Truyện Ngắn & Phóng Sự
TRONG RỪNG CÂY LÁ XANH - Phan Nhật Nam
Chiến dịch mở được một tháng, đêm đầu tiên, một ngày đầu của tháng mười một, đóng ở ngã ba quận Xuân Lộc, nơi quốc lộ 1 và đường liên tỉnh đi Bình Giã gặp nhau. Đêm thật lạnh, đây là cực bắc của miền Nam và cực nam của miền Trung. Bụi mù đất đỏ, rừng cao su xanh thẩm và hơi núi lạnh se sắt. Đã lâu lắm tôi không được hưởng cái lạnh này, mùa đông của miền Trung như kéo dài, xâm chiếm vào miền Nam nắng đỏ. Quốc lộ số 1, đường ra Phan Thiết, sông Phan... Bao lâu tôi không đi trên quãng đường này. Thưở mười bốn, mười lăm, tôi đã thân thiết con đường sắt chạy hun hút về phương nam, mỗi buổi chiều ở ga Đà Nẵng, tàu Sài Gòn ra lúc bảy giờ tối, trong nắng chiều chập choạng con tàu uể ỏai lười biếng như gã giang hồ tìm về nhà trọ, đi vào sân ga sau khi đã quành vòng để trở đầu về phía đèo Hải Vân. Tôi ngồi trên bãi cát ở nghĩa địa nhìn hành khách từ phương nam đến, mơ ước những chuyến đi xa, thật xa và để đến chiều bước vào một thành phố lạ trong ánh nắng cuối của ngày. Con đường sắt xuyên Việt, quốc lộ số 1 đối với tôi từ thuở bé đến bây giờ vẫn là những sinh vật linh động có tâm hồn, hơi thở, thân thích đầy kỷ niệm.
Buổi chiều hôm nay, tôi thấy lại cảm giác bâng khuâng khi đọc trên trụ cây số ở vệ đường: Nha Trang - 526 cây số... Tưởng ra, thành phố có nắng tươi như lá non, những ngày bắt đầu lớn. Ngồi ởtrụ cây số nhìn con đường chạy hút mất xa như tìm lại người bạn đã lâu không gặp, một gã bạn giang hồ luôn luôn bị hoạn nạn nhưng sẵn sàng lao người vào vùng đầy gió bão. Quốc lộ 1, người bạn trong cơn đau ốm của quê hương. Trăng thượng tuần mọc ở góc trời, ốm yếu như người khốn khó...
Từ ngày đầu tiên của cuộc hành quân, chúng tôi bỏ quốc lộ 1, tung quân hoạt động trong khu tam giác giới hạn bởi ba con đường, quốc lộ 15, đường liên tỉnh Bà Rịa — Long Khánh và đường Long Thành (Biên Hòa) - Long Giao. Bộ chỉ huy hành quân tiến dọc theo con đường đất đỏ chia đôi khu vực trên. Con đường chạy từ sân bay đồn điền ông Quế ra đến Long Thành thẳng góc với trục giao liên của Việt cộng từ sông Đồng Nai đến mật khu Hắc-Dịch. Một tháng trời đã qua, bây giờ chúng tôi tiến sát quốc lộ 15, cách quận Long Thành mười lăm cây số đường chim bay. Bộ chỉ huy hành quân thiếp lập trung tâm hỏa lực và tung các tiểu đoàn hoạt động sâu về hướng bắc, khu vực đồn điền An Viêng, làm thành phần an ninh xa cho các căn cứ quan trọng của Mỹ. Tình hình quân sự được xem là yên tĩnh, chỉ chạm địch nhẹ cấp trung đội, ngoại trừ lần tấn công để thử sức của một tiểu đoàn địch vào vị trí đóng quân của tiểu đoàn 5 Nhảy dù. Địch thất bại và từ đó tránh né hẳn với lực lượng chúng tôi. Tôi mất niềm thú vị nhẹ nhàng mỗi khi đêm xuống vì rút gần về Biên Hòa độ lạnh giảm theo, đồng thời sự giao dịch Việt - Đồng Minh càng ngày càng tệ. Lẽ tất nhiên từ lâu chúng tôi đã không khoái vụ “cố vấn Mỹ”, nhưng vì đấy là cái nợ bắt buộc phải chịu đựng, nay lại thêm vài chú Úc nữa thật khó chịu đành lòng.
