đài, truyền hình) cũng thường xuyên giới thiệu, nhắc nhở nên đa số người dân khi mua thuốc, dùng thuốc rất quan tâm, lưu ý đến chất lượng thuốc. Trước khi mua đều xem thuốc có bị bóc xé chưa, nơi nào sản xuất, còn hạn dùng (HD) hay không?, sau cùng mới cân nhắc về giá cả. Việc bảo quản thuốc có ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng thuốc. Nhiều thứ thuốc tuy hạn dùng còn dài nhưng phải bỏ đi vì lớp bọc đường bị nứt, chảy nước, thuốc bạc màu, đổi màu... (do khí hậu nóng ẩm của nước ta hoặc do khâu vận chuyển không đúng quy định). Vì vậy phải luôn luôn chú ý đến các yếu tố về môi trường như chống nóng, ẩm, mốc, mối, mọt cho thuốc, nguyên liệu, dược liệu để không làm biến đổi chất lượng thuốc.

Ðiều kiện bảo quản bình thường là trong điều kiện khô, thoáng, nhiệt độ từ 15-250C, cao nhất không được quá 300C, tránh ánh sáng trực tiếp gay gắt, các mùi hôi thối từ bên ngoài tác động vào. Yêu cầu bảo quản thuốc ở kho mát (nhiệt độ từ 8-150C), kho lạnh (nhiệt độ không quá 80C), tủ lạnh (nhiệt độ từ 2-80C), đông lạnh (nhiệt độkhông vượt quá - 100C). Bên cạnh nhiệt độ thấp, còn cần chú ý đến độ ẩm tươngđối không quá 70% (Quyết định số 2701/2001/QÐ-BYT ngày 29/6/2001 của Bộ Y tế).

Về hạn dùng

Là thời hạn mà quá mốc đó, thuốc sẽ không được phép lưu thông và sử dụng. Hạn dùng được ghi bằng số (2 con số) chỉ tháng, hoặc bằng chữ số chỉ năm gồm 2 con số cuối của năm. Ví dụ: 03-99 (Mục 6 điều 11 Thông tư 14).

Về ngày sản xuất: Số chỉ ngày gồm 2 con số, số chỉ tháng gồm 2 con số hoặc tên tháng bằng chữ, số chỉ năm gồm 2 con số cuối của năm. Ví dụ: 01/03/00.

Hạn dùng và ngày sản xuất ghi theo ngày, tháng, năm dương lịch. Tất cả các chữ viết, chữsố, dấu hiệu, ký hiệu phải ghi rõ ràng, dễ đọc và đúng với thực chất của thuốc, không được gây sự nhầm lẫn với thuốc và hàng hóa khác (Ðiều 3 Thông tư 14).

Trên đây là các quy chế của Bộ Y tế nhưng trong thực tế, có nhiều đơn vị chưa chấp hành đầy đủ.Tôi đã gặp những vỉ thuốc mà nơi ghi hàng chữ số hạn dùng bị xén mất phân nửa rất khó đọc, làm bệnh nhân thắc mắc không hiểu thuốc còn hạn hay không? Ðối với những trường hợp này, chúng tôi đề nghị xí nghiệp nên thu hồi, in lại chữ sốcho đầy đủ rồi mới xuất xưởng, nhằm tránh tình trạng bệnh nhân hiểu nhầm cho là thuốc kém phẩm chất. Sau đây là một số trường hợp cụ thể cần lưu ý:

1. Ký hiệu thuốc thường in 3 hàng trên vỏ hộp thuốc

- Lô sản xuất (1): 04365.

- Ngày sản xuất (2): 05-2003.

- Hạn dùng (3).

Nhà sản xuấtđã đóng chệch hàng thứ 3 lên hàng thứ 2 làm cho người dùng tưởng đã hết hạn (tính đến ngày mua 1/2003 tức là còn hạn 4 tháng).

2. Theo quyđịnh tại điều 11, Thông tư 14 của Bộ Y tế phải ghi rõ ngày, tháng, năm sản xuất, hạn dùng được ghi bằng số (hoặc chữ) chỉ tháng, năm hết hạn. Nhưng có xí nghiệp chỉ ghi ngày, tháng, năm sản xuất, dưới in hàng chữ hạn dùng 24 tháng. Người mua phải tự suy ra ngày hết hạn.

Thí dụ: Lô sản xuất 03022002-HD: 24 tháng, tức là đến 02/2004 mới hết hạn.

3. Có nơi trong đơn hướng dẫn ghi hạn dùng: 2 năm nhưng vỏ hộp lại ghi hạn dùng: 5 năm.

Lot N0 98P106.

Mfg date: 15/8/2000.

Exp date: 15/8/2005.

(Thuốc Testermon ống, hãng CCPC, Taiwan sản xuất).

4. Có loại như Theralen SKS: 131002. HD: 10/04.

Phần chỉ định ngoài hộp ghi:

"Theralen là thuốc kháng histamin họ phenothiazinđược chỉ định trong:

- Một số biểu hiện dị ứng cấp.

- Một số trạng thái kích động.

- Mất ngủ".

Trong khi đó tờ hướng dẫn sử dụng thuốc lại ghi: "Theralen là thuốc kháng histamin họ phenothiazin.

- Ðiều trịtriệu chứng các biểu hiện dị ứng như viêm mũi, viêm kết mạc, phù quincke, nổi mề đay.

- Ðiều trịtriệu chứng bổ trợ trong các bệnh ngứa ngoài da như chàm, sẩn ngứa.

- Ðiều trịtriệu chứng các chứng ho khan khó chịu, nhất là do dị ứng và do kíchđộng".

Tuy là những việc rất nhỏ nhưng dễ tạo cho người bệnh tâm lý nghi ngại thuốc giả, thuốc kém phẩm chất. Ðể khắc phục những vấn đề trên, thiết nghĩ các nhà sản xuất nên kiểm tra cẩn thận sản phẩm trước khi xuất xưởng để tạo sự tin tưởng cho người dùng.

Chúc các bạn luôn vui-khỏe...NDD

( Truong Kim Anh chuyển )

T.Post

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm