Văn Học & Nghệ Thuật
Theo dấu người xưa - Nhà thơ lưu lạc chốn quan trường..
Theo sách Quốc triều hương khoa lục thì Huỳnh Mẫn Đạt người thôn Tân Hội, huyện Tân Long (nay thuộc TP.HCM). Nhưng có tài liệu cho rằng ông quê ở Rạch Giá vì hiện nay ngôi mộ ông tọa lạc tại P.Vĩnh Bảo, TP.Rạch Giá, Kiên Giang. Trong khi đó thì nhà thờ dòng họ Huỳnh của ông lại ở xã Phú An, huyện Cai Lậy, Tiền Giang.
Mộ ông Huỳnh Mẫn Chánh - Ảnh: H.P
Nhà thờ dòng họ Huỳnh
Xóm rạch Cây Cui nằm trên địa phận ấp 4, xã Phú An, huyện Cai Lậy. Ở đây có dòng họ Huỳnh nổi danh khoa bảng, đồng thời cũng là một trong những dòng họ định cư sớm ở vùng này. Theo tài liệu lịch sử địa phương, có lẽ họ đến đây thời ông Nguyễn Văn Cối tái lập làng Phú Sơn, tức sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút 1785. Hiện ở Phú An vẫn còn địa danh rạch Ông Cối.
Nhưng họ Huỳnh hiện chỉ còn một số gia đình định cư. Trong số những người “bám trụ” lâu đời nhất có gia đình của nhà văn Minh Lộc, tức Huỳnh Công Trứ, nổi tiếng với tập truyện ngắn Giữ đất và tập truyện vừa Con đường sống đoạt giải nhất giải thưởng văn học Cửu Long hồi kháng chiến chống Pháp, năm 1951. Trên bàn thờ tổ tiên còn di ảnh của cụ Huỳnh Mẫn Thạch, một người bị chính quyền thực dân Pháp bắt đi lính sang Pháp hồi thế chiến thứ 1 (1914-1918), là cháu trực hệ của anh ruột nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt.
Lần theo những ngôi mộ xưa, chúng tôi tìm được mộ ông Huỳnh Mẫn Chánh. Quốc triều Hương khoa lục ghi Huỳnh Mẫn Chánh người thôn Tân Hội, huyện Tân Long, đậu Cử nhân hạng 11, khoa Đinh Dậu (1837). Sách này còn cho biết ông là chú của Huỳnh Mẫn Đạt, làm quan chức Tri phủ nhưng không ghi rõ nhiệm sở ở đâu. Còn theo sách Đại Nam thực lục thì ông Huỳnh Mẫn Chánh từng làm việc ở huyện lỵ Kiên Giang. Nhưng không hiểu vì sao khi qua đời ông lại về nằm trên đất Định Tường.
Ngoài ra, trong khu vườn còn có ngôi mộ người mẹ là bà Lê Thị Thục và mộ ông Huỳnh Mẫn Đức, là anh ruột của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt. Chưa rõ mộ cha chôn ở đâu, nhưng trong nhà thờ lại có bài vị thờ chung ông bà nội.
Lận đận đời làm quan
Huỳnh Mẫn Đạt sinh năm 1807, năm 24 tuổi ông thi đậu cử nhân khoa Tân Mão (1831) và ra làm quan. Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), ông phong thự (tức chưa chính thức) Ngự sử. Ít lâu sau, Án sát Hà Tiên là Trương Phúc Cương bị tội mất chức. Vua chuẩn cho Huỳnh Mẫn Đạt làm quyền thự Án sát Hà Tiên và giữ ấn Tuần phủ quan phòng để làm việc.
Tháng 8 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), do sơ suất trong việc đối phó với bọn thổ phỉ, ông bị triều đình gọi về kinh, bị giáng cấp đợi bổ chức khác. Đến tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), sau khi thụ chức Viên ngoại lang, đợi hậu bổ thì Án sát tỉnh Hà Tiên Đinh Văn Huy mất. Vua chuẩn cho Huỳnh Mẫn Đạt thăng thự Án sát sứ tỉnh Hà Tiên. Thời gian này ông có công dẹp thổ phỉ ở biên giới, được thưởng một đồng Kim tiền Bát bảo. Bốn năm sau, ông được thăng thự Bố chính tỉnh Hà Tiên. Nhưng đến năm Tự Đức thứ 5 (1852), ông bị tội chứa tang vật thuốc phiện, một lần nữa bị cách chức cùng với Án sát Nguyễn Quỳnh và Tri huyện Lê Trí Dụng.