Chúng tôi là lính Nhảy dù, không tự kiêu, nhưng chẳng một ly tự ty nào với họ. Anh đại uý thâm niên nhất đám đi lính không đầy mười năm; ở lính lâu thì cũng chẳng có gì là quan trọng, nhưng nếu so sánh hai anh lính, dù khác từ màu da, quốc tịch, quân đội... Chúng tôi, người lính Việt Nam có kẻ gần hai mươi năm, kẻ sớm nhất cũng vài năm được trui luyện trong một cuộc chiến tranh ngặt nghèo lẽ tất nhiên hơn hẳn, hơn xa hẳn loại lính con nhà giàu bất kỳ Anh, Mỹ, Úc hay gì gì đi chăng nữa. Chúng tôi biết rằng khi đề cập đến khả năng để chỉ huy những lộ quân lớn với hàng ngàn công việc rắc rối về thiết kế và yểm trợ, chúng tôi chắc sẽ thua mấy anh ngoại quốc. Nhưng nếu kể đến khả năng từ tiểu đoàn trưởng trở xuống trong trận chiến du kích này, các anh da trắng chỉ có thể là học trò mà thôi. Thế thì cố vấn cái gì... Nỗi bực mình từ đấy cứ tăng lên. Xin trực thăng tải thương, viên thiếu uý Úc hỏi từ A đến Z... Ai? Bị thương giờ nào? Tọa độ? Bị thương nặng nhẹ? Ở đâu?... Gần hai mươi câu hỏi được hỏi một lúc, ghi ghi chép chép, mã hóa (1) hết cả thảy bản văn rồi mới lấy máy ra liên lạc. Một giờ trôi qua mới đủng đỉnh trả lời: “Có thể có trực thăng và không biết địa điểm di tản thương binh về đâu! Ai có thể chịu được? Tàu bay đến tản thương được một người, tôi mệt mỏi như chính mình thọ nạn. Hai ngày sau, hậu cứ hỏi di tản thương binh về đâu? Bố da trắng ngú ngớ như thằng ngọng, xong thật vắn tắt: Không biết. Không biết thì cắn răng mà chịu, chỉ có được chửi thề một câu.
Sắp đến Noel rồi đấy. Noel, có một cái gì ấm áp đôn hậu bềnh bồng trong linh hồn. Tôi là kẻ ngoại đạo, nhưng đêm Thiên Chúa ra đời vẫn choáng ngập trong lòng một niềm hân hoan mới lạ. Âu cũng là lộc đời. Nhớ lại những Noel thưở bé, bảy tuổi đứng trông rừng lồng đèn của khu nhà thờ, chiếc áo len mới đan ấm áp và từ trong nhà thờ tiếng hát dặt dìu như cánh bay của thiên thần, Noel của những năm mới vào lính, nằm ở rừng Tân Phong với Hải, thấm thoát thế là bao nhiêu lâu.... Thôi, tôi đã vào một tuổi già. Một người đi gần đến bên tôi:
- Có thư của em gái hậu phương gửi ra, ông có đọc không?
- Đưa tôi xem thử...
Đây là loại thư của các trường học cứ đến dịp lễ, Tết, bắt buộc học sinh phải viết trong giờ hiệu đoàn để gởi cho lính, một anh lính vô danh ở một nơi xa xôi - Cung cách yểm trợ tinh thần cho lính của Chánh phủ, giây liên lạc giữa học đường và quân đội. Thuở xưa tôi cũng đã khó nhọc vì viết những lá thư như vậy.Xem thử ra sao?
