Truyện Ngắn & Phóng Sự
Thư Giáng Sinh
1.
Âm thanh quen thuộc của những bài hát Giáng Sinh cũ đang trở lại trên truyền hình, trên các đài phát thanh,.. nó kéo lui cái thời gian cách đây gần 40 năm, ngày chúng ta mới quen nhau. Đôi khi tôi cứ tưởng mình hãy còn như ngày nào khi tôi và em trên chiếc xe lambretta phóng bạt mạng trên các đường phố Sài Gòn, len qua những đám đông, chạy quanh Nhà Thờ Đức Bà, đứng giữa những lồng đèn bày bán dọc dài theo con đường trước nhà sách - nhà sách? nhà sách gì nhỉ? Sao bỗng nhiên tôi quên mất tên? A, tôi nhớ ra rồi, đó là nhà sách Liên Châu. Tôi đang bắt đầu có một trí nhớ rất tồi. Tại sao, bởi vì tôi không còn trẻ nữa. Khi người ta còn trẻ, mọi việc đều có thể, và khi người ta không còn trẻ nữa, mọi việc đã là phù du, trí nhớ cũng là thừa thải!
..
Em còn nhớ không, cũng cái khung cảnh Vương Cung Thánh Đường ấy vào tháng Mười Hai, 1975 sao mà vắng vẻ. Tôi đã đèo em trên chiếc xe đạp đi giữa một thành phố lạnh tanh, dựng xe bên chiếc ghế đá trước cửa giáo đường. Nhà bưu điện bên kia, nhà sách bên này, con đường Tự Do phía trước. Tất cả sao mà lặng lẽ. Không nghe những âm thanh quen thuộc, những âm thanh mà chỉ mới một năm trước đây tôi và em, đã đắm mình trong nỗi hân hoan, biết rằng lại một mùa Giáng Sinh nữa đang tới, như tình yêu của chúng ta mỗi ngày một đầy thêm. … Tôi chưa trở lai Việt Nam một mùa Giáng Sinh nào để coi có còn gặp lại hình ảnh những cặp tình nhân đèo nhau trên xe gắn máy lạng giữa dòng người bất tận chạy mãi không biết về đâu như ngày nào?
Tôi đang sống giữa California, một trong những tiểu bang lớn nhất nước Mỹ, cái nước Mỹ mà chúng ta tưởng là an bình, không có bóng dáng chiến tranh, một nước Mỹ trù phú và toàn thịnh, một nước Mỹ không ngừng tràn ngập trong giấc mơ của tôi và em như một nơi ẩn náu an toàn nhất của trái đất, nước Mỹ ấy trong vài năm nay bị xáo động dưới một dạng khác. Không lựu đạn cay ở một ngã tư đường, nhưng nước Mỹ cũng đôi khi có những cuộc biểu tình xuống phố. Ơ cửa ngõ Sacramento, hay ở cửa ngõ Hoa Thịnh Đốn không có tiếng đại bác đêm đêm vọng về, nhưng những vụ nổ bom tự sát ở Afghanistan, hay ở Iraq của một vùng đất xa xôi vẫn được thông tin từng giờ từng phút đến tận phòng khách phòng ngủ của mỗi gia đình. Và qua cái màn ảnh truyền hình người ta vẫn nhìn thấy máu tiếp tục đổ xuống, xác người ngổn ngang trên mặt đất, và nước mắt, và…”mới đây, cuối tuần qua cả nước Mỹ đã trải qua giây phút lặng người trước tin một thanh niên 20 tuổi ở thành phố Newtown, Connecticut, đã bắn vào đầu mẹ nhiều phát giữa khi bà đang ngủ, và sau đó đến trường tiểu học Sandy Hook dùng súng liên thanh bán tự động bắn chết 20 học sinh lớp 1 – cùng sáu người trong trường (bà hiệu trưởng và các cô giáo) - rồi quay súng vào đầu tự sát. …Và người ta lại có dịp nói về nền văn hóa súng đạn lâu đời điên khùng ở nước Mỹ. Chẳng có nơi nào có súng, mua