Mấy năm sau, Huỳnh Mẫn Đạt được phục chức bổ về làm Án sát tỉnh Định Tường. Năm 1861 giặc Pháp tấn công Định Tường, ông cùng binh sĩ ra sức giữ thành nhưng không kháng nổi và lại bị cách chức cùng một số quan lại khác. Sách Đại Nam thực lục chép rằng: “Bọn Nguyễn Hữu Thành, Hoàng/Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Tố, Hồ Hóa, Đặng Đức, Đỗ Đệ, Bùi Đức, Nguyễn Mô (đều là quan tỉnh, quan ở quân thứ can vào việc thất thủ cũ) chuẩn theo lời đình thần tâu xin, giao cho Nguyễn Tri Phương đem đi, xét kỹ người nào làm nổi việc gì, như có thể quản suất được 1 vệ hay 2 - 3 vệ quân; hoặc có thể giữ nổi một đồn, hay có thể đương được một toán quân thì tùy việc mà phân phái”.
Sau biến cố trên, Huỳnh Mẫn Đạt lánh về Rạch Giá sống và dạy học ở đó đến khi qua đời vào năm 1883. Trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Nguyễn Liên Phong có ghi lại:
Người xưa khoa mục học hành
Ông Tuần phủ Đạt triều đình chuộng yêu
Phú thi ngâm vịnh rất nhiều
Tác thành môn đệ người đều lớn khôn
(Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca - tập 2 - nhà in Phát Toán 1909).
Có lẽ căn cứ vào ngôi mộ Huỳnh Mẫn Đạt hiện tọa lạc tại Rạch Giá và tài liệu nêu trên nên có sách cho rằng ông là người ở Rạch Giá, Kiên Giang.
Theo tập quán chôn cất của ông cha ta ngày xưa thì có thể ông bà nội của Huỳnh Mẫn Đạt đã đến cư trú ở làng Phú Sơn (Định Tường) ít nhất cũng vào khoảng cuối thế kỷ 18. Vì vậy, nhiều người nghi vấn, lý lịch ghi ở Quốc triều hương khoa lục chỉ là lý lịch ông khai khi ứng thí. Tuy nhiên, việc khẳng định ông là người làng Phú Sơn cũng chưa chắc chắn, bởi quy chế nhà Nguyễn không cho phép làm quan ở quê hương mình vì sợ vây cánh bè phái, trừ những trường hợp đặc biệt. Nhưng Đại Nam thực lục cho biết một chi tiết đáng chú ý là Huỳnh Mẫn Đạt lúc làm quyền thự Án sát Hà Tiên đã có nhà ở Định Tường. Đó là vào tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), trong lúc đánh bọn thổ phỉ ở Hà Tiên, ông bị thương được vua ban thưởng 20 quan tiền, chuẩn cho về ở Định Tường để điều dưỡng. Sau khi bình phục, lại từ Định Tường đến Hà Tiên giữ ấn làm việc.
Riêng trường hợp sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Định Tường, Huỳnh Mẫn Đạt tới định cư tại Rạch Giá thì rõ ràng ông không phải người Rạch Giá. Một người trong họ Huỳnh còn cho biết, mấy năm trước có một số người ở Rạch Giá tới Tiền Giang tảo mộ, có thể vì trước lúc lâm chung nhà thơ cũng đã có có để lại di huấn chăng?
Như các tài liệu văn học nhận định, Huỳnh Mẫn Đạt là một trong những cây bút chiến đấu trong hàng ngũ những nhà thơ yêu nước ở Nam bộ thời kỳ đầu kháng Pháp của dân tộc. Ông có nhiều bài thơ nói lên lòng thủy chung đối với đất nước, sự ngưỡng mộ với những anh hùng chống Pháp và sự căm ghét, khinh bỉ kẻ làm tay sai của bọn thực dân xâm lược.
Sự nghiệp thơ văn của ông đã có nhiều người nói, xin không nhắc lại, nhưng một nhà thơ giàu lòng nhân ái lại lưu lạc vào chốn quan trường thì thất bại là điều không tránh khỏi. Có lẽ những năm tháng được hưu trí an nhàn ông mới thấm thía:
“Rường cột miếu đường không xứng mặt
Chống ngăn bờ cõi cũng bưa bưa” (trích bài Cây dừa).
