Phiếm Đàm, Đàm Chuyện...
THƠ XUÂN và NGƯỜI LÍNH CŨ _ Việt Nhân
(HNPĐ) Trong cái hiu hắt tuổi già xa quê, ngày tết lại càng làm cho nỗi buồn nhớ nhà khó khuây, ông đàn anh lính già của tôi, ông ngồi đây với tôi mà cái hồn của ông như đã lạc đâu về bên quê nhà. Chiều nay hai anh em ngày đầu năm, lại dắt nhau ra đây, ngồi quán cà phê mái hiên mà nhìn phố xá người đi, cũng lượt là bao tà áo khoe sắc, cũng màu đỏ phong bao, màu xanh bánh chưng nhưng lòng ông không thấy tết. Trước cửa tiệm bán hoa bên cạnh, những chậu hoa cúc vàng sót lại sau buổi chợ cuối năm như lung linh hơn trong nắng chiều, nhìn hoa sao ông vẫn dửng dưng, không như ngày nào giữa núi đồi heo hút cao nguyên, chỉ với cái nắng hanh vàng không thôi, mà ông nghe lòng mình ngập cả mùa xuân.
Hôm nay là xuân, mai còn xuân
Xuân đã sang đò nhớ cố nhân…
Nǎm mới tháng giêng mồng một tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân (NB)
Lại một cái tết xa nhà! Sao là tết xa nhà mà không gọi là xuân tha hương, ông nói thế, với ông rằng cứ ra khỏi lũy tre làng thì là đã xa nhà, còn quê hương là cái gì to tát quá ông không ôm hết, từ Hà Nội ông về Sơn Tây quê ông cũng chỉ nói hai tiếng về thăm nhà. Ông người Bất Bạt Sơn Tây, khi vừa mới lớn là đã biết say những câu thơ nói về quê ông, và cũng là lúc ông nhận ra rằng Ba Vì của ông mấy trắng lắm, và luôn thích ngắm những tầng mây như lời hát
Ba Vì mờ cao
Làn sương chiều xa buông
Gió về hương ngát thơm
Đưa hồn về đâu… (QD)
Từ Ba Vì về lại đơn vị ở Nam Định, chiều buông không còn được nhìn thấy bóng Ba Vì, và khi đó với ông là mình đã đi xa nhà - Đã xa nhà thì Hà Nội hay Sài gòn cũng gọi là xa, đâu cứ phải lưu lạc cả nửa vòng trái đất mới gọi là xa. Ông mắng tôi -Chú mày quen thói thích dùng chữ thì tùy, thử nghĩ xem nghe nói tết xa nhà chú mày thấy buồn hơn, hay là nói xuân tha hương mới thấm, đôi lúc chữ nghĩa văn chương quá cũng làm cho người nghe kém đi cái cảm.
Không biết những lời ông nói có vừa tai người khác nghe không, riêng mỗ tôi từ khi biết ông, tuy không bị lây bởi lời nói, cũng như văn chữ ông dùng, nhưng tôi luôn thích những câu của ông. Tiếng Việt của mình tự nó vốn đã là nhạc là thơ, nên xin cứ để yên cho nó như nó vốn từng, đừng uốn nắn trau chuốt quá làm nó mất đi cái hay sẵn có - Tôi đùa cùng ông, như vậy cái ông muốn về chữ nghĩa của ông, không khác gì cái muốn của Nguyễn Bính đã nói trong ‘chân quê’
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa…
Cứ ǎn mặc thế cho vừa lòng anh! (NB)
Tết xa nhà thì đời ông trải nhiều hơn tôi, rời đất bắc năm 54 cứ mỗi lúc xuân về lại đếm thêm một, tuy sau 75 ông trên bước đường tù ông có trở lại đất bắc, nhưng đất Hoàng Liên Sơn với mây mù giăng giăng, mây trời đó sao được bằng cái xứ Đoài mây trắng của ông. Như đã có lần tôi đã thưa chuyện về ông, ông đã là nhà binh khi mỗ tôi còn bắn bi trước cổng trường, như thể ông đợi tôi lớn lên khoác áo lính, nhập cuộc theo ông để rồi cùng ông đi tù, có phải chăng tương lân vì đồng cảnh.