Bây giờ trong lòng tôi là một cơn giận, giận ghê gớm, lá thư thay vì có những ý tình ngây ngô vụng về hay một vẻ khôn ngoan thơ dại như tôi nghĩ, nhưng không phải là như vậy. Thư này của một em xưng là học sinh Đệ Nhất (Nghĩa là đã đậu xong bằng tú tài I rồi) của trường Lê Văn Duyệt. Em viết thư để tỏ ra mình là một người lớn xưng tôi và gọi: Anh lính. Tóm tắt bức thư nói rõ cái bực dọc của kẻ bị bắt buộc viết thư cho một người không xứng đáng với mình - Một anh lính tồi tàn ở một nơi nào đó không biết. Thoạt tiên thì tôi giận, giận cùng mình... Học Đệ Nhất, thì mới là lớp của em út tôi, già lắm là hai mươi tuổi, thua tôi mười tuổi, một thế hệ... Thế mà nó lên mặt cao ngạo, trịch thượng, nếu không nói là mất dạy. Nhưng rồi xét cho cùng, tôi không trách đứa con gái nhỏ đó. Tôi không trách cứ, vì trách nhiệm là tầng lớp của cha mẹ, thầy giáo và xã hội đang nuôi dưỡng và giáo dục lớp tuổi cô bé đó. Tại sao cô gái nhỏ đó khinh lính? Vì từ học đường kéo ra đời sống bên ngoài, ngay cả đến cơ quan Chiến tranh chính trị quân đội có ai vẽ được chân dung đích thực của người lính Việt Nam? Chỉ có loại lính bột, lính kiểng, lính không có xương, giống như hình ảnh của hai em bé tặng một cành hoa hạng bét cho một anh lính văn phòng, tóc để dài như kép hát, mang áo giáp một cách vụng về, bức ảnh được chụp tại một doanh trại ở Gò Vấp, nhưng được ghi chú "Xuân ở tiền đồn"...
Làm gì có loại lính Nhảy dù “nhảy xuống đất chơi”? Nhảy một saut là một điều nguy nan, saut thứ ngàn lẻ vẫn có tai nạn như thường... Nhảy tim sẽ to lên vì máu bị dồn mạnh, đứng đợi ở cửa máy bay người bị đun vào trong một vùng hờ hững mênh mông. Đó chỉ là kỹ thuật, huống gì nhảy một saut hành quân là bán hẳn đi phần số tuổi thanh xuân. “Thiên Thần Mũ Đỏ” cái tước vị này nếu dùng thật đứng đắn mới có giá trị kích thích niềm hãnh diện trong lòng người lính, chứ dùng như một vật công cộng, một thứ đầu môi chót lưỡi, thì hình ảnh người lính Nhảy dù còn là gì? Làm gì có những người lính "viết thư dưới trăng đại dương", làm gì có hoa sóng, hoa rừng... Một ngàn lần, tôi đoan chắc như vậy không có loại lính kể trên. Nó chỉ qua hình ảnh của mấy anh kép hát... Tôi cũng cả quyết rằng hình ảnh người lính Việt Nam không phải hình ảnh của anh kép cải lương mặc áo lính in trên bìa bản nhạc, cũng không phải là hình tượng của các cô gái nhỏ làm thơ đăng ở báo Văn Nghệ Tiền Phong... Vậy trách đứa con gái nhỏ đó làm gì? Cả xã hội này còn ngộ nhận, xa lạ với chiến tranh và người lính huống gì một đứa trẻ chưa rời lớp học. Nhưng rồi trong một tương lai thật gần, cô con gái nhỏ đó có cha, có chú, một người anh một người yêu ở Quang Trung, Thủ Đức. Em vào đấy thăm và sẽ biết... Em sẽ chờ đợi một lá thư, một ngày phép. Một năm sau,người thân đó trở về như một con thú, như kẻ điên, kẻ xa lạ với loài người từ lâu lắm... Khi đó em sẽ hiểu và chắc rằng em phải hiểu rõ hơn lúc người thân của em được gửi về trong chiếc túi ny lông. Lúc đó em ắt biết thế nào là lính... Chắc chắn như thế, cô gái nhỏ ạ.
Tháng 12-1968, Long Khánh.