súng, mang súng dễ dàng như ở Mỹ. Dễ tới độ người ta có thể mua cả những cây súng bán tự động với mức độ sát hại tập thể hàng loạt (cây AR15 hay M16 quen thuộc trong chiến tranh Việt Nam chẳng hạn) - thường chỉ được sử dụng ở chiến trận, hay cho những băng đảng cướp lớn trong nghề buôn bán ma túy hay mua bán phụ nữ. Chẳng có nơi nào tỷ lệ súng và người cao như ở Mỹ: tính ra cứ 10 người thì có 9 cây súng – cả nước có hơn 270 triệu cây nằm trong tay người dân... Chẳng có nơi nào nạn bắn giết nơi công cộng làm chết người vô tội thường xuyên hơn ở Mỹ. Tính ra thì thương vong của thường dân trong chiến tranh ở Afghanistan thấp hơn thương vong của thường dân ở Mỹ chết vì “tên bay đạn lạc’ của những vụ nổ súng bất kể vào đám đông!”*
Bây giờ tôi mới biết bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, chiến tranh cũng vẫn theo đuổi chúng ta.
Em còn nhớ Giáng Sinh năm 1974, trong căn phòng tôi ở khu Cư Xá Đô Thành tràn ngập những âm thanh của khúc hát Đêm Thánh Vô Cùng, và em đã hát cho tôi nghe bài Giáo Đường Im Bóng của Nguyễn Thiện Tơ, ca khúc mà chúng ta đã nghe chiều hôm trước trong quán nước Hoàng Gia vắng vẻ trên đường Tự Do. Giờ đây trong trí nhớ tôi vẫn còn hình ảnh em với mái tóc đen dài, đôi mắt màu hạt dẻ và một nụ cười rụt rè như lần đầu mình quen nhau.
Và Giáng Sinh Đà Lạt một năm trước đó, con đường Hoa Hồng, con dốc dẫn lên nhà Bưu Điện, con suối cạn chạy dưới chân cầu đưa mình trở lại chợ Hòa Bình, con đường vòng đã dắt ta đi quanh hồ Xuân Hương, và cái quán nước quen nhô ra mặt hồ, nơi chúng ta đã đến ngồi uống ly cà phê đen đặc nhìn ra những ngọn đèn vàng ám đang nhắm mắt ngủ gà ngủ gật trong tiếng nhạc Noel. Và hàng bánh xèo ở đường Tăng Bạt Hổ, buổi tối đó chúng ta đã đến, ngồi tựa vào nhau xoa tay bên lò than hồng chia chút hơi ấm chờ phần ăn của mình.
Đó là những ngày Giáng Sinh hoà bình giả tưởng.
Một thứ Hoà Bình không có thật. Phải chờ thêm 4 năm chiến tranh nữa, cho xương và máu và nước mắt đổ xuống thêm nữa, cho đủ cái lượng mà Thượng Đế tàn nhẫn đòi hỏi để mua được một chút hoà bình.
Nhưng hoà bình cho người này có khi là nỗi đau của người khác. Nước biển đại dương tăng thêm chất mặn vì xác người và nước mắt. Người bỏ nước ra đi chôn vùi trên biển, người ở lại đổ nước mắt xuống cho một nấm mồ trong trái tim.
Vậy mà cũng đã gần 40 năm.
Biết làm thế nào được, khi mà người ta vẫn nhắc câu Si vis pacem para bellum, muốn hoà bình phải chuẩn bị chiến tranh. Nay chiến tranh đã đi qua nhiều năm trên quê hương chúng ta, nhưng những dấu chân của nó đối những người của cả một thế hệ tôi, đôi khi - hình như - vẫn như còn hiện ra trong giấc mơ.
2.
Tôi đang viết cho em giữa những âm thanh quen thuộc của một mùa Giáng Sinh. Những bài hát cũ đang trở lại trên truyền hình, trên radio, .. như một điệp khúc. Nó kéo lui cái thời gian cách đây gần 40 năm, ngày chúng ta mới quen nhau.