Nơi xứ người này chúng tôi vô tình quen nhau, rồi thành đôi bạn chênh lệch gần hai mươi tuổi, một thời làm lính đã đưa tôi tìm đến ông, đúng hơn cả hai chúng tôi đàn anh đàn em, tìm đến nhau để có người tâm sự. Theo vận nước đến hồi đen tối nghiệt ngã, ông ra tù tất cả những gì ông có, như sau cơn lũ mọi thứ nước cuốn đi, để rồi trong cơn đau ông lìa quê hương như đi trốn, không cả tìm về nhà một lần để thấy mây trắng Ba Vì, tuy trong ông vẫn
Có nhớ về đất Bắc
Những người xa quê hương
Người đi từ xuân trước
Để mùa xuân nhớ thương (QD)
Ông tìm đến thơ Quang Dũng, là để mượn đường tìm về quê Mẹ trong ký ức tuổi thơ – Sơn Tây trong ông không chỉ là thôn Đoài mà nhà thơ đã nói, ‘tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm’, mà với ông là cả một trời riêng, cái không gian xưa của mỗi riêng ông
Ôi quê cũ xa rồi
Những ngày xưa thơ ấu
Sân đất rắc đường vôi
Ngõ làng thơm khói pháo (QD)
Những đứa trẻ làng như ông thời đó, quanh năm quần thâm áo nâu, và ngày tết với ông luôn là
Quần trúc bâu chưa giặt
Sột soạt khắp đường làng
Những nếp áo còn mới
Màu khăn nhiễu tam giang (QD)
Nên khi nói đến quê hương, trong ông nó thật nhỏ bé, đơn sơ và gần gũi, nó là những hình ảnh bình dị quanh ông trong lũy tre làng, hàng cau, dây trầu, giậu mồng tơi, hoa bưởi, hoa mơ hoa mận mà ta thấy rất quen trong thơ Nguyễn Bính. Đời lính rày đây mai đó, những xóm làng ông qua trong thời chiến luôn xác xơ vì bom đạn, đâu cho ông tìm những cái thân quen, càng làm ông quay quắt nhớ về ngày tháng xưa thanh bình, chỉ mong được một lần thấy lại
Những mẹ già niệm Phật
Nam vô trong bóng làng
Tiếng súc sắc quay đất
Con trẻ cười vang vang (QD)
Một con người luôn sống trong hoài niệm như vây, lại phải ly hương thì còn nỗi buồn nào hơn, ta thấy nơi ông bóng dáng như một Nguyễn Bính yêu cái đồng nội, gắn bó hồn mình cùng mái rạ và con đường làng quanh quanh. Nhưng cái phận phải mang kiếp tha phương, Nguyễn Bính ngày nào phiêu bạt tận cùng phương nam, riêng ông trôi dạt lại càng xa hơn nữa, cách nhà cả một đại dương, nên ông có cái lý của ông khi nói rằng đi ra khỏi lũy tre làng là đã đi xa. Cái xa bởi tâm tư thương nhớ quê nhà – Ông ngồi đây nơi xứ lạ, nhìn những người đồng hương đang đón xuân, mà thấm từng câu trong ‘thơ xuân’ của Nguyễn Bính, để rồi buồn riêng cho phận mình
Đây cả mùa xuân đã đến rồi
Từng nhà mở cửa đón vui tươi
Từng cô em bé so màu áo
Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười (NB)
Mỗi người một cách để tìm về dĩ vãng, còn ông vốn yêu thơ, sau ngày ra tù chuyện đời không vừa ý, ông càng tìm khuây cùng câu thơ - Quang Dũng và Nguyễn Bính hai nhà thơ ông yêu, và nói là gần thì ông thấy mình gần với Nguyễn Bính hơn. Như đứa trẻ mãi chơi xa chợt nhớ chạy về xà vào lòng mẹ, đời ông lưu lạc ông tìm khuây cùng Quang Dũng, tìm cái ấm áp từ cái chung miền đất Sơn Tây luôn đầy ắp trong trí ông, nhưng Nguyễn Bính mới là cái hồn quê, ông mê cái chân chất nhưng thấm đậm chất thơ, ông thấy nó gần gũi và làm người nghe cảm hơn. Nguyễn Bính chỉ với vài câu, là ta thấy được cái xuân trong mọi nhà, nó là những gì có sẵn trong tâm trí mọi người
Có những ông già tóc bạc phơ
Rượu đào đôi chén bút đề thơ
Những bà tóc bạc hiền như phật
Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa (NB)