Sinh Tồn chuyển
TRONG RỪNG CÂY LÁ XANH - Phan Nhật Nam
Chiến dịch mở được một tháng, đêm đầu tiên, một ngày đầu của tháng mười một, đóng ở ngã ba quận Xuân Lộc, nơi quốc lộ 1 và đường liên tỉnh đi Bình Giã gặp nhau. Đêm thật lạnh, đây là cực bắc của miền Nam và cực nam của miền Trung. Bụi mù đất đỏ, rừng cao su xanh thẩm và hơi núi lạnh se sắt. Đã lâu lắm tôi không được hưởng cái lạnh này, mùa đông của miền Trung như kéo dài, xâm chiếm vào miền Nam nắng đỏ. Quốc lộ số 1, đường ra Phan Thiết, sông Phan... Bao lâu tôi không đi trên quãng đường này. Thưở mười bốn, mười lăm, tôi đã thân thiết con đường sắt chạy hun hút về phương nam, mỗi buổi chiều ở ga Đà Nẵng, tàu Sài Gòn ra lúc bảy giờ tối, trong nắng chiều chập choạng con tàu uể ỏai lười biếng như gã giang hồ tìm về nhà trọ, đi vào sân ga sau khi đã quành vòng để trở đầu về phía đèo Hải Vân. Tôi ngồi trên bãi cát ở nghĩa địa nhìn hành khách từ phương nam đến, mơ ước những chuyến đi xa, thật xa và để đến chiều bước vào một thành phố lạ trong ánh nắng cuối của ngày. Con đường sắt xuyên Việt, quốc lộ số 1 đối với tôi từ thuở bé đến bây giờ vẫn là những sinh vật linh động có tâm hồn, hơi thở, thân thích đầy kỷ niệm.
Buổi chiều hôm nay, tôi thấy lại cảm giác bâng khuâng khi đọc trên trụ cây số ở vệ đường: Nha Trang - 526 cây số... Tưởng ra, thành phố có nắng tươi như lá non, những ngày bắt đầu lớn. Ngồi ởtrụ cây số nhìn con đường chạy hút mất xa như tìm lại người bạn đã lâu không gặp, một gã bạn giang hồ luôn luôn bị hoạn nạn nhưng sẵn sàng lao người vào vùng đầy gió bão. Quốc lộ 1, người bạn trong cơn đau ốm của quê hương. Trăng thượng tuần mọc ở góc trời, ốm yếu như người khốn khó...
Từ ngày đầu tiên của cuộc hành quân, chúng tôi bỏ quốc lộ 1, tung quân hoạt động trong khu tam giác giới hạn bởi ba con đường, quốc lộ 15, đường liên tỉnh Bà Rịa — Long Khánh và đường Long Thành (Biên Hòa) - Long Giao. Bộ chỉ huy hành quân tiến dọc theo con đường đất đỏ chia đôi khu vực trên. Con đường chạy từ sân bay đồn điền ông Quế ra đến Long Thành thẳng góc với trục giao liên của Việt cộng từ sông Đồng Nai đến mật khu Hắc-Dịch. Một tháng trời đã qua, bây giờ chúng tôi tiến sát quốc lộ 15, cách quận Long Thành mười lăm cây số đường chim bay. Bộ chỉ huy hành quân thiếp lập trung tâm hỏa lực và tung các tiểu đoàn hoạt động sâu về hướng bắc, khu vực đồn điền An Viêng, làm thành phần an ninh xa cho các căn cứ quan trọng của Mỹ. Tình hình quân sự được xem là yên tĩnh, chỉ chạm địch nhẹ cấp trung đội, ngoại trừ lần tấn công để thử sức của một tiểu đoàn địch vào vị trí đóng quân của tiểu đoàn 5 Nhảy dù. Địch thất bại và từ đó tránh né hẳn với lực lượng chúng tôi. Tôi mất niềm thú vị nhẹ nhàng mỗi khi đêm xuống vì rút gần về Biên Hòa độ lạnh giảm theo, đồng thời sự giao dịch Việt - Đồng Minh càng ngày càng tệ. Lẽ tất nhiên từ lâu chúng tôi đã không khoái vụ “cố vấn Mỹ”, nhưng vì đấy là cái nợ bắt buộc phải chịu đựng, nay lại thêm vài chú Úc nữa thật khó chịu đành lòng.