Theo Ngọc Phan - Hoàng Phương
( Hồ Công Tâm chuyển )
Bàn ra tán vào (0)
Theo dấu người xưa - Nhà thơ lưu lạc chốn quan trường..
Theo sách Quốc triều hương khoa lục thì Huỳnh Mẫn Đạt người thôn Tân Hội, huyện Tân Long (nay thuộc TP.HCM). Nhưng có tài liệu cho rằng ông quê ở Rạch Giá vì hiện nay ngôi mộ ông tọa lạc tại P.Vĩnh Bảo, TP.Rạch Giá, Kiên Giang. Trong khi đó thì nhà thờ dòng họ Huỳnh của ông lại ở xã Phú An, huyện Cai Lậy, Tiền Giang.
Mộ ông Huỳnh Mẫn Chánh - Ảnh: H.P
Nhà thờ dòng họ Huỳnh
Xóm rạch Cây Cui nằm trên địa phận ấp 4, xã Phú An, huyện Cai Lậy. Ở đây có dòng họ Huỳnh nổi danh khoa bảng, đồng thời cũng là một trong những dòng họ định cư sớm ở vùng này. Theo tài liệu lịch sử địa phương, có lẽ họ đến đây thời ông Nguyễn Văn Cối tái lập làng Phú Sơn, tức sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút 1785. Hiện ở Phú An vẫn còn địa danh rạch Ông Cối.
Nhưng họ Huỳnh hiện chỉ còn một số gia đình định cư. Trong số những người “bám trụ” lâu đời nhất có gia đình của nhà văn Minh Lộc, tức Huỳnh Công Trứ, nổi tiếng với tập truyện ngắn Giữ đất và tập truyện vừa Con đường sống đoạt giải nhất giải thưởng văn học Cửu Long hồi kháng chiến chống Pháp, năm 1951. Trên bàn thờ tổ tiên còn di ảnh của cụ Huỳnh Mẫn Thạch, một người bị chính quyền thực dân Pháp bắt đi lính sang Pháp hồi thế chiến thứ 1 (1914-1918), là cháu trực hệ của anh ruột nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt.
Lần theo những ngôi mộ xưa, chúng tôi tìm được mộ ông Huỳnh Mẫn Chánh. Quốc triều Hương khoa lục ghi Huỳnh Mẫn Chánh người thôn Tân Hội, huyện Tân Long, đậu Cử nhân hạng 11, khoa Đinh Dậu (1837). Sách này còn cho biết ông là chú của Huỳnh Mẫn Đạt, làm quan chức Tri phủ nhưng không ghi rõ nhiệm sở ở đâu. Còn theo sách Đại Nam thực lục thì ông Huỳnh Mẫn Chánh từng làm việc ở huyện lỵ Kiên Giang. Nhưng không hiểu vì sao khi qua đời ông lại về nằm trên đất Định Tường.
Ngoài ra, trong khu vườn còn có ngôi mộ người mẹ là bà Lê Thị Thục và mộ ông Huỳnh Mẫn Đức, là anh ruột của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt. Chưa rõ mộ cha chôn ở đâu, nhưng trong nhà thờ lại có bài vị thờ chung ông bà nội.
Lận đận đời làm quan
Huỳnh Mẫn Đạt sinh năm 1807, năm 24 tuổi ông thi đậu cử nhân khoa Tân Mão (1831) và ra làm quan. Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), ông phong thự (tức chưa chính thức) Ngự sử. Ít lâu sau, Án sát Hà Tiên là Trương Phúc Cương bị tội mất chức. Vua chuẩn cho Huỳnh Mẫn Đạt làm quyền thự Án sát Hà Tiên và giữ ấn Tuần phủ quan phòng để làm việc.
Tháng 8 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), do sơ suất trong việc đối phó với bọn thổ phỉ, ông bị triều đình gọi về kinh, bị giáng cấp đợi bổ chức khác. Đến tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), sau khi thụ chức Viên ngoại lang, đợi hậu bổ thì Án sát tỉnh Hà Tiên Đinh Văn Huy mất. Vua chuẩn cho Huỳnh Mẫn Đạt thăng thự Án sát sứ tỉnh Hà Tiên. Thời gian này ông có công dẹp thổ phỉ ở biên giới, được thưởng một đồng Kim tiền Bát bảo. Bốn năm sau, ông được thăng thự Bố chính tỉnh Hà Tiên. Nhưng đến năm Tự Đức thứ 5 (1852), ông bị tội chứa tang vật thuốc phiện, một lần nữa bị cách chức cùng với Án sát Nguyễn Quỳnh và Tri huyện Lê Trí Dụng.
