Bị quân đội quốc gia của Tưởng Giới Thạch bao vây ở Giang Tây trong cuộc nội chiến 1927-1949, Hồng quân của Mao Trạch Đông khoảng 80.000 cán bộ và chiến binh mở đường máu rút về phía tây và ngược lên phía bắc để cố thủ.
Cuộc « Vạn lý trường chinh » bắt đầu từ năm 1934 kéo dài hai năm. Khi đến Diên An vào năm 1936, lực lượng của Mao, mười người chỉ còn có một. Đa số bị tử trận, chết vì kiệt lực, bệnh tật hay đào ngũ. Lịch sử đảng Cộng sản khẳng định Hồng quân đã vượt 12.500 cây số chông gai và luôn bị Quốc Dân đảng phục kích.
Kỷ kiệm 80 năm thành quả gian khổ này, chính thức là ngày 22/10, được khai mào bằng hàng loạt sinh hoạt tuyên truyền với pháo hoa, phóng sự, bình luận, triển lãm và phim ảnh ca ngợi tinh thần anh dũng của Hồng quân.
Cuộc rút lui chiến thuật biến thành chiến thắng cách nay 80 năm đã được chủ tịch Trung Quốc khai thác triệt để. Ông tuyên bố là đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải noi gương « tinh thần » của cán bộ đi trước, tiến hành một cuộc « trường chinh mới ».
Thật ra, theo AFP, cuộc rút quân của Mao không thật sự hào hùng như sử của đảng Cộng sản ghi chép. Hai thanh niên phiêu lưu người Anh tham gia vào cuộc trường chinh thẩm định con đường dài 6500 cây số chứ không phải « vạn lý » 12.500. Những người sống sót tố cáo Hồng quân cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, hành quyết, chiếm đoạt lúa gạo trên con đường rút về Diên An.
Theo sử gia Từ Quốc Khởi, đại học Hồng Kông, thì « Vạn lý trường chinh » còn là một « thảm bại quân sự ». Không phải nhờ vào thiên tài của Mao mà chính là nhờ cuộc xâm lăng của quân đội Nhật Bản đã cứu đảng Cộng Sản Trung Quốc. Lực lượng Quốc Dân Đảng phải chống lại Nhật nên bị thiệt hại và suy yếu đi.
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc (Sun Shu Yun) khẳng định trận Lô Định, đối đầu hai lực lượng quốc-cộng, Hồng quân tiến chiếm mục tiêu « trong mưa đạn » không diễn ra như tài liệu chính thức kể lại.
Vì sao lãnh đạo Trung Quốc và đảng Cộng sản cần tung hô một huyền thoại ?
Các chuyên gia được AFP trích dẫn như Trey McArver, thuộc viện Trusted Sources, ở Luân Đôn cho rằng chiến thuật này nhằm nhắc nhở các đảng viên là cho dù « có mất tính chính đáng hay mất ý nghĩa », thì đảng Cộng sản này cũng đã từng đấu tranh cho một điều gì đó.
Các sử gia ở Trung Quốc cũng có cùng nhận định này. Theo giáo sư Lưu Thống, đại học Thượng Hải, chủ tịch Tập Cận Bình muốn khai thác « biểu tượng chiến thắng của chủ nghĩa Cộng sản » bất chấp « lịch sử Đảng xa sự thật ». Quyền lực tại Trung Quốc càng ngày càng tập trung vào trong tay cá nhân ông Tập Cận Bình tương tự như thời Mao chủ tịch ở một số điểm.
Theo AFP, những đòi hỏi « tái lập sự thật lịch sử, dẹp bỏ lề thói ngụy tạo với dụng ý xấu » đã bị báo chí nhà nước công kích dữ dội và buộc tội « theo chủ nghĩa hư vô ».
Trước cửa một khu triển lãm ở quảng trường Thiên An Môn, một nhóm thanh niên cho biết họ được công ty đem xe chở đến tận nơi và buộc phải viết báo cáo khi trở về. Khi được hỏi, một phụ nữ trẻ nhìn nhận sử chính thống thiếu khách quan nhưng cô vẫn cho là cần phải học hỏi « tinh thần cuộc vạn lý trường chinh ».