Chúng tôi là lính Nhảy dù, không tự kiêu, nhưng chẳng một ly tự ty nào với họ. Anh đại uý thâm niên nhất đám đi lính không đầy mười năm; ở lính lâu thì cũng chẳng có gì là quan trọng, nhưng nếu so sánh hai anh lính, dù khác từ màu da, quốc tịch, quân đội... Chúng tôi, người lính Việt Nam có kẻ gần hai mươi năm, kẻ sớm nhất cũng vài năm được trui luyện trong một cuộc chiến tranh ngặt nghèo lẽ tất nhiên hơn hẳn, hơn xa hẳn loại lính con nhà giàu bất kỳ Anh, Mỹ, Úc hay gì gì đi chăng nữa. Chúng tôi biết rằng khi đề cập đến khả năng để chỉ huy những lộ quân lớn với hàng ngàn công việc rắc rối về thiết kế và yểm trợ, chúng tôi chắc sẽ thua mấy anh ngoại quốc. Nhưng nếu kể đến khả năng từ tiểu đoàn trưởng trở xuống trong trận chiến du kích này, các anh da trắng chỉ có thể là học trò mà thôi. Thế thì cố vấn cái gì... Nỗi bực mình từ đấy cứ tăng lên. Xin trực thăng tải thương, viên thiếu uý Úc hỏi từ A đến Z... Ai? Bị thương giờ nào? Tọa độ? Bị thương nặng nhẹ? Ở đâu?... Gần hai mươi câu hỏi được hỏi một lúc, ghi ghi chép chép, mã hóa (1) hết cả thảy bản văn rồi mới lấy máy ra liên lạc. Một giờ trôi qua mới đủng đỉnh trả lời: “Có thể có trực thăng và không biết địa điểm di tản thương binh về đâu! Ai có thể chịu được? Tàu bay đến tản thương được một người, tôi mệt mỏi như chính mình thọ nạn. Hai ngày sau, hậu cứ hỏi di tản thương binh về đâu? Bố da trắng ngú ngớ như thằng ngọng, xong thật vắn tắt: Không biết. Không biết thì cắn răng mà chịu, chỉ có được chửi thề một câu.
Sắp đến Noel rồi đấy. Noel, có một cái gì ấm áp đôn hậu bềnh bồng trong linh hồn. Tôi là kẻ ngoại đạo, nhưng đêm Thiên Chúa ra đời vẫn choáng ngập trong lòng một niềm hân hoan mới lạ. Âu cũng là lộc đời. Nhớ lại những Noel thưở bé, bảy tuổi đứng trông rừng lồng đèn của khu nhà thờ, chiếc áo len mới đan ấm áp và từ trong nhà thờ tiếng hát dặt dìu như cánh bay của thiên thần, Noel của những năm mới vào lính, nằm ở rừng Tân Phong với Hải, thấm thoát thế là bao nhiêu lâu.... Thôi, tôi đã vào một tuổi già. Một người đi gần đến bên tôi:
- Có thư của em gái hậu phương gửi ra, ông có đọc không?
- Đưa tôi xem thử...
Đây là loại thư của các trường học cứ đến dịp lễ, Tết, bắt buộc học sinh phải viết trong giờ hiệu đoàn để gởi cho lính, một anh lính vô danh ở một nơi xa xôi - Cung cách yểm trợ tinh thần cho lính của Chánh phủ, giây liên lạc giữa học đường và quân đội. Thuở xưa tôi cũng đã khó nhọc vì viết những lá thư như vậy.Xem thử ra sao?