Hãy tưởng tượng tôi đang bước vào phòng khách với những gói quà trên tay và em đang đứng giữa nhà với cây thông giăng những bóng điện màu, cột treo những gói giấy hoa vuông vức màu sắc rực rỡ, em sẽ ngừng tay và tôi sẽ thả những hộp quà xuống thảm, chúng ta hôn nhau trong tiếng chuông đổ dồn của ngôi nhà thờ trên ngọn đồi phía đông bắc thành phố, và khúc hát Những Thiên Thần Trên Cánh Đồng Chúng Ta bay lượn khắp căn phòng.
Hãy tưởng tượng khi hồi chuông nhà thờ vừa tắt, ánh sáng trên bầu trời của một vùng thung lũng với những ngọn đồi không tên bất ngờ chìm trong bóng tối, và trong tiếng hát lên trời, trong nỗi cô đơn của mỗi người, tôi gặp lại em, và nghe thấy trong không gian vang lừng tiếng kêu của Người không phải đang Ra Đời mà là tiếng kêu thất thanh của Người trên Thánh Giá.
Eli, Eli, lamma sabacthami **
Hãy tưởng tượng, những con dốc, mặt hồ, sương mù, rừng thông, tiếng gió hú ban đêm chạy dài qua thung lũng và hơi thở của núi đá.... Ở một nơi nào đó, bây giờ em đang làm gì?
Tại sao?
3.
Tôi đang viết cho em giữa những âm thanh quen thuộc của một mùa Giáng Sinh. Những bài hát cũ đang trở lại trên truyền hình, trên radio, .. như một điệp khúc. Nó kéo lui cái thời gian cách đây gần 40 năm, ngày chúng ta vừa mới quen nhau.
Không biết những dòng chữ này có kịp đến tay em trong mùa Giáng Sinh năm nay? Và nếu may mà nó đến kịp trước giờ Thánh Lễ, không biết em sẽ đọc chúng dưới ánh sáng nào? Hư ảo lung linh của những hàng bạch lạp hay chói chang nóng hổi của những ngọn đèn ba trăm nến?
Sáng hôm nay, trời xanh, nắng vàng, nhưng sao mà lạnh buốt. Thành phố tôi đang sống bắt đầu vào đông. Thung lũng đầy sương mù và buốt giá, đầu tôi như đóng băng. Trí nhớ tôi lẫn lộn giữa quê nhà và xứ người, giữa một hiện tại lạnh lẽo và một quá khứ buồn bã. Em còn nhớ mùa Noel cuối cùng ở Sài Gòn, chúng ta đi xe đạp qua rạp Khải Hoàn mua gói xôi nóng trên đường Phạm Ngũ Lão, đạp ngược lại đường Nguyễn Thiện Thuật uống ly cà phê Năm Dưỡng. Suốt cả một buổi tối sự im lặng của tôi làm em khó chịu. Tôi đã hôn em giữa một Sài Gòn mất điện để nói với em là với những kẻ có khuôn mặt thú, lấy sự giả trá và mưu toan hạ nhục người khác làm lẽ sống thì im lặng là khinh bỉ, còn với em, im lặng chỉ là vì chúng ta không còn ngôn ngữ nào cho một tình yêu sắp phải chia tay.
Tôi tưởng tượng em mặc áo len dầy màu đen, đang ngồi trong phòng khách ấm cúng bên lò sưởi, xem truyền hình, và nghe lại những ca khúc mà gần 40 năm trước chúng ta đã nghe. …Tôi hy vọng rồi ra sẽ có lúc người đối xử với nhau như người-với-người chứ không phải cỏ cây hay loài thú. So sánh như thế đôi khi cũng là vội vã, bởi vì cỏ cây hay thú vật đôi khi còn biết đối xử hay hơn con người.
