Trung Quốc hôm thứ Sáu vừa công bố thêm lệnh siết chặt quản lý internet, với việc hợp pháp hóa hành động xóa bỏ các tin ngắn hoặc các trang có thông tin "bất hợp pháp".
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng đòi các nhà cung cấp dịch vụ phải trao cho giới chức các thông tin đó nhằm có biện pháp trừng phạt, theo tin Reuters.
Bài viết của phóng viên Ben Blanchard và Sally Huang nói rằng các quy định mới gửi ra tín hiệu rằng giới lãnh đạo mới với sự dẫn dắt của ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trực tuyến tại một quốc gia, nơi internet cho người dân những cơ hội hiếm hoi để tranh luận.
Tân Hoa Xã công bố các quy định mới cũng yêu cầu người sử dụng internet phải dùng tên thật ký đăng ký với các nhà cung cấp dịch vụ mạng, dẫu trên thực tế điều này đã xảy ra.
Giới chức Trung Quốc và các nhà cung cấp dịch vụ internet như Sina Corp lâu nay đã giám sát chặt chẽ và kiểm duyệt những gì người dân nói trên mạng, nhưng chính phủ nay đưa quyền xóa các post vào luật.
"Các nhà cung cấp dịch vụ được yêu cầu phải ngay lập tức ngưng truyền tải các thông tin bất hợp pháp một khi phát hiện ra các tin đó, và phải có các biện pháp thích hợp, gồm cả việc gỡ bỏ và lưu giữ các thông tin đó trước khi báo cho các cơ quan quản lý," quy định mới ghi rõ.
"Khi sử dụng internet, người dân phải thực hiện các quyền phù hợp với luật và hiến pháp"
Lê Phỉ, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội TQ
Các hạn chế được đưa ra sau một loạt các bê bối tham nhũng trong giới quan chức cấp thấp bị người dùng internet phanh phui, điều mà chính phủ Trung Quốc nói họ khuyến khích.
Lê Phỉ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói rằng luật mới không nhằm khiến mọi người lo lắng về việc không thể đưa tin tham nhũng lên mạng.
Nhưng ông cũng ra lời cảnh báo:
"Khi người dân thực hiện quyền của mình, gồm cả quyền sử dụng internet, thì họ phải thực hiện các quyền đó phù hợp với luật và hiến pháp, không gây hại tới quyền lợi pháp lý của nhà nước, xã hội... và của các công dân khác."
Kiểm duyệt gắt gao
Người dùng internet tại Trung Quốc đã phải thích nghi với các biện pháp kiểm duyệt gắt gao, đặc biệt là ở các chủ đề nhạy cảm chính trị như nhân quyền và giới chính trị gia cấp cao, và các trang mạng nước ngoài phổ biến như Facebook, Twitter và YouTube đều bị chặn.
Hồi đầu năm, chính phủ đã bắt đầu buộc người sử dụng mạng microblog Weibo rất phổ biến ở nước này phải đăng ký bằng tên thật.
Luật mới đã nhanh chóng bị một số người dùng Weibo lên án.
"Thế là nay người ta dùng Weibo để giúp giữ hồ sơ và báo cáo cho giới chức. Đây có phải là thứ tự do ngôn luận mà chúng ta được hứa hẹn trong hiến pháp không?" một người dùng nói.
"Chúng ta cần phải cương quyết phản đối biện pháp can thiệp vào tự do internet đó," một người khác viết.
Chính phủ nói việc kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động trên internet là cần thiết, nhằm ngăn chặn việc có những cáo buộc ác ý, vô danh trên mạng, chặn các hình ảnh khiêu dâm, các lời đồn đoán hoảng loạn vô cớ, và nói đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng các biện pháp này.