Lúc 54 theo đơn vị vào nam, bỡ ngỡ cái tết đầu với vùng đất mới hảy còn xa lạ, nhìn những chiếc xe thổ mộ chở đầy hoa trái, tiếng móng ngựa gõ dòn trên những con đường lát đá đất Gia Định, nó thể hiện cái sung túc của phương nam. Đúng như người ta nói, tuy cùng một dãi giang sơn đất nước, nhưng hai miền lại hai hình ảnh khác biệt, cái nhộn nhịp có làm vui chân đường xa của nhà thơ Nguyễn Bính khi xưa không thì không biết, nhưng riêng ông thì cứ hoài vọng mãi cảnh tết của làng thôn mình - Ngày tết, con đường làng quê ông cũng vẫn vậy, ông nhớ thế, và nét xuân nó có được chỉ là
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khǎn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô (NB)
Với ông đó là đẹp! Còn gì đẹp bằng trên đường dăm cô yếm thắm, chít khăn thâm mỏ quạ cùng nhau lên chùa – Tôi hiểu ông muốn nói gì, ngay lần đầu khi đến nhà thăm lúc mới quen, ngay giữa phòng ông trên đất Mỹ này, ông tìm đâu ra được một bức tranh lũy tre, cùng con đường làng quanh quanh vắng lặng trưa hè. Với ông đó là quê hương!
Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng (NB)
Cái vui của ngày tết lại thêm cái rỗi nông nhàn thì còn gì thú hơn, cái tươi trong lòng làm ngay cả lúa cũng đượm sắc xuân, tất cả phải chăng là tự lòng mình mà nên
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh (NB)
Trai lớn mới biết yêu lần đầu, cũng hẹn hò cũng tình tự gái trai, ông cũng một thời mới lớn như thế, ông không có được người yêu là cô hàng xóm, mà nhà nhau chỉ cách cái giậu mồng tơi, chuyện của ông, khi thăm người yêu ông phải đi hết một con ngõ đến đầu làng. Nhưng đó là cái vui của ông mỗi lúc đi xa về, ấy là luôn vui cùng nàng trước
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh (NB)
Ông sợ mình không hiểu hết ý nhà thơ với cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh, có phải là mượn cảnh hoa trên cành chờ tay hái, nhưng với ông đẹp nhất vẫn là, ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng. Với ông đấy là cái tự tình không thể thiếu của gái trai bên nhau, chuyện bướm hoa những cái cho nhau đó, có là sợi chỉ hồng ràng buộc như cả hai mơ ước? Nhưng chuyện những hẹn hò những yêu đương đầu đời, thường mấy khi trọn vẹn mà không là dang dở, để mãi cuối đời vẫn không quên được hình bóng nhau, cái đẹp của cách xa là không bao giờ bị thời gian làm héo úa. Hình ảnh ngườt thiếu nữ ông yêu mãi mãi vẫn là cô gái đôi tám đang xuân
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong (NB)
Xuân là của đất trời! Xuân về khắp muôn nơi cùng mọi người, đó là người ta nói thế, chứ với ông xuân chỉ còn là trong ký ức, ông đã không còn xuân từ rất lâu, chiến tranh, tù đày rồi lai mang phận tha hương, với từng ấy thứ trong ông làm gì còn có chỗ cho mùa xuân. Trong cái đơn lẻ của mình khi đất trời cũng đang xuân, tuy là trên xứ lạ ông cũng muốn lòng mình như nhà thơ đã nói
Pháo nổ đâu đây khói ngợp trời
Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi
Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một áng thơ đề nét chẳng phai.(NB)
Xuân lại về trong cảnh xa nhà! Ngồi đây nơi xứ lạ có người lính cũ xa quê hương, giữa phố thị nhìn người đi, mà nhờ thơ tìm về hơi hướm xưa, cho mình được chút ấm lòng trong phận buồn cô lữ ngày xuân
Trọn đời làm một thân cô lữ
Ở mọi đường xa, ở mọi miền…
Ai đi chắp lại cánh hoa rơi?