Không còn ai để nhắc lại câu Si vis pacem para bellum nữa. Muốn hoà bình trước hết người ta “không” nên chuẩn bị chiến tranh.
Liệu thư này có đến được tay em?
Em còn nhớ cái thư sau cùng tôi viết cho em là tôi đang chán đời, tôi thấy cuộc sống này không có gì đáng sống nữa,… Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi vẫn nhìn thấy tôi trong gương, một khuôn mặt xa lạ đang nhìn ngó chính mình. Tôi đó sao? Tôi sẽ phải làm gì sáng nay? Tôi sẽ nói câu gì với người đồng nghiệp? Tôi sẽ ngồi uống ly cà phê ở cái quán quen ở thành phố Milpitas hay sẽ xuống San Jose? Và tôi sẽ làm gì khi trở về vào mỗi buổi tối? Và em đã trả lời tôi rằng "Em đang muốn có thêm hai, ba cuộc đời nữa. Lúc nào anh thấy chán đời, muốn chết, anh chỉ việc nghĩ rằng: phần đời còn lại của anh, nếu anh đem cho em, thì tốt quá. Em nhờ anh giữ hộ cái phần đời mà anh muốn đem cho em đó ở chỗ anh, để dự trữ, khi nào của em hết, em sẽ dùng đến phần dự trữ kia.” Tôi đang làm như thế. Em coi như tôi đang sống với cái phần dự trữ của em. Nhé!
Nhưng, thư từ mà làm chi, chữ nghĩa đôi khi cũng là điều vô ích, nếu một khi chúng ta đã không còn muốn đọc nhau nữa. Phải không?
*Hoàng Ngọc Nguyên, Cho Những Người Vừa Nằm Xuống, Việt Tribune thứ Sáu 21/ 12/ 2012
** Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài bỏ tôi? Tiếng kêu của Christ khi chết trên thập tự giá. Saint Matthieu, XXVII, 46; Saint Marc, XV, 34.
12, 1972 -12, 2012
http://www.voatiengviet.com/content/thu-giang-sinh/1570455.html
Thư Giáng Sinh
1.
Âm thanh quen thuộc của những bài hát Giáng Sinh cũ đang trở lại trên truyền hình, trên các đài phát thanh,.. nó kéo lui cái thời gian cách đây gần 40 năm, ngày chúng ta mới quen nhau. Đôi khi tôi cứ tưởng mình hãy còn như ngày nào khi tôi và em trên chiếc xe lambretta phóng bạt mạng trên các đường phố Sài Gòn, len qua những đám đông, chạy quanh Nhà Thờ Đức Bà, đứng giữa những lồng đèn bày bán dọc dài theo con đường trước nhà sách - nhà sách? nhà sách gì nhỉ? Sao bỗng nhiên tôi quên mất tên? A, tôi nhớ ra rồi, đó là nhà sách Liên Châu. Tôi đang bắt đầu có một trí nhớ rất tồi. Tại sao, bởi vì tôi không còn trẻ nữa. Khi người ta còn trẻ, mọi việc đều có thể, và khi người ta không còn trẻ nữa, mọi việc đã là phù du, trí nhớ cũng là thừa thải!
..
Em còn nhớ không, cũng cái khung cảnh Vương Cung Thánh Đường ấy vào tháng Mười Hai, 1975 sao mà vắng vẻ. Tôi đã đèo em trên chiếc xe đạp đi giữa một thành phố lạnh tanh, dựng xe bên chiếc ghế đá trước cửa giáo đường. Nhà bưu điện bên kia, nhà sách bên này, con đường Tự Do phía trước. Tất cả sao mà lặng lẽ. Không nghe những âm thanh quen thuộc, những âm thanh mà chỉ mới một năm trước đây tôi và em, đã đắm mình trong nỗi hân hoan, biết rằng lại một mùa Giáng Sinh nữa đang tới, như tình yêu của chúng ta mỗi ngày một đầy thêm. … Tôi chưa trở lai Việt Nam một mùa Giáng Sinh nào để coi có còn gặp lại hình ảnh những cặp tình nhân đèo nhau trên xe gắn máy lạng giữa dòng người bất tận chạy mãi không biết về đâu như ngày nào?