Mấy năm sau, Huỳnh Mẫn Đạt được phục chức bổ về làm Án sát tỉnh Định Tường. Năm 1861 giặc Pháp tấn công Định Tường, ông cùng binh sĩ ra sức giữ thành nhưng không kháng nổi và lại bị cách chức cùng một số quan lại khác. Sách Đại Nam thực lục chép rằng: “Bọn Nguyễn Hữu Thành, Hoàng/Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Tố, Hồ Hóa, Đặng Đức, Đỗ Đệ, Bùi Đức, Nguyễn Mô (đều là quan tỉnh, quan ở quân thứ can vào việc thất thủ cũ) chuẩn theo lời đình thần tâu xin, giao cho Nguyễn Tri Phương đem đi, xét kỹ người nào làm nổi việc gì, như có thể quản suất được 1 vệ hay 2 - 3 vệ quân; hoặc có thể giữ nổi một đồn, hay có thể đương được một toán quân thì tùy việc mà phân phái”.
Sau biến cố trên, Huỳnh Mẫn Đạt lánh về Rạch Giá sống và dạy học ở đó đến khi qua đời vào năm 1883. Trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Nguyễn Liên Phong có ghi lại:
Người xưa khoa mục học hành
Ông Tuần phủ Đạt triều đình chuộng yêu
Phú thi ngâm vịnh rất nhiều
Tác thành môn đệ người đều lớn khôn
(Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca - tập 2 - nhà in Phát Toán 1909).
Có lẽ căn cứ vào ngôi mộ Huỳnh Mẫn Đạt hiện tọa lạc tại Rạch Giá và tài liệu nêu trên nên có sách cho rằng ông là người ở Rạch Giá, Kiên Giang.
Theo tập quán chôn cất của ông cha ta ngày xưa thì có thể ông bà nội của Huỳnh Mẫn Đạt đã đến cư trú ở làng Phú Sơn (Định Tường) ít nhất cũng vào khoảng cuối thế kỷ 18. Vì vậy, nhiều người nghi vấn, lý lịch ghi ở Quốc triều hương khoa lục chỉ là lý lịch ông khai khi ứng thí. Tuy nhiên, việc khẳng định ông là người làng Phú Sơn cũng chưa chắc chắn, bởi quy chế nhà Nguyễn không cho phép làm quan ở quê hương mình vì sợ vây cánh bè phái, trừ những trường hợp đặc biệt. Nhưng Đại Nam thực lục cho biết một chi tiết đáng chú ý là Huỳnh Mẫn Đạt lúc làm quyền thự Án sát Hà Tiên đã có nhà ở Định Tường. Đó là vào tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), trong lúc đánh bọn thổ phỉ ở Hà Tiên, ông bị thương được vua ban thưởng 20 quan tiền, chuẩn cho về ở Định Tường để điều dưỡng. Sau khi bình phục, lại từ Định Tường đến Hà Tiên giữ ấn làm việc.
Riêng trường hợp sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Định Tường, Huỳnh Mẫn Đạt tới định cư tại Rạch Giá thì rõ ràng ông không phải người Rạch Giá. Một người trong họ Huỳnh còn cho biết, mấy năm trước có một số người ở Rạch Giá tới Tiền Giang tảo mộ, có thể vì trước lúc lâm chung nhà thơ cũng đã có có để lại di huấn chăng?
Như các tài liệu văn học nhận định, Huỳnh Mẫn Đạt là một trong những cây bút chiến đấu trong hàng ngũ những nhà thơ yêu nước ở Nam bộ thời kỳ đầu kháng Pháp của dân tộc. Ông có nhiều bài thơ nói lên lòng thủy chung đối với đất nước, sự ngưỡng mộ với những anh hùng chống Pháp và sự căm ghét, khinh bỉ kẻ làm tay sai của bọn thực dân xâm lược.
Sự nghiệp thơ văn của ông đã có nhiều người nói, xin không nhắc lại, nhưng một nhà thơ giàu lòng nhân ái lại lưu lạc vào chốn quan trường thì thất bại là điều không tránh khỏi. Có lẽ những năm tháng được hưu trí an nhàn ông mới thấm thía:
“Rường cột miếu đường không xứng mặt
Chống ngăn bờ cõi cũng bưa bưa” (trích bài Cây dừa).
Theo Ngọc Phan - Hoàng Phương
( Hồ Công Tâm chuyển )