Bắt bóng chim xa tận cuối trời
Biết tìm đâu thấy hương xưa? Để cho ai đó chia giùm nỗi xót xa, khi “hoa đào từng cánh rơi như tướị, xuống mặt sân rêu những giọt buồn” (NB)
Việt Nhân (HNPĐ)
THƠ XUÂN và NGƯỜI LÍNH CŨ _ Việt Nhân
(HNPĐ) Trong cái hiu hắt tuổi già xa quê, ngày tết lại càng làm cho nỗi buồn nhớ nhà khó khuây, ông đàn anh lính già của tôi, ông ngồi đây với tôi mà cái hồn của ông như đã lạc đâu về bên quê nhà. Chiều nay hai anh em ngày đầu năm, lại dắt nhau ra đây, ngồi quán cà phê mái hiên mà nhìn phố xá người đi, cũng lượt là bao tà áo khoe sắc, cũng màu đỏ phong bao, màu xanh bánh chưng nhưng lòng ông không thấy tết. Trước cửa tiệm bán hoa bên cạnh, những chậu hoa cúc vàng sót lại sau buổi chợ cuối năm như lung linh hơn trong nắng chiều, nhìn hoa sao ông vẫn dửng dưng, không như ngày nào giữa núi đồi heo hút cao nguyên, chỉ với cái nắng hanh vàng không thôi, mà ông nghe lòng mình ngập cả mùa xuân.
Hôm nay là xuân, mai còn xuân
Xuân đã sang đò nhớ cố nhân…
Nǎm mới tháng giêng mồng một tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân (NB)
Lại một cái tết xa nhà! Sao là tết xa nhà mà không gọi là xuân tha hương, ông nói thế, với ông rằng cứ ra khỏi lũy tre làng thì là đã xa nhà, còn quê hương là cái gì to tát quá ông không ôm hết, từ Hà Nội ông về Sơn Tây quê ông cũng chỉ nói hai tiếng về thăm nhà. Ông người Bất Bạt Sơn Tây, khi vừa mới lớn là đã biết say những câu thơ nói về quê ông, và cũng là lúc ông nhận ra rằng Ba Vì của ông mấy trắng lắm, và luôn thích ngắm những tầng mây như lời hát
Ba Vì mờ cao
Làn sương chiều xa buông
Gió về hương ngát thơm
Đưa hồn về đâu… (QD)
Từ Ba Vì về lại đơn vị ở Nam Định, chiều buông không còn được nhìn thấy bóng Ba Vì, và khi đó với ông là mình đã đi xa nhà - Đã xa nhà thì Hà Nội hay Sài gòn cũng gọi là xa, đâu cứ phải lưu lạc cả nửa vòng trái đất mới gọi là xa. Ông mắng tôi -Chú mày quen thói thích dùng chữ thì tùy, thử nghĩ xem nghe nói tết xa nhà chú mày thấy buồn hơn, hay là nói xuân tha hương mới thấm, đôi lúc chữ nghĩa văn chương quá cũng làm cho người nghe kém đi cái cảm.
Không biết những lời ông nói có vừa tai người khác nghe không, riêng mỗ tôi từ khi biết ông, tuy không bị lây bởi lời nói, cũng như văn chữ ông dùng, nhưng tôi luôn thích những câu của ông. Tiếng Việt của mình tự nó vốn đã là nhạc là thơ, nên xin cứ để yên cho nó như nó vốn từng, đừng uốn nắn trau chuốt quá làm nó mất đi cái hay sẵn có - Tôi đùa cùng ông, như vậy cái ông muốn về chữ nghĩa của ông, không khác gì cái muốn của Nguyễn Bính đã nói trong ‘chân quê’
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa…
Cứ ǎn mặc thế cho vừa lòng anh! (NB)
Tết xa nhà thì đời ông trải nhiều hơn tôi, rời đất bắc năm 54 cứ mỗi lúc xuân về lại đếm thêm một, tuy sau 75 ông trên bước đường tù ông có trở lại đất bắc, nhưng đất Hoàng Liên Sơn với mây mù giăng giăng, mây trời đó sao được bằng cái xứ Đoài mây trắng của ông. Như đã có lần tôi đã thưa chuyện về ông, ông đã là nhà binh khi mỗ tôi còn bắn bi trước cổng trường, như thể ông đợi tôi lớn lên khoác áo lính, nhập cuộc theo ông để rồi cùng ông đi tù, có phải chăng tương lân vì đồng cảnh.