Tôi đang sống giữa California, một trong những tiểu bang lớn nhất nước Mỹ, cái nước Mỹ mà chúng ta tưởng là an bình, không có bóng dáng chiến tranh, một nước Mỹ trù phú và toàn thịnh, một nước Mỹ không ngừng tràn ngập trong giấc mơ của tôi và em như một nơi ẩn náu an toàn nhất của trái đất, nước Mỹ ấy trong vài năm nay bị xáo động dưới một dạng khác. Không lựu đạn cay ở một ngã tư đường, nhưng nước Mỹ cũng đôi khi có những cuộc biểu tình xuống phố. Ơ cửa ngõ Sacramento, hay ở cửa ngõ Hoa Thịnh Đốn không có tiếng đại bác đêm đêm vọng về, nhưng những vụ nổ bom tự sát ở Afghanistan, hay ở Iraq của một vùng đất xa xôi vẫn được thông tin từng giờ từng phút đến tận phòng khách phòng ngủ của mỗi gia đình. Và qua cái màn ảnh truyền hình người ta vẫn nhìn thấy máu tiếp tục đổ xuống, xác người ngổn ngang trên mặt đất, và nước mắt, và…”mới đây, cuối tuần qua cả nước Mỹ đã trải qua giây phút lặng người trước tin một thanh niên 20 tuổi ở thành phố Newtown, Connecticut, đã bắn vào đầu mẹ nhiều phát giữa khi bà đang ngủ, và sau đó đến trường tiểu học Sandy Hook dùng súng liên thanh bán tự động bắn chết 20 học sinh lớp 1 – cùng sáu người trong trường (bà hiệu trưởng và các cô giáo) - rồi quay súng vào đầu tự sát. …Và người ta lại có dịp nói về nền văn hóa súng đạn lâu đời điên khùng ở nước Mỹ. Chẳng có nơi nào có súng, mua súng, mang súng dễ dàng như ở Mỹ. Dễ tới độ người ta có thể mua cả những cây súng bán tự động với mức độ sát hại tập thể hàng loạt (cây AR15 hay M16 quen thuộc trong chiến tranh Việt Nam chẳng hạn) - thường chỉ được sử dụng ở chiến trận, hay cho những băng đảng cướp lớn trong nghề buôn bán ma túy hay mua bán phụ nữ. Chẳng có nơi nào tỷ lệ súng và người cao như ở Mỹ: tính ra cứ 10 người thì có 9 cây súng – cả nước có hơn 270 triệu cây nằm trong tay người dân... Chẳng có nơi nào nạn bắn giết nơi công cộng làm chết người vô tội thường xuyên hơn ở Mỹ. Tính ra thì thương vong của thường dân trong chiến tranh ở Afghanistan thấp hơn thương vong của thường dân ở Mỹ chết vì “tên bay đạn lạc’ của những vụ nổ súng bất kể vào đám đông!”*
Bây giờ tôi mới biết bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, chiến tranh cũng vẫn theo đuổi chúng ta.
Em còn nhớ Giáng Sinh năm 1974, trong căn phòng tôi ở khu Cư Xá Đô Thành tràn ngập những âm thanh của khúc hát Đêm Thánh Vô Cùng, và em đã hát cho tôi nghe bài Giáo Đường Im Bóng của Nguyễn Thiện Tơ, ca khúc mà chúng ta đã nghe chiều hôm trước trong quán nước Hoàng Gia vắng vẻ trên đường Tự Do. Giờ đây trong trí nhớ tôi vẫn còn hình ảnh em với mái tóc đen dài, đôi mắt màu hạt dẻ và một nụ cười rụt rè như lần đầu mình quen nhau.
