Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ nêu trường hợp được cho là “đột tử” bất thường của bà
Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong báo cáo nhân
quyền 2022, công bố hôm 20/3.
Bà Hồng qua đời hôm 10/10/2022 sau
hai ngày bị bắt liên quan đến cuộc điều tra lãnh đạo tập đoàn Vạn Thịnh
Phát. “Đầu tiên truyền thông nhà nước loan tin về “vụ đột tử” của bà
Hồng, nhưng sau đó đã xóa tất cả các bài viết về cái chết này”, báo cáo
viết trong mục các vụ giết người tùy tiện hoặc trái pháp luật.
Ngoài
trường hợp của bà Hồng, báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ còn
ghi nhận 5 trường hợp tử vong bất thường khác khi bị công an giam giữ.
Báo cáo viết: “Chính quyền hoặc các đặc vụ của họ đã thực hiện các vụ
giết người tùy tiện hoặc trái pháp luật. Truyền thông nhà nước đưa tin
ít nhất về vụ 6 người tử vong trong khi bị giam giữ này, nhưng nhà chức
trách cho rằng những cái chết này là do tự tử hoặc do các vấn đề sức
khỏe”.
Báo cáo cho biết: “Có những thông tin đáng tin cậy rằng các
thành viên của lực lượng an ninh đã thực hiện nhiều hành vi lạm quyền”.
“Các
vấn đề quan trọng về nhân quyền bao gồm các thông tin đáng tin cậy về:
các vụ giết người phi pháp hoặc tùy tiện của chính phủ; tra tấn và đối
xử và trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm của các cơ
quan chính phủ; bắt và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị…” phúc trình
cho biết.
Trong mục chính quyền dùng nhục hình, bức cung, xâm
phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị giam giữ, báo
cáo ghi nhận một số trường hợp người bị giam giữ bị công an hoặc các
quan chức an ninh mặc thường phục ngược đãi và tra tấn trong quá trình
bắt giữ, thẩm vấn và giam giữ, điển hình là vụ ông Lê Chí Thành bị kết
án hai năm tù về tội “chống người thi hành công vụ” vào ngày 14/1/2022.
“Tại phiên tòa, ông nói rằng trong thời gian tạm giam trước khi xét xử,
công an đã treo ngược ông và biệt giam kéo dài”, báo cáo viết.
Khoảng
30 gia đình của các tù nhân chính trị kêu gọi chính quyền cho phép các
tù nhân mắc bệnh được nhập viện sau khi hai người được cho là đã chết vì
không được chăm sóc kịp thời, báo cáo viết.
Lời kêu gọi này được
đưa ra sau cái chết của ông Đỗ Công Đương vào ngày 2/8 tại một bệnh viện
ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, khi đang bị giam giữ tại Trại giam
số 6.
Ông Đương là một nhà báo độc lập bị bỏ tù vì tội “gây rối
trật tự công cộng” và “lạm dụng quyền tự do và dân chủ.” Theo gia đình
ông Dương, cán bộ trại giam không đưa ra phương pháp điều trị thích hợp
cho một số bệnh của ông và chỉ chấp thuận yêu cầu đưa ông đến bệnh viện
khi tình trạng của ông đã trở nặng và không còn khả năng điều trị. Cái
chết của Đương là cái chết thứ hai trong số các tù nhân chính trị tại
trại giam này kể từ năm 2019.
Báo cáo ghi nhận việc chính quyền
Việt Nam kéo dài thời gian tạm giam quá lâu trước khi xét xử đối với các
nhà bất đồng chính kiến, điển hình như trường hợp của nhà báo độc lập
Lê Anh Hùng ở Hà Nội, bị tạm giam 4 năm trong khi thời hạn tạm giam tối
đa trước khi xét xử trên danh nghĩa là 21 tháng trong các trường hợp
“tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Ông Hùng cuối cùng bị tuyên án 5 năm
tù với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” vào ngày 30/8/2022.
Báo
cáo dẫn lời các nhà hoạt động cho biết: “Công an và các công tố viên đã
sử dụng thời hạn giam giữ kéo dài trước khi xét xử để trừng phạt hoặc
gây áp lực buộc những người bảo vệ nhân quyền phải nhận tội”.
Lấy
số liệu từ báo chí, tổ chức phi chính phủ và các nhà quan sát, tính đến
ngày 16/9/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền đã bắt giữ ít nhất
173 người hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, bao gồm 143 người bị kết
án và 24 người đang bị giam giữ trước khi xét xử.
Theo các phương
tiện truyền thông và báo cáo từ các nhóm nhân quyền, từ ngày 1/1 đến
ngày 16/9, chính quyền đã bắt giữ 19 và kết án 26 người đang thực thi
các quyền con người được quốc tế công nhận, chẳng hạn như quyền tự do
ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội.
Hầu hết các vụ bắt giữ và
kết án này đều có liên quan đến việc viết blog trực tuyến, và các bị cáo
bị buộc tội “Làm, lưu trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài
liệu hoặc vật phẩm” với mục đích “chống phá” nhà nước và “Lợi dụng quyền
tự do dân chủ”, vẫn theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
VOA đã
liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về báo cáo mới
nhất này của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Trong
email trả lời yêu cầu bình luận của VOA vào tháng 2/2023, Phó Phát ngôn
Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: “Bảo vệ và thúc đẩy quyền
con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn
xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình Đổi mới và công
cuộc phát triển đất nước, và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống,
quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
“Các
quyền con người và quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Việt
Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được
triển khai trong thực tiễn”, bà Hằng cho biết thêm.
Bà Hằng nói
rằng Việt Nam “sẵn sàng” trao đổi với Hoa Kỳ trong các khuôn khổ hiện có
về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở
và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn
diện giữa hai nước.
Phản ứng trước báo cáo nhân quyền của phía Mỹ
năm 2021, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ lại một lần
nữa đưa ra nhận định “sai lệch” về tình hình nhân quyền của Việt Nam,
cho rằng báo cáo có một số nhận định “thiếu khách quan dựa trên những
thông tin không chính xác”.
Giới hoạt động nhân quyền bày tỏ sự
đồng tình với báo cáo 2022 của phía Mỹ, cho VOA biết rằng “rõ ràng tình
hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn bị vi phạm nghiêm trọng”.
Luật sư
nhân quyền Lê Quốc Quân ở Hà Nội viết cho VOA hôm 20/3: “Các tiếng nói
đối lập vẫn bị bóp nghẹt và không gian xã hội dân sự đang bị co lại rất
lớn so với giai đoạn 2010-2018”.
“Nhà nước đã mạnh tay hơn trên
tất cả các khía cạnh, từ việc bắt giữ những tiếng nói ôn hòa hơn và
tuyên án với mức án cao hơn đến việc giải tán các tổ chức xã hội dân sự
độc lập tự phát và bắt giữ các thành viên chủ chốt của các tổ chức được
thành lập chính thức bằng các điều khoản mơ hồ như “Trốn thuế” (Điều
200) hay “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 331)”, luật sư Quân
nhận định.