Khi nghĩ về một hành động anh hùng thời chiến thì bạn hình dung ra một người đàn ông hay một người phụ nữ có hành động dũng cảm?
Quá thường xuyên vai trò của phụ nữ trong các cuộc xung đột không được công nhận, vì vậy để kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai năm nay (chiến tranh kết thúc ở châu Âu vào ngày 8/5), chúng tôi tưởng niệm tám phụ nữ có bản lĩnh và thành tích, khiến họ khác biệt với hàng triệu người khác, đã thể hiện lòng can đảm trong cuộc xung đột tàn khốc.
Cheng Benhua: Đón cái chết với nụ cười
Cheng Benhua là một nữ anh hùng kháng chiến đã chiến đấu với người Nhật sau khi họ xâm chiếm Trung Quốc vào năm 1937.
Một bức ảnh của cô được chụp ngay trước khi cô bị đánh đến chết đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng của sự bất chấp không sợ hãi.
Bức ảnh này được chụp bởi một nhiếp ảnh gia người Nhật đã ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng của cô, sau khi cô bị bắt trong khi chiến đấu và bị giam cầm.
Cô đã bị những kẻ bắt cóc hãm hiếp nhiều lần, nhưng vẫn không chịu khuất phục.
Trong hình, trông cô như đang cười khi đối mặt với cái chết, hai tay khoanh trước ngực, ngẩng đầu lên để bắt gặp ánh mắt của ống kính không nao núng.
Tư thế của cô được tưởng niệm bởi một bức tượng cao năm mét ở Nam Kinh, nơi là một trong những vụ thảm sát tồi tệ nhất của cuộc chiến, khi có tới 300.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em Trung Quốc bị quân đội Nhật tàn sát.
Khi qua đời năm 1938, cô 24 tuổi. Cô mất đi một năm trước khi chiến tranh đến châu Âu, nhưng một năm sau khi chiến tranh đã đến với người Trung Quốc.
Cheng Benhua có "tính cách nổi bật nhất, gây ấn tượng nhất và đáng được tôn trọng nhất" trong số hàng triệu người đã thiệt mạng, nhà nghiên cứu lịch sử và bảo tàng Trung Quốc, ông Fan Jianchuan nói với tờ Daily Daily năm 2013.
Noor Inayat Khan: Công chúa gián điệp
Là công chúa Ấn Độ và một điệp viên người Anh, Noor Inayat Khan là hậu duệ trực tiếp của Tipu Sultan, nhà cai trị Hồi giáo thế kỷ 18 của Mysore.
Con gái của một người cha Ấn Độ - một giáo viên Sufi - và một bà mẹ người Mỹ, cô sinh ra ở Moscow và học tại Sorbonne ở Paris.
Kỹ năng ngôn ngữ đã đưa cô đến một vị trí với Cơ quan Điều hành Đặc biệt Anh (SOE) - những điệp viên bí mật nhảy dù vào Pháp lúc đó bị chiếm đóng trong chiến tranh để phá vỡ các hoạt động của Đức Quốc xã với sự phá hoại, liên lạc với quân kháng chiến Pháp và theo dõi việc chuyển quân.
Cô làm việc như một nhân viên điều khiển máy phát thanh - người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vai trò nguy hiểm này - và liên tục thay đổi địa điểm để tránh bị phát hiện.
Cuối cùng, cô đã bị cảnh sát Đức Quốc xã, Gestapo bắt giữ, thẩm vấn và tra tấn.
Cô đã tìm cách trốn thoát trong nhiều dịp khác nhau - một lần gần suýt nữa thoát đi được bằng các đi trên các mái nhà.
Sau mỗi lần tìm cách trốn thoát, các điều kiện bị giam cầm và thẩm vấn của cô ngày càng khắt khe, nhưng người ta tin rằng cô không bao giờ từ bỏ bất kỳ thông tin nào có giá trị của người Đức, người chỉ biết cô bằng mật danh Madeleine và thậm chí không biết rằng cô là người Ấn Độ.
Vào tháng 9 năm 1944, Inayat Khan và ba nữ đặc vụ SOE khác được chuyển đến trại tập trung Dachau, nơi vào ngày 13/9, họ bị xử tử.