Và Giáng Sinh Đà Lạt một năm trước đó, con đường Hoa Hồng, con dốc dẫn lên nhà Bưu Điện, con suối cạn chạy dưới chân cầu đưa mình trở lại chợ Hòa Bình, con đường vòng đã dắt ta đi quanh hồ Xuân Hương, và cái quán nước quen nhô ra mặt hồ, nơi chúng ta đã đến ngồi uống ly cà phê đen đặc nhìn ra những ngọn đèn vàng ám đang nhắm mắt ngủ gà ngủ gật trong tiếng nhạc Noel. Và hàng bánh xèo ở đường Tăng Bạt Hổ, buổi tối đó chúng ta đã đến, ngồi tựa vào nhau xoa tay bên lò than hồng chia chút hơi ấm chờ phần ăn của mình.
Đó là những ngày Giáng Sinh hoà bình giả tưởng.
Một thứ Hoà Bình không có thật. Phải chờ thêm 4 năm chiến tranh nữa, cho xương và máu và nước mắt đổ xuống thêm nữa, cho đủ cái lượng mà Thượng Đế tàn nhẫn đòi hỏi để mua được một chút hoà bình.
Nhưng hoà bình cho người này có khi là nỗi đau của người khác. Nước biển đại dương tăng thêm chất mặn vì xác người và nước mắt. Người bỏ nước ra đi chôn vùi trên biển, người ở lại đổ nước mắt xuống cho một nấm mồ trong trái tim.
Vậy mà cũng đã gần 40 năm.
Biết làm thế nào được, khi mà người ta vẫn nhắc câu Si vis pacem para bellum, muốn hoà bình phải chuẩn bị chiến tranh. Nay chiến tranh đã đi qua nhiều năm trên quê hương chúng ta, nhưng những dấu chân của nó đối những người của cả một thế hệ tôi, đôi khi - hình như - vẫn như còn hiện ra trong giấc mơ.
2.
Tôi đang viết cho em giữa những âm thanh quen thuộc của một mùa Giáng Sinh. Những bài hát cũ đang trở lại trên truyền hình, trên radio, .. như một điệp khúc. Nó kéo lui cái thời gian cách đây gần 40 năm, ngày chúng ta mới quen nhau.
Hãy tưởng tượng tôi đang bước vào phòng khách với những gói quà trên tay và em đang đứng giữa nhà với cây thông giăng những bóng điện màu, cột treo những gói giấy hoa vuông vức màu sắc rực rỡ, em sẽ ngừng tay và tôi sẽ thả những hộp quà xuống thảm, chúng ta hôn nhau trong tiếng chuông đổ dồn của ngôi nhà thờ trên ngọn đồi phía đông bắc thành phố, và khúc hát Những Thiên Thần Trên Cánh Đồng Chúng Ta bay lượn khắp căn phòng.
Hãy tưởng tượng khi hồi chuông nhà thờ vừa tắt, ánh sáng trên bầu trời của một vùng thung lũng với những ngọn đồi không tên bất ngờ chìm trong bóng tối, và trong tiếng hát lên trời, trong nỗi cô đơn của mỗi người, tôi gặp lại em, và nghe thấy trong không gian vang lừng tiếng kêu của Người không phải đang Ra Đời mà là tiếng kêu thất thanh của Người trên Thánh Giá.
Eli, Eli, lamma sabacthami **
Hãy tưởng tượng, những con dốc, mặt hồ, sương mù, rừng thông, tiếng gió hú ban đêm chạy dài qua thung lũng và hơi thở của núi đá.... Ở một nơi nào đó, bây giờ em đang làm gì?
Tại sao?
3.
Tôi đang viết cho em giữa những âm thanh quen thuộc của một mùa Giáng Sinh. Những bài hát cũ đang trở lại trên truyền hình, trên radio, .. như một điệp khúc. Nó kéo lui cái thời gian cách đây gần 40 năm, ngày chúng ta vừa mới quen nhau.