Nơi xứ người này chúng tôi vô tình quen nhau, rồi thành đôi bạn chênh lệch gần hai mươi tuổi, một thời làm lính đã đưa tôi tìm đến ông, đúng hơn cả hai chúng tôi đàn anh đàn em, tìm đến nhau để có người tâm sự. Theo vận nước đến hồi đen tối nghiệt ngã, ông ra tù tất cả những gì ông có, như sau cơn lũ mọi thứ nước cuốn đi, để rồi trong cơn đau ông lìa quê hương như đi trốn, không cả tìm về nhà một lần để thấy mây trắng Ba Vì, tuy trong ông vẫn
Có nhớ về đất Bắc
Những người xa quê hương
Người đi từ xuân trước
Để mùa xuân nhớ thương (QD)
Ông tìm đến thơ Quang Dũng, là để mượn đường tìm về quê Mẹ trong ký ức tuổi thơ – Sơn Tây trong ông không chỉ là thôn Đoài mà nhà thơ đã nói, ‘tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm’, mà với ông là cả một trời riêng, cái không gian xưa của mỗi riêng ông
Ôi quê cũ xa rồi
Những ngày xưa thơ ấu
Sân đất rắc đường vôi
Ngõ làng thơm khói pháo (QD)
Những đứa trẻ làng như ông thời đó, quanh năm quần thâm áo nâu, và ngày tết với ông luôn là
Quần trúc bâu chưa giặt
Sột soạt khắp đường làng
Những nếp áo còn mới
Màu khăn nhiễu tam giang (QD)
Nên khi nói đến quê hương, trong ông nó thật nhỏ bé, đơn sơ và gần gũi, nó là những hình ảnh bình dị quanh ông trong lũy tre làng, hàng cau, dây trầu, giậu mồng tơi, hoa bưởi, hoa mơ hoa mận mà ta thấy rất quen trong thơ Nguyễn Bính. Đời lính rày đây mai đó, những xóm làng ông qua trong thời chiến luôn xác xơ vì bom đạn, đâu cho ông tìm những cái thân quen, càng làm ông quay quắt nhớ về ngày tháng xưa thanh bình, chỉ mong được một lần thấy lại
Những mẹ già niệm Phật
Nam vô trong bóng làng
Tiếng súc sắc quay đất
Con trẻ cười vang vang (QD)
Một con người luôn sống trong hoài niệm như vây, lại phải ly hương thì còn nỗi buồn nào hơn, ta thấy nơi ông bóng dáng như một Nguyễn Bính yêu cái đồng nội, gắn bó hồn mình cùng mái rạ và con đường làng quanh quanh. Nhưng cái phận phải mang kiếp tha phương, Nguyễn Bính ngày nào phiêu bạt tận cùng phương nam, riêng ông trôi dạt lại càng xa hơn nữa, cách nhà cả một đại dương, nên ông có cái lý của ông khi nói rằng đi ra khỏi lũy tre làng là đã đi xa. Cái xa bởi tâm tư thương nhớ quê nhà – Ông ngồi đây nơi xứ lạ, nhìn những người đồng hương đang đón xuân, mà thấm từng câu trong ‘thơ xuân’ của Nguyễn Bính, để rồi buồn riêng cho phận mình
Đây cả mùa xuân đã đến rồi
Từng nhà mở cửa đón vui tươi
Từng cô em bé so màu áo
Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười (NB)
Mỗi người một cách để tìm về dĩ vãng, còn ông vốn yêu thơ, sau ngày ra tù chuyện đời không vừa ý, ông càng tìm khuây cùng câu thơ - Quang Dũng và Nguyễn Bính hai nhà thơ ông yêu, và nói là gần thì ông thấy mình gần với Nguyễn Bính hơn. Như đứa trẻ mãi chơi xa chợt nhớ chạy về xà vào lòng mẹ, đời ông lưu lạc ông tìm khuây cùng Quang Dũng, tìm cái ấm áp từ cái chung miền đất Sơn Tây luôn đầy ắp trong trí ông, nhưng Nguyễn Bính mới là cái hồn quê, ông mê cái chân chất nhưng thấm đậm chất thơ, ông thấy nó gần gũi và làm người nghe cảm hơn. Nguyễn Bính chỉ với vài câu, là ta thấy được cái xuân trong mọi nhà, nó là những gì có sẵn trong tâm trí mọi người
Có những ông già tóc bạc phơ
Rượu đào đôi chén bút đề thơ
Những bà tóc bạc hiền như phật
Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa (NB)