Vì lòng dũng cảm, sau khi chết Inayat Khan đã được truy tặng Huân chương George Cross của Anh và một Croix de Guerre của Pháp với một ngôi sao vàng. Cô cũng có một tượng đài về lòng dũng cảm của mình trong Gordon Square Gardens ở London.
"Noor Inayat Khan tiếp tục truyền cảm hứng cho đến tận ngày nay, không chỉ vì sự dũng cảm mẫu mực của cô ấy, mà cả những nguyên tắc mà cô ấy đại diện", Shrabani Basu, tác giả của Spy Princess, The Life of Noor Inayat Khan, nói với BBC.
"Mặc dù cô ấy là người Sufi và tin vào bất bạo động, Noor Inayat Khan đã có sự hy sinh cao nhất - hy sinh mạng sống của mình - trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít."
Lyudmila Pavlichenko: Nữ tử thần
Lyudmila Pavlichenko là một trong những tay súng bắn tỉa thành công nhất trong lịch sử, đã ghi nhận được 309 vụ giết lính Đức được xác nhận sau cuộc xâm lược của Đức Quốc xã vào Liên Xô năm 1941.
Hàng chục nạn nhân của cô chính là những tay súng bắn tỉa của phe kẻ thù, những người đã thua một trò chơi mèo vờn chuột với người phụ nữ khai thác được các cuộc bao vây Sevastapol và Odessa đã cho cô biệt danh là Nữ Thần Chết.
Lính bắn tỉa của Đức Quốc xã không thể bắn trúng được cô, nhưng Lyudmila Pavlichenko bị thương bởi một viên đạn súng cối và mặc dù đã hồi phục, cô được rút khỏi tiền tuyến và đưa vào làm việc bằng cách sử dụng tên tuổi của mình để hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Liên Xô.
Trong vai trò là một cô gái biểu tượng cho Hồng quân, cô đã đi khắp thế giới, gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt trong quá trình này.
Mặc dù cô đã được trao giải Sao vàng của Anh hùng Liên Xô, nhưng sau đó cô đã hầu như bị xóa khỏi lịch sử.
"Thật đáng ngạc nhiên khi một tay súng bắn tỉa nữ có khả năng đặc biệt đã không được tôn vinh và tưởng niệm đúng cách sau khi cô ấy chết", Iryna Slavinska, một nhà hoạt động bình đẳng giới tính và phát thanh viên nói với BBC.
"Nhưng câu chuyện của Liên Xô về Thế chiến thứ Hai tập trung vào hình ảnh của một người lính dũng cảm, một người đàn ông - chỉ cần nghĩ về tất cả các tượng đài được dựng lên cho các anh hùng chiến tranh và cho Người lính vô danh thì thấy. Phụ nữ không phải là một phần của câu chuyện đó."
Nancy Wake: Con Chuột Bạch
Một nhân vật nổi trội trong nhiều phương diện, Nancy Wake nổi tiếng là một chiến binh nguy hiểm, một cô gái lẳng lơ và một người uống rượu không ngừng, cũng như một kẻ thù không thể tránh khỏi của Đức quốc xã.
Sinh ra ở New Zealand, nhưng lớn lên ở Úc, Nancy Wake chạy trốn khỏi trường vào năm 16 tuổi và có một công việc ở Pháp với tư cách là một nhà báo, công việc được báo cáo là cô tìm được bằng cách nói dối về khả năng viết bằng tiếng Ai Cập cổ đại.Ở đó, cô gặp và kết hôn với nhà công nghiệp người Pháp, Henri Fiocca, và đang sống ở Marseille khi người Đức xâm chiếm Pháp năm 1939.
Nancy Wake tham gia kháng chiến Pháp và hướng dẫn các phi công đồng minh trốn thoát đến nơi an toàn ở Tây Ban Nha. Khi mạng lưới của cô bị người Đức phản bội vào năm 1942, Wake đã trốn sang Anh qua Tây Ban Nha.
Fiocca ở lại và bị Đức quốc xã bắt, tra tấn và xử tử. Wake nhảy dù trở lại Pháp để bắt đầu công việc cho cơ quan Điều hành Hoạt động Đặc biệt của Anh (SOE).