Không biết những dòng chữ này có kịp đến tay em trong mùa Giáng Sinh năm nay? Và nếu may mà nó đến kịp trước giờ Thánh Lễ, không biết em sẽ đọc chúng dưới ánh sáng nào? Hư ảo lung linh của những hàng bạch lạp hay chói chang nóng hổi của những ngọn đèn ba trăm nến?
Sáng hôm nay, trời xanh, nắng vàng, nhưng sao mà lạnh buốt. Thành phố tôi đang sống bắt đầu vào đông. Thung lũng đầy sương mù và buốt giá, đầu tôi như đóng băng. Trí nhớ tôi lẫn lộn giữa quê nhà và xứ người, giữa một hiện tại lạnh lẽo và một quá khứ buồn bã. Em còn nhớ mùa Noel cuối cùng ở Sài Gòn, chúng ta đi xe đạp qua rạp Khải Hoàn mua gói xôi nóng trên đường Phạm Ngũ Lão, đạp ngược lại đường Nguyễn Thiện Thuật uống ly cà phê Năm Dưỡng. Suốt cả một buổi tối sự im lặng của tôi làm em khó chịu. Tôi đã hôn em giữa một Sài Gòn mất điện để nói với em là với những kẻ có khuôn mặt thú, lấy sự giả trá và mưu toan hạ nhục người khác làm lẽ sống thì im lặng là khinh bỉ, còn với em, im lặng chỉ là vì chúng ta không còn ngôn ngữ nào cho một tình yêu sắp phải chia tay.
Tôi tưởng tượng em mặc áo len dầy màu đen, đang ngồi trong phòng khách ấm cúng bên lò sưởi, xem truyền hình, và nghe lại những ca khúc mà gần 40 năm trước chúng ta đã nghe. …Tôi hy vọng rồi ra sẽ có lúc người đối xử với nhau như người-với-người chứ không phải cỏ cây hay loài thú. So sánh như thế đôi khi cũng là vội vã, bởi vì cỏ cây hay thú vật đôi khi còn biết đối xử hay hơn con người.
Không còn ai để nhắc lại câu Si vis pacem para bellum nữa. Muốn hoà bình trước hết người ta “không” nên chuẩn bị chiến tranh.
Liệu thư này có đến được tay em?
Em còn nhớ cái thư sau cùng tôi viết cho em là tôi đang chán đời, tôi thấy cuộc sống này không có gì đáng sống nữa,… Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi vẫn nhìn thấy tôi trong gương, một khuôn mặt xa lạ đang nhìn ngó chính mình. Tôi đó sao? Tôi sẽ phải làm gì sáng nay? Tôi sẽ nói câu gì với người đồng nghiệp? Tôi sẽ ngồi uống ly cà phê ở cái quán quen ở thành phố Milpitas hay sẽ xuống San Jose? Và tôi sẽ làm gì khi trở về vào mỗi buổi tối? Và em đã trả lời tôi rằng "Em đang muốn có thêm hai, ba cuộc đời nữa. Lúc nào anh thấy chán đời, muốn chết, anh chỉ việc nghĩ rằng: phần đời còn lại của anh, nếu anh đem cho em, thì tốt quá. Em nhờ anh giữ hộ cái phần đời mà anh muốn đem cho em đó ở chỗ anh, để dự trữ, khi nào của em hết, em sẽ dùng đến phần dự trữ kia.” Tôi đang làm như thế. Em coi như tôi đang sống với cái phần dự trữ của em. Nhé!
Nhưng, thư từ mà làm chi, chữ nghĩa đôi khi cũng là điều vô ích, nếu một khi chúng ta đã không còn muốn đọc nhau nữa. Phải không?
*Hoàng Ngọc Nguyên, Cho Những Người Vừa Nằm Xuống, Việt Tribune thứ Sáu 21/ 12/ 2012
** Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài bỏ tôi? Tiếng kêu của Christ khi chết trên thập tự giá. Saint Matthieu, XXVII, 46; Saint Marc, XV, 34.
12, 1972 -12, 2012
http://www.voatiengviet.com/content/thu-giang-sinh/1570455.html