Lúc 54 theo đơn vị vào nam, bỡ ngỡ cái tết đầu với vùng đất mới hảy còn xa lạ, nhìn những chiếc xe thổ mộ chở đầy hoa trái, tiếng móng ngựa gõ dòn trên những con đường lát đá đất Gia Định, nó thể hiện cái sung túc của phương nam. Đúng như người ta nói, tuy cùng một dãi giang sơn đất nước, nhưng hai miền lại hai hình ảnh khác biệt, cái nhộn nhịp có làm vui chân đường xa của nhà thơ Nguyễn Bính khi xưa không thì không biết, nhưng riêng ông thì cứ hoài vọng mãi cảnh tết của làng thôn mình - Ngày tết, con đường làng quê ông cũng vẫn vậy, ông nhớ thế, và nét xuân nó có được chỉ là
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khǎn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô (NB)
Với ông đó là đẹp! Còn gì đẹp bằng trên đường dăm cô yếm thắm, chít khăn thâm mỏ quạ cùng nhau lên chùa – Tôi hiểu ông muốn nói gì, ngay lần đầu khi đến nhà thăm lúc mới quen, ngay giữa phòng ông trên đất Mỹ này, ông tìm đâu ra được một bức tranh lũy tre, cùng con đường làng quanh quanh vắng lặng trưa hè. Với ông đó là quê hương!
Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng (NB)
Cái vui của ngày tết lại thêm cái rỗi nông nhàn thì còn gì thú hơn, cái tươi trong lòng làm ngay cả lúa cũng đượm sắc xuân, tất cả phải chăng là tự lòng mình mà nên
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh (NB)
Trai lớn mới biết yêu lần đầu, cũng hẹn hò cũng tình tự gái trai, ông cũng một thời mới lớn như thế, ông không có được người yêu là cô hàng xóm, mà nhà nhau chỉ cách cái giậu mồng tơi, chuyện của ông, khi thăm người yêu ông phải đi hết một con ngõ đến đầu làng. Nhưng đó là cái vui của ông mỗi lúc đi xa về, ấy là luôn vui cùng nàng trước
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh (NB)
Ông sợ mình không hiểu hết ý nhà thơ với cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh, có phải là mượn cảnh hoa trên cành chờ tay hái, nhưng với ông đẹp nhất vẫn là, ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng. Với ông đấy là cái tự tình không thể thiếu của gái trai bên nhau, chuyện bướm hoa những cái cho nhau đó, có là sợi chỉ hồng ràng buộc như cả hai mơ ước? Nhưng chuyện những hẹn hò những yêu đương đầu đời, thường mấy khi trọn vẹn mà không là dang dở, để mãi cuối đời vẫn không quên được hình bóng nhau, cái đẹp của cách xa là không bao giờ bị thời gian làm héo úa. Hình ảnh ngườt thiếu nữ ông yêu mãi mãi vẫn là cô gái đôi tám đang xuân
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong (NB)
Xuân là của đất trời! Xuân về khắp muôn nơi cùng mọi người, đó là người ta nói thế, chứ với ông xuân chỉ còn là trong ký ức, ông đã không còn xuân từ rất lâu, chiến tranh, tù đày rồi lai mang phận tha hương, với từng ấy thứ trong ông làm gì còn có chỗ cho mùa xuân. Trong cái đơn lẻ của mình khi đất trời cũng đang xuân, tuy là trên xứ lạ ông cũng muốn lòng mình như nhà thơ đã nói
Pháo nổ đâu đây khói ngợp trời
Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi
Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một áng thơ đề nét chẳng phai.(NB)
Xuân lại về trong cảnh xa nhà! Ngồi đây nơi xứ lạ có người lính cũ xa quê hương, giữa phố thị nhìn người đi, mà nhờ thơ tìm về hơi hướm xưa, cho mình được chút ấm lòng trong phận buồn cô lữ ngày xuân
Trọn đời làm một thân cô lữ
Ở mọi đường xa, ở mọi miền…
Ai đi chắp lại cánh hoa rơi?
Bắt bóng chim xa tận cuối trời
Biết tìm đâu thấy hương xưa? Để cho ai đó chia giùm nỗi xót xa, khi “hoa đào từng cánh rơi như tướị, xuống mặt sân rêu những giọt buồn” (NB)
Việt Nhân (HNPĐ)