Nancy Wake đã tham gia vào nhiều nhiệm vụ táo bạo - cô tuyên bố đã giết một lính gác Đức bằng tay không trong một lần. Cô nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào thập niên 1990: "Họ đã dạy cú chặt judo đáng kinh ngạc này ở SOE và tôi đã thực hành nó. Nhưng đây là lần duy nhất tôi sử dụng nó - và nó đã giết chết ông ấy".
Sau khi các mã vô tuyến của đồng minh có giá trị bị mất trong chiến trận, Nancy Wade tình nguyện đạp xe 500 km trên lãnh thổ của kẻ thù để lấy thiết bị thay thế. Nancy Wade nói đã làm xong việc đó chỉ trong ba ngày.
Cô diện quần áo đẹp và hẹn hò với người Đức để lấy thông tin. "Một ít bột và một ít đồ uống trên đường, và tôi sẽ đi qua trạm kiểm soát của họ và nháy mắt và nói, 'Bạn có muốn tìm kiếm tôi không?' Chúa ơi, lúc đó tôi là một cô gái thật lẳng lơ," cô nói với tờ báo Úc.
Cô đã nhiều lần suýt chết trong chiến tranh nhưng luôn tìm cách trốn tránh những người theo đuổi cô, theo người viết tiểu sử của cô, Peter FitzSimons.
Khả năng lảng tránh của cô khiến người Đức gọi cô là Chuột Bạch - cũng là tên cuốn tự truyện của cô.
Nancy Wake nhận được một loạt các giải thưởng sau chiến tranh, và qua đời vào ngày 7/8/2011, ở tuổi 98, ở London. Cô yêu cầu tro cốt của mình được rải rác ở Pháp.
Jane Vialle: Reporter, Phóng viên, gián điệp, chính trị gia
Jane Vialle sinh ra ở Cộng hòa Congo nhưng chuyển đến Paris khi còn nhỏ và đang làm báo khi Thế chiến thứ hai nổ ra.
Jane Vialle rời Paris và trở thành một đặc vụ tình báo cho cuộc kháng chiến của Pháp ở miền Nam đất nước, mặc dù lúc đó chưa bị quân Đức chiếm đóng chính thức, đã bị chế độ bù nhìn của Vichy cai trị.
Bà thu thập thông tin tình báo về các phong trào của quân đội Đức Quốc xã và sau đó huyển tiếp cho các đồng minh.
Kẻ thù bắt được bà vào tháng 1/1943 và cô bị buộc tội phản quốc.
Mặc dù vậy, bí mật của Jane Vialle vẫn an toàn với chính quyền, vì bà đã mã hóa dữ liệu của mình rất tốt nên không thể giải mã được.
Vialle được gửi đầu tiên đến một trại tập trung và sau đó là nhà tù của phụ nữ ở Marseille, nhưng cô ấy đã trốn thoát hoặc được thả ra và sống sót sau chiến tranh.
Bà được bầu vào Thượng viện Pháp năm 1947.
Hedy Lamarr: 'Ngôi sao sáng nhất' của Hollywood
Ngôi sao điện ảnh người Áo đã có một sự nghiệp lẫy lừng mang lại danh tiếng cho bà, một ngôi sao trên con đường danh vọng Hollywood và sáu người chồng.
Tên thật là Hedwig Eva Maria Kiesler, bà sinh ra trong một gia đình Do Thái giàu có ở Vienna, bà kết hôn lần đầu tiên với một nhà công nghiệp buôn bán vũ khí, người đã cau mày với sự nghiệp diễn xuất non trẻ của mình và bắt buộc cô phải làm tiếp viên cho bạn bè và đồng nghiệp của mình, bao gồm cả Đức quốc xã.
Hedy Lamarr không thể tuân thủ điều này, bí mật trốn đi, trước tiên đến Paris và sau đó đến London, nơi cô gặp Louis B. Mayer, người đứng đầu MGM Studios huyền thoại.
Ông mời bà ký một hợp đồng với Hollywood và bắt đầu quảng bá bà là "người phụ nữ đẹp nhất thế giới".