Bây giờ trong lòng tôi là một cơn giận, giận ghê gớm, lá thư thay vì có những ý tình ngây ngô vụng về hay một vẻ khôn ngoan thơ dại như tôi nghĩ, nhưng không phải là như vậy. Thư này của một em xưng là học sinh Đệ Nhất (Nghĩa là đã đậu xong bằng tú tài I rồi) của trường Lê Văn Duyệt. Em viết thư để tỏ ra mình là một người lớn xưng tôi và gọi: Anh lính. Tóm tắt bức thư nói rõ cái bực dọc của kẻ bị bắt buộc viết thư cho một người không xứng đáng với mình - Một anh lính tồi tàn ở một nơi nào đó không biết. Thoạt tiên thì tôi giận, giận cùng mình... Học Đệ Nhất, thì mới là lớp của em út tôi, già lắm là hai mươi tuổi, thua tôi mười tuổi, một thế hệ... Thế mà nó lên mặt cao ngạo, trịch thượng, nếu không nói là mất dạy. Nhưng rồi xét cho cùng, tôi không trách đứa con gái nhỏ đó. Tôi không trách cứ, vì trách nhiệm là tầng lớp của cha mẹ, thầy giáo và xã hội đang nuôi dưỡng và giáo dục lớp tuổi cô bé đó. Tại sao cô gái nhỏ đó khinh lính? Vì từ học đường kéo ra đời sống bên ngoài, ngay cả đến cơ quan Chiến tranh chính trị quân đội có ai vẽ được chân dung đích thực của người lính Việt Nam? Chỉ có loại lính bột, lính kiểng, lính không có xương, giống như hình ảnh của hai em bé tặng một cành hoa hạng bét cho một anh lính văn phòng, tóc để dài như kép hát, mang áo giáp một cách vụng về, bức ảnh được chụp tại một doanh trại ở Gò Vấp, nhưng được ghi chú "Xuân ở tiền đồn"...
Làm gì có loại lính Nhảy dù “nhảy xuống đất chơi”? Nhảy một saut là một điều nguy nan, saut thứ ngàn lẻ vẫn có tai nạn như thường... Nhảy tim sẽ to lên vì máu bị dồn mạnh, đứng đợi ở cửa máy bay người bị đun vào trong một vùng hờ hững mênh mông. Đó chỉ là kỹ thuật, huống gì nhảy một saut hành quân là bán hẳn đi phần số tuổi thanh xuân. “Thiên Thần Mũ Đỏ” cái tước vị này nếu dùng thật đứng đắn mới có giá trị kích thích niềm hãnh diện trong lòng người lính, chứ dùng như một vật công cộng, một thứ đầu môi chót lưỡi, thì hình ảnh người lính Nhảy dù còn là gì? Làm gì có những người lính "viết thư dưới trăng đại dương", làm gì có hoa sóng, hoa rừng... Một ngàn lần, tôi đoan chắc như vậy không có loại lính kể trên. Nó chỉ qua hình ảnh của mấy anh kép hát... Tôi cũng cả quyết rằng hình ảnh người lính Việt Nam không phải hình ảnh của anh kép cải lương mặc áo lính in trên bìa bản nhạc, cũng không phải là hình tượng của các cô gái nhỏ làm thơ đăng ở báo Văn Nghệ Tiền Phong... Vậy trách đứa con gái nhỏ đó làm gì? Cả xã hội này còn ngộ nhận, xa lạ với chiến tranh và người lính huống gì một đứa trẻ chưa rời lớp học. Nhưng rồi trong một tương lai thật gần, cô con gái nhỏ đó có cha, có chú, một người anh một người yêu ở Quang Trung, Thủ Đức. Em vào đấy thăm và sẽ biết... Em sẽ chờ đợi một lá thư, một ngày phép. Một năm sau,người thân đó trở về như một con thú, như kẻ điên, kẻ xa lạ với loài người từ lâu lắm... Khi đó em sẽ hiểu và chắc rằng em phải hiểu rõ hơn lúc người thân của em được gửi về trong chiếc túi ny lông. Lúc đó em ắt biết thế nào là lính... Chắc chắn như thế, cô gái nhỏ ạ.
Tháng 12-1968, Long Khánh.
Sinh Tồn chuyển