Thành công của cô trong hơn 30 bộ phim rất đáng chú ý, nhưng hầu như không có gì gọi là anh hùng. Điều giúp cô có được một vị trí trong danh sách này là nghề phụ của bà - với tư cách là một nhà phát minh.
Hedy Lamarr đã phát triển một hệ thống dẫn đường cho ngư lôi đồng minh có thể chống lại mối đe dọa gây nhiễu bởi kẻ thù bằng cách chuyển đổi tần số.
Hải quân Hoa Kỳ đã không tận dụng sáng chế của bà, nhưng các yếu tố của các phát minh tiên phong của bà có thể được nhìn thấy trong công nghệ Bluetooth và WiFi ngày nay.
Mya Yi: Thanh kiếm và độc dược
Cuộc đấu tranh của Mya Yi bắt đầu ngay cả trước khi người Nhật xâm chiếm Miến Điện trong Thế chiến thứ Hai.
Mya Yi là một nhà vận động mạnh mẽ cho nền độc lập của đất nước, chống lại chính quyền thực dân Anh.
Cô gia nhập lực lượng kháng chiến trong Thế chiến thứ Hai và luôn mang theo một thanh kiếm và một chai thuốc độc để tự vệ.
Vào năm 1944, cô đi bộ qua lãnh thổ và các dãy núi do Ấn Độ nắm giữ để tiếp tục cuộc chiến chống Nhật.
Cô băng bó vết thương bằng dải xà rông trên đường đi, và từ chối lời đề nghị mang cô lên của đàn ông.
Ở Ấn Độ, cô đã đóng góp cho những chuyến thả truyền đơn xuống Miến Điện kể chi tiết về việc người Nhật đối xử tệ với dân chúng như thế nào.
Mặc dù Mya Yi dự định trở về Miến Điện cùng chồng sau khi sinh con trai đầu lòng - cô đã được đào tạo thành lính nhảy dù - cô đã nhường chỗ cho một chiến binh khác và chỉ trở về vào tháng 10 năm 1945, sau khi chiến tranh kết thúc.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh của cô vẫn tiếp tục, khi cô đấu tranh giành độc lập và sau đó chống lại chế độ quân chủ của đất nước.
Rasuna Said: Con sư tử
Rasuna Said là một nhân vật quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Indonesia, và kẻ thù đối với cô không phải là người Nhật, mà là thực dân Hà Lan của Indonesia.
Rasuna Said hoạt động chính trị khi còn rất trẻ, và thành lập một đảng chính trị - Hiệp hội Hồi giáo Indonesia (PERMI) - ở tuổi đôi mươi, dựa trên tôn giáo và quốc tịch.
Theo một nhà viết tiểu sử, Rasuna Said là một diễn giả có bài phát biểu "như sét đánh", sự can đảm của cô trong việc chỉ trích chính quyền thực dân Hà Lan đã mang lại cho cô biệt danh Lioness.
Người Hà Lan thường xuyên dừng phát thanh các bài phát biểu của cô, bắt cô tại một sự kiện giam, và cầm cô trong mười bốn tháng.
Khi người Nhật xâm chiếm quần đảo vào năm 1942, Rasuna Said đã tham gia một tổ chức thân Nhật, nhưng đã sử dụng tổ chức này để tiếp tục hoạt động đòi độc lập của mình.
Với Indonesia, cuộc chiến không kết thúc khi người Nhật bị đánh bại. Người Hà Lan quay trở lại để cố gắng tái lập thẩm quyền của họ, lúc đầu với sự giúp đỡ của Anh, và một cuộc xung đột kéo dài bốn năm tàn khốc bắt đầu.
Nó kết thúc với việc người Hà Lan công nhận chủ quyền của Indonesia vào năm 1949, và vai trò của Rasuna Said trong việc này được tưởng niệm khi tên của cô tô điểm cho một trong những con đường chính ở thủ đô Jakarta.
Một người ủng hộ mạnh mẽ cho bình đẳng giới tính và giáo dục cho phụ nữ, Rasuna Said là một trong số ít phụ nữ Indonesia được phong tước vị Anh hùng Dân tộc.